Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hạnh Nguyện Lắng Nghe

21/09/201008:17(Xem: 3844)
Hạnh Nguyện Lắng Nghe
hoasen1a
HẠNH NGUYỆN LẮNG NGHE

Đào Văn Bình

Nghe là sự vận hành tự nhiên của một cơ thể bình thường. Thế nhưng sự vận hành này tuy tự nhiên nhưng không phải hoàn toàn phóng túng, bừa bãi, vô tổ chức…mà có chọn lọc. Chúng ta có thể ví lỗ tai (nhĩ căn) của chúng ta giống như một chú lính. Khi nhận được một tín hiệu, một thông điệp, một tin tức nào…thì chú vội vàng báo ngay cho chủ tướng của mình – không ai khác hơn là chính Ta. Mà cái Ta này chính là cái Tôi hay cái Ngã do Nhãn (Mắt), Nhĩ (Tai), Tị (Mũi), Thiệt (Lưỡi), Thân, Ý (Ý thức) kết hợp lại mà thành. Khi một “tin tức” tốt được “báo cáo” thì vị chủ nhân hân hoan nói, “Được, chú tiếp tục nói đi.” Lúc đó vị “chủ tướng” tức cái Ngã, lim rim tận hưởng khoái cảm của những lời tán tụng, những lời du dương, những lời ngon ngọt gửi tới. Thật sướng lỗ tai! Thế nhưng khi một lời nói khó chịu, một lời nói bất ưng được báo vào thì ông tướng lập tức nổi giận, quát tháo ầm ĩ “Cút đi! Ta không muốn nghe nữa!” Thật tội nghiệp cho chú lính. Chú chạy biến ra ngoài, ngồi xuống rầu rĩ bịt kín lỗ tại lại. Trong khi đó thì “ông tướng” có thể vẫn tiếp tục nổi trận lôi đình, chửi bới rân trời và chú Khẩu (Miệng) bị vạ lây.

Nghe lời nói ngon ngọt thì dễ, nhưng nghe, hoặc lắng nghe lời nói nghịch nhĩ thì thật khó khăn. Đối với chúng sinh bình thường, sự lắng nghe đã khó, còn đối với những nhân vật gọi là quyền cao chức trọng, giầu có, tăm tiếng, thế lực, nổi tiếng v.v… thì sự khó khăn đó còn tăng gấp bội, bởi vì cái Tôi, cái Ngã của những vị này rất lớn. Nhìn vào lịch sử Trung Hoa, chúng ta thấy biết bao trung thần, nghĩa sĩ đã chết vì những lời tâu trình nghịch ý vua. Khá hơn là những ông vua, tuy không ra lệnh chém đầu nhưng lại bỏ tù, hoặc tước hết phẩm trật, đuổi về quê những ông quan dại dột tâu lên những điều mà nhà vua không muốn nghe. Còn tại triều đình Âu Châu, các ông vua Tây Phương tuy không đến nỗi ác độc như vậy, nhưng lại có một lối “bịt tai” một cách rất “thông minh”. Các ông vua này nuôi mấy anh hề, chạy lăng xăng trước ngai vàng. Khi có quan đại thần nào tâu trình điều gì thì mấy anh hề làm trò khiến vua cười sặc sụa. Và dĩ nhiên như thế vua có thể “đổ thừa” là “Trẫm có nghe gì đâu!”. Quan đại thần lúc đó chỉ có nước lạy tạ mà lui ra. Còn tại Hoa Kỳ, một quốc gia được coi như triệt để bảo vệ quyền tự do ngôn luận và mọi người thảo luận trong tình thần ôn hòa, tương kính. Tuy nhiên không phải tất cả đều như vậy. Quý vị nào theo dõi các buổi hội luận, phát biểu ý kiến trên các đài truyền hình lớn như Fox News, CNN…chắc đã thấy rất nhiều trường hợp, các người tranh luận không thèm lắng nghe người đối diện mình nói, hoặc chờ cho đối thủ của mình nói xong. Cả hai người đều tranh nhau nói, khiến khán giả chẳng biết ông nói gì, bà nói gì, và dĩ nhiên chỉ có nước lắc đầu cười trừ. Ở đây sự xung đột ý kiến lên tới mức trầm trọng khiến người ta không thèm lắng nghe nhau mà chỉ muốn phát biểu ý kiến của mình.

Thế nhưng trong số vô lượng chúng sinh đã và đang ngụp lặn, luân hồi trong Thế Giới Ta Bà này, có một nhân vật rất lạ lùng, đó là Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát đã phát hạnh nguyện lắng nghe; lắng nghe sự khổ đau cũng như nỗi bất ưng của muôn loại chúng sinh mà đến cứu giúp. Mà ngài đã thể hiện hạnh nguyện đó từ vô lượng kiếp trước. Do đâu mà chúng ta biết được hạnh nguyện của vị đại Bồ Tát hi hữu này?

Trong pháp hội tại Núi Kỳ Xà Quật của Thành Vương Xá, Ngài Vô Tận Ý Bồ Tát, từ trong đại chúng đã đứng lên thưa hỏi Phật như sau: “Thế Tôn! Ngài Quán Thế Âm Bồ-tát do nhân duyên gì mà tên là Quán Thế Âm?” Phật đã bảo ngài Vô Tận Ý Bồ-tát như sau: “Thiện nam tử! Nếu có vô lượng trăm nghìn muôn ức chúng sanh chịu các khổ não, nghe Quán Thế Âm Bồ-tát này một lòng xưng danh, Quán Thế Âm Bồ-tát tức thời xem xét tiếng tăm kia, đều được giải thoát.” (Kinh Pháp Hoa)

Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát tương truyền đã và thường thị hiện thành hình tướng người nữ với tướng mạo thật đoan nghiêm, hiền từ, được gọi một cách thân thương và giản dị là Phật Bà Quan Âmđể cứu độ bất cứ ai lên tiếng kêu khổ và niệm danh hiệu ngài. Câu niệm đầy đủ nhất là “NamMô Tầm Thanh Cứu Khổ, Cứu Nạn Linh Cảm Quan Thế Âm Bồ Tát!”. Do đó mà hình tượng của Phật Bà Quan Âm đã được dựng lên khắp nơi, được kính ngưỡng, thờ phượng. Tại sao vậy? Bởi vì khi chúng ta niệm danh hiệu ngài, hoặc trông lên tượng Phật Bà Quan Âm, chúng ta cảm thấy bình an, được cảm thông, thấy tin tưởng và không còn sợ hãi. Mới đây nhất một pho tượng Phật Bà Quan Âm, 17 tầng, cao 69.7m, được xem là tượng Phật cao nhất Việt Namđã được dựng và khánh thànhtại Chùa Bãi Bụt hay Chùa Linh Ứng nhìn xuống Bãi Biển Sơn Trà, Đà Nẵng, không ngoài mục đích tôn kính biểu tượng của Từ Bi,Cứu Khổ, Hạnh Nguyện Lắng NgheKhát Vọng Bình Ancủa mọi người.Mẹ Hiền Quan Âm không tạo ra dông bão, lụt lội, động đất, cuồng phong, bệnh dịch, chiến tranh, chết chóc để loài người sợ hãi mà van vái cầu xin. Hình ảnh đẹp của Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát có thể tìm thấy ngay trong cuộc sống này ở nơi các bà mẹ hiền thương con vô bờ bến, không bao giờ giận hờn con, không bao giờ làm khổ con mà chỉ biết lo cho con.

Bạn ơi!

- Bạn không thể phát khởi Tâm Đại Bi, tức lòng xót thương người nếu bạn không lắng nghe những lời than van, kêu khổ của người khác.

- Bạn không thể chia xẻ nếu như bạn không nghe được nỗi lòng thầm kín, nỗi oan ức của người khác.

- Bạn không thể an ủi người khác nếu bạn bịt kín lỗ tai lại.

- Hãy để cho người khác trút hết nỗi niềm tâm sự và bạn là người lắng nghe. Chỉ cần lắng nghe, lắng nghe một cách cảm thông và hiểu biết, thì nỗi khổ của người đối diện đã vơi đi rất nhiều.

- Ngày nay các nhà tâm lý trị liệu, các nhà cố vấn tâm lý chỉ là những người biết lắng nghebạn trút hết nỗi lòng, những ý nghĩ thầm kín mà bạn không biết tâm sự cùng ai.

- Thật vĩ đại và nhiệm màu thay hình ảnh của Phật Bà Quan Âm chỉ vì ngài là bậc biết lắng nghe.

Để tìm hiểu thêm về sự tuyệt vời của hạnh nguyện lắng nghe, chúng ta kiểm điểm lại xem trong quá khứ đã bao lần chúng ta im lặng để lắng nghe lời kêu than của người khác? Phải chăng lúc đó chúng ta thấy chúng ta thật bao dung cởi mở? Phải chăng lúc đó cử chỉ và ngôn ngữ của chúng ta thật dịu dàng? Phải chăng lúc đó trái tim chúng ta không dung chứa gì, ngoài sự cảm thông? Chúng ta đã hiển lộ Phật tánh lúc nào mà chúng ta không hay. Chính vì thế mà bạn ơi, hãy là một người biết lắng nghe, Be a good listener!

- Trong những đêm khuya thanh vắng, hãy im lặng để lắng nghe tiếng con cú đang gọi bạn.

- Tiếng vạc kêu sương,

- Tiếng con cò lặn lội bờ sông,

- Tiếng côn trùng rên rỉ,

- Tiếng dế nỉ non,

- Tiếng cóc, nhái, ễnh ương âm vang một hợp tấu tuy đơn điệu đối với chúng ta, nhưng vô cùng quyến rũ đối với loài lưỡng cư để mời gọi con mái,

- Tiếng mưa rơi trên mái ngói hay trên những mái nhà dột nát,

- Tiếng bà mẹ ru con,

- Tiếng than van của những người nghèo khó trong những khu lao động,

- Tiếng nhạc khích động vọng ra từ những phòng trà ca vũ của những người nhiều tiền lắm của tìm thú vui hoặc của những người cô đơn phải tìm một nơi giải trí cho vơi sầu muộn,

- Và cả tiếng cô ca sĩ đang cố ru hồn người bằng những cung bậc nỉ non, da diết,

- Tiếng nhạc Rock, nhạc Pop, nhạc Rap xập xình,

- Trong khi đó tiếng chuông, tiếng mõ, tiếng hiền từ của ni cô đang ngồi tụng Kinh Cứu Khổ nghe rõ giữa canh khuya để cho thấy tình thương của nhân loại vẫn còn đây,

- Tiếng đại bác từ chiến trường vọng về cho thấy nỗi gian nan của người chiến sĩ,

- Tiếng lá cây xào xạc theo ngọn gió đong đưa,

- Tiếng sóng vỗ rì rào như tiếng lòng của biển,

- Rồi bất thần tiếng xe cứu thương rú lên như muốn xé tan màn đêm u tịch để cảnh báo cho mọi người đừng quên con người từng giây từng phút bị chi phối bởi luật Sinh, Lão, Bệnh, Tử,

- Và cả nhịp đập của trái tim mình.

Trong không gian bao la và tịch mịch đó, tất cả đều bình đẳng, tự do hiển lộ trong thế giới trùng trùng duyên khởi của Hoa Nghiêm. Lúc đó mọi tư tưởng đều vắng bặt, chỉ còn sự quán chiếu, cảm nhận và cảm thông. Phải chăng trong thế giới này chúng ta không cần chân lý mà cần sự cảm thông? Ít ra là trong giây phút này đây. Lắng nghe là một sự cảm thông kỳ diệu nhất.

- Chư Phật trong hằng hà sa số thế giới đều lắng nghe lời diễn nói của chư Phật ở thế giới khác.

- Trong nhiều pháp hội có khi Đức Phật chỉ lắng nghe những vị Bồ Tát rồi ấn chứng.

- Trong nhiều pháp hội, thính chúng chỉ lắng nghe Phật nói không thôi mà cũng đắc quả.

- Trong khi các vị thần chỉ biết ra oai và trừng phạt thì các Bồ Tát, A La Hán, Bích Chi Phật và hàng Đại Sĩ trong vô lượng kiếp lại biết lắng nghe.

Trong bối cảnh đầy bạo lực và có nguy cơ hủy diệt của thế giới ngày hôm nay, Đạo Phật đang trở thành ngọn đuốc lương tri cho nhân loại. Mặc dù Đạo Phật chưa ảnh hưởng tới những thế lực chỉ muốn dùng sức mạnh để giải quyết những vấn đề của con người, nhưng Đạo Phật đang từ từ thấm dần vào hàng ngũ trí thức khắp mọi nơi. Là Phật tử chúng ta hiểu rằng sinh mệnh của Đạo Phật nằm ở hai chữ Từ Bi. Từ Bi là xót thương, là cứu độ, là không làm người khác khổ, là cảm thông và biết lắng nghe. Khi mọi người không còn muốn nghe người khác nói nữa thì đó là lúc mà sự ghét bỏ, nghi kỵ, hận thù, xa cách lớn dần lên. Không biết lắng nghe, hoặc không thèm lắng nghe người khác cũng là một hình thái xây đắp hoặc bảo vệ một ngục tù tư tưởng hay một “Tử Cấm Thành” của cái Tôi. Sự vĩ đại của Đạo Phật hay của Đức Phật là sự giải phóng trí tuệ và “viễn ly mọi điên đảo, mộng tưởng” (*). Chính những điên đảo mộng tưởng này đã đưa tới vọng động làm khổ mình và làm khổ nhân loại.

Bạn ơi, trong bao nhiêu điều có thể nói về Đạo Phật, chỉ xin bạn nhớ cho “Đạo Phật là đạo của những người biết lắng nghe.

(Tháng 9 năm 2554.PL- 2010. TL)

(*) Bát Nhã Ba-la-mật-đa Tâm Kinh

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
16/10/2010(Xem: 4535)
Bạn đã được giới thiệu về “phương châm tu tập”, “ý nghĩa của Sám hối”, và “tâm Bồ đề”. Đó chính là những hành trang cần thiết, quan trọng để xây dựng những nhận thức căn bản và thực tiễn cho cuộc sống hạnh phúc cũng như cho cuộc hành trình tâm linh của bạn. Khi đã có đầy đủ những hành trang cần thiết cho tư duy và hành động rồi, bây giờ là lúc bạn có thể đi vào thực tập những pháp môn căn bản không phải để có ý niệm về hạnh phúc hay để lí luận về hạnh phúc, mà để “sống hạnh phúc” ngay bây giờ và ở đây.
16/10/2010(Xem: 6807)
Đây là bài thuyết giảng về "Đức Phật của chúng ta" một đề tài dễ làm cho Phật tử ngạc nhiên, vì Đức Phật của chúng ta là Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật rồi còn gì mà phải đặt vấn đề. Nhưng vấn đề sở dĩ được đặt ra là nhiều khi chúng ta chưa có được một cái nhìn thấu triệt tất cả tinh tường, đức tướng, hạnh đức, tin đức của đức Phật chúng ta. Do vậy, bài này, một phần giúp chúng ta trả lời những thiếu sót như vậy... Chính thái độ hóa thần thông để giáo hóa chúng sanh đã làm nổi bật giá trị tâm lý hoằng pháp mà Đức Phật của chúng ta đã dùng để hoằng hóa độ sanh.
13/10/2010(Xem: 5129)
Phật dạy: “Nếu có người niệm Phật, nên biết người này cùng với Văn Thù Sư Lợi không khác” Thứ nhất định tâm thiền; Thứ hai là chế tâm thiền; Thứ ba chân thiền; Thứ tư phương tiện tùy duyên thiền; Thứ năm tức nhị biên phân biệt thiền.
12/10/2010(Xem: 4707)
Sự kiện ra đời của đức Phật để đem lại an lạc cho con người và cuộc đời, đã được Ngài đề cập trong nhiều kinh: "Ta ra đời vì an lạc, vì hạnh phúc, vì lợi ích cho chư thiên và loài người, vì lòng thương tưởng cho đời". Với lý tưởng đó, Ngài đã trải qua bao nhiêu thử thách, gian lao, bằng những kinh nghiệm của tự thân để cuối cùng tìm được con đường đi ra khỏi khổ đau. Ở đây chúng tôi muốn giới thiệu kinh nghiệm tu học của đức Phật được ghi lại trong kinh Thánh Cầu (số 26, Trung Bộ I).
11/10/2010(Xem: 6532)
Hạnh phúc hay đau khổ là số phận chung của mọi chúng sinh, nhất là con người, và theo quan điểm Phật giáo thì đây không phải là phần thưởng hay hình phạt do Thượng Đế ban cho một sinh linh đã làm điều thiện hay điều ác. Tín đồ Phật giáo tin vào một định luật tự nhiên, gọi là “ luật nhân quả”, áp dụng chung cho tất cả mọi hiện tượng trong thế giới này. Tín đồ Phật giáo không tin vào một Đấng Thượng Đế toàn năng, và do đó một Đấng Thượng Đế như vậy, và ngay cả Đức Phật đại từ bi cũng không thể ngăn cản được định luật này.
04/10/2010(Xem: 4340)
Nghiệp báo đóng một vai trò rất quan trọng trong giáo lý nhà Phật. Tuy nhiên chúng ta nên nhớ rằng Đức Phật thuyết minh nghiệp lý không phải với mục đích khuyến khích làm điều kiện để hưởng thụ hạnh phúc trong cõi cực lạc,thiên đường, nhưng để giúp con người thoát khỏi dòng nghiệp báo triền miên (kammakkhayya).
03/10/2010(Xem: 5152)
Bồ Tát Quán Thế Âm đã khả hứa với chúng ta: “Nếu hành giả có thể tụng trì đúng pháp -khởi lòng thương xót tất cả chúng sanh- lúc ấy ta sẽ sắc cho tất cả Thiện thần, Long vương, Kim Cang, Mật tích thường theo ủng hộ, không rời bên mình, như giữ gìn tròng con mắt hay thân mạng của chính họ “.
01/10/2010(Xem: 5544)
Kính lạy Đức Thế Tôn, Ngài đã thị hiện vào cõi nhân gian nhiều khổ đau, phiền lụy này, bằng hạnh nguyện độ sinh, bằng trí tuệ siêu việt, để từ đó Đức Thế Tôn xây dựng một nền văn hóa người trong sáng, một nếp sống hướng thượng, tâm linh siêu thoát, bằng giáo pháp giác ngộ, bằng nếp sống văn hóa cao đẹp, lành mạnh có lợi ích cho tha nhân mà con người thời bấy giờ đã xưng dương, tán thán Đức Phật...
29/09/2010(Xem: 6797)
Ðạo Phật có nhiều pháp môn để thích ứng với căn cơ từng người, mỗi pháp môn có mục đích và phương pháp khác biệt, vì vậy cần có sự phân biệt rõ ràng để giúp sự lựa chọn...
24/09/2010(Xem: 4533)
Tất cả chúng sinh mong ước được vui vẻ, không ai mong cầu buồn rầu. Phật Pháp dạy những phương pháp để xa lánh khổ đau và đạt đến an lạc. Phật Pháp mà chúng ta thực tập là, nói một cách chữ nghĩa, là điều gì đấy ôm ấp chúng ta. Điều này có thể được giải thích trong nhiều cách. Nó ôm ấp chúng ta khỏi khổ đau và ôm ấp tất cả những nguồn cội của an lạc.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567