Lý lịch của người phụ nữ có tiền án trên tờ tiền ÚC
Lý lịch có tiền án tiền sự ư? Vậy thì đã sao? Vẫn trở thành vĩ nhân có ảnh trên tờ tiền Úc
Mary Reibey sinh năm 1777 ở Anh. Mới hai tuổi đã mồ côi cả cha lẫn mẹ rồi lớn lên ở trại mồ côi. Trốn chạy cuộc sống khắc nghiệt đói khát và cực khổ, Mary trở thành đứa trẻ bụi đời có thành tích bất hảo, chẳng bao lâu sau cũng sa lưới pháp luật. Năm 1791, Mary mới 14 tuổi bị bắt vì tội trộm ngựa, cộng với nhân thân lắm tiền sự, Mary bị cho án 7 năm lưu đày sang Úc, lúc bấy giờ là đảo nhà tù của Anh. Sau một năm lênh đênh trên chuyến tàu biệt xứ, Mary cập bến Sydney năm 1792 khi mới 15 tuổi.
Mary cùng các bạn tù trở thành nhân công ở nơi ‘hoang đảo’ đất rộng mà ít người, nên tù nhân được tự do đi làm thuê để nuôi thân và được khuyến khích ở lại Úc định cư khi mãn hạn tù. Trong một lần làm bốc vác cho tàu chở hàng Britannia của Anh đang cập bến Sydney, cô gái 17 tuổi không rời mắt nhìn chàng sĩ quan trẻ hào hoa trong bộ cánh hải quân màu trắng, như nhìn thấy hoàng tử hiện ra từ cổ tích. Thomas Reibey cũng không thể không thấy ánh mắt ngưỡng mộ với nồng nàn say mê của cô gái trẻ khỏe mạnh đầy vẻ hoạt bát tự tin mà cũng rất xinh xắn. Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, tình yêu nảy nở giữa hai người trẻ xa quê và quyết định thành hôn với Mary cũng là bước ngoặt để Thomas quyết định rời tầu và ở lại thành phố cảng Sydney để chung sống với nàng.
Do chính sách khuyến khích định cư và tăng trưởng dân số ở xứ thuộc địa xa xôi của Anh quốc, đôi vợ chồng trẻ được chính phủ cấp đất ở vùng Hawkesbury lúc đó còn hoang vắng làm nhà ở và làm trang trại. Với kinh nghiệm chạy tầu, lại có nhà ở ngay vùng cửa sông, Thomas mở đường tàu thủy chạy đường sông từ Hawkesbury tới Sydney. Nhờ làm ăn khấm khá, họ mua đất đai mở rộng trang trại, kinh doanh bất động sản, xây cất nhà cửa ở Sydney. Trở nên giàu có, ông bà đóng được chiếc tàu hàng Mercury kinh doanh đường tàu chạy viễn dương chở hàng từ Australia tới các đảo trên biển Thái Bình dương.
Sau khi chồng mất, bà vừa một tay cáng đáng gia đình 7 đứa con, vừa một tay cai quản mở rộng hoạt động kinh doanh còn lớn mạnh hơn trước. Từ đó Mary Reibey nổi tiếng là một doanh nhân thành đạt nhờ khả năng nhậy bén và các quyết định khôn ngoan. Bà cũng là người dấn thân vào công việc thiện nguyện cho nhà thờ và đóng góp tiền bạc cho các cơ sở giáo dục đặc biệt cho phụ nữ và trẻ em. Bà còn tham gia hội đồng quản trị các cơ sở giáo dục bên cạnh việc trực tiếp dạy học để động viên các cô gái trẻ vươn lên giành lấy cơ hội thành công. Bà không bao giờ trở về Anh mà sống ở Úc tới ngày mất năm 1855, thọ 78 tuổi. Ngày nay người ta vẫn bảo phụ nữ ở Australia được trọng vọng vào hàng số một, cũng là nhờ tấm gương những người tiền phong như bà.
Mary Reibey là người có công mở mang xây dựng và doanh thương, làm lợi cho gia đình và làm lợi cho quốc gia còn có công lao đóng góp cho sự nghiệp giáo dục nước nhà. Ảnh bà được in trên tờ tiền $20 với hàng chữ in tên bà và cả chữ ký của bà nữa. Như nhắc nhở tới sự thành đạt của bà, trên tờ tiền còn có cả hình ảnh chiếc thuyền buồm viễn dương Mercury và tòa nhà lớn do bà làm chủ tọa lạc trên đường George Street (ngày nay là con đường trục chính đắt giá nhất ở trung tâm thành phố Sydney).
Hôm nay nhân ngày Australia Day, câu chuyện nhỏ này xin là hoa cắm trong nhà để mừng quốc khánh Úc 26/1. Xin cảm ơn nước Úc nhân từ và vô cùng bao dung đã cho người nhập cư, dù người đó là ai, dù người đó có lý lịch thế nào, ai cũng có cơ hội xây dựng sự nghiệp và đóng góp cho xã hội, và có cả cơ hội vô song là có mặt trên tờ tiền ở quốc gia nơi quê hương mới.
THANK YOU AUSTRALIA
KIM CHI