Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

16. Kết Hợp Giữa Kinh Giáo Và Mật Giáo

14/05/201107:52(Xem: 7150)
16. Kết Hợp Giữa Kinh Giáo Và Mật Giáo

Tấm lòng rộng mở
THUẦN HÓA TÂM HỒN
Nguyên tác: Taming the Monkey Mind
Tác giả: Thupten Chodron - Dịch giả: Thích Minh Thành

Phần Ba
TRUYỀN THỪA LỜI PHẬT DẠY

XVI. KẾT HỢP GIỮA KINH GIÁO VÀ MẬT GIÁO

Phật giáo Tây Tạng

Phật giáo du nhập vào Tây Tạng lần đầu tiên là do công của hai vị công chúa Phật tử - một từ Nepal và một từ Trung Quốc. Hai vị công chúa này kết hôn với vua Songtsen Gampo của Tây Tạng. Nhưng lúc ấy Phật giáo vẫn chưa được phổ hóa rộng rãi trong dân chúng. Sau đó nhà sư Santaraksita và vị tăng phái Mật Thừa Padmasambhava từ Ấn Độ du hóa sang Tây Tạng, quảng bá giáo lý Đại Thừa và Mật Thừa. Đến thế kỷ thứ 8, Thiền Tông Trung Quốc cũng truyền sang Tây Tạng.

Chẳng bao lâu giữa những nhóm theo đạo Phật đã xuất hiện những niềm tin và giáo nghĩa khác biệt nhau. Những hành giả Thiền Tông từ Trung Quốc truyền giảng một dạng thiền vô niệm, trong dạng thiền này tất cả những khái niệm của tư tưởng dù là thiện hay không thiện đều phải được tẩy trừ. Những vị đạo sư được thọ học từ Ấn Độ, trước hết nhấn mạnh việc thấu hiểu một cách đúng đắn những khái niệm, sau đó mới vượt qua chúng để tiến đến những kinh nghiệm trực tiếp trong thiền định. Phật giáo Thiền Tông Trung Quốc xác tín rằng việc chứng đắc có thể là tức thời và hiện tiền. Phật giáo giáo nghĩa Ấn Độ lại tuyên thuyết một tiến trình lớp lang bao gồm việc thực hiện các thiện hạnh song song với việc tu tập thiền định; cả hai tiến trình này đều cần thiết cho việc giác ngộ viên mãn.

Ở Ấn Độ, các cuộc tranh luận được tiến hành để đánh đổ những quan niệm sai lầm của ngoại đạo và củng cố những nhận thức của Phật giáo. Để dàn xếp sự bất đồng, nhà vua Tây Tạng đề nghị tổ chức một cuộc tranh luận. Trong cuộc tranh luận này nhà luận sư Ấn Độ Kamalasila đánh bại đối thủ thuộc Thiền Tông Trung Quốc. Từ đó trở đi, Tây Tạng tu học theo truyền thống Phật giáo giáo nghĩa Ấn Độ.

Vào thế kỷ thứ 11, có thêm một số chi phái Phật giáo Ấn Độ truyền sang Tây Tạng. Người ta gọi những chi phái này là Tân Dịch phái để phân biệt với phái Nyingma hay Cựu Dịch phái của Ngài Padmasambhava. Trong những Tân Dịch phái có: (1) phái Kadam do vị đạo sư học giả Ấn Độ Atisha khai sáng và truyền bá rộng rãi ở Tây Tạng; (2) phái Sakya do đạo sư Drokmi, một tăng sĩ Tây Tạng từng đến tham học ở Đại học Vikramasila, Ấn Độ; (3) phái Kargyu do Marpa khai sáng. Marpa là một dịch giả Tây Tạng từng tu tập dưới sự hướng dẫn của đạo sư Naropa nổi tiếng. Vào thế kỷ thứ 14 nhà sư học giả Tzong Khapa đã tổng hợp giáo nghĩa tinh yếu của tất cả các chi phái trên nhưng chủ yếu là của phái Kadam rồi khai sáng ra phái Gelu.

Về mặt cốt lõi thì những bộ phái Phật giáo Tây Tạng này giống như nhau, sự khác biệt chủ yếu chỉ là dòng truyền thừa khác nhau. Những pháp môn thiền định căn bản hướng đến việc quyết tâm giải thoát, tâm nguyện thí xả và trí tuệ thấy được không tánh là những điểm tương đồng trong tất của những tông phái Tây Tạng.

Tương tự như vậy tất cả những tông phái này đều bắt đầu bằng những pháp tu sơ cấp. Những tăng sinh thuộc Nyingma, Kargyu và Sakya thường tu tập những pháp sơ cấp suốt khóa ẩn tu dài 3 năm. Những tăng sinh phái Gelu thì khóa ẩn tu kéo dài hơn. Trong phái Gelu thì khóa ẩn tu 3 năm chỉ dành cho những hành giả đã tiến bộ; những hành giả này liên tục thiền quán về những linh tướng đặc biệt nào đó của Đức Phật.

Có thể nói rằng những tông phái Phật giáo Tây Tạng khác nhau ở giai đoạn cuối của phương thức tu tập theo pháp môn Mật Tông và cách lập ngôn khác nhau trong việc miêu tả pháp thiền quán. Nhưng Đức Đạt-lai Lạt-ma, vị lãnh đạo chính trị và tôn giáo của Tây Tạng thường xuyên nhấn mạnh rằng tất cả những tông phái đều có một mục đích chung duy nhất mà thôi; một hành giả thực hành tu tập theo bất cứ tông phái nào cũng có thể đạt được quả giác ngộ hoàn toàn.

Tăng và ni Tây Tạng có chung những dòng truyền thừa giới phẩm. Tuy nhiên, những vị đạo sư tâm linh có khi là người xuất gia những cũng có khi là cư sĩ. Khi truyền giảng giáo pháp, những vị đạo sư cư sĩ mặc pháp phục màu nâu đậm tương tự nhưng không giống hẳn màu y của tăng ni. Những vị đạo sư cư sĩ thường có gia đình, nhưng tăng ni Tây Tạng thì phải lãnh thọ giới xuất gia và sống đời phạm hạnh.

Lạt-ma, Geshe và Rinpoche

Người ta thường nhầm lẫn giữa những danh hiệu Tây Tạng vì những danh hiệu này được áp dụng theo những cách khác nhau. Theo phái Gelu thì danh hiệu "Lạt-ma" có thể được dịch nghĩa là đạo sư và được dùng để xưng gọi những người thầy đáng tôn kính. Tuy nhiên, bất cứ người nào đã thâu nhận đệ tử đều được gọi chung là Lạt-ma. Theo 3 phái còn lại thì "Lạt-ma" là danh hiệu dành cho bất cứ vị nào đã vượt qua khóa ẩn tu thiền định 3 năm. Như thế thì danh hiệu Lạt-ma có thể hàm những ý nghĩa khác nhau về công phu tu tập và năng lực giáo hóa.

"Geshe" là danh hiệu dùng để phong cho một vị đã hoàn tất khóa huấn luyện dài hạn về triết học, giống như một người đạt được học vị Tiến sĩ của Tây Tạng chuyên ngành nghiên cứu Phật giáo.

"Rinpoche" là danh hiệu có nghĩa "cao quý" và được sử dụng trong hai trường hợp. Trường hợp phổ biến là dùng để tôn gọi vị được công nhận là tái sinh của một vị đạo sư đời trước. Trường hợp ít thông dụng hơn: những đệ tử muốn tỏ lòng kính trọng nên gọi thầy mình là "Rinpoche."

Ở Tây Tạng đạo Bon xuất hiện trước Phật giáo và có tác động vào một số hình thức hành trì của Phật giáo; đối lại, Phật giáo cũng có ảnh hưởng rất lớn đối với đạo Bon. Truyền thống dâng hương cúng dường trên những chóp núi cao xuất phát từ đạo Bon nhưng ý nghĩa của nó lại chuyển theo quan niệm Phật giáo. Tương tự là trường hợp của những dãy cờ cầu nguyện màu sắc sặc sỡ tung bay theo gió. Ngày nay, người ta in vào những lá cờ này những bài kinh cầu nguyện và những câu thần chú của Phật giáo và những điều ước nguyện thánh thiện an lành sẽ được gió mang đi khắp mọi nơi trên trần thế.

Nhiều vũ điệu công phu và đầy màu sắc dùng để miêu tả những đề tài tôn giáo đã được tiếp nhận từ nền văn hóa Tây Tạng tiền Phật giáo. Những chiếc trống to lớn, những cặp chập choả và những ống tù và mang đậm màu sắc dân gian của Tây Tạng. Ngược lại, chày kim cang, cái linh, và những chiếc trống nhỏ là những pháp khí Mật Thừa có xuất xứ từ Ấn Độ.

Khi tiếp nhận Phật giáo từ Ấn Độ, người Tây Tạng đã đề cao tính chính xác trong việc chuyển dịch Thánh điển và thiết lập một hệ thống thuật ngữ chuẩn mực. Những hội đồng phiên dịch người Ấn Độ và Tây Tạng đã nỗ lực tối đa trong việc phiên dịch Phật tạng tiếng Sanskrit mang từ Ấn Độ sang tiếng Tây Tạng. Kết quả là thánh tạng tiếng Tây Tạng phong phú hơn thánh tạng tiếng Trung Quốc. Dù vậy, thánh tạng Tây Tạng vẫn chưa bao gồm tất cả những bản kinh Ấn Độ. Ngược lại, Thánh điển Trung Quốc cũng một số bản kinh mà dịch bản Tây Tạng không có.

Nhiều bộ sớ giải về những bộ kinh đã được dịch sang tiếng Tây Tạng và chẳng bao lâu sau đó người Tây Tạng đã đưa thêm vào những bản sớ giải mà họ tự biên soạn. Người Tây Tạng tiếp thu truyền thống tranh luận của Ấn Độ và rất yêu thích cách giải thích giáo lý trong sáng và ngắn gọn. Phật giáo Tây Tạng ngày nay phản ánh rõ rệt khuynh hướng này.

Phật giáo Tây Tạng được thành lập ở vùng đất cực Bắc của Ấn Độ và trong một số khu vực ở Nepal. Phật giáo cũng đã lan rộng sang Mông Cổ và Mãn Châu vào đầu thế kỷ thứ 13. Do hoàn cảnh chiến tranh mà người dân Tây Tạng sống lưu vong ở Ấn Độ và Nepal nhưng cũng nhờ đó mà Phật giáo Tây Tạng được phổ biến trên một địa bàn rộng rãi cho đông đảo mọi người. Những kiều dân Tây Tạng đã tái xây dựng nhiều tu viện to lớn ở Ấn Độ. Những vị Lạt-ma và những vị geshe đã du hành và truyền giáo đến những quốc gia ở phương Tây và châu Á đồng thời ra sức xây dựng thêm nhiều cơ sở tôn giáo ở những nơi mới đến.

Kim Cang Thừa

Phật giáo Tây Tạng là một kết tụ của cả hai Kinh Giáo và Mật Tông. Kinh Giáo gồm có Kinh Tạng của Phật giáo Nguyên Thủy và những giáo lý tổng quát của Đại Thừa; Mật Tông còn gọi là Kim Cang Thừa hay Mạn-đà-la Thừa là một chi phái biệt truyền của Phật giáo Đại Thừa. Đức Phật dạy Kim Cang Thừa cho một hội chúng gồm chư Bồ Tát thượng căn. Giáo lý Kim Cang Thừa không phổ biến cho tất cả mọi người vì giáo lý này chỉ ứng hợp với căn tánh của một số người nào đó mà thôi.

Các dòng truyền thừa Mật Tông do vậy mà chỉ truyền thừa riêng tư từ người thầy sang người trò. Từ thế kỷ thứ 6 trở về sau, Kim Cang Thừa càng lúc càng được nhiều người biết đến. Mặc dầu đã lan tỏa khắp nơi trong hàng ngũ Phật giáo nhưng Kim Cang Thừa tồn tại chủ yếu ở Tây Tạng và trong Chơn Ngôn Tông của Nhật Bản mà thôi.

Chúng ta không nên nhập nhằng giữa chú thuật của Phật giáo và chú thuật của Ấn Độ giáo. Mặc dầu cả hai loại chú thuật này có những thuật ngữ và phép luyện hơi thở tương tự nhưng chúng khác biệt rất lớn về phương diện triết học, pháp môn thực hành và kết quả mà chúng mang lại.

Những vị đạo sư khẳng quyết với môn nhân đồ chúng rằng họ phải tu theo cả ba truyền thống: Phật giáo Nguyên Thủy, Phật giáo Đại Thừa và Kim Cang Thừa. Cả ba truyền thống này đều được bao gồm và thể hiện trong pháp tu của Phật giáo Tây Tạng. Trong pháp tu Tây Tạng, người hành giả phải quy y Ba Ngôi Báu, giữ gìn những giới luật và trau dồi ý chí giải thoát; tương đồng với giáo lý của Phật giáo Nguyên Thủy. Trên nền tảng này, hành giả xây dựng tâm thí xả để đạt đến sự chứng ngộ hầu làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh; tương đồng với trọng điểm của Phật giáo Đại Thừa. Hành giả tiếp tục tu tập theo tinh thần vô ngã thông qua hệ thống triết lý của Nguyên Thủy và Đại Thừa. Sau khi tu tập như vậy thì hành giả có thể lãnh thọ pháp lực của Mật Tông.

Lãnh thọ pháp lực Mật Tông

Phép lãnh thọ pháp lực còn gọi là nhập Mật Thừa phải do một vị đạo sư tâm linh có đủ phẩm cách tiến hành. Trong một lễ nghi đặc biệt vị đạo sư Mật Tông chỉ dạy cách thức thiền định và người đệ tử thực hành ngay lúc ấy để nhập thiền và tiếp nhận pháp lực. Ngược lại, chỉ hiện diện trong một gian phòng rồi uống một ít nước thiêng thì không phải là lãnh thọ pháp lực đúng nghĩa. Điều quan trọng của lễ lãnh thọ pháp lực là tiếp nhận được những lời huấn thị của vị đạo sư và theo đó mà hành thiền. Có nơi lễ thọ pháp lực bao gồm việc truyền thọ Bồ Tát giới; có những nơi khác lễ thọ pháp lực lại bao gồm cả việc lãnh thọ những giới điều thuộc Mật Tông.

Một số người cho rằng trao truyền pháp lực giống như ban phát ân điển phước lành. Họ nghĩ rằng việc truyền pháp lực là một phương pháp để trao truyền huyền thuật nên rất ham muốn được uống nước đã có gia trì hay được vị đạo sư dùng các pháp khí vỗ lên đầu. Có người khá hơn cho rằng những giáo lý nói về ý chí tìm cầu giải thoát, tâm thí xả và trí tuệ về không tánh (ba nguyên lý chủ yếu của con đường đạo) là những giáo lý nâng cao. Cách hiểu như vậy là hiểu không đúng về Kim Cang Thừa.

Ba nguyên lý của con đường đạo là những lời dạy căn bản mà tất cả những người con Phật nên lắng lòng nghe và theo đó mà tu tập. Đó là nền tảng để xây dựng nên chí hướng và cách hiểu biết đúng đắn về giáo pháp. Đó là tiền đề để lãnh thọ pháp lực.

Thật ra, có một số trường hợp, vị đạo sư cử hành lễ truyền pháp lực với hình thức ban phước lành với ý muốn nhờ đó người ta có thể kết duyên với Kim Cang Thừa. Tuy nhiên người lãnh thọ cũng phải tập trung tâm ý trong suốt thời gian làm lễ.

Mục đích của lễ truyền pháp lực là gieo trồng những hạt giống giác ngộ cho tương lai và giới thiệu cho người ấy pháp môn thiền định quán chiếu về những linh tướng đặc biệt của Đức Phật. Vì vậy mà những lễ truyền pháp lực nên được tiến hành nghiêm trang với tâm chí thành chí kính. Sau khi lãnh thọ pháp lực những người đệ tử nên thỉnh cầu vị đạo sư giáo giới về những giới điều và những pháp hạnh rồi theo đó mà hết lòng nghiêm giữ và hành trì.

Hơn nữa, những người đệ tử nên thỉnh cầu thầy dạy về những pháp môn tu luyện hay nghi quỹ [*] về linh ảnh nào đó của Đức Phật. Vị đạo sư tâm linh sẽ giảng giải ý nghĩa thâm yếu của Kim Cang Thừa và phương pháp để tu luyện về linh ảnh của Đức Phật hay một Bồ Tát thiêng liêng nào đó. Nhờ vào việc tu luyện theo lời dạy của thầy mà một hành giả có được những lợi lạc thù thắng.

[*] "Nghi quỹ" (Skt: Sadhana hoặc Tantra) là danh từ thường được dùng trong Kim Cang Thừa chỉ cho một phối hợp gồm những bài chú, những pháp thiền định, những vị hộ thần và những linh ảnh. Trong Phật giáo Tây Tạng, đây là phương pháp tu học phổ biến, nhưng luôn luôn cần sự hướng dẫn của một vị đạo sư.

Một số người cứ tham gia thật nhiều các buổi lễ truyền pháp lực như thể là đang sưu tập huy chương để gắn lên ngực áo. Những người này cứ khoe khoang với bạn bè rằng mình đã có nhiều lần được nhận lễ truyền pháp lực và nhiều lần được ban phước lành từ những vị đạo sư thiêng liêng. Nhưng trong đời sống thường nhật, ở tại gia đình hay ở nơi làm việc, người ấy không hề vận dụng những duyên lành đó để thiền quán về những linh ảnh của chư Phật; cũng không tỉnh giác đối với những hành động đang làm, những lời đang nói hay những ý đang nghĩ trong đầu.

Những người như thế sẽ không bao giờ tiến bộ trên đường tu học vì nhiều lý do. Trước hết, động cơ của họ là động cơ của thế tục, tức là tạo uy danh. Động cơ chân chánh của việc tu tập theo Chánh pháp là chuẩn bị cho kiếp lai sinh, là đạt được sự giải thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi, hay là đạt được giác ngộ viên mãn để làm lợi lạc cho quần sinh. Người tu chân chánh không bao giờ khoe khoang về những điều mà mình đã có được, đã tu được. Khi chưa thành chánh quả thì chẳng có gì để mà huênh hoang và khi thành chánh quả rồi thì vị ấy lại càng khiêm cung và cũng không bao giờ khoe khoang cả.

Thứ hai, những người như vậy không quán sát được nhân quả trong đời sống hàng ngày của họ nên tiếp tục gây tạo những nhân không tốt khiến cho đời sống trong tương lai có nhiều bất hạnh. Để tiến bộ trên đường tu, điều chủ yếu là nếp sống đạo đức và cách cư xử tử tế với mọi người.

Thứ ba, họ không nỗ lực tu tập theo những vị đạo sư thiêng liêng đã tạo duyên cho họ được truyền thụ pháp lực. Không nỗ lực tu tập thì không có cách gì tiến bộ được. Những người tu chân chánh chỉ âm thầm khiêm tốn tu tập theo lời giáo huấn của vị đạo sư tâm linh và nhờ đó mà đạt được thành quả.

Quán chiếu những linh ảnh Phật giáo

Chúng ta có thể thắc mắc tại sao Kim Cang Thừa lại có rất nhiều hình tượng chư Phật hay nhiều linh ảnh. Tất cả Đức Phật đều chứng đắc chung một đạo quả. Tuy nhiên, để làm lợi lạc cho chúng ta, chư Phật đã thị hiện dưới nhiều hình dạng khác nhau để nêu bật lên những khía cạnh khác nhau của quả vị Vô Thượng.

Thí dụ, Quán Thế Âm Bồ Tát đặc biệt biểu trưng cho lòng từ ái của Phật. Một biểu tướng của vị Phật này có đến 1000 cánh tay biểu trưng cho đức tánh luôn luôn vận dụng mọi phương cách để cứu độ mọi sinh linh. Một vị thánh khác là Văn Thù Bồ Tát có thân tướng màu vàng đậm biểu trưng cho tính chất chói sáng huy hoàng của trí tuệ. Hình tượng Văn Thù Bồ Tát tay cầm thanh kiếm trí tuệ biểu trưng cho việc người ta cần phải chặt đứt tất cả những chướng ngại trên con đường giác ngộ giải thoát. Một biểu tướng nữ của Đức Phật là hình tượng Độ Mẫu (Tara) màu xanh lá cây nhắc nhở chúng ta màu xanh của mùa xuân và mùa hạ, biểu trưng cho tính chất phong phú, phát triển và thành tựu trong đạo nghiệp.

Một số thánh tượng trong tư thế thiền định đang ôm lấy đối thể. Thánh tượng này biểu trưng cho nguyên lý hợp nhất giữa từ bi (tướng nam) và trí tuệ (tướng nữ) thành tựu nhờ vào sự chứng đạt thiền định. Đây là một nghệ thuật biểu trưng không can dự gì với những hành vi dục cảm thiếu trí.

Pháp thiền định của Mật Tông gắn liền với việc quán tưởng. Tâm của chúng ta có một sức mạnh tưởng tượng và một năng lực hình dung vô cùng mạnh mẽ. Thật ra, đây là những tiến trình gắn liền với chúng ta khi chúng ta giận dữ, tham ái và kiêu ngạo. Trong Kim Cang Thừa năng lực tưởng tượng của tâm thức được chuyển hóa và vận dụng theo một phương pháp tích cực để thăng tiến đến đạo quả.

Trong pháp tu của Mật Tông, trước hết hành giả thiền quán về không tính hay tính chất trống rỗng, không hề có một thực thể cố định nào trong con người chúng ta. Trong cái khoảng không gian tâm thức đó, hành giả tưởng tượng một thân tướng cụ thể của Đức Phật, cụ thể như thân tướng của Quán Thế Âm Bồ Tát. Nhờ vào trực quán về hiện tướng của mình là Bồ Tát Quán Âm và tính chất không có thực thể mà hành giả đã tạo được những điều kiện để chứng đạt cả thân tướng lẫn tâm thức của một vị Phật.

Nhờ vào việc đồng nhất bản thân với Quán Thế Âm Bồ Tát mà hành giả vượt lên thoát khỏi cảm giác phước mỏng nghiệp dày. Nhờ vào việc đồng nhất với một lý tưởng, một vị Phật, một tương lai của bản thân mà hành giả có thể tiếp nhận vào bản thân những phẩm tính tốt đẹp rồi truyền đạt chúng sang người khác với một tấm lòng từ ái và bi mẫn hơn.

Tụng đọc những câu chú thực hiện song song với việc tưởng tượng bản thân mình đang hội nhập với thân tướng thanh tịnh của một Đức Phật. Một câu chú là một chuỗi âm thanh được thiết lập và được một vị Phật gia trì, chứa đựng tinh yếu của nội dung giác ngộ mà vị Phật ấy chứng được. Tụng đọc những câu chú có công năng ổn định và giúp phát triển năng lực tập trung của tâm thức. Trong đời sống hằng ngày, người ta mảng lo nói những chuyện phù phiếm và tự thầm thì trong thất niệm. Tụng đọc thần chú sẽ chuyển hóa khuynh hướng đã có sẵn này thành một năng lực tu tập đưa đến một trạng thái tâm thức tập trung và thanh tịnh.

Trong Kim Cang Thừa, hành giả phát triển trạng thái tĩnh trú nhờ vào việc thấy rằng bản thân mình là một vị Phật hay thấy rằng một câu chú hay một pháp khí thiêng liêng nào đó hiện diện trong thân thể của mình. Hành giả chứng đạt biệt quán về không tính do nhờ tập trung tâm ý vào tính chất vô ngã của bản thân và của thánh tượng lúc khởi sự tu thiền, đồng thời còn tập trung vào không tính của bản thân và của vị Phật suốt trong thời gian thiền quán.

Phật giáo Tây Tạng nêu cao tầm quan trọng của việc tìm ra một vị đạo sư tâm linh có phẩm chất rồi tuân hành theo những lời giáo huấn về Chánh pháp của vị ấy mà nghiêm cẩn tu tập. Điều này cần phải được tuân hành đặc biệt đối với những hành giả tu theo những pháp thiền định bí mật của Kim Cang Thừa.

Phật giáo Tây Tạng đã lan truyền sang những quốc gia phương Tây. Người dân ở đây đã thích thú với những thứ bậc từng bước một của giáo pháp để rèn luyện tâm từ ái, lòng bi mẫn và ý hướng thí xả song song với những điểm giáo lý chơn chánh và có tính khai phóng nhằm chứng đạt được không tánh. Một số người khác lại cảm thấy thích thú với cách vận dụng sức tưởng tượng và năng lực chuyển hóa của Kim Cang Thừa. Nhưng dù cho hành giả tu tập theo bất cứ một giáo phái hay một thừa nào đi nữa điều quan trọng là hành giả phải chân thành, trung thực và khiêm cung trong công trình tu tập của mình.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
30/04/2010(Xem: 10308)
Đã khá lâu rồi, „Lá Thư Tịnh Hữu“ vắng bóng trên Viên Giác. Bắt đầu từ năm 2000, đến giờ sắp sang năm 2004, mà cũng chưa chấm dứt. Nhiều bạn hữu nói nhỏ, “không biết ông Thị Chơn Nghiệp Dọc này còn dài dài đến bao lâu nữa!”. Hôm kỷ niệm 25 năm thành lập chùa Viên Giác và báo Viên Giác, Thị Chơn (TC) tôi đảo một vòng trong khuôn viên của chùa để thăm các quầy phát hành bánh trái, nước uống và thức ăn chay. Chợt nghe một giọng Huế khá quen thuộc phát ra dưới mái lều che mưa nắng dựng nơi quầy phát hành của Sư Bà Như Tuấn:
16/03/2010(Xem: 6154)
Tha tội là gì? Triết lý và các tôn giáo phương Tây nghĩ về điều đó như thế nào? Tôi chỉ gợi lên ở đây hai ba câu hỏi thôi, liên quan đến câu chuyện mà tôi sẽ kể. Không biết có phải nhân loại trở nên thánh thiện hay không mà bỗng nhiên xin lỗi, thú tội, hối hận trở thành vấn đề thời sự. Hay có lẽ ai nấy đều theo gương Giáo Hoàng bên La Mã. Bên Mỹ, ông Clinton hối hận đến động lòng, xin lỗi xót xa, vì trót sảy chân chút phận đàn bà. Bên Argentine, nhà thờ lên tiếng xin tha tội vì đã im lặng đồng lõa trong suốt thời gian độc tài quân phiệt. Nhà thờ Brésil cũng vội vàng tuyên bố hối lỗi trước “Người da đỏ và người da đen”. Một vài bạn của ông Chirac giục ông hối hận trước dư luận vì bàn tay của ông có nhúng khá sâu vào những mánh mung kinh tài trong khi làm thị trưởng Paris.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]