Mộ của Tú Quỳ
Tú Quỳ là nhà thơ hiện thực trào phúng xuất sắc của Quảng Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đồng thời với Nguyễn Khuyến, Tú Xương ở miền Bắc, Học Lạc, Nhiêu Tâm ở miền Nam, thơ văn của ông từ nội dung đến ngôn ngữ đều thể hiện một tính cách đặc biệt – tính cách Tú Quỳ Quảng Nam.
Tú Quỳ tên thật là Huỳnh Quỳ, hiệu Hướng Dương sinh ngày 15 tháng 5 năm Mậu Tý (1828) tại làng Giảng Hòa, tổng Quảng Hòa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam).
Ông tổ của Tú Quỳ là Huỳnh Đại Lang tức Huỳnh Văn Nê người huyện Nghi Xuân, tỉnh Nghệ An theo vua Lê Thánh Tông Nam chinh, sau đó đã chọn Giảng Hòa, một gò nổi đầy lau lách, gai góc um tùm ven sông Thu Bồn, để khai phá, định cư xây làng, lập xã.
Tú Quỳ xuất thân trong một gia đình khoa bảng, ông nội là cụ Tú Huỳnh Kim Toản, đỗ tam khoa Tú tài. Chú ruột là Huỳnh Kim Kỷ đỗ Tú tài. Thân phụ là Huỳnh Kim Cang đỗ song khoa Tú tài.
Thuở nhỏ Tú Quỳ theo học với cụ Tú Sáu tức cụ Tú Trần Thế Thận ở Phi Phú, Gò Nổi, Điện Bàn, Quảng Nam, một nhà Nho rất được người địa phương kính trọng. Năm 19 tuổi Tú Quỳ thi đỗ Tú tài, sau đó ông dự thi tiếp nhưng cả hai khoa cũng chỉ đỗ Tú tài mặc dù khoa nào ông cũng đỗ đầu. Ông không màng công danh hoạn lộ trở về quê vui với việc dạy trẻ, dùng tài văn chương giúp đỡ cho nhân dân trong những dịp quan, hôn, tang, tế và châm biếm, đả kích những thói hư tật xấu của xã hội và con người một cách thẳng thừng, không khoan nhượng. Thơ văn của Tú Quỳ phản ánh một nhân sinh quan cá biệt của ông khác hẵn bất cứ Nho sĩ nào đồng thời. Chính vì bản chất cương trực, nói thẳng nói thực không giấu giếm che đậy của người Quảng Nam mà ông bị một số người trong phong trào Nghĩa Hội nghi kị và bắt giam tại Tân Tỉnh, may nhờ cụ Hường Hiệu tha tội ông mới giữ được mạng sống. Trở lại Giảng Hòa ông tiếp tục nghề cũ, và thường di chuyển nhiều nơi từ Quảng Nam cho đến các tỉnh Nam Trung bộ để dạy trẻ. Sau khi Nghĩa Hội tan rã, ông trở về sống những năm cuối đời tại quê nhà.
Đến tuổi bát tuần, vua Duy Tân ban cho ông hai chữ “ Thọ quan”.
Lúc được cửu tuần (1918) vua Khải Định ban cho ông hàm “Hàn Lâm Đãi Chiếu”.
Sáng tác cuối cùng của ông là câu đối ông viết trước khi mất hai ngày được con cháu khắc thờ tại từ đường Giảng Hòa:
“Tổ võ thiệu huy phong, kim bảng khoa danh tam thế diễn,
Hoàng ân ba vãn tiết, ngọc đường thanh giá vạn niên hương”
(Một nhà được dựng nên, ba đời chiếm bảng vàng rực rỡ,
Ơn vua ban như hoa nở muộn, lừng danh thi phú tiếng vang xa)
Ông qua đời tại quê nhà sáng ngày 6 tháng 3 năm Bính Dần (17-5-1926), hưởng thọ 98 tuổi. Ông ra đi để lại niềm thương tiếc trong lòng mọi người, ngay cả những đối tượng bị ông đả kích mạnh mẽ cũng ngậm ngùi, kính trọng khóc ông bằng bốn chữ “TÚC XƯNG QUÂN TỬ” và Phạm Liệu người đứng đầu của Ngũ phụng tề phi Quảng Nam đã khóc ông bằng hai câu đối:
“Gia học kế thừa ngã ngoại tổ môn trung túc xưng cao đệ
Quốc văn đề xướng Đại súy đường hội diện hiệp bái tiền huy”
tôn vinh ông là “ ĐẠI SÚY ĐƯỜNG”, một Đại tướng trong làng Quốc văn.
Tú Quỳ sống vào thời phong kiến suy tàn và thực dân xâm chiếm đất nước ta, suốt đời gần gũi với những người dân quê chất phác, hiền lành mà phải chịu bao khổ đau, oan ức, ông luôn mang trong lòng nỗi đau mất nước, sự uất hận đối với bọn vua quan bù nhìn, cường hào ác bá bán nước cầu vinh, những kẻ lạm dụng chức quyền hà hiếp nhân dân. Ông đã dùng ngòi bút của mình để thể hiện lòng yêu nước thương dân, châm biếm, đả kích bọn người xấu xa bằng một giọng điệu khá cay độc; thơ văn trào phúng của ông chiếm số lượng khá lớn và làm nên tên tuổi của ông.
Thơ văn của Tú Quỳ biểu hiện lòng Yêu nước thương dân
Quê hương Tú Quỳ có Cồn Con ở thượng nguồn sông Thu và Gành Móm nằm giữa Thác Cá, Thác Ông gần Bến Dầu Đại Lộc, những địa danh quen thuộc của quê nhà mà Tú Quỳ thường đi qua đã tạo nên nguồn cảm hứng để ông sáng tác những vần thơ gợi cảm thể hiện lòng yêu thiên nhiên, yêu đất nước, quê hương tha thiết của ông:
Cồn Con
Hầm đúc âm dương lẽ chẳng không?
Sinh ra cồn nọ giữa dòng sông
Cỏ phơi tóc yếu mây che đậy,
Đá lố xương non sóng ẵm bồng
Thạch Bích nương cha ngàn thuở ấm
Nhũ Sơn nhờ mẹ mấy năm công
Xa gần muốn hỏi ra ông tổ,
Rằng có Bãi Bà, có Thác Ông
Bài “ Vịnh Tháp Hời”, Tú Quỳ mượn di tích xưa để gởi gắm tâm sự đau buồn của người dân mất nước. Duy Xuyên là nơi có nhiều di tích lịch sử của một thời vàng son Chiêm quốc như Tháp Mỹ Sơn, Cung điện của Chiêm vương ở Trà Kiệu và nhiều công trình điêu khắc mỹ thuật v.v... nhưng tất cả đã lùi vào dĩ vãng, hoang vắng, tiêu điều. Đối với Tú Quỳ, cảnh tang thương này cũng là cảnh tang thương của đất nước ta dưới thời thực dân Pháp xâm lược nên ông rất đau lòng:
Nông nỗi làm sao đất nước này!
Chợ Hời còn đó tháp còn đây
Dấu xưa bia tạc sương sa lấp
Cảnh cũ đền cao nước lộng mây
Chiến tích ngàn năm vang vọng mãi,
Kỳ công vạn thuở dễ ai thay!
Đau lòng hỏi khách thăm cung điện
Rằng mấy tang thương cuộc đổi thay.
Bài “Nước lụt” tả cảnh lụt lội xảy ra hàng năm trên quê hương Giảng Hòa của Tú Quỳ đồng thời ám chỉ thời cuộc (thể hiện ở ngĩa bóng của hai câu thực và hai câu luận). Tác giả đã gởi gắm tâm sự mình trước họa xâm lược của người Pháp, nỗi ưu tư đối với các lộng thần trong một triều đình đang lâm vào đại nạn “ bốn tháng ba vua”, một triều đình đầy rẫy những đại thần hiếu sát mưu cầu vinh thân phì gia, một triều đình bù nhìn làm tay sai cho Pháp không lo gì đến đời sống thiếu thốn, đói khổ của người dân:
Mưa từng chặp gió từng hồi
Bốn mặt non sông nước khỏa rồi!
Lũ kiến bất tài tha trứng chạy
Chòm rong vô dụng kết bè trôi
Chít chiu rừng rậm chim kêu tổ
Lổm ngổm giường cao chó nhảy ngồi!
Nỡ để dân đen rày đói lạnh
Nào ông Hạ Võ ở đâu ôi?
Bài “Ruộng canh thiu” tác giả thể hiện sự đồng cảm đối với người nông dân nghèo. Họ phải làm việc vất vả mà không thu được kết quả mong muốn vì họ phải lam lũ cày sâu cuốc bẫm trên vùng đất sát núi, sình lầy, chua phèn mà không có được những mảnh ruộng màu mỡ như địa chủ, trung nông:
“....Đắng cay thương hại người Nam Mẫu
Ra sức chưa ăn bóng xế chiều”
Càng yêu thương người nông dân nghèo khổ quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà vẫn đói rách, không đủ ăn, Tú Quỳ không thể làm ngơ trước những tệ nạn xã hội, những thói dị đoan mê tín đã đẩy không ít người nông dân vào cảnh bần cùng. Bằng ngòi bút trào lộng, Tú Quỳ cực lực.
Đả kích hủ tục, mê tín dị đoan
Tuy sống trước đây hơn một thế kỷ nhưng Tú Quỳ không tin những phép mầu của thần thánh và những kẻ khuất mặt có thể cứu nhân độ thế, cải tổ hoàn sinh cho người đời. Ông mỉa mai, đả kích, trào lộng thói mê tín dị đoan của quần chúng thiếu hiểu biết, thiếu suy nghĩ, dễ dàng tin theo những lời mê hoặc của bọn buôn thần bán thánh, đồng bóng, phù thủy đến nỗi phải tán gia bại sản, tiền mất, tật mang. Trong các bài: Văn tế phù thủy, Trả lễ thần làng, Cây đa thần, Phú ông Mốc ..... bằng những bằng chứng hiển nhiên ông đã chứng minh cho quần chúng đừng tin nhảm, mê tín, dị đoan.
Trong bài “Văn tế phù thủy” Tú Quỳ giới thiệu hình ảnh oai phong của vị pháp sư với những pháp thuật cao cường
“Nói đến làm thầy, pháp tài thượng thủ.
Mép xuyên quai sắt, chân đạp hỏa than
Miệng húp dầu sôi, răng nhai chén rượu....
.....Ứm một tiếng hung thần đều khiếp, chi những loài ma chợ ma Chăm.
Thổi một hơi yêu khí tan liền, chỉ khảy chút móng tay cũng đủ”
Từ đó ông bình luận:
Người dường ấy mà pháp tài dường ấy, lẽ phải thân cung tráng kiện đương tứ vạn niên
Số về đâu mà sao hạn về đâu, xui nên hồn phách bất an mãn tam thiên số.
Cuối cùng ông mỉa mai để cảnh tĩnh người dân đừng tin nhảm:
Kìa kìa bát vạn thần binh, lục viên sứ giả, sao không thâu thủ sanh hồn?
Hỡi hỡi Tề Thiên Đại Thánh, Thái Thượng Lão Quân sao chẳng hộ trì Pháp chủ?
Bát vạn thần linh, lục viên sứ giả, Tề Thiên Đại Thánh, Thái Thượng Lão Quân là những vị thần thông quảng đại nơi Thượng giới có trong tay bát vạn Thần binh mà còn phải bó tay trước cái chết của đệ tử của mình thì vị pháp sư kia liệu cứu được ai?
Ở bài “Phú Ông Mốc”, ông chống cách chữa bệnh bằng tàn hương nước lả, vỏ chuối, rong rêu:
“Bệnh cấm khẩu giảo nha bất trị, miếng bã trầu là vị hồi sinh,
Chứng phong lao cổ lại nan y, nắm vỏ chuối là thang bạt độc.
Bổ tì phế tâm can chi cũng đó, một dề rêu hơn thuốc Bắc thuốc Nam
Chẳng sâm nhung trầm quế mà làm chi, một nắm rắc có tiền trăm bạc chục....
.....Nào hay!
Thuốc dậy đồn vang,
Hiệu không cơm cục.”
Và vạch trần âm mưu của bọn người buôn thần bán thánh lợi dụng sự sự mê tín nhẹ dạ, cả tin của quần chúng:
Mốc chẳng phải Bồng lai Tiên trục, Mốc có đâu diệu tế ngàn phương.
Mốc chẳng qua lâm lạc cội tàn,linh chi đặng xác phàm một gốc.
Du hoặc ấy do ai tác dũng, dựng một lời bởi các ông Hào,
Linh nghiệm gì thiết cuộc tu trai, dối bày chúng vì ba tướng gộc
Có có không không ghét cho đời ngoa lại truyền ngoa!
Hư hư thiệt thiệt thương những kẻ ngốc ơi quá ngốc!”
Bọn cường hào dùng mọi thủ đoạn bịp bợm để bòn rút của dân, đầu độc quần chúng tin vào các thế lực vô hình, buộc dân làng đóng góp tiền bạc, công sức tổ chức cúng tế để kiếm tiền bỏ túi.
Sự kiện đó được Tú Quỳ đả kích trong bài “Vịnh cây đa thần”:
“...Việc làm lắm kẻ đăng đầu
Lệnh trên phán xuống dám đâu rề rà!
Giảng Hòa, Mỹ Lược, Gia Hòa,
Việc chi cũng giữ chữ hòa kiếm ăn!”
Đả kích quan lại, cường hào bất tài vô dụng, hà hiếp nhân dân
Trong bài “Ghét”, Tú Quỳ thể hiện nỗi bất bình trước sự hống hách, tàn ác của những tên tay sai cho thực dân Pháp và những cường hào ác bá sách nhiễu nhân dân:
Ghét cay ghét đắng thói đời nay,
Ghét bọn tham quan lũ cướp ngày!
Ghét tướng giương oai chèn kẻ yếu,
Ghét phường cậy thế hại người ngay!
Ghét tên bán nước quên tiên tổ,
Ghét đám mua danh nịnh chú thầy
Ghét thấy dân lành mang lắm ách
Ghét trời sao chẳng chịu ra tay?.
Ở nông thôn, lý trưởng- người đại diện cho chế độ phong kiến- nắm quyền sinh sát, tha hồ ăn đút ăn lót của dân để làm giàu. Trong bài “Tranh giành lý trưởng”, Tú Quỳ đã nói lên tệ nạn, cấu xé nhau để tranh chức, tranh quyền:
“Chung tiền đem bỏ hang không đáy,
Góp của mà mua cục í hà!
Giục giặc nghêu cò chài đắc thắng”
Tú Quỳ vạch trần bản chất tham lam, ích kỷ, vô nhân đạo của bọn hào lý trong bài “Văn tế lý trưởng”:
“... Nhớ linh xưa!
Điêu ngoa thậm giỏi
Mưu sự quá lanh
Hầm hét dân thôn phách lạc
Nhác hù kiều ngụ hồn kinh...
Nào những thuở làm lý trưởng làm Tri hương, ỷ thế cậy quyền mượn phép nước thu đa nộp thiểu...
Thương là thương ngân thuế phù thâu, cha đem về cho con đứa lớn đứa nhỏ...
Tiếc là tiếc phì điền tiên chiếm, anh bao lãm cho em mẫu chín mẫu mười...
...Hay là anh ăn của dân của sự đã nhiều...
...Hay là anh ăn của miếu của đình quá lắm....”
Trong thời kỳ Pháp ổn định việc cai trị khắp nơi trên đất nước ta, để củng cố chính quyền địa phương các cấp, thực dân và phong kiến bù nhìn chỉ tuyển dụng những kẻ tín cẩn trung thành với chế độ chứ không dùng những sĩ phu có thực tài, có lòng yêu nước. Bọn người vô liêm sĩ bất chấp những việc làm phi nhân, phi nghĩa, xông xáo tận hang cùng, ngõ cụt rình rập, tố giác những người yêu nước. Tú Quỳ đã ví loại người này như cây vông đầy gai góc trong bài “Vịnh cây vông”:
“ Trí hóa không dày dày khúc mắc,
Ruột gan chẳng có có gai chông”
Thế nhưng khi đắc thời nhờ có công bán nước, hại nòi, chỉ điểm thì chúng lại vênh váo. Tú Quỳ đã khắc họa bản mặt của chúng bằng những vần thơ trào lộng sâu sắc trong bài “Người kéo xe ngồi xe kéo”:
“Xưa từng lủi thủi khom lưng chạy,
Nay đặng vinh quang tréo mảy chè
Đương lúc phong trần đen tợ lọ
Đến hồi phú quý láng như nghè”
Bài “Vịnh hát bội Quảng Nam” là bức hí họa hình tượng bọn bán nước hại dân vô học, bất tài cúi đầu thờ hai ông chủ: vua bù nhìn và thực dân, vênh váo hà hiếp, bóc lột nhân dân:
“Nhỏ mà không học lớn làm ngang
Trống đánh ba hồi đã thấy quan
Ra rạp ngồi trên ba đứa hiệu
Vô buồng đứng dưới cặp ông làng....
...Tuy chẳng vinh chi nhưng cũng sướng,
Đã từng trợn mắt lại phùng mang.”
Hoặc bài “Ông Táo”
“Cục đất ngày xưa nó thế nào?
Nay làm Ông Táo chức quyền cao
Khéo đem mặt lọ vênh vang thế
Chẳng hổ lưng khòm khúm núm sao?
Ngày những giữ nồi cho Địa chủ
Quanh năm kiếm chuyện mách Thiên Tào”
Bài “Vịnh con muỗi” phản ánh trung thực hình tượng của bọn bóc lột, đục khoét xương tủy của nhân dân bằng sưu cao thuế nặng:
“Độc miệng chẳng thương bầy trẻ nhỏ
Cành hông nào tưởng đứa dân nghèo”
Phê phán những mặt tiêu cực của một số tướng lãnh trong phong trào Nghĩa Hội
Khi phong trào Nghĩa Hội Quảng Nam do Tiến sĩ Trần Văn Dư phát động, Tú Quỳ sốt sắng chiêu mộ nghĩa binh cho Nghĩa Hội. Đến lúc Trần Văn Dư bị thọ nạn, Phó bảng Nguyễn Duy Hiệu lên thay thế, ông vẫn phục vụ cho Nghĩa Hội. Nhưng lúc bấy giờ có một số người đã lạm dụng quyền lực và uy tín của phong trào để hà hiếp nhân dân, với bản chất cương trực ông không thể làm ngơ trước những hành động sai trái đó nên đã dùng ngòi bút của mình để đả kích và vạch trần những hành động hống hách, sách nhiễu nhân dân của bọn người này. Tú Quỳ viết bài “ Vè Đánh đạo” phản đối những thành viên bất tài, cơ hội, thiếu đạo đức:
“... Đạo ví chạy cời,
Thất kinh trốn mất.
Tướng chi lấc xấc,
Tướng nghé tướng trâu,
Phú Nhuận tướng râu,
Phước Yên tướng lé....”
Nội dung của bài vè phản ánh trung thực hành động của một số thành viên tiêu cực của phong trào. Trong thời buổi mà mọi người không ai dám đá động đến những sai trái của các tướng lãnh trong phong trào Nghĩa Hội, nếu họ không muốn mất đầu, thì Tú Quỳ lại dám chỉ trích thẳng thừng những ông tướng say rượu, những ông tướng ghiền thuốc phiện, những ông tướng đố kỵ, xem sinh mạng của nhân dân không bằng cỏ rác:
“...Tướng say nhào đầu,
Tướng ghiền cố xác,
Những là tướng lác,
Đứng đám cho nhiều...”
Tú Quỳ còn mỉa mai bọn này ngu dốt như trâu, bò, mèo, tôm như loài cóc bẩn thỉu, đầu óc rỗng tuếch chỉ biết có miếng ăn, chỉ vì miếng ăn trước mắt trong các bài Trâu già, Con bò, Con mèo, Con tôm, Con cóc... :
“Chắp miệng khoanh tay ngồi ngó tới
Vật gì bay tới đớp ăn chơi”
(Con cóc)
Tai mắt trời sinh cũng khá to
Cớ sao người bảo dốt như bò ?....
...Vũ trụ không qua đồng cỏ tốt
Sơn hà khó sánh miếng ăn no
(Con bò)
Vởi bản chất trực tính của người Quảng Nam, ông đả kích không e dè, khoan nhượng khiến những đối tượng bị chỉ trích vô cùng căm tức tìm cách hãm hại ông. Họ vu cho ông chống lại Nghĩa Hội, phản bội cuộc đấu tranh chống xâm lược của toàn dân, bắt giam ông tại Tân Tỉnh và kết án tử hình. Nhờ sự thông minh sáng suốt, suy xét chín chắn, cụ Nguyễn Duy Hiệu đã hiểu được nhiệt tình yêu nước thương dân và tinh thần muốn xây dựng cho phong trào có được những người lãnh đạo tốt nên tha bổng cho ông và mời ông tham gia, giữ việc vận lương cho phong trào nhưng ông từ chối. Ông trở về quê tiếp tục dạy học và di chuyển khắp các tỉnh ở miền Trung.
Ngoài ra với bản chất dí dỏm, ưa trào lộng của người dân xứ Quảng, Tú Quỳ còn sáng tác những bài thơ trào phúng vô thưởng vô phạt hoặc để tạo nụ cười hồn nhiên lúc trà dư tửu hậu như các bài: Vịnh bà khách Xáng, Bỡn cô bán thuốc Bắc, Vịnh hộp quẹt, Không răng, Chuồng bồ câu, Vịnh ông tướng....
Bỡn cô bán thuốc Bắc
Ơi cô bán thuốc ở nơi nao?
Ngỏ với tân lang thử thế nào?
Ngoài mặt trần bì là thế ấy
Mà trong liên nhục biết làm sao?
Quy thân mấy lượng tôi mua cả
Thạch nhũ đôi cân chớ bán cao!
Tri mẫu bán không cô liệu lấy
Thung dung, quân tử nhét cân vào.
Không răng
Không răng vốn thiệt cũng không răng
Thua sút nhau vì một miếng ăn!
May đặng nguyên hàm còn có đó
Không răng vốn thiệt cũng không răng
Sáng tác của Tú Quỳ gần gũi với quần chúng, ông không dùng những điển tích cầu kỳ mà dùng những từ ngữ, những cách nói rất bình dân, rất Quảng Nam như
- Dùng điệp từ : “ phải chi” mà người Quảng hay dùng lúc lý sự “ Phải chi anh đi lính, phải chi anh làm quan, phải chi em lang dâm, phải chi em ác khẩu, phải chi đặng một năm, phải chi đặng một tháng...”
- Dùng những từ ngữ và cách nói của người Quảng Nam: khỏa (tràn rồi), rày ( nay), bộ hành (người đi bộ), phanh phui (phơi bày), cay (chuôi con dao),ngạt (cái khuy ở đầu cán dao xếp), nơi mô (nơi nào), bá trúng bá phát (không đúng), thiên thung thiên thai (sai, không đúng), ứm ( tiếng của thày pháp thường dùng khi bắt đầu cúng) Hời (Chàm), sốt dẻo ( nóng sốt, nhanh chóng) dái! dái! dái ( vái), chó dí (chó ví), làm ngang (làm theo ý mình, không nghe ai cả), nỏ biết mốc chi đâu (không biết chi cả), hai hanh ( hai mảnh), bộn (nhiều), răng rứa hử (sao như thế), khuẩn ( thúc bách), chưa ra mặt (không ra hình dáng gì), bớn tớn (bon chen), láng như nghè (bóng như mài, trau chuốt bên ngoài), đớp (ăn), chừng mô (chừng nào), không răng (không sao), một dề ( một mảng) v.v...
- Đôi khi ông có dùng vài từ Hán, vài điển tích, nhưng đó là những từ và điển tích đã Việt hóa từ lâu nên ai đọc cũng hiểu: hết cơn bĩ cực đến hồi thái lai ( hết cơn nghèo khổ thì đến lúc sung sướng), giục giặc nghêu cò chài đắc thắng (sự tranh giành nhau làm thiệt hại bản thân, chỉ đem lợi cho người thứ ba), phong, lao, cổ, lại, nan y, tì, phế, tâm, can v.v...
Tú Quỳ là nhà thơ trào phúng xuất sắc có bản chất đặc thù – Bản chất Quảng Nam, sáng tác của ông phản ánh hiện thực của đất Quảng nói riêng và cũng là của cả nước nói chung dưới thời thực dân phong kiến, là những viên kim cương lấp lánh bất chấp thời gian nhưng tiếc thay thơ văn của ông vẫn còn khuất lấp vì người đời chỉ biết đến chủ yếu bằng con đường truyền khẩu nên dễ bị tam sao thất bản và dần dần rơi vào quên lãng. Mong rằng các nhà nghiên cứu chú ý làm sáng tỏ thêm một gương mặt ở Quảng Nam đã làm phong phú cho thơ văn trào phúng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX mà chưa được chính thức đưa vào chương trình giáo khoa để cho các thế hệ trẻ biết về ông như những nhà thơ trào phúng đồng thời với ông.