GS Nguyễn Vĩnh Thượng
Thời gian luôn di chuyển về phía trước. Kể từ khi chúng ta được sanh ra đời cho tới bây giờ, mỗi một giây phút trôi qua là chúng ta đến gần hơn chỗ cuối cùng của cuộc đời, đến gần cái chết hơn. Đây là điều bình thường ở trong vũ trụ. Kể từ lúc tôi bước vào tuổi 70 đến nay, sức khỏe tôi bị giảm dần, và tôi thường xuyên nhận được tin tức từ bạn bè: có người bị bịnh này, người bị bịnh kia , có nhiều bạn vô nhà dưỡng lão, và nhận được những tin buồn: bạn bè, người thân lần lượt “ra đi” không như thời còn trẻ tôi thường nhận được những thiệp cưới thường xuyên từ bạn bè. Một phần rất lớn của cuộc đời tôi đã đi qua, phần còn lại thì không còn bao nhiêu so sánh với quãng đời đã đi qua. Do đó, “sanh và tử” là một vấn đề rất quan trọng trong một đời người. Các tư tưởng triết học, đạo học, các tôn giáo: Ấn độ giáo, Phật giáo, Hồi giáo, Cơ đốc giáo, Do thái giáo, và ngay cả người vô thần (atheist) cũng đều đã chia sẽ quan niệm của mình về vấn đề sống và chết trong cuộc đời của con người. Trong phạm vi của bài viết này, tôi cố gắng tìm hiểu vấn đề sanh và tử theo quan niệm của Phật giáo (A matter of life and death in accordance with the point of view of Buddhism).
Sự sanh (birth) phải hội đủ các điều kiện:
- Giao hợp Nam Nữ.
- Người phụ nữ có thể thụ thai.
- Phải có nghiệp thức (karmic consciousness). Nghiệp thức là dòng vận hành để kết hợp 2 yếu tố trên mà tạo nên sanh và tái sanh (rebirth).
Nói khác, sự sanh là kết quả của cuộc giao hợp tính dục qua tử cung (wombs) và trứng của người phụ nữ, thêm vào đó là nghiệp thức của chúng sanh. Tôi đang hiện hữu ở đây là do cha mẹ tôi đã giao hợp, và chính tôi đã có một nghiệp thức hay linh hồn để tạo nên phần tinh thần của tôi. Nếu hai điều kiện này đã không kết hợp với nhau trong một hoàn cảnh đặc biệt ở nhiều năm trước đây thì chắc chắn tôi không thể hiện hữu ở đây trong giây phút này.
Sự sống (life): để có sự sống trong thế giới này, chúng ta cần đến nhiều vật, nhiều điều để giúp chúng ta sống sót: thực phẩm, nước, quần áo, nơi ẩn náo, khi bịnh hoạn thì cần thuốc men v…v…
Sự chết (death) sẽ đến với chúng sanh khi các điều kiện cần thiết đã nêu trên đi đến chỗ chấm dứt. Như đã biết có nhiều điều kiện giúp chúng ta hiện hữu tức sanh; và nhiều điều kiện khác giúp ta tiếp tục hiện hữu ở đây tức là sống.
Sự chết là điều được khẳng định rằng nó sẽ xảy đến cho tất cả mọi người. Ai cũng đi đến cái chết. Tuy nhiên, người ta thường nghĩ đến hoặc chứng kiến cái chết xảy ra với những người khác mà hay nghĩ rằng cái chết chưa đến với họ.
Đức Phật lịch sử Thích-ca Mâu-ni đã nhận thức rằng “cái chết thì không thể tránh được” (death is inevitable). Chính “cái chết” đã là trợ lực cho Thái tử Siddhartha Gautama thực hiện một hành trình tôn giáo hướng tới sự giải thoát tâm linh và sự an bình trong tâm hồn (religious journey to spiritual freedom and inner peace). Đó là hành trình tư duy đi tìm sự chấm dứt khổ đau/ chấm dứt những điều không bằng lòng.
Trong lần thứ ba khi đi ra cửa phía Tây của hoàng thành, Thái tử Siddhartha đã gặp một đám tang đang đưa người chết đi chôn, thân nhân khóc lóc thê thảm. Anh nài ngựa giải thích rằng mọi người đều có thể chết. Thái tử đang đối diện với định mệnh tối hậu của con người, con người không có cách nào để thoát khỏi cảnh tử vong. Tinh thần Thái tử bị căn thẳng trước những suy tư về thân phận của con người.
I.-Cuộc đời chúng ta là một cơ hội quý giá để tạo nên nghiệp tốt:
Như vừa nói trên, “cái chết” là một điều chắc chắn xảy ra, và xảy đến cho từng cá nhân; nhưng hình như có vị nghĩ rằng cái chết chỉ xảy đến cho người khác trong khi chính họ thì sống mãi, trường sanh bất tử. Họ chỉ đối diện với cái chết khi họ đối diện với cái chết của người thân hoặc khi họ đang bị một cơn bịnh hiểm nghèo có thể đưa đến cái chết. Nhiều khi sau một thời gian, người thân của họ đã chết thì họ cũng quên đi “cái chết” ấy.
Trên thế giới, nơi chúng ta đang sống, có khoảng 6 tỷ người, mỗi giây phút đều có rất nhiều người được sinh ra và được tái sanh vào cõi người. Đây là điều rất tốt. Trong khi đó, cũng trong thế giới này, có hàng tỷ sinh vật được sanh sống với con người. Chúng tôi muốn nói rằng con người đã có cơ hội quý giá là được tái sanh vào cõi người, như vậy chúng ta cần phải nhận thức được “sự sống” là một cơ hội đáng giá ngàn vàng để giúp chúng ta tạo nên những điều tốt trong thời gian chúng ta còn sinh sống trên cõi đời này.
Điều khẩn thiết là chúng ta phải nhận thức rằng từng giây, từng phút, từng sát-na (Srt. Ksana, là đơn vị thời gian rất ngắn) chúng ta đến gần “cái chết” hơn, nên chúng ta phải khẩn thiết thực hiện những nghiệp tốt, đó là những gì Phật giáo khuyến khích chúng ta phải làm. Từ quan điểm của Phật giáo, chúng ta phải thực nghiệm tâm linh để giải thoát những khổ đau và những sự bất hài lòng trong cõi đời này, và đem lại hạnh phúc cho chúng ta và người khác.
Những suy niệm về “cái chết” có thể giúp chúng ta tìm những giải pháp tốt đẹp trong cuộc sống hằng ngày:
1.- Nếu một người đang bị bịnh hiểm nghèo, Bác sĩ cho biết có thể còn sống được khoảng 2 năm nữa, có lẽ nỗi lo âu, buồn rầu, sợ hãi, ăn năn, hối tiếc sẽ hiện lên trong tâm trí người ấy. Người này cần nghĩ rằng linh hồn/ thần thức/ nghiệp thức của họ sẽ rời khỏi thân xác họ, những lỗi lầm mà họ đã làm, nghĩ đến những người mình cần gặp gở … trước khi chết; rồi người ấy phải suy nghĩ những gì thật cần thiết mà người ấy phải hoàn thành trước khi chết, những gì không thể hoàn thành trước khi chết, những gì phải buông bỏ, buông bỏ không có nghĩa là buông trôi để mặc tình cho dòng đời lôi cuốn trôi dạt long bông như thuyền không lái, không có một chủ đích; và dọn đường cho “một cái chết thanh thản”.
2.- Hiểu được “cái chết” là điều xác thực và không thể nào ngăn cản được, bởi vì “cái chết” là một điều chắc chắn xảy ra, và nhất là phải hiểu rằng thời gian còn lại để sống thì ngắn lại từng giây, từng phút, từng sát-na. Mọi vật biến chuyển vô thường, không có gì tồn tại mãi mãi. Rồi đây thân xác này cũng trở thành “cát bụi” vào một ngày nào đó cho nên chúng ta phải tạo nên một tương lai tốt đẹp bằng cách tạo nên những nghiệp nhân tốt để ngăn chận khổ đau trong hiện tại và trong tương lai.
Trong Kinh Pháp Cú đã nói:
諸惡莫作
眾善奉行
自淨其意
是諸佛教
[Kinh Pháp Cú 183]
Phiên âm:
Chư ác mạc tác
Chúng thiện phụng hành
Tự tịnh kỳ ý
Thị chư Phật giáo.
dịch:
Chớ làm các điều ác,
Nguyện làm các việc lành,
Giữ tâm ý trong sạch,
Đó là lời chư Phật dạy.
Anh văn:
Not to do any evil,
to cultivate good,
to purify one's mind,
this is the Teaching of the Buddhas.
Người Phật tử bình thường có 5 giới hay 5 điều cấm, chỉ cần giữ năm giới thật cẩn trọng, tránh làm điều ác, nguyện làm điều thiện trong cuộc sống hằng ngày thì thân tâm sẽ được thanh tịnh.
5 giới hay 5 điều cấm (Srt. Pancasilani, Av. the five precepts) là: 1.-Không sát sanh (no killing), 2.-Không trộm cắp (no stealing), 3.- Không tà dâm (non sexual misconduct), 4.-Không được nói dối, nói xấu, chửi rủa, dùng lời hoa mỹ để mê hoặc người khác (non incorrect speech), 5.-Không được uống rượu say sưa (refraining from intoxicants).
3.-Chúng ta phải nhận thức rằng “cái chết” xảy ra trong đời người thì không thể xác định thời điểm một cách chắc chắn. Mặc dầu có những khoa học huyền bí như “Khoa tử vi”, “Khoa coi chỉ tay”, “Khoa coi tướng” có thể dự đoán được phần nào về thời điểm của cái chết của một con người.
Theo thống kê thì tuổi thọ trung bình của con người hiện nay là khoảng 85 tuổi, và tuổi thọ này có thể hơn nữa theo đà tiến triển của y học. Nhưng không có gì bảo đảm một người sẽ sống tới tuổi đó. Người trẻ có thể chết trước người già, người đang khỏe mạnh có thể chết trước người đang bệnh hoạn.
Nhiều yếu tố khách quan có thể làm cho con người đi đến cái chết: thực phẩm có thể gây bệnh; hoặc trong khi đi nghỉ mát để tìm thư giản, một người có thể chết vì một tai nạn. Cơ thể có thể bị nhiểm trùng, hoặc bị một dịch cúm cũng có thể gây “sự chết” v…v… “Cái chết” đến lúc nào nhiều khi chúng ta không biết, dù là kẻ giàu hay người nghèo, người có đầy quyền thế cũng đều đi đến chỗ chết. Ngay cả Bác sĩ y khoa cũng không giúp chúng ta trường sanh bất tử. Khi chết, con người không thể đem bất cứ vật gì, dù nhỏ hay lớn theo người ấy. Càng bám chặt vào vật sở hữu nào, hoặc vào người thân yêu nào, hoặc bạn bè thân nào thì lúc chết sẽ thấy khó khăn, thật là khó khăn để tìm một sự thanh thản trước khi chết.
II.- Cái chết theo quan niệm của Phật giáo:
Sự chết là sự kiện cuối cùng của đời người. Khi chết phần tinh thần hay linh hồn/ thần thức/ nghiệp thức rời khỏi thân xác. Các triết gia Hy-Lạp thường suy niệm về “cái chết” , họ tập chết, và do đó các Ngài là những người ít sợ chết nhất, thí dụ trường hợp của triết gia Hy-Lạp Socrate (khoảng 470 – 399 trước CN).
Mặc dầu các truyền thống Phật giáo đều chia sẽ những quan điểm, những thái độ về cái chết có nhiều điểm tương đồng. Trong Kinh Nikaya (Kinh Bộ) ghi rõ con người chết là do sắc thân đoạn diệt, do thọ mạng hết, hoặc do nghiệp ở đời hết, nhưng cũng có trường hợp chết ở ngoài ba trường hợp nói trên đó là “cái chết bất đắc kỳ tử”,bất thần xảy ra tai nạn rồi chết. Nhưng trong chi tiết, mỗi truyền thống Phật giáo có một quan niệm về sự chết hơi khác nhau.
-Trong truyền thống Phật giáo nguyên thủy (Original Buddhism/ Early Buddhism), Đức Phật lịch sử Thích-ca Mâu-ni đã giải thích về sự hiện hữu của vòng lẩn quẩn gồm có sanh, tử, tái sanh, đó là vòng luân hồi. Trong quỷ đạo của vòng luân hồi thì chúng sanh luôn luôn thấy những điều bất như ý. Ngài đã dạy rằng mục đích tối hậu của cuộc đời là tìm cách thoát khỏi vòng lẩn quẩn này (vicious circle) bằng cách diệt trừ tham sân si để giải thoát khỏi những khổ đau, và những điều không hài lòng để đạt được tâm trạng an bình, an nhiên tự tại, đó là Niết-bàn.
“Sự chết” là ranh giới giữa sự chấm dứt đời sống này để bắt đầu một đời sống mới tiếp theo. Khi “tái sanh”, những khổ đau và những điều bất hài lòng thì không thể đoạn diệt, chúng sanh chỉ có thể đoạn diệt khổ đau/ những điều bất hài lòng bằng cách đoạn diệt vòng lẩn quẩn luân hồi tức là phải đoạn diệt tái sanh như vừa nói trên.
-Theo truyền thống của Phật giáo Tây Tạng thì các Đại Sư đều thực hành “việc chết” nhiều lần trước khi đi đến chỗ cuối cùng của cuộc đời. Các Ngài thực hành thiền định, và suy niệm, thực hành kinh nghiệm về cái chết. Các Ngài dùng suy niệm và thực tập về cái chết như là một con đường tâm linh để hướng dẫn đến “giác ngộ”. Phật giáo Tây Tạng khuyến khích các Phật tử Tây Tạng trực diện với cái chết, coi đó như là một phần của đời sống. Phật giáo Tây Tạng có quyển Tử Thư của Tây Tạng (Tibetan Book of the Dead) đã nghiên cứu về cái chết, và những bước tiếp theo sau cái chết. Sách Tử Thư giúp mọi người hiểu sâu sắc về cái chết, và buông xả những lưu luyến đến tinh thần và thân xác. Người Ai Cập thì có quyển Tử thư của Ai cập (Egyptian Book of Dead).
Đối với chúng ta, ai cũng hiểu rằng chúng ta là chúng sanh đang đi dần tới “cái chết”. Nhưng có điều về “tái sanh” thì tùy theo mỗi người: - có vị thì cho rằng “tái sanh” là điều có thật,- nhưng có nhiều vị thì không tin chắc rằng “tái sanh” có thật hay không?. Theo Phật giáo, “tái sanh” là do nghiệp lực chuyển từ kiếp sống này sang kiếp sống khác. Hiểu như thế thì những bí ẩn (riddle) của sanh, tử và tái sanh có thể được giải đáp phần nào.
-Theo truyền thống Phật giáo Tịnh độ (Pure Land Buddhism) thì các Phật tử hãy tin vào Đức Phật A-di-đà và nên nguyện cầu vãng sanh về cõi Phật A-di-đà tức là cõi tịnh độ sau khi chết. Những suy niệm thực hành về “kinh nghiệm chết” khi còn sống là con đường tâm linh dẫn đến sự giác ngộ. Những suy niệm/ thiền định này đã dựa vào lòng mộ đạo, vào niềm tin Đức Phật A-di-đà, sẽ làm phát triển tâm linh để vượt qua những trở ngại do sự lo sợ về “cái chết”.
-Theo truyền thống của Phật giáo Thiền tông, các thiền sư thực tập thiền định để không sợ hãi “cái chết”. Các Ngài tin rằng thân xác có thể chết, thân xác này đi đến chỗ chấm dứt, nhưng có những hiện hữu không sanh, không chết, đó là linh hồn (soul)/ thần thức/ nghiệp thức hay tinh thần vĩ đại (big mind) nằm sâu thẳm đằng sau của “sự sống” và “sự chết”. Do đó, các thiền sư thường khuyến khích đệ tử thực hiện, chiêm nghiệm về cái chết từng giây, từng phút, từng
sát-na trong đời sống hằng ngày trước khi chết thực sự; tức là đừng bám víu, đừng quyến luyến mọi sự, mọi vật, hãy buông xả tất cả những gì không cần thiết để được ra đi thanh thản trong giờ phút chết.
*Vấn đề sanh và tử trong văn học thời Lý:
(Xem thêm: Tư tưởng Phật giáo trong văn học thời Lý của NVT, Toronto: Hiện Đại, 1996.
Phát hành: Viện Phật học Quốc Tế và NXB Văn Nghệ ở Nam California, USA)
Như đã biết, sinh và tử là mối ưu tư của con người, sự lo âu về cái chết trong kiếp người là một đề tài lớn trong tư tưởng triết học, tôn giáo và đạo học.
Chúng tôi sẽ trích dẫn hai bài thơ của hai vị thiền sư thời Lý quan niệm về “Sanh và Tử”:
1.-Diệu Nhân ni sư (1042 – 1114) đã cho biết những biến đổi vô thường : “sanh, lão, bệnh, tử” là cái gì thường nhiên của vũ trụ vạn hữu. Ni sư đã phá tan mối âu lo về sự sống và sự chết để đem lại sự bình thản nơi tâm hồn cho mọi người trong bài thơ sau đây:
生老病死,
自古常然。
欲求出離,
解縛添纏。
迷之求佛,
惑之求禪。
禪佛不求,
杜口無言。
âm Hán Việt:
Thị tịch kệ
Sinh lão bệnh tử,
Tự cổ thường nhiên.
Dục cầu xuất ly,
Giải phược(1) thiêm(2) triền(3).
Mê chi cầu Phật,
Hoặc chi cầu Thiền.
Thiền Phật bất cầu,
Đỗ(4) khẩu vô ngôn.
------
Cước chú:
(1) phược: lấy dây mà buộc thành cái gút.
giải phược: gở bỏ cái gút buộc của sợi dây.
(2) thiêm: thêm lên.
(3) triền: ràng rịt, quấn quanh, vây bọc.
(4) đỗ: lấp, bịt lại.
dịch thơ:
Bài kệ dặn trước khi mất
“Sống, già, bệnh, chết,
Từ xưa thường nhiên,
Muốn tìm giải thoát,
Gỡ mãi thêm phiền,
Ngu mê tìm Phật,
Ngờ vực tìm Thiền,
Thiền Phật chẳng tìm,
Ngậm miệng không nói.”
(Nguyễn Đăng Thục dịch)
dịch nghĩa:
Bài kệ dặn đệ tử trước khi chết
Lúc mới sanh, lúc già, lúc bệnh, lúc chết,
Xưa nay là lẽ thường tình.
Muốn cầu sự thoát tục,
Như muốn cởi gút của sợi dây, mà lại mắc phải ràng buộc thêm.
Vì “mê” nên cầu Phật,
Vì “nghi ngờ” nên cầu Thiền,
Thiền Phật chẳng cầu,
Ngậm miệng, đừng nói gì nữa.”
Nội dung bài thơ trên :
Con người âu lo trước “sanh, lão, bệnh, tử” làm cho thân tâm vọng đọng, tâm trí rối bời. Nên cần phải “giải phược”, cần phải gở bỏ cái gút của sợi dây để thân tâm được yên tỉnh. Nếu thân tâm giao động thì không thể điều khiển “bàn tay” để cởi bỏ cái gút được.
Khi “mê”, khi “hoặc” thì cầu Phật, cầu Thiền có ích lợi gì? Vì khi đó, kẻ cầu Phật, cầu Thiền chỉ muốn Phật, chỉ muốn Thiền làm theo điều họ đang ước muốn chứ đâu có coi Phật, coi Thiền như là ngọn đuốc sáng để họ noi theo. Ni sư Diệu Nhân muốn cảnh tỉnh rằng: “ Phật không có phép lạ”, “Thiền cũng không có phép lạ”. Đây là lời dạy của bậc thiền sư đã đạt đạo, đã giác ngộ. Tuy nhiên đối với đại đa số người bình thường thì họ cần phải dựa vào tha lực, dựa vào phép mầu của Đức Phật, của Đức Mẹ Quan thế Âm, của Thiền định.
Từ khoảng cuối thế kỷ 20 đến nay, ở hải ngoại , chùa chiền, Niệm Phật đường mộc lên như nấm, ai muốn lập cũng được, chẳng cần phép tắt nào trong các tổ chức Phật giáo ở đây. Việc xây dựng các chùa chiền, các Niệm Phật đường không bị một ràng buộc nào cả, đây cũng là điều tốt trong việc phát triển đạo Phật ở các xứ Tây phương, và ở trong các cộng đồng Phật giáo nơi xứ người. Tuy nhiên, có một số người dùng chùa chìền, dùng Niệm Phật đường như là một cơ sở thương mãi, họ gây ra nhiều điều mê tín chỉ để gây lợi nhuận hoặc với mục đích gì khác nữa. Có nhiều nhà văn, nhà thơ đả phá thói hư tật xấu ở cửa thiền. Nhiều Phật tử lớn tuổi, coi “sự cúng dường” như là hình thức hối lộ các vị “sư” để mong cầu vãng sanh vào cõi “Niết-bàn”, vào cõi cực lạc khi qua đời. Một nhà thơ trào phúng gần đây đã sáng tác một bài thơ mà nội dung không khỏi đụng chạm đến các vị Phật tử rất lớn tuổi này:
[…]
“Tôi đã thấy những cụ già tóc trắng
Cúi mọp mình, quỳ lạy miệng xưng con
Tay lần moi chiếc ruột tượng héo hon
Kẻ khoác tăng bào mĩm cười đẹp dạ.
[…]
Dốc lòng cúng dường được nhiều phúc báo
Cứu khổ, tu thân khất lại về sau
Nhắm hướng tương lai, chốn đầy châu báu
Lời hứa vãng sanh quyến rũ làm sao!
[…]
(XT Nguyen, Miền đất hứa)
2.- Đạo Hạnh thiền sư (1072 – 1127) đã kết hợp Thiền giáo với sự thần bí của Mật giáo để biết trước được nhiều chuyện tương lai. Lúc sắp lâm chung, Sư tắm sạch sẽ, thay đổi y phục, và gọi các môn đồ đến bảo rằng: “ Thầy sắp tạm biệt khỏi kiếp này để hoá thân vào kiếp khác cũng ở thế gian này” . Tất cả các môn đồ đều sầu thảm và rưng rưng lệ thương tiếc. Thấy vậy, Sư mới đọc bài kệ như sau:
偈示寂
秋來不報雁來歸,
冷笑人間暫發悲。
為報門人休戀著,
古師幾度作今師。
Âm Hán Việt:
Kệ thị tịch
Thu lai bất báo nhạn lai quy,
Lãnh tiếu nhân gian tạm phát bi.
Vị báo môn nhân lưu luyến trước,
Cổ sư kỉ độ tác kim sư.
dịch thơ:
Bài kệ dặn trước khi mất
“Thu về chẳng hẹn nhạn cùng bay,
Cười lạt người đời luống xót vay,
Thôi! hỡi môn đồ đừng lưu luyến,
Thầy xưa mấy lượt hóa thầy nay.”
(Thích Thanh Từ dịch)
dịch nghĩa:
Bài kệ dặn đệ tử trước khi chết
Mùa Thu đến, không báo tin chim nhạn bay về.
Nực cười cho người đời cứ xót xa trước cái chết.
Khuyên các đồ đệ đừng lưu luyến ta nữa.
Thầy xưa đã mấy lần hoá kiếp thành thầy nay”.
Bài kệ trên có ý nói rằng:
“Người đời sống thác cũng như thời tiết thay đổi, mùa hè hết thì mùa thu về, cái lúc mùa thu sắp tới, không bao giờ báo tin cho những con nhạn cùng theo. Ta nay cũng vậy, không thể đem được các người cùng đi. Nhưng ta qua đời chỉ là chuyển đổi khiếp này sang kiếp khác, không có gì đáng thương xót. Ai thương xót ta người ấy thật không hiểu lẽ đạo khiến ta không khỏi cười thầm. Vậy ta khuyên các môn đồ, không nên quyến luyến làm chi. Từ xưa đến nay, ta đã hoá kiếp nhiều lần rồi. Sự đổi kiếp của ta, chỉ là một sự rất bình thường.”
(Ngô Tất Tố, Văn học đời Lý, Hà Nội: Mai Lĩnh, 1942, tr. 71- 72)
Tóm lại, đối với các thiền sư đời Lý, “sống và chết” chỉ là những hình thức biến hóa rất bình thường, như sự vận chuyển của bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Chết chẳng qua chỉ là chuyển đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác, tức là sự biến chuyển từ giòng sinh mệnh này sang giòng sinh mệnh khác như diễn biến của sự “thành, trụ, hoại, diệt” trong vòng sinh hoá của trời đất. Chết không phải là hết, chết là một sự bắt đầu một cuộc sống mới. Cuộc sống mới có tốt đẹp hay không là do nghiệp mình tạo ra ở đời này. Vậy con người phải tạo một nghiệp nhân thiện để bình tỉnh đón nhận một cuộc sống mới tốt đẹp khi tái sanh. Hiểu được như vậy thì thân tâm mới an nhiên tự tại, không ham sống, không sợ chết, luôn luôn vui vẻ trong từng giây, từng phút, từng sát-na của cuộc đời, đó là trạng thái an lạc. Đây là cái triết lý nhiệm mầu của đạo Phật để giúp ta giữ cái chân tâm được an lạc trước sự sinh hoá của vũ trụ vạn hữu.
*Sư Lama Yeshe thuộc Phật giáo Tây Tạng cũng đã luận bàn về cõi chết và sự hoá kiếp:
“Với mục đích làm êm dịu cái ấn tượng đau thương trong giây phút cuối cùng của đời người, chữ “chết” thường được thay thế bằng những uyển từ như “qua đời”, “ra đi”, “từ trần”, “viên tịch”. Nhưng theo những lời dạy về sự suy niệm siêu hình thì “chết” không có nghĩa là một sự huỷ diệt hoàn toàn mà nhiều người thường hay lo sợ. Nhưng “chết” chỉ là một giai đoạn của một quá trình được tinh luyện dần dần của tâm thức con người. Ngay sau khi linh hồn rời khỏi thân xác thì sự tinh luyện này vẫn còn tiếp nối. Trong khi thân xác bắt đầu tan rã thì linh hồn vẫn tồn tại và sẽ hoá kiếp khi gặp “căn duyên” thích hợp.
[…] Như đã giảng, nếu một người đã không chuẩn bị các túc duyên như tu nhân tích đức để tạo nghiệp tốt từ trước thì người ấy sẽ không có sự chủ động trong việc chọn lựa một hoá thân tốt đẹp hơn. Linh hồn của người ấy sẽ chuyển từ dòng sinh mệnh này để đầu thai vào dòng sinh mệnh khác một cách vô thức, có nghĩa là ở kiếp sau có thể cũng gặp những hoàn cảnh bất như ý như kiếp trước, hoặc có khi còn tệ hơn. Nhưng đối với các vị Bồ-tát hay Đại sĩ thì tình trạng có khác xa, Bồ-tát có tâm rất thanh tịnh, có một sự chủ động trong tâm thức và với lòng thương người sẵn có, nên sẽ hưởng được quả phước vô vàn một khi “qua đời”. Với hạnh nguyện từ bi luôn luôn muốn cứu vớt chúng sanh ra khỏi cảnh khổ đau, khi “viên tịch” vị Bồ-tát này sẽ chủ động trong sự chọn lựa để đi đầu thai vào một hoá thân mà hiện thân của kiếp sau sẽ làm trợ duyên cho Ngài tiếp tục phụng sự chúng sanh.”
[“Expressions such as “passed away” and “departed” are usually little more than euphemisms employed to soften the grim finality of death. But here they have a special significance, for according to the tantric teachings just presented, death is not the total annihilation that some people fear it is. Rather, it is a stage in the progressive refinement of consciousness that continues until the mind achieves its greatest possible subtlety, after which it departs, leaving the body behind. While the body then begins to disintegrate, the mind continues on, eventually meeting the appropriate conditions for the next embodiment, or incarnation”.
[…] As explained, if a person has not prepared sufficiently, this movement from one life to the next takes place without control or choice and one dies and is reborn in the same state of ignorantly conditioned grasping and aversion in which he or she had previously lived. But for the well-trained bodhisattva the situation is very different. With clear-minded, conscious control, such an altruistically motivated person takes full advantage of death’s blissfully subtle clear light consciousness and - always guided by the compassionate intention to be of greatest benefit – choose a rebirth that will allow him or her to continue serving others.”
(Lama Yeshe, Introduction to Tantra, Boston: Wisdom Publications, 1987, p.p. 155-156)
III.- Cách hành xử trước cái chết của người thân yêu (Dealing with the death of a loved one)
Trong cuộc đời, con người ai ai cũng trải nghiệm sự mất mát người thân yêu: mất ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái, bạn bè. Có lẽ không có nỗi buồn nào xâm chiếm tâm hồn cho bằng nỗi buồn mất mát người thân yêu. Chính bản thân tôi, khi nghe tin má tôi qua đời, tôi đã bàng hoàng và bấn loạn tâm thần. Hồi giữa tháng Giêng năm 2010, tôi qua Paris thăm má tôi. Sức khỏe của bà đã yếu nhưng tinh thần vẫn còn minh mẫn, trí nhớ hãy còn tốt. Một người bạn học hồi nhỏ ở Saigon, nay sống ở Paris, đã đến thăm má tôi, ngay khi gặp bạn này, má tôi hỏi ngay: “cậu Mùi lúc này khỏe không?”. Má tôi còn kể nhiều chuyện rất xa xưa, tôi chỉ ngồi và lắng nghe mà thôi: - Má kể lại ngày đầu tiên bà dẫn tôi đến học lớp Năm (lớp 1 bây giờ) ở trường Tiểu học tư thục Chợ Đủi; trường này ở trên đường Phan Đình Phùng cũ, trong vùng Chợ Đủi, gần chợ Vườn Chuối và cổng xe lửa ở Saigon. Sau này khi trường Tiểu học Chợ Đủi đóng cửa thì có nhiều tiệm buôn được mở, trong đó có tiệm chụp hình chân dung rất nỗi tiếng là “Viễn Kính”. – Má kể có lần nấu bữa cơm rất thanh đạm để đãi bạn tôi. -Má kể trước 1975, khi má tiếp bà Dì tôi để trông coi tiệm bán tạp hoá trên đường Đinh Tiên Hoàng cũ, ở Đa-Kao, thì có bạn tôi đến thăm bà, má kể lại cuộc đối thoại đầy tình cảm. –Má còn kể nhiều chuyện xưa khác nữa. Khi chia tay với Má để trở về Toronto, tôi có hứa rằng năm sau sẽ qua thăm bà. Về tới Toronto được một tuần lễ, vào buổi sáng sớm, tôi nhận được cú điện thoại của em tôi cho hay Má tôi vừa qua đời đêm hôm qua. Đầu óc quay cuồng, tôi cố gắng định thần để lái xe vào sở xin phép nghỉ để đi Paris dự đám tang của Má. Má tôi lúc ấy thọ được 95 tuổi. Tôi có người bạn kể lại rằng hồi bạn mới có 5 tuổi thì Má bạn qua đời, tôi thật xúc động và cảm thương cho bạn mình. Trong thời chiến tranh, tôi đã đến dự tang lể của mấy người bạn đã tử trận, thấy cảnh vợ của bạn đang ẩm đứa con với vầng khăn tang, lòng tôi buồn vô hạn. Tôi chợt nhớ lại một bài thơ mà cô giáo tôi đã bắt chép và học thuộc lòng khi tôi còn nhỏ, đó là bài “Mất Mẹ” của thi sĩ Xuân Tâm:
“Năm xưa tôi còn bé
Mẹ tôi đã qua đời
Lần đầu tiên tôi hiểu
Thân phận trẻ mồ côi
Quanh tôi ai cũng khóc
Yên lặng tôi sầu thôi
Mặc dòng nước mắt chảy
Là bớt khổ đi rồi
[…]
Tìm Mẹ tôi không thấy
Lúc buồn biết trốn đâu
Hoàng hôn phủ trên mộ
Chuông Chùa nhẹ rơi rơi
Tôi biết tôi mất Mẹ
Là mất cả bầu trời.”
(Xuân Tâm, Mất Mẹ)(1)
---------
Ghi chú:
(1) Bài thơ Mất Mẹ được trích từ tập thơ Lời Tim Non của Xuân Tâm, xuất bản vào năm 1941 tại Hà Nội, gồm các bài thơ sáng tác từ năm 1935 (lúc ấy Xuân Tâm được 19 tuổi) đến năm 1941.
Bài thơ này được chọn làm bài ám đọc trong giờ học môn Quốc văn ở lớp tiểu học của thế hệ thập niên 1940, 1950. Tương tự đoạn văn ngắn Tôi đi học được trích từ tập truyện ngắn Quê Mẹ của Thanh Tịnh (1911 – 1988) do nxb Đời Nay xuất bản ở Hà Nội vào năm 1941, được chọn làm bài giảng văn cho học sinh trung học thế hệ 1950, 60, đầu 1970 ở miền Nam Việt Nam, rất nhiều học sinh trung học đã thuộc lòng đoạn văn này. Cũng tương tự đoạn văn ngắn La rentreé des classes (Ngày tựu trường) được trích từ quyển tự truyện Le Livre de mon ami (Cuốn sách của bạn tôi) của nhà văn Pháp Anatole France (1844 – 1924), được xuất bản vào năm 1885 ở Pháp, đã được đưa vào môn Pháp văn cho học sinh trung tiểu học thế hệ 1940, 50, 60 và đầu 1970 ở miền Nam Việt Nam.
Xuân Tâm là bút hiệu của Phan Hạp. Ông sanh năm 1916 tại tỉnh Quảng Nam. Ông là một trong các thi sĩ của phong trào thơ mới vào thời tiền chiến. Trong quyển Thi Nhân Việt Nam (1932 – 1941) của Hoài Thanh và Hoài Chân, xuất bản tại Hà Nội vào tháng 10 năm 1941, đã giới thiệu Xuân Tâm trong phong trào thơ mới. Ông đã qua đời vào ngày 4 tháng 2 năm 2012 tại Hà Nội, hưởng thọ được 97 tuổi.
Tin người thân qua đời là một sự mất mát to lớn, tinh thần bấn loạn, không muốn làm việc gì, không muốn ăn, không muốn ngủ, nước mắt rơi dầm dề. Những xúc động tâm lý và và sinh lý có thể gây bệnh hoạn cho người ở lại.
Tư tưởng Phật giáo với triết lý vô thường, vô ngã có thể giúp cho người ở lại bớt lưu luyến người thân mới qua đời. Thân xác thì vô thường, đời người thường trải qua các giai đoạn: sanh, lão, bệnh, tử. Ai cũng chết, có sanh, có tử, có đến, có đi. Đối diện với cái chết của người thân, người ở lại nên nguyện cầu và ước ao người thân của mình sẽ có một cuộc đời mới tốt đẹp hơn. Người ở lại cần phải nghĩ đến bản thân mình, và phải có lòng thương chính bản thân mình, lo giữ gìn sức khỏe, bớt lần lần nỗi sầu khổ. Nhờ đó, sức khoẻ người ở lại sẽ bình phục và tinh thần sẽ minh mẫn trở lại để hướng về tương lai.
Toronto, 01 July 2018.
Nguyễn Vĩnh Thượng