Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Kinh Đại-Thừa Lý-Thú Lục Ba-La-Mật-Đa Phát Bồ-Đề-Tâm

08/04/201312:28(Xem: 6484)
Kinh Đại-Thừa Lý-Thú Lục Ba-La-Mật-Đa Phát Bồ-Đề-Tâm

Những bản kinh ngắn dịch từ Hán Tạng

Kinh Đại-Thừa Lý-Thú Lục Ba-La-Mật-Đa Phát Bồ-Đề-Tâm

Việt dịch: Thích Tâm Châu

Nguồn: Đường, Bát-Nhã dịch chữ Phạm ra chữ Hán

NAM-MÔ THẬP PHƯƠNG THƯỜNG-TRỤ TAM-BẢO
Một năm trọn,
Dịp kỷ-niệm Phật-Tổ thành-đạo năm ngoái (1956) tôi tâm-nguyện phiên-dịch và ấn-hành trọn năm những cuốn kinh mỏng, thông-thường, phổ-biến cho các hàng Phật-tử sơ-cơ.
Hoàn-cảnh vô cùng khó-khăn, phức-tạp, chỉ một lòng nhẫn-nại, tin-tưởng nơi Tam-bảo gia-hộ, vừa trong kỳ kỷ-niệm Phật-Tổ thành-đạo năm nay (1957), 12 tập gồm 22 quyển và 4 phẩm nhỏ được ra đời.
Ghi lại một ý-nguyện đầu, xin chân-thành dâng lời sám-hối và niệm ân lên Tam-bảo chứng-minh. Hồi-hướng công-đức tới quý Thày, quý Đạo-hữu đã phát-tâm cúng kinh và trợ-thành những kinh này, cùng tứ ân, lục đạo, pháp-giới chúng-sinh, đều trọn thành Phật-đạo.

Saigon, mùa thành-đạo năm Đinh-Dậu (1957)
Thích-Tâm-Châu


KINH ĐẠI-THỪA LÝ-THÚ LỤC BA-LA-MẬT PHÁT BỒ-ĐỀ-TÂM(1)


Khi đức Thế-Tôn nói ra những tiếng như Sư-Tử gầm (2), hiển-minh Bí-mật Tổng-trì-môn (3) rồi, liền đó, Đại Bồ-Tát Di-Lặc (Từ-Thị), từ tòa ngồi của mình đứng dậy, chễ áo vai hữu, gối hữu quỳ xuống đất, dốc lòng, chắp tay, hướng lên đức Phật, bạch rằng: "Quý-hóa thay, quý-hóa thay! Đại Thánh Thế-Tôn, thường đem tâm đại-bi tán-thán và nói ra "Bí-mật cam-lộ-thắng Đà-la-ni (4) như thế, để thủ-hộ quốc-giới, kính xin đức Thế-Tôn thương xót chúng-sinh, diễn nói pháp Vô-thượng Bồ-Đề, khiến những hữu-tình (chúng-sinh) chưa phát tâm, làm sao phát tâm được? Hữu-tình phát tâm rồi, làm sao tu-hành được? Và, do nhân-duyên gì không thoái-chuyển được Đại-thừa-tâm.(5)
Bấy giờ, đức Thế-Tôn bảo Đại Bồ-Tát Di-Lặc: "Nếu có thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhân, muốn vì hữu-tình, tu hạnh Đại-thừa và muốn độ hữu-tình đến đại Niết-Bàn, trước tiên cần phải phát năm tâm thù-thắng. Năm tâm thù-thắng ấy là gì? - Một là, đối với các hữu-tình, phát tâm đại-từ-bi, bình-đẳng rộng khắp. Hai là, đối với Nhất-thiết-chủng-trí(6), tâm không thoái-chuyển. Ba là, đối với các hữu-tình, khởi ra ý-tưởng như bạn thân và trong mọi hiểm-nạn, thề sẽ cứu-hộ họ. Bốn là, đối với hữu-tình, thường khởi ra ý-tưởng là mang nợ họ. Năm là, thường mang lòng thẹn-hổ, nghĩ biết thời nào trả xong nợ họ? Người phát được năm tâm như thế, quyết chóng chứng được quả Vô-thượng Chính-đẳng chính-giác".(7)
Lại nữa, Đại Bồ-Tát Di-Lặc! Thế nào là đối với trong Đại-thừa, nhất tâm tu-hành, được bất-thoái-chuyển? - Như thời xa xưa, có một thương nhân thông-minh, sáng-suốt, thường làm việc nhân-từ, hiếu-thuận, thấy cha mẹ, họ-hàng nghèo khổ, thường thường buồn rầu, bức-thiết thân-tâm, biết dùng phương-tiện gì cung-cấp, giúp-đỡ được? Thương-nhân ấy suy-nghĩ rằng: "Không gì hơn là vào bể, nhặt ngọc Như-ý-bảo(8), đem về cung-cấp, mới khỏi được sự nghèo khổ!" Vì nhân-duyên ấy, thương-nhân kia phát tâm dũng-mãnh, không tiếc thân-mệnh, liền từ nhà ra đi, dùng bao phương-tiện, tìm-tòi tư-lương (lương-thực, vật-dụng), cùng tìm các bạn lành, thuyền và thuyền-sư (lái thuyền).
Trong khi thương-nhân ấy đi đến nửa đường, gặp một người lạ, từ bể trở về, người lạ kia hỏi thương-nhân ấy rằng: "Ông muốn đi đâu, tìm gì mà vội-vàng thế?" Thương-nhân ấy trả lời đầy-đủ những nhân-duyên như trên: vì muốn cứu giúp những người bần-cùng, nên nay muốn vào bể, tìm ngọc Như-ý-bảo, đem về tư-cấp cho họ. Người lạ kia nói: "Trước kia tôi bỏ nhà ra đi, cũng như thế, vì muốn cứu giúp thân-tộc bị những khổ-não bần-cùng. Khi tôi phát tâm bỏ nhà ra đi rồi, trên đường đi, tôi gặp nhiều nguy-nan, nào trải qua những đồng rộng, qua những bãi cát sỏi (sa-mạc) mông-mênh, không có một chút nước, một cây cỏ, lại nhiều những voi đồng, hổ, báo, sài-lang, rắn độc, sư-tử...; hoặc gặp giặc cướp, núi to, sông lớn, đói khát, rét, nóng, kinh-rợn, sợ-hãi. Qua được nơi ấy, tôi cùng Thuyền-sư vào tới bể lớn lại gặp gió to, cá lớn, ác-long, sấm chớp, mưa đá, sóng vỗ, nước xoáy... có nhiều lưu-nạn, không thể nói hết được. Tuy chịu đựng những khổ-nạn như thế, nhưng vẫn không tìm được ngọc Như-ý-bảo, mà chỉ được những thứ giúp cho thân-thể, tạm cung-cấp đủ cho mình, chứ chưa thể cứu giúp được sự nghèo thiếu của thân-tộc. Nay tôi khuyên Nhân-giả, không nên gượng chịu sự gian-khổ ấy, chỉ nhọc mệt cho mình mà thôi! Tôi muốn cùng Nhân-giả sắp đặt việc khác, ở nơi khác. Tại sao vậy? Vì, trong bể lớn kia có nhiều tai-nạn, chứ không phải là một nạn, nào: hắc-phong, hắc-sơn, Dược-soa, La-sát, cá kình, giảo-long..., nhưng, chỉ từng nghe nói cái tên ngọc Như-ý, thực ra nghìn vạn người đi tìm ngọc, chưa chắc một, hai người đã được viên ngọc quý ấy. Bởi nhân-duyên ấy, tôi khuyên Nhân-giả nên quay về sớm đi thôi!"
Lúc đó, thương-chủ kia nghe lời ấy rồi, càng thêm tăng-tiến, phát ra ba tâm thù-thắng, quyết vào bể tìm ngọc không lùi. Ba tâm thù-thắng ấy là gì? - Một là nghĩ rằng cha mẹ, anh em, họ-hàng nghèo khổ như thế, nỡ nào ta về không, không cứu giúp cho nhau được gì? Hai là, nghĩ rằng thân-thuộc của ta, thời trước giàu có, làm ơn giúp ta cơm ăn, áo mặc, thương xót ta nhiều, ngày nay bị bần-cùng, thân-mệnh không cứu toàn được, ta nỡ nào buông bỏ như thế, mà muốn lui trở về? Ba là, nghĩ rằng ta khi ở nhà, trông nom việc nhà, sai khiến tôi-tớ lớn, nhỏ, lại còn quở trách mọi thứ, nỡ nào họ nghèo khổ, ta không thương, giúp họ, để họ được vui vẻ, mà lại muốn lùi trở về? Do nhân-duyên ấy, nghĩ đến việc trả ân-đức, thương-nhân kia phát tâm đại-dũng-mãnh, quyết-định tiền-tiến, cốt vào trong bể, tìm Như-ý-bảo, được rồi về nhà, đem giúp cho thân-thuộc, tha hồ tiêu dùng, khỏi sự gian-nan, cùng cực mãi mãi".(9)
Vị Đại Bồ-Tát cũng như thế: Đại Bồ-Tát phát Bồ-Đề-tâm, quán-tưởng lục-thú, tứ-sinh(10) trong mười phương, đều là cha mẹ ta đời trước, vì thương xót ta, nên tạo mọi nghiệp ác, phải sa-đọa vào trong địa-ngục, ngã-quỉ, súc-sinh, chịu mọi sự khổ-não. Bởi nhân-duyên ấy, ta tự suy-nghĩ: "dùng phương-tiện gì, để cứu giúp cho những người bị khổ-nạn ấy? Khởi ý-niệm ấy rồi, thấy chỉ có vào trong bể đại-pháp Lục Ba-la-mật-đa, cầu Phật-chủng-trí, mới có thể cứu giúp được nỗi khổ sinh-tử cho hữu-tình được! Bồ-Tát suy-nghĩ như thế rồi, phát tâm đại-dũng-mãnh, không thoái-khuất, tinh-tiến cần cầu, không lười-biếng, chán-nản, dùng bao phương-tiện, tìm-tòi tư-lương, tìm bạn lành giác-ngộ (Bồ-Đề) cùng Pháp (chính-pháp) và Pháp-sư.
Khi Bồ-Tát đi đến nửa đường, gặp một Ma-vương, thống-lĩnh đồ-chúng, hoặc nó hiện làm thân hình người cõi Trời, hoặc nó hiện làm thân người, hoặc nó hiện làm thân hình người Bà-la-môn, hoặc nó hiện làm thân người chủ đi buôn, hoặc nó hiện làm thân hình vị Bật-sô, Bật-sô-ni, hoặc nó hiện làm thân hình các loài khác. Ma-vương kia liền hỏi Bồ-Tát phát tâm ấy rằng: "Nay ngài muốn đến nơi nào mà vội-vàng thế? - Bồ-Tát ấy đáp: "Tôi vì hết thảy chúng-sinh bị khổ-não, nay muốn vào trong bể lớn lục-độ, cầu Phật-chủng-trí Như-ý Bảo-châu, để cứu giúp hết thảy chúng-sinh bị nghèo thiếu". Ma-vương lại nói: "Tôi khi mới phát tâm cũng thế, vì muốn độ hết thảy chúng-sinh bị khổ-não ra khỏi nhà sinh-tử, tôi qua nơi đồng-nội, sa-mạc đại lưu-chuyển (trôi giạt, lăn lộn mãi), chịu đủ tất cả sự đói khát, trộm giặc, sợ-hãi mọi nạn, chứ không phải một nạn, mới đến được trong bể lục-độ đại-pháp. Hoặc có khi gặp người xin đầu, hoặc gặp người xin mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, tay, chân, chi-tiết, tim, phổi, ruột, dạ-dầy, gan, mật, lá lách, thận, cho đến nước, thành, vợ, con, con ở trai, con ở gái, người sai-khiến, những thứ như trên, tùy ai xin cái gì sẽ cho cái ấy, không sinh lòng sẻn-tiếc, chỉ cần cầu trí-bảo (viên ngọc trí-tuệ, tức Phật-trí).Trải vô-lượng kiếp sinh-tử lưu-chuyển trong bể khổ, tuy chịu mọi sự khổ-nạn, vẫn không được Vô-thượng Bồ-Đề, mà chỉ quay về cầu quả A-la-hán, mới ra khỏi được ba cõi và được tịch-diệt Niết-Bàn. Nay tôi khuyên ngài, không nên gượng chịu sự lao-khổ ấy, nên tự tu-trì, tôi muốn cùng ngài cùng bước lên giai-vị quả ấy. Tại sao vậy, Vì, tôi nghĩ trong ba đường ác thường chịu sự đói khổ, tâm nghĩ đến sự ăn uống, ngửa mặt lên hư-không, có ai lại cho vào miệng ta một bữa cơm no đâu? Mọi khổ-nạn bức-thiết thân-tâm, mệnh người vô thường, nhanh hơn nước trên núi chảy xuống, bậc thiện-tri-thức (bạn lành) thời khó gặp gỡ, nếu không tin theo, lĩnh-thụ, sau ăn-năn sao kịp! Trong bể sinh-tử, lưu-chuyển bất định, tâm như mặt trăng đáy nước, có gì thực ư! Người ác-trí-thức (bạn ác) dễ thấy, dễ gặp, thường hay khuyên người thực-hành đạo Bồ-Tát, bỏ của-cải, bỏ thân-mệnh, mong đến đạo Bồ-Đề. Phương chi chư Phật ra đời, bao thời-gian mới hiện một lần, nghìn, vạn người cầu đạo Bồ-Đề, chưa chắc một, hai người được. Bởi thế, tôi khuyên Nhân-giả không nên chịu sự lao-khổ, mà nên cầu giải-thoát, tự chứng Niết-Bàn. Lại, trong ba vô-số kiếp, chịu mọi cần khổ, mới chứng được Phật-quả Bồ-đề, mà đây, thời ngay trong đời này, hay chỉ trong ba đời sẽ chứng được quả A-la-hán, là một bậc Vô-học, chịu sự khổ làm chi! Người ngu-si vô-trí, tâm họ mong cầu Phật-quả, trải qua vô-lượng kiếp, chịu mọi sự gian-khổ, vẫn chưa nghe thấy chứng được quả A-la-hán, phương chi là chứng được đạo-quả Vô-thượng Bồ-Đề! Ví như có người bắt được một con chim nhỏ, lại trông thấy con chim Kim-sí, người ấy liền thả con chim đã bắt được, đang nắm trong tay, tiến về phía trước, đuổi bắt con chim Kim-sí kia, nhưng, con chim lớn vỗ cánh bay cao, chim con cũng bay mất. Người ngu cầu Phật-quả, cũng như thế, bỏ quả A-la-hán này, cầu Phật-quả kia, hai quả đều mất cả. Đã biết thế rồi, mong ngài sớm hồi-tâm, ngay trong đời này, ngài quyết-định chứng được quả A-la-hán!"
Liền khi ấy, Bồ-Tát nghe lời ấy rồi, càng thêm dũng-mãnh, phát ra ba tâm. Ba tâm ấy là gì? - Một là, nghĩ rằng hết thảy chúng-sinh từ thuở vô-thỉ sinh-tử đến nay, đều là thân-thuộc của ta, hoặc là bầu-bạn, hiện đang chịu sự khổ-não, chưa thoát khỏi được, nỡ nào ta lùi bước trở về? Hai là, nghĩ rằng hết thảy chúng-sinh từ vô-thỉ đến nay, cung-cấp cho ta cơm ăn, áo mặc, thương xót ta thâm-thiết, nay họ phải chịu nhiều khổ-nạn trong luân-hồi, ta chưa báo đền được họ, nỡ nào ta lại sinh tâm thoái-chuyển? Ba là, nghĩ rằng hết thảy chúng-sinh, từ thuở vô-thỉ đến nay, họ đều là quyến-thuộc của ta, ta sai-khiến và có khi lại quở-trách, ta chưa có chút gì thù-đáp ơn của họ cả! Bởi nhân-duyên ấy, ta không nên thoái-khuất, cần dũng-mãnh thêm để cầu chứng đạo-quả Bồ-Đề. Nếu chứng được Bồ-Đề Nhất-thiết-trí-bảo, dùng đem cứu giúp chúng-sinh bị khổ-nạn trong sinh-tử, thế gọi là Đại-Bồ-Tát ở trong Đại-thừa, nhất tâm tu-hành được bất-thoái-chuyển.(11)
Lại nữa, Bồ-Tát Di-Lặc! Ông nên biết đấy là Đại Bồ-Tát tu hạnh Đại-thừa, phát ra năm tâm. Trong năm tâm ấy, tâm thứ nhất là đối với các hữu-tình, phát-khởi tâm đại-bi; tâm thứ hai là vì các hữu-tình cầu Nhất-thiết-trí, tâm không thoái-chuyển; hai tâm ấy, đối với pháp Đại-thừa, Bồ-Tát cần tinh-tiến tu-hành. Tâm thứ ba là hết thảy hữu-tình đều là bạn thân của ta; tâm thứ tư là hết thảy hữu-tình đối với ta là người có ơn, ta chưa có mảy chút gì thù-đáp lại; tâm thứ năm là hết thảy hữu-tình đều là quyến-thuộc của ta, ta từng đối với họ khởi ra những nghiệp bất-thiện, quở mắng, trách phạt phi-lý, thâm-tâm hổ-thẹn, thời nào đền trả xong! Ba tâm ấy, khiến các Bồ-Tát dũng-mãnh bất-thoái, cho đến chứng được đạo-quả Vô-thượng Chính-đẳng chính-giác".(12)



Chú thích:


(1) Kinh này là cuốn kinh số 261, trong Đại-Tạng-Kinh. Đề-mục kinh này đã giải rõ trong quyển "Quy-y Tam-bảo". Kinh này có 10 phẩm: phẩm Quy-y Tam-bảo thứ nhất, phẩm Đà-la-ni thứ hai và phẩm Phát-Bồ-Đề-Tâm đây là phẩm thứ ba. Bồ-Đề-tâm có ba hạng: Bồ-Đề-tâm của Thanh-văn, Bồ-Đề-tâm của Duyên-giác và Bồ-Đề-tâm của Phật. Đây nói về Vô-thượng Bồ-Đề-tâm tức là Bồ-Đề-tâm của Phật. Bồ-Đề (Bodhi): Xưa dịch là "Đạo", nay dịch là "Giác". Phát-Bồ-Đề-tâm: Nghĩa là phát-khởi tâm cầu Chân-đạo hay phát-khởi tâm cầu Chính-giác.
(2) Sư-tử gầm: Sư-tử là đầu loài thú, một tiếng nó rống lên là các loài thú khác đều khiếp sợ. Đối với Phật đủ uy-đức, trong đại-chúng Ngài nói ra lời gì là có ý quyết-định, không sợ-hãi và trái lại, chúng nghe, phiền-não tiêu-tan, ma-vương sợ-hãi, nên tỷ-dụ lời Phật nói như Sư-tử gầm.
(3) Tổng-Trì-Môn: Tức Đà-la-ni-môn. Đà-la-ni (Dhàrani) Trung-Hoa dịch là Tổng-trì, có nghĩa là giữ việc thiện không mất, giữ cho ác không khởi. Lấy niệm, định, tuệ làm thể, Bồ-Tát tu niệm, định, tuệ đầy đủ được công-đức ấy. Môn đây có nghĩa là "pháp-môn". Pháp-môn Tổng-trì đúng ra bao gồm 4 loại: Pháp, nghĩa, chú, nhẫn, nhưng thường chỉ cho chú-môn của Mật-giáo, gọi là Tổng-trì-môn.
(4) Môn Đà-la-ni này rất Bí-mật, vi-diệu, thù-thắng và có ý-vị giải-thoát cam-lộ.
(5) Đây là duyên-khởi, Ngài Bồ-Tát Di-Lặc tán-thán công-đức hiển-minh bí-mật Tổng-trì-môn của đức Phật, đồng thời Bồ-Tát Di-Lặc lại hỏi đức Phật: làm sao cho chúng-sinh phát được Vô-thượng Bồ-Đề-tâm, phát tâm rồi làm sao tu-hành được và làm sao không thoái-chuyển được?
(6) Nhứt-thiết-chủng-trí: Tức Phật-trí. Nghĩa là dùng một trí viên-minh của Phật, biết hết thảy đạo-pháp của chư Phật và biết được hết thảy nhân-duyên của chúng-sinh.
(7) Trên đây đức Phật trả lời câu hỏi của Bồ-Tát Di-Lặc là chúng-sinh muốn tu hạnh Đại-thừa và đạt tới Niết-bàn cần phải phát ra năm tâm thù-thắng. Phát được năm tâm ấy thời không thoái-chuyển và chóng chứng được đạo-quả Vô-thượng Bồ-đề.
(8) Như-Ý-Bảo (Cintãmani): Cũng gọi là Ma-ni-châu, nghĩa là từ nơi viên ngọc này, phát-xuất ra mọi thứ hợp với ý-nguyện của chúng-sinh mong cầu. Như-ý-bảo đây là tỷ-dụ cho Phật-trí tức Nhất-thiết-chủng-trí.
(9) Đoạn văn trên đây đức Phật nói về người lái buôn, vì có trí thông-minh, biết quán-sát thấu-đáo, biết thương xót cha mẹ, thân-tộc, quyết-tâm phát nguyện vào bể tìm ngọc Như-ý đem về cứu giúp cho tất cả, mặc dầu giữa đường có người can ngăn, gặp bao hiểm-nạn, vẫn không sờn lòng, nản chí, mà đạt tới đích của ý-nguyện, để tỷ-dụ cho vị Bồ-Tát phát tâm tu hạnh Đại-thừa cũng phải như thế.
(10) Lục-thú: Thiên, nhân, A-tu-la, địa-ngục, ngã-quỉ, súc-sinh. Tứ Sinh: loài sinh trứng, loài sinh con, loài sinh nơi ẩm-ướt, loài hóa-sinh.
(11) Trên đây nói Bồ-Tát phát tâm tu hạnh Đại-thừa, đạt tới Vô-thượng Bồ-đề cần nhất tâm tinh-tiến, mặc dầu gặp nhiều chướng-ngại và Ma-vương cám-dỗ.
(12) Đoạn văn trên đây là kết thành về năm tâm thù-thắng.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
07/01/2025(Xem: 78)
Trong tất cả những pháp môn, những phương thuốc, những con đường sáng tịnh đó, được đức Phật trình bày bàn bạc khắp trong tam tạng giáo điển. Nhưng đặc biệt pháp môn Tịnh độ thì đức Phật nhấn mạnh có tánh cách xác quyết với cả tấm lòng tha thiết khuyến lệ chúng sanh nên thực hành pháp môn này. Điều đó hiển lộ qua những thời pháp đặc thù được kết tụ thành kinh A Di Đà, kinh Vô Lượng Thọ, kinh Quán Vô Lượng Thọ, kinh Pháp Hoa, kinh Hoa Nghiêm, kinh Niết Bàn v.v… Chẳng những trong pháp hội kinh A Di Đà Ngài diễn tả cảnh giới Tây phương Cực lạc một cách rõ ràng, mà ở pháp hội kinh Vô Lượng Thọ Ngài thuyết minh cho chúng sanh thấy nguyện lực đức Phật A Di Đà và nhân duyên mật thiết giữa chúng sanh cõi Ta bà với đức Phật này. Cũng chính trong pháp hội Vô Lượng Thọ, đức Thích Ca còn khẳng định rằng, chúng sanh cách Phật lâu xa về sau, ngoài pháp môn niệm Phật ra, không có pháp môn nào cứu giúp chúng sanh giải thoát luân hồi sanh tử có hiệu năng bằng pháp môn Tịnh độ.
06/05/2024(Xem: 1074)
Kinh A Di Đà cùng với kinh Vô Lượng Thọ và Quán Vô Lượng Thọ là ba kinh căn bản làm tông của tông Tịnh Độ. So với hai kinh kia thì kinh A Di Đà ngắn, ngôn ngữ dễ hiểu, nội dung không quá thâm sâu hay mật nghĩa như những kinh Đại Thừa khác. Phật tử bắc tông phần nhiều ai cũng đọc tụng và khá nhiều người thuộc nằm lòng.
16/03/2024(Xem: 3308)
Nam Mô có nghĩa là Trở về A, nghĩa là: vô Di Đà, nghĩa là: Lượng Phật, nghĩa là Giác, tánh biết Niệm danh hiệu: Nam Mô A Di Đà Phật, có nghĩa là “ trở về với tánh giác vô lượng của bản thân mình, đó là A Di Đà tánh, là ông Phật của chính mình” Cứu cánh của Pháp môn Tịnh Độ là đạt tới điểm chung của Thiền cũng là khám phá ra ông chủ của mình . Tịnh Độ là ông Phật của chính mình chứ không phải ở ông Phật Tây Phương Cực Lạc. 🏵️🌼🍁🌺🍀🌹🥀🌷🌸🏵️
20/01/2024(Xem: 1701)
Quyển này bút giả tuyển dịch từ nguyên bản Tịnh Độ Thánh Hiền Lục của Phật giáo Trung Hoa. Bộ Tịnh Độ Thánh Hiền Lục do cư sĩ Bành Tế Thanh cùng cháu là Hy Tốc, người đời Càn Long nhà Thanh sưu tập những truyện niệm Phật được vãng sanh soạn thành. Đến cuối đời Đạo Quang, Thanh triều, Liên Quy cư sĩ Hồ Đỉnh góp nhặt các chuyện vãng sanh tục biên thêm. Sang đời Trung Hoa Dân Quốc, Đức Sum Pháp sư lại sưu tập những sự tích tu Tịnh độ có ứng nghiệm bổ túc vào. Trước sau có tất cả được gần một ngàn truyện.
18/11/2023(Xem: 5439)
Cách đây chừng 30 năm, Tổ Đình Viên Giác tại Hannover Đức Quốc chúng tôi có nhận được bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taisho Shinshu Daizokyou) bằng Hán Văn gồm 100 tập do cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh từ Đài Loan giới thiệu để được tặng. Bộ Đại Tạng Kinh giá trị này do Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội xuất bản và gửi tặng đến các nơi có duyên. Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội dưới sự chứng minh và lãnh đạo tinh thần của cố Hòa Thượng Thích Tịnh Không đã làm được không biết bao nhiêu công đức truyền tải giáo lý Phật Đà qua việc xuất bản kinh điển và sách vở về Phật Giáo, với hình thức ấn tống bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau như: Hoa Ngữ, Anh Ngữ, Pháp Ngữ, Đức Ngữ, Việt Ngữ. Nhờ đó tôi có cơ hội để tham cứu Kinh điển rất thuận tiện.
23/10/2023(Xem: 7485)
Hôm nay là ngày 21/11/2020, là một ngày đáng để kỷ niệm. Từ hôm nay trở đi tôi bắt đầu phúc giảng kinh Vô Lượng Thọ lần thứ hai, nguyện đem công đức này hồi hướng cho lão pháp sư thượng Tịnh hạ Không. Báo đáp ân sư ơn tri ngộ, Y giáo phụng hành an lòng Thầy. Ân pháp nhũ thật khó báo đáp, Toàn tâm toàn lực hoằng đại kinh. Thỉnh cầu ân sư thương xót chúng sanh khổ mà trụ thế độ quần manh! Chúng ta đều làm học trò ngoan biết nghe lời. Hôm nay là ngày 21/11/2020, là ngày kỷ niệm Bồ-tát Lưu Tố Thanh vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc tròn 8 năm, chúng tôi giảng kinh Vô Lượng Thọ lần thứ hai, lấy việc này biểu đạt sự tưởng nhớ và cảm ân sâu sắc của chúng ta dành cho Bồ-tát Lưu Tố Thanh.
18/04/2023(Xem: 5234)
Lời Giới Thiệu Sách “Nhân Hạnh Vãng Sanh” của Trí Khiêm
14/03/2023(Xem: 9586)
Trong xã hội bận rộn ngày nay, con người phải đối mặt với nhiều vấn đề tâm lý làm ảnh hưởng đến chất lượng sống, và đã đến lúc chúng ta cùng thư giãn, chú trọng đến sức khỏe tinh thần nhiều hơn. Cách thực hành dễ nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất là cùng Headspace, 10 phút thiền định mỗi ngày để thay đổi cuộc sống. Với những kiến thức mới về thiền trong bộ sách 3 cuốn rất mỏng và dễ đọc để ứng dụng này, chúng ta chắc chắn có lối sống tích cực, vui vẻ hơn và bình an hơn. Bộ sách gồm 3 cuốn mang đến những lợi ích khác nhau, từ quản lý sự căng thẳng đến trân trọng và biết ơn cuộc sống. Hướng dẫn những kỹ thuật căn bản nhất về thực hành thiền là mấu chốt để thay đổi cuộc sống của bất cứ ai may mắn đọc sách này.
21/08/2022(Xem: 5050)
Lời dạy của Đức Phật, được ghi chép lại dưới dạng Kinh tạng. Hai ngàn sáu trăm năm đã trôi qua, bánh xe Đạo Pháp chuyển động không ngừng, dạy con người cách sống an lạc. Muốn sống an lạc, người học Phật phải liễu tri và hành trì, tu tập đúng lời Phật dạy.
05/12/2021(Xem: 6112)
Chấp hai tay cúi đầu miệng niệm Phật A Di Đà chào chúc thật cao sâu Khỏe sáng suốt cùng chân lý nhiệm mầu Được trường thọ thăng hoa trong cuộc sống… Sống trong một thế giới vô thường biến đỗi, với đầy sự nhiễu nhương, tang thương, chết chóc, do thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, xảy ra trước mắt hằng ngày, gây lắm khổ đau, điển hình như Covid-19 (với đầy ác khí) như hiện nay, cũng khiến cho nhiều người lo sợ, khủng hoảng và thức tĩnh. Thấy rõ được rằng, mọi cơ sở vật chất, với nhiều năm đầu tư xây dựng, chỉ một cơn động đất, sóng thần hay bão lửa, lũ lụt nổi lên, sẽ tan tành theo mây khói. Một đời người với biết bao nhiêu lo toan, tính toán, hy vọng, ước mơ, một cơn đại dịch xảy ra, đành âm thầm ra đi trong tức tưởi, không một người thân đưa tiễn, tất cả tài sản bao năm gầy dựng, phải bỏ lại, không mang theo được gì!
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]