Vẫn biết thơ văn ca tụng thành phố cố đô này nhiều vô số kể, đã khiến con tim của một người Hà Nội mất gốc như tôi phải thổn thức, phải cố tình tìm một lần ra thăm Huế để trải nghiệm bằng chính cảm xúc của mình mới thôi. Nhưng biết bao giờ duyên lành mới đến khi tôi bị dị ứng khi nhắc đến hai chữ Việt Nam, quê hương gì mà toàn là ngộ độc từ thực phẩm cho đến tâm hồn, là cướp giật giữa ban ngày nói theo nghĩa bóng lẫn nghĩa đen và còn nhiều điều đau đớn lắm không tiện nói ra. Thế rồi tôi cứ mãi chần chờ đếm từng mùa thu chết không bao giờ dám lên kế hoạch về Việt Nam, mãi đến hôm nay tình cờ trong một chuyến hành hương theo phái đoàn của Thầy trụ trì Chùa Viên Giác thăm Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore rồi quá cảnh tại Sài Gòn lâu mau tùy ý mà không tốn thêm một đồng xu vì đi hãng hàng không mang nhiều dấu ấn tiếng tai như Vietnam Airline.
Nghe tin tôi ghé Việt Nam, người của báo khoahocnet.com mon men đến nhờ vả, dĩ nhiên chỉ lần mò theo đường giây internet mà ỉ ôi chứ chúng tôi ở cách xa nhau đến ngàn dặm. Ông ấy giới thiệu tôi ra Huế đến chùa Tịnh Đức thăm một ngôi chùa cổ có nuôi khoảng 30 người già cả neo đơn không thân nhân con cái, với dụng ý kết nối
Tuy được làm lập trình đáp án cho chuyến ra Huế thật chi tiết với giờ giấc phương tiện đưa đón thật hoàn hảo không thể chê vào đâu được, nhưng tôi vẫn muốn hai chữ tự do như câu thơ “tự do phải trả bao nhiêu máu này“, nên đã liên lạc với cô cháu gái gốc Huế nhưng nói tiếng Vũng Tàu - Bà Rịa chay. Cô cháu này nhặt được ở ngoài đường nhưng tình thân cô cháu hiếm ai có được.
Vào một tối đầu thu cuối tháng mười, trên chuyến máy bay Vietjet thuộc loại đại hạ giá chỉ cao hơn vé xe lửa hay xe đò một tí thôi, đã đưa hai cô cháu đến phi trường Phú Bài của Huế một cách tuyệt vời, nói theo danh từ chuyên môn là “hạ cánh an toàn“. Bé Hiệp tuy đã gần 27 tuổi nhưng không chịu lấy chồng, chỉ thích đến chùa làm công quả chắc bị nhiễm câu “Tu là cội phúc, tình là giây thung“, rất sợ sợi giây tình nó quấn càng hông làm khổ đau.
Việc trước tiên vào thành phố là kiếm cho ra một chiếc Honda để di chuyển tìm khách sạn. Tay lái lụa này đã nhắn cậu em họ cho mượn chiếc xe tay ga đời mới khá xịn để đưa cô Hoa Lan đi hết hang cùng ngõ hẹp của cố đô, quan trọng nhất vẫn là đi lùng những món ngon vật lạ của Huế.
Để ngồi trên xe cho được yên thân không bị các chàng công an huýt còi móc túi, hai cô cháu phải kiếm ngay một mũ bảo hiểm bán đầy ở các vệ đường lớn như Hùng Vương hay Nguyễn Huệ. May quá tên các vị anh hùng dựng nước này vẫn chưa bị thay tên bởi các Bí thư Đảng Ủy bán nước hại dân. Nhắc đến đề tài “Những con đường thay tên“ tôi phải kể ngay đến một điều thật đau lòng cho những người yêu Huế. Ai mà chẳng biết câu thơ “Sao anh không về thăm Thôn Vĩ“ của Hàn Mạc Tử, nhưng thôn Vĩ Dạ bây chừ đã thay tên một cách trắng trợn bằng tên của một thành viên quan trọng trong “Bí mật Thành Đô“ đã bán đứng quần đảo Hoàng Sa và sẽ dâng toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam cho bọn Tàu cộng vào năm 2020. Phía Nam Vĩ Dạ đổi thành Phạm Văn Đồng và phía Bắc Vĩ Dạ mang tên Nguyễn Sinh Cung, con đường nối ngang ở giữa là Nguyễn Sinh Sắc. Thế thì còn đâu Huế mộng Huế mơ nữa mà làm thơ với nhạc, chẳng lẽ lại đổi là “Sao anh không về thăm Phạm Văn Đồng“.
Huế ban đêm đẹp tuyệt vời, đường xá rộng rãi sạch sẽ và trật tự đã đem đến cho tôi một cảm giác mến yêu. Nếu được bình chọn thành phố duyên dáng và an bình để sống có lẽ tôi sẽ chọn Huế, mặc dù sinh hoạt ban đêm của Huế quá ngắn ngủi chỉ mười giờ đêm là phố đã tắt đèn, hàng quán dẹp hết vì thiếu người đi. Cầu Trường Tiền ban đêm chỉ chơi đèn màu nhấp nháy được vài tiếng là may, nếu không chụp hình ngay lại hẹn để đi ăn tối xong về sẽ chụp là lỡ tàu. Dưới chân cầu hai bên bờ sông Hương trữ tình là những công viên xinh đẹp, thỉnh thoảng nhóm họp những phiên chợ đêm bán hầm bà làng đủ thứ từ quà lưu niệm của Huế đến các thức ăn nhè nhẹ cho du khách giải sầu.
Tối đầu tiên đến Huế chúng tôi phải đi tìm tô bánh canh giò heo chả Huế bên cạnh chợ Đông Ba. Thú thật với lòng tôi đã định sau chuyến hành hương dài đằng đẳng và tiếp nối trú ngụ tại chùa Bảo Vân một thời gian dài, sẽ trường chay để thể hiện lòng từ với tôm cua cá thịt. Nhưng mối hận tình với các món ăn ở Huế chưa trả xong nên đành khất lại về sẽ tính tiếp. Sau đó phải lê la thử hết các nồi chè của Huế như đậu ngự, đậu ván, đậu đỏ, đậu đen… ít nhất cũng 15 loại khác nhau trong một gánh chè. Ôi, Huế dễ thương chi lạ! Ăn như thế có răng mô, tối về ngủ vẫn ngon như thường.
Nhắc đến phần nệm ấm chăn êm, tôi phải cảm niệm công đức của người trung gian đã giới thiệu một cách điên cuồng về khách sạn Song Cầm gần nơi đô hội lại rẻ tiền. Bảo phòng hai giường có ban công nhìn xuống các hàng phượng yêu đỏ thắm rất tình chỉ có hai trăm ngàn một ngày. Tôi cũng đòi tiêu chuẩn như thế cho hai cô cháu được thoải mái vài ngày nhưng họ đòi với giá ba trăm ngàn đứt đuôi con nòng nọc không bớt một đồng. Sự cố như thế khiến tôi phải suy tưởng bà chủ khách sạn Song Cầm là người rất thích làm thơ, chắc có giao tình văn nghệ gì đây nên cho giá giao lưu và hợp tác như vậy.
Sáng sớm hôm sau trước khi phải gặp gỡ một nhân vật được cài vào để hướng dẫn công việc cho tôi thực hiện, hai cô cháu đã tìm ra hàng bánh bèo, bánh bột lọc và bánh nậm của “Mụ Rớt“ nào đó ở trong hẻm. Ý không phải, Mụ Rớt là của bún bò và hẻm tiếng Huế gọi là “Kiệt“, nghe lạ tai chưa? Sau khi thưởng thức xong lại thấy yêu Huế thêm một tí nữa.
Đến giờ hẹn một chàng thanh niên cao lớn trẻ người nhưng tuổi không còn trẻ xuất hiện tại phòng tiếp tân của khách sạn. Được biết chàng đã một thời du học bên Đức học hành thành đạt công ăn việc làm yên ổn, nhưng quyết định trở về Huế để trả nợ tình gần, sống đời một người chồng gương mẫu sáng chở con đi trưa đón về. Công tác chính của chàng là lo quỹ học bổng cho các em học sinh và sinh viên nghèo ở Huế trong chương trình từ thiện của tờ báo mạng khoahocnet. Anh của chàng viết truyện khá nổi tiếng với “Mùi hương Trầm“ trong chuyến du hành qua xứ Phật, họ thuộc dòng họ Nguyễn Tường ở Huế.
Chương trình trong ngày là buổi sáng đi thăm Vườn rừng Huyền Không Sơn Thượng của Thầy Minh Đức Triều Tâm Ảnh và chiều ghé chùa Tịnh Đức thăm nhà dưỡng lão. Vì lý do kỹ thuật phái đoàn gồm hai xe gắn máy khởi hành hơi bị trễ nên khi leo lên đồi thế kỷ của Sơn Thượng là mặt trời đã đứng bóng; trời thì nóng cháy da, đường thì toàn ổ gà đến ổ voi. Phải nói là chiến đấu lắm mới leo lên nổi Rừng Thiền, trước vùng đồi núi bao la một tấm bảng ghi ranh giới với bản Nội Quy Vườn rừng Huyền Không Sơn Thượng với 10 Điều khuyên: “Là người lịch sự văn minh. Giữ gìn chút cảnh chút tình sau đây: Không nên đốn củi chặt cây. Không nên nhóm lửa lan lây cháy rừng. Không nên xả rác lung tung. Không nên câu cá cũng đừng bẻ hoa. Không nên đánh, chửi, hét, la. Không nên bia rượu, hát ca rầm trời. Không nên thú bẫy, chim mồi. Không nên hút hít, dẫu chơi mấy vài. Không nên cờ bạc, con bài. Không nên đập ghế, quăng chai bụi bờ. Để còn chút mộng chút mơ. Để còn nét chữ câu thơ… hồn thiền.“ Kinh khủng quá, chẳng lẽ khách vãng lai của Rừng Thiền này toàn những thành phần bất hảo, lâm tặc chặt cây đốt rừng hay thủy tặc câu cá bẻ hoa như trong mười điều khuyên hay sao? Cũng có thể vị Sơn Tăng này mượn cớ để giáo dục quần chúng chung chung vậy thôi.
Chúng tôi đến chánh điện vào giờ nghỉ trưa nên chẳng ai ra tiếp đón, muốn gặp Sư Phụ Thiền Sư không phải là chuyện dễ chỉ thấy thư pháp của Người treo khắp nơi “Có gã Sơn Tăng về núi cũ. Nhìn hoa đáy nước thấy Dung Nhan!“ dưới ký tên Minh Đức Triều tâm Ảnh. Nhìn chung quanh tôi biết trường phái Nam Tông treo hình Chùa Vàng Tháp Shwedagon ở Miến Điện. Một lát sau có một vị Tăng trẻ tuổi vào chánh điện tiếp chuyện với chúng tôi, hình như tất cả các mũi dùi tranh luận về đề tài Nam Tông và Bắc Tông đã chĩa về phía tôi, muốn tôi bỏ con đường bồ tát hạnh mình đang đi thật nhiêu khê sang tu nhanh tu gấp để mau chứng quả giải thoát cho chính mình, mặc kệ các giác hữu tình khác muốn ra sao thì ra. Vị Thầy này còn không chấp nhận hình tướng của ngài Quán Âm nữa, tôi hỏi tên và nguồn gốc nhưng chỉ được câu trả lời rất ư là Thiền như “Không cần biết Thầy là ai, không cần biết Thầy từ đâu“. Sau buổi nói chuyện, anh San cứ trêu tôi là bị lung lay tư tưởng muốn đổi sang phái Nam Tông. Làm gì có chuyện đó! Một lần Thọ Bồ Tát Giới là mang giới thể ấy cho đến khi thành Phật không phải chuyện đùa muốn xả giới trả lại Ngài lúc nào cũng được. Vả lại điều bất hạnh nhất là đánh mất bồ đề tâm, do đó không nên để ai đó dùng lời xảo ngữ khuynh đảo.
Buổi chiều tuy mệt mỏi nhưng chúng tôi vẫn ráng đến viện dưỡng lão để hoàn thành nhiệm vụ sau khi giải lao mỗi người một ly nước mía nguyên chất. Ở Huế đa số chùa nào cũng cổ xưa ơi là xưa với lối kiến trúc mái cong trên gắn con rồng uốn lượn, chùa Tịnh Đức cũng không là ngoại lệ. Bên trái hông chùa có xây một dãy nhà ngang để làm viện dưỡng lão nuôi khoảng ba chục cụ già neo đơn không nơi nương tựa, vì là chùa Ni nên chỉ nhận lão bà. Lúc tôi đến có cụ đang ngồi lần tràng hạt niệm Phật, có cụ nhe hàm răng rụng ra cười duyên khi thấy tôi giơ máy hình lên chụp. Phòng ốc tương đối sạch sẽ và thoáng khí, nhưng phận sự của tôi là đi thăm ngó vườn rau xem hệ thống dẫn nước như thế nào để còn báo cáo. Các dàn khổ qua xanh mướt xen lẫn với bầu bí cũng là nguồn thức ăn chính nuôi sống cả viện dưỡng lão cho qua một kiếp người. Đến đây phận sự được giao phó đã chấm dứt, hai cô cháu tôi có quyền đi chơi tự do tại Huế, chỉ cần ngày cuối làm buổi họp mặt với đám bạn học cùng lớp với chàng San là được.
Tối hôm đó hai cô cháu tôi mua vé lên thuyền nghe hát Cung Đình trên sông Hương. Công nhận “Các Mệ“ diện áo dài khăn đóng lên thật dễ thương, giọng nói thì chao ôi sao nhẹ nhàng và thanh thoát chi lạ! Thảo nào thiên hạ cứ khen “Thấy cô gái Huế bước đi không đành“. Nhưng rất tiếc trong đám khán giả đi xem đa số thuộc thành phần kém văn hóa, họ cười nói riêng tư đến át cả tiếng ca. Chắc đám đại gia giàu nổi không biết thưởng thức tiếng hát câu hò, nhưng lại thích cầm hoa lên tặng các người đẹp để chụp hình đem về khoe bạn bè hay đưa lên facebook.
Một ngày cuối cùng với Huế là ngày đặc biệt nằm sẵn trong chương trình ra Huế của tôi, đó là đến chùa Từ Hiếu thăm Thầy Từ Nhơn của chùa Từ Ân tại Berlin. Giấc mơ được Thầy dẫn đi giới thiệu Tổ Đình Từ Hiếu, ngôi chùa được vua Tự Đức ban tên theo lòng hiếu thảo của nhà vua đối với mẹ là bà Từ Dụ đã thành. Thiên hạ hay gọi bà Thái Hậu này là Từ Dũ như tên một bệnh viện phụ nữ ở Sài Gòn và hay lầm lẫn với bà Từ Cung mẹ vua Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều Nguyễn. Trong chùa có thờ nhiều bài vị của các Hoạn quan, họ đã đóng góp rất nhiều tiền bạc để xây dựng chùa mong sao có người hương khói vì bản thân họ đã tuyệt tự từ lâu.
Chùa với lối kiến trúc cổ thật tuyệt vời, khuôn viên chùa rộng lớn, cổng tam quan chạm trổ các hoa văn nổi thật lạ mắt. Có hồ bán nguyệt cho Thầy rửa rau chứ không phải rửa chân như trong thơ văn cổ. Ngôi chùa đẹp và êm đềm quá, nhưng có ai biết đâu trong quá khứ đã có một thời tranh chấp giữa hai truyền thống cũ và mới, giữa “Nam mô Bụt Thích Ca Mâu Ni“ và “Nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật“. Để rồi cuối cùng phải phân chia thành hai môn phái cũ và mới với 2 câu thơ dán trên tường: “Sư Ông thả một bè lau. Chư Tăng Từ Hiếu một phen…“.
Pháp môn thở và thiền trong chánh niệm của Sư Ông Làng Mai rất thích hợp với tăng thân người ngoại quốc và người Việt ở nước ngoài, nhưng không hợp với các Chư Tăng Tổ Đình Từ Hiếu. Các vị này đã tu theo truyền thống tụng kinh niệm Phật đã lâu, không thể nào một sớm một chiều thay đổi theo truyền thống mới được. Vả lại thời tiết ở Huế rất cay nghiệt trong những mùa mưa, mưa tầm tã, mưa lê thê kéo dài không dứt. Thế mà sau những buổi ăn Quá Đường phải đi thiền hành trong mưa khiến nhiều vị hắt hơi sổ mũi cảm cúm dài dài.
Thầy Từ Nhơn dắt hai cô cháu sang thăm ngôi chùa Ni của Sư Bà Diệu Nghiêm bên cạnh. Ngôi chùa Ni vang bóng một thời ngày nào cũng có giai đoạn “Mang tiếng một thời“, nhưng tất cả chỉ là quá khứ, khách vãng lai đến chùa chỉ thấy một mùi giải thoát và Đức Phật từ bi lúc nào cũng nở nụ cười.
Sau khi dùng cơm chay tại chùa Từ Hiếu xem tài nấu thức ăn chay kiểu Huế của Bà Mệ đã ký thác cuộc đời công quả cho chùa. Thầy trò chúng tôi phóng xe đi thăm vườn cây của mẹ Thầy, với những trái Thanh Trà nổi tiếng của đất Nguyệt Biều, Lương Quán. Những con đường làng rợp bóng cây với những rặng tre xanh đẹp như trong tranh vẽ, qua làng Nguyệt Biều quê của chị Bút Nữ Nguyên Hạnh mà tôi vẫn thường trêu chọc: “Đất Nguyệt Biều chưa mưa đã thấm. Gái Nguyệt Biều chút chút biết yêu“. Cô gái làng Nguyệt Biều này đã biết chiều chiều đạp mái chèo thuyền Périssoire trên sông Hương để tập thể thao, hình ảnh ấy đã khiến khách đa tình trong dinh tỉnh trưởng Thừa Thiên phải dùng ống nhòm theo dõi một cách đắm say. Đấy là hình ảnh của thời xa xưa nào đó tôi nghe kể lại để mộng để mơ mà thôi. Chứ bây giờ phải chánh niệm để thưởng thức Thanh Trà làng Nguyệt Biều mới được. Lần đầu tiên trong đời tôi được thưởng thức trái Thanh Trà tận gốc hái từ trên cây, nếu nhận xét tỉ mỉ sẽ thấy sự khác biệt từ cái lá đến hình dạng và mùi vị của loại trái cây này. Dĩ nhiên là ngon ngọt thanh tao hơn loại bưởi thường. Nhờ đến Huế tôi mới nhận chân được sự sai lầm của mình khi gọi loại trái cây ngon ngọt này là “bưởi Thanh Trà“, vì Thanh Trà không phải là bưởi và bưởi không phải là Thanh Trà. Cứ bị ám ảnh bởi bưởi Biên Hòa hay bưởi Năm Roi ấy mà!
Sau khi hái tặng cho hai cô cháu một trái Thanh Trà và một trái bưởi trồng tại đất Thanh Trà, chúng tôi giã từ vị Thầy dễ mến để đi ra bãi biển Thuận An hóng gió và tắm biển. Trời đất thương tình nên 4 ngày ở Huế nắng đẹp không có lấy một giọt mưa, mặc dù trời đầu tháng mười đã nhuốm thu phải phong ba bão táp mới đúng vị. Đi ngang qua Chợ Mai có hàng bánh mì ngon nổi tiếng, với các gia vị đặc biệt nhét vào ổ bánh vừa dòn lại vừa nóng, khiến thiên hạ đứng xếp hàng mua cả chục ổ về cho gia đình.
Không biết mùa nào bãi biển Thuận An đông người chứ hôm nay thật sự chỉ có mình tôi giữa trời bơ vơ, tắm biển một mình trong tư thế áo tắm kiểu Việt Nam nghĩa là trên người mặc gì cứ việc nhẩy ùm xuống nước. Buổi chiều sóng hơi to có đoạn treo cờ đen coi chừng biển động.
Buổi tối về lại khách sạn tôi thấy hiện ra vài cú điện thoại của chàng San, thôi chết rồi lỡ hứa đêm cuối cùng ở Huế phải đi nhậu với đám bạn của chàng Phương. Họ uống gì mặc họ mình cứ kêu nước đá chanh Soda là rửa ruột. Lúc ấy đã 8 giờ tối nhưng tôi vẫn liên lạc với chàng San và được một mật lệnh là đến quán cơm Âm Phủ ở góc đường nào đó chỉ có cô cháu gái gốc Huế của tôi mới biết, đến đó rồi gọi điện tiếp để biết phải quẹo vào “kiệt“ nào? Tìm hoài không thấy, hỏi ông xe ôm bên đường liền nhận được câu trả lời: “Ăn cơm Âm Phủ, ngủ khách sạn Thiên Đường“. Thì ra đáp án hiện ra trước mắt là ngay cạnh ngõ quẹo vào quán cơm, có bảng hiệu khách sạn Thiên Đường đèn nháy chớp chớp.
Đến nơi 3 vị khách quý đã nhậu lai rai và mời cô cháu tôi đĩa cơm Âm Phủ với lời giải thích tại sao có cái tên độc đáo ấy. Anh chàng “Trần Minh“ và anh bạn vàng “Nhuận Điền“ như trong câu chuyện “Trần Minh khố chuối“ là đôi bạn chí thân. Một anh là giáo sư dạy Tennis và anh kia là giáo sư dạy vật lý đều là những thân hào nhân sĩ của đất thần kinh. Anh Minh giải thích, vào thời Pháp thuộc của những năm 40-45 các công nhân của nhà máy khai mỏ ở Huế hay ăn tại một quán cơm bình dân không đèn đóm tối mù mù lại không có tên nhưng nấu rất ngon. Đến giờ đi ăn các ông thợ mỏ hay gọi nhau đi ăn cơm Âm Phủ vì quán tối như lâm bô địa ngục, từ đó cháy tên cho đến bây giờ. Trong lúc tôi đang thưởng thức đĩa cơm Âm Phủ dưới ánh điện Néon thấy rõ từng hỗn hợp pha chế, anh giáo sư Điền đã tức cảnh sinh tình tặng cho hai câu thơ, nhưng rất tiếc lúc ấy không chịu lấy giấy bút ra ghi chép lại nên thơ đã bay vào hư không hết cả rồi.
Câu chuyện đang như pháo rang bỗng chủ tiệm ra rỉ tai nói nhỏ là muốn đóng cửa tiệm sớm để nghỉ ngơi, nhìn ra mới hơn chín giờ nhưng phải thông cảm cho tình hình sinh hoạt của Huế không thể so sánh với Sài Gòn là có quyền ngồi đến nửa đêm về sáng cũng chẳng sao. Chúng tôi lại kéo nhau ra quán nước mới khai trương được giảm giá để tiếp tục câu chuyện đang nói dở dang, cuộc đời còn được bao lâu nữa để có cuộc hội ngộ hôm nay, nhưng Huế không để chúng tôi thức khuya hại sức khỏe. Các cô tiếp viên trẻ đã lấy hết can đảm ra mời các cô chú ra về để tiệm đóng cửa lúc hơn mười giờ. Chẳng lẽ chúng tôi lại kéo nhau ra dưới chân cầu Trường Tiền để tâm sự tiếp nên tất cả đã thống nhất đồng ý giải tán lực lượng.
Sáng hôm sau trước khi lên máy bay về lại Sài Gòn, cô cháu tôi quyết định chọn món bún bò Huế để điểm tâm.Thấy tiệm nào đông đông là chen vào bảo đảm sẽ ngon, đang ăn thấy mấy ông bên cạnh gọi món gì là lạ, tô thịt hầm nước dừa nho nhỏ ăn với đĩa xôi con con. Tôi lân la gợi chuyện được biết là Việt kiều ở Úc, ông hỏi ngay tôi có biết ông giáo sư mổ mắt ở cùng tỉnh Berlin với tôi có bà vợ người Huế là người quen của ông. Không ngờ trái đất quá tròn, họ đều là bạn học ngày xưa nhưng là bậc đàn anh sang trước vài năm.
Thế rồi tôi vẫn còn hai tiếng đồng hồ để đi thăm ngôi chùa nổi tiếng nhất cố đô với hai câu thơ: “Gió đưa cành trúc la đà. Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà thọ xương“. Có một vị dân biểu thời Đệ Nhị Cộng Hòa đã dịch ra tiếng Anh câu thơ này cho các chính khách Mỹ, đã khiến thiên hạ thất kinh hồn vía với tài dịch thuật thật sát nghĩa đến mê hồn. Cái gì mà “canh gà thọ xương“ lại trở thành “Chicken Soup“.
Tháp Thiên Mụ vẫn lung linh huyền ảo, vẫn là cảnh làm nền cho những tấm ảnh lưu niệm của du khách đến thăm. Nhưng du khách ở đây đa số là người nước ngoài, được dùng chung một danh từ là “Khách Tây“. Họ đi cả đoàn có hướng dẫn viên diễn giải, tình cờ tôi đứng cạnh một phái đoàn khách Tây người Đức. Anh “Tour Guide“ thao thao bất tuyệt giảng về lịch sử Phật giáo thời 1963 với chiếc xe chở vị Bồ Tát Quảng Đức đi tự thiêu, nằm trang trọng ở khu triển lãm trong vườn chùa. Tôi phải lắng tai nghe xem anh chàng học ở Dresden bên Đông Đức thời xưa, có giải thích đúng sự thật không, hay lại bóp méo sự thật như nhà nước của anh (chứ không phải của tôi) vẫn thường làm.
Rời Huế với bao kỷ niệm đáng yêu, nhìn bề ngoài ta chỉ thấy vẻ yêu kiều và hào nhoáng của Huế, còn các chứng tích của “Giải khăn sô cho Huế“ biết đâu mà tìm. Người dân Huế đã quen đối mặt với khổ đau nên sẵn sàng chịu đựng với bao đổi thay của thời cuộc. Nếu đi sâu vào bên trong đời sống của họ chắc gì người dân đã được yên ổn buôn bán khi công an khu vực cứ tìm đủ mọi cách để moi tiền.
Có người Huế chính gốc đã cho Huế là một xứ ma quỷ, thăm một lần chưa thể hiểu nó được. Tôi phải trở lại, nếu được với chị Nguyên Hạnh thì tôi sẽ thấm Huế và sẽ yêu Huế. Vâng, tôi sẽ trở lại…
Hoa Lan - Thiện Giới.
Mùa Thu 2014.