- Bài 1: Thư gởi anh Quảng Quý (Huỳnh Kim Lân): Ban Hàm Thụ Trại Vạn Hạnh
- Bài 2: Thư gởi anh Quang Ngộ Đào Duy Hữu
- Bài 3: Xin hỏi Bạch cư sĩ: đường nào về xứ Phật ?
- Bài 4: Thư gởi anh Trưởng Ban, Phúc Thiện Ngũ Duy Thành
- Bài 5:Tuần Bách Nhật, nhớ Thầy
- Bài 6: Trại Hoa Lam 2015: vui quá là vui
- Bài 7: Xây dựng lại ngôi nhà đang ở
- Bài 8: Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ
- Bài 9: Trại Vạn Hạnh I, niềm vui trong Chánh Pháp
- Người Huynh Trưởng: Những Bước Chân Tiên Phong, Những Tấm Lòng Xây Dựng
Tôi trở về Chùa, tâm hồn thảnh thơi, sau khi dự trại Vạn Hạnh, giai đoạn thực nghiệm, ở Trung tâm Tu học và Huấn luyện Thích Quảng Đức, thành phố San Bernadino, Hoa Kỳ. Mấy ngày bận rộn không ít với việc mở rộng lòng lắng nghe, góp ý, trao đổi kể cả việc hàn huyên với những bạn Lam trong ngôi nhà Gia đình Phật tử.
Hôm khai mạc Trại, nghe báo cáo có 50 Trại sinh tham dự, bên cạnh Huynh trưởng của nhiều thành phần khác nhau trong Ban HDTƯ và Ban Quản Trại. Sau đó, lại nghe người xướng ngôn nhắc đến một truyền thuyết lịch sử dân tộc, 50 người con theo mẹ Âu Cơ lên núi và 50 người con theo cha Lạc Long Quân xuống biển, trong lòng tôi lại liên tưởng nghĩ thầm: rồi đây 50 trại sinh Vạn Hạnh này có lâm vào hoàn cảnh đầy ý nghĩa như trên. Họ sẽ theo ai, và về đâu khi nhiệt thành theo đuổi con đường cống hiến cho tổ chức. Tôi thầm mỉm cười trong lòng về ý nghĩ bất ngờ trên, và dự tính sẽ từ từ tìm hiểu, đặt thêm nhiều câu hỏi khác, theo kiểu nhà thiền “đại nghi, đại ngộ.” Biết đâu, sinh họat với tổ chức GĐPT mình lại có cơ hội, gặp cơ duyên chứng đạo cũng không chừng!
Nhưng không phải đợi lâu vì ngay trong bài giảng về kinh Pháp Hoa, HT Nguyên Hạnh đã trả lời ngay câu hỏi: con Phật thì về với Phật, theo Phật làm lành. Trong bài giảng, Ôn nêu ra bốn ẩn dụ giúp người nghe thấu hiểu ý nghĩa bài Kinh, thể hiện việc đức Phật phương tiện, khéo léo dẫn dắt chúng sanh ra khỏi mê lầm, tìm đường giải thoát. Câu chuyện về ngôi nhà lửa và người cha hứa cho con ba loại xe để cứu giúp những người thiếu trí tuệ đang mê mải vui chơi đùa giỡn trong ngôi nhà lửa mà không hay biết gì đến nguy hiểm vây quanh. Đó là ẩn dụ gợi ra hình ảnh của cuộc đời và chúng sanh đang sống trong điên đảo, mê lầm mà không hay biết. Con người từ khi ra đời cho đến khi chết, chịu hết đau khổ này đến kiếp nạn khác mà không biết cách thoát khổ. Giáo pháp của Phật trong kinh Pháp Hoa đã mở ra một hướng đi trí tuệ : khai thị ngộ nhập Phật tri kiến, rằng mọi người nương vào lời Phật dạy mà chuyển hóa thân tâm.
Bài pháp không phải đợi lâu mới thấm nhuần vì cuối khóa, đã thấy anh Tâm Giác Tâm có bài thơ ứng đáp:
Lắng nghe Thầy giảng Pháp Hoa
Thấy trong tâm thức chan hòa tình thương
Hiểu đời cõi mộng vô thường
Nguyện tình huynh đệ tỏa hương Lam hiền.
Theo chương trình Trại, chúng tôi cũng có một ngày Tu học bên nhau. Nhiều vấn đề thiết thực xẩy ra trong gia đình, ngoài đoàn thể gây bối rối cho bao người đều được lần lượt giãi bày và là dịp để chúng tôi lắng nghe, tranh luận. Một trong những đề tài là vấn đề trẻ em thuộc tuổi mới lớn (teenagers) sử dụng các tiện nghi điện tử đến mức sa ngã, mà diễn giả tạm gọi là nguy cơ của “mặt trận điện tử.” Thực trạng trong gia đình thường diễn ra như sau: họa hoằn mới có bữa ăn chung trong gia đình nhưng ngay sau bữa cơm, các cháu, phần lớn là đoàn sinh GĐPT, vội vã trở về phòng tiếp tục trò chơi game - đủ thứ trò chơi hấp dẫn trên máy computer - bỏ lại cha mẹ với câu chuyện dở dang và bao điều muốn nói với chúng trong thời gian mà họ nghĩ là thuận tiện. Ngay trong những giờ sinh hoạt tại đơn vị cũng vậy. các em đoàn sinh thấy trò chơi đó là hấp dẫn hơn giờ Phật pháp, hoạt động thanh niên. Nhiều lúc, Huynh trưởng cũng bó tay chịu thua. Dạo trước, nhà văn Võ Phiến gọi là “con quỷ mặt vuông” để ám chỉ cái máy truyền hình, vì nó chiếm đoạt hết “thì giờ ấm cúng” của gia đình. Bây giờ, chúng ta gọi smart phone là gì? Là tên cướp chiếm đoạt hạnh phúc gia đình, là kẻ vô tâm, vô cảm, vô.. mọi thứ trên đời! Gọi gì đi nữa, chúng ta cũng phải chấp nhận một điều: đó là cái cell phone rất tiện lợi và hấp dẫn. Có lúc nó cũng giúp cứu mạng người như trong câu chuyện em bé 5 tuổi, gọi 911, khi thấy mẹ bất tỉnh, mà nhờ đó, nhân viên cấp cứu đã đến kịp thời.
Vấn đề là mình nhìn lại cho kỹ để tìm ra cách giải quyết (hay đối phó) hữu hiệu. Tôi lắng nghe và, theo thiển ý, tôi thấy phương pháp ngay trước mắt mà mình đã lãng quên, đó là Phật pháp. Phật dạy, tâm làm chủ mọi pháp, thì tại sao chúng ta không dạy cho các em nhìn lại tâm mình. Trước hết, mình phải làm gương cho các em. Nếu đã nắm vững nguyên tắc của điều này, rồi quyết tâm thực tập thì không có trò chơi điện tử nào có thể giành hết thì giờ quý báu của ta hay cướp mất giờ phút đầm ấm của gia đình cả.
Lưu ý vấn đề vừa nêu, cho nên khi thấy anh Nguyên Túc vẽ bức hình anh Quảng Tịnh ngồi yên trong phòng họp, nét mặt rất bình an, thoải mái, tôi mới nghĩ đến chuyện đề nghị Ban HDTƯ nhờ anh Nguyên Túc vẽ cho ba tấm có trả thù lao đầy đủ:
1- Tấm thứ nhất vẽ một em đoàn sinh mặt mày mệt đừ vất vả, ôm trên tay đủ thứ dụng cụ điện tử ipad, iphone, laptop, còn mang thêm trong ba lô (backpack) nhiều thứ khác nữa.
2- Bức hình thứ hai vẽ quang cảnh một bữa ăn gia đình, mấy đứa con nhỏ đang chú tâm chơi game, gởi text hay tranh cãi nhau về trò chơi, quên mất cha mẹ, người thân đang có mặt bên cạnh.
3- Và bức hình thứ ba, vẽ một em đoàn sinh có chánh niệm, tự chủ, tay trái cầm cell phone, và tay phải chỉ vào điện thoại tuyên bố: Remember, I am your boss; my parent pays the bill, and you better behave, vẻ mặt rất tự tin, thoải mái.
Đó là cách chúng ta hướng dẫn các em bằng việc gợi lại những hình ảnh không đẹp đã diễn trong thực tế, bằng việc tái hiện những cái không nên làm dưới khía cạnh không đẹp hay bất lợi của chúng. Hy vọng, các em sẽ hiểu điều chúng ta muốn nói, get the message, sẽ dành thời giờ chừng mực, hợp lý cho các trò chơi điện tử. Dĩ nhiên, cha mẹ và huynh trưởng phải là những người làm gương tốt và thường xuyên nhắc nhở các em. Tình trạng sẽ thay đổi khi chúng ta có nhận thức sáng suốt và tìm ra phương pháp thích hợp.
Tương tự, tôi rất mừng khi nghe anh Quảng Quý phát biểu, yêu cầu chấp thuận trong chương trình Đại Hội Huynh trưởng kỳ X có thêm một phiên họp khoáng đại thảo luận về những vấn đề được dự trù ngoài các đề tài liên quan đến nội quy và quy chế hay cải tiến sinh hoạt của Tổ chức. Tôi nghĩ ngay rằng điều này rất thực tế và lợi ích, vì trong tiến trình hoạt động của một tập thể, luôn luôn có những vấn đề được đặt ra cần phải được cập nhật, được điều chỉnh hay thay đổi cho hợp với nhu cầu và hoàn cảnh đương thời. Điều này gọi là khế cơ và khế lý. Tổ chức không thể bất động, đứng yên một chỗ, như vậy sẽ đưa đến tình trạng lỗi thời, thoái hóa.
Nhưng trên hết, điều làm cho tôi cảm kích nhất vẫn là tình Lam tồn tại và thêm khăng khít mà mỗi anh chị Huynh trưởng đã thể hiện, cưu mang. Hình ảnh thân thương của những Huynh trưởng, thuộc nhiều lứa tuổi, thuộc nhiều thế hệ cùng có chung một lý tưởng, cùng đi chung con đường phụng sự và giáo dục tuổi trẻ, và cùng ngồi chung với nhau dưới mái ấm gia đình Phật tử. Có người gọi nơi chúng ta quy tụ trong mấy ngày Trại là “ngôi từ đường” của tổ chức GĐPT. Tôi chỉ tiếc đã không có cơ hội để hát cải lương, ngâm thơ cho nhau nghe hay để hàn huyên, nói chuyện nhiều hơn. Suốt 4 ngày, tôi chỉ ăn cơm chung với quý Anh Chị được hai lần, còn ngoài ra, là những bữa trai tăng với Tăng Ni, đi thăm viếng, dành thời giờ học tập, thuyết giảng và hội họp. Tôi nhớ lại, lúc còn là sinh viên, tham dự một đại hội của AGS Honor Society ở Asilomar, gần Monterey nhưng nội dung sinh hoạt nhẹ nhàng hơn nhiều. Chắc họ ít việc hơn mình! Tôi rất mong, kỳ Đại hội X sắp tới, có thêm phần sinh hoạt Đại hội do anh Đức Tuệ phụ trách, làm cho không khí sống động, vui tươi, sẽ đem lại cho tập thể Huynh trưởng những kỷ niệm vui vẻ, phấn khởi trong lòng. Từ đó, chúng ta sẽ dễ dàng thông cảm, gắn bó với nhau nhiều hơn trong tình thân.
Tôi quan niệm: Người trước, Việc sau. Như đường hướng mà chúng ta thường nêu lên: tất cả cho Đàn Em thân yêu. Lẽ đó, ưu tiên trên hết và trước hết, là phải chăm sóc, hộ trợ tinh thần cho tập thể Huynh trưởng. Với tôi, phần tinh thần và tâm lý rất quan trọng đối với người Huynh trưởng. Không thể nào mang tâm trạng nặng nề, lo lắng trong lòng mà có thể chu toàn trách vụ và đóng góp những ý kiến sáng suốt, đúng đắn cho Tổ chức được.
Ngoài ra thời gian và những khó khăn phải đương đầu cũng là điều kiện thử thách niềm tin và lòng kiên trì cần phải có nơi người huynh trưởng. Tôi có dịp đọc lại biên bản Đại hôị Huynh trưởng toàn quốc kỳ IX năm 2012, và thấy con số Huynh trưởng vào khoảng trên dưới 500 nhưng tham dự Đại hội chỉ chừng 130 người, tức là khoảng 1 phần 4. Không biết, số Huynh trưởng Đại biểu này có là đại diện đầy đủ cho các cấp Huynh trưởng Tập, Tín, Tấn, Dũng hay không? Nếu được thì quá tốt vì chúng ta cần đồng lòng, cảm thông trong Tổ chức.
Hôm trước, trong phần thuyết trình của chúng trại Vạn Hạnh, anh Thiện Lực có dùng mấy chữ bắt đầu của vần T “thảnh thơi tiến tới thành tựu”, coi bộ, mọi người rất tán thưởng. Trong tinh thần lục hòa, tôi xin được chia sẻ 4 chữ trong vần B: buông, bớt, bỏ, bình. Tức là mình cần thực tập Phật pháp để buông xuống những buồn phiền, bớt đi chuyện hơn thua, tranh cãi, bỏ ba nghiệp xấu, thì chúng ta mới có bình an.
Bớt tham muốn, lòng thường biết đủ,
Bớt nói năng, giữ tâm an tĩnh
Bớt lo nghĩ, sống đời thanh thản.
Hãy giữ bình an, thanh thản trong tâm hồn, đừng để những thiên chấp, giận hờn vướng mắc thì chúng ta mới thấy được giá trị đúng đắn của con đường Hoa Sen Trắng, phẩm chất cao quý của lý tưởng người Huynh trưởng, và từ đó, mình mới có thể đóng góp hữu hiệu trong công việc giáo dục tuổi trẻ, góp phần nuôi dưỡng, phát triển những mầm non Việt sinh ra và lớn lên ở xứ người.
Xin cùng góp sức giữ vốn cho quê hương! Mong lắm thay!
Hayward ngày 22 tháng 4 năm 2016
Thích Từ-Lực