Namo Sakya Muni Buddha
Thanh Tịnh Thí
Một thời Thế Tôn trú ở Kosambi, Ngài cho gọi các Tỷ khưu:
Này các Tỷ khưu, có bốn thanh tịnh thí vật này.
Thế nào là bốn?
1, Có bố thí thanh tịnh từ người cho, không thanh tịnh từ người nhận;
2, Có bố thí thanh tịnh từ người nhận, không thanh tịnh từ người cho;
3, Có bố thí không thanh tịnh từ người cho cũng không thanh tịnh từ người nhận;
4,Có bố thí thanh tịnh từ người cho cũng thanh tịnh từ người nhận.
Ở đây, này các Tỷ khưu, người cho có giới, (thiện pháp) còn người nhận là ác giới, (ác pháp).
Như vậy là bố thí thanh tịnh từ người cho, không thanh tịnh từ người nhận.
Này các Tỷ khưu, ở đây, người bố thí không có giới, (ác pháp) còn người nhận có giới,(thiện pháp).
Như vậy là bố thí người nhận thanh tịnh, người cho không thanh tịnh.
Ở đây, này các Tỷ khưu, người cho là ác giới, (ác pháp) và người nhận cũng là ác giới,(ác pháp).
Như vậy là bố thí, người cho không thanh tịnh và người nhận cũng không thanh tịnh.
Này các Tỷ khưu, ở đây, người bố thí có giới, theo thiện pháp và người nhận cũng có giới,
theo thiện pháp. Như vậy là bố thí người cho thanh tịnh và người nhận cũng thanh tịnh.
Này các Tỷ khưu, có bốn thanh tịnh thí vật này.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương IV, phẩm không hý luận, phần thanh tịnh thí vật,
VNCPHVN ấn hành năm 1996, tr706).
Bình Giải:
Bố thí và cúng dường là một trong những pháp tu quan trọng của hàng Phật tử.
Tuy nhiên, để bố thí và cúng dường thực sự có lợi ích, mang ý nghĩa tịnh thí thì người
cho lẫn người nhận phải nỗ lực để tự hoàn thiện mình. Biện chứng tương quan giữa cho
và nhận của tịnh thí cho thấy không phải hễ có tài vật là có thể cho một cách đúng pháp được
đồng thời cũng không thể nếu có người cho, dù thành tâm mà có thể vô tư để thọ nhận được.
Người cho hãy quán sát xem những gì được đem cho xuất phát từ đâu, có phải tịnh vật hay không?
Người nhận cũng nên tự vấn lương tâm xem mình đã xứng đáng, có phần nào tương ứng để thọ
nhận sự bố thí và cúng dường, để hồi hướng phước báo cho thí chủ hay không? Nếu tương quan
này khập khiễng tức giữa người cho hoặc giữa nhận không thanh tịnh thì sự tịnh thí không thành,
thậm chí chỉ còn lại hình thức trao đổi, hoán chuyển giá trị như muôn vàn sự trao đổi khác trong
cuộc sống.
Vậy thì, muốn có được sự tịnh thí, người cho và người nhận chỉ cần tuân thủ nguyên tắc
“có giới, theo thiện pháp”. Khi một người sống trong sự bảo hộ của giới pháp đồng thời nỗ lực
làm các việc lành thì tự thân đã đầy đủ phước báo xứng đáng để cho và nhận. Trong mọi trường hợp,
thành tâm và nhất tâm vẫn là điều kiện cơ bản và then chốt nhất để tác thành tịnh thí.
Cho là một nghĩa cử cao đẹp, là biểu hiện của tâm xả. Tuy vậy, để sự cho (thí xả) của mình
đạt được phước báo viên mãn thì phải nỗ lực để thanh tịnh thí tức người cho, vật đem cho và
người nhận phải thanh tịnh và nhất tâm. Nỗ lực tu học, sống “có giới, theo thiện pháp” nhằm
trang nghiêm phước báo tự thân nhờ tịnh thí là phương châm sống của những người con Phật.
Namo Buddhaya
Là Thế Chuyện Đời
Cuộc đời chẳng lợi thì danh
Không danh thì lợi - Chẳng tranh mới nhường
Lòng người không ghét thì thương
Không thương thì ghét, không buồn thì vui.
Đường đời không tới thì lui
Không thăng thì giáng, không lùi thì lên.
Ân tình không nhớ thì quên
Không thân, không thế - Không tiền, không yêu.
Tình đời nắng sớm mưa chiều
Mang lòng Thị Nở, Thúy Kiều ngoài da.
Tâm hồn không Phật thì Ma
Vòng vo trăm kiểu nào qua Tình, Tiền
Trường đời không chức, không quyền
Không trên thiên hạ, không yên trong lòng.
Sự đời mới chuộng cũ vong
Không thương, ai giận, ai mong, ai chờ?
Sang giàu không hết bơ vơ
Nghèo xơ xác, vẫn biết Cho, không nghèo
Nhân tình thế thái eo xèo
Tấm thân tứ đại bọt bèo sắc, không.
- Thiên thu vẫn thế lòng vòng
Nghêu ngao điệp khúc bềnh bồng, đổi thay
Mênh mang hư thực kiếp này
Hai bờ buông xuống, là đây lối về.
Sắc, thinh.. bỏ lại bên lề
Ngồi yên lặng lẽ tràn trề thái hư.
Người về trong cõi Như Như
Thương người ôm mộng khư khư.., cũng đành!
Như Nhiên
Thích Tánh Tuệ
Gửi ý kiến của bạn