Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Vấn đề giải thoát trong pháp môn niệm Phật

14/05/201418:53(Xem: 6537)
Vấn đề giải thoát trong pháp môn niệm Phật



A_Di_Da_Phat_5
VẤN ĐỀ GIẢI THOÁT TRONG PHÁP MÔN NIỆM PHẬT

Thích Đức Trí

1.1 Khái niệm về pháp niệm Phật và cảnh giới Tịnh Độ

1.2 Niệm Phật trong kinh điển Hán tạng và Nikaya

2.1 Ngài Huệ Viễn và pháp môn niệm Phật

2.2 Bốn cách niệm Phật của ngài Tông Mật (784-841)

2.3 Năm phương diện niệm Phật của Trí Giả Đại Sư

3.1 Vài suy nghĩ về pháp tu niệm Phật trong xã hội hiện đại

3.2 Tính chất giải thoát từ pháp môn Niệm Phật

3.3 Niệm Phật và lý tưởng Nhân Gian Tịnh Độ

4. Kết luận

Nội dung

1.1 Khái niệm về pháp niệm Phật và cảnh giới Tịnh Độ

Nói đến vấn đề tu học trong đời ai cũng mong mình nắm được chìa khóa tri kiến để mở cánh cửa vào lâu đài an lạc, hạnh phúc. Lộ trình đó có thể nắm bắt những điều căn bản từ lời Phật dạy, nếp sống thanh tịnh, tỉnh giác, chánh niệm, xả ly mọi tham ưu ở đời. Sự thực hành đó có thể từ trong những giây phút hiện tại đời sống. Nhưng duy trì phương pháp ấy mọi thời, mọi lúc và đi suốt đời sống con người với bao thăng trầm, thì pháp niệm Phật, nương tựa Tam Bảo là nền tảng giúp chúng ta an lạc tự tin để hướng đến đỉnh cao của sự giác ngộ.

Niệm Phật được xem là pháp môn căn bản trong tất cả các pháp môn được Đức Phật dạy trong kinh tạng Nguyên Thủy và kinh tạng Đại Thừa. Nhưng trong vấn đề tu tập, có nhiều người thường quan tâm về phương pháp niệm Phật và cảnh giới Tịnh Độ. Luận đến kết quả sau cùng của sự tu niệm, thì các phương pháp tu đều đưa đến kết quả giải thoát một cách gián tiếp hoặc trực tiếp. Tùy theo mục đích tu tập mà có thành quả khác nhau về sự chứng ngộ hoặc vãng sanh. Do vậy trong kinh Phật giới thiệu nhiều cõi Tịnh Độ, như Tịnh Độ Phật A Di Đà, Tịnh Độ Phật Dược Sư, Tịnh Độ Phật Di Lặc, Tịnh Độ Nhân Gian (theo quan điểm Kinh Duy Ma Cật), Duy tâm Tịnh Độ và nhiều cảnh Tịnh Độ theo kinh điển Đại thừa nhắc đến. Trong bài viết này nhấn mạnh ý nghĩa giải thoát từ pháp Niệm Phật theo quan niệm của Tịnh Độ tông.

1.2 Niệm Phật trong kinh điển Hán tạng và Nikaya

Trước hết chúng ta tìm hiểu về ý nghĩa niệm Phật được đề cập nhiều trong kinh tạng Nikaya Kinh A Hàm. Khi Phật tại thế, giáo lý căn bản dạy cho chúng xuất gia và tại gia là phương pháp thiền quán niệm, cụ thể nhất là Thiền Tứ Niệm Xứ. Thiền là một phương pháp thanh lọc tâm phiền não, đạt được sự giải thoát. Quá trình tu học, niệm Phật, niệm Tam Bảo là một phương pháp mầu nhiệm giúp tâm an định, dứt trừ sự sợ hãi và bất an trước mọi nghịch cảnh. Phương pháp quán niệm oai lực của Phật mà vượt thoát ra mọi tâm lý trầm tịch và tán loạn. Kinh chép rằng: Một hôm, có các vị thương gia đang định vượt qua sa mạc, có nhiều điều khó khăn và nguy hiểm. Trước khi đi, họ đến lễ Phật và được Phật dạy ý nghĩa pháp niệm Phật, niệm Tam Bảo như sau: “Các ông sắp vào nơi hoang mạc, sẽ gặp nhiều khủng bố, tâm kinh hoàng dựng đứng cả lông, lúc ấy nên niệm Như Lai sự: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác,... cho đến Phật, Thế Tôn. Niệm như vậy thì mọi khủng bố đều được tiêu trừ”[1]

Quan niệm nương nhờ tha lực, hồng ân Tam Bảo trong hàng xuất gia và tại gia là nền tảng của niềm tin tu tập và cứu cánh giác ngộ. Thời đại ngày nay phần nhiều tu trong hoàn cảnh khá thuận lợi, như chùa hay tịnh xá tại thành phố, hay tại các nước tân tiến, điều kiện an ninh rất cao. Trong trường hợp hành giả ẩn cư nơi rừng núi hay đồng trống và cảnh hoang vu không có hội chúng, Đức Phật dạy quán niệm như sau: “Nếu Tỳ-kheo nào ở nơi vắng vẻ, dưới bóng cây, trong nhà trống, đôi khi bỗng khởi lên lòng sợ hãi, kinh hoàng đến độ lông dựng lên, thì nên niệm Phật, Pháp, Tăng, nói rộng như trước. Khi niệm đến Như Lai sự, Pháp sự, Tăng sự thì mọi sự sợ hãi tự tiêu trừ.”[2]

Đối với người cư sĩ Phật dạy phát tâm tu học năm giới, tu Bát Quan Trai, phát tâm quán niệm Bốn Pháp Tăng Thượng: Quán về Phật, Pháp, Tăng và Giới để phát triển phẩm đức, học theo nhân cách của Phật, thanh tịnh nội tâm để vượt qua các món phiền não, sự lôi cuốn của tham ái và hoàn cảnh bên ngoài giúp tâm phát sanh nhiều năng lượng giải thoát.

Đức Phật dạy, hành giả luôn nhớ nghĩa đến công đức của Phật, tâm hành giả được chan hòa trong ánh sáng từ bi và trí tuệ của Phật thì tự nhiên ác niệm không phát sanh, thiện niệm sanh khởi. Đó là pháp tu rất thiết thực chung cho mọi người. Phật dạy: Này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử duyên nơi Như Lai cho nên tâm tĩnh, được hỷ, ác tham lam nếu có liền bị diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng bị tiêu diệt.[3]

Mục đích tu tập là lìa bỏ mọi tham muốn dục vọng thấp hèn, tu theo Phật, chứng quả vị Phật. Người đệ tử luôn nhớ nghĩ đến Phật như tiêu chí của đạo đức, mục tiêu của sự giải thoát. Sự gắn bó chặt chẻ đời sống của mình với nhân cách của Phật để phát khởi sự tinh tấn, để bảo hộ tâm giải thoát, để làm thước đo trong mọi hành động thân khẩu ý. Lộ trình tu tập ấy, quán niệm sâu sắc về Đức Phật, tín niệm Phật để tâm thực hành đạo lý hướng đến giác ngộ, Niết Bàn là điều cần thiết. Phật dạy:

Có một pháp, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-Bàn. Một pháp ấy là gì? Chính là Niệm Phật. Chính một pháp này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.[4]

Chính vì những lợi ích lớn lao của pháp niệm Phật đối với sự tu tập, cho nên về sau quan niệm Tịnh Độ chủ trương niệm Phật tiêu trừ tội chướng, niệm Phật để vãng sanh, niệm Phật để chứng đạt tâm chánh định, niệm Phật để được chứng ngộ giải thoát sanh tử luân hồi.

2.1 Ngài Huệ Viễn và pháp môn niệm Phật

Ngài Huệ Viễn được tôn xưng là vị tổ sư Tịnh Độ tông, người có công khởi xướng và áp dụng pháp môn niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Có thể nói, niệm Phật theo quan điểm của ngài Huệ Viễn khác với một vài xu hướng niệm Phật trong thực tiễn hiện đại. Huệ Viễn tuy nhấn mạnh niệm Phật vãng sanh, nhưng niệm Phật là phương pháp tịnh hóa tâm thức, đạt được cảnh giới chứng ngộ cao thông qua pháp Niệm Phật Tam Muội. Cảnh giới niệm Phật này giống phương thức thiền quán. Chính ngay niệm Phật đắc định mới thấy Phật và theo nguyện vãng sanh. Hành trạng tu tập của ngài Huệ Viễn giúp chúng ta nhận thức rõ nét hơn về pháp môn Tịnh Độ. Theo các tư liệu sử, xác nhận rằng ngài rất tinh thông nghĩa lý Bát Nhã, ảnh hưởng sâu sắc quan điểm tu hành của ngài Đạo An. Bên cạnh đó, Huệ Viễn tiếp cận với tư tưởng ngài La Thập, một dịch giả tinh thông ba tạng giáo điển Phật giáo. Sự hội ngộ này với sự vấn đáp đạo lý Bát Nhã không tánh, kiến giải nghĩa lý Sắc Không, thành tác Phẩm “Đại Thừa Đại Nghĩa Chương”[5]. Khía cạnh đặc biệt khác nữa, Huệ Viễn rất tinh thông tư tưởng Đại Trí Độ Luận, luận giải phương diện tâm tánh phù hợp với quan điểm Đại Thừa. Huệ Viễn tại Lô Sơn đã chủ trì phiên dịch A Tỳ Đàm Tâm Luận, Tam Pháp Độ Luận, Tu Hành Đạo Địa Thiền Kinh. Chính giai đoạn tu học này, chứng tỏ Huệ Viễn rất có nhiều tâm đắc tu tập thiền quán.

Ngài xét thấy pháp môn niệm Phật thích hợp với mọi tầng lớp người tu học, nên nỗ lực hoằng dương Tịnh Độ. Ngài lấy pháp Niệm Phật Tam Muội chủ đạo cho sự tu tập. Phương pháp này y cứ vào Kinh Bát Chu Tam Muội. Điều này nhận rõ trong tác Phẩm: Niệm Phật Tam Muội Thi Tự, ông viết: “Lại các môn Tam muội, danh mục rất nhiều, công cao dễ tu, Niệm Phật là thắng.”[6] Phương pháp Niệm Phật này thuộc Tọa Thiền Niệm Phật, đây là cơ sở tu học và hình thành pháp Thiền Tịnh Song Tu. Tư tưởng Huệ Viễn ảnh hưởng rất lớn trong sự hình thành Tịnh Độ Tông.

Có quan niệm cho rằng, Huệ Viễn tuy khởi xướng pháp môn Niệm Phật, nhưng người phát triển giáo nghĩa thành hệ thống là ngài Đàm Loan và Ngài Đạo Xước. Nhưng điều mà lịch sử Phật Giáo ghi nhận, ngài khởi xướng niệm Phật, phát nguyện vãng sanh, hành trạng hoằng pháp của Ngài xứng đáng một danh tăng Đại Thừa. Chí nguyện tu hành của ngài thoát tục cao vời vợi, tâm không rời công tác phiên dịch kinh luật luận cho hậu thế tu học. Ngài là bậc danh tăng trì giới nghiêm mật, ba mươi năm an trú tại Lô Sơn phát nguyện tu niệm. Các thế hệ sau ngài nhiều vị cao Tăng tiếp nối và phát huy giáo nghĩa Tịnh Độ hoàn hảo, nhưng ghi nhận phương thức tu học của ngài Huệ Viễn chứng minh cho giáo lý Tịnh Độ là hệ thống mở, cho các tông trở về, khẳng định Tịnh Độ biểu trưng vai trò và sự thích ứng kinh luận Đại Thừa trong mọi thời đại.

2.2 Bốn cách niệm Phật của ngài Tông Mật (784841)

Ngài Tông Mật, còn có biệt hiệu là Khuê Phong thiền sư, thuộc Ngũ Tổ Hoa Nghiêm Tông. Ngài Tông Mật giới thiệu về bốn pháp niệm Phật trong “Hoa Nghiêm Kinh Hạnh Nguyện Phẩm Biệt Hành Sớ Sao”. Bốn pháp đó là:

  • Trì danh niệm Phật: Tức chuyên niệm danh hiệu Phật A Di Đà, miệng niệm rõ ràng danh hiệu, tai nghe âm thanh lúc niệm, tâm chuyên chú vào câu niệm Phật.
  • Quán tượng niệm Phật: Tức chuyên quán sát tượng hay hình ảnh Phật A Di Đà với tâm chuyên chú, khắc sâu hình ảnh của Phật trong tâm. Khi ngồi thiền cũng chuyên quán tưởng hình ảnh của Phật.
  • Quán tưởng niệm Phật: Y cứ vào mười sáu phép quán trong kinh “Quán Vô Lượng Thọ”. Quán sát vào mười sáu đối tượng Phật, Bồ Tát, tức quán cảnh giới y báo và chánh báo cõi Phật ở Tây Phương Cực Lạc, nhờ sức quán tưởng mà đắc Tam Muội (Chánh Định), thành tựu công đức và tâm nguyện tu hành.
  • Thật tướng niệm Phật: Niệm thật tướng các pháp, tức niệm thật tướng Phật. Đây là nhờ sức quán sát chứng đắc pháp tánh viên dung vô ngại. Lấy sự tự lực làm chủ đạo trong sự tu hành. Phương pháp này thuộc về lý niệm Phật, từ đây mà có quan điểm Duy tâm Tịnh Độ.

2.3 Năm phương diện niệm Phật của Trí Giả Đại Sư

Trong năm phương diện Phật của đại sư Trí Giả đề cập trong tác phẩm “Ngũ Phương Tiện Niệm Phật Môn” là thành quả của pháp niệm Phật, thực tiễn quá trình tu học cho đến chứng ngộ. Từ cái nhìn của bậc có tâm tu chứng phân biệt công đức thù thắng của Pháp niệm Phật. Đại ý năm thành quả đạt được do niệm Phật đạt nhất tâm, chứng pháp niệm Phật Tam muội (Chánh Định). Chánh Định ấy có năm công đức: Một là niệm danh hiệu Phật đắc Tam Muội được vãng sanh. Thứ hai là quán tướng hảo quang minh của Phật mà tội chướng tiêu trừ. Thứ ba là từ pháp niệm Phật đắc Tam Muội quán các cảnh đều do tâm, đoạn trừ bệnh chấp Pháp. Thứ tư là từ pháp niệm Phật đắc Tam Muội quán sát xả ly tâm và cảnh. Thứ năm là từ pháp niệm Phật đắc Tam Muội chứng tánh khởi viên thông, xả ly mọi tham chấp cảnh thiền định trầm lắng, để chứng đắc thật trí, thật pháp, tự tại giải thoát. Trí giả phân tích sâu hơn về tác dụng của pháp niệm Phật Tam Muội. Như vậy, niệm Phật với mục đích vãng sanh, bên cạnh đó nếu phát huy các phương thức niệm Phật có khả năng chứng ngộ thật tướng, như cảnh giới chứng ngộ của Thiền không khác.

3.1 Vài suy nghĩ về pháp tu niệm Phật trong xã hội hiện đại

Theo trình bày ý nghĩa và các phương pháp niệm Phật, chúng ta có suy nghĩ về một vài chủ trương tu niệm Phật trong xã hội hiện đại. Trước hết nhìn vào hình thức niệm Phật theo kinh điển Nguyên Thủy, thì đức Phật dạy đệ tử niệm Phật để giúp tịnh hóa tâm thức, phát huy định lực, vượt qua mọi chướng ngại phiền não. Chính yếu phát huy quán tưởng phẩm hạnh của thập hiệu Phật. Quán tưởng và đặt niềm tin trọn vẹn vào Tam Bảo, tức Phật, Pháp và Tăng. Đối với hàng cư sĩ, Phật luôn khích lệ pháp tu Bát Quan Trai Giới, trì giới và tín niệm Tam Bảo, thực hành các pháp lành, đó là điều thiết thực cho sự giải thoát.

Thời đại Tổ Huệ Viễn thì chủ trương niệm Phật Tam Muội, ngoài vấn đề trì giới, y pháp tu học, còn xem niệm Phật là phương thức thiền định và phát nguyện vãng sanh. Tín nguyện Tây Phương Cực Lạc và chuyên tâm tu niệm Phật. Tịnh Độ thời Huệ Viễn khẳng định trọn vẹn ý chí tự lực và tha lực. Tinh thần tu học của Huệ Viễn đã mở rộng sự đón nhận mọi thành phần tri thức trong xã hội phát tâm tu học Tịnh Độ.

Qua thời đại Đàm Loan và Đạo Xước có công hoằng dương Tịnh Độ và phát huy lý thuyết Tín, Hạnh, Nguyện phổ cập số đông tín đồ tham gia niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Đặc biệt căn cứ vào Kinh Vô Lượng Thọ, nhấn mạng vai trò tha lực của Phật và ý nghĩa “Đới Nghiệp Vãng Sanh” và “Tiêu nghiệp vãng sanh”. Điều này có căn cứ không phải là hư vọng, vì kinh Quán Vô Lượng Thọ, Phật dạy ngay người đã từng làm điều ác mà lúc lâm chung niệm được mười danh hiệu cũng được Phật tiếp dẫn.

Phải chăng là giáo lý Tịnh Độ chỉ chủ trương các hình thức tôn giáo? Như vấn đề chỉ hộ niệm lúc lâm chung, nhấn mạnh sức mạnh lòng tin. Hoặc có trào lưu, dạy tín đồ chuyên học kinh liên quan Tịnh Độ mà quay lưng với cả kho tàng tri thức giáo lý Phật dạy. Thử hỏi những thái độ bảo thủ trong tu tập như thế có phù hợp với mục đích phát bồ đề tâm cầu sanh Tịnh độ hay chưa? Chắc chắn rằng, xu hướng niệm Phật như thế không phù hợp với vai trò Tịnh Độ trong giáo nghĩa Đại thừa.

Con người trong xã hội với nền công nghiệp hóa, sinh hoạt tổ chức đời sống thường bận rộn. Nhu cầu vật chất là động cơ thúc đẩy con người phải nỗ lực với công việc để bảo tồn đời sống tiện nghi. Mọi sự biến đổi về kinh tế, công việc dễ đưa con người vào thế chịu nhiều áp lực. Từ đó họ dễ dàng chấp nhận một giáo lý đơn giản thuần túy niềm tin. Niềm tin thiếu sự quán sát trong đời sống tu học dễ dàng rơi vào căn bệnh cực đoan và bảo thủ trong tu học. Giáo lý Phật dạy là có chánh kiến bị chôn vùi vào lời giảng dạy phiếm diện. Cho nên giải quyết tình trạng đó, các nhà truyền giáo nên hướng dẫn tín đồ học tập kinh điển. Khích lệ Phật tử học Phật lý, thọ trì Ngũ Giới, Bát Quan Trai Giới. Chủ trương phát huy tinh thần tu học theo đúng quan điểm Đại Thừa Phật Giáo, gắn bó thực tế xã hội để đưa Phật giáo vào đời mang tính tích cực hơn.

3.2 Tính chất giải thoát từ pháp môn Niệm Phật

Ý nghĩa giải thoát từ Pháp môn niệm Phật là điều thiết thực trong Pháp môn Tịnh Độ. Tính chất giải thoát thông qua thực hành pháp môn niệm Phật là gì? Giáo lý Tịnh Độ giới thiệu hai phương thức giải thoát. Một là niệm Phật được vãng sanh về cõi Tây Phương, thoát ly sự khổ Ta Bà. Hai là niệm Phật đắc Tam Muội, chứng ngộ thật tướng, tự tại giải thoát.

Cái khổ lớn nhất trong kiếp người và chung cả chúng sanh là khổ luân hồi sanh tử. Nhưng khi phát tâm tu niệm Phật, là khởi đầu lộ trình thoát khổ. Theo quan điểm truyền thống Nguyên Thủy, thoát khổ luân hồi đồng nghĩa với sự chứng ngộ giải thoát. Nhưng theo quan niệm Tịnh Độ Đại Thừa, thông qua niệm Phật có thể chứng ngộ, bên cạnh đó là nếu Tín niệm Phật A Di Đà và phát nguyện vãng sanh để được vãng sanh, sau đó sẽ được chứng ngộ vô sanh tại cõi Tây Phương. Tín đồ Tịnh Độ, luôn quan niệm vãng sanh là an toàn nhất, vì cảnh giới đó không bị thối chuyển và có nhiều duyên lành chứng ngộ Phật quả.

Người thường niệm Phật, thiện pháp phát sanh, ác pháp tiêu trừ, đời sống vượt qua mọi cạm bẩy ái dục, được sống an nhiên tự tại. Trong cuộc sống con người ai cũng có niềm tin vào một đối tượng nào đó. Nhưng phước lành nhất là tin niệm Phật, Pháp và Tăng. Niềm tin vững vàng thì muôn công đức lành phát sanh. Người niệm Phật tinh cần đưa đến cảnh giới thiền định sâu xa, luôn được Phật hộ niệm. Từ đó phát huy được tuệ giải thoát. Khi có tuệ giác soi sáng, thấy cuộc đời với sự khổ, vô thường, vô ngã thì phiền não tham ái tự nhiên được đoạn trừ. Con người và hoàn cảnh sống như mối quan hệ hài hòa. Một khi bạn niệm Phật thì tâm bạn hiển lộ đặc tính của Phật. Nếu từ cá nhân, gia đình và xã hội đều có nhiều người niệm Phật thì đời sống này thêm phần an lạc, phiền não tiêu trừ. Cho nên niệm Phật là con đường xây dựng phúc đức trí tuệ trong đời và nền tảng của sự thoát ly luân hồi sanh tử.

3.3 Niệm Phật và lý tưởng Nhân Gian Tịnh Độ

Có người bảo rằng tu niệm Phật suốt ngày cầu sanh Tây Phương, như là trong ngóng giờ lâm chung, sẽ sanh thái độ bi quan với cuộc sống hiện thực. Đó là vì chưa hiểu chân nghĩa của phạm trù giáo lý Tịnh Độ. Đời là khổ hay vui? Nếu nói đời là khổ thì do đâu mà có khổ? Phải chăng do ái nhiễm dục lạc mới khổ. Người tu bất cứ pháp môn nào cũng có thái độ sống xả ly tham ái và chấp thủ. Tâm ấy gọi là tâm giải thoát. Niệm Phật là lộ trình tịnh hóa tâm thức, phát khởi tâm Phật, phát khởi tâm chân như, phát khởi tâm đại bi thương người, thương vật và cả chúng sanh. Cho nên tu niệm Phật không phải là bi quan, mà chỉ là giữ tâm lìa tham ái chấp thủ thế gian. Đem tâm từ bi giúp đời bớt khổ, làm mọi việc lành để vun bồi phúc đức và trí tuệ, đem sự nghiệp tu hành hồi hướng Tây Phương Tịnh Độ. Vãng sanh Tây Phương không phải là chạy trốn cuộc đời mà để sớm hoàn thành nhân cách giải thoát như Phật và Bồ tát trở lại Ta Bà cứu độ chúng sanh.

Người tu Tịnh Độ cần có chánh kiến, tin nhân quả, tin lời Phật dạy, tin nguyên lý y báo chánh báo. Tâm niệm Phật và hành thiện trong đời sống này là tâm trang nghiêm Tịnh Độ. Hành trang đường về cực lạc là sự dấn thân vào dòng đời này để hành đạo. Cuộc đời khổ đau này là ruộng phước điền, ruộng công đức vĩ đại cho người biết tu niệm.

Niệm Phật hay tham thiền và tất cả các pháp môn đều là phương tiện. Rốt ráo thực hành pháp niệm Phật là để thành Phật: Vì tất cả hiền thánh từ niệm Phật mà sanh, tất cả các món trí tuệ từ niệm Phật mà có. Cho đến hàng Thập Tín Bồ tát và Tam Hiền Bồ tát đều không xa rời niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng; Không rời xa niệm Nhất thiết chủng trí. Từ sơ địa Bồ tát cho đến bát địa, cửu địa, thập địa cũng không xa rời niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng và niệm Nhất thiết chủng trí.”[7]. Nhất thiết chủng trí là Phật trí. Cho nên, hiểu niệm Phật là con đường thực tiễn giải thoát. Tất cả các cõi Tịnh Độ đều xây dựng bởi tâm đại bi, đại trí của Phật và Bồ tát. Cho nên nếu ai tu hành trong đời, phát Bồ đề tâm cầu giác ngộ, tu muôn hạnh lành trong đời là góp phần xây dựng Nhân Gian Tịnh Độ. Phương tiện và cứu cánh của sự tu hành đều từ tâm mà luận. Tâm thanh tịnh thì trí quang minh. Tất cả các công hạnh tu tập hướng tới Từ Bi và Trí Tuệ, Vô Ngã Vị Tha là con đường hướng tới giác ngộ và vãng sanh Tây Phương Cực Lạc.

4 Kết luận:

Khi tu đoạn trừ được phần nào phiền não thì hiện rõ thêm phần pháp thân. Thành quả niệm Phật với sự tu tập thiện pháp, luôn tương ưng với tâm nguyện cầu giải thoát. Người tu đạo luôn nghĩ ta đang sống trong ân đức và pháp thân của Phật. Tịnh Độ thiết lập từ sức đại bi, đại nguyện cứu độ chúng sanh của Phật. Cho nên Tịnh Độ chân nghĩa là gồm sức tự lực và tha lực của Phật, tạo thành sức mạnh tâm linh, dễ đạt được kết quả vãng sanh và chứng đắc Niết Bàn. Quá trình tu tập tất cả các pháp môn không rời xa chánh kiến niệm Phật. Phải thường tư duy chánh pháp Phật dạy để niệm Phật, để nhận thức được rằng tu bất cứ pháp môn nào cũng từ tịnh hóa tâm thức mới thành tựu tâm nguyện. Muốn sanh cõi Phật nào, cũng từ thế gian này mà hành đạo, cũng từ tâm này mà tu. Có như thế pháp môn tu tập phải gắn liền với đời sống con người, phụng sự chúng sanh trong đời, mới có cảnh giới Tịnh Độ như tâm nguyện./.



[1]Kinh Tạp A Hàm, bài kinh “Niệm Tam Bảo”, số 980; Hán dịch: Tống, Tam Tạng Cầu-Na-Bạt-Đà-La,Việt dịch: Thích Đức Thắng. Hiệu đính & Chú thích: Thích Tuệ Sỹ

[2] Kinh Tạp A Hà, bài kinh “Cây Phướn”, số 981; Hán dịch: Tống, Tam Tạng Cầu-Na-Bạt-Đà-La,Việt dịch: Thích Đức Thắng. Hiệu đính & Chú thích: Thích Tuệ Sỹ

[3] Kinh Trung A Hàm, bài kinh “Trì Trai”, số202
Hán Dịch: Phật Ðà Da Xá & Trúc Phật Niệm,
Việt Dịch & Hiệu Chú: Thích Tuệ Sỹ

[4] Kinh Tăng Chibộ, Tập 1, chương 1, phẩm một Pháp, HT. Thích Minh Châu dịch.

[5] Tác Phẩm này hiện trong Đại Chánh Tạng, Huệ Viễn Vấn, La Thập đáp.

[6] Liên Tông sơ tổ Huệ Viễn đại sư, HT. Thích Thiền Tâm dịch.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
04/04/2013(Xem: 4130)
Khổ khổ là một trong tam khổ [1]luôn xảy ra trong cõi Ta Bà này. Khổ là sự bất an, sự đau đớn, sự thống thiết, sự kêu gào, sự chịu đựng, sự bấn loạn, sự cay điếng, sự tan nát, sự chấn động, sự đả thương …
02/04/2013(Xem: 5219)
Hễ nói đến Giáo pháp của đức Phật, chúng ta không thể không nói đến pháp Duyên khởi hay nguyên lý Duyên khởi (Pratìtyasamutpàsa). Vì pháp Duyên khởi là nguyên lý cơ bản và thiết yếu của sự giác ngộ. Đức Phật thành Phật là do Ngài chiêm nghiệm hai mặt lưu chuyển và hoàn diệt của nguyên lý 12 Duyên khởi mà thành tựu. Trong kinh A-hàm đức Phật nói: "Thế nào là nguyên lý Duyên khởi? Nghĩa là do duyên với Vô minh mà Hành khởi sinh, dù Phật có ra đời hay không ra đời, nguyên lý ấy vẫn thường trú, vẫn an trú trong pháp giới.
02/04/2013(Xem: 6299)
Tu có nghĩa là sửa. Tu rất khó, khó nhất là tu tại gia, cho nên có câu: Thứ nhất tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa. Ở chùa có nhiều thiện duyên nên tương đối dễ tu. ở chợ lại khó tu hơn một chút vì phải giữ lòng ngay thẳng, không gian manh lường cân tráo đấu; ở nhà lại khó hơn nữa vì bạn ác rủ rê làm ta dễ bị sa đọa.
02/04/2013(Xem: 20568)
Kinh Pháp Hoa ai cũng biết là bộ Kinh Tối Thượng Thừa mà nó không phải Đại Thừa và cũng gọi là Phật Thừa, giáo nghĩa ẩn số vô cùng cao thâm mầu nhiệm, không ngoài mục đích triển khai tri kiến của Phật để chúng sanh tiến tu đạo nghiệp sớm được chứng quả vô thượng bồ đề. Bộ kinh này được lưu truyền sâu rộng trong nhân gian, được nhiều thọ trì đọc tụng, được nhiều dịch giả phiên dịch ra nhiều thứ tiếng, và cũng được rất nhiều học giả nghiên cứu, chú thích, giảng giải, yếu giải v.v...
01/04/2013(Xem: 4892)
Khi thấy được mọi sự trên thế gian này chẳng khác nào những vỏ chuối khô vất bỏ thì bạn sẽ không còn bị dao động, chán nản, và đau khổ trước vô vàn sự đến và đi của mọi sự vật trên thế gian -- dầu là vui hay buồn. Nhận thức được điều này bạn sẽ thong dong trên đường giải thoát.
01/04/2013(Xem: 4671)
Bức thông điệp đó là "Tứ Diệu đế" (Catvàriaryasatyàni), Bốn Sự thật (The truth), bốn Chân lý về con người và sự hiện hữu của con người. Nó cũng là con đường biện chứng thực tại mà qua đó con người có thể vươn đến một đời sống hạnh phúc chân thực ngay tại cuộc đời này.
29/03/2013(Xem: 5855)
Phật giáo là ánh sáng. Ánh sáng của Phật giáo là từ bi, trí tuệ. Ánh sáng ấy soi rọi lòng người, phá tan màn vô minh, vị kỷ, tật đố, tham sân si, để cùng nhau tạo lấy một cuộc sống an vui hạnh phúc và xây dựng đức tính tốt đẹp: đức tính vô ngã vị tha ...
29/03/2013(Xem: 6009)
Trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật dạy có hai cửa vào đạo là Chân thật môn và Phương tiện môn. Chân thật môn là con đường chính, nhưng chỉ có Phật mới đi vào con đường này được ...
24/03/2013(Xem: 5961)
Theo quan điểm siêu hình thì Niết bàn là giải thoát khỏi đau khổ. Theo quan điểm tâm lý học thì Niết bàn là xóa bỏ tự ngã. Theo quan điểm đạo đức thì Niết bàn là diệt tham, sân và si. Quá trình sinh tử này tiếp tục vô tận cho đến khi chuyển hóa thành cảnh giới Niết bàn: cứu cánh của các Phật tử. Danh từ Niết bàn trong Pàli hợp thành do Ni và bàna. Ni là một yếu tố phủ định và bàna nghĩa là dục vọng hay khát ái. Chính vì ly khai khỏi khát ái, hay bàna, dục vọng nên nó được gọi là Niết bàn. Niết bàn theo nghĩa đen là không trói buộc.
23/03/2013(Xem: 4849)
Xưa nay có một số người hiểu lầm cho rằng Niết-bàn là hư vô, hủy diệt, hay là cái chết. Nếu hiểu như thế thì không đúng với tinh thần kinh điển Phật giáo. (Trên tạp chí Kiến Thức Ngày Nay số 180, mục Chuyện Đông Chuyện Tây tr. 57, ông An Chi có trả lời một độc giả về xuất xứ của từ Niết-bàn, nhưng về ý nghĩa, ông muốn độc giả tự tìm hiểu lấy. Nhân đây, chúng tôi xin góp ý về cách lãnh hội khái niệm Niết-bàn theo kinh điển Phật giáo, để giúp độc giả nào muốn tìm hiểu thêm một từ ngữ khá hàm súc và thường bị ngộ nhận này).
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]