Chuyện xây chùa lớn đã lan ra hải ngoại. Tôi xin thưa như thế này. Thế giới ngày hôm nay đang bị vùi giập bởi ba dòng thác hay ba cơn lốc:
1)Cơn lốc hay giòng thác bạo lực
Chưa bao giờ bạo lực lan tràn ghê gớm khắp thế giới như ngày hôm nay. Bao lực ở Trung Đông, Phi Châu đã đành mà còn lan tràn cả ở Hoa Kỳ. Thế giới ngày nào cũng có chém giết, thảm sát, đánh bom tự sát. Bạo lực lan tràn vào cả học đường, gia đình.
2)Cơn lốc hay giòng thác lũ gian trá
Ngày nay con người sao quá gian trá. Gian trá trong chính trị, gian trá trong thương trường, gian trá trong ngân hàng. Một số viên chức Liên Hiệp Quốc cũng gian trá. Gian trá ngay trong gia đình, tình yêu, tình bạn, truyền thông, báo chí và cả nơi thờ phượng nữa.
Ngày nay con người sao quá gian trá. Gian trá trong chính trị, gian trá trong thương trường, gian trá trong ngân hàng. Một số viên chức Liên Hiệp Quốc cũng gian trá. Gian trá ngay trong gia đình, tình yêu, tình bạn, truyền thông, báo chí và cả nơi thờ phượng nữa.
3)Cơn lốc/giòng thác lũ xác thịt
Chưa bao giờ hình ảnh dâm ô trụy lạc được phổ biến lan tràn như thế này. Nếu đem gom lại có thể cao hơn cả Núi Tu Di. Thỏa mãn xác thịt trở nên một thứ kỹ nghệ kiếm tiền. Đàn bà con gái ngày hôm nay đang có khuynh hướng ăn mặc phô bày bộ phận sinh dục ở khắp nơi, khắp chốn và coi đó như là một niềm hãnh diện và không còn biết tu ố (xấu hổ) là gì nữa. Tại các đại hội điện ảnh, các cô nữ tài tử ăn mặc như lõa thể và được cả thế giới Tây Phương chiêm ngưỡng, ca ngợi như Thánh Nữ.
Thế nhưng bên cạnh ba dòng lũ kinh hoàng đó, một số rất đông đã tìm về nơi tôn giáo đặc biệt là Phật Giáo để tìm kiếm một chút thanh thản, thánh thiện cho tâm hồn. Chính vì thế mà các Thiền Đường (Meditation Center) mọc lên khắp nơi trên thế giới. Trẻ em Hoa Kỳ, cảnh sát Anh cũng đang được khuyến khích ngồi Thiền. Riêng tại Việt Nam thì xây chùa.
Tới chùa lễ Phật, tới chùa dù chỉ là vãn cảnh hay du lịch cũng có một chút thanh thản. Chính vì thế mà chùa mọc lên khắp nơi...giống như một trào lưu mà chúng ta không ngăn cản được. Với đà phát triển đô thị và khi người dân giàu có lên, xây cất theo kiến trúc Tây Phương như thế này, nếu không còn sự hiện diện của các ngôi chùa thì Việt Nam cũng giống như Phi Luật Tân hoặc các quốc gia Nam Mỹ mà thôi. Khi đó bản sắc dân tộc không còn.
Theo giáo lý Hoa Nghiêm, cái này có thì cái kia có. Cái này diệt thì cái kia cũng diệt. Vạn vật nương tựa vào nhau mà tồn tại. Nếu mai đây thế giới hết khổ thì Phật pháp, chùa, tăng ni tồn tại để làm gì? Khi thế gian còn khổ thì Phật pháp còn và chùa vẫn còn. Khi đất nước nghèo mạt rệp thì chùa chỉ là nhà tranh vách đất. Khi đất nước giàu có thì chùa nguy nga tráng lệ. Đó là chuyện thường tình. Những công trình kiến trúc La Mã và Hy Lạp tráng lệ đều được xây dựng vào thời kỳ cực thịnh của hai đế chế này. Chê trách việc xây chùa to, chùa lớn nhưng thử nhìn xem các chùa- dù vĩ đại của chúng ta - đã sánh được với Angkor Thom, Angkor Wat của Kampuchia chưa? Đã sánh được với Chùa Vàng của Miến Điện chưa? Một đất nước có những kiến trúc vĩ đại cũng hãnh diện lắm chứ?
Xây chùa xong nếu không thu lợi từ du khách thì lấy đâu chi phí như bảo trì, trang trải điện nước, đèn thắp sáng suốt đêm, quét dọn, vệ sinh, tưới cây, cắt tỉa cây cảnh…rộng lớn như Chùa Bái Đính? Giả dụ Công Ty Xuân Trường xây xong Chùa Bái Đính rồi suy xụp, phá sản chắc chắn chúng ta sẽ chế giễu, “Đó, xây chùa rồi nghèo mạt rệp, có được gì đâu?” Miệng lưỡi người đời là như thế. Do đó chúng ta phải mong cho Công Ty Xuân Trường giàu mạnh và phát đạt lên chứ? Làm giàu hợp pháp đâu phải là cái tội. Vấn đề quan trọng là giàu có rồi sử dụng đồng tiền như thế nào. Không giàu có thì làm sao làm việc phước thiện? Cơm không đủ ăn sao giúp đỡ người khác. Chúng ta phải mong cho mọi người giàu lên. Nếu Ông Cấp Cô Độc không phải là tỷ phú thì làm sao có thể trải vàng để mua vườn ngự uyển của Thái Tử Kỳ Đà làm nơi cho Phật thuyết pháp?
Do đó, xin đừng thắc mắc nhiều về chùa to, chùa nhỏ. Khi con người không tâm thành, không ái mộ thì dù xây chùa vĩ đại thì cũng chẳng ai đến. Khi một tôn giáo suy tàn thì có trải vàng, có lậy, người ta cũng không thèm bước vào. Quần chúng hay du khách ngoại quốc đến chùa mình, dù chỉ là du lịch vãn cảnh…là mình mừng rồi, còn hơn họ du lịch cờ bạc, du lịch mua dâm (sex tour). Ngày xuân, sau khi tết nhất xong, đi chùa lễ Phật vãn cảnh là nét văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam. Cứ thử đọc lại văn chương, sử sách mà xem. Không chùa thì quần chúng biết “du xuân, dạo chơi” ở đâu? Chẳng lẽ chui đầu vào các sòng bài, đá gà, chơi games sao?
Do đó xây chùa nguy nga, đồ sộ không sao cả. Miễn nơi đó trở thành chốn tu học, hướng dẫn Phật tử, tổ chức những sinh hoạt lành mạnh cho thế hệ trẻ, giữ gìn bản sắc và văn hóa dân tộc là tốt lắm rồi. Đừng đòi hỏi nhiều quá.
Tuy nhiên tôi có ý kiến là vé/lệ phí vào cửa nên thu một lần. Một lần nhưng muốn thăm viếng nơi nào cũng được. Không nên thu nhiều lần khiến du khách có cảm tưởng bị chặt chém. Khách sạn nếu có nên thiết kế cách xa chùa khoảng một, hai cây số. Đó cũng là phương tiện tốt cho du khách ở xa muốn lưu lại lâu và tham dự các khóa tu học dài ngày. Nước Mỹ này hùng mạnh là vì người ta kinh doanh rất giỏi, “Phi thương bất phú”.
Còn câu hỏi, “Ở đó có Phật không?” thì tôi xin trả lời: Xác thân Phật chỉ còn lưu lại một số xá lợi phân phối trên toàn thế giới và không còn ở Ấn Độ nữa. Còn tâm Phật thì ở khắp mọi nơi. Lục Tổ Huệ Năng nói rằng, “Tức tâm tức Phật”. Tức nơi nào có kinh Phật, có chư tăng ni triển khai giáo lý của Đức Phật, nơi nào có tháp miếu thờ Phật… thì nơi đó có Phật. Thậm chí trong nhà mình cũng có Phật nếu mình thực sự tu theo Phật. Tại Tiểu Bang Hạ Uy Di (Hawaii) có một ngôi chủa với tượng Phật thật lớn do người Nhật xây, không thấy tăng ni trụ trì, mà khách thập phương vẫn cứ nườm nượp thăm viếng, mua đồ kỷ niệm và người ta chẳng hề thắc mắc, “Ở đây có Phật không?”
Nhìn thấy chùa, thấy tượng Phật là vui vẻ, là hoan hỉ, là hạnh phúc rồi. Đừng thắc mắc nhiều quá.
Đào Văn Bình
(Califonia ngày 4/3/2019)
Gửi ý kiến của bạn