Những mùa Vu Lan
Cho Trọn Lòng Con
Nguồn: Thích Đức Niệm
Hằng năm đến rằm tháng bảy, không ai bảo ai, mọi người đều cảm thấy nơi lòng sống dậy nỗi nhớ niềm thương, tưởng nhớ đến ông bà cha mẹ, làng nước quê hương, nhớ thương đến những ân nhân thương thân xa cách.
Cách đây gần ba ngàn năm, cũng nhân ngày rằm tháng bảy, vua Ba-Tư-Nặc đã thỉnh Phật và đại chúng vào hoàng cung để cúng dường cầu siêu độ cho tiên vương và thất thế phụ mẫu. Còn tôn-giả A-Nan trước đó đã thọ nhận người tín chủ riêng thỉnh cúng dường, nên không cùng Phật và đại chúng dự lễ trai tăng của vua Ba-Tư-Nặc dâng cúng.
Trên đường về tinh-xá Kỳ-Viên, tôn-giả A-Nan bị trúng kế tà chú Ta-tỳ-ca-la Phạm-Thiên, mắc nạn nữ sắc Ma-Đăng-Già, may thay được Phật và Bồ-Tát Văn-Thù tức khắc cứu thoát. Liền đó, Phật vì A-Nan chỉ bày phương pháp tu hành, khai thị chân tâm. Qua bảy lần Phật gạn hỏi về tâm, A-Nan đã lãnh hội lời Phật, thể nhập được chân tâm của mình. Nội dung câu chuyện Phật khai tâm cho A-Nan trên pháp hội Lăng-Nghiêm, được gói trọn trong bộ kinh Thủ-Lăng-Nghiêm. Qua bộ kinh nầy, ta thấy tôn-giả A-Nan bàng hoàng xúc động nửa mừng nửa tủi, nhưng tôn-giả được cái may mắn trực tiếp tắm trong dòng suối tình thương bao la của Phật. Nhờ Phật hết lòng từ bi chỉ dạy, A-Nan đã tỉnh ngộ không phải trải qua ba kiếp a tăng kỳ mà trực nhận chân tâm, thể nhập Phật tánh, chứng đắc pháp thân. Đây cũng là tâm nguyện thầm kín khẩn thiết chung của tất cả mọi người tu học Phật, ngày đêm hằng tâm miệt mài trên đường giác ngộ được thổ lộ qua tâm tư của tôn-giả A-Nan: “Bất lịch tăng kỳ hoạch pháp thân, nguyện kim đắc quả thành bảo vương, hoàn độ như thị hằng sa chúng”. Người hành đạo mang đại nguyện giác ngộ lợi tha, cho dù gặp phải ma quân chướng nạn, vẫn quyết tâm dõng mãnh tinh tiến với tâm nguyện bền chắc: “Thuấn nhã đa tánh khả tiêu vong, thước ca-ra tâm vô động chuyển”. Hư không dù có tiêu vong, tâm Bồ-đề con vẫn không thay đổi.
Ngày nay, mỗi độ Vu-Lan về, hằng vạn triệu con tim của người con Phật, những người con thảo cháu hiền trên quả địa cầu đồng điệu rung động, nhưng không còn mấy ai nhớ đến sự việc nầy để cùng cảm thông nỗi vui mừng xúc động của tôn-giả A-Nan sau khi được Phật khai thị, trực ngộ chân tâm chứng đặng pháp thân, chẳng phải trải qua ba kiếp a tăng kỳ. Mà điểm đặc biệt kỳ diệu là người ta chỉ còn cảm động hình bóng thâm thiết cứu độ mẹ của tôn-giả Mục-Kiền-Liên, người con hiếu hạnh muôn thuở, khai mở kỷ nguyên hiếu hạnh cho muôn đời.
Mục-Kiền-Liên tôn-giả sau khi tu chứng thánh quả, đã dùng huệ nhãn quán sát thấy mẹ là bà Thanh-Đề đọa đày trong kiếp ngạ quỷ, đói khát khổ sở vô ngần. Mục-Liên rất đỗi xót xa, tự thấy công đức thần lực của mình không đủ khả năng cứu mẹ, phải cầu đến Phật chỉ dạy phương pháp siêu độ.
Đức Phật nói với tôn-giả Mục-Kiền-Liên rằng: “Mẹ ông lúc còn sanh tiền không biết làm việc phước thiện, không tin nhân quả, không kính tin Tam-Bảo, chê bai Tăng Ni, khinh khi người nghèo khó, keo kiết bỏn xẻn, chèn ép hiếp đáp người, nói không giữ lời, nên tội nặng như núi to, mà công đức tu hành của ông chỉ như chiếc thuyền nhỏ, không đủ sức di chuyển đá núi quá to nặng đó. Mà cần phải nhiều chiếc thuyền kết bè hợp lực mới đủ sức đưa tảng đá núi to kia qua biển khổ được.
Vậy, nhân ngày rằm tháng bảy, ngày chư Tăng tự tứ sau ba tháng an cư tròn đầy tịnh tâm chuyên ròng tu niệm, giới đức thanh tịnh trang nghiêm, được nhận lãnh thêm tuổi đạo. Ngày ấy cũng là ngày chư Phật mười phương hoan hỷ, khi thấy hàng trưởng tử Như-Lai tam nghiệp thanh tịnh, giới đức châu viên tinh chuyên tịnh hạnh. Ông nên nhân ngày rằm tháng bảy, ngày chư Tăng tự tứ, ngày chư Tăng thọ đạo tuế, ngày mười phương chư Phật hoan hỷ, mà đem hết tâm thành và khả năng sẵn có khẩn thiết sắm sửa trai diên vật dụng, thiết lễ trai tăng cung thỉnh chư tôn thiền đức thành tâm đem hết tâm thành dâng lên cúng dường, cầu mong quý Ngài chứng trai nạp thọ. Mẹ ông sẽ nhờ giới đức tu hành thanh tịnh của chư Tăng, đức chúng như hải, nhất tâm chú nguyện cùng sự thành tâm khẩn thiết của ông tạo thành sức mạnh tinh thần vạn năng, hiệp cùng thần lực của chư Phật mười phương gia hộ, sẽ chuyển hóa được nghiệp căn của mẹ ông. Như thế mẹ ông mới mong giải nghiệp thoát khổ”.
Tôn-giả Mục-Kiền-Liên đem hết lòng thành, thực hành lời Phật dạy, quả nhiên cảm hóa bà Thanh-Đề hồi tâm hướng thiện, liền đó thoát kiếp ngạ quỷ, được sanh về cảnh giới thiên cung. Câu chuyện này được gói trọn trong bộ kinh Vu-Lan. Từ đấy, ngày rằm tháng bảy còn được gọi là ngày Vu-Lan, tức là ngày giải cứu tội nhân bị đọa đày trong ba đường ác địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Từ đấy trở đi, ngày rằm tháng bảy trở thành ngày báo đáp thâm ân cha mẹ ông bà của những người con thảo cháu hiền. Ngày Vu-Lan thắng hội của những người còn tìm về nguồn gốc ông cha tiên tổ. Ngày cho những người uống nước nhớ nguồn.
Để mở đường hiếu hạnh cho hậu thế, đức Phật nhìn Mục-Kiền-Liên rồi hướng về đại chúng dạy rằng: “Đời sau, hàng đệ tử của ta hoặc là những người con thảo cháu hiền nào muốn báo đền ân sâu nghĩa nặng của cha mẹ hay người thương thân, nên nhân ngày rằm tháng bảy Vu-Lan, noi gương hiếu hạnh của Mục-Kiền-Liên, phát tâm thành kính cúng dường Tam-Bảo, thiết lễ trai tăng, hành thiện bố thí hồi hướng tất cả công đức lành đã làm được cho ân nhân của mình, thì cũng sẽ được phước đức hiệu quả như Mục-Kiền-Liên siêu độ mẹ ngày hôm nay vậy.
Công đức tu hành của các bậc chân Tăng tạo thành sức nặng vạn năng cho sự cầu nguyện cứu khổ độ linh. Do vậy, từ đấy đến nay, ngày rằm tháng bảy mỗi năm đã trở thành ngày Vu-Lan thắng hội, ngày lễ thiêng liêng bất diệt, ngày sưởi ấm lòng người con thảo cháu hiền đã thực hiện hiếu hạnh, ngày mặc nhiên thầm nhắn nhủ người đời: Uống nước nhớ nguồn, làm con phải hiếu, báo đáp thâm ân.
Lễ Vu-Lan là dịp tốt để con cháu hiện còn trên dương thế sống lại trong tình thương ấm cúng ngọt ngào của mẹ cha qua lời kinh cầu nguyện, qua chiếc bông hồng cài trên áo, và thể hiện tâm thành hiếu kính bằng sự làm phước, cúng dường, cầu nguyện trong đại lễ Vu-Lan. Do đó, lễ Vu-Lan còn gọi là lễ giải-đảo-huyền, mang ý nghĩa pháp hội giải cứu tội đọa đày của các vong linh. Bởi mang ý nghĩa thâm sâu mầu nhiệm như vậy, nên lễ rằm tháng bảy thường được gọi là lễ Vu-Lan thắng hội, nghĩa là Pháp hội thù thắng vạn năng, giải thoát đau khổ của những ân nhân quá cố bị đọa đày.
Vào một mùa thu Vu-Lan tháng bảy, cách đây hơn bốn mươi năm về trước, tôi đã lặng lẽ trốn nhà ra đi theo con đường từ bi giác ngộ của đức Phật. Tôi ra đi tuổi hãy còn quá trẻ thơ, không một lời từ biệt người thân ở lại. Tôi ra đi giữa lúc đất nước đang hồi ly loạn binh đao khói lửa. Nên cha tôi lại càng e ngại cho số phận tôi, vì tôi hãy còn quá thơ dại sẽ có thể rơi vào màn lưới dụ hoặc của Việt-Minh, thứ trá hình của cộng sản. Sự ra đi của tôi làm cho gia đình người thân ngày đêm phải lo âu đau buồn không ít. Đặc biệt dì Tám, chị ruột của mẹ tôi, vì quá thương cháu mà đã phải lặn lội khắp nơi, từ tỉnh này đến tỉnh khác để tìm tôi trong nước mắt. Nhưng tôi đã chọn con đường từ bi giải thoát và từ đấy được an lành trong cảnh Phật, giữa lúc bên ngoài chiến tranh bom đạn loạn ly. Sự thoát ly gia đình của tôi đã đạt mục đích ban đầu trên đường học đạo giải thoát.
Cửa Phật mở rộng, giữa lúc bom đạn mịt mù, tôi đã được nhà chùa nhận cho xuống tóc xuất gia làm điệu. Từ đấy, tôi đã sống với thầy bạn qua những ngày đạm bạc tương rau dưa muối vui với cảnh chùa thanh tịnh sớm kinh chiều kệ. Cuộc sống thật là thanh đạm. Ngày làm ruộng vườn công quả gánh nước tưới cây, đêm dưới ánh đèn dầu lung linh năm bảy huynh đệ cùng chung quây quần nghe thầy giảng kinh dạy đạo. Trong cái cảnh trí êm đềm thanh tịnh thoát tục ấy, tôi cảm thấy an lành thanh thoát làm sao! Cho đến hơn bốn mươi năm sau, ngày hôm nay tôi cũng không thể nào quên được và diễn tả cho hết được cái kỷ niệm êm đềm thanh thoát ấy.
Nay nhớ lại buổi ban đầu xuất gia học đạo. Đặc biệt lúc đó hãy còn bé thơ, nhưng lòng dứt sạch vẩn vơ vương vấn thương nhớ nhà. Nhờ vậy, nên lòng tôi cảm thấy vô cùng thanh thoát, thật là gần Phật, như đang thật sống trong cảnh Phật. Từ đấy tôi biết tôi đã tìm ra định hướng, tiến bước trên đường thánh thiện, nhận được tình thương nơi cửa Phật từ bi. Tôi lại càng quyết chí thẳng tiến trên đường học đạo Thích-Ca Mâu-Ni. Ý niệm gia đình quyến thuộc không còn mãnh lực buộc ràng lòng tôi. Nên dù những lời dụ ngọt trở về nhà của những người thương thân đã mấy lần vồ đến tưởng chừng như chiếm trọn cả lòng tôi, lung lạc được ý chí xuất gia cầu đạo của tôi, nhưng thực sự không cách nào làm lay chuyển ý chí xuất trần thượng sĩ của tôi được nữa. Những lời đường mật tuyên truyền của Việt-Minh cũng không sao lay chuyển niềm tin Phật, tâm nguyện dâng hiến trọn đời cho đại nghĩa Phật Pháp phụng sự chúng sanh của tôi. Vì tâm tôi không một chút gì xao xuyến trước những lời ngọt ngào quyến rũ chan chứa tình đời đó.
Trên đường hành đạo dù gặp phải những chướng ngại khó khăn, điều mà tôi đã dự biết, trước khi quyết tâm trốn nhà ra đi tìm thầy học đạo, tôi vẫn nhất quyết tinh tiến không ngừng trên đường học đạo. Lòng đã quyết, tôi kiên tâm nhẫn nhục khắc phục vượt qua mọi trở ngại để tiếp tục tiến bước, lòng dặn lòng phải khắc phục lớp lớp chướng duyên trên đường giải thoát. Đức Phật dạy: Người xuất gia học Phật phải như viên tướng ra trận, không thắng thì da ngựa bọc thây ở chiến trường, như voi say ra trận chỉ biết xông pha tiến tới chớ không lùi. Người xuất gia học đạo là người đang trên đường tìm chân lý, như thuyền đi ngược dòng thác đổ, phải cố sức chống chèo mới mong đến đích. Noi gương thái-tử Sĩ-Đạt-Ta, tôi đã dứt khoát cởi bỏ áo thế tục buộc ràng phiền lụy, mặc lên người chiếc y vàng giải thoát thênh thang, để sẵn sàng bước ra ngoài tam giới.
Suốt hơn bốn mươi năm mang hành trang tinh tấn nhẫn nhục, dùng vũ khí giới, định, huệ, có công lực vạn năng khắc phục những chướng ma. Trên đường hành đạo, tôi đã biết bao lần phấn đấu với những nghịch cảnh chướng duyên trùng trùng, vẫn như lần đầu sơ phát tâm quyết bỏ tục cắt ái từ thân, thời thời khắc khắc lòng tự dặn lòng “dõng mãnh tinh tấn, phải hết sức thận trọng cảnh giác, xa bạn ác, gần minh sư, giữ trọn giới pháp, cẩn thận giữ gìn thân tâm như giữ gìn tròng con mắt”. Tôi luôn luôn khắc sâu nơi lòng lời Phật dạy: “Chiến thắng vạn quân không bằng tự chiến thắng mình. Chiến thắng mình là chiến công oanh liệt nhất”. Ngài còn dạy: “Nầy các con! Các con là những chiến sĩ. Chiến sĩ của trí huệ diệt trừ giặc tham sân si. Chiến sĩ của từ bi vô lượng, của tình thương muôn loài. Như thế đó, các con là chiến sĩ của đạo pháp cao siêu”.
Tôi đã nguyện trọn đời làm chiến sĩ của tình thương, dương cao gươm trí huệ quyết diệt sạch vô minh tam độc. Nhớ lời Phật dạy: “Không hờn giận. Cẩn thận chọn bạn lành. Tránh xa người xấu ác. Bình đẳng hành đạo giác ngộ”. Do đó, mãi mãi suốt tháng năm, nằm lòng lời Phật dạy, trên đường hành đạo giác ngộ, tôi không bao giờ để kẹt tâm vào môn phái, tình nhà, hay bạn ác tri thức kéo lôi sa ngã, như thế để hầu đạt đến chân lý đạo cả, để hoa giải thoát tỏa khắp cõi lòng và cả trần gian, để nước từ bi tắm mát mọi cõi lòng nhân thế đang bị lửa phân biệt tham sân hận cuồng si thiêu đốt.
Nay Phật đã Niết-Bàn, các bậc thầy đã vắng bóng trên cõi trần gian, mà lời vàng Phật dạy, lời thầy thương khuyên sách tấn vẫn còn vang vọng sống mãi nơi lòng tôi. Nhờ thế, trải hơn bốn mươi năm, tôi chưa bao giờ dám một lần ngồi không nhàn đàm thuyết suông cuồng luận tiêu phí thời gian luống qua vô ích. Nơi tâm khảm tôi lúc nào cũng ghi khắc sâu ân Phật trọn đời hy sinh hóa độ; ân cha mẹ khổ cực dưỡng dục thành thân nầy; ân sư trưởng dầy công dẫn đường dạy dỗ; ân thiện hữu tri thức giúp đỡ trên đường tu; ân đàn na thí chủ giúp hộ cúng dường nuôi dưỡng; ân những người can trường xông pha sương gió hiểm nguy hy sinh cho đại nghĩa gìn giữ đất nước được yên lành, nhờ đó tôi được an thân hành đạo. Tất cả những ân sâu nghĩa nặng ấy hãy còn trĩu nặng trên vai ghi sâu nơi lòng. Tôi phải làm gì đây để đền đáp? Chưa trọn vẹn đáp đền được thâm ân nghĩa trọng ấy thì lòng không an. Nên tôi phải tự cảnh giác ngày đêm tinh tấn hành đạo hơn nữa.
Thưa cha mẹ! Giờ đây cha mẹ nhìn con có lẽ sẽ không còn phiền trách như xưa về việc con trốn nhà đi xuất gia học đạo tu hành nữa?! Nếu con không trốn nhà xuất gia đầu Phật, thì sẽ khó mà thực hiện ý nguyện học đạo giác ngộ giải thoát. Vả lại, nếu con không đi tu thì khó tránh khỏi tốn phí tiền của cha mẹ khi con lập gia đình, và cũng rất khó tránh khỏi cái cảnh dâu cháu làm phiền lụy đến mẹ cha. Nếu con theo con đường của cha mẹ đã đi, tức là con đường ân ái gia đình vợ con, thì có lẽ suốt đời không cách nào bứt bỏ nổi xiềng xích của gia đình thê tử ái ân. Và như thế thì đời con sẽ mãi mãi đầu tắt mặt tối, tim óc rối như tơ vò, suốt kiếp lặn hụp quẩn quanh trong lò thiêu đốt của tình trường danh lợi ái ân chật hẹp ích kỷ. Như vậy, đời con sẽ mãi mãi giam hãm trong ngục tù tăm tối của tình đời, chứ không mong gì hiến dâng trọn đời cho lý tưởng từ bi, trải rộng tình thương đem hương hoa giải thoát, mang ánh sáng giác ngộ của đức Phật đến mọi người như ngày hôm nay, mà con đã và đang làm. Sự trốn nhà ra đi xuất gia của con có tạo buồn phiền cho cha mẹ trong thời gian ngắn thuở ấy, nhưng ngày nay con đã tìm ra lẽ sống tự tại giải thoát chân thật và trang trải tình thương bao la không biên giới cho đời. Con nguyện học đòi thái-tử Tất-Đạt-Đa trốn nhà ra đi để sống đời vị tha cao cả. Con noi gương theo Mục-Kiền-Liên tôn giả đem trọn đời hành đạo hồi hướng báo đáp thâm ân. Xin cha mẹ cảm thông chứng giám!
Suốt bao năm hoằng pháp đó đây, tôi đã chứng kiến một hiện tượng tâm lý kỳ lạ, vừa nghịch lý, vừa mâu thuẫn mà được người đời yêu chuộng duy trì và tồn tại: Đó là các bậc cha mẹ thấy đời sống những bậc xuất gia tu hành hiền đức đạo hạnh thanh cao, giải thoát, nên thường nói: “ Tu thì quý lắm! Có gì quý cho bằng tu! Tu là cội phúc, tình là dây oan”. Lời nói này thầm kín biểu lộ sự mến mộ về đời sống tu hành giải thoát. Đôi lúc còn ước ao chính mình làm sao cũng được tu hành giải thoát tự tại nữa. Thế nhưng, các bậc cha mẹ lại thật tình không muốn dọn mình, thu xếp gia đình, đem quãng đời còn lại để xuất gia hiến thân cho lý tưởng vị tha giải thoát. Lại cũng không muốn con cái mình cắt ái từ thân, bước lên con đường xuất gia thênh thang giác ngộ của đức Phật. Không những không khuyến khích con cháu xuất gia đi vào con đường đạo hạnh an lành giải thoát của Phật Thích-Ca, mà lại còn cố ý cản ngăn con cháu nào hảo tâm có ý xuất gia nữa là khác! Ai cũng biết “nhứt nhơn thành đạo, cửu huyền siêu thăng”. Và ai cũng biết người tu hành với tâm nguyện: “Phụ mẫu đắc ly trần, hiếu đạo phương thành tựu”. Cha mẹ được thoát ly trần ai khổ lụy, thì tu hành, hiếu đạo mới thành tựu. Có tu mới thành đạo. Có tu cửu huyền phụ mẫu mới được an lành siêu thăng. Ý nghĩa rõ ràng như ánh sáng mặt trời. Lợi ích việc tu hành thực tế như ăn cơm khi đói.
Thế mà tự mình không muốn hiến thân cho Tăng-bảo. Lại cũng không muốn con cháu vào hàng Tăng-bảo đem đạo đức xây dựng nguồn sống an lạc cho đời, thì thử hỏi làm sao đủ người hoằng truyền đạo, làm sao tạo được cuộc đời an vui thánh thiện? Điều này đưa đến hệ quả thiếu chân tăng hoằng truyền đạo pháp ngày hôm nay. Chùa thiếu thầy trụ trì trông nom ngôi Tam-bảo. Thường thì cha mẹ lúc nào cũng muốn con cái đi vào con đường gia đình vợ con ân ái, nhưng nào có biết đó là vô tình xiềng xích trói buộc con cái mãi mãi vào cảnh phiền khổ triền miên đời này đến kiếp khác. Cứ mải lo ái ân gia đình danh lợi mà không lo tu tâm sửa tánh tu bồi phước đức thì một mai hoạn nạn xảy đến, quỷ vô thường bệnh chết cuốn lôi, chỉ còn biết cầu Phật kêu trời oán thán, đâu còn thời gian để tạo phúc đức an lành hạnh phúc!?
Trên đường hành đạo, tôi đã bao lần nghe thấy đó đây các Phật tử cũng như không Phật tử thường tỏ lòng ước ao làm sao có được nhiều thầy hành đạo, chùa nên có trụ trì để hướng dẫn tín chúng tu hành, hoằng truyền Phật pháp. Nhưng chính tự bản thân những Phật tử lại không muốn cống hiến đời mình cho tăng bảo, lại cũng không muốn con cháu phát tâm xuất gia, thì thử hỏi tăng bảo tìm đâu ra để đáp ứng nhu cầu mong muốn? Muốn thâm hiểu Phật pháp, nhưng lòng lại không thích nghiên cứu kinh điển, cũng chẳng ham nghe thuyết pháp giảng kinh, tầm thầy học đạo. Muốn giàu sang phú quý, nhưng lại không thích bố thí cúng dường làm việc từ thiện. Muốn trường thọ mạnh khỏe, nhưng lại không chịu phát tâm ăn chay, phóng sanh. Muốn tướng hảo thanh cao, nhưng lại không giữ gìn lời nói đạo đức chân thật. Tục ngữ có câu: “Muốn ăn phải lăn vào bếp”. Thánh nhân dạy: “Làm lành gặp lành. Làm ác gặp ác”. Phật dạy: “Nhân nào quả nấy như bóng theo hình”. Ấy vậy mà khi có ai khuyên phát tâm ăn chay hoặc trường trai hoặc kỳ trai, thì được trả lời: “Ăn chay thiếu sức khoẻ”. Nhưng sự thật các thầy trường trai, đạm bạc từ thuở bé, mà vị nào tướng mạo cũng tươi mạnh khỏe khoắn. Trong lúc đó nhà thương chứa đầy bệnh nhân toàn là ăn mặn. Hoặc có người hỏi: Cháu nó có lòng mộ đạo, sao bác không cho nó xuất gia đầu Phật để có được cuộc sống thanh tịnh thanh thoát? Thì được nhận ngay câu trả lời không chút nghĩ ngợi: Ồ! Tu hành khó khổ lắm, sợ nó không làm được đâu! Hoặc nếu có bạn lành khuyên học đạo đi chùa tụng kinh, nghe thuyết pháp thì liền trả lời: Ồ tôi bận lắm! Nghĩa là nghiệp chướng bao vây. Tối ngày vần xoay tạo nghiệp để rồi tiếp tục kiếp kiếp sống trong bất hạnh khổ đau!
Suy gẫm cho tận cùng chỗ thâm sâu của sự thật thì, có khổ nào bằng khổ gia đình vợ chồng con cái? Nhìn thật kỹ thì đã mấy gia đình được thật sự hạnh phúc, vợ chồng con cái thật sự thắm thiết ấm êm? Thế mà chịu được, sống được! Thảo nào cổ đức đã chẳng thầm bảo: Con là nợ, vợ chồng là oan gia, cửa nhà là nghiệp báo đó sao? Ba thứ nầy hễ một khi dính mắc vào thì bị trói buộc phiền lụy đến chết, ấy vậy mà chịu nổi. Nghĩa là con người vẫn chịu nổi cảnh oan gia nghiệp báo trói buộc đó. Đắm mê chuyện danh lợi thế gian để chất chồng thêm kiếp đa mang nghiệp lụy. Luyến say chuyện thế tình vợ con ân ái, chỉ buộc ràng thêm xiềng xích oan khiên nghiệp khổ vô cùng! Sao không nghe hiền nhân nhắc nhở: “Khi nào dứt bỏ tình danh lợi, cửa Phật từ bi sống an lành”.
Thánh nhân đã nhận chân cuộc đời vốn là mộng huyễn, mà con người cứ triền miên say đắm bạc tiền quyền uy danh vọng mộng huyễn đó, rồi dong ruổi theo lửa dục tình ân ái, mải mê theo hư vọng hão huyền, để phải kiếp kiếp bơi lội trong biển khổ, chuốc lấy nhọc trí lao tâm suốt đời! Bởi do con người mê muội lấy giả làm chân, nhận giặc làm con, lấy ô uế làm thanh tịnh, đắm say trong mê muội cuối cùng chỉ còn hai bàn tay dính đầy chướng nghiệp và tâm thức mang nghiệp ra đi. Sao con người không khôn ngoan sáng suốt thu xếp hoàn cảnh, khắc phục lòng mình điều tâm sửa tánh để chọn lấy sự an lành chân thật? Như thi nhân với cặp mắt sâu sắc nhìn đời đã thầm nhắn gởi người trần thế:
Lấy gió mát trăng thanh kết nghĩa
Mượn hoa đàm đuốc tuệ làm duyên
Thoát trần một gót thiên nhiên
Cái thân ngoại vật là tiên trong đời
Hôm nay nhân lễ Vu-Lan thắng hội, noi gương đức Mục-Kiền-Liên, con hướng trọn tâm thành, nguyện đem công đức tu hành của kiếp phù sinh bọt bèo trong suốt hơn bốn mươi năm, dâng lên cúng dường đại lễ Vu-Lan thắng hội, hồi hướng cho cha mẹ được sanh miền Cực-Lạc. Nơi đó, hóa sanh từ chín phẩm hoa sen ngát hương giải thoát, cha mẹ sẽ thưởng thức tiếng hót kỳ diệu của các loài chim, tiếng suối reo, tiếng gió thoảng, tiếng phong linh, tiếng nhạc trời mà trần gian không có, hòa điệu tạo thành âm thanh tuyệt diệu khiến người nhứt tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Cha mẹ sẽ được nghe tiếng Pháp âm của đức Phật A-Di-Đà, chứng được vô sanh pháp nhẫn, chấm dứt vòng luân hồi, thảnh thơi thanh thoát nơi cảnh Phật.
Phần con ở cõi trần ác thế ngũ trược nầy, nguyện tiếp tục bước theo gót đức Thích-Ca từ phụ sống đời vị tha, lấy pháp giới làm nhà, lấy chúng sanh làm quyến thuộc, mang đại nguyện vào cõi Ta-bà kham nhẫn hành đạo Bồ-đề, để chúng sanh và con đồng được giác ngộ giải thoát, cho đến bao giờ thành đạo cả mới thôi.
Mẹ cha là cả trời thương
Là nguồn sống của thiên đường trần gian
Mẹ cha về cõi Niết-bàn
Lòng con toại nguyện muôn ngàn nhớ thương.