Tiếng Việt từ TK 17: các thanh hỏi ngã trong chữ quốc ngữ và giọng Sài Gòn (phần 47A)
Nguyễn Cung Thông[1]
Bài này (phần 47A) bàn về giọng Sài Gòn và những đặc tính của giọng này cũng như các nguyên nhân có thể dẫn đến 5 thanh điệu (vì không phân biệt rõ thanh hỏi và thanh ngã) như trong tiếng Việt hiện đại. Nội dung tóm tắt các trao đổi trên diễn đàn du học sinh Colombo Plan ở Úc về cùng chủ đề vào tháng 8 và tháng 9 năm 2024. Nếu cách phát âm của từng chữ là yếu tố quan trọng để phát hiện phương ngữ của tiếng Anh, Pháp thì thanh điệu lại là một tiêu chuẩn ban đầu cho ta phân biệt phương ngữ tiếng Việt một cách đơn giản. Bài này chú trọng vào khuynh hướng thay đổi thanh hỏi và ngã của giọng Bắc so sánh với giọng Nam Bộ (Sài Gòn) hiện nay, đặc biệt qua sự ghi nhận bằng chữ quốc ngữ. Khi trao đổi về đề tài này, lời ca của Phạm Duy[2] vẫn còn văng vẳng đâu đó " ...Tiếng nước tôi ... Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui, khóc cười theo mệnh nước nổi trôi...". Nhạc sĩ Phạm Duy đã nhận xét như trên sau khi lãng du qua các miền đất nước: ngôn ngữ còn mang dấu ấn của những thăng trầm lịch sử của dân tộc. Bài này bàn về dấu vết của những cuộc di dân còn để lại trong thanh hỏi ngã của ba miền Bắc, Trung, Nam cũng như khả năng tiếp xúc ngôn ngữ (language contact/A) theo quá trình Nam Tiến của dân tộc ta. Chúng ta sẽ gặp lại các nốt nhạc trong phần sau vì tương quan dễ nhận ra giữa chúng và thanh điệu tiếng Việt, nhất là khi chưa có dụng cụ thu thanh chính xác. Các chữ viết tắt trong bài này là PQT (Phạm Quang Tuấn), NCT (Nguyễn Cung Thông), VN (Việt Nam), MLT (tài liệu Manuductio ad Linguam Tunkinensem), HV (Hán Việt), A (tiếng Anh), P (tiếng Pháp), L (tiếng La Tinh), VN (Việt Nam), VBL (từ điển Việt Bồ La, năm 1651), BBC (Bản Báo Cáo, phần đầu của VBL), ĐBSCL (Đồng bằng sông Cửu Long), ĐNQATV (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, Huỳnh Tịnh Của), sđd (sách đã dẫn), td (thí dụ).
1. Các âm hỏi và ngã trong chữ Nôm
Trước khi chữ quốc ngữ ra đời, người Việt đã dùng chữ Hán và chữ Nôm để ghi lại các bài văn, thi ca, thư từ ... Tuy nhiên, chữ Nôm (ghi lại tiếng Việt bản địa) không phân biệt âm hỏi và ngã rõ rệt như các thí dụ sau đây
mở mỡ: chữ Nôm dùng chữ mã Hán Việt 馬
mả mã: chữ Nôm dùng mã 馬
ngỏ ngõ: chữ Nôm dùng chữ ngọ Hán Việt 午
lả lã: chữ Nôm dùng lã (lữ) 呂
ngả ngã: chữ Nôm dùng chữ ngã HV 我
vẻ vẽ: chữ Nôm thường dùng chữ vĩ 尾
[1] Nghiên cứu độc lập (Melbourne, Úc) [email protected]; nhân đây xin cảm ơn các anh Hoàng Ngọc Tuấn, Phạm Quang Tuấn, Lê Bá Hồng, Trần Văn Mai, Lưu Tiến Hiệp và chị Nguyễn Thị Kim Thu đã đóng góp trong các trao đổi để trở thành một phần nội dung của bài này.
[2] Trích từ bài "Tình ca" của nhạc sĩ Phạm Duy, sáng tác vào khoảng 1952 sau khi gia đình di cư vào Nam.