“BÀ CHỦ CHÙA”
Chưa bao giờ mà quyền lực mềm mang tên nhà bếp tại đa số các chùa lại lên ngôi đến vậy.
Nó dần trở thành điểm đen nhạy cảm nhất tại các chùa khi Phật tử luôn được cảnh báo trước về những bất cập cho những ai đang có ý định phát tâm ở lại công phu, công quả lâu dài.
“Nhất bái trụ trì, nhị bái Thích ca, thứ ba nhà bếp”, nó như luật bất thành văn, vì không biết mà lỡ đụng vào cái gì, tìm cái mô, tô hay chén cũng dễ dàng bị sửa lưng, nhắc nhở như kiểu: “Muốn cái gì thì nói - Đói thì cũng từ từ - Cái chùa này có ngừ (người) - Chứ không phải vô chủ”.
Vì được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ phía sau, vì cứ nghĩ không có ta là ngôi chùa này sẽ đóng cửa, vì là người có công, có cán nên dần trở thành “bà chủ chùa” đầy uy nghiêm - quyền lực, nắm trong tay cả quyền sinh sát mà cả trụ trì cũng phải im lặng, còn Tăng chúng cũng phải dè chừng, khép nép khi muốn cần gì từ nhà bếp chứ huống chi là Phật tử mới ngày đầu nhập đạo - chạy mất dép.
Quyền lực đó được thể hiện một cách vi tế từ ánh mắt dò xét cho đến bằng giọng điệu khó nghe, khuôn mặt nhăn nhó, sân hận tự kiêu như chứa đầy những ý niệm độc tố được hoà lẫn vào trong từng món ăn mỗi khi dâng lên cúng dường cho Tăng chúng.
Nếu như người đứng đầu không để tâm
Dần rồi ngôi chùa được chia thành hai thế giới khác biệt, theo từng phe, từng nhóm, người thì muốn được yên nên chỉ đến tụng kinh, niệm Phật xong là bẽn lẽn ra về dù đang đói, còn mấy ông bà chủ chùa thì chẳng khi nào chịu lên chánh điện để tu như một sự cố thủ cho uy quyền và lãnh địa.
Riết rồi cái tâm học đạo ban đầu như đã mất, nghe đến cái tên là ai cũng ngán, cũng né, cũng dè chừng, phước thì không thấy mà phiền não sân si thì dãy đầy.
Tác giả ĐĐ Giác Minh Luật
Nghĩ cũng thương - vì được phước ở chùa lâu mà tánh tình như thị mầu, thị nở.
Cửa chùa tuy rộng mở nhưng khó ở được nếu không có tâm tu, hiền lành và khiêm hạ.
Thiệt lòng thì mình cũng như người ta, ai đến chùa cũng vì tìm cầu học đạo, vì muốn có được điểm tựa bình an cho cuộc đời, chứ không phải vì miếng ăn, tô cơm hay bát phở mà lại vô tình nói năng như kiểu ban ơn làm phước.
Do trong chùa nên người ta mới nhịn chứ không phải làm thinh là không hay, không biết.
Ngôi già lam có yên bình, Tăng chúng có yên ổn, Phật tử có hiệp hoà hay không cũng một phần quan trọng từ nhà bếp, nên đã có duyên được phụng sự, được có phước gần gũi chúng Tăng, thân cận Phật tử vào ra thì nên biết giữ gìn mà tiếp tục gieo trồng những hạt giống của khiêm cung, hiền lành và tươi mát, bằng không sẽ tự biến mình thành tự mãn, bất cần và lập dị.
Vì chùa là của thập phương bá tánh góp công tô tạo, chứ không của riêng ai thì lấy đâu ra quyền uy và kiêu ngạo.
Hãy nghĩ lại những ngày đầu tiên tìm thầy học đạo đầy rụt rè, cung kính, dễ thương, dễ mến để vội hồi đầu thức tỉnh, chứ bằng không coi mình trên cả chúng Tăng là tội lỗi khôn cùng chứ lấy đâu ra phước đức mà tự hào, hãnh diện.
Ở chùa từ nhỏ, gặp nhiều nên riết rồi cũng hiểu.
Vài lời nhắn gửi chung cho những người có tâm khi đã nhiều lần vô tình chứng kiến những nỗi đau âm thầm được vọng lên từ nhà bếp.
Giác Minh Luật
Bang Arizona, 29/07/2018.