Trong nguyên tác thì gọi là "Dữ hổ mưu bì".
Câu thành ngữ này có nghĩa là bàn định với con cáo hoặc con hổ để lột da chúng. Nay thường dùng để ví về những việc bàn luận đều phải hy sinh lợi ích của đối phương, thì nhất định không thành công.
Câu thành ngữ này có xuất xứ từ "Thái bình ngự lãm".
Thời Tây Chu, có một người muốn làm một chiếc áo lông đáng giá ngàn vàng. Có người mách bảo anh ta làm bằng lông cáo là có giá trị nhất. Anh ta nghe vậy nghĩ bụng: "Trên núi có rất nhiều cáo, chi bằng ta đến đó bàn với chúng xem sao".
Nghĩ đoạn, anh ta liền vui vẻ đi lên núi. Khi nhìn thấy một bầy cáo, anh bèn nghiên túc bàn với chúng rằng: "Hỡi bầy cáo thân mến, tôi đây muốn làm một chiếc áo lông trị giá ngàn vàng, nên mới đến gặp và mong các vị hãy lột da trên mình cho tôi có được không?". Bầy cáo nghe nói liền hoảng hốt đua nhau chạy như biến. Anh ta chẳng còn cách nào khác, đành cụt hứng trở về.
Ít lâu sau, anh ta làm lễ giỗ tổ, nhưng lại thiếu thịt dê. Anh ta liền nghĩ ngay đến đàn dê vẫn thường hay ăn cỏ dưới chân núi, bèn vui vẻ đến nói với đàn dê rằng: "Hỡi đàn dê thân mến, tôi đang làn lễ giỗ tổ nhưng lại thiếu mất thịt dê, vậy mong các vị biếu tôi một ít thịt có được không?". Đàn dê nghe vậy kêu me me không dứt, rồi chạy trốn vào rừng sâu, trong chốc lát chẳng thấy tăm hơi đâu cả.