5 Năm - Một Dấu Lặng
GIÁC ĐẠO - DƯƠNG KINH THÀNH
Thời gian 5 năm, so với tuổi thọ trung bình của con người thì chưa thể gọi là dài lâu, nhưng với từng sát na vô thường trong chốn nhân gian thì rất đáng kể cho một sự mất mát vô lượng.
Cố Hòa Thượng Thích Thông Quả (1937 – 2015) viên tịch ngày 13/09 năm Ất Mùi (nhằm ngày 25/10/2015) Hạ lạp 32, Trụ thế 78.
Ngày ấy, bài viết nhanh chóng được hình thành khi hay tin Cố Hòa Thượng viên tịch “Một dấu lặng yên bình giữa từng nốt nhạc”, trong đó có câu làm ray rức cõi lòng đối với những ai có liên quan đến văn nghệ Phật giáo: “Những nốt nhạc dù đang nhảy múa ở độ trầm bổng, lên cao hay xuống thấp ở quảng năm, quảng sáu, chỉ cần một dấu lặng ấy nằm giữa khe (La – Si), tức khắc sẽ dịu êm và đi vào hư vô, trả lại cho nhân thế những xô bồ, ồn ào phiền trược mà những nền nhạc trong vắt này vốn không bị tạp nhiễm từ lâu…”
Những lần bước vào Tu viện Phước Hoa, ánh mắt chúng tôi luôn hướng về phía bên phải, nơi mà trước đây anh em chúng tôi ngồi quây quần bên chiếc võng đong đưa của cố Hòa Thượng khai sơn Phước Hoa – Phước Lạc, được nghe những lời hỏi thăm ân cần hay chuyện vãn vui cười ấm áp cả thiền thất. Bây giờ, cũng chính nơi ấy, những đệ tử thương yêu của cố Hòa Thương đã trưng bày chiếc xe đạp cũ kỹ, chiếc gậy mòn tay hay chiếc nón lá sờn vành, như lưu dấu lại những tháng ngày gian nan, một thân một mình, âm thầm mở lối vạch đường xây dựng từng bước nền móng cho các thế hệ mai sau có nơi an trú và trụ vững. Hình ảnh luôn gây cho người viết nguồn cảm xúc mạnh là khi cố Hòa Thượng đầu đội chiếc nón lá tơi sờn, tay cầm gậy cũ dò đường nhưng đôi mắt luôn hướng thẳng về phía trước như muốn thể hiện một ý chí của kim cương bất hoại. Một vị xuất gia với y hậu vàng đầu đội nón là vốn là hình ảnh quen thuộc đối với tông môn của hệ phái Thiền Viện Trúc Lâm; với cố Hòa Thượng, hình ảnh đó khó có thể phai mờ trong tâm trí mà có lẽ không riêng gì cảm nhận cá nhân mà còn là lời nhắn nhũ thiết tha với hàng hậu tấn thân yêu nhất của cố Hòa Thượng.
Trộm nhớ, nếu ngày xưa lá trong rừng Sa La có rụng rơi xào xạc, Trời - người lặng thinh trong bùi ngùi xa vắng; chim muôn buồn không ngủ và muôn thú dừng bước ngẩn ngơ trước giờ Đức Thế Tôn đi vào cõi vô cùng, thì trong lòng chúng ta cũng chùng xuống, buồn tê tái mỗi khi về thắp hương đảnh lễ Giác Linh nhân kỷ niệm ngày cố Hòa Thượng vắng bóng cõi nhân gian.
Có thể muôn đời sau, người ta sẽ còn hờn trách mãi hoài Tôn giả A Nan, rằng sao cứ để giọt nước mắt chảy dài theo thương tiếc mà không chịu định tỉnh để nghe Đức Thế Tôn giảng giải những điều con người còn chưa biết, chưa hiểu sau khi Ngài hỏi “Con có còn thắc mắc điều gì nữa không?” Biết sao được, chính chúng ta cũng sẽ không tránh khỏi cảm xúc như Tôn giả A Nan trước giờ phút ấy, sao có được trí tuệ minh mẩn để tận dụng những giờ phút cuối cùng đó mà nghe những lời vàng cuối cùng của Phật. Vâng! Tiếc thì có tiếc thật, nhưng nếu vì vậy mà hờn trách Tôn giả A Nan thì tội lắm! Trước hết Ngài cũng là một con người, vì một nguồn thương bể ái đang ôm giữ bên mình, bỗng chốc vụt mất, mà sự vụt mất này đã được báo trước ngay trong chính nền tảng chân lý Phật dạy, thì hỏi ai làm khác hơn được.? Chúng ta hiện vẫn đang là con người trần tục, đang sinh sống và tu học ngay trong chốn dục giới đầy rẩy nguồn ái lụy kia! Vì vậy, đem những sự cảm hoài ấy liên cảm với chư tăng, ni và hang đệ tử Phật tử Tu Viện Phước Hoa – Phước Lạc, trước sự vắng bóng của Cố Hòa Thượng ân sư khả kính nhất của mình, mới biết sẽ chẳng thế nào khác hơn !
Vẫn biết rằng vô thường là như thế, chợt đến rồi chợt đi, chuyện như chẳng còn gì để lưu luyến, tiếc thương. Nhưng mà, phàm chúng ta đang hiện hữu một thể xác này ở dương trần, sống chung và ngụp lặn trong cõi dục giới bao la; bao la lắm với vô vàn nhưng thương ghét hờn giận thay nhau làm đảo lộn cuộc sống này, thì một sự tiếc thương cho một nhân cách từng sống, cống hiến hết dạ trọn lòng cho Phật đạo âu cũng đáng để nhớ để thương.
Xem sử sách đó đây, Đông Tây hay kim cổ, có biết bao nhiêu hành trạng của chư tôn đức để lại cho đời những trang vàng óng ánh, luôn là bài học ứng giải kịp thời cho hàng hậu tấn kịp lấy đó làm bè pháp cứu sinh và giúp đời khi sắp buông thả hay ngả gục bên cạm bẫy đường mật thế gian. Mới thấm thía sâu sắc làm sao câu tưởng niệm tri ân thường được thấy treo trang trọng trong các Giác Linh Đường của các vị Tôn sư: Ơn giáo dưỡng một đời nên huệ mạng/ Nghĩa Sư Đồ muôn thuở khó đáp đền.
Thương là để biết mình đang sống có trách nhiệm, nhớ là để thấy đạo nghĩa Tứ Ân của con nhà Phật lúc nào, ở đâu vẫn phải luôn được giữ gìn. Thương nhớ như vậy nào có sai biệt chi đâu, hơn nữa cơm Hương Tích, Nước Tào Khê còn phải rưng rưng đôi dòng lệ trên giác linh đài ngày xa biệt, dù không bằng hương giải thoát còn lung linh bằng cả một quá trình tiến tu, nhọc nhằn trau dồi công hạnh, tất cả đã nhường lại cho đời bao thành tựu còn lớn lao hơn biết bao nhiêu.
“Vậy mà vui!” bổng chợt nhớ lời cố Hòa Thượng nói khi nào, giờ đem góp lại ký ức mới càng thêm ý nghĩa và nhẹ nhàng làm sao. Đúng là hương vị của giải thoát, không bị ràng buộc hay vướng mắc trần ô. Một làn gió nhẹ, hay một trận mưa rào đầu mùa có làm lá trong Tu Viện Phước Hoa rơi nhiều hay có làm hoa kiểng lung lay cũng là để rửa trôi bao phiền muộn để thấm sâu được nguồn ân, để trở thành hoa trái dâng tặng cho đời lẫn cho đạo. Những ngày ấy, mùa thu cũng u buồn, và sau những tháng mưa ngâu dầm dề giờ là để nhặt lá thu rơi, kết thành chuỗi tháng ngày của 5 năm qua luôn tiến tu trong ánh nhìn kim cương bất hoại của cố Hòa Thượng còn để lại. Phải rồi: “ Vậy mà vui!”.
"Nay Hòa Thượng không còn nữa, có lẽ rồi đây anh em chúng tôi sẽ phải tự ôn lấy bao lời dạy tốt đẹp của Hòa Thượng, tiếp tục sống và cống hiến trong sự tự chủ, giữ gìn lấy mình "(Trích bài viết đã dẫn “Một dấu lặng yên bình giữa từng nốt nhạc” năm 2015 )
Chiều nay mưa lại rơi, cơn mưa của trình tự thế gian bốn mùa đi và đến, nhưng sao mà nghe như có một chút lạnh trong tim! Muốn nắm bắt vô thường để giữ mãi những hình ảnh đáng trân giữ, để tự hào với bản thân rằng trên đường học đòi chánh pháp, còn có gặp được Cố Hòa Thượng Thích Thông Quả ở bên kia ngõ vắng của một nền văn nghệ Phật giáo nói hoài vẫn chưa dứt. Chính Cố Hòa thượng đã dang tay níu đỡ cho anh em chúng ta dừng lại đúng lúc, để nhìn lại mình và nhìn lại tất cả. Cố Hòa Thượng chính dấu lặng trong dòng nhạc ồn ào, là như vậy.