Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Năm Phương Tiện Pháp Môn Niệm Phật

13/10/201019:04(Xem: 5611)
Năm Phương Tiện Pháp Môn Niệm Phật


A_Di_Da_Phat_4
Năm Phương Tiện Pháp Môn Niệm Phật


Thiên Thai Trí Giả Đại Sư biên soạn nguyên bản Hán, Đại chính tân tu đại tạng kinh Vol. 47, No. 1962, Tỳ Kheo Thích Đức Trí dịch ra Việt văn.

Phật dạy: “Nếu có người niệm Phật, nên biết người này cùng với Văn Thù Sư Lợi không khác”

Thứ nhất định tâm thiền; Thứ hai là chế tâm thiền; Thứ ba chân thiền; Thứ tư phương tiện tùy duyên thiền; Thứ năm tức nhị biên phân biệt thiền.

Trụ tâm chuyên chú vào một đối tượng gọi là Định Tâm Thiền. Như hành giả lúc niệm Phật khởi quán hào quang và sắc tướng của Phật, tâm thức an định sâu lắng gọi là Định Tâm Thiền.

Khi tâm được chuyên chú vào trạng thái định nhưng vẫn chưa dứt sạch thói quen vọng động và tán loạn, nay cần phải dùng phương pháp tu quán để nhiếp phục. Do đó, phải dùng phương tiện duyên tâm vào kim tướng của Phật để dứt trừ mọi vọng tưởng gọi là Chế Tâm Thiền.

Lại nữa, tuy đã điều phục được tâm, trụ tâm chuyên chú vào một đối tượng, nhưng đó chẳng phải lý quán, nó thuộc về sự tu hành. Cần phải thể nhập pháp quán không, khởi niệm tự hỏi ai chế tâm? Tức là thấy rõ không có cái ta, không có chủ thể điều phục tâm thì sẽ không có đối tượng Phật để quán và không có cái niệm vọng xuất hiện. Đây gọi là Thể Chân Thiền.

Tuy gọi là trạng thái Thể Chân Thiền, nhưng tâm thức vẫn còn ngưng trệ vào trạng thái không, vô số danh tướng chưa thể thấu rõ. Nay lấy cái vô sở đắc làm phương tiện, từ trạng thái tâm không nhập pháp giả quán để soi xét mọi hiện tượng, không bị mê lầm do chấp cái tâm Không. Đây gọi là Phương Tiện Thiền.

Lại nữa, trạng thái Chân Thiền và Phương Tiện Thiền đều chưa lìa hết tâm chấp hai bên, nay quán trạng thái tịnh tâm và động tâm vốn vô tướng mạo, vắng bặt ngôn ngữ, xa rời tư tưởng và khái niệm. Đây gọi là Tức Nhị Biên Thiền. Từ cạn cho đến sâu, phân biệt như vậy cho dễ hiểu, thực chất quán sát viên mãn thấu rõ các pháp vốn như vậy, không có phân biệt.

Luận về năm môn niệm Phật:

  1. Xưng danh niệm Phật tam muội vãng sanh môn.
  2. Quán tướng diệt tội niệm Phật tam muội môn.
  3. Chư cảnh duy tâm niệm Phật tam muội môn.
  4. Siêu việt tâm cảnh niệm Phật tam muội môn.
  5. Tánh khởi viên dung niệm Phật tam muội môn.

Chư Phật đại từ, đại bi, thường thuyết pháp giáo hóa chúng sanh, chư Bồ tát dùng nhiều phương pháp giải thích ý nghĩa pháp đó. Các ngài dùng vô số phương tiện khai mở Trí tuệ bát nhã, lý do nào mà nói pháp Bát nhã ba la mật? Phật dạy: “Vì muốn chư Bồ tát tăng trưởng pháp niệm Phật tam muội”. Lý do nào mà khuyên niệm Phật? Phật dạy: “Nếu có người niệm Phật, nên biết người này cùng với Văn Thù Sư Lợi không khác”. Vì sao như vậy? Vì pháp niệm Phật tam muội này phát sanh các đại tam muội của chư Phật, như Du hí tam muội, Thủ lăng nghiêm tam muội và nhiều món tam muội khác. Từ tam muội này mà thể nhập sâu xa vào trong biển Phật pháp, đầy đủ các phương tiện hiển bày. Nếu dùng một câu niệm Phật mà tu niệm, thẩm định rằng trong đó đã bao gồm tất cả pháp môn. Vì sao như vậy? Vì tất cả hiền thánh từ niệm Phật mà sanh, tất cả các món trí tuệ từ niệm Phật mà có. Cho đến hàng Thập tín Bồ tát và Tam hiền Bồ tát đều không xa rời niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng; Không rời xa niệm Nhất thiết chủng trí. Từ sơ địa Bồ tát cho đến bát địa, cửu địa, thập địa cũng không xa rời niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng và niệm Nhất thiết chủng trí.

Nhưng do vì trí tuệ sai biệt mà lập các danh tướng, chúng sanh mê danh, vọng sanh kiến giải sai khác, đọa lạc vào cảnh ma giới. Có người không hiểu rõ tính chất của giáo lý này một cách tường tận nên xem thường pháp niệm danh hiệu Phật, tự hiểu theo quan điểm sai lạc nên không nắm bắt được ý nghĩa thù thắng trong đó. Nay nhân vì thương xót cho tình cảnh đó mà tôi trình bày ý nghĩa thâm sâu của pháp niệm Phật. Luận về nhân của người tu đạo, không xa rời Tam hiền thập thánh; Nếu luận về quả chứng ngộ tức là quả vị Phật Như Lai. Người tu đạo thường tri ân và niệm mười phương tất cả chư Phật; Chứng đắc quả vị giải thoát phải chứng trú trạng thái thanh tịnh đệ nhất thiền. Nên biết rằng, trạng thái thiền đó muốn thể nhập vào cảnh giới chứng ngộ rốt ráo, không pháp môn nào hơn pháp niệm Phật. Nhưng than ôi! Kẻ hậu thế chưa từng thể nghiệm trong pháp hành, mất đi lợi ích to lớn của pháp môn này. Từ khả năng thấy biết hạn hẹp đó nên mất phương hướng của sự tu học, thật đáng xót thương!

Lại nữa, Chư Phật vì sự giải khổ cho chúng sanh mà khuyên niệm danh hiệu Phật, nguyện sanh cực lạc quốc, nên mới dạy pháp niệm Phật vãng sanh; Chúng sanh tuy hoan hỉ Phật thân, nhưng nghiệp lực sâu dày nên không thấy, nên mới dạy pháp quán tướng diệt trừ tội chướng; Chúng sanh mê chấp cảnh trần, nên mới dạy pháp quán các cảnh do tâm tạo; Chúng sanh chấp các pháp thật có thật không, lạc vào hai bên nên dạy pháp quán xả li tâm và cảnh; Chúng sanh vui đắm sâu vào cảnh không tịch của thiền định, chấp thủ trạng thái định, không rõ thật pháp, nên mới dạy pháp Tánh khởi Viên thông.

Đức thế tôn là bậc thầy cao quý! Bậc dẹp trừ tất cả ngã tướng, bậc khai mở pháp môn niệm Phật vi diệu, con đường thẳng tới giác ngộ trọn vẹn. Duy chỉ có bậc thông hiểu kinh luận, đầy đủ kinh nghiệm tu chứng, định tuệ viên dung, kiểm chứng pháp môn này hoàn toàn tương ưng với các kinh luận liễu nghĩa đại thừa, đó là sự thật. Nên biết pháp trì danh niệm hiệu Phật thâm sâu khó nghĩ bàn, một câu niệm Phật mà chứa đủ các pháp môn, niềm tin thành tựu một khi đã y vào giáo nghĩa tịnh độ mà thực hành.

Từ nghĩa lý năm môn niệm Phật mà xét, có từng bước làm phương tiện tu học. Hành giả, lúc niệmNam Mô A Di Đà Phật”, nguyện sanh cõi Cực Lạc, còn gọi là pháp môn xưng danh hiệu Phật nguyện vãng sanh.

Hành giả quán tưởng thân Phật, chuyên chú không tán loạn, thì sẽ thấy tướng Phật quang minh rực rở chiếu soi hành giả, lúc bấy giờ tất cả tội chướng đều được tiêu trừ, gọi là pháp môn quán tướng Phật diệt tội.

Lại quán tướng Phật này là từ tâm khởi không ngoài cảnh khác, gọi là pháp môn quán các cảnh do tâm sanh.

Lại quán tâm này, không có thực tướng mạo nắm bắt, gọi là pháp môn quán xa rời tâm và cảnh.

Lúc bấy giờ, hành giả hướng đến trạng thái thiền định sâu lắng, buông xả tất cả tâm thức và ý thức, nhập Niết bàn, nương vào năng lực mười phương chư Phật gia trì và hộ niệm hưng khởi trí tuệ. Hành giả đang ở trong nhất niệm, tịnh Phật quốc độ và thành tựu chúng sanh. Công đức tu học vốn có qua bốn giai đoạn trước trăm ngàn vạn phần không bằng một phần giai đoạn Tánh khởi viên thông này. Vì sao như vậy, không còn luận ở công sức mà có diệu dụng cùng khắp, nghĩa là từ một thân mà biến thành vô lượng thân. Hành giả tùy duyên hành đạo, được Phật hộ niệm thấu rõ tận cùng nghĩa lý Phật pháp, thành tựu mười hạnh nguyện của Phổ Hiền Bồ tát. Bổn nguyện như vậy, thể nghiệm pháp vốn như vậy, tức gọi là pháp tánh khởi khởi viên thông.

Trên đây đã trình bày xong năm phương tiện của pháp môn niệm Phật tam muội.

Hỏi: “Như thế nào gọi là niệm Phật Tam muội?”

Đáp: Kinh Đại Bửu Tích, chương 116 có dạy rằng: “Văn Thù Sư Lợi bạch Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn, tu như thế nào để mau chứng đắc quả vị vô thượng chánh đẳng chánh giác?”. Phật dạy: “Nhất hạnh tam muội. Người nam, người nữ nào tu pháp Tam muội này thì mau chứng đắc quả vị vô thượng chánh đẳng chánh giác”.

Ngài Văn Thù sư lợi thưa hỏi tiếp rằng: “Thế nào gọi là niệm Phật tam muội?” Phật dạy: “Pháp giới một tướng, thể nhập vào pháp giới, gọi là nhất hạnh tam muội. Nếu có người nam, người nữ nào muốn nhập vào pháp nhất hạnh tam muội, nên khéo nghe pháp Bát nhã ba la mật, như pháp mà tu hành, sẽ nhập vào pháp nhất hạnh tam muội. Như tâm duyên quán pháp giới, bất thối, bất hoại, không nghĩ bàn, không chướng ngại, không tướng trạng.

Người nam, người nữ đó, muốn nhập vào Tam muội này, ở tại một nơi thanh nhàn, xả bỏ tâm ý ô nhiễm, không giữ tướng trạng trong tâm, chuyên tâm một vị Phật mà xưng danh hiệu. Tùy theo phương vị, ngồi ngay thẳng đoan nghiêm, nhất tâm xưng niệm tương tục danh hiệu Phật, tức là trong nhất tâm niệm có thể thấy ba đời tất cả chư Phật. Vì sao như vậy? Niệm công đức vô lượng vô biên của của một vị Phật cũng đồng với niệm công đức biện tài vô lượng của vô lượng chư Phật. Nhập nhất hạnh tam muội này thì thông suốt rõ ràng vô số các cõi nước chư Phật vốn không có tướng sai biệt.” Văn này được xác chứng!

Hỏi: Nhiều người họa hình tượng Phật để quán tưởng và chiêm bái, có đúng với thánh giáo chăng?

Đáp: Kinh Đại Bửu Tích chương 89 có dạy: “Lúc bấy giờ Thường Tinh Tấn Bồ Tát muốn họa hình tượng Phật, đi vào chốn núi rừng thâm sâu vắng lặng, không có bóng người qua lại, xa rời nơi có cầm thú, để chuyên tâm làm việc này. Ngài lấy cỏ làm bồ đoàn mà ngồi trước bức họa tượng, đoan tâm chánh niệm quán hình tượng Phật. Quán sát xong rồi, khởi niệm như vầy: “Như lai hi hữu vi diệu, hình tượng còn đoan nghiêm vi diệu như thế, huống gì là pháp thân thực của Đức Như Lai!”.

Lại khởi niệm như sau: “Làm sao mà quán Phật”. Lúc bấy giờ, Lâm Thần biết rõ tâm niệm của Bồ Tát Tinh Tấn, liền bạch Bồ tát rằng: “Này thiện nam tử! Có Phải ông đang nghĩ cách như thế nào để quán Phật?”; Và bảo rằng: “ Nếu muốn quán Phật, nên quán hình tượng Phật, quán hình tượng này như quán Phật không khác, gọi là quán Phật, quán Phật như vậy, gọi là sự quán tưởng tuyệt hảo nhất.”

Lúc bấy giờ Đại Tinh Tấn Bồ Tát khởi niệm như sau: “ Quán tưởng hình tượng Phật, chẳng phải giác, chẳng phải tri, tất cả pháp đều như vậy, như là văn tự, văn tự như thế, bản tính không tịch, vốn không tướng nắm bắt, thân tướng của Như lai cũng lại như thế. Hình tượng chẳng phải chứng, chẳng phải quả, chẳng phải đắc, chẳng phải trụ, chẳng phải đi, chẳng phải đến, chẳng sanh, chẳng diệt, chẳng phải tịnh, chẳng phải sắc, chẳng phải tham, sân và si.

Hình tượng chẳng phải ấm, giới, nhập, chẳng phải đầu tiên, chẳng phải giữa, chẳng phải sau. Tất cả các pháp cũng là như vậy, thân tướng Như Lai cũng lại như vậy. Như hình tượng này, chẳng phải giác, chẳng phải tri, chẳng phải tạo tác, tất cả chư Phật cũng lại như thế, cho đến lục căn cũng lại như thế”. Bồ tát quán thân Như lai như vậy, ngồi kiết già, ở trong tam thất nhật (21 ngày) thành tựu ngũ thông, cúng dường chư Phật. Chư thiên cũng rãi hoa cúng dường chư Phật. Từ công đức tán thán chư Phật, trong pháp hội có hai vạn người chứng trú vào đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác, vô số người trụ trong công đức của hàng nhị thừa. Đại Tinh Tấn, chính là đức Thích Ca Mâu Ni Phật đã từng như vậy.” Văn này đã rõ ràng.

Ước theo Tứ giáo mà luận, phàm tâm không thể tự độc lập mà sanh, tất phải nương vào giả duyên mà hiện khởi. Hành giả lúc niệm Phật, ý tưởng làm nhân; hào quang của Như lai là duyên, cũng gọi là pháp trần, thuộc đối tượng của ý căn. Niệm khởi lên, tức là pháp sanh khởi, quán căn trần, năng niệm và sở niệm này, cả ba tướng đều lay động, sanh diệt liên tục, niệm niệm không dừng nghỉ. Tất cả là không, tức thuộc quan điểm của tiểu thừa tạng giáo.

Tức là tâm quán niệm Phật khởi, hay phát khởi cái đối tượng, nó vốn là không, do vọng tâm khởi, tâm thật không khởi, niệm khởi vốn không tự tánh, thể nó vốn là không. Quán tướng Phật, như hình tượng phản ánh trong tấm kính, như hoa đốm giữa hư không, không có Phật, không có niệm, tức là thuộc quan điểm của Đại thừa thông giáo.

Tức tâm quán niệm Phật khởi, tức là pháp giả danh, từ cạn đến sâu thông suốt, vô lượng danh tướng, thấy rõ như nắm trong lòng bàn tay; Thấu rõ tâm này là như lai tạng, đoạn trừ hạt giống mê hoặc có từ nhiều kiếp mới chứng chân thường. Xa rời chấp ngã nhị biên, vô Phật và vô niệm, đó là quan điểm của Đại thừa biệt giáo.

Tức tâm quán niệm Phật khởi, tức không , tức giả , tức trung. Hoặc là căn hoặc là trần đều là pháp giới; Một niệm khởi lên duyên cõi nước chư Phật; Nhất niệm chiếu sáng lục đạo chúng sanh. Không có trước hay sau, liễu ngộ tánh giác xưa nay là như vậy. Như người đại phước giữ đá hóa ngọc, không cần xả niệm, chẳng cầu li niệm, nhị biên tức trung đạo, vô Phật vô niệm, là quan điểm của đại thừa viên giáo; “Kinh Anh Lạc” nói rõ sự chứng ngộ của Như Lai là ý nghĩa này vậy.

(Ngũ phương tiện niệm Phật môn, 1 quyển)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
16/03/2010(Xem: 6154)
Tha tội là gì? Triết lý và các tôn giáo phương Tây nghĩ về điều đó như thế nào? Tôi chỉ gợi lên ở đây hai ba câu hỏi thôi, liên quan đến câu chuyện mà tôi sẽ kể. Không biết có phải nhân loại trở nên thánh thiện hay không mà bỗng nhiên xin lỗi, thú tội, hối hận trở thành vấn đề thời sự. Hay có lẽ ai nấy đều theo gương Giáo Hoàng bên La Mã. Bên Mỹ, ông Clinton hối hận đến động lòng, xin lỗi xót xa, vì trót sảy chân chút phận đàn bà. Bên Argentine, nhà thờ lên tiếng xin tha tội vì đã im lặng đồng lõa trong suốt thời gian độc tài quân phiệt. Nhà thờ Brésil cũng vội vàng tuyên bố hối lỗi trước “Người da đỏ và người da đen”. Một vài bạn của ông Chirac giục ông hối hận trước dư luận vì bàn tay của ông có nhúng khá sâu vào những mánh mung kinh tài trong khi làm thị trưởng Paris.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]