Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 3: Bốn điều làm lùi mất trí huệ của Bồ Tát

15/05/201318:36(Xem: 7429)
Chương 3: Bốn điều làm lùi mất trí huệ của Bồ Tát

Tu Tập Hạnh Bồ Tát

Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Bậc Bồ Tát Sáng Rực Khắp Bốn Phương

Chương 3: Bốn Điều Làm Lùi Mất Trí Huệ Của Bồ Tát

Phạm Công Thiện

Nguồn: Phạm Công Thiện


"Vào ngày ấy, Đức Thế Tôn dạy bảo Trưởng Lão Mahakasyapa (Ma Ha Ca Diếp) rằng: Này Đại Ca Diếp! Có bốn điều khiến cho trí huệ của một Bồ Tát bị sút giảm hoặc bị đánh mất. Bốn điều này là bốn điều gì? Đây là bốn điều làm thối thất, làm lùi mất đi trí huệ của một Bồ Tát:

1. Không tôn kính Phật Pháp và không kính trọng những vị Pháp sư, những bậc thầy dạy Phật Pháp;

2. Giữ lại Phật Pháp thâm sâu bí ẩn mà mình đã thụ lãnh và không chịu khai mở cho người khác một cách trọn vẹn;

3. Làm chướng ngại tinh thần những kẻ vui sướng tu hành Phật Pháp bằng cách gây tạo những nhân duyên lý lẽ làm cho họ hoang mang nản lòng;

4. Có lòng tự cao, tự đại, kiêu ngạo, ngạo mạn, và khinh thường những kẻ khác hay miệt thị những kẻ khác.

Đó là bốn pháp làm thối thất lùi mất trí huệ của Bồ Tát".

Con người bình thường không thể nào so sánh được với bậc Bồ Tát; chỉ có những kẻ phi thường xuất chúng mới tiến lên gần gũi đôi chút với trí huệ Bồ Tát. Nhưng trí huệ của Bồ Tát cũng được thể hiện trong nhiều cấp bậc khác nhau từ địa thứ nhất (hoan hỷ địa) cho đến địa thứ mười (pháp vân địa). Những bậc Bồ Tát còn ở những giai đoạn thấp phải thường trực thức tỉnh, giữ gìn tâm thức trong sáng và trong sạch trọn vẹn để khỏi phải đánh mất trí huệ phi thường của mình. Đức Phật đã chỉ dạy bốn điều vô cùng quan trọng cho tất cả chúng ta, mỗi khi chúng ta muốn dấn bước vào con đường Bồ Tát Hạnh, chỉ khi nào lên tới bất động địa (địa thứ tám) thì mới hẳn là bất thối chuyển. Phải tu chứng bao nhiêu kiếp khó khăn mới may ra được lên địa đầu tiên thứ nhất (hoan hỷ địa). Tất nhiên, khi đã là bậc Bồ Tát ở sơ địa, ở địa thứ nhất (hoan hỷ địa), bốn pháp làm thối thất trí huệ không hẳn không còn tác động một cách vi tế, âm thầm lặng lẽ, khó nhận thấy dễ dàng.

Do đó, đức Phật đã dạy bảo Bồ Tát ngay từ đầu bốn điều cực trọng:

Mình sẽ đánh mất đi sự thông minh của mình, mỗi khi mình không kính trọng Phật Pháp và không kính trọng sư phụ.

Mình sẽ đánh mất đi sự thông minh của mình, mỗi khi mình cố tình giữ giấu đạo lý bí ẩn thâm sâu mà mình đã được và không chịu mở bày, truyền đạt, giảng giải cho kẻ khác để đem lợi phúc cho họ.

Mình sẽ đánh mất đi sự thông minh của mình, mỗi khi mình gây chướng ngại cho những kẻ vui sướng tu hành Phật Pháp bằng cách cho họ những lý do duyên cớ để họ chán nản, thoái chí thất vọng trong việc hành đạo.

Mình sẽ đánh mất đi sự thông minh của mình, mỗi khi mình nỗi lên lòng kiêu mạn, kiêu ngạo và kiêu hãnh, tự cao, tự phụ, khinh thường kẻ khác, không biết quý trọng kẻ khác.

Thế nào là không kính trọng Phất Pháp? Có nhiều dạng thái dễ nhận thấy, nhưng có nhiều hình thái khác rất khó nhận ra, nhưng rất nguy hiểm, như những trường hợp sau đây:

Bên ngoài lộ vẻ kính trọng Phật Pháp, nhưng bên trong tận đáy lòng thì vẫn dửng dưng thờ ơ;

Tách rời Phật Pháp với bản thân, với tâm thức của mình; có thái độ nhị tướng (phân ra hai thực thể tách biệt với nhau), một bên là Phật Pháp và một bên là bản thân tâm thức của mình;

Coi Phật Pháp như một môn ở trường ốc để biến thành đề tài hý luận, để khoa trương sở học "uyên bác" của mình;

Không thực hành Phật Pháp, không tu hành Phật Pháp vẫn là hình thức rõ rệt nhất về việc bất tôn trọng Phật Pháp; tuy là hình thức rõ rệt nhất nhưng vẫn khó nhận ra nhất, vì sự tu hành chỉ được thể hiện trong chiều kín đáo nhất và sâu thẳm bí mật nhất của tâm thức mình.

Thế nào là không kính trọng Pháp sư? Tất cả những thầy dạy Phật Pháp đều là những Pháp sư của mình, dù có vị chỉ dạy một chữ duy nhất thôi hay chỉ dạy bằng cách mỉm cười hay bằng một cái nhìn đầy từ bi hay bằng sự im lặng liên tục từ năm này qua năm khác. Kính trọng Sư phụ là luôn luôn nhìn Sư phụ với cái nhìn trong sạch (chữ Tây Tạng gọi là "dag snang" mà người Anh Mỹ dịch là "pure vision", "pure perception", tức là coi tất cả chúng sinh đều là trong sạch, hoàn thiện tự bản lai nguyên ủy).

Trong Kinh Ứng Hiện Về Tịnh Kiến (Dag snang sprul pa'i legs bam) Bồ Tát Thánh Tăng Shabkar của Phật giáo Tây Tạng đã giải thích về việc cần phải khai triển cái nhìn trong sạch trong việc tin tưởng và tôn trọng kính ngưỡng tất cả những bậc Đạo sư, dù có những bậc Đạo sư không từ bỏ ngũ dục và đã sử dụng ngũ dục như là sự trang nghiêm cho mật hạnh của họ. Mình không là Phật và không được có cái nhìn dơ bẩn về những bậc Đạo sư thọ hưởng ngũ dục này và phải luôn kính trọng hoàn toàn tất cả bậc Đạo sư, không phân biệt gì cả. (Tất nhiên, khi mới bắt đầu học đạo thì cần phải biết phân biệt đâu là minh sư, đâu là tà sư, nhưng sau khi đã tu hành sâu rộng hơn thì tất cả mọi sự đều là cảnh hoạt hiện huyễn ảo của Đạo sư và tất cả hoàn cảnh xấu tốt đều trở thành bậc Thầy dạy đạo cho chính bản thân, cho chính tâm thức lưu chuyển vô tận của mình).

Tuy nhiên, một Đạo sư chân chính không bao giờ vướng kẹt vào ngũ dục, không bao giờ nô lệ vào sắc, thanh, hương vị và xúc. Một Đạo sư đúng nghĩa chẳng bao giờ bị trói buộc bởi tiền tài, danh vọng, sắc dục, ăn uống và ngủ nghĩ. Một Đạo sư đáng kính không bao giờ chỉ trích tấn công những Đạo sư khác một cách trực tiếp, một cách gián tiếp hay một cách mỉa mai ám muội.

Một trong những điểm nổi bật nhất dễ nhận thấy nơi một Đạo sư là lòng từ bi tự nhiên, tự phát và không có tính cách thảm kịch theo điệu tình cảm thường nhân.

Điểm sáng rực nhất ở một Đạo sư là sự khiêm tốn lạ lùng nhất và lòng kiên nhẫn phi thường nhất, đồng thời thể hiện sự đồng nhất dị thường siêu việt giữa Phật Pháp và Pháp sư. Không bao giờ có sự dị biệt hay tách rời mảy may giữa Phật Pháp và người dạy Phật Pháp. Mỗi một cử chỉ của bậc Thầy làm sống lại tất cả cử chỉ của chu Phật và chư Đại Bồ Tát. Mỗi một bậc Thầy là một vị Phật di động tự tại giữa sinh tử luân hồi. Do đó, kính trọng Phật Pháp cũng đồng nghĩa với việc kính trọng những vị Pháp sư, và kính trọng những vị Pháp sư cũng chính là tôn trọng Phật Pháp.

Điều thứ hai nêu ra ở trên: "nhận thọ giáo pháp thâm sâu bí ẩn mà chẳng nói hết cho những kẻ khác biết tới để tu hành", "ôm lại những pháp môn thâm sâu bí ẩn mà mình đã lãnh thọ và không chịu khai mở truyền lại cho người khác một cách trọn vẹn", điều này không có nghĩa rằng lúc nào cũng cần phải rao giảng, lúc nào cũng giảng nghĩa Phật Pháp, vì tất cả đều tùy thuộc vào thời, vào tiết, vào nhân và vào duyên. Phải có đủ bốn yếu tô hiện diện đồng lúc (thời, tiết, nhân và duyên) thì mới khai mở được trọn vẹn bất cứ việc gì trên đời này; hơn nữa, tùy thuộc vào căn cơ và tập khí từng người mà sự tương giao liên hệ mới được thiết lập một cách hữu hiệu tốt đẹp. Điều thứ hai ở đây chỉ nói lên lòng Bố Thí bao la của bậc Bồ Tát, và tất nhiên sự Bố Thí lớn lao nhất là Bố Thí Phật Pháp, bố thí hiến dâng tất cả giáo lý pháp môn của Phật Pháp toàn diện cho tất cả chúng sinh, vì lợi phúc hưng thịnh vô tận cho tất cả chúng sinh để long thịnh Phật chủng.

Điều thứ ba: "Làm chướng nạn cho những người ưa thích tu hành vì nói ra những lý lẽ giải thích khả dĩ gây ra sự chán nản thất vọng cho việc tu hành của họ", "làm chướng ngại tinh thần những kẻ vốn vui sướng tu hành Phật Pháp bằng cách bày biện những duyên cớ lý do khiến cho họ hoang mang nản chí…"

Xin cử ra đây một trường hợp thường xảy ra: có những bậc chân tu lại bị trói buộc vào "chủ nghĩa khoa học vạn năng" (scientism) hoặc bị ảnh hưởng bởi một cách nông cạn bởi thuyết "triệt tiêu thần thoại" (demythologization) hay "phá hủy huyền thoại" theo điệu thần học Tin Lành của nhà thần học Rudolf Bultmann (gọi là "Ent-mythologisierung" trong Đức ngữ mà người Anh Mỹ gọi là "dethologizing" hay "religion without myth", "tôn giáo không cần thần thoại", loại bỏ huyền thoại"), họ liền đề nghị một thứ đạo Phật không còn thần thoại hay linh thoại gì cả. Họ đả kích những lời lẽ trong kinh Phật có liên hệ tới những điều khó hiểu như việc đức Phật sinh ở nách hay hông của hoàng hậu mẫu thân hay như 32 tướng của đức Phật, và họ tự cho rằng " người đời sau tự ý bày đặt thêm vào những điều thần thoại như việc đức Phật hiện thân làm con voi trắng sáu ngà vào thai mẹ , đức Phật từ hông của mẹ mà nhập thai, 32 tướng tốt của đức Phật, vân vân, nghĩa là người đời sau làm interpolation, vân vân…"

Dù với thiện chí cao cả nào đi nữa trong việc "canh tân" hay "hiện đại hóa" giáo lý Phật Giáo, những việc làm vừa nêu ra ở trên của những bậc chân tu (hay những bậc "thiền sư hiện đại") đều vô tình phô bày ra những hiện trạng quái lạ sau đây:

Gây ra nỗi hoang mang, lòng bối rối ngờ vực hoài nghi trong tinh thần yếu đuối của những Phật tử thuần thành chất phác.

Khiến cho họ trọng vọng những tiêu chuẩn nhất thời của những khoa học hữu hạn thuộc phạm vi thế tục, hơn là sống hồn nhiên trọn vẹn vào trong cõi bí mật linh thiêng của thế giới tâm linh.

Ngờ vực hoài nghi là điều rất tốt để tránh khỏi tất cả mê tín dị đoan, nhưng có khả năng biết ngờ vực, biết hoài nghi đúng chỗ là điều vô cùng khó khăn, không dễ thực hiện được, nếu chúng ta không ý thức được trọn vẹn giới hạn của ngôn ngữ, của lý trí và của sự hiểu biết.

Hơn nữa, sau đây là đôi điều đáng lưu ý:

Không phải tất cả những thần thoại đều là "hoang đường" hay đều là "huyền thoại", mỗi một thần thoại đều chứa đựng những ý nghĩa bí ẩn siêu việt vô cùng phong phú khả dĩ nuôi dưỡng chiều tâm linh sâu thẳm nhất của linh thức con người (tất cả sự nghiệp khảo cứu của Joseph Campbell đều nói lên điều đáng nói này);

Đối với Phật Pháp, tất cả đều giống như mộng, huyễn, bào, ảnh, vân vân và tất cả đều nằm trong tinh thần "bản lai vô nhất vật" của Lục Tổ Huệ Năng, do đó, không thể lấy tiêu chuẩn và lý do từ những "cái có thực" để giải trừ những "cái không có thực", khi tất cả những gì người ta cho rằng "có thực" đều bị Phật Pháp phủ nhận rằng tất cả những cái ấy đều không có thực. Vì ngay đến cả bản thân của con người chỉ là sự giả hợp của ngũ uẩn, tức là sự giả hợp của năm loại "thần thoại" khủng khiếp nhất: "thần thoại" do sắc tạo ra, "thần thoại" do thọ tạo ra, do tưởng, hành, và thức tạo ra; "thần thoại" do năm uẩn tạo ra đồng lúc. Và chính những danh từ như sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều là những "giả danh" hay "những thần thoại", "những huyễn thoại" của ngôn ngữ vọng niệm và của vọng tưởng.

Không thể áp dụng phương pháp thần học Tin Lành hay thần học Thiên Chúa Giáo vào trong lãnh vực Phật Giáo, vì một lý do dễ hiểu nhất là thần học đặt trọng tâm vào cái Hữu (viết hoa) và cái hữu (viết thường) đang khi Phật giáo đã phủ nhận hữu và phủ nhận vô từ bước đầu, mặc dù do lòng Đại Bi mà không bao giờ bỏ quên tục đế hay thế đế, thế mà vẫn vô ngại chứng nhập đệ nhất nghĩa đế (Trí Tuệ Khôn Tính, Trí Tuệ Bát Nhã vô tự tính) và đồng hóa thuyết duyên khởi với Không Tính siêu việt. Vào lúc cuối đời, nhà thần học Tin Lành Paul Tillich đã muốn áp dụng cái nhìn của Phật giáo vào nên thần học của mình, sau khi ông đã được gặp gỡ thảo luận với những thiền sư Nhật Bản, đang khi ấy, những thiền sư của Việt Nam lại làm chuyện ngược và lạ lùng: áp dụng Thần Học Tin Lành vào Phật Giáo!

"Do duyên cớ gì mà Đức Phật hiện thân tợ bạch tượng sàu ngà vào thai mẹ?", "Do duyên cớ gì Bồ tát từ hông của mẹ mà nhập thai", vân vân, đều được giải đáp cặn kẽ một cách viên thông trong kinh Đại Thừa Phương Tiện Hội (Kinh 38, Đại Chính Tân Tu Đại Tạng Kinh 310, trang 594-607), chúng ta chỉ cần tụng đọc lại đầy đủ kinh luận thích ứng thì tránh được cái tội đổ oan cho "người sau bày đặt thêm thắt vào" ("interpolation").

Còn riêng về 32 tướng của Đức Phật thì cần đọc tụng lại Tổ Sư Long Thọ (Nagarjuna) nơi luận Rājaparikathā-ratnamāla (đoạn thi kệ thứ 176 cho đến đoạn thi kệ thứ 200). Nơi những đoạn thi kệ này, Tổ sư Long Thọ đã giải thích những nhân duyên nào lại tạo ra 32 tướng của Chuyển Luân Thánh Vương và của chư Phật. Đồng thời ngài cũa cho ta thấy được ý nghĩa siêu việt diệu tướng của 32 tướng của tất cả chư Phật.

Tất cả kinh điến Phật giáo đều liệt kê 32 tướng của chư Phật, nhưng vì sợ chấp tướng và hiểu sai ý nghĩa "vô tướng" trong Phật Giáo; vì hiểu sai câu kinh "Như Lai sở thuyết thân tướng tức phi thân tướng" hoặc mấy câu kinh "Như Lai thuyết tam thập nhị tướng tức thị phi tướng, thị danh tam thập nhị tướng" của Kinh Kim Cương Bát Nhã; vì chỉ giữ lại "tức phi" và "tức nhị phi" mà không đồng lúc giữ lại luôn "thị danh"; hoặc vừa giữ vừa bỏ đồng lúc; hoặc chỉ nhấn mạnh "sắc bất dị không" mà bỏ quên "không bất dị sắc" cho nên các nhà thiền sư hiện đại lại thoải mái hoạt hiện thái độ "tẩy trừ thần thoại" (demythologizing) theo điệu thần học Tin Lành Rudolf Bultmann vào lòng kinh điển Phật Giáo! Đây là điều ngộ nghĩnh, rất tức cười, nhưng chúng ta không nên cười, chỉ cần mỉm cười nhẹ nhàng, vì không nên bao giờ bỏ quên điều thứ tư mà đức Phật đã dạy chúng ta: "Kiêu mạn tự cao và khinh thường kẻ khác là điều thứ tư làm cho thối thất trí huệ Bồ Tát."

Chúng ta thường lầm lẫn ý nghĩa đích thực của sự phê bình với thái độ chỉ trích hạ thấp người khác. Phê bình đúng nghĩa là để cho ánh sáng được là ánh sáng và để cho bóng tối được là bóng tối, dù không thể làm cái việc "để cho…" thì chỉ tỏ cho kẻ khác nhìn thấy đâu là sáng và đâu là tối, đâu là trưa, đâu là chiều và hoàng hôn, vân vân. Có những thế lực vô minh mà mình không thể đồng lõa được. Cần nói lên những điều cần nói với tất cả khiêm tốn và khiêm hạ đúng mức, và không giả vờ khiêm tốn để tự cao kiêu mạn một cách vi tế kín đáo. Một người bình thường chỉ im lặng cho lắng xuống tận đáy lòng chừng vài ba phút thì đủ thấy tất cả sự tối tăm lù mù của tâm thức mình và không thể nào tự dám lường gạt với dáng điệu kiêu căng ngạo mạn hay dám khinh thường bất cứ ai trên đời này. Trí huệ của Bồ Tát sẽ tắt ngay lập tức nếu Bồ Tát móng lên một ý tưởng mảy may khinh thường bất cứ chúng sinh nào.

Khinh thường người khác chính là tự khinh thường mình, vì mình là tất cả người khác, tất cả chúng sinh khác. Kiêu mạn và tự cao chỉ là ảo ảnh của mình về vị thế "độc lập" của tự thể: Phật giáo phá vỡ những cái gọi là "độc lập" của "tự thể", của "bản thể" và của "hữu thể". Tất cả những cái gọi là "thể" đều là giả danh, đều không có "tự tính". Bồ Tát còn phiền não lay động từ "bản thể" và "tha thể" thì liền đánh mất Trí Huệ siêu thể và bị trói buộc vào nhị tướng (tướng phân hai).

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/07/2015(Xem: 5896)
Hầu hết các kinh luận Đại thừa đa số đều thuyết minh tổng quát về pháp môn niệm Phật. Trên thực tế hình thành pháp môn Tịnh Độ phổ biến từ tư tưởng các bộ kinh căn bản như Kinh Bát Chu Tam Muội (Ban Châu Tam Muội), Kinh A Di Đà, Kinh Quán Vô Lượng Thọ, Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Hoa Nghiêm và Kinh Thủ Lăng Nghiêm và nhiều bộ kinh khác. Pháp niệm Phật đến với quần chúng ước tính khoảng mười tám thế kỷ qua (Tính từ khi Kinh Ban Châu Tam Muội được dịch tại Trung quốc năm 179 s.dl.), và pháp môn Tịnh Độ được hình thành và phát triển thời tổ sư Huệ Viễn (334-416 TL) cho đến ngày nay. Thực tế lịch sử đã chứng minh pháp môn niệm Phật đã đóng một vai trò quan trọng trong lĩnh vực truyền bá Phật giáo Đại thừa. Y cứ từ kinh điển liên quan Pháp môn niệm Phật, trên căn bản thì thiền sư Tông Mật (784-841), tổ thứ năm của tông Hoa Nghiêm đã phân thành bốn phương pháp niệm Phật. Đó là trì danh niệm Phật, quán tượng niệm Phật, quán tưởng niệm Phật và thật tướng niệm Phật. Từ thời đại Tổ Liên Trì về sau
25/06/2015(Xem: 6093)
Trong Phật pháp có nhiều pháp môn tu học học và hướng đến giác ngộ giải thoát. Giác ngộ là thấy rõ đạo lý duyên khởi của nhân sanh và vũ trụ. Giải thoát có nghĩa là dứt sự khổ đau luân hồi do tâm thức chấp thật ngã và thật pháp tạo vọng nghiệp. Chung quy tu tập theo Phật giáo nhận thức rõ giải thoát là từ tâm này, luân hồi sanh tử cũng do tâm này, vì tâm này là chủ nhân của muôn pháp. Kinh Tâm Địa Quán có dạy: “Tâm sanh thì pháp sanh,
07/05/2015(Xem: 6890)
Các con ơi! Ta vô cùng hoan hỷ đón nhận tất cả các con về thế giới Cực Lạc trang nghiêm thù thắng mà ta đã thiết lập để cho các con trở về tịnh dưỡng. Ta thật yên tâm khi các con về mái nhà chung tình này để được nghe pháp, tu tập mà không bị quấy nhiễu bởi lục trần nhiễm ô của thế giới Ta Bà. Tuy nhiên, các con ạ! Các con thấy đó. Đa số các con đều được hóa sanh ở những phẩm vị thấp, Trung phẩm và Hạ phẩm.
28/04/2015(Xem: 5911)
Người phương Tây và dân trí thức trong thời mạt pháp hầu như không tin pháp môn niệm phật cầu vãng sanh Cực Lạc. Họ không tin vì hai lý do. Thứ nhất họ cho rằng Phật A DI ĐÀ và Tịnh độ Cực Lạc là huyền thuyết. Thứ hai là Kinh sách Đại Thừa Phật Giáo không đáng tin cậy vì thường hiểu lầm là Đại thừa ra đời từ cuộc Tập Kết Kinh điển thứ thứ Tư, hơn 400 năm sau khi Đức Phật nhập niết bàn, cách thời Phật Thích Ca quá xa khiến cho kinh sách đại thừa có phần sai lệch và khó có thể kiểm chứng. Sau đây là những chân lý chứng minh kinh điển đại thừa Phật giáo và Pháp môn niệm Phật nói riêng là hoàn toàn chân thực, không hư dối. Những chân lý này được kiến giải một cách khách quan dựa trên những sự kiện lịch sử Phật giáo và những lời thuyết giảng của Đức Phật ghi lại trong Kinh điển Đại thừa xảy ra đúng với những sự kiện lịch sử sau thời Đức Phật và phù hợp với những thành tựu khoa học ngày nay.
28/04/2015(Xem: 6636)
Một đời giáo hóa của Đức Phật Thích Ca được khái quát hóa trong ngũ thời bát giáo mà theo ngài Trí Giả, Tổ sư sáng lập ra Tông Thiên Thai đã sử dụng ngũ thời để phân định trình tự thuyết pháp của đức Phật; dùng “Bát giáo” để phân biệt pháp môn được thuyết và nghi thức thuyết pháp. Ngũ thời được chia trình tự như sau:
10/03/2015(Xem: 8021)
Trong diễn đàn này nhiều quý bạn hữu đã nói về niệm Phật A-Di-Đà bốn chữ hay sáu chữ. Theo tôi thì chúng ta đã học Mười hạnh Phổ-Hiền thì bình-đẳng kính chung không từ một ai, nhưng tin vào lời người ta nói thì phải có sự quán xét đúng hay sai. Đặc biệt với Phật pháp và giáo lý nhà Phật thì đòi hỏi phải thật nghiêm túc nếu không sai một ly đi vạn dặm, có khi mất hết cả công sức bao nhiêu năm tu hành bỏ ra mà không thành tựu, thậm chí còn sa hố là phỉ báng chính pháp, phát đi những điều không đúng về giáo lý của Phật.
23/01/2015(Xem: 7126)
Từ khi Phật giáo hòa nhập vào văn hóa nhân loại thì bắt đầu ý nghĩa đón xuân cổ truyền được mở rộng thành ý nghĩa đón Xuân Di Lặc. Từ đó, đón xuân trong quan niệm người Đông Á mang đậm bản sắc văn hóa Phật giáo và văn hóa nhân loại. Chúng ta vận dụng tính nhân bản đạo đức Phật giáo làm tô đẹp ý nghĩa mùa xuân cổ truyền và chuyển hóa những tập quán tiêu cực để quần chúng có thêm chánh kiến trong sinh hoạt đón xuân hằng năm.
23/01/2015(Xem: 6411)
Trong sinh hoạt hằng ngày của chúng ta thường thể hiện và vận dụng trăm pháp rất thực tế, nó là tổng hợp nội dung của hiện tượng tâm lý, những yếu tố cơ bản nhất vốn có trong con người, cũng do đây mà chúng ta có thể biết điều này và biết được điều khác. Chúng ta vì người mà ứng xử, hay hóa độ chúng sanh mà không hiểu hiện tượng tâm lý con người thì rất chướng ngại. Một trăm pháp này bao gồm trong pháp thế gian và pháp xuất thế gian, lộ trình tu học từ địa vị phàm phu đến quả vị thánh, là nền tảng cơ bản của người học Phật, cho nên mọi người cần phải học môn này.
23/01/2015(Xem: 7230)
Chúng ta nghiên cứu xuyên suốt tư tưởng Phật học nhận thức được rằng, có hai pháp môn cần phải tham cứu trước. Một là “Luật Tông” là căn bản nhất của tất cả các pháp môn. Các tông phái Phật học rất nhiều do giới luật mà tồn tại. Khi Đức Phật sắp nhập diệt, đã từng phó chúc cho A Nan rằng: “Sau khi Thế Tôn nhập diệt, các thầy hãy lấy giới luật làm thầy, nương vào giới luật mà tu hành để được giải thoát giác ngộ”. Đây là vấn đề Phật học thường đề cập, đó là điều chắc thật không cần biện giải nhiều lời. Hai là “Duy Thức”, thông đạt tất cả nguyên lý các pháp. Kinh Hoa Nghiêm dạy: “Tâm như người thợ vẽ,
23/01/2015(Xem: 6077)
Bản văn này giới thiệu ý nghĩa căn bản của Thiền và niệm Phật, luận thuật quan niệm các học giả Phật giáo đối với sự phát triển tư tưởng Thiền tông và Niệm Phật. Từ trên khái niệm đến triển khai rõ ý nghĩa và nội dung vô cùng phong phú của Thiền và niệm Phật, đặc biệt chú trọng về phương diện lịch sử từ sau thời đại nhà Tùy để trình bày mối quan hệ về Thiền tông và niệm Phật. Ở đây tóm lược hệ thống ý nghĩa quá trình diễn biến về Thiền và niệm Phật trong mối quan hệ mang tính đặc trưng theo từng giai đoạn. Sau cùng, luận văn từ trong diễn biến lịch sử của Thiền và niệm Phật để đưa đến kết luận xu thế dung hợp giữa Thiền và Tịnh độ theo hướng đi của Phật giáo Trung quốc. Căn cứ hiện thực của lịch sử Phật giáo và đưa đến nhận định rằng: Từ sau thời Tống thì Thiền Tịnh song tu là phương pháp mô phạm căn bản của sự tu trì Phật giáo Trung quốc. Tin chắc rằng, trong tương lai Phật giáo Trung quốc vẫn duy trì năng lực truyền thống Phật pháp vốn có của chính mình.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567