Sáng tác: Nhạc Sĩ Nguyễn Văn Chung
Ca sĩ trình bày: Nguyễn Thị Hiền Thục
Ngày sinh: 13/05 - Quốc gia: Việt Nam
Công ty đại diện: Ca sĩ Tự Do
Được biết đến từ rất sớm khi tham gia vào đội Sơn Ca Nhà Thiếu nhi Thành phố cùng lứa với Ngọc Linh, Diễm Quyên, Quang Vinh... Hiền Thục cũng là một trong những gương mặt thành công trong việc bứt phá khỏi hình ảnh ca sĩ thiếu nhi.
Khả năng của Hiền Thục được ghi nhận bắt đầu từ khi cô đoạt giải Giọng ca trẻ Châu Á và Ca sĩ biểu diễn có hình tượng đẹp nhất trong cuộc thi Giọng Ca Trẻ Châu Á tại Thượng Hải năm 1999.
Sau CD Email tình yêu khá thành công, Hiền Thục có một khoảng thời gian tạm ngưng hoạt động âm nhạc. Vài năm sau đó, cô quay trở lại với một phong cách mới chững chạc và trưởng thành hơn qua album VCD Hiền Thục vol.2 và CD vol.3 Bảo. Các album tiếp theo trong bộ Ngũ Hành như Q (Thổ), Hỏa và Mộc.
Với dự án Ngũ hành của mình Hiền Thục chứng tỏ được bản lĩnh của mình một người nghệ sĩ tài năng với album Mộc được giới chuyên môn đánh giá khá cao. Album này cũng đoạt giải thưởng Album Vàng tháng 12/2006 và đoạt giải Album Vàng của năm 2007.
Năm 2007, bắt đầu cho một dự án mới với album nhạc Bảo Chấn mang tên Diamond (Kim Cương).
Năm 2008, Hiền Thục cho phát hành album đôi vol 7 Sunflower (Hoa Hướng Dương)gồm các ca khúc mà cô chưa phát hành nhưng đã diễn nhiều trên các sân khấu ca nhạc.
2009, Hiền Thục phát hành album Portrait 17 (Chân Dung 17) bao gồm các ca khúc ít phổ biến của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Với chất giọng mộc mạc cùng lối hát giản dị, Hiền Thục được giới chuyên môn và người hâm mộ nhạc Trịnh đánh giá khá cao. Album đoạt giải Album Vàng tháng 6 năm 2009
Sáng tác: Nhạc Sĩ Nguyễn Văn Chung
Ca sĩ trình bày: Nguyễn Thị Hiền Thục
Nhạc phẩm: Nhật Ký của Mẹ
Bao ngày Mẹ ngóng, bao ngày Mẹ trông, bao ngày Mẹ mong con chào đời,
Ấp trong đáy lòng, có chăng tiếng cười của một hài nhi đang lớn dần?
Mẹ chợt tỉnh giấc, và Mẹ nhìn thấy hình hài nhỏ bé như thiên thần,
Tiếng con khóc oà, mắt Mẹ lệ nhòa, cám ơn vì con đến bên Mẹ...
Này con yêu ơi, con biết không? Mẹ yêu con, yêu con nhất đời!
Ngắm con ngoan nằm trong nôi, mắt xoe tròn, ôi bé cưng!
Nhìn Cha con, Cha đang rất vui, giọt nước mắt lăn trên khóe môi,
Con hãy nhìn kìa, Cha đang khóc vì con...
Một ngày tỉnh giấc, rồi Mẹ chợt nghe, vụng về con nói câu:"Mẹ ơi!"
Chiếc môi bé nhỏ thốt lên bất ngờ, khiến tim Mẹ vui như vỡ òa...
Đây là mặt đất, này là trời cao, đây là nơi đã sinh ra con,
Bước chân bé nhỏ bước đi theo Cha, bước chân đầu tiên trên đường đời...
Này con yêu ơi, con biết không? Mẹ yêu con, yêu con biết bao!
Hãy cứ đi, Mẹ bên con, dõi theo con từng bước chân...
Ngày mai sau khi con lớn khôn, đường đời không như con ước mơ,
Hãy đứng lên và vững bước trên đường xa...
Ngày đầu đến lớp, Mẹ cùng con đi, ngập ngừng con bước sau lưng Mẹ,
Tiếng ve cuối hè, hát vang đón chào, ánh mặt trời soi con đến trường...
Ngày ngày đến lớp, dần dần con quen, bạn bè, Thầy Cô yêu thương con,
Bé con của Mẹ vẫn luôn chăm ngoan, khiến cho Mẹ vui mãi trong lòng...
Này con yêu ơi, con biết không? Mẹ yêu con, yêu con rất nhiều!
Những khuya ôn bài, con thức, xót xa tim Mẹ biết bao!
Từng kỳ thi nối tiếp nhau, tuổi thơ con trôi qua rất mau,
Ước chi con Mẹ mai sau sẽ thành công...
Một ngày Mẹ thấy con cười vu vơ, nụ hồng con giấu trong ngăn bàn,
Lá thư viết vội, có tên rất lạ, chắc là người con thương rất nhiều!
Một ngày Mẹ thấy con buồn vu vơ, cành hồng vẫn ở trong ngăn bàn,
Lá đâu đã vàng, hoa đâu đã tàn, cớ sao nhìn con úa thu sang?
Này con yêu ơi, con biết không? Mẹ yêu con, yêu con rất nhiều!
Những kỷ niệm lần đầu yêu, suốt một đời đâu dễ quên...
Vầng trăng kia sẽ sưởi ấm con, và sau cơn mưa, nắng sẽ trong,
Sẽ có một người yêu con hơn Mẹ yêu...
Một ngày con lớn, một ngày con khôn, một ngày con phải đi xa Mẹ,
Bước chân vững vàng, khó khăn chẳng màng, biển rộng trời cao con vẫy vùng,
Một ngày chợt nắng, một ngày chợt mưa, lòng Mẹ chợt nhớ con vô bờ,
Nhớ sao dáng hình, nhớ sao nụ cười, nhớ con từng giây phút cuộc đời...
Này con yêu ơi, con biết không? Mẹ yêu con, yêu con nhất đời!
Ở nơi phương trời xa xôi, hãy yên tâm, Mẹ vẫn vui!
Từng dòng thư ôm bao nhớ thương, Mẹ nhờ mây mang trao đến con,
Chúc con yêu được hạnh phúc, mãi bình an...
Bao ngày Mẹ ngóng, bao ngày Mẹ trông, bao ngày Mẹ mong con quay về,
Ấp trong đáy lòng, nhớ bao tháng ngày bé con hồn nhiên bên dáng Mẹ,
Mẹ chợt tỉnh giấc, và Mẹ nhìn thấy, con Mẹ vẫn bé như thiên thần,
Thấy con khóc oà, mắt Mẹ lệ nhoà, Cám ơn vì con đến bên Mẹ...
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nói rằng tính đến thời điểm này, Nhật ký của mẹ là bài hát thành công nhất, đáng tự hào nhất của anh
* Phóng viên:Ca khúc Nhật ký của mẹ qua tiếng hát của ca sĩ Hiền Thục đã trở thành hiện tượng trên thị trường âm nhạc thời gian qua. Là tác giả của ca khúc này, theo anh, đâu là nguyên nhân khiến Nhật ký của mẹ trở nên ăn khách?
* Khi ca khúc này ra mắt, anh có dự liệu sẽ ăn khách như vậy hay không?
- Tôi cũng không ngờ khi ra đời, Nhật ký của mẹ được công chúng yêu mến nhiều như thế. Khi vừa viết xong, tôi đã biết rằng ca khúc này sẽ khó được đưa lên biểu diễn ở các sân khấu và trên truyền hình vì thời lượng bài hát khá dài, ca từ khá khó nhớ đối với người hát. Nhưng tôi vẫn chấp nhận vì ít ra tôi đã viết được một bài hát thỏa mãn niềm đam mê sáng tạo của mình, chứng tỏ được khả năng của mình với người trong giới, nhất là thấy mình đã hoàn thành trọn vẹn món quà sinh nhật dành cho mẹ.
* Nhiều ý kiến cho rằng Nhật ký của mẹ là tác phẩm thành công nhất của Nguyễn Văn Chung tính đến thời điểm hiện tại. Anh có nghĩ thế không?
- Đúng vậy. Tính đến thời điểm này, Nhật ký của mẹ là bài hát thành công nhất, đáng tự hào nhất của tôi. Tôi cảm thấy vui vì Nhật ký của mẹ đã gieo được mầm yêu thương vào lòng mọi người, khiến mọi người có thể cảm nhận được sự thiêng liêng của tình mẫu tử.
* Anh có thể chia sẻ về sự hình thành của ca khúc này?
- Ba năm trước, tôi định làm một món quà sinh nhật tặng mẹ nhưng vì khá vụng về trong việc chọn quà nên tôi quyết định viết một bài hát. Đã nghe rất nhiều bài hát hay về mẹ, tôi đành phải viết ở một góc nhìn khác, viết bằng ánh mắt của người mẹ dõi theo từng bước chân con mình. Tôi đã phải tham khảo nhiều tài liệu, những bài văn, những cảm xúc về mẹ, rồi tự chiêm nghiệm lại tất cả tình cảm của mẹ đã dành cho mình, đúc kết lại những điểm chung nhất, những tình cảm chung nhất mà mọi người mẹ dành cho con mình để viết nên bài hát này.
* Ca khúc này có ý nghĩa như thế nào trong cuộc sống đời thường cũng như trong sự nghiệp sáng tác của anh?
- Nhật ký của mẹ cũng là một bài học cho chính tôi. Mỗi lần nghe bài này, tôi đều cảm nhận được tình cảm lớn lao mẹ dành cho tôi, tự nhủ lòng phải kính yêu mẹ hơn, dành nhiều thời gian để hỏi thăm và quan tâm đến mẹ hơn.
* Vì sao anh lại chọn Hiền Thục thể hiện ca khúc này mà không phải là một giọng ca nào khác?
- Điều đó tôi không giải thích được. Ngay từ khi viết xong bài hát này, tự nhiên trong đầu tôi nghĩ ngay đến Hiền Thục mặc dù lúc đó tôi và Thục chưa quen nhau và chưa có cơ hội làm việc với nhau. Mãi đến năm 2011, tôi mới gặp Thục trong phòng thu. Có thể nói rằng chính cơ duyên đã giúp cho Nhật ký của mẹ có được thành công như hôm nay. Và tôi cũng nghĩ rằng bất cứ người mẹ nào yêu con cũng có thể hát ca khúc này cảm xúc nhất và hay nhất.
* Các ca khúc của Nguyễn Văn Chung luôn nhẹ nhàng và dễ chiếm được cảm tình của khán giả nhờ cảm xúc dạt dào trong nó. Điều đó đã làm anh hài lòng với những sáng tác của mình?
- Tôi vui khi thấy những ca khúc của mình được khán giả yêu mến và đồng cảm. Đã có những lúc tôi cảm thấy hài lòng với những tác phẩm của mình nhưng càng ngày tôi lại càng muốn đối diện với những gì khó khăn hơn, đặt ra những chuẩn mực cao hơn cho những sáng tác của tôi.
* Vậy điều còn thiếu trong những sáng tác của anh là gì?
- Đó là sự đa dạng trong phong cách. Âm nhạc của tôi vẫn thiên về sự chia sẻ cảm xúc, tự sự của bản thân... Tôi vẫn muốn viết được những ca khúc ở nhiều thể loại khác nhau.
* Anh có thể chia sẻ cách sáng tác của anh?
- Tôi luôn luôn sáng tác theo cảm hứng và thường không theo một khuôn mẫu nào nhất định, thích gì viết đó và khi viết phải chăm chút từng câu chữ, từng giai điệu và phải tìm cách truyền tải cảm xúc của mình vào bài hát trọn vẹn nhất.
* Sau mỗi ca khúc của mình ra đời, anh có thường phải nói “giá như...”?