Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 5:Tuần Bách Nhật, nhớ Thầy

19/02/201617:15(Xem: 3201)
Bài 5:Tuần Bách Nhật, nhớ Thầy

TUẦN BÁCH NHỰT, NHỚ THẦY

 

 

Gần một trăm ngày trôi qua tính từ ngày vĩnh biệt nhau, bên dòng đời như vẫn vô tình trôi chảy theo cuộc sống hằng ngày nhưng hình ảnh thầy Hạnh Tuấn vẫn hồn nhiên sống động bên tôi như chưa hề có chuyện âm dương cách trở.

Nhiều lúc, tôi không thấy cần phải tự dối lòng vì hình dáng, tiếng cười, lời nói quen thuộc của Thầy như vẫn hiển hiện, quanh quẩn bên mình, như thể tai nạn xảy ra ở Chicago là chuyện không có thật và cái cảm giác "bàng hoàng tấc dạ, bâng khuâng nỗi lòng" chỉ đến lúc canh khuya một mình đối bóng với thực tại. Lòng bùi ngùi vô hạn ấy đã chập chờn theo tôi trong suốt thời gian cùng với một số thân hữu  thực hiện và hoàn tất đúng kỳ hạn tập Kỷ Yếu ghi lại kỷ niệm cùng một số hình ảnh liên quan đến Thầy như là một cách kéo dài cuộc họp mặt với một pháp lữ đàn anh đồng hành cùng khoác áo nâu sòng, cùng sống với tình Lam qua bao nhiêu năm tháng trên đời.

ngay-2-tthanhtuan-2

       Tôi rất cảm động khi qua bài viết của anh Bùi Văn Đức, anh ruột của Thầy, mà biết thêm được trái tim nhân ái của con người mẫu mực đó. Không chỉ là một người ham học, cầu tiến trên phương diện tri thức, Thầy còn là người năng động, dấn thân, tích cực trong những hoạt động đóng góp cho xã hội về nhiều phương diện cả về đạo lẫn đời. Thầy có mặt trong chương trình giúp đỡ thiết thực người khiếm thị, khuyến khích trẻ hiếu học bên cạnh việc vận động công tác trùng tu Tổ đình ở quê nhà. Như thế, trong sáu mươi năm tại thế, con người chuyên cần trong rèn luyện và tận tụy trong cống hiến đã để lại cho thế hệ sau những bài học thể hiện tinh thần cầu tiếnphụng sự vốn thực sự cần thiết cho sự phát triển của xã hội, tập thể hay tổ chức.

     Trước hết, chúng ta được biết, con người mẫu mực trên đã dành một phần lớn đời mình cho việc trau dồi tri thức và kiến thức tại nhà trường, tại quê nhà và tại Hoa kỳ. Anh Trần Nguyên Liêm, một người con xứ Quảng, cho biết, khi học trường Trung học Trần Quý Cáp, Thầy đạp xe mỗi ngày đi học, cùng với việc tu tập ở chùa. Vào Sài gòn, dù hoàn cảnh cá nhân khó khăn, Thầy vẫn không xao lãng việc học tập trong chương trình Cao cấp Phật học Đặc biệt ở tu viện Quảng Hương Già Lam. Rồi khi đặt chân đến Mỹ, ròng rã hơn 20 năm, Thầy dành nhiều thời gian cho việc học. Từ năm 1987 ở City College of San Francisco, chuyển qua San Francisco State, cho đến khi lên bậc Cao học ở Harvard University, và sau cùng về UC Berkeley học chương trình tiến sĩ từ năm 1996. Những năm tháng đó, tôi cũng vừa  dời về thành phố Hayward lập đạo tràng, sinh họat với mọi giới Phật tử. Không gặp nhau thường xuyên nhưng khi hữu sự, thì đều đến với nhau, tìm cách giúp nhau chân thành. Tại Trung tâm Phật giáo Hayward vào thời kỳ phôi thai, trong một khóa Tập sự Xuất gia hàng năm, tôi đã thỉnh Thầy giảng cho một bài Phật pháp, và cùng ăn cơm trưa trong nghi thức Quá đường. Nay nhìn lại tấm hình kỷ niệm năm xưa, tôi không thể quên bầu không khí ấm cúng, thân mật, chân tình hiện ra trước mắt.  Đáp lại, tôi cũng có mặt  khi Thầy cần đến. Trong đó, có một việc thuộc loại “nhớ đời” mà tôi không bao giờ quên. Đó là việc Thầy thành lập Niệm Phật Đường Phước Lâm ở San Pablo vào khoảng năm 2004. Công việc không đạt được kết quả như ý muốn nhưng chính điều này mới nói lên con người thật của Thầy Hạnh Tuấn. Bất chấp trở ngại, khó khăn, thiếu thốn nhưng nếu thấy hợp lẽ, hợp với suy nghĩ của mình là bắt tay hành động! Tôi cũng xin tự nhận thuộc loại người thường “mơ mộng” chuyện trên mây nhưng so với Thầy, thì chưa thấm tháp vào đâu cả. Thầy tính chuyện lập chùa ngay giữa chợ, giữa nơi phồn hoa huyên náo!

Chúng ta biết vậy để hiểu Thầy, thương Thầy nhiều hơn vì Thầy muốn làm việc đó để báo ơn tôn sư bằng một công tác hoằng dương khi vận động thành lập NPĐ Phước Lâm. Sự việc khởi đi từ chuyện có người phát tâm ủng hộ Thầy một gian phòng lớn trong một địa điểm thương mại, căn phòng rộng trên 4,000 bộ vuông (square ft.), miễn phí trong 6 tháng đầu, sau đó, giá thuê rẻ chỉ có vài mỹ kim cho mỗi bộ vuông. Thầy còn thuê một căn nhà gần đó để làm nơi trú ngụ và điều hành công việc. Hàng tháng phải trả trên dưới 2,000 mỹ kim. Thầy dự tính sẽ mở sinh họat tôn giáo vào mấy ngày cuối tuần với phần giảng Phật pháp bằng 3 ngôn ngữ Việt, Anh và Hoa, sau này có thể thêm tiếng Spanish nữa. Có ngày tu Bát quan trai, có sinh họat chuyên biệt cho giới trẻ. Kế hoạch dự trù thật hấp dẫn và “hiện đại” được Thầy hoài bão với biết bao thành tâm và phấn khởi.

Thầy nhờ tôi làm công việc của người giới thiệu chương trình trong buổi lễ An vị Phật và kêu gọi Phật tử địa phương ủng hộ. Tôi đã làm mọi việc trong khả năng và hoàn cảnh của mình, có mặt trong ngày lễ An vị và cúng dường tịnh tài để Thầy làm “vốn” lên đường.

Nhớ lại vào thời gian khởi đầu, nhân lúc quây quần trong một bữa ăn ở Từ Quang, Thầy đưa ra lập luận thật vững vàng nhưng không kém phần chủ quan, lạc quan hiếm có cho kế hoạch hoằng pháp của mình.

    Một là, nơi dự trù gần một sòng bài là chỗ những người ham thích đỏ đen, ăn thua, sát phạt nhau. Người ta tạo ra nhiều mê lầm, khổ đau, thì mình đem ánh sáng Phật pháp tới với tiếng mõ sớm chuông chiều cũng là việc làm ít nhiều tác dụng thức tỉnh lòng người mê đắm trụy lạc.

Hai là, với giọng thật lạc quan, Thầy tiếp, “ có được duyên may được người ủng hộ căn phòng rộng với sáu tháng không trả tiền sau đó tiền thuê với giá rẻ thôi. Mình là người tu hành, tính toán chi nhiều cho mệt, cứ làm thử cái đã!” Và Thầy tiếp tục vạch chương trình, phác họa việc hiện thực ước mơ khiến một người có tiếng "mơ mộng" như tôi cũng phải e dè!

Con người nhiệt thành với chủ trương và nhiệt tín với ước mơ này đã đem theo mọi đức tính cũng như nhược điểm trong những hành động theo đuổi. Chuyện thống nhất các tổ chức Phật giáo Việt nam ở Hoa Kỳ cũng vậy. Thầy đóng góp thật hăng say và tin tưởng dẫu cho phải đối diện ngay với những khó khăn, trở ngại thực tế. Dù sao, Thầy cũng sống thật với chính mình. Làm việc gì, Thầy cũng làm với cái Tâm không mong cầu, cố vượt lên trên những dị biệt, so sánh thường tình của thế gian. Thầy là một con người tài hoa, tràn đầy tinh thần phụng sự Tam Bảo với tâm hồn hết sức cởi mở, hăng hái của tuổi trẻ.

Năm 2010, nhân dịp lễ Khánh thành chùa Phổ Từ, Thầy cũng là người đưa ra sáng kiến kêu gọi hợp nhất trong tổ chức Gia đình Phật tử và hứa sẽ hoạt động tích cực cho cuộc vận động hòa ái này.

Tôi nghe lời Thầy, soạn một thư ngỏ và gởi đi khắp nơi. Hồi âm có nhiều nhưng ước mơ của Thầy - cũng là ước mơ chung - vẫn còn nằm trong ý thức của những người có trách nhiệm.

Sau nữa, trước sự nghiệp dang dở mà Thầy đảm đương, tôi xin phép được tác bạch cùng Thầy những việc mà chúng ta có nhiệm vụ phải hậu thuẫn, tiếp nối và tiếp tục hành động như khi Thầy hiện tiền.

 

 Kính bạch giác linh Thầy,

Chúng con đều biết rằng việc hợp nhất trong tổ chức và hoạt động của mái nhà Lam là chủ trương, là mong muốn lớn lao nhất của Thầy. Chúng con sẽ tiếp tục làm việc theo đường hướng và quyết nghị chung của Tổ chức để mong ước trên sớm thành tựu. Chúng con vững tin rằng công cuộc hợp nhất là mối quan tâm chung tất sẽ dẫn đến biến chuyển thuận lợi trong tương lai gần. Riêng con nghĩ việc làm này cần tiến hành theo chiều hướng vừa duy trì được cơ sở hạ tầng và niềm tin của tập thể Huynh trưởng cũng vừa giữ vững được nền tảng cho việc thăng tiến lâu dài của Tổ chức. Phải đặt quyền lợi tập thể lên trên những suy nghĩ cá biệt. Phải đi theo nẻo sáng của Đạo và thường xuyên cẩn trọng đừng để lạc hướng theo cách xử sự câu chấp thông thường của thế nhân. Mọi tương quan giải quyết cần hội đủ tiêu chuẩn và phù hợp với mục đích chung: lợi Đạo, ích Người.

Nhìn vào thực tế sinh hoạt của tổ chức GĐPT ở Hoa Kỳ hiện nay, công tác vận động hợp nhất có thể tạm phân làm bốn (4) bước:

1.    Chuẩn bị tinh thần những Huynh trưởng hữu trách hay liên hệ để họ có đủ năng lực kiến giải, niềm tin khi trao đổi quan điểm, thảo luận về vấn đề hợp nhất. Cần có những khóa Tu Học dành cho việc thực tập hạnh Lắng Nghe của Bồ tát Quan Âm. Nghĩa là cần nghe như thế nào để có thể hiểu được những điều người kia không nói ra, mới là đạt được kết quả đối thoại cần thiết. Khi nào cảnh “một lời nói qua, ba lời nói lại” còn tái diễn, làm mất hòa khí với nhau, thì tình trạng nghi kỵ, phân ly vẫn không đổi khác. Có điều mừng là  hiện nay, các Ban Hướng Dẫn đã có thành phần nghiên cứu vấn đề này nên hy vọng rằng với sự khuyến khích của chư Tôn Đức, vấn đề hợp nhất sẽ được thảo luận trong tinh thần mới, trong thông cảm, chân thành, lạc quan như mong đợi của bao mối quan tâm nơi kẻ  còn người mất.

2.   Nỗ lực tiến tới hợp nhất không còn là trách nhiệm của hàng Huynh trưởng hữu trách mà còn là ý thức của mọi phần tử thuộc mọi thành phần trong tổ chức. Để xây dựng vững chắc ý thức trên, chúng ta mở rộng chương trình Tu Học đến từng miền, vùng và  các đơn vị địa phương. Làm thế naò để người Huynh trưởng nào cũng thấy rõ ràng và đúng đắn trách nhiệm của mình đối với Tổ chức.

Chúng ta hãy lắng lòng nghe lại lời khuyên của Sư Ông Nhất Hạnh vào năm 1995 trong lời giới thiệu tập sách “Gia Đình Phật Tử Việt Nam: 50 năm Xây Dựng” như sau: “Tổ chức Gia Đình Phật Tử có thể được gọi là tổ chức Thanh Thiếu Niên Phật tử có phẩm chất và số lượng cao nhất trong số những tổ chức giáo dục Thanh Thiếu Niên Phật tử trên thế giới. Tuy nhiên, trong mười mấy năm gần đây vì tình trạng chiến tranh và chính trị không thuận lợi nên tổ chức này đã không tiếp tục phát triển và lớn mạnh như mong ước của nhiều người. Cùng với thời gian, bản chất và sức sống của tổ chức đã bị hao mòn và khô cạn bớt.

Cũng như bất cứ một thực tại sinh động nào, tổ chức Gia đình Phật tử cần được làm mới lại để có thể khôi phục và phát triển sức sống của nó. Nếu chúng ta không có những nỗ lực để làm mới lại tổ chức Gia đình Phật tử thì trong tương lai tổ chức này sẽ chỉ giữ được cái vỏ hình thức, mất đi cái sức sống mãnh liệt của những thập niên ban đầu. Chúng tôi ao ước các bạn có tâm huyết và thao thức về vận mệnh của tổ chức Gia đình Phật tử có thể tìm tới với nhau trong những khóa tu học để có thể phát triển và cung cấp những chất liệu cần thiết cho sự đổi mới đó”. Thấy được giá trị cao quý của tổ chức rồi, chúng ta mới hết lòng hy sinh để đóng góp và bảo vệ tổ chức.

3.     Kế tiếp là tổ chức những khóa Hội thảo ở từng khu vực có nhiều huynh trưởng đang sinh họat. Các Anh chị Huynh trưởng cao niên là những người đầy nhiệt huyết và có nhiều kinh nghiệm đối với Tổ chức sẽ là những người hướng dẫn trực tiếp các khóa Hội thảo này. Khóa hội thảo được tổ chức như sau. Trong một ngày cuối tuần, chúng ta có một buổi tụng giới, ôn lại điều luật của Huynh trưởng vào buổi sáng, sau bữa trưa là cuộc hội thảo trong vòng 2 - 3 tiếng đồng hồ, về tình trạng sinh họat của tổ chức GĐPT hiện thời và đặc biệt chú trọng đến những khó khăn, trở ngại cần phải vượt qua. Sau khi lắng nghe nhau “cho tận nguồn cơn”, chúng ta cùng nêu lên những phương hướng sinh hoạt, làm việc thích hợp và cần thiết. Những cuộc hội thảo thu hẹp như trên sẽ góp phần vào việc mở đường chuẩn bị cho những cuộc trao đổi trên quy mô lớn và như thế, ít nhiều góp phần vào việc thành hình xu thế thuận lợi cho việc gầy dựng tinh thần hợp nhất.

4.     Sau nữa, một hay nhiều trại Họp Bạn được tổ chức giữa các Ban Hướng Dẫn, sẽ hình thành một tinh thần mới, một sinh khí mới cho Tổ chức. Đến đây thì con đường Hợp Nhất không còn xa lắm! Chỉ cần sau vài lần Họp Bạn, qua vài lần “hội họp trong hòa hợp và giải tán trong hòa hợp” thì trong thâm tâm mỗi người đều thấy phát triển hay hồi sinh mối tình cảm của người nhận ra là con chung một nhà. Cuối cùng, Đại hội Huynh trưởng Toàn Quốc sẽ là sự xác nhận giềng mối được nối liền, xóa đi mọi tị hiềm, nghi kỵ của quá khứ. 

Viễn ảnh mà chúng con bạch cùng Thầy không là mơ ước xuông vì lịch sử là điều có thể được lặp lại. Chúng con hằng nhớ đến cuộc kết tập trọng đại mang ý nghĩa hợp nhất tại chùa Xá Lợi, Sài gòn trong các ngày 26, 27 và 28 tháng 12 năm 1961, ngày mà tổ chức Gia đình Phật tử Nam-Trung-Bắc được kiện toàn và quy về một mối. Ngày nay, sau 55 năm, trong một hoàn cảnh lịch sử khác biệt, thế hệ Huynh trưởng hôm nay thực hiện được cuộc hợp nhất như sự chứng minh cho tinh thần tự thắng và vượt thắng chướng duyên, nghịch cảnh.

Con thiển nghĩ, mọi hành động quý là phát xuất từ Tâm, như lời cụ Nguyễn Du, chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài. Đức Thế Tôn còn dạy rõ hơn trong kinh Pháp Cú: Tâm làm chủ mọi pháp. Người Huynh trưởng nào mà thấy và hiểu được điều này thì không có khó khăn nào mà không vượt qua, không có đổ vỡ nào mà không hàn gắn. Chỉ bằng Tâm trong sáng, Chí vững bền mà thôi. Xin Thầy linh thiêng phù hộ anh chị em Huynh trưởng - những người bạn đồng hành với chúng ta bao nhiêu năm nay - bước đi thêm vững bền, đúng hướng.

Đó là chuyện chung, còn một chuyện riêng nữa, Thầy có muốn nghe con nói nữa không? Sau Tết, con dự định sẽ đi thăm hai ngôi trường ở San Francisco để viết tiếp cuốn sách “40 năm ở Mỹ”, những ngôi trường mà Thầy và con đều học ở đó một thời. City College trên đường Phelan, và SF State gần trạm xe MUNI chữ M trên đường 19th Avenue. Thầy muốn nhắn lời nào cho những ngôi trường thân yêu này không? Nơi đã giúp chúng ta tăng thêm kiến thức để phụng sự Tam bảo. Nơi giúp ích rất nhiều cho việc tăng trưởng suy nghĩ, nhận thức, định hướng sau này.Thầy và con đều đồng ý là thế hệ Tăng sĩ trẻ, bên cạnh chuyện tu tập, phải tìm mọi cách để học,thu thập tri thức thì việc ứng dụng đem Đạo vào Đời ở xã hội Tây phương mới có hiệu quả. Ngày Thầy học ở Harvard cũng là lúc con học thêm khóa Tu nghiệp ở University of the Pacific, Stockton, có tên: “Certified Program of Church Management” để học cách làm Trụ Trì ở xứ người, mà theo suy nghĩ của thầy Đức Niệm, là một xứ có cả rừng luật lệ mà nếu chúng ta không nắm vững một số nguyên tắc cơ bản về luật pháp, thuế vụ, hay kế toán… thì làm sao mà giữ vững và phát triển sinh họat của ngôi chùa.

Con sẽ đến ngồi lại trên chiếc ghế trước thư viện. Biết đâu, con có thể tìm lại được những bâng khuâng của người sinh viên năm nào trước khung trời hồn nhiên rộng mở. Nhớ lại những ngày sống chung ở Từ Quang, khi gặp nhau, chúng ta vui như ngày hội! Tâm hồn ta mở rộng, lạc quan như thể luôn luôn được đời chào đón. Câu nói tán thán của Thầy khi nào cũng thêm chữ “vô cùng”, thầy Quảng Chơn là “cực kỳ”, còn thầy Thế Hiền, còn chú Từ Minh nữa, ôi thôi, câu chuyện nào, lời nói nào cũng làm xao động tâm can mình hết!

Bây giờ, mọi chuyện cũng đều qua rồi, thỉnh thoảng con cũng thấy “hết sức” trống vắng trong lòng, Thầy ơi! Có còn chăng, chỉ là một chút tấm lòng với nhau mà thôi.

Để con đọc lại bài hát “Không Đến, Không Đi" như là lời tạm chia tay, rồi chúng mình lại tương phùng trong hạnh nguyện xuất gia, trên đường hoằng pháp lợi sanh.

Không đi đâu, cũng không cần đến

Không trước cũng không sau.

Cầm tay nhau, đứng bên nhau

Chia tay, bước cho thảnh thơi.

Cũng bởi vì chúng ta đã có nhau rồi từ lâu.

Cũng bởi vì chúng ta sẽ có nhau hoài mai sau.

 

Xin nhớ lời thầy Minh Dung bên linh đài Thầy. Rong chơi một thoáng phù du, rồi sớm trở lại “nước Mỹ của chúng tôi”, Thầy nghe.


Hayward, những chiều cuối năm Ất Mùi (2015)

Thích Từ-Lực

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com