Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Về Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang...

13/09/201821:11(Xem: 10001)
Về Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang...

nguahoang_1
“VỀ VẾT THÙ TRÊN LƯNG NGỰA HOANG…”

Đột nhiên tôi nhớ lại câu nói của một người đã nói với tôi: “Khi chưa tu học, núi là núi, sông là sông; tu học đến một giai đoạn nào đó, núi chẳng là núi, sông chẳng còn là sông; đến khi giác ngộ, núi lại là núi, sông lại là sông!”. Không biết mình đã đến giai đoạn nào nhưng hôm nay, trong tôi chợt vang lên vài câu hát “…Một hôm ngựa bỗng thấy thanh bình, thảm cỏ tình yêu dưới chân mình…”. Rồi tôi nhớ tới ông ngoại, một người mà tôi gắn bó rất thân thiết từ ngày thơ ấu. Vì sao? Tôi không còn nhớ rõ, nhưng một cách mang máng rằng, ông đã từng nói bài hát này có liên quan đến Đại Cathay – một tay giang hồ khét tiếng Sài Gòn của thế kỷ trước. Đã là giang hồ thì vết thù, nỗi hận có thiếu gì, nhưng hôm nay, tôi cảm nhận ý vị của lời hát nó hoàn toàn khác. Tôi cảm nhận tên ngựa hoang ấy, sau khi đã lãnh trọn vết thù đã bắt đầu tâm tư về lẽ đời, lẽ đạo và mong muốn một sự giải thoát thực thụ.

“Ngựa hoang, nào dẫm nát tơi bời…”.

Ngựa, như nhà Phật hay nói: “tâm viên, ý mã”. Tâm như con vượn leo trèo, chuyền cành thoăn thoắt, chẳng thể đoán biết được điểm đến tiếp theo của hắn; ý như con ngựa rong ruổi khắp cùng trời cuối đất, nơi biên cương, quan ải, khi lại rừng rậm, đồng hoang; dường như cả đời chẳng bao giờ có điểm dừng cuối cùng vậy. Có chăng? Lòng đất! Và vì sao cái tâm vượn, ý ngựa ấy lại hành động như thế? Vì nó hoang! Chúng chưa được thuần hóa, như con người chưa được đi học, chưa được dạy dỗ, chưa được rèn luyện. Thế thôi! Như con người, chúng sanh, trôi lăn mãi trong luân hồi chẳng biết nhàm mỏi, chúng ta hay chê cười loài súc vật vô tri, so với chú ngựa hoang này, ta thấy ta có thông minh hơn chăng? Hay là cũng vẫn chạy dài với những nào là tiền tài, danh vọng, ngũ dục, lục trần, để rồi cái điểm đến cuối cùng vẫn là trả về cho tứ đại, cho đất, cho nước, cho gió, cho lửa?

Nó chạy dài như thế, nơi nào nó đi qua trở thành một bãi tàn chiến trận, cỏ hoang nằm rợp, dẫm nát tơi bời mọi thứ. Nhưng, hãy để ý chữ nào! Như Kinh Kim Cang có nói: “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng”, cái tướng dẫm nát tơi bời ấy là thật hay là không thật? Chính tên ngựa hoang cũng đang thắc mắc, nhưng theo tôi, nào dẫm nát tơi bời ấy là không thật. Nó không thật không phải vì nó không thật, nó thật, nhưng cái thật ấy chẳng thường còn, nó biến đổi theo thời gian, theo đúng cái lẽ duyên hợp duyên tan của nó. Cái tơi bời tàn tạ đó hội đủ duyên để gặp tên ngựa hoang, nó tàn lụi, rồi sau đó, đủ duyên, nó trở lại, cũng không biết chừng là bao lâu. Nhưng trong cảnh mộng này, chỉ như một sát na, một khảy móng tay. Chúng ta điên đảo cho là tam thế: có quá khứ, có hiện tại và tương lai; thấy có bốn tướng: tướng ta, tướng người, chúng sanh và thọ giả. Tôi cũng chẳng phải hay ho gì, chỉ là diễn giải một cách vụng về lại lời thừa của Thầy Tổ, chỉ sợ diễn sai mà sanh thêm tội nghiệp nhưng vì muốn viết ra một chút vọng tưởng, một chút lý luận suông ngõ hầu có dịp ôn lại những gì đã đọc, đã học. Chỉ có vậy. Và, cỏ cây hay những vật vô tình đã bị giày xéo kia chẳng buồn mà nhìn lại thân mình, nhờ vậy mà chúng chẳng sầu, chẳng muộn, nhưng chú ngựa hoang thì lại khác.

“…Đồng cỏ nào xanh ngát lưng trời…”.

Trước mắt chú là một đồng cỏ hoang xanh ngắt. Nhưng lại xuất hiện một chữ “nào”! Cảnh vật hoang tàn trước kia do duyên mà vụn vỡ, đồng cỏ này cũng duyên mà xanh rợp ngút ngàn. Cũng không thật! Y như kia chẳng khác. Nhưng không! Nó ru lòng con người ta nhiều hơn thế! Vì nó xanh ngát tới chân trời kia mà! Nói theo thế gian, nó dẫn dụ ta tới tự tư tự lợi, danh vọng lợi dưỡng, ngũ dục lục trần, tham sân si mạn; nói xa hơn, cao hơn, nó dẫn ta tới cõi giới của nhân thiên, của sự hưởng thụ bằng những đám mây màu hồng hay cầu vồng nhiều màu sắc.

“…Ngựa phi như điên cuồng, giữa cánh đồng, dưới cơn giông, vì trên lưng cong oằn, những vết roi đã in hằn…”.

Không biết chú ngựa ấy ham thích cái bờ bến lạ kia hay sợ hãi cái viễn cảnh lục đạo tối tăm mà hắn phi điên cuồng, bất chấp sự bao la của cảnh sắc và nghiệt ngã của thời tiết cùng những dấu ấn khó phai mờ trên tấm thân trần trụi. Có lẽ vì đã quá mệt mỏi với nhân sinh, với cuộc đời; cùng với kinh nghiệm ra vào lục đạo của chúng ta thật y như chú không hai. Nói trắng ra nhiều khi ta còn thua tên ngựa hoang này, vì chú đã bắt đầu biết tư lự về lẽ đời, muốn thoát ra khỏi cái cảnh tù đày tam giới, chú phóng chạy điên cuồng nhưng trong vô vọng, không có ai hướng dẫn cho chú. Ta may mắn vì đã có Phật, có Tổ thuyết giáo cho ta, những bài học căn bản về Nhân quả, về Tứ diệu đế, về Duyên khởi,…, xa hơn là tam tàng kinh điển nhưng ta còn chưa thoát được, phiền não, tập khí còn dẫy đầy, chẳng biết hổ thẹn.

Chú phi điên cuồng bất chấp sự vô hạn của thời gian, sự bát ngát của không gian, dưới cơn giông thịnh, suy, hủy, dự, xưng, cơ, khổ, lạc, cong oằn cả lưng, in hằn đầy các vết sẹo, làm sao chịu nổi? Ta cười chú, ta tội cho hoàn cảnh của chú, nhưng xét lại đi, ta có khác gì chú chứ? Cũng sống với tám ngọn gió đời, gió được mất, vinh nhục, khen chê, khổ vui. Có lẽ ta bám rễ tam giới, lục đạo quá sâu rồi nên tám gió thổi không động hay sao?

Những vết roi hằn trên lưng là vết tích của sự lăn lộn, cũng có thể là một sự cảnh tỉnh cho chú. Thiện ác chi báo, như bóng tùy hình. Ngày xưa chú sống sao mà đến nay phải thế? Cũng có thể là dấu roi Phật Pháp, giáng vào chú, như nhắc nhở chúng ta phải tự tu tập, cố gắng dù con đường giác ngộ gian nan, phải qua nhiều chông gai, thử thách và dưới sự mênh mang, vô định của màn trời chiếu đất, của Ta bà Kham Nhẫn này. Vô minh cũng do mình, nhất niệm sanh khởi pháp giới liền xuất hiện.

“…Một hôm, ngựa bỗng thấy thanh bình. Thảm cỏ tình yêu dưới chân mình…”.

Cổ nhân nói: “cực lạc sanh bi”. Hay ngược lại, cực bi sanh lạc vậy. Quá khổ ải rồi, ngựa ta bắt đầu cảm thấy một chút an lạc. Như câu chuyện của chú tiểu và vị thầy. Chú ta thấy quá chán không biết làm gì, hỏi thầy, thầy dạy chú bưng tảng đá lên, giữ như thế mãi không cho đặt xuống. Đến mức độ không thể chịu nổi nữa, thầy bảo chú buông ra. Và chú thấy thật thoải mái. Cũng vậy, câu chuyện của ngựa hoang cũng như chuyện chung của chúng ta, chạy hoài chạy mãi, mệt, nghỉ! Phật, Thầy, Tổ nói ta mãi ta chẳng nghe, đành để cho chúng ta chịu khổ một phen, đúng như sự lựa chọn của ta rồi còn gì? Người giác ngộ chọn đường Trung đạo, chúng ta chọn đường hai bên, như đi trên dòng sông, bám víu một bên là chẳng thể tiến xa được, bập bềnh, làm rác thôi. Nói thì dễ, có người nói Trung đạo cũng như Trung dung của Nho gia, là hành xử không thái quá, không vướng vào một bên, không quá yêu thích, không quá ghét giận,…nói chung là chính giữa. Rồi theo như câu chuyện về cuộc đời Đức Phật, ngài ngộ ra chân lý Trung đạo, không khổ hạnh, ép xác cũng không sống hưởng thụ xa hoa; như dây đàn căng quá sẽ đứt mà chùng quá sẽ không cho âm thanh hay ho. Thế là ta cho rằng phải như vậy, cũng chính là cách để chúng ta giải đãi hay bào chữa cho sự lười biếng hay cái ngã, cái tôi của mình. Về mặt sự thì rõ ràng dễ thấy là vậy, nhưng về mặt lý thì sao? Nếu như ta buộc ta phải “Trung đạo” (tức Trung đạo theo cách của ta) thì ta lại vướng vào lý “phải Trung đạo”, tức vướng vào một bên rồi. Như Ngài Ca diếp tu hạnh Đầu đà, là người khổ hạnh bậc nhất trong các đệ tử Phật. Phật không những không quở trách mà còn khen ngợi, cho là việc hiếm có. Chẳng những vậy, tâm ấn truyền lại cũng là Ngài Ca diếp. Nếu ta phê phán sự khổ hạnh há chẳng phải đi ngược lại Phật cùng Sơ Tổ hay sao? Hay như hòa thượng Hư Vân là một bậc cao tăng, suốt đời khổ hạnh, ăn không ăn ngon, ngủ trong chòi nhỏ, đến ngoài trăm tuổi vẫn giữ phạm hạnh, đó chẳng phải là tấm gương để ta soi theo chăng? Nếu người tu đã điều phục được tâm mình, sướng hay khổ cũng do tâm quyết thì có gì gọi là khổ hạnh hay không khổ hạnh, có gì gọi là khổ hay vui đâu. Cái khổ ấy là do ta dùng mực thước của chính mình mà áp đặt vào người khác rồi cho là thế này thế nọ, chứ sự cảm thọ của mỗi người mỗi biết, ai ăn nấy no, làm sao mà ta có thể lý luận suy diễn thay được? Chưa chứng Trung đạo tức chưa ra ngoài nhị biên, tâm phân biệt vẫn còn đó. Chỉ khi nào ta đạt được trạng thái vô phân biệt, buông bỏ mọi chấp thủ, bước vào Vô ngã, khi ấy hãy bàn đến Trung đạo, còn ngoài ra, chỉ như đếm của cho người, vẽ lông rùa sừng thỏ mà thôi.

Một cực biên của cuộc đời là sự vui sướng, là tình yêu, tình yêu quê hương đất nước, làng xóm, cha mẹ, trai gái,… Nó dệt ra đủ thứ hay ho cho ta mê mệt. Đúng như nhà Phật thường hay nói:

“Ái bất trọng bất sanh Ta bà

Niệm bất nhất bất sanh Tịnh độ”

Ái dục là nguồn gốc của luân hồi sanh tử. Nó ghê gớm dường ấy. Do đó ta cần phải tỉnh giác, bởi đó là giấc mộng đẹp, nó ru con người ta một cách đầy ma lực mà một khi đã rơi vào là vô lượng kiếp trầm luân khổ hải. Thảm cỏ tình yêu dưới chân ta mà, ta có thể đè bẹp, vác đá đặt lên, có thể nhổ gốc, có thể làm bất kỳ điều gì, nhưng tại sao ta cứ bị vẻ đẹp của nó quyến rũ? Hình tướng của Bồ tát Phổ Hiền cưỡi trên voi trắng sáu ngà cũng ngầm biểu tượng ý ấy. Sức nặng ngàn cân của đại tượng mới đủ sức chứ không phải người chí hướng tầm thường có thể làm nổi. Chỉ có Bồ tát tu lục độ, bước ra khỏi nhị nguyên đối đãi mới không bị dục nhiễm bao phủ lấy thân.

“…Ân tình mở cửa ra với mình, ngựa hoang bỗng thấy mơ để quên những vết thù…”.

Đúng là người tu thì nhiều ma chướng. Ma ở đây là sự ngăn ngại, che đậy ta tới con đường giải thoát chứ không phải là một thực thể kinh dị như ta thường nghĩ, thường biết. Ma hay Mâra (trong tiếng Phạn) trong Phật giáo là như thế. Cụ thể hơn, ma ở đây là ma ân tình, ma tình yêu, ma ái dục, ma của sự chấp giữ, chấp thủ. Nó mở cửa, chào đón, kêu gọi ta, đến nỗi tên ngựa hoang mơ màng chìm trong bể mộng, thù hằn quên hết. Cái quên ở đây là hắn tạm quên thôi, hắn rơi vào một giấc mộng khác, mộng chồng mộng, mộng Phật giáo cũng là một dạng mộng. Như tánh tham, Phật dạy ta đoạn tham chứ không dạy ta đổi đối tượng tham, nhiều người sau một thời gian học Phật lại sanh ra tánh tham Phật pháp và cho rằng điều ấy đúng, hợp ý Phật. Không khéo điều phục ắt lại lọt vào lưới ma, một phen ma vương tóm trọn. Phải sống tỉnh giác, như hòa thượng sư ông Thích Thanh Từ đã dạy :

Gá thân mộng, dạo cảnh mộng

Mộng tan rồi, cười vỡ mộng

Ghi lời mộng, nhắn khách mộng

Biết được mộng, Tỉnh cơn mộng.

Cái thân này là cái thân nương gá, thân giả tạm, thân hòa hợp do duyên, chẳng thật. Vì vậy, xưa nay con người “túy sanh, mộng tử” - say sống, mộng chết, chẳng biết mình từ đâu và do đâu đến, mờ mờ mịt mịt, bất tri bất giác, chết đi cũng vô định mặc cho số phận trôi dạt; chẳng giống như các bậc minh triết linh linh bất muội, liễu liễu thường tri.

“…Ngựa hoang muốn về tắm sông nhẫn nhục, dòng sông mơ màng mát trong thơm ngọt…”.

Xuôi theo dòng chảy Phật giáo, con sông Ni liên thiền cũng cứ êm đềm như minh chứng lịch sử cho sự chứng ngộ của bậc đại trí. Và tên ngựa hoang ngày nào cũng mơ màng về cái viễn cảnh ấy, cũng muốn được một lần đến được Ni liên, uống trọn dòng giải thoát bất tận. Nhưng để cảm nhận được sự mát ngọt ấy, tiêu chuẩn đặt ra thật không dễ dàng. Bồ tát tu lục độ đầu tiên là bố thí xả bỏ tâm tham, trì giới nghiêm thân xây định, sau đó mới là nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ. Bước vào cửa nhẫn nhục để bắt đầu chiêm nghiệm xem mình tới đâu. Ngày xưa, tiền kiếp Ngài Xá lợi phất tu hạnh nhẫn nhục, bố thí cặp mắt nhưng người nhận không trân trọng, chà đạp, đến nổi Ngài cảm khái chúng sanh can cường nan hóa, thoái thất chí hướng, an trú tự thân. Sau này Ngài mới lại hồi tiểu hướng đại, tu nhẫn nhục thật không dễ dàng. Câu chuyện về Thế Tôn trong kinh Kim Cang là một bài học lớn cho chúng ta. Tiền thân Ngài là nhẫn nhục tiên nhân, bố thí thân thể cho vua Ca lợi. Dầu bị phanh ra từng mảnh, Ngài vẫn một mực hoan hỷ, không một chút hờn oán bởi Ngài đâu còn tướng nhân, tướng ngã, tướng chúng sanh và thọ giả. Ngài còn nói sẽ độ hóa cho Ca lợi vương đầu tiên ngay khi thành đạo, và đúng là bậc không vọng ngữ, sau này tôn giả Kiều Trần Như tức hậu thân của vua đã chứng quả A la hán trong lần chuyển pháp luân đầu tiên của Đức Phật.

Nhẫn nhục vốn ban đầu dịch là nhẫn nại, nhưng đối với người Trung Quốc, danh dự đáng giá hơn nhiều so với bất cứ thứ gì. Nhục nhã còn có thể nhẫn thì có gì không thể nhẫn được nữa chứ? Do đó, các bậc tiền bối dịch thành nhẫn nhục. Người tu hạnh nhẫn nhục không có điều gì không nhẫn được, nhẫn điều mà người khác khó nhẫn, như Bồ tát Di lặc với cái bụng to và nụ cười hoa nở: “Bụng lớn năng dung, dung những điều khó dung trong thiên hạ; Miệng cười thường xả, xả những điều khôn xả của thế gian”. Điều mà ai cũng nhịn được, ai cũng làm được thì có gì đâu nữa gọi là nhẫn nhục? Nhẫn nhục để dần cảm nhận được thứ nước Cam lồ mát ngọt, thứ nước giải thoát vi diệu mà mười phương ba đời chư Phật đều dùng ấy. Như giọt nước từ bi mà Quan Âm Bồ tát đã cứu đám nhân sâm quả mà Tôn Ngộ Không trong Tây Du Ký đã làm chết, dù là đại thánh có phép thần thông, trên đến trời cao, dưới thấu địa ngục, đảo chuyển càn khôn cũng chẳng tài nào cứu nổi. Chỉ có thật tu thật chứng, thân tâm thanh tịnh như tịnh bình kia cùng cành dương uyển chuyển, nhẫn nhục, khéo léo kết hợp với nước từ bi mới có thể xua tan tất cả, tự tại vô ngại ngoài sanh tử.

Nhưng cần nhớ là, tu là phải sáng suốt, cảm nhận rõ ràng như trái yêm ma la trên lòng bàn tay, chẳng phải cứ mơ mơ màng màng “mơ màng mát trong thơm ngọt”. Nhưng dù sao biết lần tới nẻo sáng là đã tiến bộ lắm so với tánh hoang, tánh cuồng của ngày xưa rồi. Ngựa hoang ngày nào có vẻ đã là một hành giả chập chững bước.

“…Ngựa hoang quên thù oán căm, từ nơi tối tăm về miền tươi sáng…”.

Nhờ thực hành triệt để mà ngựa hoang ngày nào đã có được chút thành tựu, quên đi thù oán, xả bỏ thị phi nhân ngã, hướng về phía ánh quang minh thường chiếu, như hang động tối ngàn năm nhưng chỉ cần có một tia sáng cũng đủ soi tỏ, như bộ quần áo dầu mặc dơ trăm ngày nhưng chỉ cần chịu giặt giũ ắt sạch sẽ vậy. Quên thù hay tươi sáng là thuận theo thế tục mà nói, thuận theo sự lấy bỏ, phương tiện để tiến dần vào Trung đạo chứ không phải sự chọn lựa bám víu vào một biên. Theo Tây Du Ký là kinh vô tự (lúc các thầy trò thỉnh kinh về bị rơi xuống nước và phát hiện kinh không có chữ), nếu lìa ngôn ngữ mà nói thì làm sao chúng sanh hiểu được? Như việc Thế Tôn trao tâm ấn cho Ngài Ca diếp: “Ta có chánh pháp nhãn tạng, Niết bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng, nay đem phó chúc cho ông”, đó là các Ngài nói thì ta biết vậy, chứ vốn tâm truyền tâm làm sao dùng cái tâm phân biệt mà suy lường nổi? Nhà Phật thường hay dùng “bất khả tư nghì (nghị)” hay “không thể nghĩ bàn”, nói cạn thì là không thể dùng cái trí phàm phu mà trắc lượng, nói sâu hơn là không thể nghĩ và không thể bàn. Không thể nghĩ là vì không thể dùng cái tâm ý thức, cái vọng tâm để thể nhận mà phải dùng chơn tâm, không thể bàn là vì lìa ngôn ngữ, nếu ngôn ngữ mà giải quyết được thì thế gian đâu còn tranh luận duy vật hay duy tâm. Cái này gọi là đường ngôn ngữ dứt, bặt dấu tâm hành. Ngôn ngữ như một tên vô dụng trong cuộc chiến này! Còn có thể gọi đây là vô niệm, không khởi bất kỳ thứ gì, cũng chính là tâm không trụ vào đâu mà vận hành vậy.

Quên có nghĩa là thật sự quên, chứ không phải là quên dựa trên sự nhớ. Người nói quên mà còn biết mình quên tức chưa thật sự quên mà là đang dung chứa cái quên, cái nhớ và cái ta biết ta đang quên. Nói theo Ngài Long Thọ, theo lý bát bất thì cái gì cũng sẽ có cái đối lập lại, do đó quên thì dẹp hẳn qua một bên chứ không nên quên dựa trên sự xác lập từ cái nhớ. Nói theo Tịnh độ thì dùng sáu chữ Hồng danh (hay bốn chữ) đối trị, dùng vọng chế vọng, niệm sao cho thuần nhất thành một khối, thể nhập tri kiến Phật. Phật dụng tâm, chúng sanh thời dụng tướng, tông phái nào cũng có đường lối riêng, cốt sao cho mỗi mỗi đều lìa phiền não, sống tự tại an vui thì pháp nào chẳng là pháp Phật?

“…Ngựa hoang về tới bến sông rồi, cởi mở lòng ra với cõi đời…”.

Ngựa hoang đã về tới bến sông, đã có được sự thọ dụng. Như câu chuyện con rùa và con cá, rùa ngao du thế gian kể cho cá nghe về đất bằng và những miền xa xôi với những điều kỳ diệu đã được mắt thấy tai nghe. Cá chẳng tin và cho là phi thực tế. Nhưng ngày nay, rùa đã đi nhiều, cũng như ngựa hoang, đi một ngày đàng, học một sàng khôn, tâm hồn cũng đã mở rộng, không an trú nơi mình mà còn muốn chia sẻ với những người khác nữa. Hạnh nguyện độ sanh đã khấp khởi, cái quan trọng là làm sao hòa quang đồng trần nhưng cư trần bất nhiễm, như hoa sen vậy – gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Mật Tông thường dùng câu chú là “Án ma ni bát mi hồng”. Giải thích một cách đơn giản, án là thân, ma ni là hoa sen, bát mi là giữ gìn, hồng là ý. Dịch lại là giữ thân, khẩu, ý thanh tịnh như hoa sen. Hoa sen sanh ra từ bùn mà không nhiễm, phát ra hương thơm, trong nhân có quả (tức gương sen, xuất hiện đồng thời với hoa). Hoa sen mọc lên từ bùn dơ ứng với lục đạo, phần nước trong phía trên ứng với tứ thánh pháp giới. Vượt lên hết thảy là Nhất chân pháp giới. Hoa sen vươn lên khỏi mười pháp giới, đến với pháp giới Nhất chân bằng năm thứ diệu hương, hương giới, hương định, hương huệ, hương giải thoát và giải thoát tri kiến. Ngày ngày ta thắp hương cho Phật toàn là tướng hương, chẳng có tâm hương nên nhiều người tụng chú chẳng linh là vậy! Quả của sen xuất hiện đồng thời với hoa (tức nhân), cũng như chúng ta gieo một nhân thiện hay một nhân ác là đã có một quả tương ứng xuất hiện. Một niệm Di Đà cầu sanh Cực Lạc Tịnh độ thì ngay nơi cõi nước đã có một đóa cho ta. Chúng sanh có cảm, chư Phật có ứng, Phật A Di Đà như trăng, tâm chúng sanh như nước, nước lặng trăng hiện, bùn đất cũng lắng trong, dầu là muôn sông vạn hồ, có nơi nào mà chẳng ứng hiện? Phật giáo vốn là giáo dục, chú trọng giáo dục con người, từ trong những hình ảnh đơn giản nhất như cúng dường hương, hoa, quả, nước, thức ăn,… mỗi mỗi đều là giáo dục. Hoa dụ cho vô thường, nhắc nhở chúng ta niệm niệm tỉnh giác, không bi lụy nơi cái thân, cái tâm và hoàn cảnh. Quả tượng trưng cho nhân quả như bóng theo hình, chẳng rời nhau. Nước như tâm, dụng tâm như nước, càng tịnh lặng cảm ứng càng nhiều. Dụng tâm như gương, hữu sự thì minh minh tỏ tỏ, vô sự thì cũng vẫn sáng trong, không lưu đọng. Thế gian hay cúng dường thức ăn. Cũng tốt. Con người còn biết lớn biết nhỏ, biết dâng bậc trưởng thượng trước khi mình thọ dụng là còn dạy dỗ được. Nên nhớ rằng: Phật ta thờ cúng chỉ là hình tượng, cái chính là ta cúng (tức là cung cấp) chính chúng ta chứ không phải cho Phật, và nếu bậc Ứng Cúng có thật sự thọ dụng cũng không làm não hại chúng sanh, do đó nên cúng chay là tốt nhất. Nhiều người hay xúc xiểm người ăn chay rằng tu hành, ăn chay, niệm Phật mà tâm còn chưa tịnh, sân giận, miệng còn mắng người là chưa được, chưa hay. Nếu họ thanh khiết vô nhiễm thì còn ăn chay làm gì chứ? Do chưa tịnh nên mới chay, như bệnh thì mới cần thuốc, càng bất tịnh chừng nào càng phải ráng chay chừng đó, chay chỉ là một hình thức rèn dần cái tâm vọng động này chứ không phải là một điều gì đó cao siêu kỳ lạ. Ăn chay là vì bình đẳng chúng sanh, nuôi dưỡng lòng từ, tránh luân hồi nghiệp báo, tránh đắm nhiễm nơi vị trần và để thân, tâm nhẹ nhàng, thuận tiện cho việc tiến tu. Thế thôi! Con người ngày nay bệnh hoạn đều bởi tham, sân, si do thân, miệng và ý nghĩ chiêu cảm thành. Thí như một người thèm ăn món thịt nướng, lòng tham đã khởi, ý nghiệp đã sanh, nếu không được vừa ý sẽ sanh ra bực tức, nóng giận, đập phá – tức thân nghiệp, có thể chửi bới – khẩu nghiệp. Không dứt bỏ được, suy nghĩ cứ lòng vòng lẩn quẩn tạo thành một chuỗi si mê bất tận. Bằng được thỏa nguyện, ăn cho no nê thì lại kết cấu độc chất (độc sinh ra trong quá trình chế biến và độc do sự sợ hãi của sinh vật bị giết mà tạo thành) vào người, quả đúng là bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra vậy! Nhưng nên hiểu sâu xa hơn, thức ăn là dùng để nuôi thân này. Ta dâng cúng thức ăn là dâng cái thân giả tạm này nguyện hy sinh vì sự trường tồn của Tam Bảo, cũng như Pháp thân dùng trí huệ để làm thọ mạng thì ta nguyện trưởng dưỡng trí huệ để bảo tồn Pháp thân. Huệ mạng còn dùng để gọi các Tỳ kheo, ta dâng cúng Tăng già để các bậc ấy tồn tại lưu truyền chánh pháp khiến pháp Phật được trường tồn vậy.

Muốn độ người là tốt, tuy nhiên, phải xem năng lực ta tới đâu. Ví như cứu người đuối nước mà tự ta chẳng biết bơi – khác nào làm trò cười cho thiên hạ? Dù sao thì ngựa ta cũng đã đến được sông nhẫn nhục, đã được nửa chặng đường rồi.

“…Nhưng đời ngựa hoang đã chết gục, và trên lưng nó, ôi! Còn nguyên những vết thù…”.

Sau hết thảy, vì sao ngựa hoang lại chết gục? Chết ở đây là cái chết của sanh tử thường tình, chết vì mãn thọ, chết vì bệnh tật, chết vì kiệt sức trên đường tu, vì hành bố thí thân mạng hay là sự lui sụt đạo tâm? Ta xem thấy, trên lưng ngựa, còn nguyên vết thù cũ. Đó là điều thường tình, đã mang sẹo thì chết vẫn còn sẹo, có sao đâu. Cái sợ, cái có sao ở đây là sợ rằng ngựa ta lại ôm lại thù cũ, lại trở về với lòng sân hận – cảnh giới của địa ngục – điều đáng sợ nhất của cuộc đời. Nhiều người cho rằng các bậc thánh: A la hán, Bồ tát hay Phật đà đã tự tại ngoài sanh tử là không còn chết nữa. Không chết không có nghĩa là sống mãi mãi mà là cách đối diện với cái chết như thế nào chứ cái thân xác giả hợp này dầu là có thể trụ được tám mươi vạn đại kiếp nhưng so với cái vô hạn của thời gian cũng chỉ là cái khảy móng tay, cái chớp mắt mà thôi! Chết ai cũng sợ nhưng từ xưa đến nay có ai thoát được cái chết đâu? Thay vì sợ hãi, lo lắng, chạy trốn vào núi sâu, lòng đất, lòng biển hay hư không vẫn bị nghiệp lực lôi kéo như thường, thôi thì ta dũng cảm đối diện, hay nói cách khác, ta nhận chân được nó, chấp nhận nó đúng như nó là, người như vậy gọi là liễu sanh thoát tử. Có thể ngày xưa ngựa hoang đã gây bao nỗi uất hận cho người khác, hôm nay, họ lại trả lại cho chú như thế ấy. Nếu là nghiệp mới thì hãy an tâm, một tơ hào nhân quả cũng chẳng sai chạy. Chú cứ an yên, bình thản mà đón nhận. Vết thù đã hiện hữu thì mãi chẳng phai mờ, đặc biệt là tâm vết. Cũng như chiếc gương, đã vỡ thì dù có làm như thế nào đi chăng nữa cũng khó mà hoàn thiện như xưa. Con người ai cũng có lỗi lầm nhưng biết cải hối lại thì mới là người trí, người dũng. Cái quan trọng là ta không ngại khó, ngại khổ, dẫu là trong muôn một vẫn tận sức mà làm. Tinh thành sở chí, kim thạch vi khai. Chỉ cần một ngày ta lấy một nắm đất ở Nam Sơn đi thì cũng có ngày Nam Sơn sẽ bị dời đi mất – đại ý câu nói của một nhân vật trong một bộ phim. Vết thù dựa trên cái ý “không vết thù” mà xác lập, chỉ cần tinh tấn, nghiêm túc thực hành lời Phật dạy, dần dần tiến nhập Phật tri kiến thì thù hay không thù hay phải không ‘thù hay không thù’ và ngược lại cũng đã hóa hư không từ khi nào không biết nữa.

Ngựa hoang đã thác sanh cõi nào? Hay chỉ là sự hóa thân dạy cho ta về lẽ đời, lẽ đạo, giờ hết cơ duyên độ hóa lại quay về nơi vốn như vậy?

24,27,28/08/2018

Pháp danh Minh Thuận

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
30/06/2011(Xem: 6328)
Con đường tâm linh mà chúng ta đang cùng nhau tiến bước có vô số chướng ngại, đầy sỏi đá chông gai, chúng ta cần nắm chắc tay nhau...
29/06/2011(Xem: 6826)
Chắc chắn, giáo dục không có ý nghĩa gì cả nếu nó không giúp bạn hiểu rõ sự rộng lớn vô hạn của cuộc sống với tất cả những tinh tế của nó, với vẻ đẹp lạ thường của nó, những đau khổ và hân hoan của nó.
19/06/2011(Xem: 4833)
Nếu mình là người có Trí huệ, biết lo cho hạnh phúc đời này và mai sau của mình thì mình lo tinh tấn tu hành, đừng để cái Chết hay Vô Thường tới, lúc đó đã quá muộn rồi.
12/06/2011(Xem: 5563)
Chúng ta luôn nói rằng kiếp người là hy hữu và đáng quý, vậy tại sao lại để cơ duyên uổng trôi?
12/06/2011(Xem: 4520)
Bàn về các pháp thế gian, Phật Pháp không bao giờ được dùng để thực hành với động cơ đem ra buôn bán nhằm mang lại danh tiếng hay tài bảo cho một cá nhân nào đó.
09/06/2011(Xem: 6172)
Chúng ta sống trong không gian vô cùng và thời gian vô tận tất phải có nhận thức về thế gian. Thế gian là một thế giới hiện tượng lưu chuyển mãi không ngừng nghỉ từng sát-na sanh diệtbất thường như vậy. Không gian luôn biến đổi. Chúng ta cũng chứng kiến được ruộng dâu biến thành bể cả và ngược lại. Thời gian huyễn hóa làm cho sự vật trở thành sanh trụ hoại diệt; con người thì sanh già bịnh chết. Chúng ta nhận thức đúng đắn và chơn thật rằng thế gian quả là vô thường. Thế giới hiện tượng vô thường mà sự vật hiện hữu do nhân duyên kết hợp, do đó chúng không có lúc nào tự mình độc lập tồn tại (sanh diệt). Tâm con người cũng vậy...
08/06/2011(Xem: 3757)
Khi nói đến Vô thường liền hiểu ngay đó là luật tuần hoàn của vũ trụ. Nơi nào có sự vận hành, chuyển biến, đổi dời, nơi đó có Vô thường. Vì vậy Vô thường là một định luật phổ biến, bao gồm cả vũ trụ và nhân sinh.
07/06/2011(Xem: 4323)
Từ thế giới vật chất ngoại tại - khách quan cho đến thế giới tâm thức nội tại - chủ quan đều là vô thường, mang tích chất “hoà hợp” và “tương tục” của “duyên sinh vô ngã”. Với thế giới xiêm la vạn tượng này, vật chất luôn vận động, núi đổi, sông dời,…; cũng vậy, một đời người rồi ai cũng chết; thân này là do Ngũ uẩn (Pañña-cupādanakkhandha): sắc, thọ, tưởng, hành, thức hợp lại mà hình thành, tương tục, sanh khởi và hoại diệt; nên gọi là “không”, là “vô ngã”.
05/06/2011(Xem: 4528)
Để tiến bước nhanh chóng và thuận lợi trên con đường tu tập tâm linh, chúng ta cần tới sự trợ duyên của hai thứ - công đức và trí tuệ -, cũng như hai cánh của một con chim...
01/06/2011(Xem: 4353)
“ Khi trung hữu của thời điểm chết xuất hiện tôi nguyện buông bỏ những ái luyến và những chấp thủ tâm ý, và nguyện tinh tấn không tán loạn trên đạo lộ mà những chỉ giáo làm sáng tỏ. Tâm đã phóng chiếu vào vô vi hư-không-xứ, đã li biệt cách tuyệt với thân, với thịt và máu, tôi sẽ tuệ tri tâm thì vô thường và như huyễn. ” Liên Hoa Sinh , Tử thư Tây Tạng.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]