Cộng Đồng ÚcChâu Tiếp Nhận Truyền Thống Văn Hóa ViệtNam
* Ngọc Hân, Đài VOA Washington DC
Khởi đầu 15 năm trước đây, như là một truyền thống Việt nam tái tạo tại nước Úc văn hoá đa nguyên, Lễ Hội Nhi Đồng - The Children’s Festival- đang xâm nhập vào cộng đồng chính mạch tại Sydney, thủ phủ cổ nhất và lớn nhất Úc Châu.
Tại các quốc gia di dân như Hoa Kỳ, Canada và Australia, cộng đồng sắc tộc, trong tiến trình định cư, thường có khuynh hướng tái tạo những sinh hoạt văn hoá của đất nước cội nguồn - mà hậu quả tích cực là có thể làm phong phú tập tục và truyền thống tại đất nước định cư.
Thế nhưng, trong nhiều trường hợp, các truyền thống tái tạo như vậy chỉ tồn tại với thế hệ thứ nhất, vốn còn nuôi dưỡng sâu đậm những gắn bó với dĩ vãng của nơi chôn nhao cắt rún mà các thế hệ nối tiếp không hẳn có thể cảm nhận được - và do đó đôi khi bị mai một.
Trong số những truyền thống sắc tộc không những được tái tạo tại quốc gia định cư mà còn phát triển để trở thành một lễ hội văn hoá của cộng đồng chính mạch, chúng ta phải kể đến Ngày Thánh Patrick (Patrick’s Day)của cộng đồng người gốc Ireland và Lễ Hội Glendycủa cộng đồng người gốc Hi-Lạp - là hai lễ hội rất quen thuộc với cộng đồng chính mạch tại Mỹ và tại Úc.
Do hậu quả của nạn đói khủng khiếp năm 1845 mà ngày nay còn được gọi là “Nạn Đói Khoai Tây - Irish Potato Famine”, hàng triệu người Ái Nhĩ Lan đã phải bỏ nước ra đi mà phần lớn định cư tại Mỹ, Canada và Úc Châu. Tuy không phải là cộng đồng nhỏ, nhưng người Ái Nhĩ Lan vẫn là một cộng đồng thiểu số tại 3 quốc gia định cư này. Mỗi năm vào giữa tháng 3 dương lịch (17 tháng 3), công dân Mỹ, Canada và Úc gốc Ái Nhĩ Lan đã giữ tập tục liên hoan Ngày Thánh Patrick của họ, như họ đã ăn mừng ngày lễ trọng đại này tại Ireland trước kia như là lễ hội tôn giáo và cộng đồng của Ngày Quốc Khánh. Dần dần Ngày Thánh Patrick trở thành một Lễ Hội chính mạch mà ngay cả công dân gốc Anglo-Saxon tại Úc cũng tự coi mình như là người gốc Ái Nhĩ Lan ‘danh dự’ (honorary Irish) từ cách ăn mặc theo màu xanh lá cây (green) đến việc uống loại rượu đặc biệt Irish gọi là Guinness mà người Việt chúng ta chưa quen mùi vị.
Cũng vì lý do kinh tế như người Ireland, nhưng không đến nỗi khủng khiếp như ‘nạn đói khoai tây’, người Hi-Lạp cũng đã di cư đông đảo đến Mỹ, Canada và Úc Châu. Di dân gốc Hi-Lạp đã tái tạo truyền thống Lễ Hội gọi là Glendyvà thường được tổ chức vào tháng 6 mỗi năm. Glendytheo tiếng Hi Lạp, có nghĩa là ngày vui, ngày hội, vừa có tính cách tôn giáo vì thường được các giáo đường Chính Thống Hi Lạp tổ chức,
vừa có tính cách cộng đồng với nhiều màn ca múa Hi Lạp rất đậm đà màu sắc. Ngày nay tại khắp các thủ phủ và thành phố lớn Úc Châu, Lễ Hội Glendy thu hút rất đông người tham dự thuộc nhiều thành phần sắc tộc.
Lễ Hội Nhi Đồng Việt Nam cần nhiều thập niên nữa mới có thể phát triển đến mức độ như Lễ Hội Glendy ngày nay. Thế nhưng, năm nay 2014 đánh dấu một bước tiến quan trọng, khi Lễ Hội Nhi Đồng lần đầu tiên được tổ chức ngay trung tâm thành phố Sydney.
Bắt đầu từ năm 1999 và do sáng kiến của Trưởng Hướng Đạo Nguyễn Văn Thuất, như là một Lễ Hội Nhi Đồng Việt Nam tại thành phố Bankstown NSW thuộc vùng Tây Nam Sydney, Lễ Hội Nhi Đồng đã dần dần lan rộng đến các vùng có đông di dân định cư như Canterbury và Marrickville. Khởi thuỷ, Lễ Hội Nhi Đồng được tổ chức để làm sống lại truyền thống trung thu của nhi đồng Việt nam, nhưng ngày nay, Trung thu không nhất thiết phải là thời điểm của Lễ Hội Nhi Đồng.
Với khẩu hiệu “Cùng Nhau Vui Chơi và Sống Trong Hài Hoà - Play Together and Live in Harmony”, Lễ Hội Nhi Đồng nhằm vào mục đích xã hội văn hoá đa nguyên Úc Châu và lần đầu tiên được tổ chức ngay tại Công Viên Belmore, bên cạnh Nhà Ga Trung Ương thuộc Trung Tâm Thương Mại thành phố Sydney.
Được sự bảo trợ của Hội Đồng Thành Phố, của chính phủ Tiểu Bang và Uỷ Hội Quan Hệ Cộng Đồng CRC (Community Relations Commission for a Multicultural New South Wales), Lễ Hội rất sống động trong ngày chủ nhật 30.03.2014 đầy nắng ấm với nhiều màn ca múa, diễn hành, do các thanh thiếu niên chính mạch và văn hoá đa nguyên trình diễn, từ Việt Nam, Thái, Tích Lan, Indonesia, Nhật Bản, Trung Hoa đến Brazil, Bulgary, Ireland, Macedonia, Italy, Ukraine vân vân... Thành phần chủ lực trong các đoàn thanh thiếu niên gốc Việt là Liên Đoàn Hướng Đạo Văn Lang và Bách Việt cũng như từ các Trường Việt Ngữ.
Dưới sự điều khiển của một ban tổ chức hùng hậu mà chủ tịch / President là Trưởng Nguyễn Văn Thuất và đồng Trưởng Ban / Co-Chairs, Organizing Committee là Ông Mark Burfield và Ls Trần Công Thuý Định - cũng là một Trưởng Hướng Đạo Việt Nam - buổi lễ được bắt đầu với một cuộc diễn hành văn hoá đa nguyên rất ngoạn mục.
Sau diễn văn Chào Mừng của Trưởng Nguyễn Văn Thuất, khi ông nhấn mạnh Lễ Hội Nhi Đồng là phương cách mới trong việc phát triển hài hoà xã hội, nữ Nghị Sĩ Concetta Fierravanti-Wells, Thứ trưởng Văn Hoá Đa Nguyên Sự Vụ trong chính phủ liên bang, đã có nhận xét là Lễ Hội Nhi Đồng đã có bước tiến lớn từ khi bắt đầu tại Bankstown NSW hồi năm 1999. Theo Bà, bước tiến này là một mốc điểm quan trọng trong tiến trình phát triển của nước Úc văn hoá đa nguyên.
1999cũng là điểm khởi đầu của chương trình hài hoà chủng tộc gọi là Harmony Day
mà Dân Biểu Phillip Ruddock, trong tư cách Bộ trưởng Di Trú và Văn Hoá Đa Nguyên liên bang lúc bấy giờ phát động. Tiếp lời nữ Nghị sĩ Concetta Ferravanti-Wells, Dân Biểu Phịlip Ruddock nhấn mạnh rằng Quốc Hội không thể ban hành luật lệ qui định dân chúng phải lễ độ với nhau, nhưng Luật lệ có thể tạo môi trường để dân chúng hiểu nhau, vì định kiến, kỳ thị chủng tộc thường là hậu quả của sự ngu dốt (‘prejudice caused by ignorance’). Theo Ông Phịlip Ruddock, Lễ Hội Nhi Đồng là một phương thức tạo hài hoà chủng tộc và phù hợp với mục tiêu của chương trình Harmony Daymà Ông đã khởi động từ năm 1999 như là một sáng kiến của chính phủ liên đảng do Ông John Howard làm thủ tướng.
Đại diện cho Bộ Trưởng Văn Hoá Đa Nguyên NSW Victor Dominello vắng mặt vì lý do công vụ, Ông Vic Alhadeff, Chủ tịch Uỷ Hội Quan Hệ Cộng Đồng CRC, khen ngợi viễn kiến của Trưởng Nguyễn Văn Thuất và nói rằng Uỷ Hội CRC rất hài lòng hợp tác và bảo trợ Lễ Hội Nhi Đồng. Theo Ông, mặc dầu giới thanh thiếu niên có thể không hiểu rõ dị biệt văn hoá (cultural diversity) hoặc văn hoá đa nguyên (multiculturalism) là gì, nhưng giới trẻ đã sinh sống và thực hiện văn hoá đa nguyên hằng ngày. Hài hoà chủng tộc là liều thuốc hữu hiệu nhất để giải trừ vấn nạn kỳ thị chủng tộc.
Đại diện cho Hội Đồng Thành phố Sydney, Bà Thị trưởng Clover Moore nói rằng sinh hoạt của thanh thiếu niên dưới hình thức Lễ Hội Nhi Đồng là một phần của bản sắc (identity) Úc Châu - một bản sắc rất đặc thù mà theo lời Bà Thị trưởng, chính Tổng Thống Mỹ Bill Clinton, khi đến Sydney, đã nói là Nước Úc nên chia sẻ nét đặc thù này với cả thế giới. Đây là nét đặc thù đặt trên cơ sở đoàn kết trong dị biệt, kết hợp (inclusion and diversity) và chấp nhận lẫn nhau (acceptance), theo lời bà Thị trưởng.
Đây là lần đầu tiên mà Lễ Hội Nhi Đồng - phát xuất từ Lễ Hội Nhi Đồng Việt Nam - đã trở thành một sinh hoạt văn hoá trong cộng đồng chính mạch. Bà Thị trưởng Clover Moore hứa rằng Hội Đồng Thành Phố Sydney sẽ tiếp tục hoan nghênh Lễ Hội Nhi Đồng trong những năm sắp tới.
Trong Thông Điệp gửi Ban Tổ Chức, Thủ Hiến Tiểu Bang New South Wales, Ông Barry O’Farrell nói rằng Lễ Hội Nhi Đồng sống động này sẽ giúp xây dựng một tương lai tươi sáng hơn cho tất cả công chúng Úc Châu bằng cách phát huy sự hiểu biết, tương kính và giá trị đích thực cho thế hệ trẻ tại Úc.
Trong một thông điệp khác, Dân biểu Victor Dominello viết rằng “Với tư cách Bộ trưởng phụ trách Thanh Thiếu Niên và Văn Hoá Đa Nguyên Sự Vụ, ông nhìn nhận đóng góp quí báu mà Lễ Hội Nhi Đồng đã tạo ra trong việc cổ suý hài hoà cộng đồng tại Tiểu Bang New South Wales”.
Sau Lễ Khai Mạc chính thức, nhiều màn trình diễn văn hóa được tiếp tục, trước một cử tọa di động, vì tại trung tâm thành phố Sydney, người đi kẻ lại rất là nhộn nhịp và tấp nập.
*Ngọc Hântường trình Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ VOA từ Sydney Australia.
(Nguồn: Chương trình VOA lúc 10 giờ tối ngày Thứ Hai 31.03.2014)