Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tùy Bút: Dòng Nhạc Nguyễn Hồng Anh

31/03/201617:50(Xem: 2641)
Tùy Bút: Dòng Nhạc Nguyễn Hồng Anh
Dong nhac Hong Anh-7

Tùy Bút: DÒNG NHẠC NGUYỄN HỒNG ANH
Bài viết của L.s. Nguyễn Tân Hải

 

 

Thế là Hồng Anh và TiVi Tuần San  đã cho trình làng 4 CDs các nhạc phẩm do Hồng Anh sáng tác trong vòng 40 năm qua. Tôi rất ngạc nhiên vì cứ nghĩ là anh làm sao mà có đủ nhạc để thu vào 4 CDs.

 

Quen biết Hồng Anh đă lâu nhưng tôi không ngờ anh sáng tác mạnh đến thế, nhất là vào những năm cuối thập niên 70, một trong những thập niên đen tối nhất của lịch sử Việt nam!

 

Ngồi nhâm nhi tách trà và thưởng thức các nhạc phẩm do anh sáng tác, tôi thấy cả một trời quá khứ hiện lên trong tôi. Anh đã đưa tôi tìm lại những tình cảm thời còn trẻ với những nỗi tuyệt vọng não nề khi chưa trốn chạy ra khỏi cái xã hội được xây dựng bởi một chủ thuyết giáo điều, không tưởng.

Các bài hát trong tập Ca Khúc “Hành Trình Đến Bến Bờ Tự Do” hay gọi tắt là Thân Phận Ca  do Hồng Anh sáng tác chính là để thể hiện bằng lời ca tiếng nhạc thân phận người Việt nam tỵ nạn Cộng sản trong thập niên 80. CD1 và CD2 đã phản ánh trung thực một quá khứ đau thương nhưng hào hùng của người ty nạn Việt nam.

 

Trên đời có những người tôi đã gặp nhưng lại muốn quên và cũng có người tôi còn nhớ mãi dù chỉ gặp một lần. Nhạc sĩ Hồng Anh, tôi đã gặp và không thể nào quên được. Anh trông lịch sự, trí thức, ánh mắt nhìn chân thật, ăn nói nhỏ nhẹ và đậm nét Huế.

 

Có lẽ ngày đến bên bờ tự do sau những lênh đênh trên biển là một trong những ngày hạnh phúc nhất của cuộc đời của người ty nạn chúng ta.

 

Trở về quá khứ, tàu Flora của Đức đã chở chúng tôi rời đảo Kuku để cặp bến Galang vào một buổi sáng tháng 12 năm 1980. Galang là một xã hội nhỏ của người tỵ nạn Việt nam trên đất nước Nam dương (Indonesia). Người Nam dương, chúng tôi gọi là người Indo đối xử rất tốt với người tỵ nạn Việt nam. Trong trại Galang có đủ các ban ngành do người tỵ nạn lập nên và tự  quản trị bởi người tỵ nạn.

 

Thuở đó trưởng trại là anh ĐĐT. Anh vốn là kỹ sư thuộc trường đại học Nông Lâm Súc. Hình như anh tốt nghiệp Khóa 2 thì phải. Anh cởi mở và dễ thương khi gặp lại tôi, người hàng xóm nhỏ của anh ở Thị Nghè. Tôi còn nhớ rõ hồi tôi học đệ Tam ở trường Trung Học Hồ Ngọc Cẩn chính anh ĐĐT là người đã đèo tôi trên chiếc xe Velosolex cũ mèm của anh đến sân trường Đại Học Văn Khoa cũ (năm 1974 là Thư Viện Quốc Gia) để nghe ca sĩ Khánh Ly hát nhạc Trịnh Công Sơn.

Khánh Ly đi chân trần, tay cầm ly rượu champage hát bài Tình Ca Người Mất Trí, nhạc sĩ TCS chơi đàn guitar! Tôi yêu thích nhạc họ Trịnh kể từ đó.

 

Tại Galang tôi làm việc trong ban Trật tự do anh NVS là trưởng ban.

 

Tại ban Trật tự tôi đã gặp nhiều anh em cựu Quân nhân trong đó có anh Hai S., sau nầy anh cũng hoạt động trong Cộng đồng Người Việt Tự Do Victoria. Nhiệm vụ của chúng tôi là giữ gìn trật tự trong trại như những người cảnh sát bán chuyên nghiệp. Mỗi tháng nhân viên ban Trật tự được hưởng một phụ cấp nhỏ. Tiền phụ cấp tuy nhỏ nhưng cũng tạm đủ để mua sữa cho con gái đầu lòng của tôi, lúc đó chưa đầy 1 tuổi, nhà tôi thì vất vả vì đang mang thai cháu thứ 2.

 

Công việc trong Ban Trật tự cũng khá nhàn rỗi – Lên trụ sở Ban nhiều khi chỉ ngồi tán gẫu về cuộc sống tương lai, khi nào thì được phái đoàn Mỹ phỏng vấn, phái đoàn Úc hoặc Canada đến Galang chưa?  và nhất là khi nào thì được đi định cư.

 

Ngoài ban Trật tự thì có lẽ Hội quán Hải quân mang tên Songkla của Chi Hội Cựu Quân nhân Hải quân Hàng Hải Galang là nơi tôi hay lui tới nhiều nhất. Hồi đó anh Lộc (Khoá 20 SQHQNT thì phải) phụ trách Hội quán. Ở Hội quán tôi đã gặp nhiều niên trưởng các khóa SQHQNT. Mọi người tuy ở trại ty nạn mà vẫn mang phong cách Hải Quân. Chi Hội Trưởng Chi Hội Cựu Quân nhân Hải quân Hàng Hải là HQ Đại Úy MCH (Khóa 17) và Cố vấn Hội là HQ Thiếu tá NVD (Khoá 9). Gần như tối nào tôi cũng sang Hội quán uống café và tán gẫu với các hội viên của Hội quán. Mỗi tuần họp một lần. Điểm son của Chi Hội Cựu Quân nhân Hải quân Hàng Hải Galang là thực hiện việc trợ giúp các gia đình HQ đang gặp khó khăn tại đảo Galang và cung cấp thông tin cần thiết cho việc định cư. Đây còn là chỗ anh em Hải Quân liên lạc với các bạn đã định cư ở ngoại quốc.

 

Khoảng cuối tháng 4 năm 1981, anh trưởng trại đề nghị tôi lên Trung Tâm Sinh Hoạt Thanh Thiếu Niên để đóng góp trong một buổi trình diễn văn nghệ được tổ chức để kỷ niệm ngày Quốc Hận, 30 tháng 4. Là một người đã từng khoác áo chiến sĩ Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà và bị bắt đi trại cải tạo bất đắc dĩ sau năm 1975, tôi hăng hái lên Trung Tâm giúp ngay vì sắp kỷ niệm ngày Quốc Hận mà! Đón tiếp tôi là một người tầm thước, kính cận thị với giọng Huế thân mật nhẹ nhàng, anh chính là Hồng Anh, Trưởng Trung Tâm Sinh Hoạt Thanh Thiếu niên. Hồi mới tới Galang, tôi có nghe nói là anh Trưởng Trung Tâm có sáng tác nhạc, nhưng tôi chưa được nghe nhạc của anh. Tôi nhìn anh có dáng dấp của một TCS hồi còn trẻ.

 

Sau hai ngày sửa soạn, buổi trình diễn nhạc tại TTSHTTN được tổ chức vào đúng đêm 30/4/1981 với chủ đề “Hát Cho Những Người Ở Lại Quê Hương”. Buổi trình diễn gặt hái được nhiều thành công với số người tham dự rất đông cùng với những tiếng vỗ tay ròn rã. Tôi được cử làm MC trong buổi trình diễn nhạc này. Tôi giới thiệu các bài hát và ca sĩ. Các bài hát đã được các ca sĩ không chuyên nghiệp trình diễn một cách say sưa, điển hình là bài nhạc ngoại quốc, tôi đã quên mất tên nhưng có lời ca là “Oh oh yeah yeah, I love you more than I can say…” được hát đi hát lại đến 3 lần. Nhạc do Hồng Anh sáng tác cũng đóng góp một phần lớn trong buổi trình diễn. Chính Hồng Anh và một số anh chị em khác trình diễn nhạc của anh, trong đó có nữ ca sĩ MĐ. Nghe nhạc của anh lúc đó thấm tận đáy lòng. Mọi người đều nhớ lại những ngày tháng lênh đênh trên biển để đến được Galang, mặc dù sống thiếu thốn nhưng còn may mắn hơn những người đã chìm xuống lòng biển trên đường vượt biên.

 

 

Chúng tôi quý nhau lắm! Ngày gia đình tôi sắp định cư tại Úc vào tháng 5,  1981, chúng tôi chia tay nhau bùi ngùi và hẹn ngày gặp lại. Hồng Anh ký tặng tôi Tập Thân Phận Ca do anh xuất bản tại Galang. Lúc đó tôi hy vọng  sẽ gặp lại Hồng Anh vì nghe nói Hồng Anh và các em anh cùng xin đi định cư tại Úc.

 

Đến rồi cũng phải đi! Đó là quy luật bất đi bất dịch. Sau khi rời Galang gia đình tôi gồm Bích Thi, nhà tôi, cháu bé Xuân Dung và một cậu cháu của  Bích Thi cùng tôi đến định cư tại Melbourne vào giữa năm 1981. Sau khi đến Úc được ít lâu thì nghe tin Hồng Anh và các em cũng đã đến Úc. Anh đến định cư tại Adelaide trước và sau đó thì chuyển về Melbourne. Về Melbourne lúc đầu Hồng Anh tạm ở nhà tôi trong gần 2 tuần lễ. Kỷ niệm tôi không quên là sáng nào anh cũng cầm đàn và hát một cách rất tự nhiên và nghệ sĩ. Lúc đó Hồng Anh vẫn là chàng trai độc thân, vui tính chưa một lần vướng bận.

 

Chúng tôi đã gặp lại nhau tại Melbourne và cùng sinh hoạt với nhau trong Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại Victoria trong những năm giữa và cuối thập niên 80.

 

Sau khi thưởng thức các bản nhạc trong 4 CDs tôi mới nhận ra là nhạc của Hồng Anh có nhiều thể loại, nhiều lúc khác biệt nhau, từ buồn bã day dứt đến vui tươi sống động, từ điệu Slow đến Twist. Tôi thích nhất là bàiThiền Sư Xuống Núi. Nhiều lúc nghe bài này tự hỏi chắc kiếp trước mình cũng là một thiền sự đang tu học, kiếp này xuống núi mới gặp nhiều cảnh trái ngang của kiếp nhân sinh. Có lẽ để nối một vòng tròn sau đó Hồng Anh đã viết bài Thiền sư Lên núi. Anh là người theo Thiên Chúa giáo nhưng cũng thật lạ, anh nhiễm mùi Thiền như người đã và đang theo chân đức Phật. Trong CD 1 bài Của Hồi Môn nghe thật tươi vui với nhịp 2-4 quân hành.

 

“Xin cho em như trước, tình yêu ta vẫn đẹp luôn”

 

Của Hồi Môn của Hồng Anh thật lãng mạn:

 

 “...Gió, mây, da trời làm áo cưới”... 

“...Ta yêu nhau như yêu chính thân ta”.

 

Trong bài Của Hồi Môn tình yêu đã được thể hiện bằng nhiều cách, thông qua cảnh quan và con người.   

 

Với những lời đau thương cầu khẩn Thượng cứu rỗi người vượt biên Hồng Anh, với điệu slow, đã sáng tác bài Chúa Thấu Dùm Cho bằng song ngữ Việt và Anh. Bài này được sáng tác năm 1979. Tôi chưa hỏi anh để kiểm chứng nhưng có lẽ bài này được sáng tác sau kỳ vượt biên thất bại của anh.

 

Với điệu slow và sự phối hợp của kèn saxophone, bài này mang tính chất tuyệt vọng và cầu khẩn.

Sao Ta Còn Ngồi Đây” đem cái buồn da diết về cho những người muốn vượt biên vào cuối thập niên 70:

 

“Nhìn những chuyến đi xa”... 

“Sao chưa dậy mà đi”

“Chợt nghe tiếng reo hò

Giật mình là giấc mơ”.

 

Với điệu boston và kèn saxophone, bài Sao Ta Còn Ngồi Đây bằng song ngữ đã phản ánh tâm sự nung nấu của những người muốn vượt biên nhưng chưa thành công. Bài này được sáng tác vào năm 1977.

 

Hãy Đến Với Anh Lần Cuối” là nhạc phẩm anh nhắn nhủ người yêu đến gặp mình lần cuối cùng trước khi đi vượt biên. Bài rất buồn và tha thiết.

 

Với “Giấc Mơ Bên Sông” Hồng Anh gửi gấm tâm sự cho người yêu dấu về cuộc sống của người Việt nam sống dưới chế độ cộng sản thời đó.   

 

Với bài “Vòng Quanh Thế Giới” Hồng Anh ước muốn đi vòng quanh thế giới trong khi vẫn còn đang ở Việt nam. Có lẽ mơ ước này là mơ ước của mọi người Việt nam. Đến bây giờ chắc anh đã đạt được  ước mơ này rồi. Nét nhạc tươi vui mang nhiều lạc quan. 

 

Bài “Đêm Đại Dương” mới thật sự mang thật nhiều ấn tượng cho người ty nạn. Hồng Anh sáng tác bài này với những ký ức về lần vượt biên của anh. Tôi nghe bài này mà lòng rung động tơi bời. Kỷ niệm quá khứ lại trở về trong tôi với những cảm giác hãi hùng trên đường vượt biên. Có thể xảy ra như thế thật sao? Tôi tự hỏi.

 

Đường Về Quê” phản ánh tình cảm của anh mong ước được trở về quê cũ. Lyric bài này tha thiết, một cái buồn man mác của một người đã mất đi quê hương cũ.   

 


Nguyen Hong Anh_Sinh nhat chau Evelyn Nguyen

Sinh nhật cháu Evelyn Ý Liên Nguyễn (do Mẹ Bích Thi bế)

và Suzy Xuân Dung Nguyễn (do Bố LS Tân Hải bế)
 được một tuổi năm 1982, Hồng Anh (góc phải)

đàn tặng bài hát cho cháu. Hình người viết cung cấp.



Những cảm giác xa quê ở nơi đất khách quê người đã là chất liệu cho Hồng Anh sáng tác bài “Chiều Viễn Xứ Chiều Nhớ Quê Hương” tại trại ty nạn  Galang. Với Hồng Anh thì kiếp tỵ nạn chỉ là kiếp sống của kẻ bị lưu đày. Nghe bi thảm quá! Nhưng nghĩ sâu xa thì có lẽ  đây là một sự thật. Có làm được gì chăng nữa ở xứ tạm dung thân này cũng chỉ là xây dựng cho quê hương của con cháu mình mà thôi. Hồng Anh cùng với các bạn tỵ nạn ở Galang mà lòng nhớ quê hương da diết và mong ước một ngày trở về xây dựng một quê hương Việt nam tự do tươi sáng.   

 

Trong CD1 ngoại trừ 3 bài đầu được sáng tác vào năm 76, 77 mang tính cách vui tươi còn những bài còn lại, phần lớn đều buồn bã gợi tâm sự của người muốn vượt biên, vượt thoát khỏi chế độ Cộng sản để tìm đến vùng đất tự do.

 

CD 2 tựa đề “Như Người Việt nam” với những bài nhạc được sáng tác trong khoảng thời gian cuối thập niên 70 ngoại trừ 3 bài nhạc được anh sáng tác vào những năm đầu của thập niên 80.

 

Mở đầu với bài “Như Người Việt Nam” sáng tác năm 1984, từ cảm giác buồn bã tiêu cực khi mới vượt biên, anh đã lấy lại tự tin trong nhạc phẩm này:

 

Hãy sống như người Việt nam

 

vì người:

 

Việt nam có trước có sau, có tình đồng bào”.

 

Thật đáng ca ngợi khi anh quan niệm là:

 

Dù có tang thương

 

Hay:

 

Dù có đế vương

 

Ta:

 

Vẫn là người Việt nam”.

 

Chúng ta vẫn hãnh diện là người Việt nam! Chỉ có quan niệm như vậy thì quê hương Việt nam mới tồn tại sau bao nhiêu thăng trầm của lịch sử.    

 

Chuyện Của Tôi” như lời kể lể tâm tình cho người yêu đang ở một nơi nào đó biết đời sống của Hồng Anh ở Việt nam vùng kinh tế mới sau 1975: 

 

“Khi em về tôi kể chuyện em nghe...

Ruộng của tôi lúa ngô khoai của người,

“Chuyện của tôi ngồi đường đứng phố,

Phố năm xưa bây giờ không còn”...

 

Đau xót quá! Bức tranh xã hội miền nam Việt nam sau 1975 được Hồng Anh mô tả một cách rõ ràng qua nhạc phẩm này.

 

Hồng Anh đã để trí tưởng tượng phóng xa trong bài  “Boat People Dance”. Anh đi vượt biên trên ghe, sóng biển gào thét mà ví von tưởng mình đang đi một điệu luân vũ không tên. Tâm trạng anh mang tính cách lạc quan có lẽ vì anh đã đi ra được ngoài biển tạm thoát khỏi những khổ đau của một xã hội mới Việt nam mà mọi người dân miền Nam đều muốn tránh xa! Bài nhạc được làm theo điệu cha cha cha.

 

Bao Giờ Cho Quên” được sáng tác năm 1981, tác giả tự hỏi là đến bao giờ thì nguôi ngoai được nỗi buồn trong đơn côi. Bao giờ thì quên được cái hận mất quê hương hay là cho đến ngày xuôi tay nằm xuống! Cảm nghĩ sâu xa trong mỗi chúng ta cũng như vậy. Theo tôi thì “Không có nỗi đau nào đau bằng mất nước, không có mối hận nào sâu bằng hận mất quê hương”.

 

Bài “Nhớ Nhớ Thương Thương” là một khúc ngoặc đầy ngạc nhiên! Bài nhạc âm hưởng rất vui và dễ thương, gợi nhớ quá khứ khi chàng và nàng quen nhau trong tuổi thanh xuân.

 

Bài “Chim Trong Lồng” nói lên thân phận người dân miền Nam Việt nam sau 1975 như những con chim ở trong lồng, luôn luôn nhớ đến những ngày tháng có tự do, bây giờ đã mất đi rồi. Bài này được dịch ra Anh ngữ và trình bày bằng song ngữ.

 

Biển Vắng” là tiếng kêu gọi thảm thiết của người vượt biên với sự cô đơn không gì sánh nổi.   

Thật khó mà xếp dòng nhạc Hồng Anh vào một thể loại nào. Với TCS tính mơ mộng của Thiền rất rõ. Tình yêu của TCS cũng vậy, đầy tính chất mộng mơ, huyền hoặc. Nhạc Hồng Anh như một giòng sông với nhiều khúc rẽ khác nhau, nhiều khi bất chợt gây ngạc nhiên cho người thưởng thức. Nhạc của anh nhiều lúc buồn thảm tuyệt vọng, nhiều lúc hồn nhiên trong sáng. Có lẽ nhạc của anh phản ánh tâm trạng trong các giai đoạn của đời sống chính anh, một người có thể gọi là đại diện cho người ty nạn Việt nam trong thập niên 80.

 

Với 4 CDs, người viết thích CD1 Của Hồi Môn và CD2 Như Người Việt Nam vì tình cảm và suy nghĩ của “boat people” được Hồng Anh thể hiện một cách khéo léo trong 2 CDs nầy.

 

Mỗi người có một ý thích khác nhau. Có người thích CD3 & 4. CD4 lời bằng Anh ngữ để cho người Úc, người Mỹ nghe. Riêng tôi thì CD1 & 2 “touch my heart” vì những bài nhạc trong 2 CDs này đã phản ánh trung thực những cảm nhận và suy nghĩ của tôi vào những năm cuối 79 và đầu 80.

 

Tôi vẫn thường nghe nói, và nhiều lúc tự vấn lại chính mình, là khi rời xa Việt nam và sống ở ngoại quốc, những cảm quan (feelings) của con người Việt nam thay đổi nhiều. Không có mấy nhạc sĩ Việt nam thành công ở ngoại quốc. Việc sáng tác nhạc bị hạn chế vì hoàn cảnh cơm áo rất nhiều. Ca sĩ hải ngoại trình diễn phần lớn các nhạc phẩm đuợc sáng tác trước năm 1975 ở miền Nam Việt nam. 

 


Nguyen Hong Anh 2

Ban văn nghệ của TTSHTTN Pulau Galang tháng 4 năm 1981.
Hàng đầu: NS Nguyễn Hồng Anh (thứ hai từ trái) và Nguyễn Tân Hải (góc phải). Hình người viết cung cấp.

 

 
Một số nhạc sĩ Việt nam hải ngoại, đếm trên đầu ngón tay, đã cống hiến cho đời một số nhạc phẩm sau năm 1975 nhưng số lượng không “đồ sộ” nếu so sánh với số lượng các bản nhạc do Hồng Anh sáng tác. Với số lượng tác phẩm âm nhạc được sáng tác, theo tôi Hồng Anh xứng đáng có một chỗ ngồi vững chắc trong làng âm nhạc Việt nam hải ngoại. Tôi không muốn và không thể so sánh dòng nhạc Hồng Anh với nhạc của các nhạc sĩ hải ngoại khác nhưng, từ góc độ của người thưởng thức nhạc thì dòng nhạc Hồng Anh đã phản ánh trung thực được nỗi lòng và thân phận của người ty nạn Việt nam trong thập niên 80.

 

Nghe CDs 3 và 4 tôi không ngờ là Hồng Anh vẫn sáng tác mạnh sau khi đến Úc. Tôi nghĩ là anh đã cạn “feelings” rồi sau những tháng năm làm báo, đụng chạm nhiều với thực tế trong đời sống phương Tây, tôi đã lầm! Hồng Anh vẫn còn đầy đủ “feelings” và “passion” để sáng tác và trình bày những tác phẩm của mình.

 

 

Buổi trình diễn Dòng Nhạc Hồng Anh sắp tới đây vào ngày 12/3/2016 tại Melbourne Recital Centre ở thành phố Melbourne sẽ đánh dấu một mốc quan trọng trong làng âm nhạc Việt nam Hải ngoại. Người Việt nam tỵ nạn Cộng sản tại Úc Châu, trong đó có tôi, hãnh diện vì có được một nhạc sĩ và những bản nhạc do anh sáng tác không thua kém nhạc Việt nam được sáng tác tại bất cứ Châu lục nào khác trên thế giới.

 

Nghe nhạc Hồng Anh tôi chợt nhớ lại một bài thơ ngắn trong tập Quốc văn Giáo Khoa Thư, không hiểu vì lý do nào tôi đã thuộc lòng khi còn học lớp Tư ở trường tiểu học Hải dương năm 1954 trước khi di cư vào Nam:

 

“Dô ta kéo gỗ làm nhà,

Kéo vào trong xưởng kéo ra bên ngoài,

Thợ thuyền hì hục ô, mai,

Đóng bàn đóng ghế cho ai học hành,

Một mai nổi tiếng tài danh,

Đừng quên núi đỏ rừng xanh nước nhà”.

 

Nhạc sĩ Hồng Anh đã chẳng bao giờ quên núi đỏ rừng xanh nước nhà qua những nhạc phẩm của anh.

Hồng Anh, anh là người bạn tôi không quên trong đời!

 

L.s. Nguyễn Tân Hải 

Melbourne, Xuân Bính Thân,

Tháng 2/ 2016

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
18/03/2024(Xem: 1017)
Thông Báo Lễ Ra Mắt DVD nhạc : Đêm Thành Đạo của Ca Sĩ Gia Huy, do Gia Huy Music Tâm ca & nhóm Tuệ Đăng tổ chức tại tại San Jose, Cali, Hoa Kỳ ngày 23/3/2024
03/11/2023(Xem: 906)
Nhạc phẩm: Con Xin Sám Hối (Nhạc của Vũ Ngọc Toản, do Ca Sĩ Diệu Đan trình bày)
03/11/2023(Xem: 991)
Nhạc Phật Pháp - Buddhist Music - 佛教音乐 🎯 Đăng kí kênh: ► http://bit.ly/3bNVPBu 📩 Liên hệ bản quyền Csdieudan@gmail.com 💳 Momo: 0988151290 © Copyright 2022 Diệu Đan Official Tags: #DieuDan #Phatgiao #Nhacphatgiao
03/11/2023(Xem: 1281)
Sám Nguyện - Thơ: Thích Nhất Hạnh - Nhạc: Thích Viên Như | Diệu Đan | Nhạc Phật Pháp - Buddhist Music - 佛教音乐 🎯 Đăng kí kênh: ► http://bit.ly/3bNVPBu
12/10/2023(Xem: 2060)
"We Are the World" is a charity single originally recorded by the supergroup USA for Africa in 1985. It was written by Michael Jackson and Lionel Richie and produced by Quincy Jones and Michael Omartian for the album We Are the World. With sales in excess of 20 million copies, it is the eighth-best-selling physical single of all time. Conductor • Quincy Jones Soloists (in order of appearance) • Lionel Richie • Stevie Wonder • Paul Simon • Kenny Rogers • James Ingram • Tina Turner • Billy Joel • Michael Jackson • Diana Ross • Dionne Warwick • Willie Nelson • Al Jarreau • Bruce Springsteen • Kenny Loggins • Steve Perry • Daryl Hall • Huey Lewis • Cyndi Lauper • Kim Carnes • Bob Dylan • Ray Charles
12/09/2023(Xem: 1767)
Album nhạc Ca Khúc Xúc Động về Thầy | Nhạc của MC Lâm Ánh Ngọc: Ca Sĩ trình bày: Lâm Ánh Ngọc, Phương Thảo, Trần Ngọc Tuấn, Thu Trang, Hạnh Nguyên
22/06/2023(Xem: 3498)
Văn nghệ trong GĐPT là một bộ môn không thể thiếu, có tác động vô cùng lớn trong sinh họat và là một phương tiện truyền đạt giáo lý, giáo dục rất hữu hiệu. Người huynh trưởng GĐPT do đó ngoài vai trò giáo dục thường là những người nghệ sĩ có trái tim rung động, có trí óc sáng tạo và hiểu rõ những tác dụng của ngôn ngữ, âm thanh.
20/04/2023(Xem: 1670)
9 Nhạc Phẩm Phật Giáo Hay do Ca Sĩ Thuỳ Linh trình bày
06/04/2023(Xem: 1035)
Giới thiệu Tuyển Tập Nhạc Phật Giáo của Nhạc Sĩ Minh Thiện Phước
03/04/2023(Xem: 1163)
Nhạc phẩm: Hỏi ( nhạc sĩ Phi Long Thích Viên Giác)
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567