Điếu Văn Tưởng Nhớ Bác Sĩ Hồ Đắc Duy
Bạn Hồ Đắc Duy, một trong những anh em đã có sáng kiến thành lập nhóm Quốc Học 61-64
vừa mới qua đời tại Việt Nam lúc 7:20 phút sáng thứ Bảy 18 tháng Tám năm 2018.
Ban Duy sinh năm 1944. Tốt nghiệp Bác Sĩ Y Khoa tại Đại Học Y Khoa Huế năm 1971
Ban Duy cũng là người sáng lập Tủ Sách Hiếu Học giúp đỡ tre em hiếu học tại Việt Nam có cơ hội đọc sách
khi cần đến. Nhóm Quốc Học 6164 xin loán báo tin buồn này
và xin thành kính chia buồn cùng tang quyến.
DUY ƠI, BẠN RA ĐI
Thưa chị Á Nam và quý vị trong quyến thuộc cùa anh Hồ Đắc Duy
Cùng các bạn hữu Quốc Học 61-64 thân mến,
Thưa quý vị,
Trong không khí trang nghiêm và nhuốm nỗi buồn mất mát người thân mến của chúng ta, một cựu học sinh Quốc Học, tôi thay mặt các bạn cùng học chung một lớp niên khóa 1961-1964 ở trường Quốc Học Huế có vài lời thưa với gia đính anh Duy và các bạn
Giây phút này lòng tôi đang dâng lên những cảm xúc quý mến, thương yêu và trân trọng một người bạn tài hoa và đức độ, rất gần gũi và thân tình đã rời cỏi tạm đi xa. Càng thương mến lắm thì sự thương tiếc của chúng tôi càng nhiều. Đó là người bạn mà chúng tôi có thể thoải mái gọi xưng hô “ mi tau” như thời còn đi học chung mái trường Quốc Học Huế thân yêu, Đó là người hay mở đầu câu chuyện của mình bằng câu: “ Ê, chừ tau nói tụi bay nghe nghe!...” và thỉnh thoảng nói với bạn nào đó một cách không kiêng dè “ Thằng ni ngu ghê…”. Nói như thế để biết rằng chúng tôi thân nhau ghê lắm mới được nói với nhau bằng giọng thân tình như thế mà không ai giận ai! Chắc những người bạn học của chúng tôi cũng có sự đồng cảm với giòng cảm xúc này.
Hồ Đắc Duy chắc hẳn biết rắng chúng tôi quý mến anh nhiều lắm. Niềm quý mến đó không phải chỉ có riêng chúng tôi mà chắc là nỗi niềm chung của những đồng nghiệp, những bịnh nhân, những người quen biết với anh vì anh là cựu sinh viên Y khoa Huế giỏi giang, một vị bác sĩ đầy năng lực và đức độ, một cây bút viết về chuyên môn ngành y và nghiên cứu lịch sử rất là sắc sảo, một nhà hoạt động thiện nguyện không biết mệt mõi và đặc biệt hơn hết là người viết được bộ ĐẠI VIỆT SỬ THI.
Chúng tôi và con cháu chúng tôi đều coi anh là bác sĩ gia đình. Bịnh gì nặng nhẹ đều tới anh và được anh ân cần chu đáo thăm khám cẩn thận và tư vấn y khoa tận tình. Nhiều người già cả không đến được phòng khám, anh phải cất công đến thăm khám tại nhà. Những người lao động nghèo cực anh khám miễn phí và tặng họ thuốc. Trong khi một số bác sĩ lấy tiền khám 1 lần là 80-100 ngàn thí anh chỉ nhận 20-30 ngàn cho một lần khám. Y đức của anh trong việc khám chửa bệnh thật trong sáng và quý hóa, ít ai bì kịp.
Những bài viết chuyên môn y khoa về các đề tài bịnh lý của anh, đặc biệt là trong lãnh vực “tình dục học” thể hiện một con người luôn tìm tòi nghiên cứu những kiến thức cập nhật của y khoa hiện đại. Những bài viết về lĩnh vực sử học của anh được giới chuyên môn đánh giá cao vì anh luôn lật tìm những sự thật lịch sử che dấu đàng sau những trang sách cổ. Gia tài đồ sộ những bài viết cuả anh trong 2 lĩnh vực này cũng rất đáng nễ.
Năm 1999, cơn lụt lịch sử ở các tỉnh miền Trung, nhất là Thừa Thiên-Huế chịu thiệt hại nặng nề về người và của. Lúc đó anh vừa mới lắp đặt internet. Anh chuyển email cho các bạn ở nước ngoài cập nhật thộng tin tình hình bảo lụt ở Huế từng ngày một. Thế là hình thành một nhóm thiện nguyện nhận tài trợ do bà con ờ nước ngoài quyên góp và các thành viên do anh mời gọi ở Việt Nam đã đem quà cứu trợ đến tận tay bà con khi nước lụt chưa rút hết. Tấm lòng với quê hương và thông cảm sự lầm than của quần chúng của nhóm thiện nguyện các anh thật đáng trân trọng,
Anh Duy đi câu cá cùng với anh Nguyễn Văn Phúc A, Võ Xuân Quang ngày chủ nhật hàng tuần. Mấy đứa bé xúm lại lượm mấy tờ giấy gói mồi câu lên đọc ngấu nghiến. Thấy như thế, các anh nghiệm ra nhu cầu đọc sách của trẻ em vùng sâu, vùng xa đô thị. Lần sau, các anh đem vài quyển sách thiếu nhi, các cháu nhận quà tặng với niềm vui và lòng biết ơn vô hạn. Thế là ý tưởng đem chữ nghĩa và kiến thức cho người dân các xã vùng xa đô thị được các anh Duy, Phúc, Quang, Dương Đình Hiệp, Lê Hữu Thận, Lê Văn Tạo, Nguyễn Chí Phước bàn bạc, kiếm nguồn tài trợ, kiếm nơi có nhu cầu, người quản lý sách và chuyển kệ sách và sách về các nơi xa. Công việc cực kỳ khó khăn vất vả đó được các anh thực hiện bền bĩ trong nhiếu năm. Có cả gần ngàn tủ sách như thế chuyển đến các nơi khắp cả nước. Một lớp trẻ tiếp nối con đường của các anh thực hiện tủ sách nông thôn đó cho đến bây giờ. Việc làm đem lợi lạc đến cho nhiều người như thế ít ai làm được.
Anh Duy làm quen với thi sĩ Tô Kiều Ngân. Anh hỏi anh Ngân về vần và niêm luật của các thể thơ Đường luật, lục bát, liên vận, song thất lục bát… Thế là một loạt bài thơ của anh ra đời. Anh em bằng hữu Quốc Học 61-64 khi nào gặp nhau mà nghe Duy mở tập bản thảo ra và phán “ Chừ, mấy đứa bay nghe tau đọc bài thơ tau mới làm ni hí!! …” là anh em ngồi run. Thế mà qua thể thơ “ Song thấy lục bát” anh lại làm thơ như máy. Vừa khám bệnh vừa làm thơ! Thế mới tài! Một ngày anh viết hàng trăm câu. Anh khoe “ Tau đang viết bộ Đại Việt Sử Thi” 12.000 câu.
Những chi tiết lịch sử rút ra từ bộ sách “ Đại Việt Sử Ký toàn thư” của Ngô Sĩ Liên chủ biên được Duy biến thành thơ một cách tài tình. Đầu tiên, bộ sách có 12.000 câu, sau nhiếu lần thêm thắt, bây giờ Đại Việt Sử Thi của anh có gần 20.000 câu. Thật không tưởng tượng nổi anh viết được một công trình thơ như thế.
Chúng tôi nhắc lại những điều đặc biệt khác người và hơn người của anh để chúng ta khắc ghi nhân dạng, tài hoa và tấm lòng của anh Hồ Đắc Duy- người bạn cùng thời Quốc Học 61-64 của chúng ta. Nhắc lại để hiểu bạn hơn và thương bạn hơn.
Tính đến nay, anh em bạn học lứa 61-64 của chúng ta ở Sài Gòn đã có 19 người rủ nhau về bên kia thế giới.
Chúng ta đều biết rõ ĐỜI LÀ VÔ THƯỜNG nên bạn Duy ra đi sau một thời gian sống chung với bệnh tật là chuyện bình thường của con người. Anh ra đi nhẹ nhàng như chìm vào một giấc ngủ sâu là một điều đáng quý. Chúng tôi mừng cho anh vì anh được TỬ AN.
Lý thì như vậy nhưng tình thì lại khác. Tình của anh em Quốc Học 61-64 đối với bạn sâu nặng lắm, nhiều thương mến lắm, bạn Duy có biết không?
Chúng tôi thành tâm cầu nguyện anh Duy ra đi thanh thản về nơi thanh tịnh.
Sài Gòn, 20/8/2018
Doan le Duy