225 Câu trích dẫn giáo huấn
của Đức Đạt-lai Lạt-ma
Đức Đạt-lai Lạt-ma
1- Tình thương yêu
2- Tiền bạc
3- Hạnh phúc
4- Lòng tốt
5- Sự đổi thay
6- Sự giận dữ và xung đột
7- Lòng từ bi
8- Các thể dạng tâm thần
9- Nhân loại
10- Sự u mê
11- Thế giới nội tâm
12- Hòa bình
13- Sự liên hệ giữa con người.
14- Tôn giáo
15- Trí tuệ
16- Tự biến cải chính mình
17- Khổ đau
18- Tâm linh
19- Sự sống
20- Bạo lực
21- Các câu trích dẫn khác của Đức Đạt-lai Lạ-ma
Bài 2
Câu 20 đến 43
***
3) Các câu trích dẫn của Đức Đạt-lai Lạt-ma về hạnh phúc
Câu 20
Niềm hân hoan thuộc quyền năng của mình,
vậy hãy vun xới nó!
Câu 21
Hạnh phúc không phải là một cái gì tự nhiên mà có.
Câu 22
Hạnh phúc trong từng ngày nhất thiết tùy thuộc vào thái độ hành xử của chính mình.
(trích trong quyển L'art du bonheur / Nghệ thuật mang lại hạnh phúc, nxb Poche, 2008)
Câu 23
Chính mình tự tạo ra số phận của mình,
vì vậy chính mình cũng phải tự tạo ra nguyên nhân mang lại hạnh phúc cho mình
Câu 24
Tất cả mọi người đều có quyền được hưởng hạnh phúc,
thế nhưng không bất cứ ai có quyền tàn phá hạnh phúc của kẻ khác.
Câu 25
Hạnh phúc không phải là một cái gì đó đến với mình như là một sản phẩm tiền chế,
nó chỉ phát sinh từ các hành động của chính mình.
Câu 26
Hạnh phúc đích thật không tùy thuộc vào kẻ khác,
hay bất cứ một thứ gì khác từ bên ngoài.
Nó tùy thuộc vào chính mình.
Câu 27
Một tâm thức từ bi hơn, quan tâm nhiều hơn đến sự an vui của kẻ khác,
là cội nguồn của hạnh phúc.
Câu 28
Con đường đưa đến hạnh phúc chính là lòng vị tha,
và cũng là khát vọng mang lại sự an vui cho kẻ khác.
Câu 29
Phải tập ý thức về hậu quả to lớn gây ra bởi những thứ phù phiếm,
để đến khi bước vào đoạn cuối của con đường,
thì mình sẽ tìm được hạnh phúc và sự trong sáng.
(của cải vật chất chẳng hạn là những gì phù phiếm, ý thức được điều đó thì đến khi bắt đầu bước vào đoạn cuối cuộc sống, thì tất chúng ta sẽ tìm được sự an vui và thanh thản)
Câu 30
Hạnh phúc không những chỉ mang lại bởi các cảnh huống bên ngoài,
mà nhất thiết phát sinh từ các thái độ tâm thần của chính mình.
Câu 31 .
Chủ động tâm thức, từ bỏ những thứ phù phiếm,
sống hòa hợp với kẻ khác và cả chính mình,
thì nhất định sẽ mang lại hạnh phúc cho mình.
Câu 32
Càng quan tâm đến hạnh phúc của kẻ khác,
cũng là cách càng bồi đắp hạnh phúc cho chính mình.
(trích trong quyển 365 méditations quotidiennes du Dalai- Lama, Matthieu Ricard, Poche, 2013 / 365 Lời khuyên tâm huyết của Đức Đạt-lai Lạt-ma, Hoang phong chuyển ngữ).
Câu 32
Thật hết sức quan trọng là phải tạo ra cho mình một thái độ hành xử tốt
và một con tim nhân từ,
nhiều chừng nào tốt chừng ấy.
Thái độ đó, con tim đó sẽ mang lại hạnh phúc ngắn hạn và cả lâu dài
cho mình và cả kẻ khác.
Câu 33
Kẻ thù đích thật của chúng ta chính là các thứ độc tố tâm thần của chính chúng ta:
đó là các sự u mê (vô minh), lòng đố kỵ và sự kiêu hãnh.
Chúng là các kẻ thù duy nhất có thể tàn phá hạnh phúc của chúng ta.
(trích trong quyển 365 méditations du Dalai Lama, id).
Câu 35
Thật hết sức quan trọng là phải ý thức được hạnh phúc của mình
mật thiết liên hệ với hạnh phúc của kẻ khác như thế nào.
Không có bất cứ một thứ hạnh phúc nào mang tính cách cá nhân
và hoàn toàn tách biệt với kẻ khác.
(mình không thể hạnh phúc khi kẻ khác khổ đau. Trích trong quyển Mon autobiographie spirituelle, id).
Câu 36
Quả hết sức lạ lùng, dù sự thèm khát của mình được thỏa mãn đi nữa,
thế nhưng không phải vì thế mà mình luôn cảm thấy hài lòng.
Lòng tham không có một giới hạn nào cả,
mà chỉ là nguyên nhân tạo ra mọi sự bấn loạn mà thôi.
Hài lòng là liều thuốc hóa giải duy nhất.
Câu 37
Những ai mong cầu tạo được cho mình một cuộc sống hạnh phúc
thì thật hết sức quan trọng là phải biết sử dụng
cùng lúc cả hai phương tiện: nội tâm và ngoại cảnh.
Nói một cách khác là phải kết hợp được sự phát triển vật chất và sự phát triển tâm linh,
Câu 38
Các cảm nhận hạnh phúc hay khổ đau
không mấy khi tùy thuộc vào thực trạng của chúng ta trong lãnh vực tuyệt đối,
mà tùy thuộc nhiều hơn vào sự nhận thức của chúng ta về các cảnh huống của mình,
có nghĩa là khả năng tạo được sự thỏa mãn cho mình về những gì mình có.
(trích trong quyển Art du bonheur, id)
Câu 39
Sống đơn sơ là cách tốt nhất giúp mình cảm thấy hạnh phúc.
Sự đơn sơ thật hết sức quan trọng trong việc mang lại hạnh phúc cho mình.
Bớt thèm muốn và hãy vừa lòng với những gì mình có.
(trích trong quyển Les mots de sa Sainteté le Dalai Lama / Lời nói của Đức Đạt-lai Lạt-ma, François Gautier, Flammarion, 2018).
Câu 40
Nói chung, bước đầu trong việc tìm kiếm hạnh phúc là sự tập tành.
Một mặt phải tìm hiểu xem các xúc cảm và các thái độ hành xử tiêu cực
sẽ mang lại cho mình các tác hại như thế nào,
và một mặt khác, các xúc cảm tích cực sẽ mang lại cho mình những điều bổ ích ra sao.
(trích trong quyển l' Art du du bonheur, id).
Câu 41
Chúng ta chỉ có thể đạt được hạnh phúc mang tính cách an bình và toại nguyện đích thật
bằng cách cố gắng đến cùng để sẵn sàng hy sinh sự thụ hưởng nhất thời của mình
hầu mang lại sự an vui lâu dài cho kẻ khác,
(trích trong quyển Sagesse ancienne, Monde moderne / Trí tuệ nghìn xưa, thế giới hiện đai, dịch giả Eric Diacon, Poche, 2002).
Câu 42
Khơi động lòng từ tâm và các tư duy tích cực,
tha thứ cho những ai phạm vào sai lầm đối với mình,
đối xử với mọi người như bạn hữu,
cứu giúp những ai đang trong cảnh khổ đau,
không bao giờ xem mình cao hơn kẻ khác.
Dù cho những lời khuyên trên đây có quá đơn giản đi nữa,
thế nhưng hãy cứ thử áp dụng xem có mang lại cho mình nhiều hạnh phúc hơn chăng?
Câu 43
Tạo cho mình một niềm hạnh phúc đích thật sẽ có thể biến cải thái độ hành xử của mình
và cả cung cách suy nghĩ của mình,
thế nhưng điều đó chưa hẳn là một sự hiển nhiên.
Sự biến cải đó còn tùy thuộc vào tác động của thật nhiều yếu tố
thuộc nhiều lãnh vực khác.
Thật hết sức hão huyền khi nghĩ rằng chỉ có một chiếc chìa khóa duy nhất,
và bất cứ ai chiếm giữ được nó thì cũng đủ giúp mình sống một cách an bình.
Bures-Sur-Yvette, 18.08.21
Hoang Phong chuyển ngữ
(còn tiếp)