Kinh Lần Tràng
III. Kim-Cương-Đính Du-Già Niệm Châu Kinh (10)
Nguồn: Hán dịch: Sa môn Bất Không
Bấy giờ Thế-Tôn: Tì-Lô-Giá-Na (Vairocana) bảo Kim-Cương-Thủ Bồ-Tát rằng: Quý hóa thay, quý hóa thay! ông đã vì những vị Bồ-Tát tu Chân-Ngôn-hạnh (11) nói về những phép-tắc nghi-lễ lại thương xót những loài hữu-tình đời mai sau mà nói về công đức thắng lợi của sự lần, niệm tràng hạt. Và, do họ nghe được ý-thú nhiệm-mầu như thế nên họ chóng chứng được diệu-quả Tất-Địa.(12)
Khi ấy Kim-Cương Tát-Đóa Bồ-Tát bạch Phật rằng: Dạ, lạy đức Thế-Tôn, nay con xin phép Thế-Tôn cho con được vì đại-chúng và tất cả chúng-sinh nói về việc “lần, niệm tràng hạt”.
Bấy giờ Kim-Cương Tát-Đóa Bồ-Tát liền nói bài kệ rằng:
Tràng hạt biểu thắng-quả Bồ-Tát,
Trong ấy đủ làm: dứt phiền-não;
Sợi dây xâu chuỗi biểu Quán-Âm,
Hạt giữa tiêu-biểu Phật Di-Đà.
Chớ lần qua, phạm tội việt-pháp,(13)
Được nhiều công đức do lần hạt:
Tràng hạt xà-cừ phúc gấp một.
Tràng hạt cây tra phúc gấp đôi.
Dùng sắt làm tràng phúc gấp ba,
Đồng già làm tràng phúc gấp bốn;
Thủy-tinh, trân-châu cùng mọi báu,
Những tràng hạt ấy phúc gấp trăm.
Hạt Nhân-Đà-La phúc gấp nghìn,
Tràng hạt kim-cương phúc gấp ức;
Tràng bằng hạt sen phúc nghìn ức,
Tràng hạt Bồ-đề phúc vô số.
Phật-bộ niệm tụng hạt Bồ-đề,
Kim-cương pháp-bộ hạt kim-cương;
Bảo-bộ niệm, tụng những hạt báu,
Liên-hoa-bộ dùng tràng hạt sen.
Trong Yết-Ma-bộ (14) niệm, lần tràng.
Nên xâu chuỗi ngọc mầu sặc-sỡ;
Tràng niệm phân biệt có bốn thứ:
Thượng-phẩm, tối-thắng và trung, hạ.
Nghìn tám mươi (1.080) hạt là thượng-phẩm.
Một trăm tám (108) hạt là tối-thắng;
Năm mươi bốn (54) hạt là trung-phẩm,
Hai mươi bảy (27) hạt là hạ-loại.
Hai tay cầm tràng để trên tâm (trái tim).
Tĩnh lo, lìa niệm tâm chuyên chú;
Bản-tôn Du-già tâm nhất cảnh,
Đều được thành-tựu lý, sự pháp.
Dù đặt trên đầu, hoặc đeo mình,
Hoặc đeo trên cổ, hoặc cánh tay;
Nói-năng, bàn bạc thành niệm, tụng,
Bởi niệm, tụng ấy, sạch ba nghiệp.(15)
Đặt trên đầu, sạch tội Vô-gián,(16)
Đeo trên cổ, sạch tội tứ-trọng;(17)
Cầm tay, cánh tay khỏi mọi tội,
Thường khiến hành-nhân(18) chóng thanh-tịnh.
Nếu tu Chân-ngôn, Đà-La-Ni,(19)
Niệm danh chư Phật cùng Bồ-Tát;
Sẽ được vô-lượng thắng công-đức,
Cầu thắng-nguyện gì đều thành-tựu.
Chú thích
(10) Kim-cương đính Du-Già niệm-châu kinh: là cuốn kinh số 789 trong Đại-Tạng-kinh và do trong Thập-vạn quảng tụng lược ra.
(11) Chân-ngôn-hạnh: Đây là nói về những vị tu về hạnh mật-ngôn, như là trì chú chẳng hạn. Chân-ngôn tiếng phạm gọi là Mạn-đát-La (Mantra) và biệt gọi là Đà-la-ni, tàu dịch là Tổng-trì, bí-mật hiệu, mật-ngôn, mật-ngữ. Chân-ngôn thuộc về Mật-tôn.
(12) Tất-địa: Tàu dịch là “Thành-tựu”, cũng có chỗ gọi là “thành Bồ-đề”. Tất-Địa là diệu-quả của Chân-ngôn-tôn, vì muốn đạt được quả này, nên tu nhân-hạnh vậy.
(13) Tội việt-pháp: Lại gọi là tội Việt Tam-muội-gia. Là tội vi phạm và vượt qua những pháp bí-mật của chư Phật trong ba đời. (Mật-tôn).
(14) Yết-Ma-bộ: Mật-tôn có chia làm 5 Bộ:
1) Liên-Hoa-bộ: Trong tâm chúng-sinh có cái lý thanh-tịnh của bản hữu tịnh Bồ-đề-tâm, ở trong bùn nhơ lục-đạo sinh-tử, không bị nhơ, nhiễm, cũng như hoa sen mọc trong bùn nhơ lên mà không nhiễm, không nhơ, nên gọi là Liên-Hoa-bộ.
2) Kim-cương-bộ: Nơi lý của tự tâm chúng-sinh, lại có cái trí bản-hữu, ở trong bùn nhơ sinh-tử trải qua vô số kiếp, không mục, không nát, nên gọi là Kim-cương-bộ.
3) Phật-bộ: Lý, trí ấy ở ngôi phàm chưa hiển-hiện, vào quả-vị thời lý trí ấy hiển-hiện, giác-đạo viên-mãn, nên gọi là Phật-bộ.
4) Bảo-bộ: Trong vạn đức viên-mãn của Phật, phúc-đức vô biên nên gọi là Bảo-hộ.
5) Yết-Ma-bộ: Yết-Ma dịch là tác-nghiệp: Phật vì chúng-sinh mà rủ lòng thương xót, làm thành hết thảy sự-nghiệp, gọi là Yết-Ma-bộ.
(15) Ba-nghiệp: Là nghiệp thân, nghiệp khẩu và nghiệp ý (xem thêm kinh Thập thiện).
(16) Vô-Gián-tội: Là làm tội đại-ác, quyết định phải chịu tội-quả cực khổ không có chút nào gián-cách trong địa-ngục A-Tỳ (Avici).
(17) Tứ trọng: Bốn tội trọng là: sát sinh, trộm cắp, tà-dâm, và nói dối.
(18) Hành-nhân: Là chỉ vào người thực-hành trì-niệm tràng hạt.
(19) Đà-La-Ni: (Dhàrani) Dịch là Tổng-trì, nghĩa là hay giữ và hay ngăn-ngừa, có lực dụng trì thiện-pháp khiến không tan mất, trì ác-pháp không cho nó khởi lên. Đà-La-Ni chia làm 4 thứ: Pháp Đà-La-Ni, Nghĩa Đà-La-Ni, Chú Đà-La-Ni và Nhẫn Đà-La-Ni, như câu trong kinh này nói là thuộc về Chú Đà-La-Ni.