Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tâm Từ Bi Trong Phật Giáo

27/11/201110:20(Xem: 6120)
Tâm Từ Bi Trong Phật Giáo
labode_1TÂM TỪ BI TRONG PHẬT GIÁO
Quán Như dịch

“Từ bi là căn bản”, đây là lời nói viên mãn chính xác, là tâm tuỷ của Phật giáo Đại thừa, biểu đạt được nội dung chân thật của Phật giáo. Vì vậy tín đồ của Phật giáo Đại thừa nên tư duy nghiêm mật, nắm bắt thiết thực nhất!

Phần I: Phật pháp lấy tâm từ bi làm chính

“Từ bi là căn bản”, đây là lời nói viên mãn chính xác, là tâm tuỷ của Phật giáo Đại thừa, biểu đạt được nội dung chân thật của Phật giáo. Vì vậy tín đồ của Phật giáo Đại thừa nên tư duy nghiêm mật, nắm bắt thiết thực nhất!

Từ phương diện tu hành của Bồ-tát, như trong Kinh thường nói: “Đại bi là đứng đầu”; “Đại từ bi là căn bản”. Từ phương diện tu học hoàn thành viên mãn Phật quả thì trong Kinh thường nói: “Chư Phật Thế Tôn, lấy đại bi làm thể”, Còn trong Luận thì nói: “Phật tâm là đại từ bi”. Kinh Luận đều có nhất trí với nhau, cốt lõi về thực hành và quả vị của Đại thừa, không phải là gì khác, đó chính là từ bi. Tách rời khỏi từ bi thì không có Bồ-tát, cũng không có Phật.

Cũng có thể khẳng định: nếu như không có từ bi, thì không có Phật pháp, vì Phật pháp phát huy trên cơ sở từ bi. Tôn chỉ của Đại thừa như vậy, nếu hành giả Thanh văn chuyên suy nghĩ về “tự lợi” thì sẽ không đồng ý với quan điểm này. Nhưng ba tạng Kinh Luật Luận mà hành giả Thanh văn cùng thừa nhận, thì đức Phật Thích Ca xác thật là như vậy.

Từ hành trạng quá khứ của cuộc đời Thế Tôn thì: lúc ban sơ nhất, động cơ dẫn đến phát tâm tu đạo của Ngài là do lần quan sát trong buổi lễ canh nông. Thế Tôn được sinh ra và lớn lên ở nơi vương cung, rất khó có dịp quan sát sự canh tác trồng trọt của nông phu. Khi Ngài thấy nông phu vất vả dưới ánh nắng chói chang, đói khát mệt mỏi mà vẫn không được nghỉ ngơi; nhìn thấy con trâu đang phục dịch kéo cày, bị đánh đập, bị cái ách gây tổn thương chảy máu trên cổ; thấy luống đất khi xới lên, có rất nhiều côn trùng nhỏ, bị chim chóc cắn mổ; thấy máu của con bò chảy xuống đất, không lâu sau sản sinh ra con giòi, trở thành thực phẩm cho chim chóc.

Chúng sinh tự tàn hại lẫn nhau, sự gian khổ của nông phu, khắc họa lên bức tranh tàn khốc của thế gian. Nhìn thấy cảnh tượng ấy, nội tâm của đức Thế Tôn đau xót sâu sắc, từ đó Ngài đã suy nghĩ đến vấn đề cầu đạo và giải thoát thế gian. Nhưng lúc này chỉ xuất phát từ suy nghĩ vì cá nhân!

Sau đó, đức Thế Tôn lại đi du hành, nhìn thấy già bệnh và tử vong. Từ sự thể nghiệm của cá nhân mà hiểu được con đường đau khổ chung của nhân loại phải trải qua, chính mình cũng không thể tránh khỏi. Từ tha nhân mà hiểu được chính mình, từ chính mình mà suy luận đến tha nhân.

Quá trình đau khổ trong lịch trình sinh mạng của chúng sinh, nếu chỉ suy nghĩ vì mình, tức thành tâm yếm ly (khổ) của Thanh văn. Nếu như không chỉ vì chính mình, mà còn vì tất cả chúng sinh, tức thành tâm từ bi lân mẫn của Bồ-tát. Đức Thế Tôn vốn không phải suy nghĩ vì cá nhân, do đó dưới cội Bồ-đề, triệt ngộ chân thật của kiếp nhân sinh, liền đi khắp lưu vực của hai bờ sông Hằng, đến khắp mọi nẻo đường để chuyển pháp luân, đánh trống pháp, thổi pháp loa, đem pháp âm vi diệu, kêu gọi chúng sinh đang đau khổ nên thức tỉnh giác ngộ.

Nếu xem từ truyện ký, thì cuộc đời của đức Thế Tôn, không ra ngoài đại từ đại bi, biểu hiện tâm từ bi của đức Phật. Nếu thâm sâu hơn nữa mà suy tìm chuyện tu hành trong quá khứ của đức Thế Tôn, như theo truyền thuyết trong Bổn Sinh Đàm, Bồ-tát quên mình hy sinh vì người khác! Vô cùng từ bi thương xót chúng sinh!

Học giả Thanh văn cũng nói: Bồ-tát lấy tâm từ mà tu Ba-la-mật-đa, khi viên mãn thì thành tựu Phật quả. Do đó việc thực hành và quả vị của Đại thừa (Bồ-tát và Phật) là tâm hành từ bi quán triệt từ đầu tiên cho đến cuối cùng. Nếu như lìa khỏi từ bi, thì làm sao xứng với tên gọi Đại thừa được!

Trong Kinh điển Đại thừa: Bồ-tát với Thanh văn đều gọi là con của đức Phật, nhưng Bồ-tát giống như con của trưởng giả do vị đại phu nhân sinh ra, còn Thanh văn giống như con của người ở. Điều này muốn nói: Bồ-tát là đích tử của đức Phật, sẽ tiếp nối sự nghiệp cao quý của Ngài và có huyết thống thuần chính. Thế còn Thanh văn thì sao? Mặc dù họ cũng y vào lời Phật dạy và giáo pháp để tu tập, nhưng không tránh khỏi sự hỗn tạp của huyết thống ti tiện. Huyết thống ti tiện này, Thế Tôn chỉ cho người có tâm hạnh độc thiện sống ẩn dật hoặc tu khổ hạnh ở Ấn Độ đương thời.

Thanh văn thuộc trong Phật pháp, có một phần trí tuệ thâm sâu, song không thể đại biểu cho sự viên mãn của Phật pháp, bởi vì có hàm chứa một phần đi ngược với tinh thần của Đức Phật, tức không có đại từ bi, cho nên trong “Kinh Hoa Nghiêm” đưa ra ví dụ hàng Nhị thừa được sinh từ sau lưng của đức Phật.

Vì vậy, nếu thiên về pháp Thanh văn mà nói, chuyên lấy tâm hạnh của Thanh văn làm Phật pháp, thì không thể khẳng định Phật pháp lấy từ bi làm căn bản được.

Song căn cứ vào tinh thần Đại thừa tiêu biểu cho Đức Phật, thì từ bi làm căn bản, là thích đáng nhất hiển bày và phát huy được bản chất của Phật giáo, là tâm tuỷ của đức Phật.

Phần II: Nguồn gốc của tâm Từ Bi

Từ bi là căn bản của Phật pháp, cũng có thể nói là tương đồng với nhân ái trong văn hoá phương Đông, và bác ái trong văn hoá Cơ-đốc. Tuy nhiên Phật pháp có khả năng đi thẳng thâm sâu vào nội hàm của từ bi, không bị ảnh hưởng mê vọng của thần sáng tạo, hay bị trói buộc trong sự hẹp hòi của một số người, mà thể hiện ra một cách hoàn thiện nhất và thâm sâu triệt để nhất.

Căn cứ vào Phật pháp mà nói, từ bi là sự hiển hiện do khế hợp thích đáng với sự việc thực tế và chân lý, từ ý thức đồng tình chung của cộng đồng. Điều này sẽ được trình bày từ hai phương diện:

Từ tính tương quan của duyên khởi: Tất cả sự tồn tại trên thế gian (vật chất, tâm thức và sinh mệnh), nó không thể tồn tại độc lập, mà đều là pháp duyên khởi hỗ tương y cứ hỗ tương thành tựu. Ở trong sự hỗ tương nương tựa do các loại nhân duyên hoà hợp mà trở thành hiện thực tồn tại, biểu hiện ra cơ thể hoạt động độc lập, điều này giống như đan thành mắc lưới vậy. Thực tế đó là sự tồn tại trong các mối quan hệ lẫn nhau.

Sự tồn tại trong các mối quan hệ, mới xem tuy là có cơ thể với sự hoạt động độc lập, nhưng kỳ thật nó chịu sự quyết định của các mối quan hệ khác, tách rời khỏi các mối quan hệ đó, thì nó không có khả năng tồn tại. Tất cả sự tồn tại trên thế gian, vốn là như vậy; chúng sinh và nhân loại cũng tồn tại giống như thế.

Do đó, từ sự thật duyên khởi mà hình thành nhân sinh quan, tức đây là nhân sinh quan vô ngã, nhân sinh quan hỗ trợ, nhân sinh quan tri ân báo ân, và cũng chính là nhân sinh quan lấy tâm từ bi làm căn bản. Căn cứ vào cuộc sống hiện tại thì con người không thể tách rời xã hội mà tồn tại. Ngoài các mối quan hệ giữa cộng đồng với gia đình; từ áo quần, ăn mặc, nhà ở và thuốc thang v.v.. đều do nông dân, công nhân sản xuất, gia công chế tạo, do thương mại dịch vụ vận chuyển cung ứng; học tập kỹ năng tri thức, thành công trong học vấn và sự nghiệp, đều nương tựa vào sự hỗ trợ tương thành của thầy cô và bạn bè. Duy trì trật tự xã hội, phát triển sự nghiệp công cộng, an ninh quốc phòng bảo hộ biên cương, tất cả đều dựa vào việc chính trị và quân sự của chính phủ. Nếu như không có các nhân duyên hoà hợp như thế, thì chúng ta không thể nào được sinh tồn một cách an ổn và hạnh phúc.

Nếu mở rộng tầm nhìn ra nữa, thì một quốc gia, một chủng tộc, đến thời đại hiện tại, càng chứng minh sự liên quan mật thiết giữa tư tưởng với nền kinh tế. Cho đến chúng sinh khác, đối với sự sinh tồn an vui của chúng ta, cũng có mối quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp. Giữa con người với con người, giữa chúng sinh với chúng sinh, có mối quan hệ mật thiết như vậy thì tự nhiên sẽ đưa đến ít nhiều sự đồng tình. Đồng tình y vào nhận thức cộng đồng, tức cảm thấy có một sự quan hệ qua lại với nhau, có một loại cộng đồng giống nhau; do đó mà có quan hệ gắn bó thân ái, sinh khởi tâm hạnh từ bi đem đến an lạc và nhổ bỏ khổ đau. Đây là hiện thực của xã hội mà chúng ta dễ hiểu.

Nếu như từ vấn đề lưu chuyển sinh tử trong ba đời mà nói, tất cả chúng sinh, từ vô thuỷ đến nay, đều có quan hệ mật thiết với chính mình, cùng nhau sinh sống, đều là cha mẹ, anh chị em, hoặc vợ chồng con cháu của mình. Tất cả chúng sinh đều có ân đức đối với mình – “phụ mẫu ân”, “chúng sinh ân”, “quốc gia (vương) ân” và “Tam bảo ân”. Do đó, từ tâm hạnh của Bồ-tát thì thấy tất cả chúng sinh đều “như cha mẹ, anh chị em, hài hoà hạnh phúc”. Ở trong tâm hạnh của đức Phật thì “chúng sinh đều bình đẳng như La-hầu-la” (con của đức Phật khi chưa xuất gia).

Loại ý thức cộng đồng này không chỉ nhỏ hẹp trong giới hạn ở gia đình, quốc gia, chủng tộc hay nhân loại; cũng không phải chỉ là đồng nghiệp với nhau, cùng một giai tầng, một khu vực, một ngôi trường, cùng một lý tưởng, cùng một tôn giáo, hoặc cùng một kẻ thù. Mà là từ mối quan hệ qua lại của cá nhân và đối tượng khác đạt đến ý thức cộng đồng của tất cả chúng sinh, nhân đó mà phát sinh tâm hành báo ân đem đến lợi lạc cho tất cả chúng sinh (từ), cứu tế tất cả chúng sinh (bi). Từ bi (nhân, ái) là căn nguyên của đạo đức, là thước đo tiêu chuẩn tối cao của đạo đức. Từ bi là sự ánh hiện của pháp tắc duyên khởi ở trong tâm con người - đồng tình có mối quan hệ thân thiết.

Từ sự bình đẳng trong tính duyên khởi: pháp duyên khởi là mối quan hệ trùng trùng điệp điệp, vô lượng sự khác nhau. Các hiện tượng khác nhau này đều không thể tồn tại ở một dạng thực thể độc lập. Do đó, từ pháp duyên khởi mà thâm nhập đến cuối cùng, tức là thông đạt tất cả pháp không có tự tính, mà thể hiện pháp tính bình đẳng nhất như. Đây là một vị pháp tính bình đẳng, không phải là thuộc thần thánh, không phải thuộc đây hay thuộc mỗi một cái đều là bản tính của pháp duyên khởi.

Từ pháp tính nhất như này hiểu được các pháp là do duyên mà khởi, không chỉ là mối quan hệ mật thiết tương y tương thành và tiến thêm bước nữa bình đẳng không hai không khác. Phật pháp Đại thừa dạy: chúng sinh với Phật bình đẳng, tất cả chúng sinh đều có khả năng thành Phật, đây là kết luận từ trong sự hiện quán pháp tính bình đẳng mà có. Ở trong tâm cảnh bình đẳng nhất như như thế, đương nhiên phát huy đến “đồng thể đại bi”. Khi chúng sinh còn bị khổ bức, còn bị mê vọng chưa thể thành Phật, thì giống như sự khổ bức đó là của chính mình, công đức tự thân của mình chưa viên mãn.

Trong pháp Đại thừa, tâm hạnh từ bi lợi ích cứu giúp chúng sinh, cho đến tận đời vị lai không ngừng nghỉ là xuất phát từ điểm này.

Tất cả chúng sinh, đặc biệt là nhân loại, không chỉ vì duyên khởi tương hỗ nương tựa cùng tồn tại để dẫn phát ý thức cộng đồng về nhân từ, mà còn là một cách trong vô ý thức, trực giác đến sự đồng cảm đối với chúng sinh, đối với sự khổ vui của nhân loại.

Bất luận là đối với chính mình hay đối với tha nhân đều có khuynh hướng về bình đẳng, hoà đồng và có cùng căn nguyên từ lòng trực cảm khao khát. Điều này không phải do thần kêu gọi chúng ta, mà là do chúng ta hiểu rõ được pháp tính duyên khởi. Chúng ta tuy không có khả năng thể hiện nó nhưng cũng chẳng phải xa lìa nó. Vì các loại sai lầm, các loại ràng buộc, các loại giới hạn, nhưng thông qua ý thức vọng tưởng của cá nhân mà trực giác tái hiện, y theo quá khứ mà hiển hiện ra.

Đây là căn nguyên của thần giáo (loại không chính xác), ý thức đạo đức, là căn nguyên của tinh thần từ bi. Từ bi không có gì là vượt quá con người, cũng không ngoài con người, chỉ là tâm của con người phù hợp với sự thật tự nhiên của chân lý và hiện tượng mà hiển bày ra.

Phần III: So sánh giữa tâm từ bi và lòng nhân ái

Tâm từ bi không chỉ là căn bản của Phật pháp, cũng là điểm chính của văn hoá phương Đông và văn hóa Cơ-đốc. Ở trong đó có điểm khác mà lại giống, có điểm giống mà lại khác, vì vậy nên giải thích để phân biệt rõ ràng.

Phật pháp theo mối quan hệ tương hỗ nương tựa tồn tại của pháp duyên khởi, để xác lập nền đạo đức của tâm từ bi. Pháp duyên khởi, trong Kinh điển hay sử dụng ví dụ: “Giống như đám lau, tương hỗ nương tựa để đứng vững”. Giống như kết cấu của cây kiềng ba chân vậy, chúng được gắn kết và nương tựa vào nhau nên đứng vững không bao giờ ngã. Nếu như bỏ đi chân nào thì hai chân còn lại sẽ lập tức đổ ngã, đây là ví dụ cụ thể nhất cho việc tương y tương thành.

Thế gian duyên khởi cũng là như vậy. Vì người khác cũng như vì chính mình, muốn có tự lợi thì không thể không chú trọng về lợi tha. Điểm chung giữa khổ đau của mình và của người là căn nguyên mạnh nhất để phát khởi tâm từ bi. Điều này Nho gia gọi là “nhân”. Nhân vốn là hạt nhân bên trong do hai miếng vỏ hợp lại, ở trong đó tồn tại công năng sinh mầm đơm hoa kết trái. Tồn tại và phát sinh không thể tách rời mối quan hệ tương y tương thành.

Khuếch đại ý nghĩa này mà thảo luận nghiên cứu đến vấn đề con người, nhân (仁) có ý nghĩa là hai người (二人) - nhiều người, mối quan hệ hợp lý của nhiều người tương hỗ qua lại cùng nhau tồn tại. Ở trong vấn đề tâm lý, tức là cảm giác đồng tình của mối quan hệ mật thiết giữa mình và người. Đồng tình hợp tác hài hoà, sinh sống hoạt bát, tức là nhân.

Nếu có người thân tâm thất thường, thân thể mệt mỏi khô gầy, tinh thần vô cảm lãnh đạm, hoạt động tàn khốc thù hận thì đó là bất nhân. Nhân và ái của Nho gia phù hợp với tính duyên khởi tương hỗ tồn tại. Và như kiêm ái “兼愛” của Mặc gia, theo cách giải thích kết cấu văn tự, kiêm 兼giống như hình trạng hai cây lúa禾 cột lại với nhau.

Điều này tương cận với lời đức Phật nói “cột bó lau”. Vì lý giải được tính tương quan của sự vật, tính tương trợ cùng nhau tồn tại giữa người với người, do đó Mặc tử cường điệu nhân loại ái, chủ trương kiêm ái.

Đức Phật thuyết pháp duyên khởi, đồng thời cũng chính là nói vô ngã. Bởi vì từ duyên mà khởi, nên không có thực thể độc lập tồn tại, không có tự ngã tuyệt đối. Phủ định tự ngã tuyệt đối, cũng chính là không có tha nhân tuyệt đối. Mối quan hệ tương đối của mình và người, tương quan mật thiết, do đó tính từ bi đồng tình khởi phát một cách tự nhiên.

Nho gia với Mặc gia, cũng có cái nhìn tương tự với nhau. Như trong Mặc kinh nói: “兼Kiêm là không có nhân (người)”. Từ trong chữ “Kiêm” 兼 – từ ý nghĩa y tồn. Không có người ý muốn nói tất cả người khác đều có mối liên quan đến mình, nên đương nhiên phải ái (thương mến), tại sao có người lại không yêu thích chính mình?

Nho gia nói: “Người có lòng nhân thì không có kẻ thù”. Người có khả năng chân thật thể nghiệm đến lòng nhân, mở rộng lòng nhân, tất cả đều có sự tương trợ tương thành với cá nhân, không có vật tồn tại độc lập tuyệt đối, do đó quyết không đem một người nào cho là kẻ thù của mình, mà không tiêu diệt họ không được. Lòng nhân của Nho gia, ái của Mặc gia, chẳng phải với lòng từ bi trong Phật pháp, có điểm tương tự nhau hay sao!

Tuy nhiên cũng có nhiều điểm khác nhau lớn. Phật pháp nói từ bi, không chỉ là từ cá nhân của mình khuếch đại quan sát ra các mối quan hệ bên ngoài, mà hiểu rõ tính quan hệ giữa mình với tha nhân, giống như Nho gia và Mặc gia. Phật pháp càng từ cá nhân quan sát sâu sắc mối quan hệ bên trong, hiểu rõ tự mình, chỉ là cơ thể tồn tại tương tự tương tục do tâm và sắc (vật chất) hoà hợp; tuy biểu hiện là có thể hoạt động, mà không có chủ thể tuyệt đối.

Do đó Phật pháp có khả năng nội chứng thân tâm vô ngã, bên ngoài đạt đến tự tha vô ngã, không giống như khuyết điểm chỉ nhìn sâu hướng nội của Nho gia và Mặc gia, mà chỉ thể nghiệm đến không có kẻ thù địch, không có con người khác ở bên ngoài. Không có khả năng quán vô ngã, tức đi ngược lại với chân tướng của sự lý, nên khó tránh khỏi sự sai khiến của ngã và ngã sở chấp (tôi và cái của tôi).

Từ điểm này mà phát triển thành nhân ái đối ngoại, là không có khả năng thực hiện đạt đến triệt để vô ngã, cũng không có khả năng thực hiện lý tưởng không có kẻ thù không có người ngoài.

Và còn, chữ nhân của Nho gia, ở trong mối quan hệ giữa mình và người trong xã hội, xuất phát từ lợi ích an lạc chung của gia đình, nhân luân - từ cha con khuếch đại đến quân thần, từ anh em khuyếch đại đến bạn bè, vợ chồng làm căn nguyên của đạo đức. Từ điểm này mà hướng ngoại suy diễn, nên mới “từ người thân mà nhân từ với nhân dân, từ nhân từ với nhân dân mà ái thích muôn vật”; “mọi người như tay chân của mình, thân như một nhà”; “mọi người trong xã hội là đồng bào của tôi, vạn vật là bạn bè của tôi”. Tình thương thân thuộc của gia đình, bình đẳng nhất, thiết thực nhất, cũng là nhỏ hẹp nhất.

Dưới nền văn hoá lấy gia đình làm chủ thể của Trung Quốc, khuếch đại đến “mọi người như bộ phận trong thân thể của mình, thân như một nhà”, “thiên hạ là của chung”, mà cuối cùng vẫn bị bó hẹp trong “gia đình”. Chú trọng gia đình mà xem nhẹ quốc gia, không thể không nói đó là nguyên nhân của căn bệnh làm cho Trung Quốc trong thời cận đại rất khó tiến bộ.

Nói đến thiên hạ là của chung, thì cự ly khoảng cách càng xa hơn. Phật pháp trực tiếp từ sự khám phá tự ngã để làm chủ thể xuất phát, bỏ đi quan niệm nhỏ hẹp, lấy tất cả chúng sinh làm đối tượng mà phát khởi từ bi; điều này với nhân ái của Nho gia, cho dù lý luận về tính triệt để, tính phổ biến, đều không có phương diện nào so sánh bằng được với Phật giáo.

Còn Cơ-đốc giáo, hoạch tâm của họ, đương nhiên là bác ái. Thượng đế - thần là người sáng tạo thế gian, là cha của nhân loại. Thần rất từ ái đối với nhân loại, do đó con người cũng phải yêu kính thần; ý nghĩa của ái kính thể thiếp phụng thờ đối với thần, thì ái kính người khác như chính mình, điều này bao hàm ít nhiều xuất phát từ căn nguyên ái kính người trong gia đình quyến thuộc, song chủ yếu là khởi phát từ quan niệm vạn hoá đồng thể đồng nguyên, gần với tính bình đẳng trong pháp duyên khởi.

Tín đồ Cơ-đốc giáo, không phải họ không có tu tập. Từ sự thành tín trở thành cung kính, chân thành sám hối, khi tinh thần đạt đến tập trung, họ cũng đạt được kinh nghiệm về tôn giáo. Nếu đạt được cao thâm thì họ có khả năng trực giác được trạng thái quên đi ngã cá nhân, gọi đó là được tương kiến với thần. Thần là vô hạn, quang minh, thánh khiết – thanh tịnh, cũng thường nghe thấy âm thanh thần bí. Lúc đó, tràn đầy sự điềm tĩnh hoan hỷ an lạc và niềm an ủi; có khi cũng phát sinh một số kinh nghiệm siêu thường. Các loại kinh nghiệm hoan hỷ an lạc vô thuỷ vô chung, vô hạn lượng, quang minh, thanh tịnh này, căn cứ theo Phật pháp thì nói, nếu nông cạn thì đó là huyễn cảnh, còn thâm sâu thì là định cảnh.

Nhưng vì các nhà thần giáo thiếu phần thâm quán duyên khởi vô ngã, nên sử dụng tự ngã để nghĩ tưởng điều đó, tưởng tượng thành vị thần vạn năng siêu việt, kết hợp với ý thức vốn có của thần tổ tiên. Người có kinh nghiệm tôn giáo, hoặc thể nghiệm đến huyền học, đều có ý nghĩ quan niệm về vạn hữu đồng hoá, vũ trụ đồng nguyên.

Giống như Trang Tử nói: “Đất trời với tôi có đồng căn nguyên, vạn vật với tôi cùng sinh trưởng”, Mặc tử cũng vậy, Phạm của Bà-la-môn giáo, đều có một loại trực giác đồng thể, mà thể hiện tinh thần bác ái. Song, bình đẳng nhất như, vốn là bản tính chung của sự vật. Do vì không chú trọng trí huệ, hoặc trí huệ chưa đủ, nên ở trong sự ảnh hiện của định tâm hoặc tương tợ định tâm, mà ghi chép tường thuật lại phạm phải sai lầm, mới trở thành thần, trở thành căn nguyên thần bí của vũ trụ.

Phật pháp dạy: Từ bi hỷ xả - tứ vô lượng định – là phạm hạnh, tu tập sẽ đạt được kết quả sinh lên trời Phạm thiên. Do vì định cảnh có cạn có sâu, nên chia thành các đẳng cấp: Phạm thiên, Quang thiên và Tịnh thiên. Phạm của Bà-la-môn giáo - hoặc nhân cách hoá là Phạm thiên, tương cận với Thượng đế của Cơ-đốc giáo, không ra ngoài kinh nghiệm của thiền định, sự phổ biến hoá của tự ngã, tưởng tượng thành căn nguyên của vũ trụ, người sáng tạo vũ trụ. Tư tưởng căn nguyên của thần sáng tạo, không chỉ là sự suy tưởng từ thần của chủng tộc, cũng có kết hợp với kinh nghiệm đặc thù thần bí. Chỉ Phật pháp có định huệ thâm triệt, lý sự nhất như, mới chỉ rõ ràng cụ thể tung tích xuất phát của loại tư tưởng này.

Bác ái của Cơ-đốc giáo, có căn nguyên từ thuyết mê vọng thần tạo. Do vì thần còn có tính chưa hoàn thiện, tuy Giesu đã sửa đổi ít nhiều, song vẫn không có cách nào hoàn thiện được.

Bởi vì, Thượng đế vốn là thần bảo hộ của dân tộc Do Thái, có tính cách thích đấu tranh tàn khốc. Đối với người không tin theo, người có tội, người ngoại ban thì công kích sát hại huỷ diệt, thần vốn từ xưa nay không có tính lân mẫn thương xót ai. Thần của dân tộc, tất nhiên kết hợp với thiên kiến của dân tộc. Do đó thần của dân tộc Israel, tuyển chọn người Israel là “tuyển dân”. Thần đem quyền binh giao cho họ, muốn họ trở thành người thống trị thế giới; đem người ngoại bang chịu dưới sự thống trị của người Israel. Lời sấm truyền và ân điển của thần, không lâu sẽ thành hiện thực.

Giesu cách tân Thượng đế, trở thành tôn giáo của toàn nhân loại. Nhưng sự thiên ái của tuyển dân, chưa có một chút gì thay đổi. Chính vì điều này, trong lịch sử truyền đạo thế giới, với chính sách xâm lược thực dân, xưa nay hình ảnh này không có cách ly. Cho đến gần đây, kỳ thị chủng tộc ở Nam Phi, chủng tộc người châu Úc, thực tế địa vị của người da đen ở liên hợp quốc, vẫn là như vậy.

Trong sự bác ái của tín đồ thần giáo, hoàn toàn thích hợp. Người ngoại bang không có được sự ân điển của thần nên bị thống trị, nếu không thay đổi để theo tôn giáo họ, thì bị cho là dị giáo đồ.

Trong thần học của Cơ đốc giáo, vĩnh viễn sinh lên thiên quốc, vốn không phải là do việc hành thiện của bạn, mà do vì tín ngưỡng của bạn. Không tin thần, không tin Giesu, thì tất cả những gì của bạn đều không có tác dụng gì. Hay nói cách khác, ai tin Thượng đế, thuộc Thượng đế, mới được sinh tồn; không tin Thượng đế, không thuộc Thượng đế thì bị tử vong. Tính độc chiếm, tính bài tha của tôn giáo này, không chỉ lý luận không thông suốt, thực tại là biểu hiện rõ ràng sự phi nhân tính, diện mục hung dữ không dân chủ.

Quá khứ thời đại đen tối của châu Âu, đối với dị giáo đồ, đối với các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học phát minh mà không phù hợp với ý của thần, thì bị giáo hội bức hại, thiêu sống, đây vốn chẳng có gì kỳ lạ, thật là ý nghĩa vốn có ở nội hàm trong bác ái quan của các nhà thần giáo. Loại bác ái quan của thần này bắt đầu mai một thì thế giới mới rộng mở thay cho thời đại đen tối.

Phần IV: Tâm từ bi và thực hành tâm từ bi

Tâm từ bi là căn bản của Phật pháp, là tâm tuỷ của chư Phật Bồ-tát. Nhất cử nhất động của Bồ-tát đều biểu hiện từ bi, tất cả các hành vi đều xuất phát từ động lực của từ bi. Do đó nói: Bồ-tát vì lòng đại bi mà không được tự tại. Tại làm sao không được tự tại? Bởi vì Bồ-tát không thể lấy ý muốn của mình để làm phương châm hành động, mà chỉ làm theo tiếng gọi của tấm lòng từ bi trong nội tại, lấy sự mong cầu của chúng sinh làm phương châm. Chúng sinh mong muốn như vậy, thì Bồ-tát không thể không thực hiện theo; vì chúng sinh mà suy nghĩ lo lắng, nếu chúng sinh muốn dừng lại, thì Bồ-tát cũng không thể không dừng. Bồ-tát quên mình vì người, tất cả đều vì chúng sinh, quyết không vì lợi ích của mình mà tính toán.

Tâm từ bi của Bồ-tát đựơc phân biệt thành bốn tâm: từ, bi, hỷ và xả. Từ là đem đến lợi ích an lạc thế gian và xuất thế gian cho chúng sinh. Bi là cứu giúp chúng sinh thoát khỏi khổ nạn, diệt trừ căn bệnh sinh tử của chúng sinh. Hỷ là vui mừng khi thấy chúng sinh lìa khổ được vui, xem niềm vui của chúng sinh giống như niềm vui của chính mình. Xả là người oán hay người thân đều bình đẳng, không nhớ nghĩ quá khứ về ân oán của chúng sinh mà phân biệt thương ghét. “Đem đến an lạc”, “nhổ bỏ khổ đau” là nội dung chủ yếu của lòng từ bi.

Song nếu như có tập tính thấy người khác hạnh phúc an lạc mà trong lòng thấy khó chịu; tâm sinh sự thù hận, hoặc tình cảm cá nhân quá nặng; chẳng phải yêu thích điều này mà chán ghét điều kia, việc này quyết không có khả năng dẫn đến tâm từ bi bình đẳng vô tư.

Do đó, Bồ-tát không những phải có tâm từ bi, mà còn cần có tâm hỷ xả. Từ bi hỷ xả tổng hợp lại mới chân chính trở thành tâm Bồ-tát.

Nhưng chỉ có tâm từ bi thôi thì vẫn chưa đủ, mà còn cần có hành động từ bi. Hay nói cách khác, Bồ-tát phải từ trong thực tế hành động, để làm phong phú cho nội dung của tâm từ bi, mà chẳng phải chỉ là suy nghĩ. Điều này gọi là hạnh lợi tha, đại cương là: Bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự (Tứ nhiếp pháp).

Bố thí về vấn đề kinh tế, hoặc là dùng sức lực lao động, thậm chí hy sinh đến thân mạng, gọi chung là tài thí. Sử dụng tư tưởng để phát khởi hướng dẫn, đem chính pháp để chỉ bày, dù chỉ một câu một lời nhưng có khả năng khiến chúng sinh từ trong tâm lìa ác hướng thiện, đều gọi là pháp thí. Như chúng sinh tâm có phiền não, hoặc sinh sống ở hoàn cảnh ác liệt, vạn phần thất vọng khổ đau, thì Bồ-tát đem chính pháp để chỉ bày hướng dẫn, sử dụng năng lực phương tiện để hỗ trợ, khiến chúng sinh thoát khỏi ưu sầu, đau khổ, sợ sệt, đây là vô uý thí. Bố thí có ba loại lớn này, có thể tổng quát hết tất cả hạnh lợi tha, nếu như lìa khỏi bố thí, tức không còn ý nghĩa của từ bi nữa! Nhưng thực hiện hạnh lợi tha còn cần phải có thêm ái ngữ, lợi hành và đồng sự.

Ái ngữ là ngôn ngữ thân ái, khéo léo hài hoà, hoặc là những lời khuyên trách thật lòng, đều xuất phát từ tâm từ bi, để đối phương cảm nhận được thiện ý, cam tâm tình nguyện mà tiếp nhận. Nếu không, như đối với người bần cùng và gặp vận nạn khẩn cấp, mà đem giọng điệu khinh miệt, ngạo mạn, diễu cợt mà cho đồ vật, nếu họ có lòng tự tôn tự trọng, thì họ sẽ cự tuyệt không nhận; hoặc chỉ là tiếp nhận một cách miễn cưỡng và ở trong tâm xuất hiện sự phản cảm. Lại như bình luận đối với người khác hoặc sự việc, nếu có thiện ý, có tính xây dựng, thì rất dễ khiến người khác tiếp nhận đi đến cải thiện. Còn không, dù cho có nói trăm vạn lần chính xác chân thật đi nữa, nhưng khi đối phương đã có sự phản cảm rồi, thì sẽ dẫn đến sự hiểu lầm và tạp loạn.

Lợi hành nếu nói theo ngôn ngữ đương thời tức là sự nghiệp phúc lợi xã hội, đem đến phúc lợi cho mọi người.

Đồng sự là mình đồng cam cộng khổ với mọi người. Trên phương diện cộng tác, phương diện hưởng thụ đều bình đẳng với mọi người, điều này sẽ khiến mọi người cảm động nhất.

Bồ-tát từ bi lợi tha không thể không cần đến phương pháp. Ái ngữ, lợi hành và đồng sự, làm cho bố thí trở nên có hiệu quả, là phương pháp có khả năng đạt đến chân thật lợi ích cho chúng sinh.

Bốn phương pháp này là phương pháp cơ bản để từ bi tế độ chúng sinh, hoà hợp với chúng sinh, làm người lãnh đạo phải nên có đức hạnh này. Bồ-tát “người lãnh đạo cao thượng”, nhưng không phải là nhà lãnh đạo quyền uy, mà luôn vì mục đích từ bi tế độ chúng sinh.

Nếu không biết được như vậy thì chẳng khác gì không có khả năng nhiếp thọ chúng sinh, không thể hoàn thành mục đích đem đến lợi ích cho nhân loại. Từ tâm từ bi phát khởi hạnh bố thí v.v…là điều mà Bồ-tát phải có đầy đủ. Bồ-tát lãnh đạo, vốn không giới hạn ở lĩnh vực chính trị, mà ở trong tất cả các tầng lớp, nghề nghiệp, Bồ-tát có tâm hạnh từ bi thì sẽ phát khởi tác dụng lãnh đạo. Như cư sỹ Duy-ma-cật, ông ở trong tất cả mọi người, đều là tôn quý nhất.

Còn nữa

Quán Như(dịch)
(Trích trong tác phẩm “Ba điều cần thiết cho người học Phật” của Hòa thượng Ấn Thuận)
(Phattuvietnam)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
26/05/2014(Xem: 6221)
Tha lực theo nghĩa hẹp là lực tác động từ bên ngoài. Trong Phật giáo, tha lực là Phật lực hoặc Thánh lực (Bồ Tát) được tác ý làm cho nhân tốt trổ quả hoặc tạo nhân quả tốt cho chúng sanh hữu tình vì lòng bi mẫn của Đấng Thiện Thệ. Qua phương pháp phân tích văn bản đối chiếu hai nguồn Kinh tạng: Pali Tạng (Tạng kinh của Phật Giáo Nguyên Thủy) và Hán Tạng (Tạng kinh của Phật Giáo Đại Thừa). Bài tiểu luận này mổ xẻ hai chủ đề chính: tính tương đồng và logic giữa hai nguồn kinh tạng về tha lực.
14/05/2014(Xem: 6536)
1.1 Khái niệm về pháp niệm Phật và cảnh giới Tịnh Độ 1.2 Niệm Phật trong kinh điển Hán tạng và Nikaya 2.1 Ngài Huệ Viễn và pháp môn niệm Phật 2.2 Bốn cách niệm Phật của ngài Tông Mật (784-841) 2.3 Năm phương diện niệm Phật của Trí Giả Đại Sư 3.1 Vài suy nghĩ về pháp tu niệm Phật trong xã hội hiện đại 3.2 Tính chất giải thoát từ pháp môn Niệm Phật 3.3 Niệm Phật và lý tưởng Nhân Gian Tịnh Độ 4. Kết luận
13/04/2014(Xem: 10361)
Bối cảnh lịch sử của Phật giáo trước sự ra đời của phương pháp Thiền Tịnh song tu Trên phương diện Phật giáo sử, dễ dàng nhận thấy Thiền Tông và Tịnh Độ Tông xuất hiện trong khoảng thời gian trước và sau đời Tùy-Đường[1]; từ đó pháp niệm Phật Thiền hình thành và liên quan sự phát triển pháp Thiền Tịnh Song Tu. Vấn đề này, trước tiên cần tìm hiểu về ý nghĩa niệm Phật trong kinh điển Phật giáo Nguyên Thủy, cụ thể trong kinh A Hàm, kinh tạp A Hàm, kinh Tăng Chi và trong kinh điển Đại Thừa. Thời Phật tại thế đã dạy đệ tử xuất gia, tại gia về phương pháp niệm Phật như là phương thức quán niệm hỗ trợ cho pháp thiền định, bảo hộ đời sống an lành, đối trị mọi phiền não.
15/03/2014(Xem: 7928)
Tất cả chúng ta đều thấy rõ sự phổ biến về thực tập thiền quán trong xã hội đương thời bất chấp sự hội nhập tôn giáo. Mặc dù thiền quán có một vị trí nổi bật trong việc thực tập của Phật Giáo từ lúc khởi đầu của nó, nhưng Thân Loan đã phủ nhận sự thực tập của tự lực (tự cố gắng) và đối lập đến niềm tin và nương tựa Đại Nguyện của Đức Phật Di Đà như con đường để giác ngộ.
10/02/2014(Xem: 10051)
Điểm đến của người tu học Phật thường là chứng ngộ (đắc đạo). Nhưng tại sao gần đây, ta cũng hay nghe nói Vãng sanh Cực Lạc
03/02/2014(Xem: 7191)
* Con người sống trên đời cần nên tạo phước đức Là người Phật tử, tôi biết được một sự thật là tiền tài, quyền lực, địa vị, danh vọng không thể che chở cho con mình mỗi khi gặp tai họa mà chỉ có phước đức, công đức mới là chiếc áo giáp vô hình chắc chắn khiến cho con
26/12/2013(Xem: 11434)
Thí dụ như có người ở nơi đồng vắng bị giặc cướp cầm gươm rượt theo muốn giết (dụ cho sanh tử, vô thường, không tha mạng sống). Người đó sợ hải quá, cắm đầu chạy riết, đến chỗ gặp một con sông chắn ngang qua (con sông sanh tử. Bờ bên này là sanh tử ngạn, bờ bên kia là giải thoát ngạn). Người ấy vừa chạy trốn vừa thoáng nghĩ trong đầu rằng - Nếu ta lội qua khỏi được con sông này, đến B
19/12/2013(Xem: 21871)
48 Lời Nguyện của Phật A Di Đà Hán dịch: Tào Nguỵ, Pháp Sư Khương Tăng Khải Việt dịch: Việt Nam, Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh Anh dịch: http://www.purifymind.com/FortyEight.html Sưu tập: Tuệ Uyển, Wednesday, December 18, 2013 48 Lời Nguyện của Phật A Di Đà 48 Vows of Amitabha Buddha 1. Giả sử khi tôi thành Phật, nước tôi còn có địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác. 1."Provided I become a Buddha, if in my Buddha-land there should be either hell, or the animal state of existence, or the realm of hungry ghosts, then may I not attain enlightenment.
17/12/2013(Xem: 14998)
Xã hội ngày nay, lòng người ác độc; cho nên bị thiên tai, nhân họa thường xuyên giáng xuống. Khi tai họa ập đến không ai lường trước được, không thể trốn tránh và đề phòng không kịp.
13/12/2013(Xem: 12512)
1. Anagarika Govinda là một Lama, người Bolivia, nguyên giảng dạy Triết học tại Đại học Naples. Từ năm 1928-1930 ông qua Sri Lanka, xuất gia với Đại đức Nyatiloka Mahathera, rồi trụ trì chùa Polgasduwa. Năm 1947, ông qua Tây Tạng, được làm đệ tử của Lama Ngawang
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]