- Tiểu sử Bác Nguyễn Minh Cần
- Cảm Tạ Tang Lễ Phật tử Nguyễn Minh Cần
- Lịch sử lại mất thêm một nhân chứng
- Lời Phân Ưu của quý Thân Hữu đối với Hương Linh Bác Thiện Mẫn Nguyễn Minh Cần & Tang Quyến
- Một đời người đầy ý nghĩa
- Lời cuối cho Chú Nguyễn Minh Cần
- Nguyễn Minh Cần sống mãi
- Thêm một người đi xa
- Hình ảnh Tang Lễ Bác Thiện Mẫn Nguyễn Minh Cần
- Vĩnh biệt nhà biên soạn Từ Điển Nga-Việt Nguyễn Minh Cần
- Phỏng vấn ông Nguyễn Minh Cần về vụ án Nhân Văn Giai Phẩm (phần 3)
(Chị My Loan đọc phần này)
Chú Nguyễn Minh Cần là Chủ Tịch, sáng lập viên Hội Phật Giáo Thảo Đường,
Bình luận gia chính trị về tình hình thế giới và Việt Nam cho nhiều đài và báo.
Thành viên sáng lập tổ chức Họp Mặt Dân Chủ,
Phóng viên đài RFI, RFA trong nhiều năm.
Với tính cách chân thật, cởi mở và dễ gần, chú Nguyễn Minh Cần được anh em, bè bạn cùng làm việc ở khắp nơi yêu quý, kính trọng coi như người anh cả. Trước sự ra đi của chú, tất cả bè bạn ở khắp nơi trên thế giới đều vô cùng thương tiếc, chỉ trong vòng 3 ngày sau khi chú Nguyễn Minh Cần ra đi, đã có 650 lời chia buồn gửi vào facebook của một thân hữu.
(Khôi đọc phần này)
Từ Washington, ông Nguyễn Mậu Trinh viết:
Từng giai-đoạn, anh Nguyễn Minh Cần đã sống với thái-độ tỉnh-táo và hành-động dứt khoát hiếm thấy, đáng quý : hăng say với tuổi trẻ, chín chắn khi đã lớn và nhẹ-nhàng lúc về già.
Anh là tấm gương sáng cho thanh-niên hôm nay, cho người lạc lối bên kia và cho tuổi cao-niên vẫn loay-hoay về mình.
(Chị My Loan đọc phần này)
Từ Hoa Thịnh Đốn nhà văn Trương Anh Thụy gửi lời chia buồn như sau:
Anh Nguyễn Minh Cần trọng kính,
Sự nghiệp đấu tranh giành Tự Do, Dân Chủ cho Quê Hương của một người yêu nước như Anh thì chẳng bao giờ là đủ hay là hết, vì thế cho nên xin Anh cứ thanh thản ra đi để lại cho đàn em kế tiếp... Cuốn sách “ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM QUA NHỮNG BIẾN ĐỘNG TRONG PHONG TRÀO CỘNG SẢN QUỐC TẾ” mà Anh là tác giả vừa được đưa vào nhà in, xin Anh phù hộ cho nó được vào tràn ngập trong nước, ….!
Xin chia sẻ nỗi đau buồn cùng chị Inna, các cháu Tịnh-Hằng cùng toàn thể thành viên Ban Quản Trị Hội Phật Giáo Thảo Đường. Cầu xin hương linh Anh sớm đươc vãng sinh nơi đất Phật.
(Khôi đọc phần này)
Từ Boston ông Trần Trung Đạo đã gửi đến những dòng chia xẻ như sau:
Tôi gặp Anh chỉ một lần ở Canada năm 2000 nhưng vẫn còn nhớ rõ. Hôm đó, Anh, Ls Nguyễn Xuân Phước và tôi ngồi trong một phòng nhỏ và nói chuyện suốt mấy tiếng đồng hồ. Chúng tôi cần học hỏi và Anh cũng cần san sẻ tấm lòng, chuyển giao ước vọng chung của đất nước cho thế hệ sau. Cuối cuộc hẹn, Nguyễn Xuân Phước nhìn Anh và hỏi một cách trân trọng “Anh có gì để lại cho bọn em không?” Anh Nguyễn Minh Cần biết đó không phải là câu hỏi dành cho người sắp chết mà là câu hỏi chân thành của những người thuộc thế hệ sau nhìn lên thế hệ trước. Anh không trả lời trực tiếp nhưng nói rất thâm trầm về đời sống tinh thần của Anh, về đạo Phật, về Niệm Phật Đường Thảo Đường vừa được hoàn thành. Anh chỉ muốn để lại kinh nghiệm, kiến thức nhưng tương lai Việt Nam sẽ đặt nặng trên vai của các thế hệ hôm nay. Anh thuộc về quá khứ. Anh sẽ tiếp tục viết những nhận định chính trị và về chế độ cộng sản nhưng không phải với tư cách là người hoạt động mà để giúp tăng thêm hành trang kiến thức cho các thế hệ đang đấu tranh cho tự do dân chủ. Chúng tôi cám ơn Anh. Cám ơn tấm lòng của Anh dành cho đất nước. Yêu nước không bao giờ quá trễ. Anh chọn đúng thời điểm để đứng về phía tự do, dân chủ và từ đó Anh đi cùng dân tộc. Mười sáu năm sau, chúng tôi “gặp” lại nhau khi làm kỷ yếu tưởng niệm Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, một người bạn thân thiết của Anh và là người anh kính quý của tôi. Tôi ngậm ngùi đọc bài Anh viết về Anh Bích và rồi ngậm ngùi hơn khi biết tin Anh cũng vừa ra đi. Cả ba người trong chuyến xe lịch sử mà tôi gặp, Anh, Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích và Luật sư Nguyễn Xuân Phước đều lần lượt qua đời. Rồi ai nữa, không ai biết, nhưng có một điều mà tôi, và chắc nhiều người cũng đồng ý, vì đời người vô cùng ngắn ngũi hãy sống hết lòng với nhau như mình sẽ không còn sống ngày mai. Kính cầu nguyện hương linh cư sĩ Thiện Mẫn Nguyễn Minh Cần siêu thăng Tịnh Độ.
Chị My Loan đọc đoạn này:
Từ California nhà văn Nhật Tiến gửi lời chia buồn như sau:
Xin phân ưu cùng tang quyến.
Xin cầu chúc hương linh người quá cố sớm tiêu diêu miền cực lạc.
Ước mong các Đảng viên đương nhiệm của Đảng CSVN sớm noi gương Chí sĩ Nguyễn Minh Cần để góp phần đem lại Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền cho Việt Nam.
KHôi đọc phần này:
Từ Hoa Thịnh Đốn, nhà văn Uyên Thao viết:
"Hết sức đau buồn trước tin anh Nguyễn Minh Cẩn đã vĩnh viễn rời xa chúng ta.
Xin được chia xẻ cùng tòan thể tang quyến sự mất mát lớn lao này .
Chân thành cầu chúc hương linh anh Nguyễn Minh Cần sớm về cõi Tây Phương Cực Lạc."
Chị My Loan đọc đoạn này:
Từ Niu Dilân (New Zealand) Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ gửi đến những lời thương tiếc dưới đây:
Anh Nguyễn Minh Cần đúng là hình ảnh tiêu biểu cho một Kẻ Sĩ Của Thời Đại.
Tôi không bao giờ quên được lần đầu gặp anh tại nhà của anh Trần Quốc Bảo ở Arcaida. Cali năm nào.
Hôm đó, chúng tôi ngồi nói chuyện suốt buổi chiều dưới bóng cây trước sân nhà anh Bảo. Đêm đó anh em ngồi bên ấm trà nói chuyện đến quá nữa đêm. Anh Nguyễn Minh Cần nhận được trọn vẹn sự thương mến và kính phục của tôi.
Tôi xin thành kính chia buồn với gia đình và tang quyến. Cầu xin cho anh sớm được an nhàn nơi cõi phước. Một người như anh Nguyễn Minh cần thì Phật cũng đón và Chúa cũng rước.
Thương tiếc anh
Lm Nguyễn Hữu Lễ
Khôi đọc đoạn dưới đây:
Từ Hoa Kỳ Ông Đỗ Trọng Linh gửi đến lời chia buồn như sau:
Xin chia buồn cùng tang quyến chí sĩ Nguyễn Minh Cần, người can đảm dấn
thân tranh đầu cho dân tộc khi còn rất trẻ và tiếp tục đấu tranh cho dân tộc
đến cuối đời, mất mát này không chỉ với gia đình ông mà còn là một mất
mát lớn cho những người cùng chí hướng
Xin được nghiêng mình tưởng nhớ ông
Chị My Loan đọc đoạn này:
Không chỉ có bè bạn từ nước ngoài gửi lời chia buồn trước sự ra đi của chú Nguyễn Minh Cần, rất nhiều nhà hoạt động xã hội, nhà văn, nhà thơ từ trong nước cũng gửi đến đây những lời phân ưu
Từ Đà Lạt ông Mai Thái Lĩnh đã viết:
Xin chuyển lời chia buồn của các bạn ở Đà Lạt đến gia đình anh Nguyễn Minh Cần và các bạn hữu của anh Cần. (Vợ anh Cần là người Nga nên có lẽ chỉ có các anh chị ở ngoại quốc mới có điều kiện liên lạc và phân ưu với gia đình).
Dù sao thì anh Cần cũng đã sống khá thọ (88 tuổi, theo âm lịch là 89 tuổi). Tôi cũng không hiểu bản thân mình có thể sống đến từng ấy tuổi hay không, và đến lúc đó thì chế độ này có thay đổi hay không? Nhưng thay đổi được một chế độ toàn trị kiểu châu Á như Việt Nam thì không phải chỉ muốn là được. Cần phải biến điều đó thành ý chí của một số đông người, đủ đông để có thể làm thay đổi chế độ.
Chúng ta đều là người đã có tuổi (thất thập cổ lai hy), vì vậy chỉ có thể tâm niệm một điều: không bao giờ rời xa con đường đã chọn, và cố giữ cho đến hơi thở cuối cùng. Điều ấy xem ra cũng rất khó chứ không phải dễ dàng…
Anh Nguyễn Minh Cần đã hoàn tất hành trình của mình - một sự lựa chọn không thỏa hiệp. Đó là điều đáng trân trọng đối với một trí thức. Và đó cũng là tấm gương đáng cho những người khác noi theo.
Khôi đọc đoạn dưới đây:
Từ trong nước, ông Hà Sĩ Phu gửi đến những dòng sau:
Làm ơn chuyển giúp chúng tôi lời chia buồn thiết tha đến gia đình bác Nguyễn Minh Cần, một chứng nhân lịch sử về sự lựa chọn lịch sử, về sự phân ly tất yếu giữa những người trí thức chân chính với cái con đường Cộng sản ảo tưởng, bậc thầy về lừa mỵ.
Bác Minh Cần vừa mới ký vào một văn bản phản đối nhân vụ Cá chết miền Trung mới đây thôi mà bác đã từ biệt chúng ta! Chúc linh hồn bác Minh Cần bất tử, bác sống mãi trong lòng những người Việt Nam yêu nước..
Kính thư
Hà Sỹ Phu
Chị My Loan đọc đoạn này:
Từ Pháp bà Quản Mỹ Lan đã viết:
Ông Nguyễn Minh Cần (1928-2016) sinh sống tại một nước Cộng Sản (Liên Xô) nhưng được cộng đồng người Việt hải ngoại biết đến như một nhà báo. Trước khi là nhà báo ông là một nhà chính trị ( Uỷ viên Thường vụ Thành uỷ Hà Nội, kiêm phó chủ tịch Uỷ ban Hành chính thành phố Hà Nội.) nhưng trước khi là một nhà chính trị ông là một người Việt Nam, một người Việt Nam yêu nước.
Con người chính trị Nguyễn Minh Cần khi đang ở vị trí sáng chói trong đảng CS đã tỉnh ngộ khi sang học tại trường đảng cao cấp của Liên Xô và ông đã dứt khoát từ bỏ cái đảng (1964) mà ông đã góp phần hình thành.
Chính lương tâm của một con người trung thực đã đưa ông đến quyết định này.
Ông mất khi được mọi ngừi quý trọng, thương yêu.
Ông mất khi sứ mạng tìm tự do, dân chủ, nhân quyền cho đất nước chưa hoàn tất.
Thế hệ sau ông phải lãnh nhận sứ mạng cao quý này, tiếp nối con đường ông đã đi dở dang..
Khôi đọc đoạn dưới đây:
Ông Tiêu Dao Bảo Cự gửi lời chia buồn như sau:
Xin chia buồn cùng chị Cần, gia đình và thân hữu của anh Cần.
Anh Cần là người CS "giác ngộ" sớm và đã đóng góp nhiều vào việc vạch trần sai lầm của chế độ CSVN.
Anh cũng đã lớn tuổi rồi nên theo mệnh trời thôi. Nhưng chúng ta luôn hi vọng vào triết lý cũng là thực tiễn "tre già măng mọc".
Chị My Loan đọc đoạn này:
Từ Hà Nội, bác sĩ Phạm Hồng Sơn viết:
Vâng. Không tránh được, các thế hệ con người cứ lần lượt ra đi trong khi vận nước trầm luân. Buồn quá!
Không hiểu gia đình, thân hữu của một người en exil lâu như thế sẽ tổ chức tang lễ ra sao (?).
Nếu có chia buồn được với gia đình, mong chị giúp chuyển lời chia buồn của em nhé. Cảm ơn chị!
Khôi đọc đoạn dưới đây:
Nhà thơ Bùi Minh Quốc gửi đến những lời phân ưu như sau:
Xin chuyển giùm lời chia buồn của tôi đến gia đình anh Nguyễn Minh Cần. Sự nghiệp đấu tranh giành tự do, dân chủ, nhân quyền trên đất nước VN mà anh Nguyễn Minh Cần là một trong những người tiêu biểu đi tiên phong luôn được các thế hệ tiếp nối và không ngừng phát triển, tôi thấy rõ thế và tin ở sức mạnh tất thắng của chính nghĩa; với niềm tin này, tôi tiễn đưa anh Cần thong dong về cõi vĩnh hằng.