Tôi đã lớn lên cùng với những dòng Bát Nhã Tâm Kinh. Những lời sắc bất dị không đã nghe âm vang như tiếng mõ ban mai, như tiếng tim đập của những ngày vui và của những đêm buồn, như tiếng mưa rơi mái hiên trong những buổi chiều ngồi đọc thơ Nguyễn Du.
Tương tự như thế, tôi cũng say mê Kinh Pháp Bảo Đàn, trong đó nhớ nhất là câu “bản lai vô nhất vật” -- trước giờ chưa từng có một vật -- những chữ này làm sáng rực những trang kinh, làm tràn ngập lòng tôi những niềm vui như trưa nắng sân chùa. Cho dù, thú thật, ngay cả từ thời thơ trẻ, hiểu chỉ lơ mơ, và tu chỉ dò dẫm.
Trong tận cùng, sau này tôi thấy, pháp Phật chỉ là “không để tâm dính vào bất kỳ một pháp nào,” nghĩa là, như Kinh Kim Cang nói, ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.
Tôi tin Đức Phật dạy thiên kinh vạn quyển, chỉ nhằm đưa chúng sanh qua bờ giải thoát. Và khi tới bờ bên kia xong, bè nào cũng nên buông bỏ -- dù là bè Có, hay bè Không. Nhưng thực sự, Kinh Phật đã dạy, hễ dính chặt vào bè nào, cũng không qua nổi bờ bên kia.
Tuy nhiên, muốn qua sông, tất nhiên phải cần có bè. Chỉ nói chuyện bám vào bè mà bơi thôi, chớ không dám nói gì tới chuyện đứng trên bè đề hiên ngang vượt sóng qua sông. Bởi vì chúng ta mang trên người tập khí trăm kiếp nghìn đời, nay cơ may gặp Phật pháp, nếu sơ xẩy là bị cuốn theo dòng sinh tử liền.
Nhiều thập niên sau, tôi ngạc nhiên khi nhận ra một số người dị ứng với Bát Nhã Tâm Kinh và Kinh Pháp Bảo Đàn. Lý do, họ nói, vì không nằm trong Tạng Pali. Tất nhiên. Nhưng, tuyên thuyết lại lời Đức Phật có gì là không nên, nếu chúng ta có thể làm ngắn gọn hơn, dễ hiểu hơn, dễ tiếp cận hơn đối với một số độc giả?
Tôi nghĩ, mình sẽ đọc lại, nhưng bản thân lại không có năng khiếu về ngôn ngữ. Tôi vẫn thán phục những người giỏi nhiều thứ tiếng, nhưng mình thì không thể như thế, vì riêng tiếng Việt, tự thấy học trọn cả đời vẫn chưa tới đâu. Do vậy, tôi chọn cách đơn giản hơn: tìm đọc bằng tiếng Anh; một phần vì, hiện nay đã có nhiều bản Anh dịch, và có thể đối chiếu với nhau. Thế là, tôi trở thành một học trò cặm cụi, gõ cửa nhiều vị thầy.
Điều thấy được là: Không có gì bí mật, Bát Nhã Tâm Kinh đã nằm sẵn trong Kinh Pali. Và đây là một dạng cô đọng của thiên kinh vạn quyển.
Một thời, tôi say mê đọc, say mê học, say mê ngồi thiền... và lúng túng giữa những rừng chữ nghĩa (Bây giờ, cũng lắm khi lúng túng, nhưng đỡ hơn, có lẽ). Trong cơ may nhiều thập niên trước, khi gặp hai vị thiền sư già, thế là, lại bị xô đẩy vào những trận đồ chữ nghĩa rất mực cô đọng, rất mực kiệm lời.
Thầy Tịch Chiếu nói rằng, phảỉ thấy Tánh trước rồi mới tu. Nhưng hỏi Tánh là gì, lại nói rằng nói là gì cũng đều không phải.
Vị sư đệ của Thầy là nhà sư Thường Chiếu nói rằng phải bước lên sào cao trăm trượng, rồi bước thêm một bước. Nhiều năm sau, tôi nghĩ rằng như thế là phải tu giới định huệ cho tới đỉnh cao, rồi bước vào Tánh Không. Tôi tự nghĩ, phải chăng đó là buông xả hết? Hay, câu hỏi là, khi mang đủ thứ trăm công ngàn hạnh, làm sao leo tới đỉnh cao cho đặng? Vô số câu hỏi.
Sau này, khi vững tiếng Anh, tôi đọc sách của ngài Đạt Lai Lạt Ma và Ajahn Chah, và tôi nghĩ rằng thế là đã hiểu được hai nhà sư già mình có cơ duyên theo học hồi thơ trẻ (thú thật, cũng có phẩn là đoán, vì bản thân mình, tu tập chẳng phảỉ là siêu đẳng).
Trong Kinh Pháp Bảo Đàn, có nói về hai cách tiếp cận. Một đi từ Có, và một đi từ Không -- nằm trong hai bài kệ.
Bài kệ của Tổ Thần Tú là:
Thân thị bồ đề thọ
Tâm như minh kính đài
Thời thời thường phất thức
Vật sử nhá trần ai
Bản dịch của Thiền Sư Thanh Từ:
Thân như cây bồ-đề,
Tâm như đài gương sáng.
Luôn luôn phải lau chùi,
Chớ để dính bụi nhơ.
Và bài kệ của Lục Tổ Huệ Năng:
Bồ đề bổn vô thọ
Tâm phi minh kính đài
Bản lai vô nhất vật
Hà xứ nhá trần ai.
Bản dịch của Thiền Sư Thanh Từ:
Bồ-đề vốn không cây,
Gương sáng cũng chẳng đài.
Xưa nay không một vật,
Chỗ nào dính bụi nhơ?
Bản lai vô nhất vật... câu này đã theo tôi mãi nhiều năm. Xưa nay không một vật, xưa nay không một ai, xưa nay không một sắc, xưa nay không một thọ, xưa nay không một tưởng, và vân vân. Nhìn thấy thực tướng là không một vật, không một pháp, và không hề có một ngã tướng nào. Ngắn gọn, thế giới này vốn thật là tất cả những gì được thấy, những gì được nghe, những gì được cảm tri... đều là những gì hiện lên trong tâm, nghĩa là bất kỳ cảnh nào cũng là tâm.
Tuy nhiên, tâm lại không nằm ở bất kỳ nơi nào, dù là nơi mắt, nơi tai, hay nơi được thấy hay nơi được nghe. Chính nơi đây, tánh không đã và đang hiển lộ. Nơi tất cả những cái được thấy, những cái được nghe... là cái không đó hiển hiện, bao trùm, nối kết, y hệt như -- lời Thầy Tịch Chiếu thường dạy cho học trò, rằng tánh các pháp là bình đẳng, rằng bột vẫn là bánh, bất kể mọi loại bánh mặn ngọt cay chua; rằng vàng vẫn là nữ trang, bất kể xuyến thoa nhẫn vòng; rằng tánh sáng của gương vẫn rực rỡ bất động, bất kể mọi ảnh tròn vuông xanh đỏ tím vàng; rằng tánh ướt của nước vẫn nhuần thấm, bất kể mọi bọt sóng lớn nhỏ đục trong. Nơi đó cũng là vô thường, là vô ngã, là bất an. Chính cái không đó xuyên suốt các pháp, làm cho thế giới là một dòng chảy của vô thường, của vô ngã, của bất an. Không một pháp nào rời tâm, nhưng tâm không phải là bất cứ gì.
Nói khác, không một pháp nào rời không, nhưng cái không đó lại không phải là bất cứ gì. Tuyệt vời là như thế. Và chỉ từ cái chứng ngộ về không tánh này, từ bi chơn thực mới khởi lên, khi nhìn thấy mình và người đang cùng bị cuốn trôi trong dòng chảy của tánh không, trong dòng chảy của vô thường, của vô ngã, của bất an. Ngẩng đầu lên khỏi trang kinh, là thấy một thời tuổi trẻ bay đi, một đời người sắp tắt, và rất nhiều người bạn đã bị cuốn trôi qua đời khác.
Tôi đã sững sờ ngồi trước các trang kinh, và nhìn thấy những dòng kinh biến hẳn đi như dường chỉ còn là các trang giấy trắng, bất kể mọi người quanh mình đang tụng đều theo tiếng mõ... sắc bất dị không, không bất dị sắc.
Có phải Đức Phật đã từng dạy rằng phải Thấy Tánh trước, rồi mới thuận tánh mà tu? Đúng vậy. Đức Phật đã dạy về vô thường, về vô ngã, về bất an.
Đúng vậy. Đức Phật cũng đã dạy “Bản lai vô nhất vật...” và Lục Tổ Huệ Năng chỉ tuyên thuyết lại lời Đức Phật -- với một cách riêng.
Trong Tiểu Bộ Kinh, Sn 5.15, Đức Phật dạy rằng hãy quán sát các pháp là không, rằng không hề có một ngã nào. Nơi kinh này, Đức Phật nói rằng Không chính là Vô Ngã.
Bài kinh “Mogharaja-manava-puccha: Mogharaja's Question” có đoạn ghi lời Đức Phật trả lời Mogharaja như sau:
“[Mogharaja]... Con tới với một câu hỏi: Phải quán sát thế giới như thế nào để không bị Thần Chết nhìn thấy?
[Đức Phật]...Mogharaja, hãy luôn luôn tỉnh thức, nhìn thế giới như là rỗng không, gỡ bỏ bất kỳ cái nhìn nào về ngã. Với cách như thế, con sẽ đứng trên và vượt qua cái chết. Người nào nhìn thế giới này như thế sẽ không bị Thần Chết nhìn thấy.”
Như thế, trong bài kinh trên, chữ Không được hiểu như là không thấy cái gì là ngã. Khi quán sát tất cả thế giới này là Không như thế, ai nói đây không phải là Bát Nhã Tâm Kinh, không phảỉ là bản lai vô nhất vật?
Nơi một số kinh khác, Đức Phật đã nói chi tiết hơn, chỉ cách quán sát các pháp để thấy như thế. Dẫn trường hợp một kinh trong Tương Ưng Bộ, SN 35.85, kinh “Suñña Sutta: Empty,” lúc đó, ngài Ananda hỏi thế nào để nhìn thấy thế giới là rỗng không. Đức Phật trả lời rằng nên thấy mắt (nhãn) là không tự ngã, nhãn thức là không tự ngã, nhãn xúc cũng thế, và vân vân. Văn kinh này nghe âm vang như Tâm Kinh Bát Nhã.
Nơi đây, Việt dịch theo bản Anh dịch của sư Thanissaro Bhikkhu như sau: “Kế tiếp, ngài Ananda tới gặp Đức Phật, đảnh lễ, ngồi một bên. Khi ngài ngồi, rồi nói với Đức Phật: “Bạch Đức Phật, thế giới này được nói là rỗng không, thế giới rỗng không. Như thế nào, thế giới là rỗng không?”
“Ananda, bởi vì nó không có tự ngã, không có bất cứ gì liên hệ tới một tự ngã. Do vậy, nó được nói rằng thế giới này rỗng không. Và cái gì không có ngã hay không có bất cứ thứ gì liên hệ tới một tự ngã? Mắt không có một tự ngã, không có bất cứ thứ gì liên hệ tới một tự ngã. Sắc (Lời Người Dịch: forms, cái hiện ra với mắt tai mũi lưỡi thân ý)... Nhãn thức... Nhãn xúc cũng không có tự ngã, cũng không có bất cứ thứ gì liên hệ tới tự ngã.
“Tai (nhĩ) rỗng không... Mũi (tỷ) rỗng không... Lưỡi (thiệt) rỗng không... Thân rỗng không... Ý rỗng không, không có tự ngã nào, không liên hệ tới tự ngã nào. Niệm... Thức... Ý thức giới rỗng không, không có tự ngã nào, không liên hệ tới tự ngã nào. Do vậy, được nói rằng thế giới này là không.”
Trong bài kinh trên, có gì khác với Bát Nhã Tâm Kinh? Có gì khác với câu bản lai vô nhất vật?
Như thế, Đức Phật đã dùng nhiều cách nói – khi nói ngắn gọn, khi nói chi tiết.
Như thế, Đức Phật có lúc nói ngắn gọn trong vấn đáp với chàng trai Mogharaja rằng hãy luôn tỉnh thức và nhìn thế giới như rỗng không, có lúc nói chi tiết với ngài Ananda rằng hãy thấy mắt tai mũi lưỡi thân ý là rỗng không. Và có lúc, Đức Phật còn nói nhiều hơn nữa về pháp nhìn vào Tánh Không của các pháp.
Đó là trong kinh SN 22.95, Tương Ưng Bộ Kinh, bản kinh “Phena Sutta: Foam,” theo bản Anh dịch của sư Thanissaro Bhikkhu. Đức Phật sẽ giáỉ thích rằng sắc chính là không, dụ như chùm bọt sóng (có phải, nói ngắn gọn là: sắc bất dị không?); rồi nói thọ chính là không, dụ như bọt nước; rồi nói tưởng chính là không, dụ như ráng nắng; tương tự với tưởng, hành, thức...
Kinh này rất dài, nên nơi đây sẽ chỉ một đoạn kinh, trích:
“Một lần, Đức Phật tới với những người dân thành phố Ayojjha bên bờ Sông Hằng. Nơi đó, Ngài nói với các sư: Các sư, giả như một chùm bọt sóng lớn đang trôi trên sông Hằng, và một người mắt sáng thấy nó, quán sát nó và khảo sát nó đúng pháp. Với người này -- thấy nó, quan sát nó & khảo sát nó đúng pháp – nó sẽ hiện ra là rỗng, là không, là không có gì hết: vì làm gì có cái gì trong chùm bọt sóng đó chớ?
Cùng một cách như thế, một vị sư nhìn thấy, quan sát & khảo sát đúng pháp bất kỳ sắc nào trong quá khứ, tương lai, hay hiện tại; dù là trong hay ngoài; hiển hiện hay mơ hồ; bình dân hay tôn quý; gần hay xa. Đối với vị này – nhìn thấy, quan sát & khảo sát nó đúng pháp – nó sẽ hiện ra là rỗng, là không, là không có gì hết: vì làm gì có cái gì trong cái sắc đó chớ?”
Thế rồi, trong kinh này, Đức Phật dạy tiếp rằng, sau khi nhìn thấy tất cả các pháp là không, người tu sẽ không dính gì tới sắc thọ tưởng hành thức nữa, và được giải thoát, “Sanh đã tận, thánh hạnh đã hoàn tất, việc đã xong. Không còn gì nữa trong thế giới này.
Sau khi nói như thế xong, cũng trong kinh này, Đức Phật nhắc lại rằng phải nhìn thấy sắc như chùm bọt nước, thọ như bọt sóng, tưởng như ráng nắng, hành như cây chuối (trong lõi cây chuối không có gì hết), thức như trò ảo thuật.
Phải thấy rằng, kinh vừa dẫn viết: “[trong các pháp] vốn thật không có gì hết. Do vậy, các sư phải liên tục quán sát các uẩn suốt cả ngày và đêm, phải tỉnh thức, cảnh giác; phải buông bỏ mọi phiền não; phải tự lấy mình làm nơi an trú cho mình; phải sống hệt như lửa cháy trên đầu -- với khát vọng tu học không lui sụt.” Đó là những dòng chữ Pali của Bát Nhã Tâm Kinh, của Pháp Bảo Đàn Kinh... là sắc bất dị không, là bản lai vô nhất vật.
Tuy nhiên, chúng sinh lúc nào cũng dễ rơi vào bẫy của chữ nghĩa. Khi Đức Phật dạy rằng cõi này là khổ, là bất như ý, là bất an... chúng ta lại dễ vin vào chữ Có. Khi Đức Phật dạy rằng cõi này vốn thật là không... chúng ta lại dễ vin vào chữ Không. Thế là Đức Phật lại mệt nhọc giảỉ thích rằng chớ vin vào Có hay Không, nói rằng pháp Đức Phật dạy là trung đạo, xa lìa có và không, đừng dính vào một pháp nào hết.
Ngắn gọn: khi niệm khởi thì hãy thấy có niệm khởi, và khi niệm diệt xong thì hãy thấy là đang lặng lẽ nơi này; rằng khi thấy, chỉ là cái được thấy; rằng khi nghe, chỉ là cái được nghe. Và như thế, là xa lìa cả có và không.
Cụ thể, dẫn một bài kinh khác trong Tương Ưng Bộ, SN 12.15, nhan đề “Kaccayanagotta Sutta: To Kaccayana Gotta,” bản Anh dịch của sư Thanissaro Bhikkhu.
Lúc đó là ở thành phố Savatthi, Đại sư Kaccayana Gotta hỏi Đức Phật rằng thế nào là chánh kiến. Tức là muốn hỏi về cái nhìn chân chánh. Đức Phật trả lời rằng, trích dịch: “Sư Kaccayana, thế giới này bị nhìn như là đối cực, là có và không. Nhưng khi sự tập khởi của thế giới được nhìn với chánh kiến, người này sẽ không chấp vào ‘không.’ Khi sự đoạn diệt của thế giới được nhìn với chánh kiến, người này sẽ không chấp vào ‘có.’
“Sư Kaccayana, thế giới này bị buộc vào chấp thủ, quyến luyến và thiên kiến. Nhưng người nào không trụ vào bất kỳ một quyến luyến nào, không dính vào một kiến chấp nào, không thiên kiến hay không bị lôi kéo bởi cảm thọ nào; mà cũng không lưu giữ ‘cái tôi’ nào. Người này thấy rõ, không ngờ vực gì: khi khổ sanh, là thấy khổ sanh; khi khổ diệt, là thấy khổ diệt. Trong cái nhìn này, người này tự nhìn thấy, không dựa vào ai. Sư Kaccayana, như thế là chánh kiến.”
Bởi vậy, Ngài Trần Nhân Tông mới có thơ rằng, hễ dính vào câu Có, câu Không... đều hệt như lấy tuyết làm nón, như lấy hoa làm giày, như ôm gốc cây đợi thỏ.
Thêm một câu hỏi, nếu phải xông xáo trong đời, trọn ngày thấy đủ thứ cảnh trước mắt và nghe đủ thứ chuyện bên tai... làm thế nào có thể an trú trong tánh không? Hãy hình dung, bạn đang tham dự trong một lễ hội (có phải đời này là những chuỗi ngày lễ hội?). Không lẽ đi tìm một góc núi, một ven rừng... Đức Phật cũng đã dạy pháp ứng phó này, khi giữ tâm an trú trong tánh không giữa những xao động trong đời.
Nơi đây, chúng ta dẫn ra một kinh ở Trung Bộ, MN 121, nhan đề kinh là “Cula-suññata Sutta: The Lesser Discourse on Emptiness,” bản Anh dịch của sư Thanissaro Bhikkhu.
Lúc đó, Đức Phật tới thành phố Savatthi, nơi Đông Viên, trong lâu đaì của mẹ Migara. Ngài Ananada đảnh lễ Đức Phật, nói rằng có một lần, khi Đức Phật ở thị trấn Nagaraka, giữa những người Sakyan, có nghe Đức Phật nói, “Ta bây giờ an trú toàn phần trong tánh không.” Đức Phật nói đúng là thế, Ananda nghe đúng là thế, “và bây giờ cũng như lúc đó, ta an trú toàn phần trong tánh không.”
Chúng ta có thể hình dung rằng, Đức Phật tới nơi nào cũng được tiếp đón cung kính, cho nên chung quanh là đông vô số kể. Thí dụ, như trong lâu đài của mẹ Migara, là có rất nhiều voi, ngựa, vàng bạc, người nam, người nữ... Vậy thì, làm sao an trú trong tánh không được?
Đức Phật nói: “Đúng vậy, Ananda, ngươi đã nghe đúng, học đúng, chú tâm đúng, nhớ đúng. Bây giờ, cũng như trước kia, ta an trú toàn bộ trong tánh không. Giả như lâu đài này của mẹ của Migara không có con voi nào, không có gia súc, không có con lừa nào, không có vàng bạc, không có đông đảo người nam và người nữ, và chỉ có một “cái có” thôi – đó là tính đơn nhất của tăng đoàn; ngay cả thế, hỡi Ananda, một vị sư – không chú tâm vào niệm về ngôi làng, không chú tâm vào người -- chỉ chú tâm vào tính đơn nhất của cảnh vườn hoang dã. Tâm người này có niềm vui, thấy sảng khoái, an trú trong niệm tưởng về cảnh vườn hoang dã.
“Người này quán sát rằng ‘Bất cứ xao động nào lẽ ra khởi lên dựa vào niệm tưởng về ngôi làng đã không khởi lên. Bất cứ xao động nào lẽ ra khởi lên dựa vào niệm tưởng về người đã không khởi lên. Chỉ có một chút xao động nhỏ này thôi: sự đơn nhất dựa vào niệm tưởng về cảnh vườn hoang dã.’
Người này nhìn thấy rằng ‘Pháp niệm tưởng này làm trống vắng niệm tưởng về ngôi làng. Pháp niệm tưởng này làm trống vắng niệm tưởng về người. Chỉ còn duy nhất một cái “có” nơi đây: tính đơn nhất dựa vào niệm tưởng về cảnh vườn hoang dã.’ Do vậy người này xem nó như trống vắng bất cứ những gì không ở đó. Bất cứ những gì còn lại, người này xem nó như hiện diện: ‘Có cái này.’ Và do vậy, người này an trú vào không, thuận với thực tại, không dao động trong ý nghĩa nào, và tâm được thanh tịnh.”
Tuần tự, Đức Phật giải thích, với cách như thế, người này rời bỏ niệm tưởng về cảnh vườn hoang dã, rồi chỉ niệm tưởng về tính đơn nhất của mặt đất phẳng (không có sông, suối, đồi... gì), rồi tới niệm tưởng về tính vô tận của không gian, rồi tính vô tận của thức, rồi pháp không (nothingness), rồi phi tưởng phi phi tưởng (Neither Perception nor Non-Perception), rồi tới pháp định không-đề-mục (Theme-Less Concentration), và kế tiếp là giải thoát (Release).
Có cách nào tóm gọn bài kinh này không?
Cuối bài kinh này, Đức Phật tóm gọn cho ngài Ananda rằng: “Vị sư này thấy rằng ‘Bất cứ xao động nào do duyên vào dục lậu... duyên vào sanh hữu lậu... duyên vào vô minh lậu, bây giờ không có mặt nơi đây. Và chỉ còn một chút xao động: do duyên vào lục nhập (mắt tai mũi...), duyên vào thân này. Sư này nhận ra rằng ‘Niệm tưởng này không có dục lậu... không có sanh hữu lậu... không có vô minh lậu. Và chỉ có một cái ‘có’ này thôi: duyên vào lục nhập, duyên vào thân này.’
Do vậy, sư này xem nó như trống vắng bất cứ những gì không có ở đó. Bất cứ những gì còn lại, sư này nhìn thấy nó là hiện hữu: “Có cái này.’ Và như thế, tâm vị sư này thâm nhập vào pháp không, thuận với thực tại, nghĩa chẳng sai lệch, thanh tịnh -- tối thắng và cứu cánh giải thoát... Do vậy, Ananda, ngươi hãy tự tu tập rằng: “Chúng ta sẽ vào và an trú trong tánh không, nơi đó là thanh tịnh, tối thắng và cứu cánh giải thoát.”
Có một cảnh giác cần ghi nhận. Rằng trong khi tu học, khi tâm đã buông xả hết các pháp, tâm sẽ bất động và an trú được trong lặng lẽ thanh tịnh. Lúc đó, nếu quyến luyến cảnh giới thanh tịnh này, là hỏng.
Đức Phật cảnh giác trong Kinh Trung Bộ, MN 106, tựa đề “Aneñja-sappaya Sutta: Conducive to the Imperturbable.”
Đức Phật nói với Ngài Ananda: “Vị sư này không quyến luyến cảnh giới lặng lẽ thanh tịnh đó, không hoan nghênh nó, không để bị buộc trong cảnh giới đó, thức của vị này không duyên vào nó, không chấp trước vào nó (không an trú trong nó). Ananda, không dính vào đâu hết, tâm vô sở trụ... thì mới hoàn toàn giải thoát.”
Chỗ này, chúng ta lại thấy y hệt Kinh Kim Cang: Ngay cả khi tâm có chỗ trụ, dù là cảnh giới thanh tịnh nào đi nữa, cũng là hỏng. Như thế, cốt tủy là ‘bản lai vô nhất vật’ và ngay cả khi sống được với cái ‘không hề có một pháp nào’ như thế, cũng chớ nên dính chấp vào cái không này.
Và như thế, ý nghĩa của Bát Nhã Tâm Kinh khi bác bỏ cả Tứ Đế (vô khổ tập diệt đạo), bác bỏ cả Lục Độ (vô trí, diệc vô đắc) chỉ là tuyên thuyết lại lời Đức Phật trong Kinh Trung Bộ MN 106, rằng tận cùng thì, chớ dính vào một pháp nào hết, rằng phải bước thêm một bước từ sào cao trăm trượng, rằng bè nào rồi cũng phải quăng bỏ thôi...
Nguyên Giác