Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bước Đầu Học Phật (sách do Hòa Thượng Thích Tâm Châu biên soạn)

05/09/202110:22(Xem: 17560)
Bước Đầu Học Phật (sách do Hòa Thượng Thích Tâm Châu biên soạn)

 HT Thich Tam Chau 2

 

BƯỚC ĐẦU HỌC PHẬT
Biên-Soạn: Thích Tâm Châu

“Sau khi Ta diệt-độ, phàm hết thảy pháp-tạng của Ta nói ra, các vị cần suy-nghĩ, vâng theo gìn-giữ, siêng làm tinh-tiến, không lâu tự mình sẽ được giải-thoát”.
KINH ĐẠI BÁT-NIẾT-BÀN

VÀI LỜI…

Bắt đầu gặp nhau trong nhà Đạo, người quy-y và người hướng-dẫn biết hỏi và biết tặng món quà pháp-vị gì cho hợp?

Thực vậy, kinh sách man-mác, giáo-lý cao-siêu, danh-từ khúc-mắc, nghi-thức tụng-niệm quá nhiều – nghiêng nặng về cầu-siêu, cầu-an – không biết xem gì, tụng gì và nhất là nhiều người không có hoàn-cảnh, thỉnh đủ.

Giải-đáp thực-trạng phân-vân trên, giúp người Phật-tử hiểu qua những điểm chính trong giáo-lý, biết qua sự nghiệp người xưa, công việc hiện nay và biết đặt mình vào sự rèn-luyện thân-tâm trong khuôn-khổ giác-ngộ và xử-thế, tôi biên-soạn cuốn sách nhỏ này.

Cuốn sách nhỏ này không có kỳ-vọng cao xa, nó chỉ ứng theo nhu-cầu cần-thiết, mong giúp một số vốn tối-thiểu cho người mới vào Đạo muốn tiến trên đường tu-học thực-sự.

Viết tại Sài-thành mùa Đông năm Mậu-tuất (1958)
Thích-Tâm-Châu

PHẦN THỨ NHẤT

GIÁO-LÝ

“…Khai-thị chúng-sinh ngộ-nhập Phật-tri-kiến.”


 

1.- MỤC-ĐÍCH PHẬT-HỌC và HỌC PHẬT

PHẬT-HỌC: thông-thường gọi là học-thuyết[1] giáo-lý[2] của Phật. Nghĩa là những lời của bậc giác-ng[3], kết-tinh[4] thành giáo-lý, chia thành từng môn, cho người sau tu-học, giác-ngộ.

Mục-đích[5] của Phật-học là huân-tập[6] cho con người trở thành con người có nhân-cách tương-đối, đầy-đủ ba đức tính: từ-bi, trí-tuệ, dũng-mãnh. Và, tiến lên, hướng-dẫn con người hoàn-thành nhân-cách viên-mãn; nghĩa là rèn-luyện cho con người đầy-đủ phúc-đức, trí-tuệ thành bậc giác-ngộ hoàn-toàn.

HỌC-PHẬT là nghiên-cứu, học-hỏi, tu-học Phật-pháp (giáo-pháp của Phật).

Mục-đích của sự học Phật là không cầu tư-lợi, không nghiên-cứu suông; chỉ mong phát trí hiểu biết, diệt-trừ khổ-não, đạt tới chỗ thành Phật và cứu-độ chúng-sinh.

Người Phật-tử tin-nhận học-thuyết của Phật tinh-tiến tu-học giáo-lý ấy, không nhận lẫm sự vật, tiến-triển đúng đường chân-chính, phát-sinh trí-tuệ, mở lòng rộng lớn, hiện-tại thoát khổ được vui và dần dần thành bậc Đại-giác (Phật).

2.- TAM-QUY
(Quy-y 3 ngôi báu)

Một người được gọi là tín-đồ Phật-giáo hay được gọi là Phật-tử, phải thụ Tam-quy trước đã.

Tam-quy tức là quy-y Tam-bảo. Nghĩa là, quay về, nương-tựa và sống theo ba ngôi báu là Phật, Pháp và Tăng.

Phật (Buddha) là đấng giác-ngộ hoàn-toàn.

Pháp (Dharma) là giáo-lý, phương-pháp diệt khổ được vui.

Tăng (Samgha) là đoàn-thể hòa-hợp, cầu đạo giác-ngộ của Phật và hành-trì[7] chính-pháp của Phật.

Người Phật-tử quy-y Tam-bảo là người tránh xa sự tà-vạy, si-mê, nguyện trọn đời quay về và sống theo Tam-bảo, quyết không tin theo đạo-giáo khác.

3.- TAM-BẢO
(3 ngôi báu)

Tam-bảo là ba ngôi báu: Phật, Pháp, Tăng.

Vàng bạc, châu-báu ở đời tuy rằng quý nhưng, còn trong vòng mất, còn, thay đổi. Đối với Phật, Pháp, Tăng hàm-tàng 10 ý-nghĩa cao quý: vững bền, không nhơ, cho vui, khó gặp, phá phiền-não, uy-đức, mãn-nguyện, trang-nghiêm, rất mầu-nhiệm và không chuyển-biến…đem lại cho chúng-sinh phương-pháp thoát khổ, được vui, nên tôn xưng là “Bảo”.

Tam-bảo phân chia nhiều bậc, nhưng tóm-tắt có thể thành ba bậc như sau:

1.- Đồng-thể Tam-bảo:[8] Còn gọi là Nhất-thể Tam-bảo, Đồng-tướng Tam-bảo: a) Phật bảo: Phật và chúng-sinh đồng một lý-thể giác-chiếu (bản-thể chân-lý hiểu biết, sáng-suốt hoàn-toàn). b) Pháp-bảo: Phật và chúng-sinh đồng một pháp-tính[9] viên-mãn, thường-trụ và bình-đẳng. c) Tăng-bảo: Phật và chúng-sinh đồng một thể-tính[10] hòa-hợp thanh-tịnh.

2.- Biệt-thể Tam-bảo:[11] Còn gọi là Chân-thực Tam-bảo[12], Xuất-thế Tam-bảo:[13] a) Phật bảo: Pháp-thân, Báo-thân, Hóa-thân[14] của Phật, chỉ vào các đấng đã giác-ngộ hoàn-toàn như đức Phật Thích-Ca Mưu-Ni. b) Pháp-bảo: Chính-Pháp của Phật như Tam-học, Tứ-đế, Lục-độ v.v[15] c) Tăng-bảo: Các vị Thánh-tăng, Bồ-tát tăng…

3.- Trụ-trì Tam-bảo:[16] a) Phật-bảo: Tranh, tượng Phật. b) Pháp-bảo: Kinh, Luật, Luận: Tam-tạng thánh-giáo của Phật. c) Tăng-bảo: Các vị Tăng-sĩ.

Nếu ai quy-y Tam-bảo, nhận rõ ý-nghĩa Tam-bảo, như-thực tu-hành, thoát-ly khỏi các nơi khổ-não, được đạt tới cảnh-giới giải-thoát Niết-bàn.[17]

4.- TAM-TẠNG
(3 kho giáo-lý)

Tam-tạng: Ba kho-tàng chứa đựng giáo-lý của Phật là: Kinh, Luật và Luận:

1.- Kinh: Tiếng Phạm (Ấn-độ) gọi là Tu-đa-la (Sutra). Tàu dịch là Kinh. Kinh gọi đủ là Khế-kinh, có nghĩa là thâu-tóm những giáo-pháp hợp-lý, hợp-cơ của Phật thành một loại, hầu hướng dẫn cho sự tu-học và đem lại lợi-ích chân-thực cho chúng-sinh. Kinh có kinh Đại-thừa và kinh Tiểu-thừa.

2.- Luật: Tiếng Phạm gọi là Tỳ ni (Vinaya). Tàu dịch là Luật. Là giới-luật của đức Phật chế cấm để dạy cho chúng đệ-tử ngăn-ngừa và diệt-trừ nghiệp ác, hầu tiến trên đường thiện-chính, làm cửa ngõ vào cảnh-giới Niết-bàn.

3.- Luận: Tiếng Phạm gọi là A-tỳ-đạt-ma (Abhidharma). Tàu dịch là “đối-pháp, vô-tỷ-pháp…” Đối-quán[18] trí-tuệ thù-thắng[19] của chân-lý là “đối-pháp”. Và, trí-tuệ thù-thắng ấy không có gì sánh kịp nên gọi là “vô-tỷ-pháp”. Theo tiếng Phạm, Luận còn có một tên riêng nữa là “Ưu-bà-đề-xá” (Upadesa), Tàu dịch là ‘Luận” và có nghĩa là hỏi, đáp, bàn-bạc về tính-tướng[20] của mọi pháp, phát-sinh trí-tuệ thù-thắng.

Tam-tạng có chỗ thêm Bát-nhã-tạng và Đà-la-ni-tạng thành Ngũ-tạng.

Người Phật-tử nhất tâm duy-trì[21] Tam-tạng làm cơ-sở tu-học: Giới, Định, Tuệ, sẽ đạt tới giác-ngộ và giải-thoát.

5.- NGŨ-GIỚI
(5 điều răn)

Muốn con người được xứng-đáng với ý-nghĩa con người; muốn xã-hội trở thành một xã-hội an-vui, cần thực-hành năm điều răn:

1.- Không được sát-sinh: Không được giết-hại các sinh-mệnh khác mà nó cùng có sự ham sống sợ chết như mình.

2.- Không được trộm cắp: Tôn-trọng của người; vật gì không phải của mình không được lấy.

3.- Không được tà-dâm: Không được ngoại-tình.

4.- Không được nói dối: Không nói những lời sai sự thực, có hại.

5.- Không được uống rượu: Không được say-sưa rượu-chè, có hại cho tư-cách, trí-tuệ và gia-nghiệp.

Ngoài việc đối với tự-thân, xã-hội hiện-tại, năm điều răn còn là cửa ngõ sinh lên Nhân, Thiên và Niết-bàn.

6.- BÁT QUAN-TRAI
(8 pháp quan-trai)

Nghiêm-trì giới-luật và tịnh-tâm tu-niệm là hai món tư-lương tối-yếu trên con đường giải-thoát của người Phật-tử.

Với lòng từ-bi của Phật, người Phật-tử tại-gia vì bận việc gia-đình, xã-hội, không thể thoát-ly trọn đời để tu niệm được, Ngài chế ra tám pháp quan-trai[22], thực-hành một ngày một đêm cũng được công-đức vô-lượng. Tám pháp ấy là:

1.- Không sát-sinh.

2.- Không trộm-cắp.

3.- Không dâm-dục.

4.- Không nói dối.

5.- Không uống rượu.

6.- Không trang-sức các vật quí-báu và không xoa-bôi đồ thơm vào mình.

7.- Không ca múa hát xướng, không đi xem, nghe.

8.- Không nằm giường cao, rộng.

Và một trai-pháp là không ăn phi-thì, nghĩa là không ăn quá giờ ngọ.

Việc thụ-trì 8 pháp quan-trai này hoặc phải có giới-sư truyền-thụ hay là tự mình phát-nguyện thụ-trì[23] ngay ở nhà cũng được, nhưng phải làm đúng. Làm đúng, ba nghiệp[24] được thanh-tịnh, do đó thiện-nghiệp phát-triển, gieo sâu hạt-giống vô-lậu[25] giải-thoát trong tâm-điền[26], khỏi sa đường ác và sẽ sinh về nơi An-lạc.[27]

7.- THẬP-THIỆN
(10 nghiệp lành)

Tiến xa, rộng hơn, người Phật-tử nên thụ-trì thập-thiện.

Thập-thiện là mười nghiệp lành do nơi thân, miệng, ý tạo ra:

A.- Ba nghiệp nơi thân:

1.- Không sát-sinh, hay làm việc hộ-sinh.

2.- Không trộm cắp, hay làm hạnh bố-thí.

3.- Không dâm-dục, thường giữ hạnh thanh-tịnh.

B.- Bốn nghiệp nơi miệng:

4.- Không nói dối, nói chân-thực.

5.- Không nói thêu-dệt, nói đúng nghĩa.

6.- Không nói lưỡi đôi chiều, nói hòa-hợp.

7.- Không nói thô-ác, nói dịu-dàng.

C.- Ba nghiệp về ý:

8.- Không tham-lam, quán bất-tịnh,[28] thực-hành thiểu-dục (ít muốn) tri-túc (biết đủ).

9.- Không sân-hận, quán từ-bi[29], thực-hành nhẫn-nhục.

10.- Không tà-kiến (si-mê), quán nhân-duyên[30], phát trí hiểu biết.

Mười nghiệp lành trên đây là cả một chương-trình vĩ-đại đối với mình và người. Nếu thực-hành đúng, kết-quả cũng vĩ-đại.

8.- TỤNG KINH

Tụng kinh là đọc lên những lời Phật dạy ghi chép trong kinh-sách bằng cách chí-thành, suy-ngẫm, và tin-tưởng.

Tụng kinh làm cho thân, miệng trong sạch, tâm-ý bình-tĩnh, phát-sinh trí-tuệ và gây nhân-quả tốt. Tụng kinh tập-trung được tư-tưởng, tạo thành một năng-lực mạnh-mẽ, diệt-trừ tội lỗi nơi mình, đem lại sự trong sạch, an-vui cho người trong tinh-thần giao-cảm.[31]

Tụng kinh là một phương-pháp hay nhất của người Phật-tử muốn tu và muốn tiến. Người Phật-tử tự coi mình có bổn-phận tụng kinh hai thời: sớm, tối trong ngày hay ít ra cũng một tháng hai kỳ.

9.- NIỆM PHẬT

Người Phật-tử tin-tưởng mình có Phật-tính[32] và sẽ thành Phật, nên cần niệm Phật.

Niệm Phật là nhớ-nghĩ đến Phật; nhớ-nghĩ đến đức-tính: từ-bi, tinh-tiến của Phật, tức là gợi lại cái tính Phật sẵn có tại nơi mình, hầu đem áp-dụng vào cuộc sống lợi-ích cho mình và cho người.

Niệm Phật có ba phương-pháp:

1/ Xưng-danh niệm Phật: Miệng niệm danh hiệu Phật.

2/ Quán-tưởng niệm Phật: Ngồi yên quán-sát, tưởng-niệm công-đức tướng-hảo của Phật.

3/ Thực-tướng niệm Phật: Quán-tưởng pháp-thân của Phật là lý thực-tướng trung đạo chẳng phải có, chẳng phải không.

Nhưng, phương-pháp niệm danh-hiệu Phật là dễ-dàng và thông-dụng nhất. Niệm Phật, dù niệm danh-hiệu đức Phật nào theo bản-nguyện của mình đều được, nhưng điều quan-trọng hơn hết là phải nhất-niệm. Nghĩa là chỉ nhớ-nghĩ tới Phật, đức-tính Phật, không một vọng-niệm (nhớ-nghĩ xằng) nào xen vào.

Người nhất-tâm niệm Phật, huân-tập đức-tính Phật, không tưởng-niệm mông-lung, sẽ tạo cho mình có đức-tính như Phật, cải-tạo thế-giới vẩn-đục, độc-ác, thành thế-giới trong sạch, yên-vui.

Người Phật-tử cần tinh-tiến niệm Phật.

10.- LẦN TRÀNG (chuỗi)

Lần tràng (chuỗi) là một hình-thức trợ-duyên cho chính-niệm (nhớ-nghĩ chân-chính) khỏi bị tạp-niệm (nhớ-nghĩ phức-tạp) xen vào; là tiêu-chuẩn[33] cho ý-định niệm Phật của người niệm và là biểu-tượng[34] đối-tr[35] của chính niệm diệt-trừ phiền-não.

Lần tràng gắn liền với niệm Phật. Khi đi, khi đứng, khi ngồi, khi nằm, tràng mang theo mình và chí-tâm niệm Phật, không phân-tán ý-niệm, được công-đức vô-lượng.

Tràng có nhiều thứ: 1.080 hạt, 108 hạt, 54 hạt, 42 hạt, 27 hạt, 21 hạt và 14 hạt. Số mục của tràng hoặc lớn hoặc nhỏ đều có biểu-th[36] cho các tôn-vị,[37] các quả-v[38] để đối-trị phiền-não.

Vật-liệu làm tràng hoặc bằng vàng, bạc, châu-báu hay các thứ hạt, các thứ gỗ nhưng, nhiều phúc-báo hơn phải kể là tràng bằng hạt bồ-đ[39], hạt sen, kim cương.

Phép lần tràng tay phải sạch-sẽ, tay hữu cầm tràng để vừa trước ngực ngang trái tim; chuỗi tràng để trên ngón tay giữa, đầu ngón tay cái và đầu ngón tay chỏ cầm vào hạt tràng, mỗi niệm lần một hạt. Lần từ hạt giáp hạt giữa, lần vòng đến khi lại giáp hạt giữa, lần quay trở lại không được lần qua hạt giữa.

Lần tràng có nhiều ý-nghĩa như trên, người Phật-tử nên cố-gắng thực-hành.

11.- ĂN CHAY

Ăn chay là ăn các thức rau, trái.

Loài vật cũng là một động-vật như người, cũng biết ham sống, sợ chết, cũng biết thương-xót trước cảnh biệt-ly và đau-đớn trong khi xúc-phạm tới thân-thể, vì thế người có lòng từ-bi không nỡ giết và ăn thịt nó.

Thịt sinh-vật có nhiều chất kích-thích, làm cho người ăn nó sinh ra tính-tình hung-bạo, nhiều dục-vọng, nhiều bệnh-tật và kém phần trí-tuệ, nên nhiều nhà y-học khuyên ta không nên ăn thịt hay là nên ăn ít.

Vì hai lẽ trên, người Phật-tử giữ giới, ăn chay trường được càng quý hoặc ăn chay từng kỳ như sau:

- Mỗi năm ăn chay 3 tháng: tháng giêng, tháng năm và tháng chín.

-Mỗi tháng ăn chay 10 ngày: 1, 8, 14, 15, 18, 23, 24, 28, 29, 30 (tháng thiếu tính từ ngày 27)

- Mỗi tháng ăn chay 6 ngày: mồng 8, 14, 15, 23, 29 30.

- Mỗi tháng ăn chay 4 ngày: mồng 1, 14, 15, 30.

- Mỗi tháng ăn chay 2 ngày: mồng 1 và 15.

12.- SÁM-HỐI

Là con người, trong sự hoạt-động thường ngày chưa chắc đã tránh khỏi lỗi-lầm. Có lỗi-lầm, biết ăn-năn sửa-đổi, tu-tiến là một cử-chỉ đáng khen và nên theo. Đó là sám-hối, theo danh-từ Phật-học.

“Sám-hối” là hai chữ ghép chung tiếng Phạm (Ấn-độ) và tiếng Hán mà thành. Tiếng Phạm gọi là Sám-ma (Ksamayati) Tàu dịch là “hối-quá”, gọi chập lại là “Sám-hối” và có nghĩa là tự mình bày tỏ những lỗi mình làm trước, ăn-năn từ nay xin sửa đổi, không dám phạm nữa.

Sám-hối có ba pháp:

1/ Tác-pháp-sám: Y-pháp, hướng Phật-tiền sám-hối (hoặc lễ danh-hiệu Phật).

2/ Thủ-tướng-sám: Định-tâm vận-tưởng sám-hối, thấy Phật xoa đầu hoặc thấy hào-quang.

3/ Vô-sinh-sám: Chính-tâm, quán-lý vô-sinh (không sinh diệt).

Nơi con người từ vô-thỉ tới nay do thân, miệng, ý tạo ra biết bao nhiêu tội-lỗi. Lỗi-lầm càng che-dấu, tội báo càng tăng thêm, càng vòng quanh trong sinh-tử mãi mãi, thế nên cần phải sám-hối. Ngay như trong phẩm Phổ-Hiền kinh Hoa-Nghiêm cũng nói lên rằng: “Ngã tích sở tạo chư ác-nghiệp, giai do vô-thỉ tham, sân, si. Tòng thân, ngữ, ý chi sở sinh, nhất-thiết ngã kim giai sám-hối ”. (Xưa tôi tạo nên các nghiệp ác, đều do tâm tham, sân, si của tôi từ đời vô-thỉ và, từ nơi thân, miệng (lời nói) ý của tôi mà sinh ra. Vậy, hết thảy tội-lỗi ấy, nay tôi đều sám-hối).

Người Phật-tử cho sám-hối là phương-thức tốt-đẹp nhất trong đường tu-hành của mình. Sám-hối viên-dung (dung-hợp đầy-đủ) cả sự, lý sẽ được như kinh Nghiệp-báo sai-biệt nói: “Người gây tội nặng, thâm-tâm tự-trách, sám-hối không làm nữa sẽ nhổ hết được những tội căn-bản ”.

13.- PHÁT-NGHYỆN

Việc làm của con người muốn đạt tới mục-đích không thể không có một đề-án, một chương-trình, một sư cam-kết hay một sự hứa-hẹn. Người Phật-tử bước chân vào đạo cũng phải có sự hứa hẹn ấy, nhưng theo danh-từ Phật-học gọi là “Phát-nguyện.”

Phát nguyện có nghĩa là tự đáy lòng chân thành của mình phát-khởi ra lời thề-nguyện (lời hứa-hẹn) tự-lợi, lợi-tha rộng lớn, làm tiêu-chuẩn cho mình tu-tiến, khả-dĩ xứng đáng là Phật-tử, là vị Phật tương lai.

Lời phát-nguyện tùy theo tâm-niệm, hoàn-cảnh có nhiều, nhưng đại-để chư Phật, Bồ-tát, Thánh-tăng hay chúng ta noi theo, có thể tóm-tắt trong bốn điều chính-yếu này: “Chúng-sinh vô-biên thệ-nguyện độ. Phiền-não vô tận thệ-nguyện đoạn. Pháp-môn[40] vô-lượng thệ-nguyện học. Phật-đạo vô-thượng thệ-nguyện thành ”. (Chúng-sinh rất nhiều, thề-nguyền xin độ hết. Phiền-não rất nhiều, thề-nguyền xin bỏ hẳn. Pháp-môn rất nhiều, thề-nguyền xin học hết. Đạo Phật cao siêu, thề-nguyền quyết đạt thành).

Phát-nguyện là một việc làm quan-trọng. Nó ghi sẵn bước đường cần đi của người Phật-tử. Nó đánh giá cả một tâm niệm, một việc làm lùi hay tiến của người Phật-tử.

14.- LỤC-HÒA
(6 pháp hòa kính)

Để trong một đoàn-thể luôn luôn được sự hòa-hợp, đức Phật nói ra sáu pháp hòa-kính sau đây:

1.- Thân-hòa đồng trụ: Thân hòa hợp cùng làm việc Phật, cùng chung sống một nơi với nhau.

2.- Khẩu-hòa vô tránh: Miệng hòa không cãi-cọ nhau, luôn luôn nói lời hòa-dịu, lợi-ích, tụng-kinh, niệm Phật, tán-dương công-đức Phật.

3.- Ý-hòa đồng duyệt: Tâm-ý hòa cùng tin-tưởng, vui-vẻ trao đổi lẫn nhau.

4.- Giới-hòa đồng tu: Cùng hòa-hợp tu theo giới-pháp của Phật.

5.- Kiến-hòa đồng giải: Mọi sự hiểu biết chân-chính, sâu rộng, đồng giải tỏ cho nhau cùng hiểu.

6.- Lợi-hòa đồng quân: Có quyền-lợi gì đồng chia đều cho nhau cùng hưởng.

Sáu pháp hòa-kính này, đem lại sự an-hòa cho mọi người, để sống theo lời Phật dạy, tinh-tiến trên đường xây-dựng và giải-thoát.

15.- TAM-HỌC
(3 nền-tảng tu-học)

Người học Phật muốn hướng-thượng, cần phải đứng trên ba nền-tảng tu-học sau đây:

1.- Giới-học: Giới-luật để ngăn-ngừa và trừ-diệt ba ác-nghiệp: thân, khẩu, ý. Giới-học có ba loại:

a) Nhiếp-luật nghi-giới: Các giới-luật, uy-nghi của Phật-tử tại-gia[41], các bậc Sa-di[42] Thức-soa ma-na[43], Tỳ-khưu[44], Tỳ-khưu-ni[45], Bồ-tát[46].

b) Nhiếp-thiện-pháp-giới: Các pháp lành như thập-thiện v.v…

c) Nhiêu-ích hữu-tình-giới: Làm việc cứu khổ cho vui đối với chúng-sinh.

2.- Định-học: Thiền-định làm tâm-ý vẳng-lặng, trong sạch không xáo-động. Định-học có 8 bậc gọi là “bát-định”: 4 thiền của Sắc-giới là Sơ-thiền, Nhị-thiền, Tam-thiền, Tứ-thiền và 4 định của Vô sắc-giới là Không-vô-biên-xứ, Thức-vô-biên-xứ, Vô-sở hữu-xứ và Phi-tưởng, phi-phi-tưởng-xứ.

3.- Tuệ-học: Trí-tuệ quán-suốt chân-lý, dứt bỏ mê lầm. Tuệ-học có 3 thứ: Văn, tư, tu.

Nhân Giới sinh Định, nhân Định phát Tuệ, Niết-bàn giải-thoát do đó chóng thành.

16.- TAM-TUỆ
(3 pháp sinh trí-tuệ)

Trí-tuệ là sự nghiệp.Người học Phật muốn phát-sinh trí-tuệ, phải y theo ba pháp sau đây:

1.- Văn-tuệ: Nương vào chỗ nghe, học, tìm hiểu kinh-giáo mà phát-sinh trí-tuệ.

2.- Tư-tuệ: Nương vào chỗ suy-nghĩ đạo-lý, phát-sinh trí-tuệ.

3.- Tu-tuệ: Nương vào chỗ tu-tập thiền-định, phát-sinh trí-tuệ.

Ba pháp sinh trí-tuệ này đạt được sẽ dứt trừ mê-lầm và chứng được chân-lý.

17.- BÁT-CHÍNH-ĐẠO
(8 con đường chính)

Muốn chúng-sinh diệt khổ, được vui, đức Phật dạy chúng-sinh cần đi theo tám con đường chính dưới đây:

1.- Chính-kiến: Thấy biết chân-chính.

2.- Chính-tư-duy: Suy-nghĩ chân-chính.

3.- Chính-ngữ: Nói-năng chân-chính.

4.- Chính-nghiệp: Hành-động chân-chính.

5.- Chính-mệnh: Nghề sống chân-chính.

6.- Chính-tinh-tiến: Gắng làm chân-chính.

7.- Chính-niệm: Nhớ-nghĩ đạo chân-chính.

8.- Chính-định: Nhập thiền-định chân-chính, vô-lậu và thanh-tịnh.

Phật-tử muốn giác-ngộ chân-chính như Phật, phải tu-tập Bát-chính-đạo.

18.- TAM-THẬP-THẤT ĐẠO-PHẨM
(ba mươi bảy đạo-phẩm)

Ba mươi bảy đạo-phẩm này là ba mươi bảy món tư-lương để đi tới Niết-bàn:

1.- Tứ niệm-xứ: Bốn chỗ cần quán-niệm: a) Quán-thân bất-tịnh: Quán-sát thân-thể này là túi nhơ, không sạch. b) Quán-thụ thị khổ: Quán-sát những sự cảm-thụ là khổ. c) Quán-tâm vô-thường: Quán-sát tâm-thức luôn luôn chuyển-biến không thường. d) Quán-pháp vô ngã: Quán-sát tất cả sự-vật đều không có cái “ta” có tự-chủ.

2.- Tứ-chính-cần: Bốn thứ siêng-năng chân-chính (còn gọi là “tứ chính-đoạn, tứ ý-đoạn, tứ chính-thắng”): a) Đối với việc ác đã sinh phải trừ hẳn. b) Đối với việc ác chưa sinh không cho sinh. c) Đối với việc thiện chưa sinh làm cho sinh. d) Đối với việc thiện đã sinh làm cho tăng-trưởng.

3.- Tứ như-ý-túc (còn gọi là “tứ thần-túc”): Bốn pháp thiền-định làm cho được đầy-đủ như ý: a) Dục : Y vào sự muốn tiến mà định phát-khởi. b) Cần : (có chỗ gọi là “tiến”): Y vào sức siêng tu, định phát-khởi. c) Tâm (có chỗ gọi là “niệm”): nhất tâm chuyên-trụ, định phát-khởi. d) Quán (có chỗ gọi là “tuệ”): quán-sát chân-lý, định phát-khởi.

4.- Ngũ-căn: Năm pháp căn-bản sinh ra các pháp thiện khác: a) Tín-căn : tin-tưởng Tam-bảo, Tứ-đế. b) Tinh-tiến-căn (có chỗ gọi là “cần”): Dũng mãnh tu pháp lành. c) Niệm-căn : Nhớ-nghĩ chính-pháp. d) Định-căn : Tâm trụ vào một cảnh mà không tán-loạn. đ) Tuệ-căn : Suy-nghĩ tìm hiểu chân-lý.

5.- Ngũ-lực: Năm thứ năng-lực để đối-trị với ác-pháp, tức là năng-lực của năm căn trên.

6.- Thất-giác-chi (còn gọi là “thất Bồ-đề-phận, thất giác-phận”): Bảy phần hiểu-biết và quán-sát rõ-ràng làm cho Định, Tuệ quân-bình: a) Trạch-pháp : Dùng trí-tuệ lựa-chọn sự thực, giả của các pháp. b) Tinh-tiến : Dùng tâm dũng-mãnh bỏ tà, theo chính. c) Hỷ : Được thiện-pháp tâm vui mừng. d) Khinh-an : Đoạn-trừ phiền-não nặng-nề, thân-tâm nhẹ-nhàng, an-vui. đ) Niệm : Nhớ rõ Định, Tuệ không quên, làm cho Định, Tuệ quân-bình. e) Định : Tâm trụ một cảnh không tán-loạn. g) Hành-xả : Bỏ những dối-trá, mê-lầm và bỏ hết thảy trong tư-tưởng, hành-động, giữ tâm bình-thản.

7.- Bát chính đạo: Tám con đường chính: Chính-kiến, chính tư-duy, chính-ngữ, chính-nghiệp, chính-mệnh, chính tinh-tiến, chính-niệm và chính-định.

19.- NHÂN-QUẢ

Một ý-nghĩ, một lời nói, một hành-động, hay nói chung là một pháp (sự-vật) đã có sự phát-khởi ở ban đầu, đem lại sự đáp-ứng cho phút cuối cùng, đó là thuộc trong đạo-lý nhân-quả.

Nhân là nguyên-nhân, Quả là kết-quả. Tỷ-dụ: học (nhân) thì biết chữ (quả); trồng cây (nhân) thì có trái (quả); đánh trống (nhân) thì có tiếng (quả). Nhân-quả chi-phối tất cả.

Nhân-quả rất phức-tạp: Có khi nhân nào sinh quả ấy. Có khi nhân tốt sinh quả xấu; nhân xấu sinh quả tốt. Có khi nhân không thể sinh ra quả được vì thiếu trợ-duyên v.v…Nhân làm quả; quả làm nhân, chuyển-biến tế-nhị và linh-động vô cùng trong lẽ tương-quan của nó.

Thời-gian-tính thực-hiện lý nhân-quả ấy cũng không nhất định: Có khi có nhân, có quả liền, như đánh chuông thấy tiếng ngay. Có khi trồng nhân hiện-tại, kết-quả trong hiện-tại. Có khi trồng nhân hiện-tại sẽ có kết-quả trong một đời hay hai, ba hoặc nhiều đời sau này. Nhưng, dù gần hay xa, hễ có nhân, đủ duyên là có quả.

Người Phật-tử hiểu rõ đạo-lý nhân-quả tức là hiểu rõ được sự-vật, không bị mê-lầm, không bị cám-dỗ và cố-gắng trồng nhân tốt để hưởng quả tốt; làm theo Phật sẽ thành Phật như Phật. Thế là người Phật-tử phải có trí-tuệ, phải có đức tự-chủ, tự-tín: Không tin thần-quyền, bói-toán, đồng-bóng, vàng mã…, phải tích-cực sống theo lẽ sống của đạo, mới xứng-đáng là người Phật-tử chân-chính.

20.- NHÂN-DUYÊN

Nhân-quả hình-thành[47] là nhờ có mọi duyên giúp đỡ.

Nhân” là thứ có năng-lực phát-sinh. “Duyên” là những thứ giúp đỡ cho nhân kia phát-sinh, tăng-trưởng và đưa tới kết-quả. Tỷ-dụ:Hạt lúa (nhân) nhờ có ruộng đất, cày bừa, bón tưới…làm duyên thành cây lúa và bông lúa (quả).

Người Phật-tử hiểu lý “nhân-duyên”, tức là hiểu rõ sự-sự, vật-vật trong vũ-trụ này có ra là do sự tác-hợp của mọi thứ mà thành, không phải tự-nhiên có hay một người nào tạo ra. Do đó có sự tác-thành và tác-hại lẫn nhau, nếu nó hòa-hợp hay không hòa-hợp.

Lý nhân-duyên tạo cho người Phật-tử một sự hiểu biết chân-chính.

21.- LUÂN-HỒI NGHIỆP-BÁO

Theo đạo-lý nhân-quả, dù nhanh hay chậm, tốt hay xấu…đã có nhân tất-nhiên phải có quả và, quả sinh nhân, nhân sinh quả, luẩn-quẩn, loanh-quanh trong vòng luân-hồi nghiệp-báo.

Luân-hồi ” là bánh xe quay. “Nghiệp-báo ” là những hành-động tạo-tác nơi thân, miệng, ý thế nào, một thời-gian nhanh hay chậm nó sẽ trả lại cái kết-quả như hành-động, tạo-tác trước.

Làm thiện tiến lên, làm ác trụt xuống, vòng quanh trong sáu ngả: Thiên (trời), nhân (người), A-tu-la (Tàu dịch là Phi-thiên: 1 loại quỉ-thần), địa-ngục, ngã-quỉ (quỉ đói) và súc-sinh (loài vật) như bánh xe quay tròn không dứt, nên gọi là “luân-hồi, nghiệp-báo ” (hay nghiệp-báo luân-hồi).

Dứt hẳn luân-hồi nghiệp-báo là một việc khẩn-thiết đối với người Phật-tử cầu tiến trên đường giải-thoát thực-sự.

22.- NGHIỆP, PHIỀN-NÃO, HOẶC, CHƯỚNG

NGHIỆP là những hành-động, tạo-tác do 3 nơi thân, miệng, ý.

Nghiệp có ba tính: thiện, ác và vô-ký (không thiện, không ác). Làm thiện là “thiện-nghiệp”, làm ác là “ác-nghiệp”, không thiện, không ác là “vô-ký-nghiệp”. Đối với những hành-động thiện, ác, vô-ký ấy gọi là “nghiệp-nhân” và nó sẽ đem lại những kết-quả: vui, khổ, không vui, không khổ thời gọi là “nhiệp báo, nghiệp-quả ”. Nghiệp thuộc về đời đã qua là “túc-nghiệp”. Nghiệp trong hiện nay là “hiện-nghiệp ”.

Chỉ-định cho việc làm, nghiệp còn có hai thứ nữa là: “Biểu-nghiệp” và “Vô-biểu-nghiệp”. “Biểu-nghiệp” là chỉ cho những hành-động nơi thân, miệng có thể biểu-lộ, người ta trông thấy, nghe thấy được. “Vô-biểu-nghiệp” là hành-động do nơi ý-nghĩ, không biểu-lộ ra, người ta không thể trông thấy nhưng, nó không phải là không kém phần tai-hại.

PHIỀN-NÃO là những thứ mê-hoặc như: tham, sân, si v.v…làm phiền cho tâm, làm não cho thân; làm cho chúng-sinh bị ràng-buộc, buồn-phiền, đau-khổ trong vòng sinh-tử luân-hồi.

HOẶC là tên riêng của phiền-não và có nghĩa là mê-lầm. “Hoặc” có 3 thứ:

1.- Kiến, tư-hoặc: Tức kiến-hoặc và tư-hoặc. “Kiến-hoặc” là cố-chấp tư-tưởng tà-vạy (tà-kiến) không thấu rõ chân-lý. “Tư-hoặc” là tâm suy-nghĩ, tham-đắm sự-vật, hoàn-cảnh. Do mê-lầm về lý (kiến) và sự (tư) này làm chướng-ngại cho sự hiểu biết.

2.- Trần-sa-hoặc: “Trần-sa” là cát-bụi. Cảnh-giới vô-số, chúng-sinh vô-lượng, tâm mê-lầm của chúng-sinh cũng nhiều như cát bụi. Do tâm mê-lầm này không thấu-suốt được các pháp-môn, làm chướng-ngại cho hạnh lợi-tha của Bồ-tát, nên gọi là “Trần-sa-hoặc”.

3.- Vô-minh-hoặc: Sự mê-lầm sâu-dầy và vi-tế che-lấp chân-lý thực-tướng (tướng-trạng như-thực) của trung đạo (đạo trung-dung) và làm cỗi-gốc cho sự sống chết.

CHƯỚNG là tên riêng của phiền-não. Phiền-não làm chướng-ngại chính-đạo, hư-hại thiện-tâm nên gọi là “chướng”. Chướng có ba thứ:

1.- Phiền-não-chướng: Những thứ như: tham, sân, si v.v…

2.- Nghiệp-chướng: Những hành-động như giết cha, mẹ, A-la-hán, Phật, phá hòa-hợp Tăng cùng làm 10 điều ác v.v…

3.- Báo-chướng: Chịu khổ-báo trong địa-ngục, ngã-quỉ, súc-sinh v.v…

Người Phật-tử cố-gắng tạo nghiệp thiện. Nghiệp thiện tăng thêm, phiền-não, hoặc, chướng do đó sẽ bớt dần và tiêu-diệt.

23.- THẾ-GIỚI

THẾ-GIỚI: Đổi dời, lưu-chuyển là “thế ”. “Thế” chỉ cho thời-gian quá-khứ, hiện-tại và vị-lai. Có biên-giới Đông, Tây, Nam, Bắc là “giới ” “Giới” chỉ cho không-gian, như đất-đai mà chúng-sinh nương ở. “Thế-giới ” là chỉ chung cho không-gian và thời-gian trong đó có ý-nghĩa liên-tục và chuyển-biến. “Thế-giới ” còn gọi là “thế-gian ”.

Theo Phật-học, thế-gian có 2 :

1.- Hữu-tình thế-gian: Chỉ về thân-thể của các loài chúng-sinh, do nghiệp-nhân mà cảm chịu quả-báo chính-thức về thân-thể ấy. Quả-báo này gọi là “chính-báo”.

2.- Khí-thế-gian: Chỉ về đất-đai, núi sông, nhà cửa, áo mặc, cơm ăn…những vật ấy là chỗ nương-tựa của chúng-sinh để sống. Quả-báo này gọi là “Y-báo”.

Trong vũ-trụ này không biết bao nhiêu là thế-giới. Một Thái-dương-hệ là một tiểuthế-giới. Một nghìn tiểu-thế-giới thành một tiểu-thiên thế-giới. Một nghìn tiểu-thiên thế-giới thành trung-thiên thế-giới. Một nghìn trung-thiên thế-giới thành đại-thiên thế-giới. Thế là tam thiên đại-thiên thế-giới.

Thế-giới xoay-vần không ngớt. Mỗi thế-giới đều trải qua 4 thời-kỳ: thành, trụ, hoại, không. Mỗi thời-kỳ gồm có 20 tiểu-kiếp. Mỗi kiếp chừng 16.000.000 năm. Hai mươi tiểu-kiếp là một trung-kiếp. Hai mươi trung-kiếp là một đại-kiếp.

Thế-giới vô-thường, người Phật-tử phải tìm lẽ chân-thường, như-thực.

24.- TAM-GIỚI
(Ba-cõi)

Tam-giới là ba cõi. Là thế-giới của phàm-phu còn phải đi, lại trong sinh-tử. Thế-giới này chia làm ba phần:

1.- Dục-giới: Cõi có ý-tưởng về ham-muốn dâm-dục và ham muốn ăn-uống. Cõi này gồm tất cả các loài hữu-tình trong 4 đại-châu: Đông thắng-thần-châu, Tây-ngưu-hóa-châu, Nam-thiệm-bộ-châu, Bắc-câu-lô-châu, xuống đến Vô-gián địa-ngục và lên đến sáu cõi trời dục (Lục Dục-thiên): Tứ-thiên-vương (Đông, Trì-quốc-thiên, Nam, Tăng-trưởng-thiên, Tây, Quảng-mục-thiên, Bắc, Đa-văn-thiên) Đao-lỵ-thiên, Dạ-ma-thiên, Đâu-xuất-thiên, Hóa-lạc-thiên và Tha-hóa-tự-tại-thiên.

2.- Sắc-giới: Cõi có những hình-sắc tinh-hảo về thân-thể, cung-điện, quốc-độ và bỏ được 2 thứ ham-muốn: dâm-dục, ăn-uống của Dục-giới. Cõi Sắc này gọi chung là cõi Tứ-thiền (do tu 4 thiền-định mà thành): Sơ-thiền có 3 cõi: Phạm-chúng-thiên, Phạm-phụ-thiên, Phạm-vương-thiên. Nhị-thiền có 3 cõi: Thiểu-quang-thiên, Vô-lượng-quang-thiên, Quang-âm-thiên. Tam-thiền có 3 cõi: Thiểu-tịnh-thiên, Vô-lượng-tịnh-thiên, Biến tịnh-thiên. Tứ-thiền có 9 cõi: Phúc-sinh-thiên, Phúc-ái thiên, Quảng-quả-thiên, Vô-tưởng-thiên, Vô-phiền-thiên, Vô-nhiệt-thiên, Thiện-kiến-thiên. Thiện-hiện thiên và Sắc-cứu-cánh-thiên.

3.- Vô-sắc-giới: Cõi này không còn hình-sắc, vật-chất, thân-thể, cung-điện, quốc-độ, chỉ dùng tâm-thức trụ vào thiền-định sâu xa, vi-diệu mà thôi. Cõi này gọi chung là cõi Tứ-không (4 nơi trống-rỗng): Không-vô-biên-xứ, Thức-vô-biên-xứ, Vô-sở-hữu-xứ và Phi-tưởng, phi phi-tưởng-xứ.

Ba cõi không yên, như trong nhà lửa, muốn rời bỏ ba cõi phải quy-y Tam-bảo, tiến tu tịnh-nghiệp.

25.- TỨ-ĐẾ
(4 lẽ chân-thực)

TỨ-ĐẾ là bốn lẽ chân-thực rõ-ràng ai cũng có thể tự chứng-nghiệm. Bốn lẽ chân-thực ấy là:

1.- KHỔ-ĐẾ: Chúng-sinh chưa thoát sự ràng-buộc trong đời, đều phải chịu những sự đau-khổ: sinh-khổ, già-khổ, bệnh-khổ, chết-khổ, ân-ái chia-lìa khổ, cầu không được khổ, oán-ghét phải gặp khổ, năm-m[48] áp-bức đầy-dẫy khổ. Đây là sự kết-quả mà chúng-sinh gây nhân phải chịu.

2.- Tập-đế: Những nguyên-nhân hành-động, tạo-tác của chúng-sinh gây ra khiến chúng-sinh phải chịu quả khổ trên. (Tập-đế nói về 12 nhân-duyên).

3.- Diệt-đế: Muốn hưởng quả Niết-bàn thanh-tịnh giải-thoát, cần diệt-trừ mầm-mống phiền-não.

4.- Đạo-đế: Con đường chân-chính là nguyên-nhân hướng-dẫn chúng-sinh đến quả-vị Niết-bàn (con đường này là “bát-chính-đạo”).

Bốn lẽ chân-thực trên đây là chương-trình tu-tiến của bậc Thanh-văn.[49]

26.- THẬP-NHỊ NHÂN-DUYÊN
(12 nhân-duyên)

Theo lý nhân-duyên, sự-vật trong vũ-trụ có nguyên-nhân phải có nhiều trợ-duyên mới đem tới kết-quả. Mười hai nhân-duyên này là sợi giây chuyển-tiếp, tạo-thành các sự-vật:

1.- Vô-minh: Sự mê-lầm, nhận giả làm thực.

2.- Hành: Hành-động sai-lầm.

(Hai nhân-duyên này thuộc về nhân quá-khứ ).

3.- Thức: Phân-biệt sai-lầm.

4.- Danh-sắc: Tâm (tinh-thần) và sắc (vật-chất) hòa-hợp nhau tạo ra vật-thể.[50]

5.- Lục-nhập: 6 căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý xúc-nhập với 6 trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp thành hình-thể và sinh-trưởng.

6.- Xúc: Va-chạm với cảnh-vật.

7.- Thụ: Cảm-thụ sự đáp-ứng của cảnh-vật.

(Năm nhân-duyên này là quả hiện-tại )

8.- Ái: Tham-ái (ham muốn, yêu mến).

9.- Thủ: Giữ-gìn.

10.- Hữu: Gây sự tạo-tác, sẽ có cái thân sau này.

(3 nhân-duyên này là nghiệp-nhân hiện-tại )

11.- Sinh: Sinh-mệnh.

12.- Lão, tử: Già và chết.

(2 nhân-duyên này là quả-báo vị-lai )

Mười hai nhân-duyên trên đây là chương-trình tu-tiến của bậc Duyên-Giác.[51]

27.- LỤC-ĐỘ
(6 pháp độ-thoát)

LỤC-ĐỘ là 6 phương-pháp vượt qua bể sinh-tử đến bờ Niết-bàn. Sáu pháp này là phương-châm thực-hành của các vị Bồ-tát.[52]

Sáu pháp ấy là:

1.- Bố-thí: Mở lòng từ-bi rộng lớn và chân-thành đem của-cải, pháp-lợi[53] và vô úy (không sợ-hãi) giúp đỡ người khác.

2.- Trì-giới: Giữ-gìn những giới-luật Phật chế ra, để ngăn-ngừa tội-lỗi. Giới có: Ngũ-giới, Sa-di-giới, Thức-soa-ma-na-giới, Tỳ-khưu-giới, Tỳ-khưu-ni-giới, Bồ-tát-giới.

3.- Nhẫn-nhục: Nhẫn chịu tất cả những hoàn-cảnh thuận, nghịch ngay nơi mình và chung-quanh mình.

4.- Tinh-tiến: Làm cho thân-tâm tinh-thuần thanh-tịnh và cố-gắng tiến tu trước, sau 5 độ, hướng cầu đạo giải-thoát. (Tinh-tiến thấp hơn thì là 4 chính-cần trong 37 đạo-phẩm).

5.- Thiền-định: Định-chỉ tâm tán-loạn và quán-sát suy-nghĩ chân-lý. Pháp thiền-định có nhiều nhưng, tóm-tắt lại có 4 Thiền (Sơ, nhị, tam, tứ thiền) 8 Định (4 thiền và 4 định của Vô-sắc-giới).

6.- Trí-tuệ: Thông suốt mọi pháp, dứt trừ mê-lầm và chứng-nhập chân-lý. Tu trí-tuệ có 3: Văn (nghe), tư (suy nghĩ) và tu (tu-hành).

Trừ mê, diệt khổ là nguyện-vọng duy-nhất của người Phật-tử đối với mình và người. Muốn đạt nguyện-vọng ấy, cần thực-hiện 6 pháp “độ” này.

28.- TỨ NHIẾP-PHÁP
(4 phương-pháp nhiếp-thụ)

TỨ-NHIẾP là bốn phương-pháp thực-hành để dắt-dẫn chúng-sinh, tin theo chính-đạo. Bốn phương-pháp ấy là:

1.- Bố-thí: Theo sự mong-muốn của chúng-sinh, mình đem cho họ, do đó họ sinh tâm thân-ái, tin theo chính-đạo

2.- Ái-ngữ: Theo căn-tính chúng-sinh, nói ra những lời nói hiền-lành, dịu-hòa và an-ủi họ, do đó họ sinh tâm thân-ái, tin theo chính-đạo.

3.- Lợi-hành: Thực-hành những việc thiện về thân, miệng, ý, đem lại lợi-ích cho chúng-sinh, do đó chúng-sinh sinh tâm thân-ái, tin theo chính-đạo.

4.- Đồng-sự: Tùy theo sự ưa muốn của chúng-sinh, có khi phải phân-hình thị-hiện, sống nhịp-nhàng với đời sống của chúng-sinh, làm lợi ích cho chúng-sinh, do đó chúng-sinh tin theo chính-đạo.

Hạnh lợi-sinh là hạnh chính của chư Phật. Tứ nhiếp-pháp có giá-trị cao-đẹp, biểu-lộ ý-chí cao-thượng của chư Phật, người Phật-tử cần cố-gắng thực-hành.

29.- TỪ-BI, BÌNH-ĐẲNG

“Từ-bi, bình-đẳng” là mục-đích, là phương-pháp độ-sinh của đạo Phật.

TỪ-BI: có nghĩa là cho vui, cứu khổ. Tâm từ-bi coi tất cả chúng-sinh như cha mẹ, quyến-thuộc…, nên thường nghĩ tới sự cho vui, cứu khổ họ. Tâm từ-bi thương những người cố-chấp nhân, ngã…, làm cho họ hiểu sự-vật là “không”, để cho họ khỏi khổ, được vui. Tâm từ-bi thương-xót chúnh-sanh lăn-lộn trong sinh-tử…, dầu là tâm không duyên gì với họ, chư Phật vẫn luôn luôn cho họ tự-nhiên được sự lợi-ích trong sự cho vui, cứu khổ.

BÌNH-ĐẲNG: Đối với tất cả trong mọi sự đều bằng nhau, không phân-biệt cao, thấp, sang, hèn.

Tâm bình-đẳng đối với chúng-sinh không có tư-tưởng phân-biệt kẻ oán, người thân, vì đồng chứng lý bình-đẳng của mọi pháp. Mọi pháp đều sẵn tính bình-đẳng, nên hết thảy chúng-sinh đều bình-đẳng thành Phật.

Người Phật-tử nhận rõ sự bình-đẳng với tất cả pháp, nên hòa mình trong sứ-mệnh cho vui, cứu khổ không phân-biệt.

30.- TỨ-ÂN
(Bốn ơn)

Người Phật-tử sống giữa thế-gian cần phải biết ơn, trả ơn bốn bậc có ơn sau này:

1.- Ơn cha mẹ, thầy dạy: Cha mẹ, thầy dạy là bậc sinh-đẻ, nuôi-nấng và dạy bảo ta khôn lớn, thành người, ta phải hiếu-dưỡng, cung-kính, tôn-trọng và ghi nhớ lời răn dạy.

2.- Ơn xã-hội: (chúng-sinh): Xã-hội với ta có tương-quan mật-thiết. Xã-hội giúp ta nhiều phương-diện sống còn và thành-đạt, ta phải biết ơn và thành-thực đem năng-lực của ta giúp-đỡ mọi người, xây-dựng một xã-hội yên-vui, lành mạnh.

3.- Ơn quốc-gia: Quốc-gia bảo-đảm và duy-trì cho ta được an-cư, lạc-nghiệp, ta phải có bổn-phận tin theo quốc-chế, góp phần xây-dựng, làm trọn nghĩa-vụ công-dân.

4.- Ơn Tam-bảo: Phật, Pháp, Tăng đem lại cho ta những gương-mẫu và những phương-pháp biết sống trong yên vui, vợi khổ, biết nhận lẽ chân, giả, biết đường đi đến chỗ giải-thoát chân-thực. Là Phật-tử ta phải có lòng tin vững-chắc, thực-tâm cung-kính, cúng-dàng, hộ-trì và truyền-bá chính-pháp.

Người Phật-tử nhận rõ bổn-phận mình đối với bốn bậc có ơn, y theo giáo-lý Phật dạy mà trả ơn là cách trả ơn cao-thượng.

31.- CĂN, TRẦN, THỨC, XỨ, GIỚI

1.- CĂN tức lục (sáu) căn: nhãn-căn, nhĩ-căn, tỵ-căn, thiệt-căn, thân-căn và ý-căn (nghĩa là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý). “Căn ” có nghĩa là căn-bản, chủ-động phát-sinh ra ngành-ngọn khác, như do mắt mà sinh ra sự nhận-thức của mắt (nhãn-thức) v.v…

2.- TRẦN tức lục (sáu) trần và còn gọi là lục (sáu) cảnh: sắc-trần, thanh-trần, hương-trần, vị-trần, xúc-trần, pháp-trần (nghĩa là hình-sắc, giọng-tiếng hương-vị, mùi-vị, va-chạm và các pháp. “Trần” nghĩa là bụi-nhơ, là hết thảy sự-pháp của thế-gian có tính-cách nhiễm-ô chân-tính. “Cảnh” là cảnh-sắc, là hình-tướng, là duyên dính-líu với tâm.

3.-THỨC tức lục (sáu) thức: nhãn-thức, nhĩ-thức, tỵ-thức, thiệt-thức, thân-thức, ý-thức (nghĩa là sự phân-biệt rõ-ràng về mắt v.v…). “Thức” là tên riêng của tâm, có nghĩa là liễu-biệt (phân-biệt rõ-ràng); tâm đối với cảnh phân-biệt rõ-ràng gọi là “Thức”. Ngoài 6 thức trên còn thêm thức thứ 7 là Mạt-na-thức, Tàu dịch là “Ý” và có nghĩa là “tư-lượng” (suy-nghĩ, so-lường) và thức thứ 8 là A-lại-da-thức (Alaya) (Tàu dịch là Tạng-thức).

4.- XỨ tức thập nhị (mười hai) xứ, còn gọi là thập nhị (mười hai) nhập, tức là 6 căn, 6 trần ở trên, thành 12 xứ hay 12 nhập. “Xứ” là 6 căn, 6 trần hòa-hợp, là nơi (xứ) làm cho 6 thức nhận biết sự-vật. “Nhập” là căn và cảnh thiệp-nhập (liên-quan vào nhau) lẫn nhau mà sinh ra “thức”.

5.- GIỚI tức thập bát (mười tám) giới: 6 căn, 6 trần và 6 thức thành 18 giới. “Giới” có nghĩa là giới-hạn, địa-vị: mỗi mỗi thứ đều có giới-hạn, địa-vị riêng-biệt của nó mà không lẫn-lộn.

Căn, trần, thức, xứ, giới không còn liễu-biệt vọng-động, sẽ phát-sinh trí-tuệ.

32.- TÂM, Ý, Ý-THỨC

TÂM có nghĩa là “tập-khởi” (tập-hợp và phát-khởi). Ý là thức thứ 7 có nghĩa là “tư-lượng” (suy-nghĩ, so-lường). Ý-THỨC là thức thứ 6, có nghĩa là “liễu-biệt” (phân-biệt rõ-ràng).

Theo sự phân-tích thì tâm có 6 thứ:

1.- Nhục-đoàn-tâm: tức là tâm-tạng, trái tim bằng khối thịt.

2.- Duyên-lự-tâm: tức là tâm nhận-thức, suy-nghĩ khi đối-tượng với sự-vật.

3.- Tư-lượng-tâm: tức là tâm suy-nghĩ, so-lường tỷ-mỷ.

4.- Tập-khởi-tâm: tức là tâm huân-tập các chủng-tử (hạt-giống) và phát-khởi hiện-hành (sự-vật do hành-động hiển-hiện).

5.- Kiên-thực-tâm: tức là tâm-tính chân-như thường-trụ.

6.- Tích-tụ tinh-yếu tâm: gồm chứa tất cả nghĩa tinh-yếu trong kinh.

Y nghĩa tinh-yếu, thanh-tịnh tâmýý-thức, thể-nhập kiên-thực-tâm là phương-châm rèn-luyện của Phật-tử.

33.- NGŨ-UẨN
(5 thứ tụ-họp)

NGŨ-UẨN còn gọi là “ngũ-ấm” (5 thứ ngăn che chân-tính). Chữ “Uẩn” có nghĩa là tụ-họp. “Ngũ-uẩn” là năm thứ tụ-họp lại. Hết thảy hiện-tượng (sự vật hiện có) tâm-tượng (trạng-thái của tâm) đều do nhiều yếu-t[54] tụ-họp lại mà thành. Sự tụ-họp này theo Phật-học thời có năm thứ:

1.- Sắc-uẩn: Hình-sắc: Tức là chỉ cho những vật-chất hữu-hình như ngũ (năm) căn: nhãn (mắt), nhĩ (tai), tỵ (mũi), thiệt (lưỡi), thân và ngũ (năm) trần (cảnh): sắc, thanh, hương, vị, xúc cùng “vô-biểu-sắc” (sắc-thái không biểu-lộ, người ta không thấy được).

2.- Thụ-uẩn: Cảm-thụ. Tác-dụng của Tâm đối với cảnh khởi ra sự cảm-thụ: vui, buồn và không vui, không buồn.

3.- Tưởng-uẩn: Tưởng-tượng. Tác-dụng của tâm đối với cảnh khởi ra sự tưởng-tượng sự-vật.

4.- Hành-uẩn: Công-năng tạo-tác. Tác-dụng của Tâm đối với cảnh khởi ra hành-động thiện, ác…(thuộc các tâm-sở-pháp, trừ thụ, tưởng…)

5.- Thức-uẩn: Nhận-thức, phân-biệt. Tác-dụng của tâm đối với cảnh nhận-biết, phân-biệt rõ-ràng sự-vật. Thức-uẩn chia làm tám loại, thường gọi là bát (tám) thức:

- Nhãn-thức: Mắt nhận biết sắc-tướng.

- Nhĩ-thức: Tai nhận biết thanh-âm.

- Tỵ-thức: Mũi nhận biết hương-vị.

- Thiệt-thức: Lưỡi nhận biết các mùi.

- Thân-thức: Thân nhận biết các cảm-xúc như nóng, lạnh, ngứa-ngáy…

- Ý-thức: Ý nhận biết, phân-biệt rõ-ràng các sự-vật đối-tượng dù hữu-hình hay vô-hình.

- Mạt-na-thức (Tàu dịch là Ý): Thức này suy-nghĩ, so-lường và chấp-chặt ngã-pháp.

- A-lại-da thức (Tàu dịch là Tạng-thức): Thức này là kho-tàng chứa-chất các chủng-tử (hạt giống) và phát-khởi hiện-hành (sự-vật do hành-động hiển-hiện).

Người Phật-tử tu-hành nhận rõ sự giả-hợp của sự-vật, diệt-trừ vọng-tâm, vọng-cảnh, chuyển tám thức thành bốn trí:

- Chuyển A-lại-da-thức thành Đại-viên-kính-trí.

- Chuyển Mạt-na-thức thành Bình-đẳng-tính-trí.

- Chuyển Ý-thức thành Diệu-quán-sát-trí.

- Chuyển nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, thân-thức ra Thành-sở-tác-trí.

34.- NGŨ ĐÌNH TÂM
(5 pháp làm dừng vọng-tâm)

Ngũ-đình-tâm là năm pháp tu quán-tưởng làm dừng vọng-tâm lại:

1.- Bất-tịnh-quán: Người có nhiều tâm tham-dục, quán-sát thân-thể và cảnh-giới là không trong-sạch, để đình-chỉ tâm tham-dục ấy.

2.- Từ-bi-quán: Người hay giận-tức, quán-tưởng tất cả chúng-sinh như cha mẹ, quyến-thuộc…, sinh tâm thương-xót: cho vui, cứu khổ, để đình-chỉ tâm giận-tức ấy.

3.- Nhân-duyên-quán: Người nhiều ngu-si, quán-sát lẽ tiếp-nối của mười hai nhân-duyên trong ba đời (quá-khứ, hiện-tại, vị-lai), để đình-chỉ sự ngu-si ấy.

4.- Giới phân-biệt-quán: Người nhiều ngã-kiến (kiến-thức, tư-tưởng, thấy biết của cái Ta), quán-sát thân ta hay sự-vật đều do sự giả-hợp của địa, thủy, hỏa, phong, không, thức (hay thời), sáu giới-phận ấy mà thành, cùng quán-sát mười tám giới: 6 căn, 6 trần, 6 thức đều là giả-dối, để đối-trị ngã-kiến ấy.

5.- Sổ-tức-quán: Người tâm hay toán-loạn, đếm hơi thở ra, vào bằng cách tinh-chuyên, để đối-trị tâm tán-loạn ấy.

Pháp quán “Ngũ đình-tâm” là phương thuốc chữa bịnh: tham, sân, si, tán-loạn và chấp-ngã. Người Phật-tử tu, chứng không thể bỏ qua năm pháp này.

35.- HỮU-VI, VÔ-VI

- HỮU-VI chỉ cho những sự-vật do nhân duyên tạo-tác mà thành như: năm căn, năm cảnh (trần), vô-biểu-sắc v.v…Nhân-duyên năng-sinh (năng-lực sinh ra…) là cái tạo-tác ra sự-vật sở-sinh (cái bị sinh ra). Sự-vật sở-sinh quyết-định có sự tạo-tác của nhân-duyên ấy nên gọi là “hữu-vi-pháp”. Hữu-vi-pháp dù trong một sát-na hay trong một kỳ-hạn nào, nó đều trải qua 4 tướng-trạng: sinh, trụ, dị, diệt.

- VÔ-VI: chỉ cho chân-lý, có nghĩa là không còn nhân-duyên tạo-tác, không còn 4 tướng-trạng: sinh, trụ, dị, diệt. Vô-vi còn có những tên riêng như: Niết-bàn, Pháp-tính, Thực-tướng, Pháp-giới v.v…

Say-đắm hữu-vi phải lăn-lộn trong sinh-tử, hướng-tiến vô-vi là Niết-bàn giải-thoát.

36.- HỮU-LẬU, VÔ-LẬU

“LẬU” nghĩa là dò-rỉ. “Lậu” là tên riêng chỉ cho phiền-não.

Sự-vật hàm-tàng phiền-não là “hữu-lậu”. Hết thảy sự-thể trong thế-gian là “hữu-lậu”. Sự-thể xuất-thế-gian, xa phiền-não là “vô-lậu”.

- HỮU-LẬU (còn tạo-tác, còn dò-rỉ) đối với chúng-sinh do hành-động tạo-tác gây thành phiền-não, phải sa-rơi, lăn-lộn trong sinh-tử.

- VÔ-LẬU (không còn tạo-tác, không còn dò-rỉ) đối với chúng-sinh tu-tiến diệt-trừ phiền-não, không phải lăn-lộn trong vòng sinh-tử.

Hữu-lậu vô-lậu nói lên những sự vẩn-đục, trong-sạch, lên cao, xuống thấp trong từng tâm-niệm của chúng-sinh.

37.- VÔ-NGÃ, VÔ-THƯỜNG

Sự-sự, vật-vật trong vũ-trụ đều do nhân-duyên tác-hợp, không có gì là có tự-thể, tự-chủ độc nhất, nên Phật-học cho là “VÔ-NGÔ, nghĩa là nó không có cái “ta” có tự-thể, tự-chủ, thường hằng bất-biến.

Sự-vật đã không có tự thể, tự-chủ, thường hằng bất-biến, tức là nó luôn luôn biến-chuyển, tương-tục từng một niệm, từng sát-na, không cố-định, thường còn, nên Phật-học cho là “VÔ-THƯỜNG”.

Người Phật-tử nhận-xét sự-vật hay nhận-xét bản-thân thấy là “vô-ngã, vô-thường”, làm cho người Phật-tử không chấp đắm và cố-thủ cho là “ta”, là “của ta”, là “thường còn”, là “đoạn-tuyệt”, tức là dễ-dàng trong sự hỷ-xả, chóng đạt tới mục-đích giải-thoát.

38.- VÔ-THỦY, VÔ-CHUNG

Sự-vật đã bị chi-phối trong lý nhân-quả, thì thời-gian-tính của nó là liên-tục.

Nhân thành quả, quả thành nhân, sinh diệt không ngừng, nên không thể cho nó là có lúc ban đầu và có lúc sau cùng. (Đó là hướng về tính-cách tuyệt-đối mà nói). Với thời-gian liên-tục ấy Phật-học gọi là “VÔ-THỦY (không có lúc ban đầu), VÔ-CHUNG” (không có lúc sau cùng).

Người Phật-tử nhận rõ tính-cách vô-thủy, vô-chung của thời-gian sẽ cố gây nhân lành để được quả tốt, mà không sợ mất-mát.

39.- VÔ-BIÊN, VÔ-TẬN

Đứng trên sự duyên-khởi và liên-lạc của sự-vật do tạo-tác mà có, thời nó có tính-cách hết sức rộng lớn, không cùng-tận, không biên-giới; vì thế-giới nhiều, chúng-sinh nhiều, tâm-hạnh nhiều…, nên “vô-biên, vô-tận ”.

Đứng trên vô-vi-pháp là những pháp không phải có bằng sự tạo-tác, xa-lìa hết thảy tướng sinh-diệt, không còn bị ngăn-ngại; tự-tại viên-dung trong pháp-giới, không biên-giới, không cùng-tận… nên là “vô-biên, vô-tận ”.

Nhận-chân sự-vật hữu-vi, vô-vi, biết rõ lẽ rộng lớn của nó, người Phật-tử khởi lên tâm vô-thượng rộng lớn, để sẽ chứng-nhập pháp-thân[55] rộng lớn và giải-thoát cứu-cánh.

40.- PHÁP-GIỚI, PHÁP-TÍNH

- PHÁP-GIỚI: Đứng về mặt sự mà nói thời “pháp” là các pháp (sự-vật), “giới” là ranh-giới. Các pháp đều có tự-thể nhưng, chia ra từng ranh-giới bất-đồng của mỗi pháp, nên gọi là “pháp-giới ”.

Pháp-giới trong khung-cảnh hẹp-hòi là chỉ cho mỗi pháp nhưng, trên phạm-vi rộng lớn, nó là tượng-trưng cho đại-khối vạn-hữu. Do đó, Hoa-Nghiêm-gia tạm chia pháp-giới thành 10 loại: 1.- Phật pháp-giới. 2.- Bồ-tát pháp-giới. 3.- Duyên-giác pháp-giới. 4.- Thanh-văn pháp-giới. 5.- Thiên-pháp-giới. 6.- Nhân-pháp-giới. 7.- A-tu-la pháp-giới. 8.- Quỉ-pháp-giới. 9.- Súc-sinh pháp-giới. 10.- Địa-ngục pháp-giới.

Đứng về mặt  mà nói, pháp-giới chỉ cho lý-tính chân-như, hoặc gọi là “chân-như, pháp-tính, thực-tế, thực-tướng”. Tới đây chữ “giới” có nghĩa là “tính”, là tính sở-y của các pháp lại là các pháp đồng một tính, nên gọi là “pháp giới”.

Tóm lại, PHÁP-GIỚI là ranh-giới của các pháp và cũng là thể-tính của các pháp

- PHÁP-TÍNH: Thể-tính của các pháp là chân-như thực-tướng. Chân-như là bản-thể của vạn pháp; ở nơi nhiễm, nơi tịnh, nơi hữu-tình, nơi vô-tình tính nó không biến-đổi, nên gọi là “PHÁP-TÍNH”.

Pháp-tính có nhiều tên gọi: Chân-như, pháp-giới, pháp-tính, bất-hư-vọng-tính, bất-biến-dị-tính, bình-đẳng-tính, ly-sinh-tính, pháp-định, pháp-trụ, thực-tế, hư-không-giới, bất-tư-nghị-giới, vô-ngã-tính, không-tính, vô-tướng, thắng-nghĩa, thực-tướng, tự-tính thanh-tịnh-tâm, Phật-tính, Pháp-thân, Như-lai-tạng, Niết-bàn…

Chứng-nhập pháp-tính là mục-đích tu-hành cứu-cánh của Phật tử.

41.- SINH-TỬ, GIẢI-THOÁT, NIẾT-BÀN

SINH-TỬ là một hình-tướng của hết thảy chúng-sinh do tác-động mê-lầm chiêu-cảm. Sinh-tử theo nghĩa Phật nói trong kinh Tăng-già-tra thì “Thức diệt là tử, Thức khởi là sinh”. Có nghĩa là: cái do 5 uẩn tụ-họp bắt đầu nẩy ra là sinh, 5 uẩn rã-rời là tử. Sinh-tử, tử-sinh; sinh-sinh, tử-tử như vòng lửa quay tròn, tất nhiên phải chịu nhiều sự đau-khổ.

GIẢI-THOÁT là cởi-mở sự ràng-buộc, được tự-do, tự-tại. Giải-thoát đây là cởi-mở sự ràng-buộc của tác-động mê-lầm, thoát khỏi khổ-quả trong cõi Dục, cõi Sắc và cõi Vô-sắc. Nghĩa là thoát-ly cảnh sinh-hoạt bó buộc, khổ đau trong sinh-tử luân-hồi, phục-hồi lại năng-tính tự-tại, tiến đến nơi giải-thoát Niết-bàn không sinh-diệt.

NIẾT-BÀN nghĩa là diệt-trừ hết phiền-não ràng-buộc, vượt khỏi sinh-tử luân-hồi, chứng-nhập nơi yên-tịnh, sáng-suốt, tự-tại.

Sinh-tử là thế-giới ràng-buộc, đau-khổ; giải-thoát, Niết-bàn là trạng-thái tự-tại, trong-sạch, sáng-suốt, an-vui và thường còn.

42.- NHỊ-ĐẾ. TAM-ĐẾ

“Đế” có nghĩa là đạo-lý chân-thực không hư-vọng.

- NHỊ-ĐẾ: Hai thứ đạo-lý chân-thực:

1.- Chân-đế: Thực-nghĩa của chân-lý. Là thực-nghĩa mà các bậc Thánh nhận thấy. Còn gọi là “Thắng-nghĩa-đế ”.

2.- Tục-đế: Thực-nghĩa của việc thế-tục. Còn gọi là “Thế-đế ”.

-TAM-ĐẾ: Ba thứ đạo-lý chân-thực:

1.- Không-đế: Sự-vật do nhân-duyên-sinh là giả-hợp nhưng, thể-tính chân-không không có giả-tướng của các pháp. Còn gọi là “Chân đế ”.

2.- Giả-đế: Thể-tính tuy không nhưng, vẫn đầy-đủ các pháp. Còn gọi là “Tục-đế”.

3.- Trung-đế: Trung là “trung-dung”. Ý nói các pháp xưa, nay không ra ngoài có, không và cũng không tức nơi không, dung-thông tất cả.

Tam-đế do nơi tam-quán (3 pháp quán-sát): không-quángiả-quán và trung-quán mà ra.

Quán-sát sự-vật là không-giả, là thế-đế, bình-đẳng chứng-nhập trung-đếchân-đế là thực-nghĩa của chân-lý.

43.- NHỊ TRÍ, TAM TRÍ, TỨ TRÍ

“Trí” là trí-tuệ. Sự hiểu biết trong thứ-bậc tu-chứng khác nhau, nên trí-tuệ cũng do đó mà phân-định khác nhau.

-NHỊ TRÍ: Hai thứ trí-tuệ:

1.- Căn-bản-trí: Trí-tuệ không phân-biệt, hiểu rõ các pháp là chân-như bình-đẳng. Và, do trí này phát-sinh các trí-tuệ khác nên gọi là “căn-bản”. Căn-bản-trí còn gọi là: như-lý-trí, vô-phân-biệt-trí, chính-thể-trí, chân-trí, thực-trí.

2.- Hậu-đắc-trí: Trí-tuệ sau khi chứng được thực-tính của chân-như mà hiện ra, không sinh chấp trước mê-muội là có thực-ngã, thực-pháp. Hậu-đắc-trí còn gọi là: như-lượng-trí, hữu phân-biệt-trí, tục-trí, biến-trí.

- TAM TRÍ: Ba thứ trí-tuệ:

1.- Nhất-thiết-trí: Biết rõ tướng chung của hết thảy pháp (tướng chung tức là “không-tướng”). Trí-tuệ này là trí-tuệ của Thanh-văn, Duyên-giác.

2.- Đạo-chủng-trí: Biết hết thảy mọi đạo-pháp sai biệt. Trí-tuệ này là trí-tuệ của Bồ-tát.

3.- Nhất-thiết chủng-trí: Đây là trí-tuệ của Phật. Trí-tuệ của Phật viên-minh, thông-suốt hết thảy mọi pháp về tổng-tướng (tướng chung) biệt-tướng (tướng riêng), biết đạo-pháp của chư Phật, nhân-chủng của chúng-sinh, hóa-đạo chúng-sinh dứt trừ mê-hoặc.

-TỨ TRÍ: Bốn thứ trí-tuệ. Bốn trí-tuệ này do tu chuyển 8 Thức mà thành:

1.- Chuyển thức thứ 8 thành Đại-viên-kính-trí. Trí này đối với hết thảy cảnh-tượng sáng-suốt, tỏ-rõ như tấm gương sáng, các mầu sắc hiện đủ trong ấy

2.- Chuyển thức thứ 7 thành “Bình-đẳng-tính-trí”. Quán-sát hết thảy pháp đều bình-đẳng, hiểu suốt lý bình-đẳng vô-ngã.

3.- Chuyển thức thứ 6 thành “Diệu-quán-sát-trí”. Quán-sát rành-rẽ những tướng của các pháp.

4.- Chuyển nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, thân-thức thành “Thành-sở-tác-trí”. Trí-tuệ biến-hóa thành mọi sự, để làm lợi-ích cho Thanh-văn, Duyên-giác và phàm-phu.

44.- GIÁC

Chữ “giác” tiếng Phạm gọi là Bồ-đề (Bodhi). “Giác” có 2 nghĩa: Giác-sát và Giác-ngộ. “Giác-sát” nghĩa là xét biết việc ác, không bị xâm-hại. “Giác-ngộ” là khai-ngộ chân-lý.

Giác có: tự-giác, giác-tha, giác-hành viên-mãn. A-la-hán[56] chứng phần tự-giác, Bồ-tát đủ tự-giác, giác-tha, Phật đủ cả tự-giác, giác-tha, giác-hành viên-mãn.

“Giác” còn có nhiều danh-từ chỉ cho thứ-bậc giác-ngộ như sau:

- BẢN-GIÁC: Là tâm-thể chúng-sinh, tự-tính thanh-tịnh, lìa bỏ hết thảy vọng-tưởng, có tính-đức sáng-suốt hiểu biết. Bản-giác là tính-đức sẵn có như thế, không phải tu-tập mà thành. Tức là pháp-thân Như-Lai.

- THỦY-GIÁC: Chúng-sinh bị vô-minh phiền-não che lấp chân-tính nhưng, nhất đán do công tu-trị, vọng-tâm hết, mới bắt đầu khởi lên tri-giác, khế-hợp với bản-giác gọi là “Thủy-giác”.

- BẤT-GIÁC: Bất-giác là địa-vị phàm-phu, có nghĩa là không giác-ngộ. Nhưng, bất-giác đây còn có nghĩa là hiểu biết tương-đối, chưa biết được như thực-pháp chân-như.

- TƯƠNG-TỰ-GIÁC: Bồ-tát trong địa-vị Thập-tr[57], Thập-hạnh[58], Thập hồi-hướng[59] phát-sinh trí-tuệ tựa như giác-ngộ chân-thực, để chế-phục các phiền-não.

- TÙY-PHẬN-GIÁC: Trí giác-ngộ của hàng Bồ-tát Sơ-địa trở lên, tùy theo sự hiểu biết về niệm-trụ (trụ nơi vọng-niệm) vô-niệm-trụ (trụ nơi không vọng-niệm) mà chứng-ngộ.

- CỨU-CÁNH-GIÁC: Sự giác-ngộ cùng cực của hàng Bồ-tát mà đại-hạnh đã viên-mãn rốt-ráo. Cứu-cánh-giác tức là quả-vị Phật.

Trở về Bản-giác là mục-đích tối-cao của người tu-hành Phật-giáo.

45.- TAM-THÂN
(3 thân)

Chư Phật có ba thân là Pháp-thân, Báo-thân và Ứng-hóa-thân.

1.- PHÁP-THÂN: Chân-thân của Phật, đầy-đủ vô-lượng pháp-công-đức. Còn gọi là “tự-tính-thân” là thể-tính chân-như pháp-giới thanh-tịnh, bình-đẳng của hết thảy pháp.

2.- BÁO-THÂN: Do gây nhân công-đức nhiều đời mà hiển-thị thân Phật trang-nghiêm. Thân này còn gọi là “Thụ-dụng-thân”: Nơi mình do tu-tập nhiều công-đức, được sắc-thân thanh-tịnh và được hưởng pháp-lạc rộng lớn nhiệm-mầu, gọi là “Tự-thụ-dụng-thân”. Đối với hàng Thập-địa[60] Bồ-tát, chư Phật thị-hiện sắc-thân, hiện đại-thần-thông, chuyển pháp-luân (quay xe pháp) làm cho các vị khỏi ngờ, được thụ-dụng pháp-lạc của Đại-thừa, như thế gọi là “Tha-thụ-dụng-thân”.

3.- ỨNG-HÓA-THÂN: Do Phật-trí biến-hóa nhiều thân, tùy theo căn-cơ chúng-sinh mà hóa-độ. Ứng-hiện-thân trong Thập-địa Bồ-tát là “Thắng-ứng-thân”. Ứng-hiện-thân trong phàm-phu, Thanh-văn, Duyên-giác là “Ứng-liệt-thân”.

Tam thân Phật là chân-như, do công-đức từ-bi, trí-tuệ mà có.

46.- TAM-ĐỨC
(3 đức)

Tùy theo tính, tướng, nhân, quả, lợi mình, lợi người, Phật-học chia tam (ba) đức ra các loại sau đây:

1.- Đại-Niết-bàn có ba đức, đầy-đủ cả thường (thường hằng, không thay-đổi), lạc (an-vui chân-thực), ngã (tự-tại không chướng-ngại), tịnh (trong-sạch thực-sự) là: Pháp-thân, Bát-nhã và Giải-thoát.

- PHÁP-THÂN: Bản-thể của Phật, lấy pháp-tính thường-trụ bất-diệt làm thân.

- BÁT-NHÃ: Trí-tuệ. Trí-tuệ của Phật hiểu biết rõ-ràng trạng-thái các pháp như-thực, bình-đẳng, không thêm, bớt, sinh, diệt.

- GIẢI-THOÁT: Xa-lìa hết thảy sự ràng-buộc; được tự-tại.

2.- Về phần lợi mình, lợi người, chư Phật có ba đức: Trí-đức, Đoạn-đức và Ân-đức

- TRÍ-ĐỨC: Phá hết thảy sự mê-lầm không biết; đầy-đủ vô-thượng-giác.

- ĐOẠN-ĐỨC: Đoạn-trừ hết thảy phiền-não; đầy-đủ vô-thượng Niết-bàn.

- ÂN-ĐỨC: Đầy-đủ tâm đại-bi, cứu giúp hết thảy chúng-sinh.

3.- Về phần nhân-quả, chư Phật có ba đức: Nhân-viên-đức, Quả-viên-đức và Ân-viên-đức.

- NHÂN-VIÊN-ĐỨC: Sự tu-hành trong ba đại-kiếp viên-mãn.

- QUẢ-VIÊN-ĐỨC: Trí-đức, đoạn-đức đều hoàn-toàn viên-mãn.

- ÂN-VIÊN-ĐỨC: Độ hết thảy chúng-sinh được giải-thoát hoàn-toàn.

Toàn-thể ba đức trên, chứng-thực sự giác-ngộ cao cả của chư Phật và lòng thương vô-biên của chư Phật.

47.- BỔN-PHẬN NGƯỜI PHẬT-TỬ

Trí-tuệ, từ-bi và sự-thực là ba yếu-điểm trong giáo-lý Phật-đà.

Y-cứ vào giáo-lý ấy người Phật-tử cần phải thực-hành:

1.- Đối với bản-thân a) Bỏ dần dục-vọng, ích-kỷ, tập sống đời sống tự-chủ giải-thoát, rộng-rãi, phát-triển điều lợi mình, giúp người. b) Nhận rõ sự-vật đều vô-thường, chuyển-biến theo định-luật nhân-quả, phá bỏ tà-chấp, phát ý-chí dũng-mãnh, quyết thắng dục-vọng, hướng theo đường chân-chính, xây-dựng một lý-tưởng vững-vàng trên đường tu-học, giác-ngộ.

2.- Đối với Tam-bảo: Có lòng tin chân-chính, vững-chắc. Tinh-tiến tu-học đúng giáo-lý Phật, hộ-trì và truyền-bá chính-pháp của Phật.

3.- Đối với gia-đình: Hiếu-thảo cha mẹ, hòa-thuận anh em, vợ chồng, họ-hàng thân-thích…, hướng-dẫn gia-đình trên đường thiện-chính và xây-dựng gia-đình trên nền-tảng Phật-hóa.

4.- Đối với xã-hội: Đem tinh-thần từ-bi bình-đẳng phục-vụ xã-hội và xây-dựng xã-hội trên tinh-thần hiểu-biết, hòa-hợp, an-vui chân-thực trong giáo-lý Phật-đà.

Ý-tưởng thanh-tịnh, lời nói thanh-tịnh, hành-động thanh-tịnh, hiểu biết rốt-ráo, thực-hiện lòng thương rộng lớn là bổn-phận người Phật-tử.


 

PHẦN THỨ HAI
LỊCH-SỬ

“Noi công-nghiệp trước, xét sự việc nay,
đặt-định chương-trình xây-dựng cho mai sau”.


 

A.- LỊCH-SỬ CHƯ PHẬT

1.- THẤT PHẬT THẾ-TÔN
(7 đức Phật Thế-Tôn)

Phật-học chia thời-gian làm ba thời-kỳ: quá-khứ Trang-nghiêm-kiếp, Hiện-tại Hiền-kiếp và vị-lai Tinh-tú-kiếp. Trong mỗi thời-kỳ này đều có một nghìn đức Phật ra đời độ sinh. Danh hiệu chư Phật rất nhiều nhưng, trong kinh thường thường nói tới danh-hiệu bảy đức Phật Thế-Tôn (thất Phật Thế-Tôn) tức là chỉ vào ba vị cuối cùng trong kiếp quá-khứ và bốn vị trong kiếp hiện-tại. Bảy vị ấy là:

1.- Đức Phật Tỳ-Bà-Thi (Vipassin) con vua Bàn-đầu (Bandhumant) và bà Bàn-đầu-bà-đề (Bandhumati) thuở quá-khứ.

2.- Đức Phật Thi-Khí (Sikhin) con vua Minh-tướng (Aruna) và bà Quang-diệu (Pabhàvati), thuở quá-khứ.

3.- Đức Phật Tỳ-Xá-Phù (Vessabhù) con vua Thiện-đăng (Suppatita) và bà Xưng-giới (Yasavati) thuở quá-khứ.

4.- Đức Phật Câu-Lưu-Lôn (Kakusandha) con ông Tự-đắc (Aggidatta) và bà Thiện-chi (Visàkhà) kiếp Hiện-tại.

5.- Đức Phật Câu-Na-Hàm (Konàgamana) con ông Đại-đức (Yannadatta) và bà Thiện-thắng (Uttarà) kiếp Hiện-tại.

6.- Đức Phật Ca-Diếp (Kassapa) con ông Phạm-đức (Brahmadatta) và bà Tài-chủ (Dhanavati) kiếp Hiện-tại.

7.- Đức Phật Thích-Ca Mưu-Ni Giáo-chủ đạo Phật hiện-tại.

Còn vị kế-thừa đức Phật Thích-Ca sau này là đức Phật Di-Lặc.

2.- ĐỨC PHẬT THÍCH-CA MƯU-NI

Vị Giáo-chủ Phật-giáo hiện-tại là đức Phật Thích-Ca Mưu-Ni (Sàkya Muni).

Ngài là vị Thái-tử tên là Tất-đạt-Đa (Siddhar-thà), con vua Tịnh-Phạn (Suddhodana) và Hoàng-hậu Ma-gia (Maya) nước Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavastu) thuộc Trung-Ấn-Độ. Ngài giáng-sinh tại vườn Lâm-tỳ-ni (Lumbini) vào ngày trăng tròn tháng hai Ấn-độ, tức tháng tư âm-lịch Trung-hoa (theo phong tục nước ta làm lễ khánh-đản Ngài vào ngày mồng tám tháng tư âm-lịch).

Ngài thông-minh, đĩnh-ngộ, tài-trí hơn người. Ngài nhìn đời bằng con mắt từ-bi, Ngài muốn phá tan sự bất công, mê-tín… đương thời, đem lại chân giá-trị cho con người, cho chúng-sinh thoát khổ, được vui. Ngài bỏ sự vinh hoa, khoái-lạc ở đời đi xuất-gia tìm đạo năm Ngài 29 tuổi.

Vượt bao chướng-ngại Ngài ngộ đạo năm 35 tuổi.

Sau khi giác-ngộ, Ngài đi khắp nơi thuyết-pháp suốt 45 năm ròng. Vừa năm 80 tuổi Ngài nhập Niết-bàn tại rừng Sa-la, xứ Cưu-thi-la (Kusinagara). Xá-lỵ Ngài được chia cho tám nước xây tháp cúng-dàng.

Đó là đời Ngài. Đời Ngài vì chúng-sinh, phục vụ cho chúng-sinh… đem lại sự an vui chân-thực cho muôn loài, trong muôn thuở.

3.- ĐỨC PHẬT A-DI-ĐÀ

A-Di-Đà (Amita) có nghĩa là “Vô-lượng-quang” (sáng láng không lường) “Vô-lượng-thọ” (sống lâu không lường).

Theo kinh Bi-Hoa: Thuở quá-khứ lâu xa, cõi San-đề-lam, có ông vua tên là Vô-Tránh-Niệm. Do ông Bảo-Hải đại-thần khuyến-tiến, nhà vua gặp được đức Phật Bảo-Tạng. Nhà vua thành tâm cúng-dàng, quy-y, thụ-giáo và phát-nguyện độ sinh, nên được đức Phật Bảo-Tạng thụ-ký: sau đây sẽ thành Phật hiệu là A-Di-Đà (Amita) ở nước Cực-lạc phương Tây. Hiện-tại Ngài đang thuyết-pháp tại đó. Và, trong một kiếp khác xa xưa, Ngài là Pháp-Tạng Tỳ-khưu phát ra 48 đại-nguyện độ tận chúng-sinh, nơi đức Thế-Tự-Tại-Vương Phật.

4.- ĐỨC DƯỢC-SƯ LƯU-LY-QUANG NHƯ-LAI

Đức Dược-Sư Lưu-Ly-Quang Như-Lai, tiếng Phạm gọi là Bệ-sát-xã-lũ-rô (Bhaisajyaguruvaidùryap-radhàsa).

Ngài là vị Giáo-chủ nước Tịnh-Lưu-Ly phương Đông. Ngài có mười hai đại-nguyện độ sinh. Ngài có hai vị Bồ-tát phụ-tá là Nhật-Quang biến-chiếu Bồ-tát và Nguyệt-Quang biến-chiếu Bồ-tát.

B.- LỊCH-SỬ BỒ-TÁT

1.- DI-LẶC BỒ-TÁT

Bồ-tát Di-Lặc, gọi theo tiếng Phạm là Mai-đê-lê (Maitrya) dịch nghĩa là “Từ”, là tên họ, nên gọi chung là “Từ-thị”; tên là A-dật-đa (Adjita) dịch nghĩa là Vô-Năng-Thắng. Ngài sinh trong họ Bà-la-môn, thuộc Nam-thiên-trúc (Ấn-độ). Ngài là vị kế-thừa đức Phật Thích-Ca Mưu-Ni làm Giáo-chủ cõi Sa-bà này trong tương-lai. Hiện-tại Ngài đang thuyết-pháp trên cung trời Đâu-suất.

2.- QUÁN-THẾ-ÂM BỒ-TÁT

Quán-Thế-Âm là dịch nghĩa chữ A-va-lô-ky-tết-va-ra (Avalokitesvara) của chữ Phạm và có nghĩa là vị Bồ-tát quán-sát tiếng kêu cầu của chúng-sinh trong thế-gian, mà độ cho họ được giải-thoát. Quán-Thế-Âm, còn gọi là Quán-Tự-Tại.

Xưa kia Ngài là con trai cả vua Vô-Tránh-Niệm tên là Bất-Thuấn (Huyến). Ngài được thân-thừa, cúng-dàng đức Phật Bảo-Tạng và được thụ-ký: sau này sẽ được hiệu là Quán-Thế-Âm, phụ-tá bên cạnh đức Phật A-Di-Đà ở cõi Cực-Lạc. Và, sau nữa Ngài sẽ thành Phật hiệu là “Phổ-Quang Công-Đức Sơn-Vương Như-Lai” ở cõi “Chúng-bảo sở tập trang-nghiêm”.

Ngài thường thị-hiện nhiều thân để hóa-độ chúng-sinh.

3.- ĐẠI-THẾ-CHÍ BỒ-TÁT

Đại-Thế-Chí là dịch nghĩa chữ Mô-hát-tha-na-pờ-rất-ta (Mohasthanaprâta) của chữ Phạm và, theo kinh Quán-vô-lượng-thọ thời có nghĩa là “dùng ánh sáng trí-tuệ soi khắp hết thảy, khiến chúng-sinh trong 3 đường ác được giải-thoát và được năng-lực vô-thượng”.

Xưa kia Ngài là con trai thứ vua Vô-Tránh-Niệm tên là Ni-ma. Ngài được thân-thừa, cúng-dàng đức Phật Bảo-Tạng và phát-nguyện độ sinh mà được thụ-ký: sau này sẽ được hiệu là Đắc-Đại-Thế (Đại-Thế-Chí), phụ-tá bên cạnh đức Phật A-Di-Đà ở cõi Cực-Lạc. Và, sau nữa Ngài sẽ thành Phật tên hiệu là “Thiện-Trụ Công-Đức Bảo-Vương Như-Lai” ở thế-giới “Đại-thế”.

4.- VĂN-THÙ BỒ-TÁT

Văn-Thù gọi đủ là Văn-Thù-Sư-Lỵ và còn gọi là Mạn-Thù-Thất-Lỵ (Manjusri). Văn-Thù-Sư-Lỵ dịch nghĩa là “Diệu-Đức, Diệu-Âm, Diệu-Cát-Tường”. Xưa kia, Ngài là con thứ ba vua Vô-Tránh-Niệm, tên là Vương-Chúng Thái-tử. Do cúng-dàng đức Phật Bảo-Tạng và phát-nguyện độ sinh Ngài được tên hiệu là Văn-Thù-Sư-Lỵ và được thụ-ký: sau đây sẽ thành Phật ở thế-giới Thanh-tịnh Vô-cấu bảo-chỉ và tên hiệu là Phổ-Hiền Như-Lai.

Ngài là vị Bồ-tát hiểu-thấu Phật-tính, đầy đủ ba đức: Pháp-thân, Bát-nhã, giải-thoát và Ngài đem ba đức vi-diệu ấy giác-ngộ chúng-sinh. Ngài là vị có trí-tuệ nhiệm-mầu, hiện-thân giúp đỡ sự truyền-bá Phật-pháp của đức Phật Thích-Ca Mưu-Ni.

5.- PHỔ-HIỀN BỒ-TÁT

Phổ-Hiền là dịch nghĩa chữ Tam-man-đa-bạt-đà-la (Samantabhadra) của tiếng Phạm (Ấn-độ). “Phổ-Hiền” là nói về cái thể-tính rộng khắp. Xưa kia, Ngài là con thứ tư vua Vô-Tránh-Niệm, tên là Năng-Đà-Nô. Do cúng-dàng đức Phật Bảo-Tạng và phát-nguyện độ-sinh, Ngài được thụ-ký: sau đây làm hạnh Bồ-tát sẽ được tên là Kim-Cương trí-tuệ quang-minh công-đức, rồi sau sẽ thành Phật ở thế-giới Bất-Huyến phương Đông và tên hiệu cũng là Phổ-Hiền Như-Lai. Ngài là vị Bồ-tát hóa-thân giúp đỡ sự truyền-bá Phật-pháp của đức Phật Thích-Ca Mưu-Ni. Ngài có mười đại-nguyện thừa-sự chư Phật, tự-tu và độ-sinh.

6.- ĐỊA-TẠNG BỒ-TÁT

Địa-Tạng là dịch nghĩa chữ Khất-soa-để-nghiệt-sa (Ksitigarbha) của tiếng Phạm. “Địa-Tạng” có nghĩa là an-nhẫn bất động như đại-địa, suy nghĩ sâu xa kín-đáo như kho-tàng bí-mật.

Tiền-thân của Ngài theo kinh Địa-Tạng nói thì rất nhiều nhưng, đều do hiếu-hạnh và lòng từ-bi của Ngài mà Ngài phát ra thệ-nguyện rộng lớn: “địa-ngục rỗng không, chúng-sinh độ hết mới thành Phật”.

Trên cung trời Đao-Lỵ đức Phật Thích-Ca Mưu-Ni phó-chúc cho Ngài cứu-độ chúng-sinh sau khi Ngài nhập Niết-bàn cho đến lúc đức Phật Di-Lặc ra đời.

7.- CHUẨN-ĐỀ BỒ-TÁT

Chuẩn-Đề (Candi) có nghĩa là “thanh-tịnh”, là lời tán-thán “tâm-tính thanh-tịnh”. Ngài là vị Pháp-thân Bồ-tát, thường được tôn-xưng là “Thiên-Nhân Trượng-Phu Quán-Âm”, là Thất-Câu-Chi Phật-Mẫu”. Ngài thường thuyết Đà-la-ni cho chúng-sinh tu-tập, cho tâm-tính thanh-tịnh, để đạt tới chỗ Đại-giác.

C.- LỊCH-SỬ THÁNH-TĂNG, TỔ-SƯ

1.- THẬP ĐẠI ĐỆ-TỬ
(10 vị Đại đệ-tử của Phật)

Đức Phật Thích-Ca Mưu-Ni độ rất nhiều đệ-tử nhưng, có mười vị cao-đệ như sau:

1.- Ngài Xá-Lỵ-Phất (Sariputra): Tàu dịch là Thu-lộ-tử (con bà Thu-lộ. Bà này có con mắt sáng như mắt chim Thu-lộ). Ngài thuộc dòng Bà-la-môn con ông Ưu-bà-đề-xá và bà Xá-lỵ. Ngài là vị Trí-tuệ đệ nhất.

2.- Ngài Mục-Kiền-Liên (Maudgalyàyana): Tàu dịch là Đại-tán-tụng (hay tán-tụng). Ngài thuộc dòng Bà-la-môn, tên cha là Câu-lỵ-ca, tên mẹ là Mục-kiền-liên. Ngài là vị Thần-thông (du-hành tự-tại) đệ nhất.

3.- Ngài Ca-Diếp (Kasyapa): Tàu dịch là Ẩm-Quang (Át ánh sáng). Ngài người nước Ma-kiệt-đà, dòng Bà-la-môn, thân phụ là Ẩm-trạch, thân-mẫu là Hương-chí, Ngài là vị đầu-đà (Dhùta: khất-thực, khổ hạnh) đệ nhất.

4.- Ngài A-Na-Luật (Aniruddha): Tàu dịch là Như-ý vô tham (được như ý, không tham lam). Ngài là em thúc-bá với Phật. Ngài là vị Thiên-nhãn (mắt trông suốt) đệ nhất.

5.- Ngài Tu-Bồ-Đề (Subhùti): Tàu dịch là Thiện-Hiện (sự diệu-thiện hiển-hiện). Ngài con ông Trưởng-giả thành Xá-vệ. Ngài là vị Giải-không (hiểu rõ lẽ chân-không) đệ nhất.

6.- Ngài Phú-Lâu-Na-Di-Đa-La-Ni-Tử (Pùrna-maitràyani-putra): Tàu dịch là Mãn-từ-tử (con bà Mãn-từ: đầy đủ lòng nhân-từ). Ngài người xứ Ba-la-nại, trước tu đạo Tiên, đắc đạo, sau quy-y Phật là vị Thuyết-pháp đệ nhất.

7.- Ngài Ca-Chiên-Diên (Kàtyàyana): Tàu dịch là Tiễn-thế chủng (dòng cắt tóc) dòng Bà-la-môn. Ngài quy Phật, là vị Luận-nghị (bàn bạc) đệ nhất.

8.- Ngài Ưu-Ba-Ly (Upàli): Tàu dịch là Cận-thủ (giữ lấy sự thiết-cận), thuộc giai-cấp hèn-hạ. Ngài quy Phật là vị Trì-luật (giữ luật) đệ nhất.

9.- Ngài La-Hầu-La (Rahula): Tàu dịch là Phú-chướng (bị sự ngăn-che). Ngài là con Phật, đi xuất-gia, là vị Mật-hạnh (giữ hạnh nhiệm-nhặt) đệ nhất.

10.- Ngài A-Nan-Đà (Ananda): Tàu dịch là Khánh-hỷ (vui mừng) là em thúc-bá với Phật. Ngài đi xuất-gia, là vị Đa-văn (nghe nhiều) đệ nhất.

2.- HĂM TÁM VỊ TỔ-SƯ ẤN-ĐỘ

Thiền-tôn Ấn-độ tương-truyền được hai mươi tám vị như sau:

1.- Ngài Ca-Diếp.

2.- Ngài A-Nan-Đà.

3.- Ngài Thương-na-hòa-tu (Sànavàsa): Tàu dịch là Ma-y (áo gai). Ngài là đệ-tử ngài A-Nan. Ngài là người ở nước Mạt-đột-la, họ Tỳ-xá-da, thân-phụ là Lâm-Thắng, thân-mẫu là Kiều-xa-da.

4.- Ngài Ưu-bà-cúc-đa (Upagupta): Tàu dịch là Đại-Hộ (giúp đỡ nhiều): Ngài là đệ-tử ngài Thương-na-hòa-tu. Ngài là người Sất-lỵ-quốc, họ Thủ-đà, thân-phụ là Thiện-ý.

5.- Ngài Đề-đa-ca (Dhrtaka: có nghĩa là mộng lạ)Ngài là đệ-tử ngài Ưu-bà-cúc-đa. Ngài là người ở nước Ma-già-đà, tên là Hương-chúng.

6.- Ngài Di-già-ca: Ngài sinh-trưởng tại miền Trung Ấn-độ. Ngài là đệ-tử ngài Đề-đa-ca.

7.- Ngài Bà-tu-mật (Vasumitra): Tàu dịch là Thế-Hữu (bạn của đời): Ngài là đệ-tử ngài Di-già-ca. Ngài họ Phả-la-đọa, người Bắc-Thiên-trúc.

8.- Ngài Phật-đà-nan-đề: Ngài là đệ-tử ngài Bà-tu-mật. Ngài họ Cồ-Đàm, sinh-trưởng tại nước Ca-ma-la.

(*** thiếu 1 trang, phần 02- 28 Vị Tổ Sư Ấn-Độ từ số …09 cho đến số 16…)

17.- Ngài Tăng-già-nan-đề (Samghanandi): Tàu dịch là Chúng-hà (các sông): Ngài đắc-pháp nơi ngài La-hầu-la-đa. Ngài là vị Hoàng-tử con vua Trang-nghiêm nước Thất-la-phiệt.

18.- Ngài Già-gia-xá-đa: Ngài lĩnh-thụ chính-pháp nơi ngài Tăng-già-nan-đề. Ngài dòng Uất-đầu-lam-phất, sinh-trưởng tại nước Ma-đề, thân-phụ là Thiên-cái, thân-mẫu là Phương-Thánh.

19.- Ngài Cưu-ma-la-đa (Kumàralabdha): Tàu dịch là Hào-đồng (cậu bé hào-hùng): Ngài đắc-pháp nơi ngài Già-gia-xá-đa. Ngài dòng Bà-la-môn, sinh-trưởng tại nước Nguyệt thị.

20.- Ngài Xà-dạ-đa: Ngài đắc-pháp nơi ngài Cưu-ma-la-đa. Ngài sinh-trưởng tại Bắc Ấn-độ.

21.- Ngài Bà-tu-bàn-đầu (Vasubandhu): Tàu dịch là Thế-thân (thân-mật với đời): Ngài họ Tỳ-xá-khư, sinh-trưởng tại thành La-duyệt, con ông Quang-Cái và bà Nghiêm-Nhất.

22.- Ngài Ma-nô-la: Ngài là con vua Thường-tự-tại nước Na-đề, dòng Sát-đế-lỵ, đắc-pháp nơi ngài Bà-tu-bàn-đầu.

23.- Ngài Hạc-lặc-na (Haklena): Ngài đắc-pháp nơi ngài Ma-nô-la. Ngài dòng Bà-la-môn, sinh-trưởng tại nước Nguyệt-thị, thân-phụ là Thiên-thắng, thân-mẫu là Kim-quang.

24.- Ngài Sư-tử tôn-giả: Ngài đắc-pháp nơi ngài Hạc-lặc-na. Ngài dòng Bà-la-môn, sinh-trưởng tại Trung Ấn-độ.

25.- Ngài Bà-xá-tư-đa: Ngài đắc-pháp nơi ngài Sư-tử tôn-giả. Ngài dòng Bà-la-môn, sinh-trưởng tại nước Kế-tân, thân-phụ là Tịnh-Hạnh, thân-mẫu là Thường-an-lạc.

26.- Ngài Bất-như-mật-đa: Ngài đắc-pháp nơi ngài Bà-xá-tư-đa. Ngài dòng Sát-đế-lỵ, con thứ hai của vua Nam-Ấn-độ.

27.- Ngài Bát-nhã-đa-la (Prajnàtàra): Ngài đắc-pháp nơi ngài Bất-như-mật-đa. Ngài sinh-trưởng tại Đông-Ấn-độ.

28.- Ngài Bồ-đề Đạt-ma (Bodhidharma): Tàu dịch là Đạo-pháp. Ngài đắc-pháp nơi ngài Bát-nhã-đa-la. Chính tên ngài là Bồ-đề-đa-la, thuộc dòng Sát-lỵ, con thứ ba vua Hương-chí, Nam-Ấn-độ. Đời Lương-Vũ-Đế (Trung-hoa) ngài đem tâm-pháp truyền sang Trung-hoa, là vị Sơ-tổ Thiền-tôn tại đây.

3.- SÁU VỊ TỔ-SƯ THIỀN-TÔN TRUNG-HOA

Thiền-tôn truyền sang Trung-hoa, sự kế-thừa tâm-pháp có sáu vị như sau:

1.- Ngài Bồ-đề Đạt-ma: Ngài là vị Tổ thứ 28 của Thiền-Tôn Ấn-độ, truyền Thiền-Tôn sang Trung-hoa thời nhà Lương. Cơ-duyên hóa-độ chưa gặp, Ngài tới chùa Thiếu-lâm ngồi quay mặt vào vách chín năm. Sau, Ngài truyền tâm-pháp cho ngài Thần-Quang, đạo-hiệu Tuệ-Khả.

2.- Ngài Tuệ-Khả: Ngài họ Cơ, sinh-trưởng tại đất Vũ-lao, thân-phụ Ngài tên là Tịch. Khi sinh Ngài có điềm sáng lạ, nên thân-phụ Ngài, đặt tên cho Ngài là “Quang”. Lớn lên Ngài đi xuất-gia nơi ngài Bảo-tịnh. Năm 33 tuổi Ngài về Hương-sơn, ngồi yên-lặng tám năm. Sau tới chùa Thiếu-lâm, chặt tay trái cầu pháp nơi ngài Bồ-đề Đạt-ma, Ngài được truyền tâm-pháp. Cuối cùng Ngài truyền pháp cho ngài Tăng-Sán. Năm 107 tuổi ngài viên-tịch.

3.- Ngài Tăng-sán: Ngài người miền Từ-Châu. Khi còn là người Cư-sĩ, Ngài đến quy-y, thụ-giáo nơi ngài Tuệ-Khả. Ngài hành-đạo gặp thời Chu-vũ-đế hủy-diệt Phật-pháp. Ngài hay qua lại núi Tư-không. Sau Ngài truyền-pháp cho ngài Đạo-Tín và ngài Tỳ-ni-đa-lưu-chi (sang Việt-nam). Cuối cùng Ngài tới núi La-phù giáo-hóa chúng-sinh, rồi đứng thẳng, chắp tay mà viên tịch gần bên cây đại-thụ.

4.- Ngài Đạo-Tín: Thân-phụ Ngài thuộc họ Tư-mã, gốc ở Hà-nội, sau dời về Châu-kỳ, thuộc huyện Quảng-tế, mới sinh Ngài. Lúc tuổi nhỏ, Ngài có tính siêu-việt lạ thường, hâm-mộ Không-tôn. Đi xuất-gia Ngài được Ngài Tăng-Sán truyền tâm-pháp cho và từ đó Ngài không ngủ, không đặt lưng xuống chiếu suốt 60 năm. Sau Ngài truyền-pháp cho ngài Hoằng-nhẫn. Đến năm 72 tuổi, Ngài ngồi kết gia-phu viên-tịch.

5.- Ngài Hoằng-Nhẫn: Ngài họ Chu, quán ở Châu-Kỳ, thuộc huyện Hoàng-Mai. Ngài theo hầu ngài Đạo-Tín từ thuở nhỏ. Khi đắc pháp, Ngài về núi Phá-đầu hóa-độ chúng-sinh. Đồ-chúng Ngài có hơn 700 người, có ngài Thần-Tú là người quán-thông nội, ngoại-điển nhưng, không đắc-ngộ. Sau Ngài truyền-pháp cho ngài Huệ-Năng. Năm 74 tuổi Ngài ngồi mà viên-tịch.

6.- Ngài Huệ-Năng: Ngài họ Lư, thân-phụ là Hạnh-Thao, thân-mẫu là Lý-thị, người đất Tân-châu, thuộc miền Lĩnh-nam. Cha mất sớm, lớn lên Ngài đi kiếm củi nuôi mẹ. Tìm đủ phương-tiện để chu cấp cho mẹ, Ngài xin mẹ tới quy-y, thụ-pháp nơi ngài Hoằng-Nhẫn. Tới đây Ngài chuyên giã gạo. Sau được ngài Hoằng-Nhẫn truyền tâm-pháp, qua phương Nam hoằng-dương Phật pháp.

Ngài rất đông đệ-tử, sau có hai vị kế-thừa Ngài là Nam-Nhạc và Thanh-Nguyên. Ngài Nam-Nhạc có ngài Mã-Tổ, ngài Mã-Tổ có ngài Bách-Trượng, ngài Bách-Trượng có ba vị: Hoàng-NghiệtLinh-HựuVô-ngôn-thông (sang Việt-nam). Ngài Hoàng-Nghiệt có ngài Nghĩa-Huyền lập phái Lâm-Tế. Ngài Linh-Hựu có ngài Huệ-Tịch lập phái Quy-ngưỡng. Còn Ngài Thanh-Nguyên có ngài Thạch-Đầu. Từ ngài Thạch-đầu trở xuống có ngài Bản-Tịch lập phái Tào-động, ngài Văn-Yển lập phái Vân-Môn và ngài Văn-Ích lập phái Pháp-nhãn. Do năm phái trên, Thiền-tôn truyền bá khắp trong và ngoài nước Trung-hoa.

4.- NGÀI TỲ-NI-ĐA-LƯU-CHI

Ngài Tỳ-Ni-Đa-Lưu-Chi (Vinitaruci: Trung-hoa dịch là Diệt-Hỷ) là Sơ-tổ Thiền-tôn Việt-nam. Ngài là người Nam-Ấn-độ, sang Tây Ấn-độ khảo-cứu Phật-giáo. Vì cơ-duyên chưa gặp, Ngài qua Trường-an (Trung-hoa) vào năm 574, là lúc Phật-giáo Trung-hoa đang bị Chu-Vũ-Đế phá-hoại. Ngài qua đất Nghiệp (thuộc tỉnh Hồ-nam bây giờ) Ngài gặp Ngài Tăng-Sán ở núi Tư-không và được Ngài truyền tâm-ấn. Sau đó, Ngài đến Quảng-châu trụ tại chùa Chế-chỉ. Năm 580 Ngài sang Việt-nam ở chùa Pháp-vân (tức làng Văn-giáp, huyện Thượng-phúc, tỉnh Hà-đông bây giờ). Sau Ngài truyền tâm-ấn cho Ngài Pháp-Hiền rồi viên-tịch.

5.- NGÀI VÔ-NGÔN-THÔNG

Ngài Vô-Ngôn-Thông là vị đứng đầu phái Thiền-tôn thứ hai truyền vào Việt-nam. Ngài họ Trịnh, sinh-trưởng tại Quảng-châu (Trung-hoa). Ngài xuất-gia tại chùa Song-Lâm đất Vũ-châu (thuộc Chiết-giang bây giờ). Tính Ngài điềm-đạm ít nói nhưng, thông hiểu sự-lý, nên người đời mới gọi Ngài là Vô-ngôn-thông. Ngài đắc-pháp nơi Ngài Bách-Trượng (phái Nam-nhạc Trung-hoa), rồi về trụ-trì chùa An-hòa (Quảng châu). Năm 820 Ngài sang Việt-nam trụ-trì chùa Kiến-sơ, làng Phù-Đổng, tỉnh Bắc-ninh. Sau Ngài truyền-pháp cho ngài Cảm-thành. Năm 826, không bệnh-tật gì Ngài tắm rửa rồi viên-tịch.

6.- NGÀI KHUÔNG-VIỆT THÁI-SƯ

Ngài họ Ngô, pháp-hiệu là Chân-Lưu, quê ở làng Cát-lỵ, trụ-trì chùa Phật-Đà. Ngài thụ-giới nơi ngài Vân-phong Thiền-sư chùa Khai-quốc Ngài quán-thông kinh sách. Năm 40 tuổi vua Đinh-Tiên-Hoàng vời Ngài vào hỏi đạo, Ngài ứng-đối tinh tường, vua rất mến phục phong cho Ngài làm Tăng-Thống. Năm 971 nhà vua lại phong cho Ngài là Khuông-Việt Thái-Sư. Đến đời Lê-đại-hành việc quân-quốc trong, ngoài đều thỉnh-vấn Ngài cả. Sau Ngài cáo về núi Du-hý mở trường dạy học. Học-đồ của Ngài rất đông nhưng, có ngài Đa-Bảo là đắc-truyền tâm-pháp. Năm Ngài 81 tuổi thì viên-tịch.

7.- NGÀI PHÁP-THUẬN THIỀN-SƯ

Ngài dòng họ Đỗ, xuất-gia từ nhỏ nơi ngài Long-thụ Phù-trì thiền-sư. Ngài quán-thông kinh sách, nên triều Tiền-Lê thường mời Ngài vào bàn về các việc chính-trị và ngoại giao. Năm 986, nhà vua yêu cầu Ngài cải-trang làm lái đò, chèo đò cho sứ Tàu là Lý-giác. Ngài ứng đối như lưu, sứ Tàu hết sức kính-phục. Năm 990 Tây lịch không bệnh gì mà tịch, Ngài thọ 76 tuổi.

8.- NGÀI VẠN-HẠNH THIỀN-SƯ

Ngài dòng họ Nguyễn, người làng Cổ-pháp (nay là làng Đình-bảng, phủ Từ-sơn, Bắc-ninh). Tuổi nhỏ Ngài đã thông hiểu hết kinh-sách Tam-giáo: Nho, Đạo, Thích. Ngài xuất gia năm 20 tuổi nơi ngài Định-Tuệ thiền-sư và theo học ngài Thuyền-Ông đạo-giả. Ngài chuyên tập pháp Tổng-trì Tam-ma-địa (Mật-tôn), nói sao đúng thế. Ngài giúp nhiều việc lợi-ích trong các triều đương thời. Năm 1018 Tây-lịch Ngài viên-tịch.

9.- NGÀI THẢO-ĐƯỜNG

Năm 1069 vua Lý-Thánh-Tôn đi đánh Chiêm-thành đem nhiều tù-binh về nước, trong số đó bắt lầm một vị Thiền-sư tên là Thảo-Đường.

Ngài Thảo-Đường là đệ-tử của ngài Tuyết-Đậu Minh-Giác, thuộc hạt Minh-châu nước Trung-Hoa. Vua Lý-Thánh-Tôn phong Ngài là Quốc-sư và thỉnh Ngài khai-giảng tại chùa Khai-quốc trong thành Thăng-long, đệ-tử tới học đạo rất đông. Sau Ngài truyền tâm-pháp cho vua Lý-Thánh-Tôn. Thế là, Ngài là vị đứng đầu phái Thiền-tôn thứ ba tại Việt-Nam.

10.- TRÚC-LÂM TAM TỔ
(3 vị Tổ phái Trúc-Lâm)

Phật-giáo đời Trần đặc-biệt thành-lập thêm một phái tại Yên-tử-sơn, có ba vị giữ cương-lĩnh truyền-thừa chính-pháp của Phật, mà hậu-học thường gọi là “Trúc-Lâm Tam Tổ” (3 vị Tổ phái Trúc-Lâm: Trúc-Lâm là tôn-hiệu của vua Trần-Nhân-Tôn).

1.- Vua TRẦN-NHÂN-TÔN: Ngài là Thái-tử Khâm, theo mệnh vua cha lên ngôi năm 1278 Tây-lịch, lấy hiệu là Nhân-Tôn. Năm 1293 Ngài truyền ngôi cho con là Anh-Tôn rồi vào núi Yên-tử tu, lấy hiệu là “Hương-Vân Đại-đầu-đà”. Sau Ngài truyền pháp cho ngài Pháp-Loa, rồi Ngài ngồi chắp tay mà hóa. Năm ấy Ngài 51 tuổi (năm 1308 Tây-lịch). Sau khi viên-tịch vua Anh-Tôn dâng tôn-hiệu là “Đại-Thánh Trần-Triều Trúc-Lâm Đầu-Đà Tĩnh Tuệ Giác-hoàng Điều-Ngự Tổ-Phật”.

2.- PHÁP-LOA TÔN-SƯ: Ngài họ Đồng, tên là Kiên-Cương, người làng Cửu-la, phủ Nam-sách (nay là làng Tiền-trung, tổng Vũ-la, Hải-dương). Năm 21 tuổi Ngài đi xuất-gia theo Ngài Điều-Ngự (Vua Trần-Nhân-Tôn). Ngài tinh-thông kinh-điển. Ngài Điều-Ngự truyền giới-pháp cho Ngài và đặt hiệu là Pháp-Loa. Sau Ngài truyền-pháp cho Ngài Huyền-Quang. Năm 47 tuổi Ngài dặn-dò đệ-tử rồi viên-tịch.

3.- HUYỀN-QUANG TÔN-SƯ: Ngài họ Lý, người làng Vạn-tải (thuộc tỉnh Bắc-giang bây giờ). Ngài bẩm-tính thông-minh, hai mươi tuổi đỗ Trạng-Nguyên. Ngài chán thế-tình, không ra làm quan, đi xuất-gia, thụ-giáo nơi Ngài Pháp-Loa. Sau Ngài được Ngài Pháp-Loa truyền tâm-ấn. Ngoài 60 tuổi Ngài viên-tịch.

11.- NGÀI NGUYÊN-THIỀU

Ngài Nguyên-Thiều là vị Tổ truyền phái Lâm-Tế đầu tiên tại Trung-Việt vào khoảng năm 1665 Tây-lịch. Ngài dòng họ Tạ, quê ở Trình-hương, Triều-châu Quảng-đông, Trung-hoa. Ngài xuất-gia năm 19 tuổi tại chùa Báo-Tư và thụ-giới nơi Ngài Bổn-Khao Khoán-Viên Hòa-thượng. Ngài lập chùa Thập-Tháp Di-Đà ở phủ Quy-ninh (Bình-định), mở trường dạy học. Sau Ngài ra lập chùa Hà-trung, (Thuận-hóa) rồi lên Xuân-kinh (Huế) lập chùa Quốc-Ân và dựng tháp Phổ-Đồng. Ngài mở đàn giới tại chùa Linh-Mụ.

Khi về già, một hôm Ngài gọi môn-đồ lại dặn dò các việc, nói bài kệ, rồi viên-tịch.

12.- NGÀI LIỄU-QUÁN

Ngài Liễu-Quán là người có công lớn trong việc khai-hóa Phật-pháp thuộc phái Lâm-Tế tại Trung-Việt. Ngài dòng họ Lê, húy Thiệt-Diệu, làng Bạch-Mã, huyện Đồng-xuân, tỉnh Phú-Yên. Ngài thụ-giáo với Ngài Tế-Viên Hòa-thượng chùa Hội-Tôn từ năm 6 tuổi. Sau Ngài ra học ngài Giác-Phong chùa Báo-Quốc, Thuận-Hóa. Ngài thụ Sa-Di nơi ngài Thạch-Liêm, thụ Tỳ-Khưu nơi ngài Từ-Lâm. Ngài đắc-ngộ nơi ngài Tử-Dung. Ngài truyền đạo hai, ba nơi và dự nhiều giới đàn. Cuối năm Nhâm-Tuất (1742), ngài tự cầm bút viết bài kệ từ-biệt đồ-đệ, rồi viên-tịch.

D.- LỊCH-SỬ PHẬT-GIÁO

1.- PHẬT-GIÁO ẤN-ĐỘ

Phật-giáo Ấn-Độ do đức Phật Thích-Ca Mưu-Ni sáng-lập và truyền xuống được 28 vị Tổ-Sư.

Sau khi đức Phật nhập Niết-Bàn đặc-biệt có bốn lần kết-tập Tam-Tạng:

-Lần thứ nhứt, sau Phật nhập-diệt ba tháng, kết-tập tại hang Tất-ba-la, ngoại thành Vương-xá.

- Lần thứ hai, sau Phật nhập-diệt chừng 100 năm, kết-tập tại vườn Ba-lỵ-ca thành Tỳ-xá-ly.

- Lần thứ ba, sau Phật nhập-diệt trên 200 năm, kết-tập tại thành Ba-tra-lỵ-Phất.

- Lần thứ tư, sau Phật nhập-diệt trên 400 năm, kết-tập tại thành Ca-thấp-di-la.

Nhờ có những lần kết-tập trên, Phật-giáo Ấn-độ phát-triển mạnh tại trong nước và truyền-bá ra ngoài nước. Trong thời-kỳ Phật-giáo tiến-triển, Bà-la-môn-giáo bị lu mờ; mãi đến thế-kỷ thứ tư Tây-lịch Tôn-giáo ấy mới tạm phục-hưng. Nhưng, đến thế-kỷ thứ 8 Tây-lịch nhờ có ông Thương-yết-la-a-sà-lê (Sànkar-àcàrya) khéo soạn-thích kinh sách Bà-la-môn-giáo lại mà Tôn-giáo ấy được phục-hưng thực sự. Do đó, Phật-giáo suy dần. Đến thế-kỷ thứ 12, Phật-giáo bị Hồi-giáo phá-hoại hoàn-toàn. Sang thế-kỷ 19 Tây-lịch, Phật-giáo tại đây mới phục-hồi, thành-lập Hội Ma-ha Bồ-Đề, hoạt-động khắp nơi. Hiện nay Phật-giáo Ấn-độ đã tiến-triển khả-quan.

2.- PHẬT-GIÁO TRUNG-HOA

Ảnh-hưởng của đức Phật Thích-Ca Mưu-Ni tại Trung-Hoa đã có ngay trong thời đức Khổng-Tử. Nhưng, đến Tây-lịch 67, tức đời vua Minh-Đế nhà Đông-Hán, ngài Ma-Đằng và ngài Trúc-Pháp-Lan (Ấn-độ) chính-thức đem Phật-pháp truyền-bá vào Trung-Hoa. Từ đó sự tiến-triển mỗi ngày mỗi tăng, có nhiều vị Chân-tăng phiên-dịch Tam-tạng bằng Phạm-văn ra Hán-văn. Đời Lương-Vũ-Đế lại có ngài Bồ-Đề Đạt-Ma sang truyền-bá Thiền-tôn, sau thành-lập ra năm phái, lan rộng khắp trong nước và truyền cả sang các nước lân-cận.

Trong sự phát-triển mạnh-mẽ của Phật-giáo, các đạo khác như Khổng, Lão không khỏi không có sự hiềm-khích. Do đó, Phật-giáo bị Ngụy-Vũ-Đế, Chu-Vũ-Đế, Đường-Vũ-Tôn và Chu-Thế-Tôn phá-hủy Phật-giáo đến cực-độ, có khi tưởng là tuyệt-diệt.

Trải qua những tai-nạn trên Phật-giáo tạm phục hưng, sau lại tiếp-diễn ảnh-hưởng Tây-phương và chiến-tranh, Phật-giáo tại đây không tiến hơn được, dần dần suy yếu. Từ năm 1911 làn sóng cách-mệnh dân-quốc nổi lên, các ngài Đế-Nhàn, Thái-Hư v.v… đứng lên chấn-hưng Phật-giáo, coi đã có vẻ khả-quan. Nhưng, vì cuộc nội-chiến, tới nay Phật giáo hình như biến-sắc và kém phát-triển.

3.- PHẬT-GIÁO VIỆT-NAM

Việt-Nam có ảnh-hưởng Phật-giáo kể từ cuối thế-kỷ thứ hai Tây-lịch. Nhưng, đến năm 580 Tây-lịch, ngài Tỳ-Ni-Đa-Lưu-Chi (Vinitaruci) chính-thức đem Thiền-tôn truyền vào Việt-Nam. Năm 820 Tây-lịch ngài Vô-Ngôn-Thông lại đem Thiền-tôn truyền vào. Năm 1069 Tây-lịch Ngài Thảo-Đường cũng truyền phái Thiền-tôn vào. Ba phái trên đây đều phát-triển sâu rộng giáo-lý Phật-giáo trong dân-chúng Việt-Nam. Kể từ đời Đinh (968-980), Lê (980-1009) Phật-giáo đã có hệ thống tổ-chức hẳn-hoi và đã có nhiều vị Tăng-tài như Khuông-Việt Thái-Sư. Pháp-Thuận thiền-sư v.v…mở rộng đạo-giáo, giúp nhiều việc lợi-ích cho quốc-dân.

Sang đời Lý (1010-1225) Phật-giáo cực-thịnh, có các vị Tăng-tài như ngài Vạn-Hạnh Thiền-Sư v.v…Đến đời Trần (1225-1400) Phật-giáo vẫn thịnh. Trong đời này có vua Trần-Nhân-Tôn đi tu tại Yên-tử-sơn thành phái Trúc-Lâm, có ngài Pháp-Loa và Huyền-Quang thừa-kế.

Từ nhà Hồ (1400…) trở đi Phật-giáo thường bị Khổng-giáo chen lấn và gặp nhiều sự chính-biến, nội-chiến trong nước, nên không thể tiến mạnh được, mặc dầu cũng có nhiều vị Tăng tài-đức. Trong thời Nam-Bắc phân-tranh (1528-1802) tại Bắc có thêm phái Tào-động tại chùa Hòa-giai, phái Liên-Tôn tại chùa Liên-Phái Hà-nội; tại Trung có phái Nguyên-Thiều và sau có phái Liễu-Quán thừa-kế.

Thời Nguyễn (1802…) trở đi Phật-giáo không có chi đặc-sắc và thuần-túy, lại thêm ảnh-hưởng sự độ-hộ của Pháp, không tiến hơn được. Nhưng, năm 1931 có Hội Nam-kỳ nghiên-cứu Phật-học, Hội Lưỡng-xuyên Phật-học, năm 1932 có An-nam Phật-học-hội, năm 1934 có Bắc-kỳ Phật-giáo-hội của Nam, Trung, Bắc ra đời, coi cũng có phần chấn-hưng.

Tiếp đến thế-chiến thứ hai, Phật-giáo ít tiến. Rồi từ 1945 trở đi, lâm vào cuộc chiến-tranh, Phật-giáo không tiến được. Từ năm 1950 Phật-giáo Bắc, TrungNam bắt đầu phục-hoạt. Năm 1951 thành-lập Tổng-Hội Phật-Giáo Việt-Nam, tại Huế. Năm 1952 thành-lập Giáo-Hội Tăng-già toàn quốc tại Hà-Nội. Từ đấy tới nay kể cũng có phần hoạt-động nhưng, vẫn không tiến mạnh được, vì có nhiều trở-ngại.

4.- PHẬT-GIÁO THẾ-GIỚI

Từ sau khi kết-thúc hội-nghị kết-tập Tam-tạng lần thứ ba, Phật-giáo không những bành-trướng trong Ấn-Độ mà còn lan rộng ra khắp các nước. Tới nay khắp 5 châu đều có hình bóng Phật-giáo, như: Ấn-độ, Népal, Tích-lan, Hồi-quốc, A-phú-hãn, Tây-tạng, Mông-cổ, Assam, Bhutan, Sikkhim, Mãn-châu, Trung-Hoa, Triều-tiên, Nhật-Bản, Việt-Nam, Miến-Điện, Thái-Lan, Ai-lao, Cao-Miên, Mã-lai, Tân-gia-ba, Phi-luật-tân, Nam-dương, Phi-châu, Úc-châu, Mỹ-châu, Anh, Pháp, Đức, Ý, Phần-lan, Đan-mạch, Bỉ, Áo, Thụy-điển, Nga, Hung-gia-lợi, Tiệp-khắc, Hạ uy-di v.v…

Đặc-biệt ngày 6 tháng 6 năm 1950 bản Hiến-chương của Phật-giáo thế-giới được công-bố trong một Hội-nghị Phật-giáo quốc-tế họp tại Tích-Lan. Thế là, Phật-giáo thế-giới thành-hình từ-đấy; lá cờ 5 màu tượng-trưng cho hào-quang của Phật tung bay khắp nơi; trên 600 triệu tín-đồ Phật-giáo đang tập-hợp dưới cờ để truyền-bá chính-pháp của Ngài. Và, tới nay, 5 lần hội-nghị tại: Tích-Lan, Nhật-Bản, Miến điện, Népal và Thái-Lan hiện nay (1958) đã tượng-trưng cho tinh-thần đoàn-kết và sự hoạt-động không ngừng của nó.


 

PHẦN THỨ BA
NGHI-THỨC TỤNG-NIỆM

“Nhất-tâm bất loạn là phương-pháp duy-nhất trong việc tụng-niệm”


 

KHÓA LỄ
KINH BÁT ĐẠI-NHÂN-GIÁC

TÂM-KINH BÁT-NHÃ

KINH LỄ SÁU PHƯƠNG


 

KHÓA LỄ
KINH BÁT ĐẠI-NHÂN-GIÁC [61]

(Thắp đèn, đốt hương xong, toàn-thể đứng ngay-ngắn, chắp tay ngang ngực mật-niệm ):

TỊNH PHÁP-GIỚI CHÂN-NGÔN:

Án lam sa-ha (3 lượt)

TỊNH TAM NGHIỆP CHÂN-NGÔN:

Án sa phạ bà phạ, truật-đà, sa phạ, đạt-ma sa phạ, bà phạ, truật độ hám (3 lượt)

(Người chủ-lễ thắp 3 nén hương, quỳ thẳng, cầm hương ngang trán, niệm lớn bài dâng hương ):

Nguyện đem lòng thành-kính,

Gửi theo đám mây hương;

Phảng-phất khắp mười phương,

Cúng-dàng ngôi Tam-bảo.

Thề trọn đời giữ đạo,

Theo tự-tính làm lành;

Cùng pháp-giới chúng-sinh,

Cầu Phật-từ gia-hộ:

Tâm Bồ-đề kiên-cố,

Xa bể khổ, nguồn mê,

Chóng quay về bờ Giác.

(Vái 1 vái rồi đọc tiếp bài kỳ-nguyện ):

Đệ-tử chúng con nguyện ngôi Tam-bảo thường-trụ trong mười phương đức Bản-Sư Thích-Ca Mưu-Ni-Phật, đức Tiếp-Dẫn Đạo-Sư A-Di-Đà Phật, cùng hết thảy Thánh-Hiền, từ-bi gia-hộ cho đệ-tử chúng con: tâm Bồ-đề bền-chắc, tự-giác, giác tha, giác-hành viên-mãn, cùng chúng-sinh trong pháp-giới, tội-chướng tiêu-trừ, căn lành tăng-trưởng, một thời đồng chứng Vô-thượng chính-đẳng, chính-giác.

(Vái 1 vái rồi đứng dậy cắm hương lên lư, Người chủ lễ chắp tay đứng thẳng và đọc bài tán Phật):

Đấng Pháp-vương vô-thượng,

Ba cõi chẳng ai bằng.

Thầy dạy khắp trời, người,

Cha lành chung bốn loại.[62]

Quy-y tròn một niệm,

Dứt sạch nghiệp ba k[63]

Xưng-dương cùng tán-thán,

Ức kiếp không cùng tận.

 

(Người chủ lễ vái một vái rồi xướng ):

Nam-mô tận-hư-không, biến pháp-giới, quá, hiện, vị-lai chư Phật, Tôn-pháp, Hiền-Thánh-tăng thường-trụ Tam-Bảo (Lễ 1 lễ )

Nam-mô Sa-bà Giáo-chủ, đại-từ, đại-bi, Bản-Sư Thích-Ca Mưu-Ni Phật, đương-lai hạ-sinh Di-Lặc Tôn Phật. (Lễ 1 lễ )

Nam-mô Tây-phương Cực-lạc thế-giới, đại-từ, đại-bi A-Di-Đà Phật, Quán-Thế-Âm Bồ-tát, Đại-Thế-Chí Bồ-tát, Thanh-tịnh đại-hải-chúng Bồ-tát.

(Lễ 1 lễ, rồi quỳ thẳng đọc bài sám-hối ):

Đệ-tử kính lạy đức Phật Thích-Ca, Phật A-Di-Đà, thập phương chư Phật, vô-thượng Phật-pháp, cùng Thánh-Hiền-Tăng; đệ-tử lâu đời lâu kiếp, nghiệp-chướng nặng-nề, tham, giận kiêu-căng, si-mê lầm-lạc, ngày nay nhờ Phật, biết sự lỗi-lầm, thành tâm sám-hối, thề tránh điều dữ, nguyện làm điều lành, ngửa trông ơn Phật, từ-bi gia-hộ: thân không tật-bệnh, tâm không phiền-não, hằng ngày an-vui tu-tập, phép Phật nhiệm-mầu, để mau ra khỏi luân-hồi, minh-tâm kiến-tính, trí-tuệ sáng-suốt, thần-thông tự-tại, đặng cứu-độ các bậc tôn-trưởng, cha mẹ anh em, thân bằng quyến-thuộc, cùng tất cả chúng-sinh, đồng thành Phật-đạo.

(Đứng dậy vái 3 vái rồi ngồi xuống tụng ):

Lư hương vừa đốt,

Cõi pháp thơm lây,

Chư Phật bốn biển đều xa hay.

Thấu tâm thành này,

Chư Phật hiện thân ngay.

Nam-mô Hương-vân-cái Bồ-tát, Ma-ha-tát. (3 lượt )

KHAI KINH KỆ:

Pháp Phật cao-siêu rất nhiệm mầu,

Nghìn muôn ức kiếp dễ hay đâu.

Con nay nghe, thấy xin vâng giữ,

Chân-nghĩa Như-Lai hiểu thật sâu.

Nam-mô Bản-Sư Thích-Ca Mưu-Ni Phật. (3 lượt)

PHẬT NÓI
KINH BÁT-ĐẠI-NHÂN GIÁC:[64]

Là đệ-tử Phật, thường thường ngày đêm, dốc lòng tụng-niệm tám điều giác-ngộ của bậc Đại-nhân.[65]

Một là biết rằng: Thế-gian vô-thường, đất-đai không chắc, bốn đại[66] khổ, không, năm ấm vô-ngã;[67] sinh, diệt đổi khác, dối-trá không chủ. Tâm là nguồn ác, hình là chằm tội.

Hai là biết rằng: Muốn nhiều là khổ. Sống chết nhọc-nhằn, từ tham-dục khởi. Ít muốn, vô-vi, thân-tâm tự-tại.

Ba là biết rằng: Tâm không chán, đủ; chỉ tham-cầu nhiều, tăng thêm tội ác. Bồ-tát không thế, thường niệm “biết đủ”, an bần giữ đạo, chăm tu trí-tuệ, sự-nghiệp của mình.

Bốn là biết rằng: Biếng lười, trụy-lạc. Thường hành tinh-tiến, phá phiền-não ác, dẹp hết bốn ma[68], ra ngục Ấm, Giới.[69]

Năm là biết rằng: Ngu-si sinh-tử. Bồ-tát thường nghĩ: học rộng, nghe nhiều, tăng thêm trí-tuệ, thành-tựu biện-tài, giáo-hóa hết thảy, đều được sướng vui.

Sáu là biết rằng: Nghèo khổ oán nhiều, kết nhiều duyên ác. Bồ-tát bố-thí, oán, thân bình-đẳng; không nghĩ ác cũ, không ghét ác-nhân.

Bảy là biết rõ lỗi-lầm năm dục[70]. Tuy là người tục, không nhiễm vui đời; luôn luôn nghĩ đến y, bát, pháp-khí,[71] chí-nguyện xuất-gia, giữ đạo trong-sạch, Phạm-hạnh cao-xa, lành thương hết thảy.

Tám là biết rằng: Sống chết nồng-nàn, khổ-não vô-lượng, phát tâm Đại-thừa, cứu khắp hết thảy; nguyện thay chúng-sinh, chịu nhiều khổ-não, khiến mọi chúng-sinh, được vui rốt-ráo.

Tám sự như thế, là điều giác-ngộ của các đức Phật, Bồ-tát đại-nhân. Các đại-nhân ấy tinh-tiến hành-đạo, từ-bi tu-tuệ, ngồi thuyền Pháp-thân, đến bờ Niết-bàn. Rồi thì các Ngài trở về sinh-tử, độ thoát chúng-sinh, đem tám sự trước, chỉ dẫn hết thảy, khiến mọi chúng-sinh, biết khổ sinh-tử, xa lìa năm dục, tu tâm Thánh-đạo.

Nếu đệ-tử Phật, tụng tám sự ấy, trong từng niệm niệm, diệt vô-lượng tội, tiến tới Bồ-đề, chóng thành Chính-giác, dứt hẳn sinh-tử, ở nơi sướng vui.

TÂM-KINH BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA[72]

Khi Ngài Quán-Tự-tại Bồ-tát,[73] thực-hành sâu-xa pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa, Ngài soi thấy năm uẩn[74] đều không, qua hết thảy khổ-ách.

Này ông Xá-Lỵ-Tử! Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc. Thụ, Tưởng, Hành, Thức cũng đều như thế !

Này ông Xá-Lỵ-Tử! Tướng Không của mọi pháp, không sinh, không diệt, không nhơ, không sạch, không thêm, không bớt. Cho nên, trong Chân-không, không có Sắc, không có Thụ, Tưởng, Hành, Thức; không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý[75]; không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp[76]; không có nhãn-giới, cho đến không có ý-thức giới[77]; không có vô-minh, cũng không có cái hết vô-minh, cho đến không có già, chết cũng không có cái hết già, chết[78]; không có khổ, tập, diệt, đạo[79]; không có trí-tuệ cũng không có chứng-đắc, vì không có chỗ chứng-đắc!

Bồ-tát y theo Bát-nhã ba-la-mật-đa, nên tâm không ngăn-ngại. Vì không ngăn-ngại nên không sợ-hãi, xa hẳn mộng-tưởng điên-đảo, đạt tới cứu-cánh Niết-bàn. Chư Phật trong ba đời cũng y vào Bát-nhã ba-la-mật-đa, được đạo-quả Vô-thượng chính-đẳng chính-giác.

Cho nên biết Bát-nhã ba-la-mật-đa là đại thần-chú, là đại-minh-chú, là vô-thượng-chú, là vô-đẳng-đẳng-chú, trừ được hết thảy khổ, chân-thực không hư

Vì vậy, nói ra bài chú Bát-nhã ba-la-mật-đa. Liền nói bài chú ấy rằng: “Yết-đế, Yết-đế. Ba-la yết-đế. Ba-la-tăng yết-đế. Bồ-đề tát-bà-ha[80].

Đại-từ, đại-bi thương chúng-sinh,

Đại-hỷ, đại-xả cứu muôn loài.

Tướng tốt sáng ngời tự-trang-nghiêm,

Đệ-tử chí tâm quy-mệnh lễ.

Nam-mô Sa-bà Giáo-chủ Bản-Sư Thích-Ca Mưu-Ni Phật (3 lượt).

Nam-mô Thích-Ca Mưu-Ni Phật (10 lượt, hoặc 1 tràng hay đi nhiễu tùy ý).

Nam-mô Văn-Thù Sư-Lỵ Bồ-tát (3 lượt, hoặc 10 lượt).

Nam-mô Phổ-Hiền Bồ-tát (3 lượt, hoặc 10 lượt ).

Nam-mô Thanh-tịnh đại-hải-chúng Bồ-tát (3 lượt hoặc 10 lượt).[81]

(Niệm xong rồi, quỳ đọc bài phát-nguyện):

Chúng-sinh không số lượng,

Thệ-nguyện đều độ khắp.

Phiền-não không cùng-tận,

Thệ-nguyện đều dứt sạch.

Pháp-môn không kể xiết,

Thệ-nguyện đều tu-học.

Phật-đạo không gì hơn,

Thệ-nguyện được viên-thành.

(Đứng dậy, đọc 3 tự-quy và đỉnh-lễ ):

- Tự quy-y Phật, xin nguyện chúng-sinh, thể theo đạo cả, phát tâm vô-thượng (1 lễ)

- Tự quy-y Pháp, xin nguyện chúng-sinh, thấu rõ Kinh-tạng, trí-tuệ như biển (1 lễ)

- Tự quy-y Tăng, xin nguyện chúng-sinh, thống-lý đại-chúng, hết thảy không ngại (1 lễ)

Hòa-nam Thánh-chúng.

(Vái 1 vái, đứng thẳng, chắp tay đọc):

Nguyện đem công-đức này,

Hướng về khắp tất cả.

Đệ-tử và chúng-sinh,

Đều trọn thành Phật-đạo.

(Vái 3 vái rồi lui ra).

PHỤ-LỤC
I.- PHẬT NÓI KINH LỄ SÁU PHƯƠNG1

Chàng Thiện-sinh,

Buổi sáng nọ,

Mặc áo mũ,

Lễ sáu phương.

Phật hỏi rằng:

“Lễ gì thế?”

Chàng mới kể:

“Theo lời cha,

Cứ sáng ra,

Thời lễ vậy”.

Phật bèn dạy:

“Ngươi hiểu lầm,

Lễ tại tâm,

Ngươi nên biết:

Sáu ác-nghiệp,

Trừ ngay đi !

Đừng rượu chè,

Chớ cờ bạc,

Đừng biếng-nhác,

Chớ bạn xằng,

Đừng nói nhăng,

Chớ gian-ác.

Trừ sáu ác,

Lễ sáu phương,

Người bất-lương,

Lễ vô bổ.

Nên biết rõ:

Tu cõi lòng.

Lễ phương Đông,

Là cha mẹ.

Giữ đủ lễ,

Sớm cùng khuya,

Có việc gì,

Phải làm đỡ

Phải thương nhớ,

Đức cù-lao.

Khi yếu đau,

Phải chạy chữa.

Chăm chức-sự,

Yên lòng già.

Làm mẹ cha,

Cho trọn đạo.

Nên dạy bảo,

Theo điều lành.

Nên dỗ-dành,

Gần người giỏi,

Khuyên gắng-gỏi

Chăm học-hành.

Tuổi trưởng-thành,

Tìm đôi lứa,

Dựng nhà cửa,

Dạy ăn làm.

Lễ phương Nam,

Là sư-đệ.

Phải kính-nể,

Phải nghe lời.

Học chớ lười,

Làm chớ ngại.

Phải khen-ngợi,

Công-đức Thầy.

Đạo làm thầy,

Cũng không dễ.

Phải chăm-chỉ,

Dạy cho mau.

Mong trò sau,

Thành người giỏi.

Học tấn-tới,

Hơn trò người.

Cố trau-giồi,

Hiểu đạo-lý.

Những nghi-nghĩa,

Vạch cho hay.

Lễ phương Tây,

Là chồng vợ.

Phải niềm nở,

Lúc chồng về,

Chồng ra đi,

Lo gia-chính.

Nết trinh-tĩnh,

Lòng chính-chuyên.

Có của riêng,

Đừng tư-túi.

Chồng giận-dỗi,

Phải ôn-tồn.

Chồng khuyên-ngăn,

Phải tùng-phục.

Phải săn-sóc,

Việc trong ngoài.

Chồng ngủ rồi,

Mới đi ngủ.

Chồng đối vợ,

Có nhân-nghì.

Khi đi về,

Phải chào hỏi.

Ăn đúng buổi,

Nghỉ đúng giờ.

Để đợi chờ,

Phiền lòng vợ.

Sắm cho vợ,

Tùy lực mình.

Áo quần lành,

Trang-sức đủ.

Giao cho vợ,

Giữ tiền-tài.

Cùng tiêu-xài,

Không giấu-giếm.

Tình âu-yếm,

Trọng thủy-chung.

Không hai lòng,

Với kẻ khác.

Lễ phương Bắc,

Là bạn bầu.

Răn cấm nhau,

Tránh điều dữ.

Phải giúp đỡ,

Lúc tai-nàn.

Nghĩa keo-san,

Ngày gắn chặt.

Thường thân-mật,

Viếng thăm nhau.

Chuyện riêng nhau,

Đừng tiết-lộ.

Giầu giúp của,

Khỏe giúp công.

Cam, khổ đồng,

Thù-tạc hậu.

Đừng giận-cáu,

Chớ tham-bô.

Mối hiềm-thù,

Nên dứt đứt.

Lễ xuống đất,

Là tớ thầy.

Trước khi sai,

Xem sức đã.

Có tội-quá,

Đừng phạt ngay,

Xét gian, ngay,

Cân nặng, nhẹ,

Lượng tình, lý,

Gồm cương, nhu.

Khi ốm-đau,

Phải thương-xót.

Cấp thang-thuốc,

Không tiếc gì.

Thưởng vật chi,

Không thiên-lệch.

Của trữ-tích,

Nó có riêng,

Phải phân-miêng,

Không đoạt-thủ.

Ở với chủ,

Hết đạo tôi.

Sáng sớm mai,

Dậy trước chủ.

Việc phận-sự,

Phải hết lòng.

Đồ ăn dùng,

Đừng phao-phí.

Phải kính-nể,

Phải chào mời.

Khen-ngợi người,

Chớ báng-nhiếc.

Trọng hiền-triết,

Lễ lên trời?

Tin theo lời,

Lòng thành-thiệt.

Bảo các việc,

Phải vâng làm.

Nên biết ham,

Nghe đạo-lý.

Nghe mà nghĩ,

Nghĩ mà tu.

Pháp Phật mầu,

Hỏi cho vỡ.

Bậc trí-giả,

Phải dạy người.

Dạy lễ nghi,

Không phóng-túng.

Thương các giống,

Cứu chúng-sinh.

Dạy “tinh-thành”,

Dạy “bố-thí”,

Dạy “định-lòng”,

Dạy “trì-giới”;

Dạy “ít nói”,

Mà chăm làm.

Dạy “phát-tâm”,

Cầu Tịnh-độ.

Sáu điều đó,

Làm được ra;

Ấy tức là,

Phép lễ-bái.

Thiện-Sinh lạy,

Xin Phật quy.

Phật vỗ-về,

Đọc câu kệ:

Đừng ngủ trễ,

Sáng dậy ngay.

Chắp hai tay,

Dâng hương, nước.

Cúng-dàng trước,

Phát-nguyện sau:

Bốn ân sâu,

Lo báo-bổ,

Phép “lục-độ”,

Phải cần tu.

Trừ “si-ngu”,

Thành “trí-tuệ”.

Chăm “bố-thí”,

Hết “tham-tàn”.

Trừ “giận-hờn”,

Thành “kiên-nhẫn”.

Chăm “tinh-tấn”,

Hết “lỗi-lầm”.

Trừ “phóng-tâm”,

Thành “thiền-định”.

Đừng lười-lĩnh,

Thì giờ qua.

“Sinh, bệnh, già,

Chết” là khổ.

Đời người thọ,

Được bao lâu.

Thân-thích đâu,

Khi hấp-hối.

Thuốc nào khỏi,

Trốn không phương,

Khách qua đường,

Ra quán trọ.

Nào con, vợ,

Nào mẹ, cha…

Vừa một nhà,

Phút đôi ngả.

Như thế cả,

Cảnh “vô-thường”.

Trong sáu đường2

Luân-hồi mãi.

Nay may lại,

Được làm người.

Biết đạo hay,

Tu mà độ.

Độ mình trước,

Độ người sau.

Vượt bể sầu,

Thuyền “lục-độ”.

Bến “Lạc-thổ”3

A-Di-Đà,

Tiếp-dẫn ta,

Mở đường rộng.

Hỡi tứ-chúng!,4

Nên cầu sang.

Phật dạy chàng,

Chàng nghe Phật.

Mừng nhảy nhót,

Mà tin theo.

II.- NIỆM PHẬT BUỔI SÁNG
(Phiên-âm Hán-văn)

(Chắp tay đọc ):

Đại-từ, đại-bi mẫn chúng-sinh,

Đại-hỷ, đại-xả tế hàm-thức.

Tướng-hảo quang-minh dĩ tự-nghiêm,

Chúng-đẳng chí tâm quy-mệnh lễ.

Nam-mô Sa-bà Giáo-chủ Bản-Sư Thích-Ca Mưu-Ni Phật (3 lượt)

Nam-mô Thích-Ca Mưu-Ni Phật (10 lượt, hoặc một tràng hay nhiều tràng tùy ý)

Nam-mô Văn-Thù Sư-Lỵ Bồ-tát (3 lượt hoặc 10 lượt)

Nam-mô Phổ-Hiền Bồ-tát (3 lượt hoặc 10 lượt)

Nam-mô Thanh-tịnh đại-hải-chúng Bồ-tát (3 lượt hoặc 10 lượt)

(Chắp tay đọc):

Nguyện dĩ thử công-đức,

Phổ cập ư nhất thiết.

Ngã đẳng dữ chúng-sinh,

Giai cộng thành Phật-đạo.

III.- NIỆM PHẬT BUỔI TỐI
(Phiên-âm Hán-văn)

(Chắp tay đọc ):

A-Di-Đà Phật thân kim sắc,

Tướng-hảo quang-minh vô đẳng luân.

Bạch-hào uyển-chuyển ngũ Tu-Di,

Hám-mục trừng-thanh tứ đại-hải

Quang trung hóa Phật vô số ức,

Hóa Bồ-tát chúng diệc vô biên.

Tứ thập bát nguyện độ chúng-sinh.

Cửu phẩm hàm-linh đăng bỉ ngạn.

Nam-mô Tây-phương Cực-lạc thế-giới đại-từ, đại-bi A-Di-Đà Phật (3 lượt)

Nam-mô A-Di-Đà Phật (10 lượt hoặc 1 tràng hay nhiều tràng tùy ý)

Nam-mô Quán-Thế-Âm Bồ-tát (3 lượt hoặc 10 lượt)

Nam-mô Đại-Thế-Chí Bồ-tát (3 lượt hoặc 10 lượt)

Nam-mô Thanh-tịnh đại-hải-chúng Bồ-tát (3 lượt hoặc 10 lượt)

(Chắp tay đọc ):

Niệm Phật công đức thù-thắng-hạnh, vô-biên thắng-phúc giai hồi-hướng. Phổ-nguyện trầm-nịch chư chúng-sinh, tốc vãng Vô-lượng-quang Phật-sát. Thập phương tam thế nhất thiết Phật, chư tôn Bồ-tát Ma-ha-tát, Ma-ha-Bát-nhã ba-la-mật. Tứ sinh, cửu hữu, đồng đăng Hoa-Tạng huyền-môn, bát nạn, tam-đồ, cộng nhập Tỳ-lô tính-hải.

Nam-mô Sa-bà thế-giới, tam-giới Đạo-Sư, tứ-sinh từ-phụ, Nhân, Thiên Giáo-chủ thiên-bách ức hóa-thân Bản-Sư Hòa-Thượng Thích-Ca-Mưu-Ni Phật. (3 lượt)

Tự quy ư Phật, đương nguyện chúng-sinh, thể-giải đại-đạo, phát vô-thượng tâm.

Tự quy ư Pháp, đương nguyện chúng-sinh, thâm-nhập Kinh-tạng, trí-tuệ như hải.

Tự quy ư Tăng, đương nguyện chúng-sinh, thống-lý đại-chúng, nhất-thiết vô ngại.

Hòa-nam Thánh-chúng.

Nguyện dĩ thử công-đức,

Phổ cập ư nhất-thiết,

Ngã đẳng dữ chúng-sinh,

Giai cộng thành Phật-đạo.

IV.- TƯỞNG NIỆM KHI ĂN CƠM

Nam-mô Bản-Sư Thích-Ca Mưu-Ni Phật (3 lượt)

- Nguyện đoạn các điều ác,

- Nguyện tu các điều thiện.

- Nguyện: tu được thiện-căn, hồi-hướng chúng-sinh đồng thành Phật-đạo.

V.- NHỮNG KỲ ĂN CHAY

- Tam nguyệt trai: Mỗi năm ăn chay 3 tháng: tháng giêng, tháng năm, và tháng chín.

- Thập trai: Mỗi tháng ăn chay 10 ngày: 1, 8, 14, 15, 18, 23, 24, 28, 29, 30 (tháng thiếu kể từ ngày 27).

- Lục trai: Mỗi tháng ăn chay 6 ngày: Mồng 8, 14, 15, 23, 29, 30 (tháng thiếu kể từ ngày 28).

- Tứ trai: Mỗi tháng ăn chay 4 ngày: Mồng 1, 14, 15, 30 (tháng thiếu kể ngày 29).

- Nhị trai: Mỗi tháng ăn chay 2 ngày: Mồng 1 và 15.

NHỮNG NGÀY KỶ-NIỆM

Tháng giêng

Ngày mồng 1: Đức Phật Di-Lặc.

Tháng hai

Ngày mồng 8: Đức Phật Thích-Ca xuất-gia.

Ngày mồng 15: Đức Phật Thích-Ca viên-tịch.

Ngày mồng 19: Đức Quán-Thế-Âm Bồ-tát.

Ngày mồng 21: Đức Phổ-Hiền Bồ-tát.

Tháng ba

Ngày mồng 16: Đức Chuẩn-Đề Bồ-tát.

Tháng tư

Ngày mồng 4: Đức Văn-Thù Bồ-tát.

Ngày mồng 8: Đức Thích-Ca giáng-sinh.

Tháng sáu

Ngày mồng 19: Đức Quán-Thế-Âm Bồ-tát.

Tháng bảy

Ngày mồng 13: Đức Đại-Thế-Chí Bồ-tát.

Ngày mồng 15: Vu-lan-bồn.

Ngày mồng 30: Đức Địa-Tạng Bồ-tát.

Tháng chín

Ngày mồng 19: Đức Quán-Thế-Âm Bồ-tát

Ngày mồng 30: Đức Phật Dược-Sư.

Tháng mười một

Ngày mồng 17: Đức Phật A-Di-Đà.

Tháng chạp

Ngày mồng 8: Đức Thích-Ca thành-đạo.
 

HẾT

 

[1] Học-thuyết: Lời nói đầy-đủ sự-lý trong học-thuật, có chủ-trương.

[2] Giáo-lý: Đạo-lý của Phật nói ra, để dạy răn chúng-sinh.

[3] Giác-ngộ: Hiểu biết chân-lý. Bậc giác-ngộ là chỉ vào Phật.

[4] Kết-tinh: Gom góp những thứ tản-mác lại thành một thứ có khuôn-khổ, hệ-thống…

[5] Mục-đích: Cái chủ-đích nhằm để đạt tới.

[6] Huân-tập: Hun-đúc, xông-ướp, tập nhiễm dần dần.

[7] Hành-trì: Gắng làm và gìn-giữ.

[8] Đồng-thể Tam-bảo: 3 ngôi báu cùng một thể-tính, cùng một tướng-trạng.

[9] Pháp-tính: Xem bài 40 ở sau.

[10] Thể-tính: bản-chất, tính-tình sẵn có.

[11] Biệt-thể Tam-bảo: 3 ngôi báu có những thể-tính riêng biệt.

[12] Chân-thực Tam-bảo: 3 ngôi báu đồng có thể-tính chân-thực.

[13] Xuất-thế Tam-bảo: 3 ngôi báu vượt ra ngoài thế-giới sinh diệt.

[14] Xem bài 45 ở sau.

[15] Xem bài 15, 25 và 27 ở sau.

[16] Trụ-trì Tam-bảo: 3 ngôi báu thường an-trụ ở đời để giữ-gìn chính-pháp.

[17] Xem bài 41 ở sau.

[18] Đối-quán: Đối-chiếu và quán-sát.

[19] Thù-thắng: Trội hơn hết.

[20] Tính-tướng: “Tính” là tự-thể, “tướng” là tướng-mạo.

[21] Duy-trì: Giữ gìn.

[22] Quan trai: Nghĩa là những pháp này cấm-đóng (quan) các tội không cho phạm.

[23] Thụ-trì: Lĩnh-thụ và duy-trì.

[24] 3 nghiệp: Nghiệp thân, nghiệp khẩu và nghiệp ý.

[25] Vô-lậu: Xem bài 36 ở sau.

[26] Tâm-điền: Tâm như mảnh ruộng.

[27] An-lạc: Tức là nước Cực-lạc, nơi đức Phật A-Di-Đà.

[28] Xem bài 34 ở sau.

[29] Xem bài 34 ở sau.

[30] Xem bài 34 ở sau.

[31] Giao-cảm: Cảm-ứng lẫn nhau.

[32] Phật-tính: Cái tính giác-ngộ sẵn có, không thay đổi.

[33] Tiêu-chuẩn: Cái nêu và cái thước để làm chừng mực.

[34] Biểu-tượng: Hình bóng lộ ra bề ngoài.

[35] Đối-trị: Đối-đãi và điều-trị.

[36] Biểu-thị: Tiêu-biểu, tỏ bày.

[37] Tôn-vị: Ngôi của các vị đáng tôn-kính.

[38] Quả-vị: Ngôi thứ trong sự chứng-ngộ.

[39] Bồ-đề: (Boddhi) có nghĩa là “giác”.

[40] Pháp-môn: Các pháp của Phật nói ra làm pháp-tắc cho thế-gian, pháp-tắc ấy là cửa ngõ của các bậc Thánh đi thông vào giác-đạo. Pháp-môn là giáo-pháp của Phật.

[41] Phật tử tại-gia: tức là Ưu-bà-tắc (Oupasaka: Tàu dịch là Cận-sự-nam, nghĩa là người đàn-ông thân-cận, phụng-sự Tam-bảo), Ưu-bà-di (Oupasika: Tàu dịch là Cận-sự-nữ, nghĩa là người đàn-bà thân-cận phụng-sự Tam-bảo) thụ ngũ giới.

[42] Sa-di (Sràmanera: Tàu dịch là “Tức-từ”, nghĩa là bỏ ác, làm lành) thụ 10 giới.

[43] Thức-soa-ma-na (Siksamànà): Tàu dịch là “Học-pháp-nữ”, nghĩa là người phụ-nữ đi tu, trước đã thụ 10 giới, nay lại học thêm 6 pháp-giới: không dâm-dục, trộm cắp, sát sinh, nói dối, ăn phi thì, uống rượu.

[44] Tỳ-khưu: (Bhiksu: Tàu dịch là “Khất-sĩ ”, nghĩa là người cầu xin pháp của Phật và xin ăn nơi quần-chúng) thụ 250 giới.

[45] Tỳ-khưu-ni (Bhiksuni): “Ni ” là chỉ phái nữ đi tu. Tỳ-khưu-ni thụ 350 giới.

[46] Bồ-tát: (Bodhisattva: Tàu dịch là “Giác-hữu-tình”, nghĩa là giác-ngộ chúng-sinh) thụ 10 giới trọng, 48 giới khinh. Bồ-tát-giới Phật-tử tại-gia cũng thụ được.

[47] Hình-thành: Kết-hợp thành hình-tướng.

[48] Xem bài 33 ở sau.

[49] Thanh-văn: Tiếng Phạm gọi là Xá-la-bà-ca (Sràvaka). Thanh-văn là hàng đệ-tử trong pháp Tiểu-thừa của Phật, nghe giáo-lý nơi tiếng nói của Phật, ngộ lý tứ-đế (khổ, tập, diệt, đạo) dứt được kiến-hoặc, tư-hoặc chứng nhập Niết-bàn gọi là “Thanh-văn”.

[50] Vật-thể: Thể-chất của sự-vật.

[51] Duyên-giác: Xưa gọi là Bích-Chi-Phật, nay gọi là Bát-thích-ế-già-Phật-đà (Pratyekabuddha) và xưa dịch là Duyên-giác, nay dịch là Độc-giác:

- Duyên-giác có nghĩa là: 1/ Quán 12 nhân-duyên, đoạn hoặc, chứng lý. 2/ Nhân thấy ngoại-duyên như hoa rơi, lá rụng mà tự giác-ngộ lẽ vô-thường, đoạn hoặc, chứng lý.

- Độc-giác có nghĩa là trong đời không có Phật, do mầm mống của nhân trước, hoặc quán 12 nhân-duyên, hoặc quán hoa rơi, lá rụng mà tự giác-ngộ.

[52] Bồ-tát (Boddhisattva): Gọi đủ là Bồ-đề-tát-đóa, Tàu dịch là “Giác hữu tình”. Nghĩa là những vị phát đại-tâm, vì chúng-sinh cầu đạo vô-thượng và luôn luôn giác-ngộ cho chúng-sinh thành vô-thượng đạo. Những vị có hạnh-nguyện sâu-xa gọi là “Đại-bồ-tát”.

[53] Pháp-lợi: Sự lợi-ích do giáo-pháp đem lại.

[54] Yếu-tố: Nguyên-chất để cấu-thành vật-thể.

[55] Xem bài 45 ở sau.

[56] A-la-hán (Arahat): Tàu dịch là “Bất sinh, Vô sinh” nghĩa là quả-báo trong một đời diệt tận, được vào Niết-bàn mãi mãi, không phải tái-sinh trong 3 cõi.

Thập-tín: 1/ Tín-tâm. 2/ Tinh-tiến-tâm. 3/ Niệm-tâm. 4/ Định-tâm. 5/ Tuệ-tâm. 6/ Thí-tâm. 7/ Giới-tâm. 8/ Hộ-tâm. 9/ Nguyện-tâm. 10/ Hồi-hướng-tâm. Mười bậc này đều lấy đức “Tín” làm gốc, cho nên gọi là “Thập-tín”.

[57] Thập-trụ: 1/ Phát-tâm-trụ. 2/ Trị-địa-trụ. 3/ Tu-hành-trụ. 4/ Sinh-quý-trụ. 5/ Phương-tiện-trụ. 6/ Chính-tâm-trụ. 7/ Bất-thoái-trụ. 8/ Đồng-chân-trụ. 9/ Pháp-vương-tử-trụ. 10/ Quán-đỉnh-trụ. Mười bậc này đều gọi là “Trụ”, nghĩa là chỗ ở của các vị Bồ-tát an-trụ tâm, đối với sự tu-hành về lục-độ chưa được rốt-ráo mầu-nhiệm, cho nên chỉ gọi là “Trụ”.

[58] Thập-hạnh: 1/ Hoan-hỷ-hạnh. 2/ Nhiêu-ích-hạnh. 3/ Vô-khuể-hạnh. 4/ Vô-tận-hạnh. 5/ Ly-si-loạn-hạnh. 6/ Thiện-hiện-hạnh. 7/ Vô-trước-hạnh. 8/ Tôn-trọng-hạnh. 9/ Thiện-pháp-hạnh. 10/ Chân-thực-hạnh. Mười bậc này chú-trọng tu-hành về pháp lục-độ hơn các hạnh tu khác, cho nên gọi là “Hạnh”.

[59] Thập-hồi-hướng: 1/ Cứu-hộ chúng-sinh, ly chúng-sinh-tướng hồi-hướng (cứu giúp chúng-sinh mà không chấp-trước về sự cứu giúp). 2/ Bất hoại hồi-hướng (không bao giờ thoái lui lòng cứu giúp chúng-sinh). 3/ Đẳng chư Phật hồi-hướng (lòng từ-bi cứu giúp chúng-sinh đã bằng chư Phật. 4/ Chí nhất thiết xứ hồi-hướng (lòng cứu giúp chúng-sinh mỗi việc đều chu-đáo). 5/ Vô-tận công-đức-tạng hồi-hướng (tích-chứa công-đức vô-tận). 6/ Tùy thuận nhất thiết kiên-cố thiện-căn hồi-hướng (thuận theo hết thảy căn lành bền-chặt). 7/ Đẳng tâm tùy thuận nhất thiết chúng-sinh hồi-hướng (đem tâm bình-đẳng tùy thuận hết thảy chúng-sinh) 8/ Như-tướng hồi-hướng (làm các công-đức đều hồi-hướng về tự-tính chân-như). 9/ Vô trước vô phược giải-thoát hồi-hướng (không chấp-trước, không ràng-buộc, một lòng giải-thoát). 10/ Pháp-giới vô lượng hồi-hướng (hồi-hướng về vô lượng pháp-giới). Mười bậc này đều gọi là “Hồi-hướng”, vì những sự tu-hành của các vị Bồ-tát về bậc ấy, đều đem công-đức mà hồi-hướng.

[60] Thập-địa: 1/ Hoan-hỷ-địa. 2/ Ly khổ địa. 3/ Phát-quang-địa. 4/ Diệm-tuệ-địa. 5/ Nan-thắng-địa. 6/ Hiện-tiền-địa. 7/ Viễn-hành-địa. 8/ Bất-động-địa. 9/ Thiện-tuệ-địa. 10/ Pháp-vân-địa. Mười bậc này đều gọi là “Địa”, vì thâu tóm các công-đức hữu-vi và vô-vi dùng làm tự-tính, cùng làm chỗ nương-tựa chắc-chắn hơn cả cho sự tu-hành, khiến hay sinh-tưởng, cho nên gọi là “Địa”.

[61] Khóa lễ này, phần lễ-tán theo nghi-thức của Tổng-Hội P.G.V.N.

[62] Bốn loại: Loài sinh trứng, loài sinh con, loài sinh nơi ẩm-thấp và loài hóa-sinh

[63] Ba kỳ: Tức 3 A-tăng-kỳ kiếp, nghĩa là 3 vô số kiếp.

[64] Kinh Bát đại-nhân-giác là cuốn kinh số 779 trong Đại-tạng-kinh, do ngài An-Thế-Cao dịch chữ Phạm ra chữ Hán. Kinh này dịch-giả xuất-bản đầu năm 1957, nay có sửa lại đôi chút theo lối 4 chữ cho dễ tụng. “Bát đại-nhân-giác” nghĩa là 8 điều giác-ngộ của bậc Đại-nhân.

[65] Đại-nhân: Là chỉ vào chư Phật, Bồ-Tát.

[66] Bốn-đại: Đất, nước, gió, lửa.

[67] Năm ấm vô ngã: Sắc, thụ, tưởng, hành thức là 5 thứ ngăn che chân-tính. 5 thứ này tạo-thành sự-vật nhưng, đều là giả-hợp, không có gì là cái ta có tự-chủ, vĩnh-viễn.

[68] Bốn ma: Phiền-não-ma, ngũ-ấm-ma, tử-ma và thiên-ma.

[69] Ấm, Giới: Tức là 5 ấm và 18 giới (6 căn, 6 trần, 6 thức).

[70] Năm dục: 5 thứ dục-vọng là của-cải, sắc-đẹp, tiếng-tăm, ăn uống và ngủ-nghỉ. Còn gọi là sắc, thanh, hương, vị, xúc.

[71] Y, bát, pháp-khí: Tức là 3 áo Ca-sa, bình-bát cùng các vật-dụng hợp-pháp của các vị Sa-môn.

[72] Kinh này là cuốn kinh số 251, trong Đại-tạng-kinh, do ngài Huyền-Trang đời Đường dịch chữ Phạm ra chữ Hán. Bát-nhã ba-la-mật-đa (Prajnà-Pàramità): Có nghĩa là dùng Trí-tuệ vượt qua bể sinh tử đến bờ Niết-bàn.

[73] Quán-tự-tại Bồ-tát: Tức là Bồ-tát Quán-Thế-Âm.

[74] Năm uẩn: Tức 5 ấm: sắc, thụ, tưởng, hành, thức.

[75] Đây là lục (6) căn.

[76] Đây là lục (6) trần.

[77] Đây nói tắt về 18 giới, tức là 6 căn, 6 trần và 6 thức.

[78] Đây nói tắt 12 nhân-duyên là: Vô-minh, Hành, Thức, Danh-sắc, Lục-nhập, Xúc, Thụ, Ái, Thủ, Hữu, Sinh. Lão (già)-tử (chết).

[79] Đây nói về Tứ-đế (4 sự thực): Mọi thứ đau-khổ (khổ), Nguyên-nhân của khổ (Tập), Diệt khổ được vui (Diệt), Tu theo, đường chính (Đạo).

[80] Bài Thần-chú này có nghĩa là: “Qua đi, qua đi. Tích-cực qua đi đến bờ kia. Mọi người đều tích-cực đi qua đến bờ kia. Sự giác-ngộ viên-thành nhanh-chóng!”

[81] Về phần niệm danh-hiệu này, các Phật-tử có thể chuyển niệm danh-hiệu đức A-Di-Đà, Quán-Âm, Thế-Chí, Thanh-tịnh đại-hải-chúng cũng được.

1 Bản kinh này của Hội Việt-Nam Phật-giáo.

Kinh này có thể tụng liền sau kinh Bát Đại-Nhân-Giác, hoặc nay tụng Kinh này, mai tụng kinh kia cũng được.

2 6 Đường: Trời, người, A-tu-la, địa-ngục, ngã-quỉ, súc-sinh.

3 Lạc-thổ: Tức là nước Cực-lạc, nơi đức Phật A-Di-Đà hiện đang thuyết pháp.

4 Tứ-chúng: 4 chúng đệ-tử của Phật là Tỳ-khưu, Tỳ-khưu-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di.

 


facebook-1

***
youtube
 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
19/10/2024(Xem: 411)
Tứ y pháp (四依法; S: Catuḥpratisaraṇa; E: The four reliances) là 4 pháp phương tiện quan trọng theo quan điểm của Phật giáo Bắc truyền, với mục đích giúp hành giả rõ biết pháp nào nên hoặc không nên nương tựa, nhằm thành tựu giác ngộ, giải thoát.
19/06/2024(Xem: 982)
Đọc tụng Chú Đại Bi chẳng phải để cầu phước mà nương theo oai lực của ngài Quán Thế Âm Bồ Tát để tạo an vui lợi lạc cho đời. Do đó, theo học hỏi riêng tư: -Khi đến chùa, với tâm Đại Bi bạn sẽ không thấy ai là Phật tử thông minh, ai là Phật tử ngu độn. Bạn sẽ không thấy ai là Phật tử giàu sang, ai là Phật tử nghèo hèn. Bạn sẽ không thấy ai đẹp mà cũng chẳng thấy ai xấu. Bạn nhớ lời Phật dạy trong Kinh Viên Giác, “Không kính người trì giới, không ghét người phá giới, không trọng người học lâu, không khinh người mới học. Vì sao vậy? Tất cả là tính giác. Ví như con mắt sáng, thấy rõ cảnh trước mắt. Cái sáng ấy tròn khắp, không có yêu, không có ghét.”
04/06/2024(Xem: 1743)
“Kiếp xưa ắt có nhân duyên, Nếu không ai dễ chống thuyền gặp nhau”. HT đã giới thiệu, trên 50 năm tôi rời khỏi Huế từ Tết Mậu Thân đi du hóa, tu học phương xa, luôn vọng về quê hương đất Tổ, nơi chôn nhau cắt rốn của Tổ tiên ông bà, nơi đã có nhiều kỉ niệm của thuở ấu thơ tu học tại Huế, sinh hoạt tại Huế, trên 50 năm vắng mặt, chỉ có năm này với tuổi đã 87, năm nay Lễ Phật Đản của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tổ chức tại Chùa Phật Ân, cử hành sớm vào ngày 12 vừa rồi
04/06/2024(Xem: 3770)
Cùng toàn thể giới tử thọ trì Bát quan trai giới một ngày một đêm tại trú xứ Tăng già-lam Phước duyên, thành phố Huế, hiện diện quý mến. Một ngày một đêm quý vị ở trong Tịnh giới với niềm tin thanh tịnh, kiên cố, bất hoại đối với Tam bảo. Nhờ niềm tin này mà quý vị không để cho Giới pháp của mình bị sứt mẻ ở trong đi, ở trong đứng, ở trong nằm, ở trong ngồi, ở trong sự nói năng, giao tiếp. Quý vị có được niềm tin này là nhờ quý vị nuôi lớn sáu tính chất của Tam bảo, khiến cho ba nghiệp của quý vị được an tịnh, an tịnh về thân hành, an tịnh về ngữ hành, an tịnh về ý hành. Sáu tính chất của Tam bảo, quý vị phải thường quán chiếu sâu sắc, để thể nhập và tạo ra chất liệu cho chính mình, ngay đời này và đời sau. Sáu tính chất của Tam bảo gồm:
30/04/2024(Xem: 2992)
Con người thường hay thắc mắc tại sao mình có mặt ở cõi giới Ta Bà này để chịu khổ triền miên. Câu trả lời thường được nghe là: Để trả nghiệp. Nhưng nghiệp là gì? Và làm sao để thoát khỏi? Then chốt cho câu trả lời được gói ghém trong 2 câu: “Ái bất trọng, bất sanh Ta Bà Niệm bất nhất, bất sanh Tịnh Độ” Có nghĩa là: “Nghiệp ái luyến không nặng, sẽ không tái sanh ở cõi Ta Bà Niệm Phật không nhất tâm, sẽ không vãng sanh về Tịnh Độ”
18/02/2024(Xem: 3351)
Bát Chánh Đạo là con đường thánh có tám chi nhánh: Chánh Tri Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định. Đây là con đường trung đạo, là lộ trình kỳ diệu giúp cho bất kể ai hân hoan, tín thọ, pháp thọ trong việc ứng dụng, thời có thể chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an lạc, giải thoát, niết bàn. Bát Chánh Đạo là Chơn Pháp vi diệu, là con đường đưa đến khổ diệt, vượt thời gian, thiết thực trong hiện tại, được chư Phật quá khứ, Đức Phật hiện tại và chư Phật tương lai chứng ngộ, cung kính, tán thán và thuyết giảng cho bốn chúng đệ tử, cho loài người, loài trời để họ khai ngộ, đến để mà thấy, và tự mình giác hiểu.
07/02/2024(Xem: 6558)
Từ 1983 đến 1985 khi đang ở Singapore, bận bịu với chương trình nghiên cứu Phật giáo tại Viện Phát triển Giáo Trình, tôi được Tu viện Phật giáo Srilankaramaya và một số đạo hữu mời giảng bốn loạt bài pháp nói về một vài tông phái chính của Phật giáo. Các bài giảng được ưa thích, và nhờ các cố gắng của Ô. Yeo Eng Chen và một số bạn khác, chúng đã được ghi âm, chép tay và in ấn để phát miễn phí cho các học viên. Kể từ đó, các bài pháp khởi đi từ hình thức của các tập rời được ngưỡng mộ và cũng được tái bản. Sau đó, tôi nhận thấy có vẻ hay hơn nếu in ấn bốn phần ấy thành một quyển hợp nhất, và với vài lần nhuận sắc, xuất bản chúng để cho công chúng dùng chung.
20/01/2024(Xem: 2438)
Thông thường người ta vào học Phật ít nhiều cũng do có động lực gì thúc đẩy hoặc bởi thân quyến qua đời, hoặc làm ăn thất bại, hoặc hôn nhân dở dang v.v... nhưng cũng không ít người nhân nghe giảng pháp hay gặp một quyển sách khế hợp căn cơ liền phát tâm tu hành hay tìm hiểu học Phật pháp. Phần lớn đệ tử xuất gia hoặc tại gia của Hòa Thượng cũng vì cảm mộ pháp giải của Ngài mà quy y Phật. Quyển vấn đáp này góp nhặt từ những buổi giảng thuyết trong các chuyến hoằng pháp của Hòa Thượng, hy vọng cũng không ngoài mục đích trên, là dẫn dắt người có duyên vào đạo hầu tự sửa đổi lỗi lầm mà giảm trừ tội nghiệp.
19/12/2023(Xem: 8955)
Cách đây chừng 30 năm, Tổ Đình Viên Giác tại Hannover Đức Quốc chúng tôi có nhận được bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taisho Shinshu Daizokyou) bằng Hán Văn gồm 100 tập do cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh từ Đài Loan giới thiệu để được tặng. Bộ Đại Tạng Kinh giá trị này do Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội xuất bản và gửi tặng đến các nơi có duyên. Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội dưới sự chứng minh và lãnh đạo tinh thần của cố Hòa Thượng Thích Tịnh Không đã làm được không biết bao nhiêu công đức truyền tải giáo lý Phật Đà qua việc xuất bản kinh điển và sách vở về Phật Giáo, với hình thức ấn tống bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau như: Hoa Ngữ, Anh Ngữ, Pháp Ngữ, Đức Ngữ, Việt Ngữ. Nhờ đó tôi có cơ hội để tham cứu Kinh điển rất thuận tiện.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com