Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thế nào là một Tôn Giáo ?

10/04/201319:02(Xem: 8890)
Thế nào là một Tôn Giáo ?

Tuyển tập bài viết về Vu Lan - 2009

Thế nào là một Tôn Giáo ?

Thích Như Điển

Nguồn: Thích Như Điển

Tôn Giáo đã xuất hiện trên quả địa cầu nầy đã từ rất lâu; nhưng để trở thành văn bản của một Tôn Giáo, có lẽ không quá 3.000 năm lịch sử. Vì trước đó, đa phần loài người trên quả địa cầu nầy chưa có chữ viết. Nếu có, chỉ là những lời nói trao đổi giữa người và người; chứ chưa biến thể thành chữ viết theo mẫu tự La Tinh hay các bộ chữ của Trung Quốc hoặc Ấn Độ. Ngay cả Tam Tạng kinh điển bằng tiếng Pali đầu tiên của Phật Giáo cũng chỉ mới được viết thành văn vào năm 85 trước Thiên Chúa ra đời mà thôi. Dĩ nhiên trước đó, con người đã có ngôn ngữ; nhưng những ngôn ngữ nầy đều do sự lặp lại nhiều lần mà thành tựu một câu văn. Rồi từ ngày nầy qua ngày khác, đời nầy qua đời khác, năm nầy qua năm khác, những thói quen ấy đã trở thành văn viết rất cần thiết trong đời sống sinh hoạt tâm linh của con người.
Người ta định nghĩa về Tôn Giáo bằng nhiều hình thức khác nhau; nhưng theo lối cổ xưa, Tôn Giáo có 3 điều kiện. Đó là Giáo chủ, Giáo lý và Giáo Hội. Giáo chủ là vị sáng lập ra Tôn Giáo ấy. Ví dụ như Đạo Phật có Đức Phật Thích Ca Mâu Ni; Đạo Thiên Chúa có Đức Chúa Jesus; Đạo Hồi có Thánh Alah v.v… Giáo lý là những lời dạy của vị Giáo chủ của Tôn Giáo đó. Đa phần những lời dạy nầy mang tính cách đạo đức, từ bi, trí tuệ, nhân cách, nhân quả, luân hồi, quả báo, thiện ác, lành dữ, tánh không, nhân duyên v.v… Giáo lý ấy phải hợp với căn cơ của con người; nhằm tránh việc ác và thực hiện việc lành để cải thiện đời sống của con người trong cuộc đời hữu hạn nầy. Còn Giáo Hội tức là những người tin theo lời dạy của vị Giáo Chủ ấy. Ví dụ như Phật Giáo chia Giáo Hội ra làm hai phần. Đó là những người xuất gia, sống không gia đình; nhằm xiển dương nền đạo ấy qua giáo lý giải thoát của Đức Giáo Chủ Thích Ca Mâu Ni; và những người tại gia, gồm Nam Nữ Phật Tử sống một cuộc sống bình thường trong thế gian, có gia đình thân tộc; nhằm hỗ trợ cho chư Tăng, Ni và Đạo Phật được phát triển đúng theo tinh thần của Đức Phật đã đề ra.
Ngày xưa khi Đức Phật còn tại thế, đa phần những lời dạy và giới luật đều nhắm vào chư Tăng Ni trước tiên. Họa hoằn lắm mới có những lời dạy cho Vua, Chúa, Hoàng hậu hay những người cư sĩ có nhân duyên với Đức Phật. Rồi sau khi Đức Phật nhập diệt giáo lý ấy và nhất là Giáo Đoàn của Ngài đã tỏa rộng khắp nơi; không những trên đất Ấn Độ, mà còn lan mãi đến tận các xứ Nam và Bắc cũng như Trung Á. Do vậy những vị Tổ Sư ra đời tại Ấn Độ như Ngài Vô Trước, Thế Thân, Mã Minh, Long Thọ v.v… là những vị đại luận sư rất nổi tiếng, nhằm khuyếch trương rộng thêm hơn nữa tinh thần giáo lý Đại Thừa, đem đạo vào đời; không những cho Tăng Ni, mà còn cho những cư sĩ tại gia hành trì nữa. Ví dụ như: Đại Thừa Khởi Tín Luận, Đại Trí Độ Luận, Kinh Duy Ma Cật, Kinh Thắng Man v.v… Rồi Đạo Phật đến Trung Quốc, Đại Hàn, Việt Nam và Nhật Bản. Đạo Phật lại gần sát với dân chúng nhiều hơn. Cho nên những gì của Đức Phật dạy, chư vị Tổ Sư phải làm cho nó thích hợp với phong trào học Phật của người dân tại đó. Do vậy mà có nhiều sự thay hình đổi dạng.
Còn Khổng Giáo, Lão Giáo, Mạnh Tử có phải là một Tôn Giáo không ? – Xin trả lời rằng không. Vì lẽ Khổng Tử không chủ trương lập giáo đoàn để truyền bá tư tưởng của ông, mà những học trò ông về sau nầy tiếp nối sự nghiệp của Thầy mình qua những triết lý nhân sinh quan về: tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Hay tam cương ngũ thường, tam tòng tứ đức v.v… Đặc biệt trong học thuyết nầy không có giáo hội. Do vậy chúng ta không thể gọi những học thuyết nầy là một Tôn Giáo được.
Riêng Giáo Hội Thiên Chúa Giáo tại Âu Châu đã phát triển gần 2.000 năm nay và cách tổ chức rất quy mô cho cả gần một tỷ người trên hành tinh nầy; nên đây có thể gọi là một Tôn Giáo lớn có đông tín đồ nhất nhì hiện nay, nhưng chưa phải là một Tôn Giáo lâu đời nhất. Nếu xếp theo thứ tự của các Tôn Giáo theo thời gian ta có thể hiểu như sau: Ấn Độ Giáo là một Tôn Giáo cổ đại nhất trên hành tinh nầy, rồi đến Phật Giáo, Do Thái Giáo, Thiên Chúa Giáo và Hồi Giáo. Đây là 5 Tôn Giáo lớn nhất của nhân loại, có mặt trên quả địa cầu nầy suốt trong nhiều thiên niên kỷ qua. Dĩ nhiên cũng còn nhiều Tôn Giáo nhỏ khác nữa đã được xuất hiện trước hoặc sau đó; nhưng số người theo không nhiều và có nhiều Tôn Giáo không còn đứng vững với thời gian nữa; nên đã thất truyền.
Kể từ hơn 200 năm nay tại xứ Đức nầy nói riêng và Âu Châu nói chung đã xuất hiện một Tôn Giáo mới. Đó là Đạo Phật. Nhưng ở đây người ta định nghĩa theo lối thống kê hiện đại; nên một Tôn Giáo được chính quyền và nhân dân thừa nhận phải hội đủ ba yếu tố sau đây:
Thứ nhất là những người theo Tôn Giáo ấy phải là một phần ngàn số người dân đang có mặt tại đất nước nầy. Ví dụ nước Đức ngày hôm nay, cả 2 miền Đông và Tây hợp chung lại có tổng số dân là 84.000.000 (84 triệu) người. Như vậy tổng cộng số Phật Tử để được công nhận là một Tôn Giáo tối thiểu phải là 84.000 người. Người đó không nhất thiết thuộc một chủng tộc nào, mà những ai định cư hay sinh ra tại nước Đức, có hay chưa quy y Tam Bảo, có cảm tình với Phật Giáo, thì được gọi là những tín đồ của Tôn Giáo ấy. Ví dụ Tiểu bang Niedersachsen có 9.000.000 dân thì cần ít nhất là 9.000 người Phật Tử.
Điều kiện thứ hai mà Bộ Văn Hóa ở đây quy định là Tổ Chức đó phải hoạt động công khai tại xứ Đức nầy từ 25 đến 30 năm. Đây là thời gian tối thiểu để được công nhận là một Tôn Giáo. D B U là chữ viết tắt của Deutsche Buddhistische Union (Hiệp Hội Phật Giáo Đức) đã hoạt động tại Đức gần 60 năm rồi; nhưng vẫn chưa tiến hành được việc xin chính quyền các Tiểu Bang công nhận là một Tôn Giáo. Vì lẽ số người Đức theo Đạo Phật lúc ban đầu còn rất khiêm nhường
Điều kiện thứ ba là phải được Bộ Tài Chánh tại địa phương ấy tin tưởng. Điều nầy có nghĩa là những chi thu của Tổ Chức đó, của Hiệp Hội đó phải thông qua Bộ Tài Chánh. Nhưng trước khi một Tổ Chức được Bộ Tài Chánh cấp giấy phép hoạt động bất vụ lợi thì phải qua thủ tục hành chánh tại Tòa Án. Tiếng Đức gọi là e.V. có nghĩa là eingetragen Verein (Hội đoàn có ghi tên tại Tòa Án). Nếu không được Tòa Án thông qua, qua luật sư và nội quy của Tổ Chức mình, thì không gọi là e.V. được. Do vậy chỉ còn là tư cách của một Hội Đoàn bình thường. Ví dụ như Hội Sinh Viên Học Sinh thân hữu, hay Hội Ái Hữu Kiều Bào v.v… Những Hội nầy chỉ cần ghi tên nơi Hội Đồng Thành Phố là đủ, không cần phải trước bạ trước Tòa Án. Vì thế Bộ Tài Chánh không can dự vào. Đây được gọi là những Hội được phép hoạt động chính thức theo tinh thần bản Nội Quy của Hội mình đưa ra. Nếu không là như vậy, thì đây là những Hội kín; những Hội chui, chính phủ có thể giải tán bất cứ lúc nào.
Đứng trước tình hình như thế, tại Đức chúng ta đã đầy đủ tất cả 3 điều kiện trên. Ngay cả Hội Phật Tử Việt Nam Tỵ Nạn tại Cộng Hòa Liên Bang Đức của chúng ta cũng đã 30 năm rồi và đặc biệt là Bộ Tài Chánh của Tiểu Bang Niedersachsen sau 25 năm hoạt động, chùa Viên Giác cũng như Chi Bộ và Hội Phật Tử đều đã được chính quyền Tiểu Bang hoàn toàn tin tưởng về vấn đề tài khóa chi thu của mỗi năm mà chùa đã nộp cho Bộ, cho nên vấn đề thứ hai không còn được đặt ra nữa. Chỉ có vấn đề thứ ba là số lượng tín đồ. Riêng trong Tiểu Bang Niedersachsen cần ít nhất phải là 9.000 người, bất kể người ấy là Đức hay Việt, Nhật hay Hoa, Đại Hàn, Mông Cổ. Miễn là những người đó có cảm tình với Đạo Phật là được rồi.
Do vậy trong thời gian tới, gần nhất là Tết âm lịch năm Canh Dần chùa Viên Viên Giác và các chùa tại Đức sẽ gửi Phiếu Cầu An đến quý vị. Trên Sớ Cầu An ấy có ghi cả tiếng Việt và tiếng Đức. Xin quý vị ghi rõ ràng địa chỉ, kể cả Tiểu Bang mình đang ở và những thân nhân của mình đang sinh sống tại Đức (xin nhấn mạnh là chỉ cho những người đang sống hợp pháp tại Đức) và gởi trả lại cho các chùa, để các chùa sẽ gởi về Tổ Chức DBU làm số thống kê tín đồ và sau đó đệ trình lên cho từng Bộ Văn Hóa của mỗi Tiểu Bang trên nước Đức để được công nhận Phật Giáo là một Tôn Giáo.
Xin quý vị đừng quan tâm đến chuyện phải đóng thuế cho nhà chùa. Vì tất cả các chùa ở khắp nơi trên thế giới chúng ta không có chế độ thu thuế ấy. Tất cả đều do sự tùy hỷ cúng dường như xưa nay; dầu cho chúng ta sẽ được công nhận là một Tôn Giáo. Ngược lại con em của quý vị có thêm những quyền lợi như sau:
Ví dụ con cái của quý vị học giờ Tôn Giáo tại trường học Đức ở bậc Tiểu Học hay Trung Học, con của quý vị có thể yêu cầu được học giáo lý Phật Giáo thay vì giáo lý của các Tôn Giáo khác; nếu số học sinh yêu cầu đủ túc số.
Thứ hai là thuộc về những điều kiện xã hội như: Viện Dưỡng Lão, nhà thương, nhà quàn v.v… nơi đâu chúng ta cũng có thể yêu cầu được sống theo tinh thần của Phật Giáo. Nếu Phật Giáo sẽ được công nhận là một Tôn Giáo tại xứ Đức nầy.
Điều thứ ba là những ngày nghỉ lễ như Phật Đản hay Vu Lan của người Phật Tử, chúng ta sẽ can thiệp với các chính quyền để học sinh có thể nghỉ học đi chùa và công nhân, thầy thợ có thể nghỉ làm tại hãng xưởng mà không bị ảnh hưởng đến quyền lợi của mỗi người.
Trên đây chỉ là một ít điều căn bản xin đề nghị đến quý vị và mong rằng quý Đạo Hữu Phật Tử tại Đức sẽ lưu tâm hỗ trợ cho việc nầy kể từ bây giờ cho đến hết tháng 3 năm 2010. Trong nhà quý vị bao nhiêu người đều có thể kê khai tất cả, dầu cho em bé mới được chào đời. Không cần phải ký tên vào đó; nên quý vị không phải bị ràng buộc bởi một luật lệ nào cả. Kính xin quý vị yên tâm.
Nhìn qua các nước láng giềng như Áo, Ý, Pháp. Họ đã và đang được công nhận Phật Giáo là một Tôn Giáo. Tại sao ở Đức chúng ta lại chưa tiến hành được?
Cách đây 30 năm về trước và ngay cho đến bây giờ (2009) Phật Tử Việt Nam chúng ta sống tại xứ Đức nầy là số người đông nhất, trung bình từ 75 đến 80.000 Phật Tử hay có cảm tình với Đạo Phật. Từ năm 1980 chúng tôi đã có những phiên họp chung với DBU tại Wachendorf, gần Bonn, để thảo luận về vấn đề nầy; nhưng mãi cho đến bây giờ mới có kết quả về phía Phật Giáo. Chúng tôi đề nghị rằng: Phật Giáo tại Đức phải có 2 cơ cấu riêng biệt. Đó là Tổ Chức của Tăng Già riêng và Tổ Chức của Cư Sĩ riêng. Nhưng đa phần những Hội Phật Giáo của Đức đều do Cư Sĩ nắm; nên họ đã không đồng lòng, mà chỉ muốn tất cả đều dồn chung vào một Hội, được mệnh danh là DBU mà thôi. Cho đến những năm 2005 đến nay những thay đổi về quan niệm của DBU đặc biệt là của các vị Hội Trưởng người Đức và họ đã đồng ý thành lập hai Hội Đồng riêng biệt dưới mái nhà chung là DBU (xin xem thêm sách Deutsche Buddhisten Geschichte und Gemeinschaften von Herrn Dr. Martin Baumann – Diagonal Verlag). Hội Phật Tử Việt Nam Tỵ Nạn tại Cộng Hòa Liên Bang Đức đã được gia nhập và chính thức là Hội Viên của Tổ Chức DBU kể từ năm 2009. Như vậy kể từ năm 2009 trở đi số lượng Phật Tử tại Đức mới có thể nói là con số đáng kể. Bây giờ chúng ta chiếm đa số là Phật Tử; nhưng trong tương lai gần, người Phật Tử Việt Nam sẽ là thiểu số tại đây và người Đức sẽ là đa số. Do vậy ngay từ bây giờ, mọi điều kiện đã ổn thỏa; Chỉ cần điều kiện cuối cùng là quý vị gởi về chùa (Phiếu Cầu An đầu năm 2010) tên tuổi cũng như địa chỉ hiện tại để nộp cho DBU và chúng ta sẽ tiến hành khâu chót cho việc được công nhận nầy. Nếu chúng ta không làm trong hiện tại thì lịch sử phát triển Phật Giáo tại nước Đức nầy sẽ bị ngưng trệ. Đây chính là bổn phận của chúng ta vậy. Kính mong quý Đạo Hữu, quý Phật Tử xa gần hỗ trợ cho.
Hầu như những Đại Học lớn tại Đức như Hamburg, Göttingen, Berlin. Marburg, München v.v… đều có Phân khoa Phật Học. Những sinh viên học ở đây đa phần là những nguời Đức và người Á Châu có quan tâm về Phật Giáo. Sau khi họ ra trường, họ có thể đi dạy lại tại các Đại Học có Phân khoa Phật Học hay Tôn Giáo học. Đây là những người nghiên cứu. Nếu không có họ, sẽ thiếu đi những tin tức chính xác về sự hoạt động Phật Giáo tại xứ nầy.
Ngoài ra trên địa bàn xứ Đức ngày nay có tất cả 700 trung tâm tu Thiền cũng như Tịnh Độ, gồm các Chùa, Tịnh thất, Niệm Phật Đường v.v… và số người tìm hiểu sách vở Phật Giáo để đọc không dưới 300.000 người. Cũng có rất nhiều người Đức xuất gia; nhưng sau thời gian họ ở lại Á Châu; ít khi về lại Đức. Vì điều kiện sinh sống tại các Tu viện Đức ở đây chưa được đại chúng hóa và những điều kiện y tế chưa được đảm bảo cho đời sống tu hành của họ. Những Đại Sư như Nanapotika hay Ni Sư Aya Khema là những bằng chứng điển hình cho việc xuất gia và hành đạo của họ tại ngoại quốc cũng như tại xứ Đức nầy.
Ngày nay một phần vì bị dịch cúm heo, gà, chim v.v… nên đã có rất nhiều người Đức từ bỏ việc ăn sinh mạng của thú vật, mà họ quay qua dùng đậu hủ và rau cải. Vô hình chung họ lại gặp khuynh hướng của Phật Giáo Đại Thừa đang có mặt tại đây. Nên người Đức chấp nhận Đạo Phật một cách rất dễ dàng. Đạo Phật không cần đi tuyên truyền, không cần quảng cáo; nhưng các chùa viện tại Đức lúc nào cũng đông người đến.
Riêng chùa Viên Giác tại Hannover mỗi năm có từ 20 đến 30.000 người Đức đến thăm viếng, học hỏi, ăn cơm chay. Họ là những Giáo sư Đại Học, sinh viên, học sinh. Họ là những người trong các nhóm Rotary, Lion Club. Họ là những vị làm việc trong các cơ quan Caritas, nhà thương. Họ là những người già, người tàn tật v.v... Đây là những người cần được sự giải thích về những câu hỏi của họ. Ví dụ như họ hay hỏi về đời sống trong chùa; trong tu viện như thế nào ? - Tại sao những người đi tu hay cạo tóc ? – Vì sao lỗ tai của Phật và Bồ Tát lại dài ? Màu xanh, vàng, đỏ, trắng, ngại tượng trưng cho những gì ? Niết Bàn là sao ? Thế nào là tánh không ? Sự thờ cúng người chết và quan niệm của Đạo Phật ra sao ? Sau khi chết đi về đâu ? Thế nào là an lạc hạnh phúc theo tinh thần của Đạo Phật ? v.v... Dĩ nhiên là có rất nhiều câu hỏi rất hay nhưng đồng thời cũng có nhiều câu hỏi thật ngớ ngẩn. Tất cả đều do từ trình độ và sự nhận thức của mỗi người; chứ không nhất thiết là quan điểm chung của nhóm. Mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng, mỗi năm tại Chùa Viên Giác nầy đều có làm thống kê như thế.
Còn người Việt, người Hoa, người Nhật thì đi chùa như thế nào ? – Có thể là do tập quán lâu đời mà thành tựu. Ví dụ như có người cả năm chỉ đi lễ Phật ngày đầu năm. Nhưng cũng có nhiều vị khác đi chùa vào ngày rằm hay mồng một. Rồi cũng có người đi chùa mỗi tháng và đặc biệt những ai đã đi tham dự nhiều năm thì tham gia các khóa tu nhiều hơn. Ví dụ như mỗi năm Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu đã mở khóa tu học trong 10 ngày vào mùa hè tại các nước khác nhau. Năm nay (2009) đã là lần tổ chức thứ 21 rồi. Mỗi lần ít nhất là 500 người tham dự và nhiều nhất là 1.000 vị. Ngoài ra tại mỗi nước các Chùa, các Hội đều có mở các khóa tu ngắn hạn hay khóa tu Bát Quan Trai Giới vào cuối tuần và mỗi chùa đều có cúng vong cho những thân nhân đã quá vãng vào ngày chủ nhật; nên số người đi chùa thật là đa dạng.
Ví dụ Chùa Viên Giác tại Hannover số người đi lễ quanh năm độ 70 đến 80.000 lần. Họ đi từ Tết âm lịch cho đến Rằm Tháng Giêng độ 15 đến 17.000 lần. Phật Đản độ 8.000 người, lễ Vu Lan độ 7.000 người. Ngoài ra những ngày rằm, mồng một; những ngày có lễ tang, lễ cưới; những ngày có khóa tu v.v... thì vô số người về chùa để dự lễ. Bình quân một năm cả người Việt lẫn người Đức đi chùa từ 70.000 đến 80.000 người. Như vậy mỗi tháng độ chừng gần 8.000 người đi lễ và đi học Phật. Đây là số thống kê qua kiểm chứng; chứ không phải là số phỏng đoán. Vì qua sự cúng dường, phát lộc lì-xì cũng như ghi tên trong các khóa tu của người Đức cũng như người Việt, chúng ta rõ biết về việc đó.
Cái nhân trong 30 năm của người Việt Phật Tử tại Đức đã chín muồi rồi. Bây giờ chúng ta chỉ cần chuyển hóa để có thể ra được những quả ngọt trong tương lai, do chính chúng ta hay con cháu của chúng ta hưởng. Khi chúng ta có được những quyền lợi, thì đòi hỏi chúng ta cũng phải có những bổn phận song hành như những đề nghị đã nêu trên. Nếu chúng ta chậm trễ, sẽ bị lịch sử kéo sang trang khác. Lúc ấy có hối hận cũng đã muộn màng rồi. Vì lẽ ở mỗi một nơi trên thế giới nầy đều có những luật lệ riêng; nếu chúng ta không bắt kịp. Quả thật chúng ta đã phí đi một cuộc đời đã dày công hãn mã với việc làm phước, bố thí, cúng dường và nhất là làm sao cho Phật Giáo đỡ tủi danh với những Tôn Giáo khác tại xứ Đức nầy.
Một hôm trong tháng tư năm 2009 vừa qua, tôi và Thầy Nguyên Tạng ở Úc đang chờ chuyến máy bay từ phi trường St. Louis đi Houston ở Hoa Kỳ. Có một bà Mỹ nở nụ cười chào chúng tôi. Đoạn bà ấy hỏi: Are you buddhist Monk ? (Có phải ông là Tăng sĩ không?). Yes! Madame (Vâng! Thưa Bà). Bà ta nói tiếp: My friend is also Buddhist (bạn tôi cũng là Phật Tử). Thầy Nguyên Tạng hỏi lại bà: Why not you ? (Tại sao không phải là bà?). Bà cười tiếp và nói: I know that a Buddhist has to keep the precepts and should not kill animals. But me! Sometimes I still kill mosquitoes (Tôi biết rằng: nếu là một Phật Tử thì phải giữ giới của Phật và không được giết hại thú vật. Nhưng tôi! thỉnh thoảng tôi vẫn còn giết những con muỗi vậy).
Khi nghe câu chuyện đối đáp trên, chúng tôi tiếp tục nói sang đề tài khác; nhưng điều làm cho tôi vui ở đây là: Đạo Phật ngày nay không còn nằm tận Hy Mã Lạp Sơn nữa. Phật Giáo không còn đóng khung trong các xứ văn hóa Á Châu nữa, mà Phật Giáo đã hiện diện nơi nước Hoa Kỳ to lớn và văn minh nhất nhì của nhân loại trên hành tinh nầy. Công ơn ấy phải nghĩ ngay đến Chư Tăng và những người Phật Tử dầu họ thuộc chủng tộc nào, đã có công mang giáo lý đạo Phật vào đây để truyền bá cho những người Mỹ đang sống một đời sống rất đầy đủ về vật chất, mà đời sống tâm linh, nhiều người bị nghiệt ngã vô cùng.
Một câu chuyện khác đã được xảy ra vào cuối năm 2008 tại Úc nhân mùa lễ Giáng Sinh. Khi Thầy trò chúng tôi đã dịch xong quyển sách Nhật Liên Tông Nhật Bản từ tiếng Nhật sang tiếng Việt. Tôi tự cho phép mình có được mấy ngày nghỉ ngơi cuối năm. Nên chuẩn bị đi Green Mountain nằm phía Nam Sydney và cách xa đây chừng 150 km. Khí hậu vùng núi rất đẹp. Sau khi xem xong các thạch động ở đây, Thầy trò chúng tôi quay xe hơi chạy về lại Sydney. Trên đường đi chiều 24 tháng 12 thật vắng tanh chẳng có người nào, mà cũng chẳng thấy nhà nào cả. Chạy một đỗi thật xa, thấy có một quán trọ nằm quạnh quẽ bên đường và tôi đã bảo với Thầy Phổ Tấn cùng Hạnh Giả nên dừng xe và ở lại đây đêm nay để cảm nhận cái cô tịch của núi đồi, nhân lễ Giáng Sinh như thế nào. Sau khi hỏi giá cả xong xuôi, tôi đồng ý và chủ quán bảo rằng: Sáng mai không có phần ăn sáng. Vì ngày mai chúng tôi đóng cửa lữ quán nầy. Thầy trò nhìn nhau gật đầu đồng ý.
Tối đó Hạnh Giả đặt đồ ăn chay và chúng tôi dùng cơm như thường lệ. Trong khi ăn tối, nhiều người Úc đang đánh billard gật đầu chào. Chúng tôi chào lại bằng cử chỉ, chứ chưa nói một lời nào. Vì nhạc mở hơi lớn. Vả lại họ đang chú ý tới những quả banh. Tôi tự nghĩ: Đêm Giáng Sinh thường cũng là đêm họ ở nhà với gia đình; chỉ có những người không có gia đình; hoặc không phải Đạo Chúa mới như vầy. Chắc những người nầy thuộc một trong hai lý do ấy.
Sau khi ăn xong, Thầy trò chúng tôi đóng tiền khách sạn và trả tiền cơm cũng như hỏi thăm rằng: Sáng mai chìa khóa phòng để ở đâu v.v... Thầy Phổ Tấn và Hạnh Giả ở một phòng, tôi ở một phòng. Sáng ra Hạnh Giả cười tươi bảo rằng: Thưa Sư Phụ là hôm nay mình có niềm vui. Tôi hỏi tiếp: Cái gì vậy? - Hạnh Giả thưa rằng: “Hôm qua tụi con đang ngủ, có người gõ cửa, sợ quá chừng, không dám mở; nhưng nghe lâu quá nên phải bật người ngồi dậy đến hé nhẹ cửa để xem thử ra sao, thì té ra là ông chủ quán trọ hồi chiều. Ông ta mang 195 đô la Úc, tiền thuê khách sạn và trả lại cho mình, bảo rằng: Có ông Nicks đánh billard cúng dường trả lại cho ba Thầy trò”.
Đúng là ngày Giáng Sinh năm 2008 vừa qua chúng tôi có một niềm vui nho nhỏ; niềm vui giữa đường như vậy của một ngày Giáng Sinh nắng cháy của mùa hè Úc Châu. Chúng tôi thật ra chẳng biết ông Nicks là ông nào trong hai người đang đánh billard và mấy người đang bu chung quanh đó để xem họ đánh và họ có phải là Phật Tử không ? tại sao họ lại có những nghĩa cử thật là tử tế như vậy ? - Mặt khác, ông chủ quán nầy cũng là ông chủ tốt. Nếu ông chủ làm thinh, chẳng báo lại cho chúng tôi biết, thì ông ta nhận được cả 2 lần tiền từ hai vị khách hàng khác nhau rồi. Biết đâu đó chẳng phải là phần thưởng cuối năm của những người làm công việc cực nhọc nầy. Nhưng tất cả đều thành thật. Tất cả đều tươi mát của một lễ Giáng Sinh mà có lẽ ông Nicks sẽ mỉm cười. Vì ông đã làm được một việc thiện. Tôi có bảo với Hạnh Giả rằng: “Tại sao con không đến cảm ơn ông ta ? Hạnh Giả đáp: “Bạch Thầy! Con nhờ ông chủ cảm ơn hộ. Vì lẽ đêm đã khuya và tại nhà hàng lúc ấy còn nhiều người lắm, nên con ngại”.
Câu chuyện rất nhỏ nhặt. Câu chuyện không đâu vào đâu; nhưng nó có một giá trị thật cao vời. Vì người thi ân không cần hai tiếng thank you và người thọ nhận ân ấy cũng chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ được nhận ân như thế. Quả đây là phép Phật. Chỉ có Phật pháp mới giải thích được. Ngoài ra khó đem lý lẽ để biện minh trong trường hợp nầy.
Trong mùa hè năm 2007 vừa qua chúng tôi có dịp sang xứ Ai Cập để xem những Kim Tự Tháp được xây dựng bao đời tại đó. Tiện thể chúng tôi đến xứ Alexandria để tìm lại dấu vết ngày xưa của Phật Giáo vào thời Đại Đế A Dục đã cho truyền đạo Phật đến đây, có còn sót lại chút gì không ? - Quả thật là không còn gì cả. Chỉ còn lại những đền thờ khổng lồ của Hồi Giáo. Nhưng đi đến đâu chúng tôi vẫn được chào bằng lối chắp hai tay ngang ngực và cuối đầu xuống theo kiểu Phật Giáo của người đối diện và nhoẻn miệng cười đồng thời nói mấy tiếng: Đạt Lai Lạt Ma ?
Như vậy Đạo Phật ngày nay đã hiện diện khắp nơi trên thế giới nầy. Dầu cho đây là xứ Hồi Giáo họ tôn sùng Thánh Alah. Hay Ý Đại Lợi, Roma với Vương Cung Thánh Đường cao ngất; nhưng Phật Giáo cũng đã được công nhận là một Tôn Giáo. Vì đây là một nền Đạo chỉ mang những hương thơm đến tô điểm cho đời, để cho con người có thêm những cái nhìn về vô thường, về khổ, về không, về vô ngã có một giá trị miên viễn với cuộc đời. Đây là chất liệu dưỡng sinh của cuộc sống tâm linh, mà con người trong hiện tại rất cần đến.
Cứ nhìn hình ảnh những người Tây phương hai tay chắp lại đi ở đâu đó trong sân chùa Viên Giác Hannover - Đức Quốc, miệng mỉm cười và chào: Nam Mô A Di Đà Phật bằng tiếng Việt là chúng ta cũng cảm thấy vui rồi. Vui vì lẽ không phải những người Đức ấy biết nói tiếng Việt, mà vui vì họ đã và đang được tắm mát trong ánh sáng Phật Pháp. Chính Phật Pháp mới làm cho họ được tái sinh như vậy.
Nhiều người Việt Nam gặp tôi đâu đó, họ hay cảm ơn. Vì họ đã gặp được Đạo Phật đúng lúc cũng như nhờ biết tu theo Đạo Phật mà cả gia đình được thoát ra khỏi sự trầm cảm; hoặc do vô tình hay cố ý mà đã tạo ra nỗi khổ chung cho mỗi người. Đạo Phật là như thế. Vì Đạo Phật không có cơ quan truyền đạo. Vả lại Đạo Phật cũng không phải xây dựng trên số tín đồ nhiều hay ít, để được có phẩm trật trong đạo của mình, mà Đạo Phật chỉ sống với hay sống cho và sống vì tha nhân, vốn là điều cần yếu cho cuộc sống hằng ngày của chúng ta trên quả địa cầu nầy.
Chắc chắn một điều là: Tôn Giáo nào cũng dạy cho con người ta luôn làm những việc thánh thiện, xa rời việc độc ác cũng như tham lam; nhưng đa phần thì con người làm sai lời dạy của Tôn Giáo ấy; nên mới nhân danh nầy hay nhân danh kia để đi đập phá những Tôn Giáo khác như lịch sử đã chứng minh mà Hồi Giáo từ Trung Đông đã đến chiếm Ấn Độ vào thế kỷ thứ 12. Tất cả những Chùa Viện, Tháp miếu, Đại học đã bị đập phá. Tu sĩ, Phật Tử thì bị giết chết hằng loạt. Nhưng nhiệm mầu thay! Ngày nay nhân loại đã hết nhân danh đấng nầy hay đấng kia để đi xâm chiếm thuộc địa nữa và con người cũng đã mở mắt ra thật là to để nhìn cho rõ những hậu quả của chiến tranh. Cho nên ngày nay dầu là giữa các Tôn Giáo với nhau, người ta hay đối thoại với nhau; chứ không đối đầu với nhau như trong quá khứ nữa. Từ đó mọi người theo nhiều Tôn Giáo khác nhau có thể tìm ra một biện pháp cho tín đồ của mình cũng như cho những sự đối thoại Liên Tôn đã có bấy lâu nay.
Cuối cùng lời dạy của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 đã dạy cho chúng ta biết rằng: “Nếu trong tâm anh, lòng từ bi ngự trị, thì hận thù không có cơ hội để tồn tại nữa”. Chúng tôi mong được thực hiện lời dạy nầy dầu ở bất cứ nơi đâu, trong chùa, trong nhà hay trong nội tâm của mỗi người. Tất cả cũng đều được trân quý.

Viết xong tại thư phòng chùa Viên Giác ngày 9 tháng 7 năm 2009 nhân mùa An cư Kiết hạ - PL 2553



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
14/09/2024(Xem: 650)
Tại sao lại nói “ruột đau chín chiều”? Đó là những chiều nào, hướng nào? Hay đó là chín buổi chiều? Có bao giờ chúng ta tự hỏi tại sao ruột đau không phải ba bốn chiều hay tám chiều mà lại “chín chiều” ?
11/09/2024(Xem: 771)
Vào lúc 09:30 am ngày 08 tháng 9 năm 2024, chùa Đại Bảo Trang Nghiêm tọa lạc tại số 2553 Darwin Street, thành phố Hayward, tiểu bang California đã trang nghiêm tổ chức Lễ Vu Lan Báo Hiếu năm 2024, Phật lịch 2568. Hòa thượng Thích Từ Lực, Viện chủ chùa Phổ Từ (Hayward), thiền viện Phổ Thiên (Castro Valley) và trung tâm tu học Phổ Trí (Vacaville) quang lâm Chứng minh và ban Đạo từ.
09/09/2024(Xem: 652)
Lễ Vu Lan PL 2568 (8/9/24) tại Chùa Bảo Minh, Vic, Úc Châu (Photo: Thiện Hưng) | quangduc.com
07/09/2024(Xem: 885)
Sáng ngày 30 tháng 7 Giáp Thìn (02/9/2024), nhân ngày Khánh đản đức Bồ tát Địa Tạng, chùa Bửu Long ở thôn Lễ Thạnh, xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh đã trang nghiêm tổ chức đại lễ Trai Đàn Chẩn Tế - Kỳ Siêu Bạt Độ, trên là để báo đáp Tứ Trọng Ân, dưới là để cứu vớt những âm linh bị đọa vào Tam Đồ Khổ (ba đường ác lụy: gươm đao, nước và lửa), đồng thời cũng cầu siêu hồi hướng cửu huyền thất tổ, cầu nguyện quốc thái dân an, thiên tai ôn dịch tiêu trừ
04/09/2024(Xem: 380)
Chùa Pháp Tạng là 1 trong 6 ngôi chùa thuộc Tổ chức Quốc tế Bồ Đề Quang - BLI (Bodhi Light International, Inc.) được Thầy Thích Vĩnh Hóa sáng lập, căn bản là Phật giáo Đại thừa Trung Hoa được điều chỉnh cho phù hợp với văn hóa và cảm nhận của thời đại mới.
02/09/2024(Xem: 582)
Lễ Vu Lan PL 2568 (1/9/24) tại Tu Viện Kim Cang, Victoria, Úc Châu (Photo: Thiện Hưng) | quangduc.com
01/09/2024(Xem: 523)
Lễ Vu Lan PL 2568 (31/8/24) tại Chùa Pháp Vân, Melbourne, Úc Châu (photo: Quảng Diệu Trí) | quangduc.com
28/08/2024(Xem: 466)
Vào lúc 09:30 am ngày 25/8/2024, chùa An Lạc tọa lạc tại số 1647 E. San Fernando Street, thành phố San Jose, tiểu bang California đã trang nghiêm tổ chức Lễ Vu Lan Báo Hiếu tại Chánh điện và Lễ Trai đàn Chẩn tế Bạt độ chư Hương linh tại tháp linh cốt.
26/08/2024(Xem: 424)
Lễ Vu Lan Báo Hiếu Phật Lịch 2568 (25/8/24) tại Chùa Thiện Minh, Lyon, Pháp Quốc
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com