Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đến Đi Giữa Đất Trời

14/05/202510:16(Xem: 1337)
Đến Đi Giữa Đất Trời

Phat Dan Sanh 21
ĐẾN ĐI GIỮA ĐẤT TRỜI

Đã cuối xuân rồi mà khí trời còn mát mẻ lạ thường, hoa vạn thọ rực rỡ khắp mọi nơi, cái màu vàng cam tôn quý này dùng để dâng cúng cho thần linh. Hoàng hậu Maya bấm đốt ngón tay tính và đã thấy gần đến ngày khai hoa nở nhụy bèn vào cung:

- Tâu bệ hạ, thần thiếp đã sắp đến ngày lâm bồn, xin bệ hạ cho thần thiếp về nhà cha mẹ ở Koli

Vua Tịnh Phạn bước xuống ngai vàng đỡ hoàng hậu đứng dậy, ôm ấp vỗ về, nhìn nàng một cách trìu mến:

- Nàng hãy về nhà cha mẹ chờ ngày sinh nở, khấn nguyện thần Brahma gia hộ cho mẹ tròn con vuông

- Tâu bệ hạ, trước khi cấn thai, thần thiếp nằm mơ thấy voi trắng sáu ngà từ cung trời Đâu Suất bay xuống và chui vào hông phải, phải chăng điều này sanh thái tử xuất chúng?

- Ta đã đem giấc mơ của nàng thuật cho các tiên nhân trong thành Ca Tỳ La Vệ (Kalilavastu). Trong số họ có A Tư Đà là người xuất sắc nhất. Y bảo rằng con ta nếu tại thế sẽ là chuyển luân vương, vua của các vị vua, cầm bằng xuất gia tu đạo sẽ trở thành thánh nhân trong ba cõi. Dĩ nhiên là ta muốn thái tử sẽ nối ngôi vua, sẽ trở thành vị vua mạnh nhất trong thiên hạ.

Vua Tịnh Phạn xoa bụng, hôn và thì thầm với thai nhi:

- Con trai của ta ngoan nhé! Con là thái tử khôi ngô nhất xứ Tây Trúc, mai kia sẽ là vua thống lĩnh thiên hạ.

Nói xong vua Tịnh Phạn hạ lệnh cho quan lại, tùy tùng cùng nữ tỳ hộ giá đưa hoàng hậu về nhà cha mẹ nàng chờ ngày sinh nở.

**

Trời tháng Tư xanh biêng biếc, cỏ hoa hai bên vệ đường xanh mướt và tươi mát bởi khí xuân còn chưa tan. Chim muông véo von ca hót, từng bầy chim dạn dĩ bay theo xa giá của hoàng hậu Maya. Có những chú chim còn bạo dạn đậu trên tay nàng để mổ lấy những hạt kê, cứ mỗi vài trăm thước, hoàng hậu lại tung những nắm hạt kê vào hai bên vệ đường để chim ăn.

Hoàng hậu Maya đẹp như thánh nữ, mắt to tròn đen lay láy, tóc dài bóng mượt, dáng dấp như nữ thần Lakshmi. Mặc dù bào thai to như vậy nhưng điều ấy chẳng ảnh hưởng gì đến nhan sắc của hoàng hậu. Dường như có trợ lực từ các vị thần hay sao mà hoàng hậu không thấy mệt nhọc nặng nề như những thai phụ khác.

Kiệu của hoàng hậu đi ngang qua một khu vườn xanh tươi đẹp đẽ ở Lâm Tỳ Ni (Lum bini), trong vườn có những cây Sa La đang nở hoa, hương bay thơm ngát. Hoàng hậu bảo bọn thị tỳ:

- Này các em, vườn hoa đẹp quá, ta vào đây nghỉ chân một lát, hơn nữa trong người ta có vẻ khác lạ, dường như thái tử muốn ra khỏi bào thai.

Cả đoàn kéo vào khu vườn giăng màn, lập trạị bằng chính những chiếc xà rông đầy màu sắc. Hoàng hậu Maya cảm nhận được sự chuyển động của thai nhi, nàng biết không còn kịp về đến nhà. Chỉ trong khoảnh khắc nàng đứng vin cành hoa Sa La thì thái tử đã xuất thai rồi. Trên không trung xuất hiện cầu vồng rực rỡ vắt ngang qua bầu trời, cả không gian bừng lên sáng lạn, dường như ánh sáng của nhật nguyệt và muôn vì tinh tú đồng hiện. Mười ngàn thế giới chấn động rùng rùng tựa như đại tượng bước chân xuống chiếc xuồng cỏn con. Vô số chư thiên từ các cõi trời: Đâu Suất, Dạ Ma, Hóa Lạc… cho đến Phi Tưởng, Phi Phi Tưởng cùng bay về Lâm Tỳ Ni rải mạn thù sa, ma ha mạn thù sa hoa cúng dường. Các Càn Thát Bà tấu khúc nhạc vang lừng… Trời người vô cùng hoan hỷ. Ngay cả vô tình chúng sanh như cỏ hoa cây lá và muôn loài động thực vật cũng rung động theo làn sóng hoan hỷ của con người. Duy chỉ có ma vương Ba Tuần thì hậm hực ra mặt, lòng y đầy lo toan và đố kỵ, vẻ mặt y hằm hè nhăn nhó, bình thường vốn đã khó coi, khi sự ghen tức sân hận tăng cao thì càng làm cho gương mặt y trở nên xấu xí và đáng sợ hơn. Y ngồi trên ngai vàng trong cung Bố Lạc mà lòng hoang mang cực độ:” Phải chăng thánh nhân xuất thế? Rồi đây lũ chúng sanh do ta cai quản sẽ theo người này mà thoát khỏi tay ta”. Đất chấn động sáu cách, mười ngàn thế giới chuyển khiến cho ma vương thêm kinh sợ và lo lắng.

 

**

Thái tử vừa ra khỏi thai mẹ, lập tức trên mặt đất xuất hiện bảy đóa sen lung linh mầu nhiệm như cấu thành tư ánh sáng của mười phương. Những đóa sen đẹp lộng lẫy chưa từng xuất hiện kể từ khi trời đất hiện tướng cho đến bây giờ. Thái tử bước nhẹ nhàng trên những đóa hoa sen kỳ diệu ấy, khi đến hoa sen cuối, thái tử chỉ trời và đất:” Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”.

Lúc này tin vui đã bay về kinh thành Ca Tỳ La Vệ, vua Tịnh Phạn vui mừng đến rơi lệ, cả triều thần và bá tánh trong thành cùng hân hoan. Ca Tỳ La Vệ lập tức khai hội tưng bừng, cờ xí bay phất phới, đèn hoa giăng khắp nơi. Ca Tỳ La Vệ chưa bao giờ đẹp và vui như hôm nay.

Đoàn xa giá của hoàng hậu quay về hoàng cung cùng với thái tử. Vua Tịnh Phạn hạ thánh chỉ đại xá trong vương quốc. Ngài đặt tên cho thái tử là Tất Đật Đa (Siddhartha) với hy vọng thái tử sẽ là người đạt được những gì kỳ vọng.

Niềm vui lớn chưa vơi thì hoàng hậu Maya vội bỏ thái tử mà đi. Vua Tinh Phạn đau buồn khôn xiết, tuy nhiên sau khi nghe các thầy tư tế bảo rằng:” Hoàng hậu có công mang thai và sanh đặng thánh nhân, phước báo này quá lớn nên bỏ báo thân để sanh về cõi trời rồi” thì lòng ông cũng nguôi ngoai. Tất Đạt Đa lớn lên trong sự yêu thương của vua cha và kế mẫu, thái tử được toàn thể triều thần và dân chúng mến mộ. Sự cung phụng cho thái tử cũng hết sức đặc biệt, không biết các cõi trời như thế nào chứ với thái tử thì thế gian này chẳng có ai được như thế.

Càng lớn thái tử càng khôi ngô tuấn tú, mặt mày sáng láng, tư chất thông minh, trí tuệ thiên bẩm. Bao nhiêu vị thầy giỏi trong thiên hạ được vời đến để dạy dỗ thái tử, các vị thầy thông tuệ ấy cũng chẳng mấy chốc cạn hết chữ nghĩa và vốn liếng để dạy. Thái tử đặt ra những nghi vấn mà bọn họ không làm sao trả lời được.

Thái tử Tất Đạt Đa tuy tuổi nhỏ nhưng lúc nào cũng trang nghiêm mực thước, đĩnh đạc đàng hoàng, luôn suy tư, chiêm nghiệm chứ không thích nô đùa như chúng bạn đồng trang lứa. Đặc bịệt lòng thương người, thương vật của thái tử rất sâu đậm, ai ai cũng cảm nhận được điều này. Một ngày kia thái tử cùng người em họ ra ngoài thành chơi. Người này cũng xuất sắc không kém, văn võ song toàn, hắn dùng cung tên bắn rơi một con thiên nga đang bay qua bầu trời. Tất Đạt Đa cảm thương con vật, nhặt lấy để cứu nó. Người em họ thấy thế bèn đòi chim:

- Con chim này của đệ bắn hạ, trả lại cho đệ.

- Con chim này chẳng phải của đệ, không phải của ta, nó chẳng thuộc về ai cả.

- Nhưng đệ bắn trúng nó kia mà.

- Con chim chẳng hại ai, nó bay qua bầu trời như huynh đệ ta rong chơi, sao đệ lại bắn nó?

- Nó là loài vật

- Loài vật cũng có sinh mệnh, nó cũng biết đau, cũng ham sống sợ chết như chúng ta

- Chúng ta thuộc đẳng cấp Sát đế Lợi sanh ra tư miệng thần Brahma, là chủ nhân của muôn loài.

- Không, tất cả chúng sanh đều bình đẳng như nhau, mỗi loài đều có sinh mệnh và nghiệp riêng, không thể cậy mạnh hiếp yếu.

Dù nói thế nào đi nữa Tất Đạt Đa cũng không trả con chim, thái tử giữ lấy và chữa trị cho đến khi bình phục mới thả cho nó bay đi.

Sống trong cung vàng điện ngọc, có tất cả những thứ mà người thế gian mong cầu mơ ước. Đời sống tột đỉnh danh vọng và phú quý nhưng thái tử dường như chẳng quan tâm, chẳng tham gia tiệc tùng và chơi bời như những công tử khác. Thái tử thích ngồi trầm tư chiêm nghiệm. Một hôm thái tử gặp lão Samithawansha, một trưởng lão của Kỳ Na giáo. Ông ấy bảo:

-  Tâu thái tử, ngài là bậc cao quý trong thiên hạ, mai này sẽ là nhân chủ, hà cớ gì ngài cứ suy tư chiêm nghiệm? Ngài hãy vui chơi tận hưởng mọi lạc thú của đời, dục lạc chính là mật ngọt vậy.

- Thưa trưởng lão, lạc thú có làm cho ta hết khổ đau chăng?

- Dĩ nhiên là không nhưng lạc thú làm cho đời sống hạnh phúc.

- Dục lạc có làm cho ta hết già, hết bệnh, hết chết chăng?

- Không, nhưng ta nên thọ hưởng dục lạc trước khi bệnh, già và chết. Phương pháp tu hành của ta giúp hành giả sau khi chết sẽ sanh lên các cõi trời để hưởng phước trời, sống dài lâu với dục lạc vi diệu của cõi trời.

- Thế khi hết phước cõi trời thì lại sanh về đâu?

- Cái này ta không biết

- Vậy thì cũng không ích lợi gì, vẫn phải già, vẫn phải bệnh vẫn phải chết như thường.

Nói xong thái tử ngồi yên trầm tư suy tưởng mặc cho lão Samithawansha bỏ đi.

Một ngày đầu hạ, thái tử lại ra ngoài thành chơi, lần này gặp một người hình dong cổ quái, tóc bện như đống dây thừng trên đầu, quần áo tả tơi, thân hình dơ dáy hôi hám. Ông ấy đứng một chân một chân co lại và ngửa mặt nhìn trời. Những người hiếu kỳ xung quanh bảo ông ấy ăn uống tiết chế gần như không ăn uống gì, không nằm, chỉ ngồi trên bàn chông hoặc gai đá. Ông ấy lại dùng roi da quật vào thân, dùng mũi nhọn xiên lình qua mép, môi, ngực, bụng, lưng…Ông ấy là trưởng lão Bhante Vijaya của nhón tu khổ hạnh, hành hạ thân xác để gột rửa mọi tội lỗi, thanh tịnh tâm hồn và khi chết sẽ được sanh về các cõi trời. Thái tử ngắm nhìn ông ta đã lâu và muốn hỏi han nhưng ông ấy không ngó xuống. Một người tự xưng là đệ tử nói:

- Thưa thái tử, sư phụ của tôi không nói đã nhiều ngày rồi.

- Ngươi có thể cho ta biết tại sao phải hành hạ bản thân như thế?

- Thưa thái tử, tu khổ hạnh phải như thế, có vậy mới gột rửa được tâm hồn nhơ bẩn, chuộc lại lỗi lầm trong quá khứ, là cách tiêu diệt bản năng dục lạc

- Thế tu vậy để làm gì?

- Sau khi chết sẽ sanh thiên hưởng phước báu.

- Ông nói sao? Từ chối phước báu đây để cầu phước báu kia há chẳng phải vọng tưởng sao!

- Thưa thái tử, phước báu trần gian ngắn ngủi giả tạm, phước báu cõi trời chân thật dài lâu.

- Hành hạ và đày đọa thân xác thì làm sao thanh tịnh được tâm?

- Vì khi hành hạ thì thân xác sẽ không còn cảm giác hưởng thọ khoái lạc, ngăn ngừa sự thèm khát dục lạc, tiêu diệt nhục dục nên tâm thanh tịnh

- Hành hạ và đày đọa thân xác có làm cho ta hết gì, hết bệnh, hết chết chăng?

- Thưa không, nhưng sau khi chết sẽ sanh thiên.

- Sau khi hết phước báu cõi trời thì sẽ sanh về đâu nữa?

- Thưa thái tử, điều này tôi không biết, có thể trở lại trần gian sanh vào hàng Bà La Môn, Sát Đế Lợi…

Đến đây thì thái tử rời bỏ lão Bhante Vijaya và đám đồ đệ của ông ấy để quay về hoàng cung. Thái tử đóng cửa phòng ngồi một mình suy gẫm lời nói và hành trạng của hai vị trưởng lão. Tất Đạt Đa thì thầm một mình:” Cả hai vị với phương cách trái ngược nhau nhưng cùng có mục đích sanh thiên, tuy nhiên cả hai đều không thể nào làm cho con người hết khổ, hết bệnh, hết già, hết chết được!”

 

**

Vua Tịnh Phạn thấy thái tử như thế thì trong lòng lo lắng lắm, ngài nhớ như in lời tiên tri của tiên nhân A Tư Đà. Ngài sợ thái tử sẽ xuất gia tu hành vì vậy dùng hết mọi phương chước để lung lạc thái tử từ bỏ ý niệm xuất gia. Ngài cho xây cung điện bốn mùa, cung cấp của ngon vật lạ, vàng bạc châu báu, mỹ nữ xinh đẹp… hòng làm cho thái tử mê đắm. Ngài còn hạ chỉ:” Hễ ai làm cho thái tử vui hưởng dục lạc sẽ được trọng thưởng”. Nhà vua và cả triều thần đem hết khả năng để dụ hoặc thái tử nhưng xem ra không lay động được tâm thái tử. Tất Đạt Đa vẫn ngày đêm suy tư về cái khổ của kiếp người:  Sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, yêu thương mà cách biệt khổ, oán ghét ma chung đụng khổ, cầu mà chẳng được khổ, thân và tâm như lửa cháy khổ. Cái khổ sanh tử luân hồi từ lũy kiếp đến nay không làm sao vơi bớt. Tất Đạt Đa ngồi trầm tư tự nói với bản thân:” Ta là thái tử, nay mai sẽ là vua cai quản thiên hạ cũng không thể thoát khỏi những cái khổ này. Sanh lão bệnh tử như thế nào thì cũng phải chịu như thế đó, những nỗi khổ của kiếp người chẳng phân biệt giàu nghèo sang hèn. Những nỗi khổ từ vô lượng kiếp đến nay cần phải chấm dứt. Ta muốn tìm một con đường thoát khổ, hết sanh già bệnh chết. Xem ra phương pháp tu hành của hai vị trưởng lão Samithawansha và Bhante Vijaya không thể hết khổ được, cho dù có sanh thiên hưởng phước báo lớn nhưng khi hết phước lại phải đọa và lại sanh tử luân hồi, tu như thế phỏng có ích gì?”

Bất chợt trong phòng phảng phất mùi thơm của phấn son, một làn hơi ấm phả vào gáy thái tử, giọng nói ngọt ngào dịu êm rót vào tai thái tử:

- Này chàng thái tử trẻ trung đẹp trai. Chàng là thần tượng của lòng em cũng như của bao cô gái trên đời này. Chàng là biểu tượng sức khỏe, tuổi trẻ, quyền lực, danh giá và dục lạc. Thiếp nguyện đem thân này làm nô lệ cho chàng. Thiếp giúp chàng tận hưởng khoái lạc của đời người. Thiếp có ngón nghề đưa chàng lên đỉnh vu sơn cực khoái, trần gian này dễ mấy ai đạt được. Thiếp nguyện theo chàng suốt tháng năm, làm thõa mãn bất cứ sự mong muốn nào.

Thái tử định thần lại thì nhận ra nàng Ràga, cô con gái của ma vương Ba Tuần. Nàng quả là xinh đẹp, quyến rũ và đầy nhục cảm, thế gian này hầu như không có ai có thể thoát khỏi sự cám dỗ của nàng. Nàng cùng với hai người chị là Tanha và Arati đều là trợ thủ đắc lực giúp ma vương Ba Tuần cai quản chúng sanh ở cõi Sa Bà. Thái tử nhìn nàng:

- Nàng có thể giúp ta hết khổ sanh lão bệnh tử được chăng?

- Thiếp không thể làm được điều đó. Thiếp chỉ có thể giúp chàng sống trong khoái lạc, sống hoan lạc trước khi già, bệnh, chết.

- Vậy thì hoan lạc có ý nghĩa gì khi đời quanh quẩn trong sanh già bệnh chết?

- Ai cũng phải sanh già bệnh chết, vì vậy ta mới tận hưởng khoái lạc, sống trong dục lạc.

- Càng hưởng khoái lạc thì càng trói buộc chặt trong sanh già bệnh chết.

- Sanh già bệnh chết là lẽ tự nhiên, là vòng sanh tử luân hồi, chàng suy nghĩ chi cho mệt.

Không đợi thái tử trả lời, nàng Ràga và nàng Tanha trút bỏ xiêm và múa những điệu gợi cảm, kích dục; những điệu múa quyến rũ mà người trần gian chưa hề thấy qua. Nàng ca những bản tình ca diễm tình với chất giọng mượt mà tha thiết khiến cho con tim người cứng rắn nhất cũng phải mềm nhũng đi. Mùi hương của nàng tỏa ra làm cho tính dục của con người bùng lên như lửa cháy, không một ai ngửi phải mà có thể kiềm chế nổi dục vọng trong người. Làn da của nàng mịn màng mướt mát. Bàn tay nàng dịu dàng ve vuốt… Nàng trổ hết mọi ngón nghề để quyến rũ thái tử nhưng xem ra công cốc. Tất Đạt Đa ngồi yên vững vàng như vách đá tường đồng, gió thổi không lay, nước chảy không động, sấm chớp không chuyển. Cả Ràga và Tanha thấy bất lực không thể làm được gì hơn nữa, sắc mặt đanh lại, quắc mắt nhìn thái tử lần nữa rồi biến đi nhanh như lúc đến. Căn phòng trở lại tịch tĩnh vô cùng.

 

**

Thái tử miên mật quán sát tấm thân, tuy hiện giờ nó đang trẻ, khỏe, sung mãn nhưng nó đang đi đến già bệnh chết, nó đang diễn biến trong từng phút giây. Nay nó ngon lành vậy nhưng khi tắt thở thì sẽ tím tái, sình trương, rữa thối và cuối cùng chỉ là những đốt xương rã rời. Tấm thân này chẳng có gì là quý, nó chỉ là cái đãy da hôi thối chứa đầy máu mủ và các chất hôi tanh ở bên trong. Cái tâm này thì vô thường sáng nắng chiều mưa, nay yêu mai ghét, nó khiến cho con người làm bao nhiêu chuyện vô minh. Các pháp của thế gian này cũng vô thường thành – trụ - hoại– không liên lỉ. Các cảm thọ chỉ là khổ, ngay cả cảm thọ lạc cũng đi đến khổ mà thôi. Tất cả chúng sanh và ta đã lên xuống trong ba cõi sáu đường với vô số lần sanh tử luân hồi.

Thái tử thấy chán ngấy sự sanh tử luân hồi, lần này là cơ hội cuối cùng để thoát khổ. Thái tử quyết tâm buông xuống để ra đi tìm cách khai phá một con đường sáng. Ngũ dục lục trần ngài xem như dép rách chẳng chút bận tâm. Duy có mối dây tình cảm là thứ bền chặt nhất, kiên cố nhất. Thế gian này chẳng có loại xiềng xích nào có thể bền chắc hơn sợi dây tình cảm. Tuy nhiên thái tử đã quyết rồi thì cũng phải cắt ái từ thân ly gia đoạn dục, thà khổ một lần này để rồi vĩnh viễn thoát khổ, ra khỏi sanh tử luân hồi.

Tất Đạt Đa cho gọi người hầu cận thân tín vào phòng:

- Này Sa Nặc (Chana) hãy chuẩn bị ngựa Kiền Trắc (Kanthaka) cho ta

- Thưa thái tử, ngài định đi đâu?

-Ta sẽ đi đến nơi cần phải đến, ta không đi thì ai có thể đi đây?

- Nhưng ngài đi đâu? Phải chăng…

Sa Nặc không dám nói hết câu, tâm tánh và hành trạng của thái tử thì Sa Nặc còn lạ gì. Cả kinh thành Ca Tỳ La Vệ này ai cũng biết chứ đâu riêng gì mình Sa Nặc, tuy nhiên Sa Nặc cũng như mọi người muốn giữ, muốn níu kéo thái tử lại. Việc đã đến thì phải đến, vua Tịnh Phạn, nàng Da Du Dà La (Yasodhara), La Hầu La (Rahula) hay con gái của ma vương Ba Tuần cũng không sao ngăn cản được. Sa Nặc lai hỏi:

-  Ngài định bao giờ đi?

- Quá nửa đêm nay

**

Lúc bấy giờ thiên chủ cõi Phạm thiên bảo với các tiểu thiên vương:

- Đêm nay thái tử Tất Đạt Đa sẽ vượt thành để ra đi tìm con đường sáng cho hàng trời – người. Chúng ta sẽ trợ duyên bằng cách làm cho hoàng gia, triều thần và dân chúng thành Ca Tỳ La Vệ sẽ ngủ say để thái tử vượt thành được xuôi chèo mát mái.

Quá nửa đêm, thái tử vào nhìn nàng Da Du Đà La và La Hầu la lần cuối rồi cùng Sa Nặc vượt thành ra đi, nhân gian ngủ say như chết, không một ai hay biết. Vượt qua sông Anoma, thái tử cắt tóc và cởi bỏ trang phục thái tử trao cho Sa Nặc, căn vặn:

- Hãy về trao lại cho phụ hoàng của ta và nhắn rằng ta đã quyết tâm tầm sư học đạo để thoát khỏi sanh tử luân hồi, quyết khai phá con đường sáng giúp chúng sanh thoát khỏi sanh già bệnh chết. Nếu không thành thì sẽ không về.

Dặn dò xong, thái tử từ biệt Sa Nặc rồi dõng mãnh đi thẳng vào màn đêm mênh mông mịt mùng phía trước. Sa Nặc đứng nhìn thái tử cứ ngỡ một tia sáng đang xuyên qua lớp màn đen vô tận. Xa xa bầu trời đằng Đông dường như đang hắt lên ánh quang minh của một ngày mới.

 

Tiểu Lục Thần Phong

Ất Lăng thành, 0425

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
20/06/2025(Xem: 43)
Trong màn đêm tối đen như mực vì vô minh, con người sống trong đau khổ, phiền não do ái dục, tham ái chi phối. Con người sống trong nỗi sợ hãi, sân hận, gièm pha, đố kỵ nghi ngờ, tà kiến, kiêu mạn, tranh giành hơn thua lẫn nhau, danh vọng, địa vị, tiền tài, lợi dưỡng vv.
20/06/2025(Xem: 49)
Khi xã hội càng văn minh, con người càng rời xa tâm linh. Chúng ta mãi mê bị mắc lừa bởi ảo giác về thực tại và cái bản ngã rồi chúng ta hụp lặn theo định hướng và kỳ vọng xã hội. Bên cạnh đó, chúng ta bị nhốt trong hai nhà tù lớn: tham dục và tham ái. Đây là hai xiềng xích trói buộc và dẫn dắt chúng ta trôi lăn trong vòng luân hồi.
20/06/2025(Xem: 43)
Khả năng tâm linh là khả năng cảm nhận, liên kết và tương tác với những thực thể, năng lượng hay thông điệp thuộc về thế giới phi vật chất. Nó giúp chúng ta hiểu rõ hơn về bản thân, mục đích sống và mối quan hệ với các chúng sinh khác hay vũ trụ. Đây là một quá trình đòi hỏi chúng ta nhận biết và rèn luyện bản thân. Những người có khả năng tâm linh là những người có thể cảm nhận những hiện tượng siêu nhiên. Một số người có sẵn khả năng đặc biệt này ngay từ còn nhỏ.
20/06/2025(Xem: 45)
Bất chấp những ngày nắng mùa hè oi bức, những đêm khuya khoắt, trời mưa, đường sá xa xôi, bệnh tật, tuổi già sức yếu vv mà lòng thành kính với Đức Phật của dòng người nối đuôi nhau, vượt lên trên mọi khó khăn, gian nan, trở ngại, nhất tâm một lòng chiêm bái xá lợi Phật trong niềm hân hoan hỷ lạc. Chứng kiến dòng người với hai tay chắp lại cung kính, vừa đi nhiễu quanh, vừa xá lạy tháp thờ xá lợi Phật. Khoảnh khắc thành kính và thiêng liêng này khiến lòng ‘tôi’ xúc động. Dường như thể, đức tin vào Phật pháp, đang soi rọi trong từng bước chân của người hành hương.
07/06/2025(Xem: 776)
Bài viết này sẽ phân tích lời dạy của sách Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh về ý chỉ Thiền Tông: thấy được cái không được thấy, nghe được cái không được nghe. Trong sách này, gọi ý chỉ đó là Tiếng Không Thành – viết theo âm Hán-Việt là Bất Quả Thanh.
07/06/2025(Xem: 694)
Trưới tiên chúng tôi xin nhắc lại niêm luật thơ 8 hoặc 9 chữ để quý vị nhớ và không khó chịu khi đọc những đọan thơ lạc vần.
04/06/2025(Xem: 875)
Dòng đời xưa nay vẫn thế, từng đời từng đời nối tiếp nhau, thịnh suy bất định, tụ tán vô kỳ. Kiếp người ở thế gian này trong vòng trăm năm, tuy nhiên thật sự “sống” chỉ vài mươi năm, còn lại phần lớn là thời gian của tượng hình, trẻ nít, bệnh tật, già nua… Có không ít người càng kéo dài tuổi thọ lại càng đau khổ: Đau khổ vì thể xác và cả tinh thần, sống không xong chết không được. Kiếp người ở thế gian này buồn vui lẫn lộn nhưng phần nhiều là buồn hơn vui. Suốt trăm năm ấy sum họp và chia ly cũng khó ai biết trước, sinh ly tử biệt là nỗi đoạn trường ai cũng phải qua. Muốn không được mà không muốn cũng không xong.
04/06/2025(Xem: 1011)
Hôm 02/06/2025, chư Tôn đức Tăng Ni giáo phẩm GHPGVN Đà Nẵng, những đại diện lãnh đạo địa phương, đông đảo quý Phật tử và người dân hành lễ cung tiễn xá lợi Phật trong không khí trang nghiêm và tôn kính . Hàng ngàn Phật tử mặc đồng phục, pháp phục đứng hai bên đường bùi ngùi xúc động cung tiễn xá lợi Phật đến tận sây bay quốc tế Đà Nẵng ‘trở về’ quê hương Ấn Độ, nơi Đức Phật thị hiện đản sanh, giác ngộ, niết bàn, để lại cho đời vô số xá lợi và 84000 pháp môn, chỉ đường dẫn lối cho chúng sanh những cách sống an lạc, hạnh phúc, sống từ bi hỷ xả, được chơn lạc, nhơn thiên, niết bàn.
04/06/2025(Xem: 1058)
- Tu là tập cho mình thói quen quan sát lại chính mình. Cảm xúc đến rồi đi như những con sóng xô bờ. Khi tỉnh thức, bạn sẽ hiểu chúng đến từ đâu và nhận ra bản chất vô thường của các ý nghĩ cảm xúc và cả sự vô thường của vạn pháp. Nếu đang buồn chán, bạn không cần phải bám chặt lấy cảm xúc ấy mà hãy đơn giản để nó trôi đi. Cứ để cảm xúc phát khởi, sinh diệt một cách tự nhiên, bạn không can đè nén nó theo cách này hay cách khác.
02/06/2025(Xem: 1071)
Hàng năm vào tháng 4 âm lịch hoa sen bắt đầu nở, những đóa hoa sen tỏa hương thơm báo hiệu mùa Phật Ɖản lại trở về với người con Phật. Hòa chung niềm vui với Phật tử khắp năm châu, ngày chủ nhật 11 tháng 5 năm 2025 vừa qua, chùa Vạn Hạnh đã tổ chức Ɖại lễ Phật Ɖản Phật lịch 2569 để Phật tử và đồng hương về chùa cùng nhau cung kính đón mừng sự xuất thế gian của Ɖức Thích Ca.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com