Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đức Phật Giảng Về Nguồn Gốc Con Người

28/11/201010:28(Xem: 4994)
Đức Phật Giảng Về Nguồn Gốc Con Người
Buddha_4ĐỨC PHẬT GIẢNG VỀ
NGUỒN GỐC CON NGƯỜI

Như vầy tôi nghe:

1. Một thời Thế Tôn trú tại Sàvatthi (Xá-vệ), Pubbàràma (Thành Tín Viên lâm), ở lầu của Migà ramàtu (Lộc Mẫu Giảng đường). Lúc bấy giờ, Vàsettha và Bhàradvàjà sống giữa các vị Tỷ kheo và muốn trở thành Tỷ kheo. Thế Tôn vào buổi chiều, từ thiền tịnh khởi dậy, bước xuống khỏi lầu, đi qua lại giữa trời, dưới bóng ngôi lầu.

2. Vàsettha thấy Thế Tôn vào buổi chiều, từ thiền tịnh khởi dậy, bước xuống khỏi ngôi lầu, đi qua lại giữa trời, dưới bóng ngôi lầu. Thấy vậy Vàsettha nói với Bhàradvàja:

- Này bạn Bhàradvàja, Thế Tôn vào buổi chiều, từ thiền tịnh khởi dậy, bước xuống khỏi lầu, đi qua lại giữa trời, dưới bóng ngôi lầu. Này bạn Bhàradvàja, chúng ta hãy đến yết kiến Thế Tôn. Rất có thể chúng ta được nghe một thời pháp từ Thế Tôn.

- Thưa vâng, Hiền giả!

Bhàradvàja vâng theo lời Vàsettha. Rồi cả Vàsettha và Bhàradvàja cùng đến gần Thế Tôn, khi đến xong đảnh lễ Ngài và đi theo sau lưng Thế Tôn, khi Ngài đang đi qua đi lại.

3. Rồi Thế Tôn nói với Vàsettha:

- Này Vàsettha, Ngươi sanh trưởng là Bà-la-môn và thuộc gia tộc Bà-la-môn, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình từ gia tộc Bà-la-môn. Này Vàsettha, người Bà-la-môn có chỉ trích Ngươi, phỉ báng Ngươi chăng?

- Bạch Thế Tôn, các vị Bà-la-môn thật có chỉ trích chúng con, phỉ báng chúng con, với những lời phỉ báng thật chí tình, phỉ báng thật toàn diện, chớ không phải không toàn diện.

- Này Vàsettha, các vị Bà-la-môn dùng lời lẽ như thế nào để chỉ trích các Ngươi, phỉ báng các Ngươi, với những lời phỉ báng thật chí tình, phỉ báng thật toàn diện, chớ không phải không toàn diện?

- Bạch Thế Tôn, các vị Bà-la-môn đã nói như sau: "Bà-la-môn là giai cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt. Chỉ có giai cấp Bà-la-môn là da trắng, giai cấp khác là da đen. Chỉ có Bà-la-môn là thuần túy, các giai cấp phi Bà-la-môn không phải như vậy. Chỉ có Bà-la-môn mới là con chính tông của Phạm thiên, sanh từ miệng Phạm thiên, do Phạm thiên sanh, do Phạm thiên tạo ra, là con cháu thừa tự của Phạm thiên. Các Ngươi đã từ bỏ giai cấp tối thượng, cúi mình vào giai cấp hạ tiện - giai cấp các Sa môn trọc đầu, đê tiện, đen đủi, giòng giống thuộc bàn chân. Làm vậy thật là không tốt, làm vậy thật là không hợp, khi các Ngươi từ bỏ giai cấp tối thượng, cúi mình vào giai cấp hạ tiệt, giai cấp Bà-la-môn trọc đầu, đê tiện, đen đủi, giòng giống thuộc bàn chân". Bạch Thế Tôn, như vậy các vị Bà-la-môn chỉ trích chúng con, phỉ báng chúng con, với những lời phỉ báng thật chí tình, phỉ báng thật toàn diện, chớ không phải không toàn diện.

4. - Này Vàsettha, các người Bà-la-môn thật đã quên quá khứ khi họ nói: "Bà-la-môn là giai cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ tiện. Chỉ có giai cấp Bà-la-môn là da trắng, giai cấp khác là da đen. Chỉ có Bà-la-môn là thuần túy, các giai cáp phi Bà-la-môn không phải như vậy. Chỉ có Bà-la-môn mới là con chính tông của Phạm thiên, sanh từ miệng Phạm thiên, do Phạm thiên sanh, do Phạm thiên tạo ra, là con cháu thừa tự của Phạm thiên". Này Vàsettha, các nữ Bà-la-môn, vợ của các Bà-la-môn được thấy là có kinh nguyệt, có mang thai, có sanh con, có cho con bú. Và những Bà-la-môn ấy chính do thai sanh, lại nói rằng: "Bà-la-môn là giai cấp tối thượng... là con cháu thừa tự của Phạm thiên".

5. Này Vàsettha, có bốn giai cấp: Sát đế lỵ, Bà-la-môn, Phệ xá và Sudda (Thủ-đà-la). Này Vàsettha, có người Sát đế lỵ sát sanh, lấy của không cho, có tà hạnh, nói láo, nói hai lưỡi, nói ác khẩu, nói lời phù phiếm, có tâm tham, có tâm sân, có tà kiến. Này Vàsettha, những pháp ấy là bất thiện và được gọi là bất thiện; những pháp ấy là có tội và được gọi là có tội; những pháp ấy không nên hành trì và được gọi là các pháp không nên hành trì; những pháp ấy không xứng Thánh pháp và được gọi là không xứng Thánh pháp; những pháp ấy là hắc pháp và hắc báo; những pháp ấy bị người có trí quở trách. Ở đây, những pháp ấy được tìm thấy trong một số người Sát đế lỵ. Này Vàsettha có người Bà-la-môn... Này Vàsettha có người Phệ xá... Này Vàsettha, có người Thủ đà la sát sanh... có tà kiến. Này Vàsettha, những pháp ấy là bất thiện và được gọi là bất thiện... là hắc pháp và hắc báo; những pháp ấy bị người có trí quở trách. Ở đây, những pháp ấy được tìm thấy trong một số người Thủ đà la.

6. Này Vàsettha, có người Sát đế lỵ không sát sanh, không lấy của không cho, không có tà hạnh, không nói láo, không nói hai lưỡi, không nói ác khẩu, không nói lời phù phiếm, không có tâm tham, không có tâm sân, có chánh kiến. Này Vàsettha, những pháp ấy là thiện và được gọi là thiện; những pháp ấy không có tội và được gọi là không có tội; những pháp ấy nên hành trì và được gọi là các pháp nên hành trì; những pháp ấy xứng Thánh pháp và được gọi là xứng Thánh pháp; những pháp ấy là bạch pháp và có bạch quả; những pháp ấy được người có trí tán thán. Ở đây, những pháp ấy được tìm thấy trong một số người Sát đế lỵ. Này Vàsettha, có người Bà-la-môn... Này Vàsettha, có người Phệ xá... Này Vàsettha, có người Thủ đà la không sát sanh... không có tham tâm, không có sân tâm, có chánh kiến. Này Vàsettha, những pháp ấy là thiện và được gọi là thiện; những pháp ấy không có tội và được gọi là không có tội; những pháp ấy nên hành trì và được gọi là các pháp nên hành trì; những pháp ấy xứng Thánh pháp và được gọi là xứng Thánh pháp; những pháp ấy là bạch pháp và có bạch quả; những pháp được người có trí tán thán. Ở đây, những pháp ấy được tìm thấy trong một số người Thủ đà la.

7. Này Vàsettha, vì rằng cả hai pháp hắc và bạch được chỉ trích và được tán thán bởi những người có trí, đều có mặt lẫn lộn trong bốn giai cấp này, nên ở đây, những Bà-la-môn nào nói rằng: "Bà-la-môn là giai cấp tối thượng, các giai cấp khác là hạ liệt; chỉ có giai cấp Bà-la-môn là da trắng, giai cấp khác là da đen; chỉ có Bà-la-môn là thuần túy, các giai cấp phi Bà-la-môn không phải như vậy; chỉ có Bà-la-môn là con chính tông của Phạm thiên, sanh từ miệng Phạm thiên, do Phạm thiên sanh, do Phạm thiên tạo ra, là con cháu thừa tự của Phạm thiên." Các vị có trí không thể chấp nhận như vậy. Tại sao vậy? Này Vàsettha, vì rằng nếu có ai trong bốn giai cấp là một vị Tỷ kheo, một vị A la hán, các lậu hoặc đã được diệt tận, phạm hạnh đã thành, đã làm những việc phải làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt mục đích tối thượng, hữu kiết sử đã diệt, nhờ chánh trí đã được giải thoát, vị ấy sẽ được xem là tối thượng so sánh với bốn giai cấp, vì xứng với Pháp, không phải không xứng với Pháp. Này Vàsettha, Phàp là tối thượng giữa các loài hữu tình, trong đời này và cả đời sau.

8. Này Vàsettha, đây là một chứng minh điển hình để biết vì sao Pháp là tối thượng giữa các loài hữu tình, trong đời này và cả đời sau.

Này Vàsettha, vua Pasenadi (Ba tư nặc) nước Kosala biết rằng: "Sa môn Gotama xuất gia từ giòng họ liên hệ Sàkyà tôn trọng, đảnh lễ, đứng dậy, chấp tay và đối xử với vua Pasenadi nước Kosala rất lễ độ phải phép. Cũng vậy vua Pasenadi nước Kosala tôn trọng, đảnh lễ, đứng dậy, chấp tay và đối xử với Như Lai rất lễ độ, phải phép, vì vua nghĩ: "Có phải Sa môn Gotama là thiện sanh? Còn ta không phải thiện sanh; Sa môn Gotama có hùng lực, ta không có hùng lực; Sa môn Gotama có dáng mặt đẹp đẽ, còn ta có dáng mặt thô xấu; Sa môn Gotama là vị có nhiều thế lực, còn ta ít có thế lực?" Vì rằng vua Pasenadi nước Kosala tôn trọng Pháp, cung kính Pháp, đảnh lễ Pháp, cúng dường Pháp, kính lễ Pháp nên vua tôn trọng, đảnh lễ, đứng dậy, chấp tay và đối xử với Như Lai rất lễ độ, phải phép. Này Vàsettha, với chứng minh điển hình này, cần hiểu như thế nào Pháp là tối thượng giữa các loài hữu tình, trong đời này và cả đời sau.

9. Này Vàsettha, các Ngươi, sanh sai biệt, danh sai biệt, tánh sai biệt, gia hệ sai biệt, đã xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Nếu có ai hỏi: "Các vị là ai?", các Ngươi cần trả lời: "Chúng tôi là Sa môn, dưới sự lãnh đạo của Thích ca tử". Này Vàsettha, ai có lòng tin Như Lai, lòng tin ấy được an trí, có căn đế, an trú và chắc chắn, một lòng tin không bị lôi kéo bởi Sa môn, Bà-la-môn, chư Thiên, Ma vương, Phạm thiên hay một vị nào ở trên đời, vị ấy có thể nói: "Ta là con chính tông của Thế Tôn, sanh ra từ miệng, do Pháp sanh, do Pháp tạo ra, là con cháu thừa tự của Pháp." Vì sao vậy? Này Vàsettha, vì là những chữ đồng nghĩa với Như Lai là Pháp thân, là Phạm thân, là Pháp thể, là Phạm thể.

10. Này Vàsettha, có một thời đến một giai đoạn nào đó, sau một thời hạn rất lâu, thế giới này chuyển hoại. Trong khi thế giới chuyển hoại, các loại hữu tình phần lớn sanh qua cõi Abhassara (Quang Âm thiên). Ở tại đây, những loại chúng sanh này do ý sanh, nuôi sống bằng hỷ, tự chiếu hào quang, phi hành trên hư không, sống trong sự quang vinh, và sống như vậy một thời gian khá dài. Này Vàsettha, có một thời đến một giai đoạn nào đó, sau một thời hạn rất lâu, thế giới này chuyển thành. Trong khi thế giới này chuyển thành, một số lớn chúng sanh từ Quang Âm thiên thác sanh qua tại đây. Những chúng sanh này do ý sanh, nuôi sống bằng hỷ, tự chiếu hào quang, phi hành trên hư không, sống trong sự quang vinh và sống như vậy một thời gia khá dài.

11. Này Vàsettha, lúc bấy giờ, vạn vật trở thành một thế giới toàn nước đen sẫm, một màu đen khiến mắt phải mù. Mặt trăng, mặt trời không hiện ra; sao và chòm sao không hiện ra; không có ngày đêm; không có tháng và nửa tháng; không có năm và thời tiết; không có đàn bà đàn ông. Các loài hữu tình chỉ được xem là loài hữu tình mà thôi. Này Vàsettha, đối với các loài hữu tình ấy, sau một thời gian rất lâu, vị đất tan ra trong nước. Như bọt nổi lên trên mặt cháo sữa nóng đang nguội dần, cũng vậy đất hiện ra. Đất này có màu sắc, có hương và có vị. Màu sắc của đất giống như đề hồ hay thuần túy như tô, vị của đất như mật ong thuần tịnh.

12. Này Vàsettha, có loài hữu tình, có tánh tham, nói: "Kìa xem, vật này là gì vậy?", lấy ngón tay nếm vị của đất. Khi lấy ngón tay nếm vị của đất, vị ấy thấm vào thân và tham ái khởi lên. Này Vàsettha, các loài hữu tình khác, theo gương hữu tình kia, lấy ngón tay nếm vị của đất. Khi lấy ngón tay nếm vị của đất, vị ấy thấm vào thân và tham ái khởi lên. Rồi các hữu tình kia bắt đầu thưởng thức vị của đất, bằng cách bẻ từng cục đất với bàn tay nhỏ của họ, thời ánh sáng của họ biến mất. Khi ánh sáng của họ biến mất, mặt trăng mặt trời hiện ra. Khi mặt trăng, mặt trời hiện ra, thì sao và chòm sao hiện ra. Khi sao và chòm sao hiện ra, ngày và đêm hiện ra, khi ngày và đêm hiện ra, thì nửa tháng và tháng hiện ra. Khi nửa tháng và tháng hiện ra, thời tiết và năm hiện ra. Như vậy, này Vàsettha, thế giới này bắt đầu thành trở lại.

13. Này Vàsettha, những hữu tình ấy, thưởng thức vị của đất, lấy đất làm chất ăn, lấy đất làm món ăn trong một thời gian khá lâu. Này Vàsettha, vì các hữu tình ấy thưởng thức vị của đất, lấy đất làm chất ăn, lấy đất làm món ăn trong một thời gian khá lâu, thân của họ trở thành cứng rắn, và sắc đẹp của họ trở thành sai biệt. Có hạng hữu tình có sắc đẹp, có hạng hữu tình không có sắc đẹp. Ở đây các hữu tình có sắc đẹp khinh các hữu tình không có sắc đẹp: "Chúng ta có sắc đẹp hơn họ, họ không có sắc đẹp bằng chúng ta." Do họ kiêu mạn và kiêu ngạo về sắc đẹp của họ, vị của đất biến mất. Khi vị của đất biến mất, họ hội họp lại và kêu than: "Ôi vị ngon! Ôi vị ngon!", như ngày nay, khi loài Người có được vị ngon liền nói: "Ôi vị ngon! Ôi vị ngon!" Như vậy họ theo văn tự truyền thống của thời xưa mà không biết ý nghĩa của nó.

14. Này Vàsettha, khi vị đất đã biến mất với các hữu tình ấy, thời một loại nấm đất hiện ra. Như hình con rắn, chúng hiện ra như vậy. Loại nấm ấy có sắc, có hương, có vị. Mầu sắc của loại nấm này giống như đề hồ hay thuần túy như tô. Vị của đất như mật ong thuần tịnh. Này Vàsettha, những hữu tình ấy bắt đầu ăn thứ nấm đất. Họ thưởng thức nấm đất, lấy nấm đất làm chất ăn, lấy nấm đất làm món ăn trong một thời gian khá lâu. Này Vàsettha, vì các chúng sanh ấy thưởng thức nấm đất, lấy nấm đất làm chất ăn, lấy nấm đất làm món ăn trong một thời gian khá lâu, nên thân của họ trở thành cứng rắn hơn và sắc đẹp của chúng lại càng sai biệt. Có hạng hữu tình có sắc đẹp, có hạng hữu tình không có sắc đẹp. Ở đây các hữu tình có sắc đẹp khinh các hữu tình không có sắc đẹp: "Chúng ta có sắc đẹp hơn họ, họ không có sắc đẹp bằng chúng ta". Do họ kiêu mạn và kiêu ngạo về sắc đẹp của họ, nấm đất biến mất. Khi nấm đất biến mất cỏ và cây leo hiện ra. Như loại cây tre, chúng hiện ra như vậy. Loại cây leo này có sắc, có hương, có vị. Mầu sắc của loại cây này giống như đề hồ hay thuần túy như tô. Vị của loại cây leo này như mật ong thuần tịnh.

15. Này Vàsettha, các hữu tình này bắt đầu thưởng thức loại cây leo này. Chúng bắt đầu thưởng thức loại cây leo, lấy cây leo làm chất ăn, lấy cây leo làm món ăn trong một thời gian khá lâu. Này Vàsettha, vì những hữu tình này bắt đàu thưởng thức loại cây leo, lấy cây leo làm chất ăn, lấy cây leo làm món ăn trong một thời gian khá lâu nên thân của họ trở thành cứng rắn hơn và sắp đẹp của họ lại càng sai biệt. Có hạng hữu tình có sắc đẹp, có hạng hữu tình không có sắc đẹp. Ở đây các hữu tình có sắc đẹp khinh các hữu tình không có sắc đẹp: "Chúng ta có sắc đẹp hơn họ, họ không có sắc đẹp bằng chúng ta." Do họ kiêu mạn và kiêu ngạo về sắc đẹp của họ, cỏ và cây leo biến mất. Khi cỏ và cây leo biến mất, họ hội họp lại và kêu than: "Ôi, cái này thuộc của chúng ta! Ôi hại thay cho chúng ta, nay cỏ và cây leo đã biến đi!"; như ngày nay khi loài Người được hỏi cái gì làm cho đau khổ, bèn trả lời: "Ôi, cái này thuộc của chúng ta! Ôi hại thay cho chúng ta!" Như vậy, họ theo văn tự truyền thống của thời xưa mà không biết ý nghĩa của nó.

16. Này Vàsettha, khi các loại cỏ, cây leo biến mất, thời lúa xuất hiện tại các khoảng trống, không có cám, không có vỏ, có mùi thơm và bột trơn nhẵn. Chỗ nào vào buổi chiều họ mang đi để ăn chiều, thời tại chỗ ấy, vào buổi sáng, lúa lại mọc lớn và chín. Chỗ nào vào buổi sáng, họ mang đi để ăn sáng, thời tại chỗ ấy, vào buổi chiều lúa lại mọc lớn và chín, không có gián đoạn. Này Vàsettha, những hữu tình ấy thưởng thức lúa mọc tại các khoảng trống, lấy lúa làm chất ăn, lấy lúa làm món ăn trong một thời gian khá lâu. Này Vàsettha, vì các chúng sanh ấy thưởng thức lúa mọc tại khoảng trống, lấy lúa làm chất ăn, lấy lúa làm món ăn trong một thời gian khá lâu, thân hình của họ trở thành cứng rắn hơn và sắp đẹp của họ lại càng sai biệt. Về phái nữ, nữ tánh xuất hiện; về phái nam, nam tánh xuất hiện. Phái nữ nhìn phái nam hết sức kỹ lưỡng, phái nam nhìn phái nữ hết sức kỹ lưỡng. Vì họ nhìn nhau kỹ lưỡng như vậy nên tình dục khởi lên, ái luyến đối với thân thể bắt đầu. Do sự ái luyến, họ làm các hạnh dâm. Này Vàsettha, lúc bấy giờ những chúng sanh ấy thấy làm các hạnh dâm như vậy, người thì quăng bùn, người thì quăng tro, người thì quăng phân bò và nói: "Hãy chết đi, đồ ô uế! Hãy chết đi, đồ ô uế! Sao một loài hữu tình lại đối xử với một loài hữu tình khác như vậy?"; như ngày nay, tại một số quốc độ, khi một cô dâu được rước đi, có người quăng bùn, có người quăng tro, có người quăng phân bò. Như vậy, chúng theo văn tự truyền thống xưa mà không biết ý nghĩa của nó.

17. Này Vàsettha, lúc bấy giờ việc làm được xem là phi pháp nay được xem là đúng pháp. Này Vàsettha, lúc bấy giờ các loài hữu tình ấy hành dâm không được phép vào làng hay xã ấp một tháng hay cả hai tháng. Vì những hữu tình ấy lúc bấy giờ chỉ trích mau chóng, vì hành động phi pháp, họ bắt đầu làm lầu, làm nhà để che dấu những hành động phi pháp của họ. Này Vàsettha, có loài hữu tình bản tánh biếng nhác tự nghĩ: "Sao ta lại tự làm ta mỏi mệt bằng cách đi tìm lúa buổi chiều cho buổi ăn chiều, buổi sáng cho buổi ăn sáng? Sao ta lại không tìm lúa một lần cho cả buổi ăn chiều và buổi ăn sáng?" Này Vàsettha, loài hữu tình ấy tìm lúa một lần cho cả buổi ăn chiều, cả buổi ăn sáng. Một hữu tình khác đến vị hữu tình này và nói:
- Này Bạn, chúng ta hãy đi tìm lúa!
- Này Bạn, tôi đã tìm lúa một lần, cả cho buổi chiều và buổi sáng.
Này Vàsettha, vị này noi theo vị hữu tình kia, đi tìm lúa một lần đủ cho cả hai ngày.
- Này Bạn, như vậy là tốt.
Này Vàsettha, rồi một hữu tình khác đến vị hữu tình ấy và nói:
- Này Bạn chúng ta hãy đi tìm lúa.
- Này Bạn, tôi đã tìm lúa một lần đủ cho cả hai ngày rồi.
Này Vàsettha, vị hữu tình này noi theo gương vị hữu tình kia, liền đi tìm lúa một lần đủ cho bốn ngày.
- Này Bạn, như vậy là tốt.
Này Vàsettha, một vị hữu tình khác lại đến vị hữu tình này và nói:
- Này Bạn, chúng ta hãy đi tìm lúa!
- Này Bạn, tôi đã tìm lúa một lần đủ cho cả bốn ngày!
Này Vàsettha, vị hữu tình này noi theo gương vị hữu tình kia, liền đi tìm lúa một lần đủ cho tám ngày.
- Này Bạn, như vậy là tốt.
Này Vàsettha, những vị hữu tình kia, bắt đầu tích trữ lúa để ăn, và cám bắt đầu bao bọc hột gạo trơn nhẵn và vỏ lúa bao bọc hột lúa; và các cây lúa bị cắt không lớn lên được; và như vậy có sự gián đoạn; và cây lúa mọc lên từng cụm, từng chùm.

18. Này Vàsettha, các loài hữu tình ấy hội họp lại và than phiền:
- Này các Bạn, các ác pháp đã hiện ra giữa các loài hữu tình. Chúng ta trước kia do ý sanh, nuôi sống bằng hỷ, tự chiếu hào quang phi hành trên hư không, sống trong sự quang vinh và sống như vậy trong một thời gian khá dài. Đối với chúng ta, sau một thời gian khá dài, vị của đất hiện ra. Vị đất này có sắc, có hương và có vị. Chúng ta bắt đầu bẻ đất từng cục bằng tay để ăn vị đất. Vì bắt đầu bẻ đất bằng tay từng cục để ăn, nên hào quang biến mất. Vì hào quang biến mất nên mặt trời, mặt trăng hiện ra. Vì mặt trăng, mặt trời hiện ra nên các sao và chùm sao hiện ra. Vì các sao và chùm sao hiện ra, nên đêm, ngày hiện ra. Vì đêm, ngày hiện ra, nên nửa tháng và tháng hiện ra. Vì nửa tháng và tháng hiện ra, nên thời tiết và năm hiện ra. Chúng ta thưởng thức vị đất, lấy vị đất làm chất ăn, lấy vị đất làm món ăn trong một thời gian khá dài. Khi ác bất thiện pháp khởi lên giữa chúng ta, vị đất biến mất. Vì vị đất biến mất, nên nấm đất hiện ra. Nấm đất này có sắc, có hương và có vị. Chúng ta bắt đầu thưởng thức nấm đất ấy, lấy nấm đất làm chất ăn, lấy nấm đất làm món ăn trong một thời gian khá dài. Vì các ác, bất thiện pháp này khởi lên giữa chúng ta nên nấm đất biến mất. Vì nấm đất biến mất, nên cỏ và cây leo hiện ra. Cỏ và cây leo này có sắc, có hương và có vị. Chúng ta bắt đầu thưởng thức cỏ và cây leo ấy, lấy cỏ và cây leo làm chất ăn, lấy cỏ và cây leo làm món ăn trong một thời gian khá dài. Vì các ác, bất thiện pháp này xảy ra giữa chúng ta nên cỏ và cây leo biến mất. Vì cỏ và cây leo biến mất, nên lúa mọc tại khoảng trống hiện ra, không có cám, không có vỏ, thuần tịnh, có mùi thơm và hột trơn nhẵn. Chỗ nào vào buổi chiều, chúng ta mang đi để ăn chiều, thời tại chỗ ấy vào buổi sáng lúa lại mọc lớn và chín. Chỗ nào vào buổi sáng, chúng ta mang đi để ăn sáng, thời tại chỗ ấy vào buổi chiều, lúa lại mọc lớn và chín, không có gián đoạn. Chúng ta thưởng thức lúa mọc tại khoảng trống, lấy lúa làm chất ăn, lấy lúa làm món ăn trong một thời gian khá dài. Vì các ác, bất thiện pháp ấy khởi lên giữa chúng ta, cám bắt đầu bọc hột lúa trơn nhẵn và vỏ lúa bao bọc hột lúa trơn nhẵn; và các cây lúc bị cắt không lớn lên được; và như vậy có sự gián đoạn. Và các cây lúa mọc lên từng cụm, từng chùm. Vậy nay, chúng ta hãy chia lúa và đắp đê làm bờ ruộng.
Này Vàsettha, các loại hữu tình ấy phân chia lúa và đắp đê làm bờ ruộng.

19. Này Vàsettha, có vị hữu tình, bản tánh biếng nhác, gìn giữ phần của mình, đánh cắp phần của người khác và thưởng thức phần ấy. Người ta bắt người ấy và nói:
- Này Ngươi, Ngươi đã làm ác pháp, gìn giữ phần của mình, đánh cắp phần không cho của người khác và thưởng thức phần ấy. Nhà Ngươi chớ có làm như vậy nữa.
- Thưa Bạn, vâng!
Này Vàsettha, người này vâng theo lời nói của những người ấy. Này Vàsettha, một lần thứ hai... Này Vàsettha một lần thứ ba, người này gìn giữ phần của mình, đánh cắp phần không cho của người khác và thưởng thức phần ấy. Người ta bắt người này và nói:
- Này Ngươi, Ngươi đã làm điều ác, vì Ngươi gìn giữ phần của mình, đánh cắp phần không cho của người khác và thưởng thức phần ấy... Ngươi chớ có làm như vậy nữa.
Có người đập anh ta bằng tay, có người đập anh ta bằng đá, có người đập anh ta bằng gậy. Này Vàsettha, bắt đầu như vậy, lấy của không cho xuất hiện, quở trách xuất hiện, nói láo xuất hiện, hình phạt đánh đập xuất hiện.

20. Này Vàsettha, những loài hữu tình ấy hội họp lại và than khóc:
- Này Tôn giả, ác pháp đã khởi lên giữa các loài hữu tình, trong hình thức lấy của không cho xuất hiện, quở trách xuất hiện, nói láo xuất hiện, hình phạt xuất hiện. Chúng ta hãy đề cử một người. Người ấy sẽ tức giận khi đáng phải tức giận, khiển trách khi đáng phải khiển trách, hay tẩn xuất khi đáng phải tẩn xuất. Chúng tôi sẽ dành cho Người một phần lúa của chúng tôi.
- Xin vâng, các Tôn giả!
Này Vàsettha, vị hữu tình này vâng theo các vị hữu tình kia, tức giận khi đáng tức giận, khiển trách khi đáng khiển trách, tẩn xuất khi đáng tẩn xuất. Và các vị hữu tình kia chia cho vị này một phần lúa.

21. Này Vàsettha, được lựa chọn bởi đại chúng, tức là Mahà-sammato. Danh từ Mahà-sammato là danh từ đầu tiên được khởi lên. Này Vàsettha, "Vị chủ của ruộng vườn" tức là Khattiyà, là danh từ thứ hai được khởi lên" Làm cho các người khác hoan hỷ bởi Pháp", tức là Ràja (vị vua). Ràja là danh từ thứ ba được khởi lên. Này Vàsettha, như vậy là sự khởi lên nguồn gốc giới vức xã hội của Khattiya theo danh từ truyền thống cổ xưa. Nguồn gốc của chúng ta ở giữa những loài hữu tình ấy, không ở ngoài loại nào khác, một cách đúng pháp tắc (dhamma), không phải phi pháp. Này Vàsettha, như vậy Pháp là tối thượng ở đời, trong hiện tại và cả cho đời sau.

22. Này Vàsettha, một số các vị hữu tình suy nghĩ:
- Này các Tôn giả, các ác, bất thiện pháp đã hiện ra giữa các loại hữu tình, như lấy của không cho, khiển trách, nói láo, hình phạt, tẩn xuất. Chúng ta hãy loại bỏ các ác, bất thiện pháp.
Các vị ấy loại bỏ các ác, bất thiện pháp, tức là Bràhmanà (Bà-la-môn), và chữ Bràhmanà là danh từ đầu tiên được khởi lên. Những vị nầy lập lên những chòi bằng lá tại các khu rừng và tu thiền trong những nhà chòi bằng lá ấy. Đối với họ, than đỏ được dập tắt, khói được tiêu tan, cối và chầy rơi ngả nghiêng, buổi chiều lo buổi ăn chiều, buổi sáng lo buổi ăn sáng; họ đi vào làng, vào thị xã, vào kinh đô để khất thực. Khi họ xin được đồ ăn rồi, họ lại vào các chòi lá trong các khu rừng để tu thiền. Các người khác thấy vậy, nói như sau:
- Này các Tôn giả, những loài hữu tình này lập lên những chòi bằng lá tại các khu rừng và tu thiền trong những chòi bằng lá ấy.
Đối với họ, than đỏ được dập tắt, khói được tiêu tan, cối và chầy rơi ngả nghiêng, buổi chiều lo ăn buổi ăn chiều, buổi sáng lo buổi ăn sáng; họ đi vào làng, vào thị xã, vào kinh đô để khất thực. Khi xin được đồ ăn rồi, họ lại vào các chòi lá trong khu rừng để tu thiền. Này Vàsettha, họ "Jhàyanti", tu thiền, tức là họ suy tư Jhàyakà. Jhàyakà là danh từ thứ hai được khởi lên.

23. Này Vàsettha, một số loài hữu tình này, không thể tu thiền trong các chòi bằng lá tại khu rừng, liền đi xuống xung quanh làng, xuống xung quanh thị xã để làm sách. Các người khác thấy vậy bèn nói:
"Này các Tôn giả, những loài hữu tình này, không thể tu thiền trong các chòi bằng lá tại khu rừng, đã đi xuống xung quanh làng, xuống xung quanh thị xã để làm sách. Nay những vị này không tu thiền.
Này Vàsettha, "Na dàn ime Jhàyanti" tức là ajjhàyaka, và ajjàyakà (các vị lập lại các tập sách Vedà), cũng có nghĩa là những người không tu thiền, là chữ thứ ba được khởi lên. Này Vàsettha, thời ấy họ thuộc hạ cấp. Nay họ xem là cao thượng nhất. Như vậy, này Vàsettha là sự khởi lên nguồn gốc giới vức xã hội của các Bà-la-môn, theo danh từ truyền thống cổ xưa. Nguồn gốc của họ là ở giữa những loài hữu tình ấy, không ở ngoài loại nào khác một cách đúng phép tắc, không phải phi pháp. Này Vàsettha, như vậy Pháp là tối thượng ở đời, trong hiện tại và cả cho đời sau.

24. Này Vàsettha, một số loài hữu tình này, theo pháp dâm dục, thiết lập các nghề nghiệp sai khác (Vissuta). Này Vàsettha, những ai theo pháp dâm dục, thiết lập ra các nghề nghiệp sai khác, như vậy gọi là Vessà. Danh từ Vessà được khởi lên. Như vậy, này Vàsettha là sự khởi lên nguồn gốc giới vức xã hội của các Vessà, theo danh từ truyền thống cổ xưa. Nguồn gốc của họ là ở giữa các loài hữu tình ấy, không ở ngoài loại nào khác, một cách đúng phép tắc, không phải phi pháp. Này Vàsettha, như vậy Pháp là tối thượng ở đời, trong hiện tại và cả cho đời sau.

25. Này Vàsettha, một số loài hữu tình còn lại lựa chọn săn bắn. Những ai sống săn bắn và theo các nghề hèn nhỏ, này Vàsettha, được gọi là Suddà. Và danh từ Suddà được khởi lên. Như vậy, này Vàsettha, là sự khởi lên nguồn gốc giới vức xã hội của các Suddà, theo danh từ truyền thống cổ xưa. Nguồn gốc của chúng là ở giữa các loài hữu tình ấy, không ở ngoài loại nào khác, một cách đúng phép tắc, không phải phi pháp. Này Vàsettha như vậy Pháp là tối thượng ở đời, trong hiện tại và cả cho đời sau.

26. Này Vàsettha, một thời có vị Khattiya (Sát đế lỵ) tự trách pháp của mình, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình: "Tôi sẽ sống làm người Sa môn". Vị Bà-la-môn, tự trách pháp của mình, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình: "Tôi sẽ sống làm người Sa môn". Vị Vessà, tự trách pháp của mình, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình: "Tôi sẽ sống làm người Sa môn". Vị Suddà, tự trách pháp của mình, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình: "Tôi sẽ sống làm người Sa môn". Này Vàsettha, giai cấp Samana (Sa môn) được khởi lên từ bốn giai cấp ấy. Nguồn gốc của Sa môn là ở giữa các loài hữu tình ấy, không ở ngoài loại nào khác, một cách đúng phép tắc, không phải phi pháp. Này Vàsettha, như vậy Pháp là tối thượng ở đời, trong hiện tại và cả cho đời sau.

27. Này Vàsettha,vị Khattiya, làm tà hạnh về thân, làm tà hạnh về miệng, làm tà hạnh về ý, có tà kiến. Do tà kiến, tà nghiệp làm nhơn duyên, sau khi thân hoại mạng chung sanh vào khổ giới, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Này Vàsettha, vị Bà-la-môn ... Này Vàsettha,vị Vessà ... Này Vàsettha, vị Suddà làm tà hạnh về thân, làm tà hạnh về miệng, làm tà hạnh về ý, có tà kiến. Do tà kiến, tà nghiệp làm nhơn duyên, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào khổ giới, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

28. Này Vàsettha, vị Khattiya làm chánh hạnh về thân, chánh hạnh về miệng, chánh hạnh về ý, có chánh kiến. Do chánh kiến, chánh nghiệp làm nhơn duyên, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào thiện thú, Thiên giới. Này Vàsettha, vị Bà-la-môn... Này Vàsettha, vị Sessà... Này Vàsettha, vị Suddà làm chánh hạnh về thân, chánh hạnh về miệng, chánh hạnh về ý, có chánh kiến. Do chánh kiến, chánh nghiệp làm nhơn duyên, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào thiện thú, Thiên giới.

29. Này Vàsettha, vị Khattiya, làm hai hạnh về thân, hai hạnh về miệng, hai hạnh về ý, có chánh kiến tà kiến lẫn lộn. Do chánh kiến tà kiến, chánh hạnh tà hạnh lẫn lộn làm nhân duyên, sau khi thân hoại mạng chung, thọ lãnh lạc và khổ thọ. Này Vàsettha, vị Bà-la-môn... Này Vàsettha, vị Vessà... Này Vàsettha, vị Suddà, làm hai hạnh về thân, hai hạnh về miệng, hai hạnh về ý, có chánh kiến, có tà kiến lẫn lộn. Do chánh kiến tà kiến, chánh hạnh tà hạnh lẫn lộn làm nhơn duyên, sau khi thân hoại mạng chung, thọ lãnh lạc và khổ thọ.

30. Này Vàsettha, vị Khattiya, chế ngự về thân, chế ngự về miệng, chế ngự về ý, sau khi tu tập Bảy pháp Giác chi đã diệt trừ hoàn toàn (các ác pháp) ngay trong đời hiện tại. Này Vàsettha, vị Bà-la-môn... vị Vessà... Này Vàsettha vị Suddà, chế ngự về thân, chế ngự về miệng, chế ngự về ý, sau khi tu tập Bảy pháp Giác chi đã diệt trừ hoàn toàn (các ác pháp) ngay trong đời hiện tại.

31. Này Vàsettha, trong bốn giai cấp này, vị Tỷ kheo, là bậc A la hán, lậu hoặc đã diệt tận, việc phải làm đã làm, gánh nặng đã đặt xuống, mục tiêu đã đạt tới, hữu kiết sử đã trừ diệt, chánh trí giải thoát. Vị ấy được gọi là tối thượng trong tất cả giai cấp, đúng với Chánh pháp, không phải phi pháp. Này Vàsettha, như vậy Pháp là tối thượng ở đời, trong hiện tại và cho cả đời sau.

32. Này Vàsettha, bài kệ sau đây được Phạm thiên Sanamkumàra (Thường Đồng hình Phạm thiên) tuyên thuyết:Chúng sanh tin giai cấp,
Sát đế lỵ tối thắng.
Ai đủ cả trí, đức,
Tối thắng giữa Nhân, Thiên.

Này Vàsettha, bài kệ này được Phạm thiên Sanamkumàra, khéo hát chớ không phải vụng hát, khéo nói chớ không phải vụng nói, đầy đủ ý nghĩa chớ không phải không đầy đủ, được Ta chấp nhận. Này Vàsettha, Ta cũng nói như sau:Chúng sanh tin giai cấp,
Sát đế lỵ tối thắng.
Ai đủ cả trí, đức,
Tối thắng giữa Nhân, Thiên.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Vàsettha và Bhàradvàja hoan hỷ tín thọ lời giảng Thế Tôn.

27. Kinh Khởi thế nhân bổn
(Agganna sutta)
Trường Bộ Kinh


Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
12/09/2010(Xem: 4529)
Vào những năm đầu Tây lịch, Phật giáo từ miền Đông bắc Ấn Độ truyền vào Trung Quốc, từ đó Phật giáo lại truyền vào bán đảo Hàn Quốc và Nhật Bổn. Ở những quốc gia này, Phật giáo đại thừa được quảng đại quần chúng tin theo và thọ trì. Như các tông phái Tịnh độ khác, Chân tông Tịnh độ cũng thuộc đại thừa Phật giáo. Giáo lý căn bản của Chân tông Tịnh độ cùng tương đồng với các giáo phái đại thừa khác như Thiền tông, Mật tông Tây Tạng là những tông phái được phổ biến thạnh hành ở Tây phương.
04/09/2010(Xem: 5603)
Tổ Long Thọ nói rằng cho một hệ thống nơi mà tính không là có thể, nó cũng có thể có chức năng, và vì chức năng là có thể, tính không cũng có thể. Vì thế khi chúng ta nói về thiên nhiên, căn bản thiết yếu của thiên nhiên là tính không. Tính không hay shunyata nghĩa là gì? Nó không là tính không của sự tồn tại (không đối với có) nhưng đúng hơn là tính không của chân lý (chân không) hay sự tồn tại độc lập, điều này nghĩa là những sự vật khác tồn tại bởi sự lệ thuộc trên những nhân tố khác.
03/09/2010(Xem: 5245)
Theo giáo nghĩa Đạo Phật, có một sự phụ thuộc lẫn nhau rất gần gũi giữa môi trường thiên nhiên và những chúng sinh sống với nó. Vài người bạn đã từng nói với tôi rằng, căn bản tự nhiên của con người là những gì bạo động, nhưng tôi đã nói với họ rằng tôi không đồng ý. Nếu chúng ta thẩm tra những thú vật khác nhau, thí dụ, những thú vật mà chính sự tồn tại của chúng tùy thuộc vào việc lấy đi mạng sống của những thú vật khác, như những con sư tử, beo, hay cọp, chúng ta học rằng căn bản tự nhiên của chúng cung cấp cho chúng với răng nanh và móng vuốt bén nhọn.
28/08/2010(Xem: 9200)
Viết về Thế Tôn, các nhà nghiên cứu Phật học thường đề cập đến Ngài như một đấng Giáo chủ đã tìm ra con đường giải thoát và chỉ rõ con đường ấy cho nhân loại, hoặc đề cập đến Ngài như một nhà đại tư tưởng, một nhà cách mạng xã hội, v.v... Nhưng có rất hiếm những luận văn, công trình đề cập đến Ngài như một nhà giáo dục tư tưởng, và giáo lý của Ngài như là một hệ thống tư tưởng giáo dục toàn diện và tiên tiến.
28/08/2010(Xem: 4423)
Nền giáo dục thiết lập trên nền tảng hiểu biết sự liên hệ giữa nhân duyên, nhân quả của cá nhân và cộng đồng không phải trong một thời gian mà mọi thời gian, và không phải trong một không gian mà mọi không gian là hết sức cần thiết cho đời sống hòa bình, an lạc và văn minh của chúng ta, khiến tự nó có khả năng vãn hồi trật tự và hoàn thiện cho xã hội của chúng ta ngày nay.
14/06/2010(Xem: 3426)
Đời sống quốc gia với hoàn cảnh địa lý và sự ảnh hưởng khí hậu thiên nhiên đã tạo cho Ấn Độ có một lịch sử khác với các quốc gia trên thế giới. Đó là một Ấn Độ có những rừng núi thâm u , tục gọi là Lục địa xanh (Pays blues) đã ảnh hưởng nhiều tới luồng tư tưởng nhân bản, tiến bộ và giải thoát sớm nhất trong lịch sử nhân loại. Các nhà triết học, các luận sư và các luận thuyết trứ danh cũng đều xuất hiện tại xứ sở đầy huyền bí này
15/05/2010(Xem: 6168)
Người học Phật chúng taai cũng đều chứng nghiệm được rằng việc tu học tại xứ người quả thật không đơn giản. Trước tiên vì bối cảnh của quốc độ mình đang trú, sau cùng nhưng lại có ảnh hưởng lớn nhất là cuộc sống của bản thân và chính gia đình mình. Tuy nhiên theo tôi, chúng ta cứ nhìn hay là quán những khúc mắc đó như là một phương tiện trong ý nghĩa của tùy duyên bất biến để học, tu và hành Đạo. Ngoài ra chúng ta cũng đừng quên câu thứ 4 trong mười điều của Luận Bảo Vương Tam Muội có ghi rõ là: xây dựng đạo hạnh thì đừng cầu không bị ma chướng, vì không bị ma chướng thì chí nguyện không kiên cường.
14/05/2010(Xem: 6789)
thế là lá thư tịnh hữu đã thiếu các bạn một kỳ rồi đó. Chúng ta hẳn biết rằng, sự hiện hữu và thành hoại của mọi vạn vật không hề ra ngoài lý nhân duyên và duyên khởi. Nên sự vắng một lần thư trên số báo Viên Giác kỳ trước cũng không ra khỏi phạm trù này vậy! Có; không vì không để mà có và không; không vì không có mà không. Mọi vật, mọi việc đều nằm trong vòng chi phối của nhân và duyên để mà có hay không, thành hay hoại. Đây cũng là tinh túy nội dung một câu chuyện mà ai trong chúng ta đã từng được nghe hoặc đọc rồi. Câu chuyện như sau: giai đoạn đầu thấy núi là núi, sông là sông; giai đoạn giữa thấy núi không là núi, sông không là sông; giai đoạn cuối là thấy núi vẫn là núi và sông cũng vẫn là sông! Theo tôi, ba giai đoạn trên có hiện hữu hay không cũng không ở ngoài nhận thức của chúng ta. Nhưng! Nếu không thấu triệt luật nhân duyên, lý duyên khởi thì mình không thể phá vỡ được những thành kiến, định kiến v.v... Cái mà trong nhà Phật gọi là chấp. Và cũng chính cái này là nhân tố qu
09/05/2010(Xem: 10457)
Có người nói: "Cuộc đời như giấc mộng", có người nói "Cuộc đời như tấn trò", có người nói "Cuộc đời như hạt sương"; cũng có người nói: "Đời là bể khổ", đời người như "khách qua đường", cuộc đời như "mây trôi"! Nếu như những ví von này xác đáng thì cuộc đời quả đáng buồn biết bao.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567