Tại sao tôi yêu thích Phật giáo?
Gần đây có người hỏi tại sao tôi yêu thích Phật giáo. Sau đây là 7 lý do tại sao tôi yêu thích,
hâm mộ, kính ngưỡng, học tập, thực hành và chia sẻ giáo pháp quý báu của Đức Phật. Có
vài câu trả lời ngắn nhưng ngọt ngào, những câu khác có nhiều chi tiết hơn. Dĩ nhiên tôi có
thể đưa ra nhiều giải đáp và chi tiết khác, nhưng để dễ dàng cho bạn đọc, tôi chỉ đưa ra 7
giải đáp thôi.
1) Giải đáp 1:
Phật pháp là con đường duy nhất dẫn tới thành quả giác ngộ tối thượng. Trên suốt hành trình,
ta có thể kinh nghiệm được sự an lạc do công đức mình đã làm. Sự an lạc tối hậu được thực
hiện khi ta đạt được giác ngộ tối thượng.
2) Giải đáp 2:
Thực hành Phật pháp giúp ta hiểu được bổn tâm, đó là cội nguồn của mọi kinh nghiệm.
3) Giải đáp 3:
Đức Phật không chỉ giải đáp các vấn đề quan trọng của đời sống. Nếu quyết tâm thực hành
giáo pháp của Ngài, chúng ta sẽ đạt được cả hai chơn lý tương đối và tuyệt đối.
4) Giải đáp 4:
Người Phật tử có tự do suy tưởng, hành động và phát ngôn. Chúng ta có tự do và khả năng
để học tập và thực hành. Chúng ta có tự do và khả năng đánh thức sự minh triết siêu thoát,
tâm bi mẫn quảng đại - và đạt được giác ngộ tối thượng.
Tôi muốn chia sẻ với quý bạn là từ thuở bé, tôi đã có cảm hứng sâu đậm để quyết tâm thực
hành Phật pháp và lợi lạc cho tất cả chúng sanh - nhờ các lời dạy rất phổ thông sau đây
của Đức Phật: Tôi mong quý bạn cũng có cảm hứng như tôi để quyết tâm thực hành Phật
pháp và lợi lạc cho tất cả chúng hữu tình.
- Đừng vội tin những gì bạn đã nghe chỉ vì bạn đã nghe (nhiều người) nói.
- Đừng vội tin những truyền thống bởi vì chúng được lưu truyền qua nhiều đời.
- Đừng vội tin những gì người khác nói và lan truyền.
- Đừng vội tin những gì được ghi chép trong các sách đạo.
- Đừng vội tin những gì được thầy giáo và các bậc trưởng thượng xác nhận.
Nhưng sau khi thẩm sát và phân tích, bạn thấy ra là điều đó hợp với lẽ phải và sẽ đem lại
lợi ích cho mọi người, thì bạn hãy chấp nhận và sống với nó.
- Chúng ta là những gì mình tư tưởng.
- Chúng ta là tất cả những gì tư tưởng đem tới
- Với tư tưởng, chúng ta tạo ra thế giới
- Phát ngôn và hành động với tâm ô nhiễm,
- Chướng ngại sẽ theo sau
- Như bánh xe theo chân bò kéo
- Chúng ta là do tư tưởng
- Chúng ta là tất cả những gì do tư tưởng
- Với tư tưởng, chúng ta tạo ra thế giới
- Phát ngôn và hành động với tâm thanh tịnh
- Hạnh phúc sẽ theo sau
- Như bóng theo hình, không bao giờ thay đổi
Như vậy, chúng ta nên nghĩ cõi đời phù du nầy, như ngôi sao (sắp lặn) lúc bình minh, như bọt nước
trên dòng sông, như tia chớp trong đám mây mùa Hạ, như ngọn đèn leo lét, như bóng ma, như cơn
mộng...
5) Giải đáp 5:
Phật pháp có tính phổ quát chớ không riêng biệt. Mục tiêu của chúng ta là lợi lạc tất cả chúng
hữu tình, không trừ một ai. Để giúp đỡ mọi chúng sanh, bao gồm chúng ta, đạt được hạnh phúc,
tránh được đau khổ - và đạt được giác ngộ tối thượng càng sớm càng tốt.
Phật pháp siêu việt màu sắc, cấu trúc, hương vị, ngôn ngữ, văn hóa, truyền thống và quốc tịch.
Phật giáo là cho mọi người, mọi nơi và mọi thời.
Điều nầy là hiển nhiên trong khi thực hành Tứ Vô Lượng Tâm (Bramma Vihara) - tức là Từ, Bi, Hỷ
và Xả (không thiên chấp).
Nguyện cho quý bạn được hạnh phúc, thoát khổ và đạt giác ngộ tối thượng càng sớm càng tốt.
Mời quý bạn xem thêm những bài thơ đầy cảm hứng sau đây từ vị Đại sư Tịch Thiên, người
Ấn Độ, trong thi phẩm "Bồ-đề Hành kinh" (ở chương "Dấn thân")
Từ bài 7 tới bài 10
Bằng công đức mà tôi có được,
Nguyện cho mọi khổ đau của tất cả chúng sanh
Đều hoàn toàn phân tán và tiêu diệt
Cho những người bịnh khổ trong cõi đời,
Cho đến khi mọi bịnh tật đều được lành
Nguyện tôi vì họ trở thành
Vị bác sĩ, cô y tá và tất cả lương dược.
Mưa xuống ngập tràn thực phẩm và thức uống,
Nguyện tôi đẩy lùi sự đau khổ của đói khát
Và trong những thời kỳ nghèo khổ thiếu thốn
Nguyện cho tôi hiện thành nước uống và thức ăn
Cho những chúng sanh nghèo túng,
Tôi nguyện là kho tàng bất tận,
Hiện ra trước họ, trong tầm tay
Với tất cả những gì họ cần...
Từ bài 18 đến bài 22
Nguyện tôi là người gác cho những kẻ cần an ninh,
Người dẫn đường cho khách bộ hành (lạc lối)
Cho những người cần vượt sông nước,
Nguyện tôi là thuyền bè hay cầu ngang
Nguyện tôi là hải đảo cho người cần bờ bến,
Là ngọn đèn cho người cần ánh quang
Một cái giường cho người cần nghỉ ngơi
Một đầy tớ cho người cần giúp việc
Nguyện tôi là châu như ý, là bình đủ đầy
Một tiếng đầy năng lực và cách trị bịnh tối cao
Nguyện tôi là cây phép lạ,
Là bò sữa mập cho tất cả chúng sanh
Giống như địa cầu và các thành phần phổ biến,
Sống lâu như bầu trời
Cho tất cả mọi loài chúng sanh,
Nguyện tôi là mặt đất luôn cung dưỡng
Cho tất cả mọi loài chúng sanh
Xa đến tận giới hạn của bầu trời
Nguyện tôi cung cấp và nuôi dưỡng
Cho đến khi họ thoát khỏi trói buộc của đau khổ...
6) Giải đáp 6:
Để thức tỉnh các hạng môn đồ có tính tình sai biệt, Đức Phật đã dạy nhiều cách thực hành
tâm linh khác nhau và rất tuyệt vời. Có những cơ sở để phát triển lòng từ ái, sự rộng lượng
và sự nghiêm chánh. Những cách thực hành nầy gồm có sự tỉnh thức về hơi thở và thân thể,
sự tỉnh thức về Thọ (cảm xúc) và Tưởng, sự thực hành mật chú hay sùng tín, phép quán tưởng
và phản tỉnh - và những pháp dẫn đến các tâm trạng tế nhị hay sâu thẩm và quảng đại.
Chúng ta là những sinh linh rất khác biệt, cách nầy hay cách khác. Do đó, chúng ta cần tìm đến
những chỉ dẫn về phương pháp, do Đức Phật dạy, đặc biệt thích hợp với hiện trạng và nhu cầu
của chúng ta - rồi quyết tâm thực hành.
Chúng ta đều có khả năng thực hành giáo pháp để phát triển lòng bi mẫn vô hạn, sự minh triết
hoàn hảo và đạt đến quả giác ngộ tối thượng.
7) Giải đáp 7:
Đức Phật đề nghị, mời gọi và khuyến khích mọi người nên tra cứu, phân tích và thử nghiệm
các giáo pháp Ngài đã dạy. Giống như người thợ kim hoàn phải thử vàng xem là thật hay giả.
Không nên tin với đức tin mù quáng.
Rồi Ngài khuyên ta nên quyết tâm thực hành và làm việc cật lực để đạt được thành quả của
con đường đạo, đó là sự giác ngộ.
Nếu chúng ta làm những điều Ngài dạy, thì sẽ thấy giáo pháp của Ngài rất rõ ràng và đầy đủ
nghĩa lý, Thấy rằng Phật pháp hoàn toàn hợp lý khi được thử nghiệm với sự phân tích phê bình -
và Phật pháp thích hợp với những khám phá của khoa học thời nay. Trải qua hơn 2600 năm,
Phật pháp chưa bao giờ bị chứng minh là sai lầm.
Thí dụ như đức tin của Phật giáo về luật Nghiệp báo đã được kiểm chứng và phân tích bởi
nhiều nhà khoa học sáng giá và các Đại sư thành đạt. Giá trị của thuyết nầy được xác nhận
qua thực nghiệm và luận lý. Cho nên ta không nên mù quáng tin theo (bất cứ lý thuyết nào).
Mọi hành động của thân, khẩu và ý tạo nên một ấn tượng, một tiềm năng hay hạt giống trong
tâm thức. Những hạt giống tâm nầy được gieo trồng qua ý thức về việc bạn làm, nói hay suy
nghĩ. Những ấn tượng nầy được lưu trên dòng tâm thức và tiếp tục từ lúc nầy đến lúc khác.
Tâm thức ở thời điểm hiện tại đến từ tâm thức ở thời điểm trước đó.
Khi các điều kiện phụ trợ được hiện hành, ấn tượng hay tiềm năng nầy sẽ biểu hiện thành nhận
thức hay kinh nghiệm về hạnh phúc hay đau khổ. Chúng ta có thể ví điều nầy như một hạt giống
sẽ phát triển (thành cây và quả) khi có đủ các điều kiện như đất, nước, ánh mặt trời v.v...
Nguyện cho tất cả chúng ta có thể thực hiện nền tảng, con đường và thành quả - để mau chóng
đạt được giác ngộ tối thượng.
Kính mời quý bạn thưởng thức những bình luận về Phật pháp sau đây từ Albert Einstein:
- Khoa học không tôn giáo là què quặt. Tôn giáo không khoa học là mù quáng.
- Phật giáo không cần cập nhật để thích ứng với các khám phá khoa học tân thời.
- Phật giáo không cần đầu hàng khoa học về các quan điểm của mình, bởi vì Phật giáo có thể
thích nghi và vượt qua khoa học.
- "Tôn giáo tương lai sẽ là một tôn giáo của vũ trụ. Nó phải siêu thoát các ý niệm thần thánh cá nhân,
tránh các giáo điều và thần học. Bao gồm cả thiên nhiên và tâm linh, nó phải đặt cơ sở trên ý nghĩa tôn
giáo phát xuất từ kinh nghiệm trên mọi sự vật, thiên nhiên và tâm linh, như là một tổng thể đầy ý nghĩa.
Phật giáo đáp ứng được yêu cầu nầy."
- "Nếu có một tôn giáo có thể thích ứng với các yêu cầu của khoa học tân thời, thì đó là Phật giáo"
Và sau đây là bình luận của Sử gia Arnold Toynbee:
- "Phật giáo đến với Tây phương có thể xem là một biến cố quan trọng nhất của thế kỷ thứ 20".
Nguyện cho 7 giải đáp của tôi có thể giúp ích và lợi lạc cho tất cả chúng hữu tình.
Nguyện cho những giải đáp nầy gây cảm hứng để quý bạn học tập, thực hành và chia sẻ
Phật pháp với tất cả khả năng.
Nguyện cho Phật pháp thăng hoa khắp không gian vô cùng tận.
Nguyện cho tất cả chúng sanh chóng thành Phật đạo.
(Thích Phước Thiệt dịch từ bài “Why I love Buddhism” của Cư Sĩ Andrew William)