Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ý Nghĩa Quy Y Tam Bảo

26/07/201123:09(Xem: 5877)
Ý Nghĩa Quy Y Tam Bảo

ducphat-19
Ý NGHĨA QUY Y TAM BẢO

Thích Giải Hiền
NCS Thạc Sĩ Đông Nam Á Học

A. VÌ SAO PHẢI QUY Y TAM BẢO :

Chúng ta biết rằng đa phần các tín đồ theo Phật giáo thường là không có quy y Tam bảo. Bởi vì người đã quy y Tam Bảo thời thường lễ Phật đốt hương, nhưng người biết lễ Phật đốt hương thì chưa chắc đã quy y Tam Bảo. Tuy nhiên người chưa từng quy y Tam Bảo họ vẫn có thể xưng mình là tín đồ của Phật giáo mà chúng ta không thể phủ nhận sự tín ngưỡng của họ.

Có người chủ trương tin Phật chỉ cần có tâm thành là đủ, hà cứ gì mà phải quy y ? Quan niệm này mới nghe dường như có lý, thực chất thì không hợp với thực tế. Ví như học sinh khi muốn đi học đầu tiên phải làm thủ tục nhập học, nếu không như vậy thì không có hồ sơ chính thức ở trường nên dù cho có thể dự thính nhưng sẽ không được cấp văn bằng và học bạ. Một người học trò đích thực thì phải học theo các chương trình mà nhà trường đặt ra từ thấp tới cao. Ngòai việc làm thủ tục nhập học còn tùy theo trình độ ở mỗi cấp học mà học sinh còn phải thi tuyển mới được vào trường để học, nếu như không học tiểu học mà đòi lấy văn bằng đại học cho đến học vị Tiến sĩ là điều không thể có được, do vậy người tin theo Phật cũng phải bắt đầu từ việc quy y Tam bảo.

Mặc dầu quy y Tam Bảo chỉ là bước khởi đầu trong quá trình học Phật nhưng nếu không có bước khởi đầu thì làm sao có các bước tiếp theo được. Đệ tử Phật lấy việc thọ giới mà phân cấp bậc, quy y Tam Bảo là việc căn bản nhất tiếp theo mới đến thọ Ngũ giới, Tám giới, Mười giới, Tỳ kheo giới, Bồ tát giới. Nói tóm lại tất cả mọi giới pháp đều lấy việc quy y Tam Bảo làm nền tảng căn bản. Quy y Tam Bảo tức là bước đầu tiên của việc vào đạo tin Phật. Phật giáo không bỏ bất kỳ chúng sanh nào, do đó đối với việc quy y Tam Bảo cũng không có sự hạn lượng nhất định. Trong lục đạo chúng sinh trừ Địa ngục là nơi thọ khổ vô cùng vô tận không thể quy y Tam Bảo được. Các nơi khác bất kể là Người, Trời, Thần, Quỷ vật và Súc sinh chỉ cần phát tâm quy y, Phật giáo đều tiếp nhận cả. Đây cũng giống như đã là học sinh đủ tuổi đi học thì bất luận là giàu nghèo, sang hèn, ngu đần hoặc thông minh đều được nhập học vậy.

Lại có người nghĩ rằng mình có thể đọc sách xem kinh thời tự mình cũng có thể trực tiếp tìm thấy con đường thành Phật trong kinh sách, việc gì mà phải quy y, điều này nói về lý hình như có thể chấp nhận được nhưng đứng trên mặt nguyên tắc của sự tướng thì lại là một sự sai lầm lớn, bởi vì kinh Phật là do Phật nói hay do đệ tử của Phật nói rồi được các vị đệ tử xuất gia của Phật kiết tập thành kinh điển truyền lưu hậu thế, nay nếu nói rằng chỉ cần xem kinh mà không cần biết đến Phật là người nói ra kinh ấy, cho đến không cần biết đến những vị Tăng là người đã có công truyền bá những kinh điển ấy, cho dù có quy y với Pháp đi nữa thì cũng là hành vi vong ân không thể chấp nhận được. Phật giáo mặc dầu lấy Pháp bảo làm nền tảng, phương pháp tu hành cũng từ Pháp bảo mà lưu xuất nhưng Pháp Bảo cũng từ Phật Bảo và Tăng bảo mà ra, do vậy Tam Bảo là ba yếu tố không thể tách rời nhau được.

Lại nói về quy chế và nghi thức thời tin Phật mà không quy y Tam Bảo cũng giống như có một người ngọai quốc yêu mến nền văn hóa và cảnh vật của Việt Nam rồi đến Việt Nam cư trú mà không chịu thay đổi quốc tịch vốn có của mình, mà lại tự xưng rằng tôi là người Việt Nam, thời họ có thể được người Việt Nam hoan nghinh nhưng sự thật thì họ vẫn chưa thể được công nhận là người Việt Nam thật sự. Cũng như vậy người không quy y Tam Bảo mà tự nhận mình là người tín đồ Phật giáo, mặc dầu họ vẫn có thể nhận được một vài lợi ích nào đó nhưng nói cho cùng thì về nhân cách họ vẫn chưa được chư Phật ấn chứng là đệ tử của Phật. Đây không phải là sự chấp trước mà là thủ tục cần phải thực hiện khi vào cửa Phật, cho nên trong kinh Phật dạy người đời tuy là làm thiện nhưng vẫn không diệt trừ được ác nghiệp của đời trước, chỉ có quy y với Tam Bảo mới có thể tiêu trừ được ác nghiệp của tiền kiếp.

Quy y Tam Bảo vừa là nghi thức vừa là nội tâm khi quy y Tam Bảo miệng phải đọc, thân phải lễ và tâm còn phải nghĩ nữa, chủ yếu vẫn là từ nội tâm lãnh thọ giới pháp quy y gọi là giới thể, giới thể cần phải do người đã quy y Tam Bảo tức là bậc Thầy xuất gia truyền trao. Đây chính là sự truyền thừa của hệ thống pháp phái. Là người phàm phu không thể nào không Thầy mà tự chứng. Do vậy quy y Tam Bảo không thể chỉ đối trước tượng Phật và Bồ Tát mà tự thệ nguyện thọ trì được, do vậy mà biết được tính trang nghiêm và cần thiết khi đối trước vị Thầy cầu thọ pháp Tam Quy.

Cho nên không thọ Tam Quy y mà muốn trở thành một tín đồ Phật giáo chân chánh là điều không thể có được. Nếu chỉ tin Phật và Pháp mà không kính lễ chư Tăng thời đã hủy họai tính căn bản của Phật Pháp bởi vì Tam Bảo không thể tách rời. Do vậy người đã hủy họai Phật Pháp thời không thể có được thiện quả, cho nên khi đã tín phụng Tam Bảo thời phải quy y Tam Bảo.

Lại có một số người tuy là chưa tin Phật nhưng có cảm tình đối với Phật giáo thời họ không muốn quy y Tam Bảo ngay, vì sợ rằng sau khi quy y họ sẽ bị nhiều ràng buộc, cho nên họ thường có thái độ đứng ngòai để xem xét, họ có quan niệm quy y Tam Bảo cũng như việc Nam Nữ kết hôn vậy, khi chưa hiểu rõ đối phương mà vội vàng kết hôn thời sẽ khổ cả đời. Thật ra hai việc này hòan tòan khác nhau cũng giống như chúng ta muốn học một nghề nào đó mà lại không muốn đầu sư thời làm sao có thể tinh thông nghề nghiệp được, sự lợi ích của việc đầu sư chính là việc tiếp nhận những kinh nghiệm và sở trường của vị Thầy được tích lũy qua nhiều thế hệ, do vậy khi ta đầu sư cũng là được kế thừa những kinh nghiệm quý báu, khi đã học thành cũng không thể lập tức rời Thầy, việc quy y Tam Bảo cũng vậy, muốn hiểu rõ Phật Pháp thời bắt đầu từ việc quy y Tam Bảo, nếu chỉ đứng ngòai để quan sát mà mong được hiểu rõ thời chỉ là vọng tưởng. Cửa Phật không phải là lao ngục mà là con đường giải thóat rộng lớn thênh thang, Phật giáo mong mỏi mọi người đều từ việc quy y Tam Bảo mà tiến vào con đường học đạo giải thóat, nhưng nếu có người vì căn cơ thấp kém không muốn quy y hay theo đạo khác, hoặc không có niềm tin đối với bất kỳ tôn giáo nào, với những người này Phật giáo vẫn từ bi mở rộng cửa Thiền môn chờ đón họ như những người lãng tử trở về cố hương.

Do vậy chúng ta cần phải khuyên bảo mọi người trên thế gian quay về quy y với Tam Bảo bất kể là người đã tin theo Phật hay chuẩn bị để tin theo Phật, hoặc giả là người đang đứng ngòai cửa Phật để quan sát ngó nhìn, thậm chí là người theo tôn giáo khác, chúng ta vẫn sẳn lòng mời họ dẹp bỏ đi những thành kiến cố hữu, hay tôn giáo mà họ đang theo, thử đến quy y với Tam Bảo một lần họ sẽ thấy được lợi ích to lớn và sự tự do thật sự, khi đã quy y Tam Bảo rồi trừ khi bị ma chướng che lấp chân tâm, nếu không thời sẽ chẳng bao giờ thối thất tâm mình đối với Tam Bảo.

B. THẾ NÀO LÀ QUY Y TAM BẢO

Trên phương diện chữ nghĩa, hai chữ quy y có nghĩa là : quay về hay hồi chuyển. Y là nương tựa hoặc dựa vào, những hành vi hồi chuyển nương tựa hoặc quay đầu dựa dẩm tin tưởng, đều có thể gọi là quy y. Cho nên quy y không phải là danh từ chuyên dùng của Phật giáo.

Như trẻ thơ quay đầu vào lòng cha mẹ dựa dẩm vào Cha mẹ, tin tưởng Cha mẹ mới có được cảm giác an toàn, cảm giảc an toàn này được phát sinh từ sức mạnh và năng lực của sự quy y, do vậy bất kỳ một hành vi nào làm phát sinh cảm giác an tòan từ sự quay đầu dựa dẩm và tin tưởng đều gọi là quy y.

Do đó con cái tin tưởng Cha mẹ, học sinh tin tưởng vào Thầy, các nhà doanh nhân tin tưởng vào những kế hoặch và dự toán buôn bán, người cấp dưới tin tưởng vào cấp trên, các nhà Túc mệnh luận tin tưởng vào mạng vận, người phụ nữ góa bụa tin tưởng vào vũ lực, những chính khách tin tưởng vào mưu lược, người tham lam tin tưởng vào tài sản.v.v.. tất cả ít nhiều đều mang âm hưởng của sự quy y, hay nói cách khác tất cả mọi sự lý được phát sinh từ năng lực của sự tín ngưỡng đều được liệt vào quy y. Do vậy tín ngưỡng Phật giáo cũng được gọi là quy y hay tín ngưỡng vào các tôn giáo khác cho đến việc sùng bái Thần thánh tà ma vẫn có thể gọi là quy y, nhưng chân nghĩa hay ý nghĩa chân thật của sự quy y, thời là lĩnh vực khác. Bất kỳ sự dựa dẫm tin tưởng hoặc tín ngưỡng vào những điều không cứu cánh, không chắc thật thì không thể gọi là sự quy y chân chánh được, cũng ví như khi mưa to bảo lớn người ta liền trèo lên cây, trèo lên nóc nhà, chạy lên gò cao nhưng khi nước dâng cao, sóng gió nổi lên thì cây cũng có thể đổ, nhà có thể sập, gò cao có thể bị nhấn chìm, do đó trong trường hợp cấp bách như vậy nếu như gần đó có một ngọn núi cao, thì có phải rằng mọi người đều chạy lên ngọn núi ấy không ? chỉ trừ những người ngu si vô trí mới bỏ qua cơ hội tốt đẹp ấy. Do vậy núi cao có năng lực và hiệu quả an toàn hơn hẳn cây cối nhà cửa và gò đất.

Cũng vậy người có thể nhận rõ được thế sự vô thường, hiểu rõ được vạn pháp đều do nhân duyên đối đãi tương hợp mà thành, thời chắc chắn có đủ năng lực để hiểu ro.õ Cha mẹ, Thầy giáo, Kế họach dự toán, Cấp trên, Mạng vận, cho đến Vũ khí, Mưu lược, Tài sản..v.v. đều có thể phát sinh hiệu quả của sự an toàn, nhưng không chắc chắn và vĩnh cữu, bởi vì cha mẹ rồi cũng chết, tri thức của Thầy giáo rồi sẽ bị lạc hậu, dự toán có khi không chuẩn xác. Quan trên có khi bị mất chức hoặc bị điều đi nơi khác, vận mệnh không thể tuyệt đối tin tưởng, vũ lực , mưu lược, tài sản đều như huyễn, như mây, như khói. Hôm nay có thể là Vua ở phương Nam biết đâu ngày mai sẽ là người tù trong ngục tối, hôm nay là triệu phú giàu sang ai biết được ngày mai đang là chàng cùng tử xin ăn khắp nẻo đường xó chợ.

Thậm chí tin tưởng tín ngưỡng vào các Tôn giáo khác có thể được sanh Thiên nhưng chưa chắc là do tín ngưỡng ấy mà quyết định sanh thiên, ví như người tin theo đạo Thiên chúa hay Tin lành thì thánh kinh nói rằng: sẽ được cứu nhưng chưa chắc là sẽ được cứu hết. Thượng đế không thiên vị, nhưng lòng thành của bạn chưa chắc giúp bạn là người dân của xứ Thiên đàn. Lại đứng trên gốc độ của Phật giáo mà nhìn, Phật giáo chính là tôn giáo vượt ngoài mọi Tôn giáo, bởi vì lý tưởng cao siêu nhất của tất cả các Tôn giáo cũng chỉ là sanh lên cõi trời mà không vượt ngoài hạn định ấy, nhưng cõi trời trong Phật giáo dù là cõi trời cao tột nhất cũng không vượt ra ngoài sinh tử luân hồi. Thọ mạng ở cõi trời dù lớn hơn con người nhưng cũng đến lúc cùng tận, phước trời một khi đã hết cũng không tránh khỏi đọa lạc, do vậy đó không phải là nơi quy y chắc thật nhất, chỉ có quy y Phật giáo mới có thể khiến cho con người từng bước từng bước thóat ly khổ não đến với con đường giải thóat cứu kính an lạc. Tổng thể của Phật giáo chính là Phật Pháp Tăng Tam bảo.

Trên thực tế khuynh hướng của sự quy y bắt đầu từ quy y Tam Bảo, tin tưởng Tam Bảo, dựa vào Tam Bảo để khởi phát tâm mình và dẫn đường cho mình đến với con đường giải thóat hướng về Niết Bàn, nhưng khi hướng đến Niết Bàn giải thóat thì tự thân mỗi người đều chính là lý thể Tam Bảo, bởi vì mọi chúng sanh đều có Phật Tánh chỉ bởi nghiệp chướng mê hoặc mà không thể nhìn thấy Phật tánh của mình, mục đích của việc quy y Tam Bảo chính là việc cầu tìm sự hiển bày Phật Tánh, bởi vì mỗi chúng ta vốn giống chư Phật, vốn cùng Tam Bảo chỉ vì mê muội đánh mất bản tánh lưu lạc trong sanh tử, quên mất lối về mới gọi là chúng sinh, nếu chúng ta kịp thời quay về trong lòng của Tam Bảo, thì cũng như chàng lãng tử trở về cố hương mà thôi.

Do vậy chỉ có tìm ra con đường quay về, trở về nhà thì mới gọi là quy y chân chánh, còn nếu chỉ là những nơi dừng chân tạm bợ thì không phải là quy y chân chánh được, cũng giống như người cưỡi con trâu đất vượt qua sông thì chỉ cần nhúng chân xuống nước Trâu đà tan rã lấy gì vượt sông ?.

Tam Bảo là gì ? Tam Bảo là Phật Pháp Tăng, vì sao được gọi là Bảo điều này rất quan trọng. Một người muốn tin Phật tất phải quy y Tam Bảo trước, nhưng trước khi quy y cần phải hiểu rõ ý nghĩa của Tam Bảo nếu chỉ mơ hồ mà quy y thời không thể gọi là quy y chân chánh được. Cũng giống như người ghi tên thi đại học nhưng không biết tên tuổi và lọai hình mà trường mình sẽ thi, thời thật nực cười vậy. Nhưng chúng ta thật đau buồn bởi vì ngày hôm nay biết bao nhiêu người mang tiếng đã quy y Tam Bảo nhưng chẳng hiểu được ý nghĩa của Tam bảo là gì, cũng có biết bao nhiêu vị Thầy truyền giới quy y nhưng chưa hề giảng cho đệ tử hiểu rõ ý nghĩa Tam Bảo là gì, điều này thật đau buồn vô cùng.

Tam Bảo chính là Phật Pháp Tăng bởi vì trong Phật Pháp Tăng có thể sinh ra vô lượng công đức và phát huy vô lượng diệu dụng, công đức và diệu dụng ấy là vô cùng vô tận, vô biên, vô tế, lấy không cùng tận, sài không cạn kiệt. Thế gian lấy giá trị của vàng bạc châu báu và công dụng to lớn của nó để gọi nó là trân bảo, còn công đức và diệu dụng của Phật Pháp và Tăng thời vượt ra ngoài cả thế gian và xuất thế gian cho nên càng quý hơn trân bảo nữa. Bởi vì sự hóa đạo của Tam Bảo có thể làm cho con người được bình an trong cuộc sống, có thể làm cho con người lìa khổ được vui, do vậy Tam Bảo càng quý giá hơn cả trân bảo của thế gian nữa.

Từ xưa đến nay có nhiều cách để phân loại về Tam Bảo nhưng đại thể có hai lọai là sự tướng và lý thể.

1- Nói về sự tướng thì có Trụ trì Tam Bảo và Hóa tướng Tam Bảo.
2- Nói về lý thể thì có Nhất thể Tam Bảo và Lý thể Tam Bảo.

Trước khi giải thích về chủng loại của Tam Bảo cần phải hiểu hàm ý về Tam Bảo, Phật tức là giác giả, tự giác, giác tha và giác mãn. Pháp tức là Pháp tắc là những quy phạm có năng lực dẫn dắt con người hiểu rõ và hành trì để không đánh mất đi lẽ chân thật. Tăng chính là hòa hợp chúng là sự tương hợp giữa sự và lý.

a.Trụ trì Tam Bảo :

Tất cả những hình tượng bằng ngọc ngà châu báu, tượng đắp, tượng vẽ đều là Phật bảo. Tất cả những kinh điển cho đến trước tác của các vị Đại Đức tăng già đều gọi là Pháp bảo. Tất cả những vị cạo đầu xuất gia mặc áo hoại sắc thọ giới tu hành đều gọi là Tăng bảo, bởi vì sau khi đức Phật nhập Niết Bàn, Phật giáo dựa vào Trụ trì Tam Bảo để duy trì mạng mạch, giữ vững tinh thần và truyền bá chân lý nên được gọi là Thế gian trụ trì Tam Bảo.

b. Hóa tướng Tam Bảo :

Trong suốt quá trình Đản Sanh, Thành Đạo hóa độ tại Ấn Độ đức Thích Ca Mâu Ni được gọi là Phật bảo, trong thời kỳ đó những giáo lý mà đức Phật dạy cho các đệ tử như Tứ Thánh đế, Bát chánh Đạo, Thập Nhị Nhân Duyên .vv đều gọi là Pháp bảo, những vị thánh đệ tử xuất gia tu hành đệ tử của Phật gọi là Tăng bảo, đây đều là những tướng trạng về Tam Bảo khi Phật còn tại thế đã ứng hóa ra nên gọi là hóa tướng Tam Bảo.

c. Nhất thể Tam Bảo: Là trong Tam Bảo mỗi phần đều có đầy đủ công đức của các phần khác : như Phật có năng lực giác chiếu nên gọi là Phật bảo, Phật lại có khả năng thuyết pháp tự tại với Pháp, nên có năng lực quỷ trì, do vậy trong Phật cũng có Pháp Bảo, Phật không mất thanh tịnh cho nên trong Phật có đầy đủ Tăng bảo.

Bổn thể của pháp có năng lực sanh ra Phật tánh của chư Phật cho nên Pháp có đầy đủ tính chất của Phật bảo. Bản thân của Pháp có công năng quỷ trì cho nên Pháp là Pháp bảo, các pháp bình đẳng không hề chướng ngại nên trong Pháp có đầy đủ ý nghĩa của Tăng bảo, Tăng là người có trí quán chiếu nên Tăng có tính chất của Phật bảo, Tăng cũng chính là người có công dụng quỷ trì nên Tăng có tính chất Pháp bảo. Tăng là người có bản thể hòa hợp nên tăng là Tăng bảo.

d. Lý thể Tam Bảo : Là nói tất cả chúng sinh đều có đầy đủ bản chất của Tam Bảo trong mỗi tự thân, điều này đứng trên hai phương diện:

d.1- Trên phương diện tu chứng : tất cả phàm phu đều bởi Hoặc-Nghiệp-Khổ mà lưu chuyển trong sinh tử, nếu có thể chuyển mê thành ngộ thì Hoặc trở thành Bát Nhã; Nghiệp sẽ trở thành Giải thoát ; Khổ sẽ trở thành Pháp thân. Bát Nhã là Phật Bảo, Giải Thóat gọi là Pháp Bảo, Pháp Thân gọi là Tăng Bảo.

d.2- Trên phương diện lý thể chân nhưthì lý năng quán là Phật bảo, sự sở quán là Pháp bảo, sự lý nhất như là Tăng bảo.

Thật ra Tam Bảo tuy chia làm bốn lọai nhưng chỉ có hai tính chất và không vượt ra ngòai sự lý, sự tướng của Tam Bảo là hiện thực nên dể hiểu còn lý thể của Tam Bảo là trừu tượng nên khó hiểu. Trừ khi chứng đắc khai ngộ hiểu rõ tự tánh chân như nếu không thì sẽ cảm thấy mơ hồ với ý nghĩa về lý thể Tam bảo. Như ngài Ấn Thuận giải thích: Nói đến sự chân thật của quy y, thì từ xưa đến nay có rất nhiều cách phân biệt, nay chỉ lược thuyết hai loại, 1/ Công đức vô lậu của Phật là Phật Bảo tức là ngũ phần pháp thân (Giới định tuệ, Giải thóat và Giải thoát tri kiến), hay vô thượng Tứ Trí Bồ đề có thể thâu nhiếp tất cả công đức vô lậu, gọi là Phật bảo.

Chánh pháp hoặc Niết Bàn thì gọi là Pháp bảo, công đức vô lậu của hữu học vô học đều gọi là Tăng bảo, nghĩa là các vị tứ hướng tứ quả hoặc Bồ Tát, Thanh Văn, Bích Chi. 2/ Theo đại thừa sở thuyết giáo thì cứu cánh viên mãn hiển bày nên pháp giới thanh tịnh, nhiếp đắc thể tướng nghiệp dụng thì là Phật bảo hiển hiện được phần nào về pháp giới thanh tịnh thì là Tăng bảo, biến khắp thập phương pháp giới mà không tăng không giảm, pháp giới không nhị, không biên, chân như thật tướng thời gọi là Pháp bảo. Nhất thể Tam Bảo, Lý thể Tam Bảo , thường trụ Tam Bảo đều là cách giải thích không giống nhau về ý nghĩa này của Tam Bảo mà thôi.

Chúng ta là phàm phu nếu không có căn bản về Phật Pháp thì rất khó hiểu được ý nghĩa của lý thể Tam Bảo, nhưng nếu chỉ cần tin vào sự tướng của Tam Bảo, thì đến một lúc nào đó lý thể của Tam Bảo tự nhiên hiển hiện cũng giống như người chưa từng vào trong không gian thì đối với những cảnh tượng trong không gian cho dù những nhà khoa học có giải thích tường tận như thế nào đi nữa chúng ta cũng khó lãnh hội được toàn vẹn, chỉ có tự mình đi trong không gian mới có thể thấu rõ tường tận, do vậy là phàm phu nếu có thể tín ngưỡng trụ trì Tam Bảo thời cũng đủ rồi, nhưng chúng ta cần phải hiểu rằng không có trụ trì Tam Bảo thì không thể hiển bày được lý thể Tam Bảo , nếu không có lý thể Tam Bảo thời không xác lập được trụ trì Tam Bảo .

Trụ trì Tam Bảo là đại dụng của lý thể Tam Bảo, Lý thể Tam Bảo là toàn thể của trụ trì Tam Bảo, tín ngưỡng Phật giáo thì phải bắt đầu từ sự tín ngưỡng trụ trì Tam Bảo , mục đích của việc tín ngưỡng trụ trì Tam Bảo là truy cầu sự hiển bày của lý thể Tam Bảo. Ngày nay có nhiều vị cư sĩ tại gia chưa chứng được lý thể Tam Bảo đã lấy lý do chỉ tin lý thể Tam Bảo mà không quy kính trụ trì Tam Bảo đó là hành vi của sự thối thất. Người phàm phu chúng ta chỉ có thể thấy được sự tướng Tam Bảo còn hóa tướng trong sự tướng Tam Bảo chỉ tồn tại khi phật còn tại thế, sau khi Phật diệt độ chỉ còn lại trụ trì Tam Bảo, trong Tam Bảo Phật là tối tôn tối quí, Pháp là tối cao tối thắng còn Tăng là tối trọng tối yếu.

Sau khi Phật diệt độ các cơ sở Phật giáo đều do Tăng bảo trụ trì, kinh điển của Phật giáo đều do Tăng Bảo bảo tồn, văn hóa của Phật giáo đều do Tăng bảo truyền bá, tín đồ của Phật giáo đều do Tăng bảo chỉ dạy, khi Phật còn tại thế thì Phật giáo lấy Phật làm trung tâm, sau khi Phật diệt độ thì Phật giáo lấy Tăng bảo làm trọng yếu, cho nên ngày nay tín ngưỡng Phật giáo cần phải lấy Tăng bảo làm y cứ, cung kỉnh Tam Bảo cũng phải lấy Tăng bảo làm nền móng. Mặc dầu trong Tăng chúng có người này kẻ nọ, do vậy khi quy y cũng cần phải biết chọn Thầy hiền làm sư, nhưng với tâm niệm cúng dường thì phải, phát tâm bình đẳng. Trong kinh Phật dạy dù là Tỳ kheo phá giới vẫn đủ tư cách làm Thầy của trời người, do vậy không được có tâm phân biệt cao thấp, càng không được vọng tâm phê bình.

Quy y Tam Bảo vẫn bắt đầu từ căn bản học Phật tin Phật, nhưng sau khi bước vào cửa Phật rồi cũng không được rời bỏ căn bản này, mà phải từ căn bản này từng bước đi lên, do vậy quy y Tam Bảo có năm lọai :

1- Phiên tà Tam quy tức là bước đầu học Phật
2- Ngũ giới Tam quy tức là sau khi tin Phật rồi phải thọ ngũ giới.
3- Bát giới Tam quy tức là trong những ngày trai giới thọ trì Bát quan trai.
4- Thập giới Tam quy tức là thọ trì Sa di Sa di ni giới.
5- Cụ túc giới Tam quy tức là Tỳ kheo, tỳ kheo ni đại giới.

Phàm khi thọ giới đều phải có Tam quy, từ bước đầu học Phật cho đến thọ Ngũ giới, Bát giới, Thập giới đều lấy Tam quy làm nền tảng để nạp thọ giới thể, Thức Xoa Ma Ni giới, Tỳ khưu, Tỳ khưu ni giới đều lấy pháp Yết ma để thọ giới nhưng trong quá trình thọ giới vẫn phải hành pháp Tam quy. Cho đến người thọ đại thừa Bồ Tát giới, trước khi sám hối và phát nguyện cũng đều phải thọ Tam quy. Do vậy tuy Tam quy không phải giới nhưng là căn bản của hết thảy các giới. (Kỳ thật trong Tam quy bao hàm cả giới nghĩa).

Tam quy không những là căn bản của các giới mà còn là căn bản của quá trình tu tập hàng ngày, của tín đồ Phật giáo những thời kinh sớm tối của các chùa đều có Tam quy, tất cả mọi công việc Phật sự cũng lấy Tam quy làm nền tảng y cứ. Ở các nước Phật giáo Nam Truyền rất chú trọng Tam quy, lấy việc xướng tụng Tam quy làm căn bản hành trì, lấy việc xướng tụng Tam quy làm lời chúc nguyện.

C- LỢI ÍCH CỦA QUY Y TAM BẢO

Ích lợi của việc quy y Tam Bảo rất nhiều, có thể cầu được hiện thế an lạc, có thể cầu cho đời sau an lạc, càng có thể từ đây mà được sự an lạc cứu cánh của Niết Bàn tịch tĩnh, tổng hợp lại có tám điều lợi ích :1/ trở thành đệ tử của Phật. 2/ là nền tảng của việc thọ giới. 3/ có thể tiêu trừ nghiệp chướng. 4/ có thể tích tập phước đức to lớn. 5/ không đọa ác đạo. 6/ Người và phi nhơn không thể làm hại. 7/ có thể thành công trong mọi việc lớn. 8/ Có thể thành Phật.

Ích lợi của việc quy y Tam Bảo, trong kinh Phật nói đến rất nhiều, nay chỉ đơn cử một vài ví dụ :

1. Kinh Ưu Bà Tắc giới có nói : Nếu người quy y Tam Bảo thời trong tương lai sẽ được phước báo to lớn không thể cùng tận, ví như có được của báu mà người trong cả nước vận chuyển trong bảy năm cũng không hết được, công đức của việc quy y Tam Bảo còn lớn hơn thế gấp ngàn vạn lần.

2. Kinh Triết Phù La Hán có nói xưa kia có một vị Thiên tử ở cung trời Đao Lợi khi phước trời đã hết, Thiên tử tự biết sẽ bị đầu thai vào loài Heo, rất lấy làm lo sợ liền thỉnh cầu Thiên vương cứu giúp, Thiên vương không cứu được nên khuyên Thiên tử nên đến cầu cứu Phật. Phật dạy Thiên tử quy y Tam Bảo, nên sau khi chết không đọa vào lòai Heo, mà còn được sanh làm người, gặp Xá Lợi Phất học đạo chứng đắc thánh quả.

3. Trong kinh Sát Cách Y Pháp Thiên Tử thọ Tam Quy có nói : Xưa có một vị thiên tử ở cõi trời Tam Thập Tam Thiên khi phước trời đã tận còn bảy ngày nữa sẽ chết, những sự hoan lạc, những thiên nữ đẹp không còn thân cận, những tướng mạo uy nghi đều đã thay đổi, mùi hôi bốc ra từ thân thể và thiên tử cũng biết rằng sẽ bị đầu thai vào lòai súc sinh, Thiên vương biết được liền dạy thiên tử phát tâm quy y Tam Bảo sau bảy ngày thiên tử vãng sanh, Thiên vương muốn biết thiên tử sanh vào đâu, nhưng không thể quán chiếu thấy được bèn đến hỏi Phật. Phật liền dạy rằng : “Thiên tử nhờ công đức quy y Tam Bảo đã được sanh lên cõi trời Đâu Suất”.

4. Kinh Hiệu Lượng Công Đức có nói : Nếu như có người xây Tháp cúng dường tất cả chư vị Thánh nhân chứng đắc nhị thừa trong Đông, Tây, Nam, Bắc tứ đại bộ châu, công đức tuy lớn nhưng vẫn không thể sánh bằng công đức quy y Tam Bảo.

5. Kinh Mộc Hoạn Tử có nói ngày xưa có vị Tỳ kheo Sa Đẩu chuyên tụng trì danh hiệu của Tam Bảo trong suốt mười năm, chứng đắc sơ quả Tu đà hòan, nay ở tại thế giới Phổ Hương làm vị Bích Chi Phật.

Phật cũng đã từng dạy, nếu người quy y Tam Bảo thì được tứ đại thiên vương, sai 36 vị thiện thần hộ trì, 36 vị thiện thần này còn có trăm ngàn vạn ức hà sa quyến thuộc cũng theo hộ trì người quy y Tam Bảo. Nhưng chúng ta cũng cần biết rằng, mặc dầu quy y Tam Bảo có thể cầu hiện thế bình an nhưng mục đích cuối cùng của việc quy y Tam Bảo vẫn là trở về và làm sống dậy tự tánh Tam Bảo trong mỗi người mới đúng là quy y Tam Bảo chân chánh vậy.

03-14-2009 07:23:16

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
30/10/2010(Xem: 4599)
Trước tiên chúng ta phải học “giới học” để thực hành. Nếu không biết giới học, chúng ta không thể nào tịnh hóa những hành vi cư xử của mình. Rồi chúng ta phải học thêm chỉ (samatha) để kiểm soát và tập trung tâm ý. Nếu không biết về thiền chỉ, chúng ta sẽ trau dồi định như thế nào? Nếu không hành định, làm sao chúng ta có thể kiểm soát được tâm mình? Sau đó, chúng ta phải học cách làm thế nào để trau dồi trí tuệ. Nếu không biết về tuệ học, chúng ta trau dồi trí tuệ ra sao?
29/10/2010(Xem: 5344)
Căn cơ của một người bình thường không thể nào biết được có kiếp trước hay kiếp sau. Chỉ có những người tu tập thiền định, đi sâu vào nội tâm, chứng được các tầng thiền, hoặc có thiên nhãn thông, túc mạng thông thì mới thấy được kiếp sống quá khứ và vị lai.
26/10/2010(Xem: 4585)
Đề mục kinh này vô cùng rõ ràng, nội dung cũng rất đơn giản, trong sáng, thiết yếu. Trong bộ kinh này, đức Phật dạy chúng ta phương pháp để cái tâm được thanh tịnh. Trong pháp môn Tịnh Độ, chúng ta đều biết đến đạo lý “tâm tịnh cõi nước tịnh”.Do đây biết rằng: đối với việc tu học Tịnh Độ tông, tâm thanh tịnh vô cùng trọng yếu. Người phiên dịch bộ kinh này là ngài Thi Hộ, Ngài là người ngoại quốc đến Trung Quốc hoằng pháp vào thời Nam Bắc Triều.
23/10/2010(Xem: 10446)
Trên đời này có những người có chánh kiến, tin rằng sự bố thí cúng dường sẽ đem lại những kết quả tốt đẹp; các hành vi thiện ác đều dẫn đến quả báo; đồng thời cũng tin rằng có những người chân chánh hành trì Chánh pháp, tuyên bố những điều do tự mình thể nghiệm và chứng ngộ. Do nguyên nhân chánh kiến này mà một số loài hữu tình sau khi mệnh chung được sinh vào thiện thú, cõi đời này (Trung Bộ kinh I)
22/10/2010(Xem: 4695)
Mỗi một trong vô lượng cuộc đời của chúng ta từ vô thuỷ, chúng ta phải có những bậc cha mẹ. Vào lúc này hay lúc khác, mỗi một chúng sinh duy nhất hẳn đã từng là mẹ hay cha của ta. Khi chúng ta nghĩ tưởng tới tất cả chúng sinh này - những người từng là cha mẹ của chúng ta - đã phải lang thang quá lâu và không người cứu giúp trong vòng luân hồi sinh tử giống như những người mù lạc đường, thì chúng ta không thể không cảm thấy một lòng bi mẫn lớn lao đối với họ. Tuy nhiên, tự bản thân lòng bi mẫn thì không đủ; họ cần sự giúp đỡ thực sự.
22/10/2010(Xem: 5360)
Một Giáo lý của Jetsunma Ahkon Lhamo Trong Phật Giáo Kim Cương thừa – là hình thức Phật Giáo được bảo tồn ở Tây Tạng và Mông Cổ và là một tông phái được tu hành ở chùa của tôi – một trong những giáo lý căn bản làsự hiểu biết và thực hành lòng bi mẫn. Cá nhân tôi nhận ra rằng một triết học tôn giáo được đặt nền trên lòng bi mẫn vô ngã mang lại cho ta một sự hài lòng sâu xa và tôi tin rằng nó đánh trúng tình cảm của nhiều người Mỹ.
21/10/2010(Xem: 4944)
Ở Solu Kumbu mọi người lớn tuổi đều quay Bánh Xe Cầu nguyện mỗi ngày. Khi họ ở nhà vào buổi sáng và buổi tối trước khi đi ngủ, họ cầm một mala (chuỗi hột) trong bàn tay trái, một Bánh Xe Cầu nguyện trong bàn tay phải, và trì tụng thần chú OM MANI PADME HUNG. Và khi họ đi vòng quanh, họ liên tục quay Bánh Xe Cầu nguyện và tụng OM MANI PADME HUNG.
19/10/2010(Xem: 5229)
Một lần, khi Đức Phật nhuốm bệnh ở Beluvà, trước sự lo âu buồn khổ của tôn giả Ananda (Trường III, trang 101), và một lần khác, trước tin tôn giả Sàriputta (Xá lợi Phất) đã mệnh chung và trước sự lo âu của tôn giả Ananda (A Nan) (Tương V, 170), Đức Phật đã tuyên bố lời dạy này, vừa là lời chỉ dạy tóm thâu mọi phương pháp tu hành của ngài được cô đọng lại, và cũng là một lời trăn trối của một bậc Đạo sư biết mình sắp lâm chung, nên có những lời nhắn nhủ và khích lệ đệ tử của mình những gì các đệ tử cần phải tu tập, sau khi bậc Đạo sư viên tịch...
16/10/2010(Xem: 5089)
Bạn đã được giới thiệu về “phương châm tu tập”, “ý nghĩa của Sám hối”, và “tâm Bồ đề”. Đó chính là những hành trang cần thiết, quan trọng để xây dựng những nhận thức căn bản và thực tiễn cho cuộc sống hạnh phúc cũng như cho cuộc hành trình tâm linh của bạn. Khi đã có đầy đủ những hành trang cần thiết cho tư duy và hành động rồi, bây giờ là lúc bạn có thể đi vào thực tập những pháp môn căn bản không phải để có ý niệm về hạnh phúc hay để lí luận về hạnh phúc, mà để “sống hạnh phúc” ngay bây giờ và ở đây.
16/10/2010(Xem: 7284)
Đây là bài thuyết giảng về "Đức Phật của chúng ta" một đề tài dễ làm cho Phật tử ngạc nhiên, vì Đức Phật của chúng ta là Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật rồi còn gì mà phải đặt vấn đề. Nhưng vấn đề sở dĩ được đặt ra là nhiều khi chúng ta chưa có được một cái nhìn thấu triệt tất cả tinh tường, đức tướng, hạnh đức, tin đức của đức Phật chúng ta. Do vậy, bài này, một phần giúp chúng ta trả lời những thiếu sót như vậy... Chính thái độ hóa thần thông để giáo hóa chúng sanh đã làm nổi bật giá trị tâm lý hoằng pháp mà Đức Phật của chúng ta đã dùng để hoằng hóa độ sanh.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]