- Kính tiễn Cư Sĩ Phù Vân Nguyễn Hòa (1939-2023)
- Nhớ Anh Phù Vân (thơ)
- Nén hương tưởng niệm anh Phù Vân (thơ)
- Diễn Đàn Thi Ca Trang Nhà Quảng Đức Kính Tiễn Thi Sĩ Phù Vân 🌹🥀🌷🍀🌷🌸🏵️🌻🙏🙏🙏🌼🍁🌺🍀🌹🥀🌷🌸
- Muội Huynh Tiễn Biệt
- Đại Bàng Yên Giấc (Thơ Phúng điếu chú Phù Vân)
- Điện Thư Phân Ưu của Tự Viện Pháp Bảo, Sydney, Úc Châu
- Điện Thư Phân Ưu của quý Hội Đoàn kính gởi Gia Đình Tang Quyến Cụ Ông Nguyễn Hòa
- Kính tiễn Cư Sĩ Phù Vân Nguyễn Hòa (1939-2023)
- Sen Nở Trời Tây (Kính tưởng niệm Thi sĩ Phù Vân- Chủ bút tập san Viên Giác. Kính nguyện hương linh Thi Sĩ sớm tiêu diêu nơi miền Cực Lạc.)
- Kính Tiễn Lão Cư Sĩ Nguyên Trí Nguyễn Hòa (1938-2023) - Bài viết: Thị Nghĩa Trần Trung Đạo, Diễn đọc: Hoàng Lan Quảng Thiện Duyên
- Ngoài Xa Dấu Chân May (Thơ Nguyễn Hòa Phù Vân, Nhạc Minh Thao, Ca sĩ Hồng Vân)
- Thắp nén hương lòng tiễn Tùy Anh
- Nhạc phẩm: Đời Vẫn Thế Có, Không (Thơ của Phù Vân , Nhạc của Nguyễn Tuấn, do Ca Sĩ Bảo Yến trình bày)
- Tưởng Niệm Chủ Bút Báo Viên Giác, Phù Vân
- Như Áng Phù Vân (Tưởng nhớ anh Phù Vân, cựu Chủ Bút báo Viên Giác)
- Hình ảnh Tang Lễ Lão Cư Sĩ Nguyễn Hòa, Pháp danh: Nguyên Trí (1938-2023), Chủ Bút Báo Viên Giác, Hannover, Đức Quốc
- Thơ Điếu Tiễn Anh Phù Vân về Cõi Phật
- Điếu văn tưởng niệm anh Phù Vân (Nhóm Bút Nữ Báo Viên Giác)
- Sơ lược tiểu sử Lão Cư SĨ Nguyên Trí Nguyễn Hòa (1938-2023)
- Thư Cảm Tạ sau Tang Lễ Lão Cư Sĩ Nguyễn Hòa, Pháp danh: Nguyên Trí (1938-2023), Chủ Bút Báo Viên Giác, Hannover, Đức Quốc
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Hôm nay gia đình chúng con, chúng tôi xin mạn phép có đôi lời sơ lược về tiểu sử của Thân phụ của chúng con, chúng tôi.
Thân Phụ tên thật là Nguyễn Hòa, pháp danh Nguyên Trí, sinh ngày 10 tháng 5, năm 1938 tại làng Phú Thạnh, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, thành phố Huế, Việt Nam, trong một gia đình có 7 người con; Song thân của Thân phụ là Cụ ông Nguyễn Đính và Cụ bà Phan Thị Em.
Thân Phụ lớn lên và trải qua thời niên thiếu tại thành phố Huế. Là học sinh trường Quốc Học, Huế, ông tốt nghịêp tú tài II tại đây vào năm 1960. Sau đó ông vào Sài gòn để tiếp tục con đường học vấn, năm 1964 tốt nghiệp Kỹ sư Thủy Lâm và những năm sau đó 1973 đến 1975 tốt nghiệp Cao Học Quảng trị Kinh Doanh tại Sài Gòn.
Cũng như bao thanh thiếu niên cùng trang lứa lớn lên và trưởng thành trong lúc đất nước đắm chìm trong chiến tranh, khói lửa vào giai đoạn khốc liệt nhất, của cuộc nội chiến giữa người Việt Quốc gia ở Miền Nam và người Việt Cộng Sản ở Miền Bắc, Thân phụ đã chọn con đường dấn thân và phụng sự đất nước với nhiều chức vụ và trọng trách khác nhau như:
- Trưởng Ty Thủy Lâm Quảng Nam, năm 1964-1968
- Thụ huấn quân sự Trường Bộ Binh Thủ Đức / Khóa 6 - Sĩ Quan biệt phái năm 1969.
- Trưởng Ty Thủy Lâm Đà Nẵng năm 1969-1973. Kiêm Trưởng Khu Thủy Lâm Vùng Một Chiến Thuật năm 1970-1973.
- Chuyên viên Thủy Lâm thuộc Nha Thủy Lâm Saigon năm 1973-1975.
Đến năm 1975, biến cố 30.04 xảy ra, cùng chung số phận với những sĩ quan, viên chức yêu nước dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, Thân phụ đã bị chính quyền Cộng Sản bắt đi tập trung cải tạo, từ năm 1975-1978. Đây là giai đoạn khó khăn, khắc nghiệt nhất đối với gia đình, Thân phụ là cột trụ chính của gia đình, bị bắt giam không biết ngày về, Thân mẫu một mình nuôi 4 con thơ, người con gái lớn nhất được 8 tuổi và cậu út bé nhất vừa tròn 3 tuổi.
Nhưng tục ngữ Việt Nam có câu “Hết cơn bĩ cực đến hồi thái lai”. Năm 1980 Thân Phụ quyết định cùng gia đình vượt biển tìm tự do. Sau những ngày lên đênh trên biển cả, đói khát, may mắn thay, chiếc tàu vượt biển đã được tàu Cap Anamur cứu vớt và cuối cùng cả gia đình được định cư tại Cộng Hòa Liên Bang Đức năm 1980. Thành phố đầu tiên được đưa đến là Rothenburg ob der Tauber, sau đó Thân Phụ đưa gia đình về Hamburg và định cư cho đến ngày hôm nay.
Sau khi đến được bến bờ tự do, Thân Phụ như được hồi sinh. Ông đã tiếp tục cống hiến không ngừng nghỉ trong suốt quãng đời còn lại của mình, cho một nước Việt Nam tự do, dân chủ, cho cộng đồng, cho Đạo pháp qua ngòi bút của mình với bút hiệu Phù Vân và Tùy Anh, ông đã có những hoạt động tại hải ngoại như:
- Cộng tác với Báo chí tại Đức và hải ngoại từ năm 1983
- Ủy Viên Thông Tin và Báo Chí, Ban Chấp Hành Hội Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản tại Hamburg và Vùng Phụ Cận (1983-1985)
- Thành viên Ban Chấp Hành Chi Hội Phật Tử Tỵ Nạn Cộng Sản Hamburg (1984-1990)
- Hội viên Trung Tâm Văn Bút Âu Châu/Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại từ năm 1987: Tổng Thư Ký (1994-1996), Phó Chủ Tịch (1996-1998), Tổng Thư Ký (1998-2000, 2000-2002).
- Thành viên Hội Xây Dựng Tượng Đài Tỵ Nạn Cộng Sản tại Hamburg (2007-2009)
- Chủ Bút Báo Viên Giác từ năm 1995-2023 - Chủ nhiệm Báo Viên Giác từ tháng 7 năm 2023
- Đồng Chủ biên: Đặc San Văn Hóa Phật Giáo các số 1,2,3,4,5 (của nhiều tác giả, Nhà xuất bản Viên Giác Tùng Thư, xuất bản năm 2019, 2020, 2021, 2022,2023)
Những tác phẩm in thành sách đã để lại như:
- Tập thơ Ngoài Xa Dấu Chân Mây (nhà xuất bản Viên Giác, xuất bản 1994) được phổ nhạc bởi nhạc sĩ Minh Thao.
- Tập thơ Trầm Ngãi Thiết Tha (nhà xuất bản Viên Giác, xuất bản 1997)
- Tập thơ Khúc Hát Tiêu Dao (nhà xuất bản Viên Giác, xuất bản 2000)
- Tập truyện Lão Hũ Chìm (xuất bản 2004)
- Bút ký Còn Đó Những Tinh Anh (nhà xuất bản Viên Giác Tùng Thư, xuất bản 2019)
- Tập thơ Cũng Đành Dâu Bể Với Thời Gian (nhà xuất bản Viên Giác Tùng Thư, xuất bản 2023)
Và cùng nhiều tác phẩm văn thơ ngắn đang được đăng trên báo Viên Giác.
Ngày 18 tháng 08 năm 2023 vào lúc 10:10 giờ sáng, Thân Phụ đã nhẹ nhàng, thanh thản ra đi tại bệnh viện Harburg, hưởng thọ 86 tuổi. Thân phụ ra đi để lại cho mọi người một sự thương tiếc vô bờ; cũng như đã để lại một tấm gương cống hiến, làm việc không ngừng nghỉ cho thế hệ sau với bằng chứng là một tác phẩm cuối cùng ông để lại, được sáng tác trên giường bệnh, một ngày trước khi Thân phụ từ giã cõi đời. Bài thơ viết tay mang tựa đề Biển Vẫn Mang Màu Xanh.
Nguyện Cầu cho Hương linh Phụ Thân nhẹ gót vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc Quốc.
Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật.