Đức Trưởng lão
Hòa thượng Thích Huệ Tánh
(1933 - 2022)
I. Thân thế
Hòa thượng họ Lê húy Đình Thông, Pháp danh Nguyên Đạt, Pháp hiệu Thích Huệ Tánh. Ngài sinh ngày 15 tháng 7 năm 1933 trong một gia đình thâm tín Tam bảo tại tổng Văn Vận, phủ Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị (nay là làng Văn Vận, xã Hải Quy, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị). Thân phụ là cụ ông Lê Đình Ích pháp danh Tâm Lợi, thân mẫu là cụ bà Lê Thị Tá pháp danh Tâm Hoàn, Hòa thượng là con thứ 3 trong gia đình gồm có 4 anh chị em.
II. Thời kỳ xuất gia học đạo
Xuất thân trong gia đình thuần nông kính tin Tam bảo, từ thuở nhỏ Hòa thượng đã sớm bộc lộ niềm tôn kính Đức Phật và có chí nguyện xuất gia học đạo. Do vậy vào năm 10 tuổi, theo chân Thầy Nhật Lệ (Hòa thượng Thích Nhật Lệ) ở tại chùa Quan Thánh (Quảng Trị) để đi học và tập sự nếp sống Thiền môn. Nhân duyên chín muồi, năm 1945 Hòa thượng đến Kinh đô Huế, bái Hòa thượng thượng Trí hạ Thủ làm thầy tế độ tạitổ đình Sắc Tứ Báo Quốc Hàm Long Thiên Thọ tự nối dòng pháp Liễu Quán đời thứ 44 pháp danh Nguyên Đạt, hiệu Huệ Tánh.
Năm 1949, Ngài thọ Sa-di giới tại Đại giới đàn Hộ quốc - chùa Báo Quốc Huế do Hòa thượng Thích Tịnh Khiết đàn đầu, Hòa thượng Thích Giác Nhiên Giới sư. Đến năm 1955, ngài được Bổn sư cho đăng đàn thọ Cụ túc giới tại Đại giới đàn chùa Báo Quốc do Hòa thượng Giác Nhiên làm đàn đầu, Hòa thượng Trí Thủ làm Giới sư, chính thức dự vào dòng Thích tử.
Với tư chất thông minh, hiếu học, tinh thông nội điển và ngoại điển, Hòa thượng được các bậc ân sư ưu ái vun bồi cho nhiều sở học. Năm 1956, đậu Bằng Sơ học yếu lược, năm1960, tham học tại Phật học đường Báo Quốc ở cố đô – Huế. Đến năm 1963 đỗ tú tài 1.
Sau khi đỗ bằng Pháp văn năm 1964 và tú tài phần 2 năm 1965, Hòa thượng được Bổn sư gửi vào học tại Phật học viện Trung phần Hải Đức Nha Trang. Tiếp theo đó ngài tốt nghiệp khóa học tại Phật học viện Trung phần. Năm 1966, Hòa thượng vào Quảng Hương Già Lam theo học tại Viện Đại học Vạn Hạnh – Sài Gòn. Năm 1968, tốt nghiệp Đại học Văn khoa. Người rất am tường sử học, đặc biệt là những giai thoại các triều đại Việt Nam, luôn tìm tòi những chứng tích về nguồn cội văn hóa và Phật giáo Việt Nam.
III. Quá trình hành đạo
Sau khi tốt nghiệp các Trường Phật học và thế học, Hòa thượng tham gia giảng dạy Trường Đạt Đức – Sài gòn, Trường Bồ đề Gò Công và Bình Dương. Năm 1969, ngài được Tổng Vụ Văn hóa Giáo dục thuộc Giáo hội PGVNTN cử đảm trách chức Hiệu trưởng Trường Trung Tiểu học Tư thục Bồ Đề Cam Ranh. Năm 1971, Hòa thượng được Tổng vụ Văn hóa Giáo dục thuộc Viện Hóa đạo bổ nhiệm đến Bình Thuận để đảm trách chức vụ Giám học Trường Tư thục Bồ Đề Phan Thiết và giữ chức vụ này cho đến năm 1975, sau khi bàn giao Trường Bồ đề cho Nhà nước làm trường học, Hòa thượng thu xếp hồ sơ, tài liệu của hàng ngàn học sinh về lưu giữ cho đến ngày nay. Trong thời kỳ mới thống nhất đất nước, kinh tế khó khăn, theo lẽ đó Hòa thượng cùng với một số quý thầy, giáo sư Trường Bồ Đề đến vùng Sở Đá – Mương Mán vừa tu tập vừa canh tác trồng hoa màu để tự túc đời sống. Vận dụng khế lý khế cơ, thời gian này Hòa thượng vẫn thực hiện sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh theo những cách riêng phù hợp với xu hướng của thời đại.
Ngày 15-3-1973, theo thỉnh cầu của Hội Hướng đạo Bình Thuận, với đạo hạnh cao thâm sẵn có, Hòa thượng nhận làm cố vấn giáo lý cho Hướng đạo sinh Phật giáo – Thiếu đoàn Trần Quốc Tuấn để dẫn dắt các Phật tử trẻ với chức trách giảng sư.
Ngày 14-4-1974, Hòa thượng giữ chức vụ Đặc ủy Văn hóa kiêm Đặc ủy Giáo dục của Ban Đại diện GHPGVNTN tỉnh Bình Thuận.
Ngày 18-4-1975, trước 1 ngày giải phóng Phan Thiết, nhận được thông tư đặc biệt, thể hiện tinh thần vô úy của Đạo Phật, sát cánh cùng đồng bào trong cơn chiến nạn, để hướng dẫn nhau ra khỏi vùng giao tranh, giúp đỡ và an ủi những gia đình có thân nhân bị thương vong, Hòa thượng được sự đồng thuận của Tỉnh trưởng Tỉnh Bình Thuận di chuyển qua vùng chiến trận giúp đỡ đồng bào chiến nạn.
Ngày 10-11-1975, Hòa thượng được Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất tỉnh Bình Thuận bổ nhiệm trụ trì chùa Tỉnh Hội do Trưởng lão Hòa thượng Tường Vân ấn ký.
Ngày 2-11-1976, Hòa thượng giữ chức vụ Đặc ủy Thanh niên Ban Đại diện hợp nhất của GHPGVNTN tỉnh Thuận Hải do Hòa thượng Thích Trí Thủ, Viện Trưởng viện Hóa đạo Ban hành Quyết định.
Năm 1979, Hòa thượng về trụ trì chùa Thiền Lâm, Đức Long, Phan Thiết. Sau đó giao lại cho đệ tử Thích Thiện Pháp.
Năm 1982, sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, Hòa thượng là thành viên chủ chốt trong việc vận động hình thành Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Thuận Hải và ngài được đề cử đảm trách chức vụ Trưởng ban Hoằng Pháp từ nhiệm kỳ I (1981) đến nhiệm kỳ VI (2012).
Năm 1987, Hòa thượng được Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thuận Hải bổ nhiệm trụ trì chùa Phật Quang – ngôi cổ tự được xây dựng vào niên hiệu Chính Hòa (1680-1705). Cũng vào năm này, Hòa thượng phát tâm trùng tu ngôi Tam bảo và phát hiện nơi lưu giữ Bộ kinh Pháp hoa bằng gỗ vô cùng quý giá, cũng như tài liệu hoạt động cách mạng rất quan trọng được giấu trong tượng Phật.
Năm 1990, Hòa thượng được cung thỉnh làm tôn chứng Tăng già tại đại giới đàn Hữu Đức, do Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Thuận Hải tổ chức. Hòa thượng phát nguyện xây vòng thành và cổng tam quan chùa Phật Quang, kiến thiết vườn chùa, trồng hoa sứ thái, dựng vườn Phật tích, tạo cảnh Phật trang nghiêm cho chùa nổi bật giữa lòng Phan Thiết.
Từ năm 1991 đến năm 2005, Hòa thượng được mời vào Ban Chức sự hạ trường Tòng Lâm Vạn Thiện.
Vào năm 1992, khi Trường Cơ bản Phật học (nay là Trường Trung cấp Phật học) Bình Thuận được thành lập, Hòa thượng làm Tổng Giám luật và cũng là giáo thọ giảng dạy bộ môn Luật học Phật giáo cho đến năm 2006. Cũng trong năm này, nhân Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ III, Hòa thượng được tấn phong lên hàng giáo phẩm Thượng tọa.
Năm 1994, Hòa thượng được cung thỉnh làm Đệ Tam tôn chứng Tăng già tại Giới đàn Bảo Tạng, do Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bình Thuận tổ chức.
Năm 2003, Hòa thượng phát nguyện đặt viên đá trùng kiến chùa Phật Quang, theo lối kiến trúc cung đình Huế.
Năm 2007, tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VI, ngài được Đại hội tấn phong lên hàng giáo phẩm Hòa thượng.
Năm 2012, Hòa thượng khai sơn chùa Phật Quang II ở xã Măng Tố, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận. Cũng trong năm này, Hòa thượng được Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Thuận cung thỉnh vào ngôi vị Giáo phẩm chứng minh Ban Trị sự nhiệm kỳ VII (2012-2017) và nhiệm kỳ VIII (2017-2022).
Năm 2015, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Thuận tổ chức Đại Giới đàn Nguyên Hương tại Tòng Lâm Vạn Thiện, Hòa thượng được cung thỉnh vào ngôi vị Đường đầu truyền giới Sa-di.
Tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần VIII, NK. (2017 – 2022) Hòa thượng được suy tôn vào ngôi vị Thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN.
4. Công hạnh tiếp Tăng độ chúng
Sinh thời Hòa thượng thường dạy chúng đệ tử cũng như bản thân ngài thực hiện chí nguyện của người xuất trần thượng sĩ, thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh – bằng con đường giáo dục, hoằng pháp lợi sinh, hướng dẫn nếp sống tâm linh Thiền - Tịnh - Mật song hành. Xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo Tăng tài, truyền đăng tục diệm, kế vãng khai lai, sống với bản hoài đức từ hóa độ. Ngài dạy đồ chúng luôn luôn sống lục hòa cộng trụ, thiết lập 13 lời di huấn cho hàng đệ tử thực hành. Mặc dù niên lạp ngày càng cao nhưng ngài luôn luôn chuyên cần tinh tấn, trau dồi kiến thức không ngừng nghỉ, những bài pháp ngữ của Hòa thượng luôn có dấu ấn lịch sử, lòng tự tôn Dân tộc, giữ gìn truyền thống, tinh hoa Văn hóa Việt Phật.
Vì lẽ đó, mặc dù thân thể gầy ốm nhưng với mật hạnh đầu đà, tam thường bất túc, ăn rau, ít ngủ, đi chân trần, gần gũi với thiên nhiên, thương động vật, đặc biệt hơn nữa mặc dù trong thời đại công nghệ phát triển, vật chất đầy đủ nhưng Hòa thượng vẫn không sử dụng đến. Tất cả bằng thân, khẩu và ý giáo Hòa thượng thế phát xuất gia và làm Thầy y chỉ trên 50 vị Tăng Ni, hàng chục ngàn tín đồ. Những người đệ tử xuất gia của Hòa thượng đều được học hành đỗ đạt, trụ trì nhiều tự viện trong và ngoài nước, có nhiều vị tham gia Giáo hội giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh và địa phương tiếp nối con đường của Hòa thượng phục vụ cho Đạo pháp và Dân tộc.
Với tình thương bao la, thân thể bất từ bì quyện, ngài chứng minh, chủ trì tất cả mọi Phật sự từ trong tỉnh đến ngoài tỉnh, từ miền Trung, vào miền Nam, ra miền Bắc.
Để tôn vinh công đức và đạo hạnh của Hòa thượng, Giáo hội các cấp từ Trung ương đến địa phương, chính quyền, Mặt trận đã trao tặng nhiều Bằng tuyên dương công đức và Bằng khen cao quý.
5. Thời kỳ viên tịch
Những năm tháng cuối đời, sau khi đã đem bao tâm lực cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, xiển dương Phật pháp, cũng như việc đào tạo hàng hậu học, nhận thấy sức khỏe của mình ngày càng suy giảm, Hòa thượng sắp xếp mọi Phật sự, dạy đồ chúng phải đoàn kết thương yêu bảo bọc nhau để sống. Tuy sức mòn, lực kiệt nhưng trí tuệ rất minh mẫn sáng suốt, tinh tường mọi việc, ngài dạy đồ chúng về tánh không Bát nhã Tâm kinh, ghi nhớ nằm lòng 7 chữ bất, 8 chữ không, và 21 chữ vô, cốt yếu là chữ “Tâm”. Vào ngày 23 tháng Chạp năm Tân Sửu, dự tri sức khỏe của mình, Hòa thượng cho gọi các đệ tử xuất gia về căn dặn, rồi mặc y hậu lạy Phật, bái Tổ để chuẩn bị cho lộ trình vô tung bất diệt, ngài ứng khẩu:
Huệ Tánh lánh đời chuyện bình thường
Xin đừng ai nhớ chớ ai thương
Hoạn lộ hữu duyên thiên lý ngộ
Vân tùng hữu xạ tự nhiên hương
Xưa nay sanh tử ai mà chẳng
Phật dạy tự lực với tự cường
Vẫy cánh tay từ chào vĩnh biệt
Bà con ở lại chúc an khương
Vào lúc 15 giờ 30 phút ngày 13 tháng 2 năm Nhâm Dần, tức ngày 15-3-2022 Hòa thượng thuận thế vô thường an nhiên thị tịch, trụ thế 89 tuổi, hạ lạp 67 năm.
Nam mô Từ Lâm Tế Chánh Tông tứ thập tứ thế Phật Quang đường thượng trụ trì, khai sơn Phật Quang tự đệ nhị, húy thượng NGUYÊN hạ ĐẠT, hiệu HUỆ TÁNH, Giác linh Hòa thượng thùy từ chứng giám.