TÌNH NGƯỜI GIÁC NGỘ
(Câu Chuyện Nhà Vua Bhatrihari, Vị Đạo Sư Đệ Nhứt
Giải Thoát Về Tình Yêu Tục Lụy)
“Người thanh tịnh như vầng trăng êm ả
Không bao giờ buồn cũng chẳng hề vui
Không thương riêng ai chưa từng hờn dỗi
Tình thiêng liêng bao phủ khắp muôn loài”
Diệu Tịnh
Lần hành hương chùa Phổ Hiền tại Kansas City, Missouri tôi được cơ may gặp đạo hữu Diệu Tịnh một nhà giáo và là một nhà thơ đã đọc cho tôi nghe những vầng thơ trên đây. Tôi thành kính hoan hỷ và tri ân một tâm hồn hướng về chân-thiện-mỹ, Phật, Pháp, Tăng mà lời nói và đời sống thật nhẹ nhàng, sáng suốt.
Lời Phật dạy:
Buồn một chút là dạo chơi địa ngục;
Vui một chút là dạo chơi thiên đàng;
Tịnh một chút là thân, tâm an lạc.
Nhân được đọc tập tuyển thơ tình cổ kim do đại học Oxford University xuất bản dưới tựa đề “Book of Love Poetry” tôi đặc biệt chú ý đến hai bài thơ của nhà vua Bhatrihari sáng tác cuối thế kỷ thứ VII và tôi đã phát tâm chuyển dịch ra thơ Việt như sau:
Bài thứ 1:
Nữ hoàng ấy trong tim ta ngự trị
Lại đem lòng yêu mến kẻ thất phu.
Chàng tứ chiến không yêu nàng đâu nhé!
Lại chung đôi với một ả giang hồ.
Mở lòng ra cô gái xót thương thân phận
Bẽ bàng oan trái của đời ta
Vậy sao quỷ thần không giải thoát oan gia
Của ả ấy, chàng kia, của tình yêu tục lụy
Của nữ hoàng và kể cả của ta.
Bài thứ 2:
Những ngày xưa chung đôi, ta đồng ý
Rằng em là tôi và tôi cũng là em.
Tình đời ngang trái khiến lìa đôi
Nên bây giờ em là em hờ hững
Và tôi cũng là tôi lạnh lùng.
Nếu muốn hiểu hai bài thơ trên đây đầy đủ hơn chúng ta nên tìm hiểu câu chuyện đời của nhà vua Bhatrihari mà sau này xuất gia được đạo Sử Ấn Độ công nhận là vị đạo sư đệ nhất giải thoát về tình yêu.
Nhà vua Bhatrihari rất thương yêu bà hoàng hậu Pingala. Nhưng hoàng hậu Pingala lại đem lòng thương yêu một chàng trai tứ chiến. Chàng trai tứ chiến có mối tình riêng đậm đà nồng nàn với một cô gái giang hồ. Thật là éo le ngang trái.
Một nhà ẩn sĩ trong rừng sâu thường ngày ăn rau rừng và uống nước suối, sống giản dị và dễ dàng để tập trung thân, tâm, trí, tánh vào việc tu học nguyện cầu tịnh Phật quốc độ và thành tựu chúng sanh theo hạnh nguyện Bồ Tát. Một ngày nọ nhà ẩn sĩ hái được trái trường sinh bất tử, một loại trái hiếm và quý. Với tâm nguyện từ bi, hỷ xả và vô ngã vị tha, ẩn sĩ không muốn ăn trái trường sanh bất tử lại muốn đem “cúng dường” nhà vua Bhatrihari. Từ rừng sâu nhà ẩn sĩ đã đi về cung điện:
“Ngữ ngôn bất khả tư nghì
Chân dung hạnh phúc, bước đi thanh nhàn”
Thanh Trí Cao
Và đích thân dâng lên nhà vua trái trường sinh bất tử. Nhà vua không ăn riêng trái quý mà lại để dành tặng cho hoàng hậu Pingala để chứng tỏ tình yêu thương của mình. Hoàng hậu Pingala cũng không ăn riêng trái quý mà để dành tặng cho chàng trai tứ chiến trong một lần hẹn hò lén lút cùng chàng. Chàng trai tứ chiến cũng không ăn riêng trái quý mà lại để dành tặng cho cô gái giang hồ để chứng tỏ tấc lòng:
Sông về gặp bến đồng tâm
Mây đoàn viên, gió tri âm đợi chờ.
Ca dao
Cô nhận được trái quý, rất ngạc nhiên và lo lắng hậu quả rủi may ai ngờ, bèn hỏi chàng trai trái quý từ đâu đem lại. Chàng thành thật khai báo chính hoàng hậu đích thân tặng cho chàng và cũng chính hoàng hậu được nhà vua đích thân tặng cho bà và nhà vua đã được vị ẩn sĩ ở rừng sâu đích thân dâng tặng cho nhà vua. Được biết rõ sự tình, cô gái mở lòng:
Lắng lòng lại cho thời gian ngừng đọng,
Mở lòng ra để trải rộng không gian
Khuyết Danh
Với tất cả tấm lòng thương kính nhà vua, cô gái không ăn riêng trái quý trường sinh bất tử lại đích thân dâng lên nhà vua Bhatrihari. Với phước trí vẹn toàn trong tay nhận được hai lần tái quý trường sinh bất tử, nhà vua đã có kinh nghiệm khổ đế:
Con người là kẻ học nghề
Mà thầy là kẻ ê chề đớn đau.
Chẳng ai tự biết mình đâu
Nếu chưa từng trải đớn đau ê chề.
Trước khi từ giã ngai vàng điện ngọc nhà vua đã làm hai bài thơ để khẳng định hệ lụy tình cảm cần được chuyển hóa và thăng hoa. Sau đó nhà vua đã xuất gia hành đạo và đạo Sử Ấn Độ công nhận vua Bratrihari là vị đạo sư đệ nhất giải thoát về tình yêu.
Nhân mùa Vua Lan xá tội vong nhân, tự tứ Tăng, Phật hoan hỷ, xin được kính ghi chép bài “ Thành Đạo” thơ dịch của Trúc Thiên từ nguyên tác Anh ngữ của Wiresekere, người Tích Lan
“Tôi chứng được chăng quả phước tròn đầy
Như đức Phật đêm trăng trònVesakh ?
-Được, nếu vọng động chẳng che mờ đôi mắt,
Người đừng buông nẻo đạo đức từ tôn.
Phải chăng Ngài thành đạo buổi trăng tròn
Đêm Vesakh nhờ chư thiên hướng dẫn?
-Không, chính họ vẫn cúi đầu chiêm ngưỡng
Trước ánh từ vô ngại trải vô biên.
Giúp được tôi thành đạo chứ, chư thiên?
-Không ai cả, ngoài ngôi cao Tam Bảo
Vào cõi tịnh soi đường người chứng đạo.
Sanh tử, không; phiền não cũng là không.
Chư Pháp không thường- Ngài vốn tỏ thong
Và nhân thế như cành sen sương điểm
Thoáng đẹp phù du, sắc màu hư huyễn
Tan tác rơi, còn lại chút bùn vương
Nên giã từ ngôi báu, đắp tình thương
Và phấn đấu lên đường tìm chân lý
Nên rời bỏ vợ con, Ngài quyết chí
Và viên thành đêm Vesakh trăng thanh
Rồi uy nghi ngôi chánh giác trọn lành
Dưới gốc Bồ Đề trang nghiêm dịu mát
Ngài chỉ con đường, con đường giải thoát,
Con đường vào thanh, Niết Bàn tâm.
Khi ngọn lửa tham hết ngún âm thầm,
Khi chiếc áo Từ Bi ngời ánh sáng
Khi hết oán thù, khi vơi ngả mạn
Là con đường giải thoát, đạo kề bên
Phật-Pháp –Tăng đạo Bát Chánh tỏ bày
Phạm hạnh giả ai người không nắm giữ.
Trời nào giúp ư, thần nào cản chứ
Người tiến vào Diệu Đế, chứng đường tu
Rồi đến khi siêu thoát khỏi luân hồi
Người tự tại đứng lên mà tỏ ngộ
Một phiến hư tâm cạn nguồn đau khổ
Phước huệ đầy chứng nhập cõi Thường Vui
______________
Cước chú.-Trong Kim Cang chư gia có bài kệ:
Người đời quý của báu,
Ta trọng sát na tịnh
Của báu thường hư hoại
Tịnh rồi hằng thấy tánh
Thích Tâm Ngoạn