VÀI NÉT VỀ CUỘC ĐỜI
CỦA CỐ HUYNH TRƯỞNG CẤP TẤN
TÂM TRỊ - NGUYỄN ĐĂNG BÌNH
1942 (Nhâm Ngọ) – 2013 ( Quý Tỵ )
NGUYÊN :
- Thành Viên Ban Hướng Dẫn Đà Nẵng Việt Nam ( Trước 1975)
- Gia Trưởng GĐPT Thiên Hương - Huế Việt Nam ( 1976- 2006 )
- Liên Đoàn Trưởng GĐPT Kỳ Viên – Đà Nẵng Việt Nam ( 1968-1975 )
- Xử Lý Thường Vụ LĐT GĐPT Thiên Hương - Huế Việt Nam (1975-1976 )
- Giáo Chức Trường Trung Học Bồ Đề Tân Lập – Đà Nẵng (1968-1975 )
- (Nạn Nhân Pháp Nạn 1963 tại Huế)
- I. THÂN THẾ :
Anh sinh ra trong một gia đình thuần tín Phật Giáo, giữa những năm tháng Chiến Tranh Việt Pháp ở hồi khốc liệt nhất tại Phường Đông, xóm Thuận Hòa, ấp Dương Xuân Thượng I, xã Thủy Xuân , Tỉnh Thừa Thiên , Thành Phố Huế; Nay gọi là Phường Thủy Xuân, Thành Phố Huế., nhằm ngày 20 tháng 05/1942 năm Nhâm Ngọ.
Thân Phụ của anh là : Cụ Nguyễn Đăng Dương, Pháp Danh Tâm Trực và Cụ Bà là Lê Thị Vân. Gia đình anh gồm có 7 anh chị em, gồm 3 trai, 4 gái, một người chị đã mất lúc còn trẻ, và anh là người con thứ 6 trong gia đình. Bố mất sớm khi anh và người em gái út còn rất non dại, Mẹ tảo tần buôn bán nuôi nấng 6 anh chị em đến lúc trưởng thành, lập dựng gia thất.
Lớn lên trong thôn xóm nghèo nàn, cày sâu cuốc bẩm, nhưng đầy yêu thương, đùm bọc của người Mẹ, cùng sự khắn khít dìu dắt của các anh chị với tuổi thơ hiền hòa nơi thôn giả quanh năm vẳng nghe Tiếng Chuông Chùa và lời cầu kinh khuya sớm. Gia đình anh, được sự dìu dắt của Thầy Bổn Sư, Hòa Thượng Khai Sơn Chùa Phổ Tế và sau này là Hòa Thượng Tọa Chủ Tổ Đình Tây Thiên nên Tâm Đạo được un đúc từ thuở thiếu thời. Anh, vốn là người với bẩm chất hiền lương, nhưng đầy linh hoạt, thông thái .
Được sự hy sinh của Mẹ và các anh chị cả trong gia đình cho ăn học, nên anh là người con có học vị cao nhất so với các anh chị và em của mình trong gia đình.
- Đối với Gia Tộc, anh là người chăm lo chu đáo việc Thờ Cúng, Hiếu Để với Gia Tiên, Ông Bà, nên được các bậc Chú Bác, anh chị , các em thương kính, nể trọng.
- Đối với con, cháu, anh quan niệm Ruột Thịt Là Huyết Thống của Ông Bà Tổ Tiên Truyền Lại nên anh đã hết lòng thương yêu, bảo bọc và dạy dỗ ,cũng như đối xử bình đẳng, ở trong anh , không có sự phân biệt Nội-Ngoại, anh sẵn sàng chia xẻ bằng tất cả tình thương yêu của mình đối với các cháu, con chị, con anh…..
- Đối với bà con xóm làng, anh là mẫu người Hiếu Hòa, kính trên nhường dưới Nghĩa và Tình trọn vẹn, trong anh chẳng có sự hiềm thù, hay căm ghét ai và luôn trãi rộng tấm lòng đối với mọi người , hai tiếng gọi “ Chú Bình “ thân thương của bà con lối xóm gói trọn niềm tin yêu trong lòng mọi người đối với anh .
-
- II. ĐỜI ÁO LAM, VÀ CUỘC HÀNH TRÌNH VÌ LÝ TƯỞNG:
- Vào những năm đầu thập niên 1950, Theo dấu chân người anh cả, cùng các anh chị trong gia đình, cố Huynh Trưởng Tâm Trị tham gia vào Phổ Di Đà hay còn gọi tắc là Phổ Tế do Hòa Thượng khai sơn chùa Phổ Tế sáng lập. mặc dù rất còn bé, nhưng anh vô cùng siêng năng , dù Đông đến giá buốt, hè sang nóng bức anh vẫn thường xuyên có mặt trong những đêm Tịnh Độ tại chùa , nên anh thông thạo và thuộc lòng thời kinh Tinh Độ từ thuở còn thiếu thời .
- Đến khoảng năm 1955-1956 , sau khi chiến tranh Việt Pháp chấm dứt, một số các Đạo Hữu lớn tuổi trong Phổ, vì tham gia Phong Trào Chống Pháp,sau Hiệp Định Géneve , bị nghi ngờ theo Việt Minh, kẻ bị bắc, người thì phải bỏ xứ ra đi. Nên hội cũng thưa thớt dần, nhất là sự Quy Tây của Hòa thượng Trú Trì (Ôn Phổ Tế) nên những hoạt động của Phổ cũng thưa dần, chỉ còn lại 1 năm đôi 3 lần Cúng Tế các Hương Linh Hội Viên của Phổ , và cũng chính những năm ấy, mặc dù tình hình chính trị và xã hội thời bấy giờ còn ngỗng ngang, nhưng với tấm lòng Phụng Sự vì Đạo, vì Quê Hương Dân Tộc, Cố Thượng Tọa Thích Thiện Hỷ đứng ra Mở Lớp Bình Dân Học Vụ để dạy chữ Quốc Ngữ cho bà con thất học trong xóm tại chùa Tây Thiên, sau này đổi thành Liên Hoa Học Sinh Chúng, rồi Gia Đình Phật Hóa Phổ và hiện nay là Gia Đình Phật Tử Thiên Hương, mặc dù còn rất nhỏ tuổi, nhưng anh đã tham gia vào Ban Giảng Viên của lớp Bình dân Học Vụ để hướng dẫn cho bà con mình với ước muốn nâng cao trình độ kiến thức của thời đại cho bà con trong lối xóm.
- Sau hơn 3 năm hoạt động qua nhiều hình thức và Danh Xưng khác nhau, nhằm mở rộng sự sinh hoạt, giáo dục trong sứ mệnh hoằng truyền giáo pháp của một Trưởng Tử Như Lai, Cố Hòa Thượng Thích Thiện Hỷ, trú Trì Tổ Đình Tây Thiên đã vận động Tín Hữu và hoàn tất việc xây cất một Niệm Phật Đường khang trang tọa lạc ở Đầu Dốc cầu Lim cách Đàn Nam Giao chừng 1 cây số về hướng Tây Nam, Từ đó tên gọi : Khuôn Hội Thiên Hương, và GĐPT Thiên Hương được thành hình dưới sự Cố Vấn của Cố Hòa Thượng Thích Thiện Hỷ, cũng cần được nhắc lại ở đây với 2 chữ Thiên Hương mà Cố Hòa Thượng đã đặt cho cùng ACE để như một sự gợi nhắc chúng ta đừng để bị lãng quên nguồn cội: Thiên, có nghĩa là Tây Thiên, Hương, có nghĩa là Hương Thủy (địa danh hành chánh Quận Hương Thủy).và GĐPT Thiên Hương được BHD GĐPT Tỉnh Thừa Thiên Công Nhận kể từ năm đó, ngày ấy, chính là ngày Vía Đức Phật A Di Đà, 17 tháng 11 năm Kỷ Sửu 1959.anh là một trong những đoàn viên đầu tiên của đơn vị , cùng thế hệ với anh, hiện này có Bác Lê Văn Biên ( nguyên Liên Đoàn Trưởng Nam từ 1968-1975), Hoà Thượng Thích Huệ Tâm ( trú trì chùa Bảo Sơn –Long Khánh), Anh Lê Văn Ngạc (ở Miền Nam ), anh Lê Văn Trình ( Long Khánh)… Anh là một trong những Huynh Trưởng trẻ thế hệ kế thừa được cử Tham Dự Trại Huấn Luyện Huynh Trưởng Sơ cấp Lộc Uyển ở những năm đầu Chính Thức của đơn vị .
- Năm 1963, Ý Thức Trách Nhiệm của một Đoàn Viên GĐPT, anh cùng với Tăng Ni, Phật Tử, nhất là cùng với anh chị em Áo Lam Tham Gia Công Cuộc Vận Động: Bảo Vệ Quyền Làm Người, Công Bằng Xã Hội và Tự Do Tín Ngưỡng của Phật Giáo Việt Nam, kế tục Tinh Thần Đấu Tranh Bất Bạo Động, sau những sự hy sinh lớn lao của các Đoàn Viên GĐPT tại Đài Phát Thanh Huế mà trong đó, có những người em, người bạn của anh đã nằm xuống, những cuộc tấn công, đàn áp Phật Giáo kéo dài và cường độ ngày một lên cao, sau khi bạo quyền phong tỏa Chùa Diệu Đế, và đang mở kế hoạch phong tỏa các Chùa ở Hữu Ngạn sông Hương, mà mục đích của nhà cầm quyền nhắm đến là Trụ Sở Tổng Hội Phật Giáo ( Chùa Từ Đàm), nên anh đã cùng với Phật Giáo Đồ Thừa Thiên Huế tìm cách ngăn chận bước chân của những kẻ dùng bạo lực để tiêu diệt Phật Giáo, sau khi tập trung ở chùa Từ Đàm, anh chị em GĐPT được chia thành 2 nhóm, và tiến về Cầu Nam Giao, cầu Bến Ngự để Tuyệt Thực, phản đối sự kỳ thị và đàn áp Phật Giáo , và chính ngày ấy, đúng 50 năm về trước anh đã lãnh trọn những trái Lựu Đạn Cay, axit, mà bạo quyền đã dành cho anh, thân xác anh cháy đen, đôi mắt thì đã không còn nguyên vẹn, anh đã mang tật nguyền suốt 50 năm qua theo với Vận Pháp và dòng lịch sử của Dân Tộc . Đôi mắt và những vết thẹa hằng ghi trên than thể của anh, là chứng tích Bi Hùng của người Huynh Trưởng GĐPT đã hy hiến đời mình vì lý tưởng .
- Năm 1964-1968 ,
Sau Pháp Nạn 1963; Đường học vấn của anh bị gián đoạn bởi những thương tích, tật nguyền khi vừa tốt nghiệp Trung Học, cũng chính là lúc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ra đời, vốn sẵn với kiến thức và sự hiểu biết về Đạo , cũng như Đời, nhất là về hành chánh, anh được quý Ôn, quý Thầy thương mến và sung vào Thành Phân Nhân Sự Quản Trị Hành Chánh của Tỉnh Giáo Hội, và anh được đưa về làm việc ở Hệ Thống các Trường Trung Học Bố Đề với đồng lương khiêm tốn của Giáo Hội; và cũng chính trong thời gian này, anh đã được Thụ Huấn Trại Huấn luyện Huynh trưởng Cấp I A Dục được BHD Tỉnh Tổ Chức .
- Năm 1965-1968
Cảm kích tấm lòng vì Đạo, người nữ sinh Trung Học Phú Vang, cũng là một Đoàn Viên Thiếu Nữ GĐPT sau những lần ủy lạo, thăm viếng anh ở Bệnh Viện Trung Ương Huế, nghĩa Đạo, duyên Đời , anh chị đã Kết Tóc Xe Tơ và kết thành đôi vợ chồng; tưởng đâu, 2 chữ Thanh Bình sẽ là biểu tượng của hiền hòa , phẳng lặng mà trời đã ban cho, ngờ đâu, trận chiến Mậu Thân tàn khốc ập đến cướp mất đi biết bao nhiêu người thân trong gia tộc, trong đó có các anh Huynh Trưởng đầu đàn của đơn vị như Bác Gia trưởng Nguyễn Đăng Tường, anh LĐT Huỳnh Hải, anh Sửu , anh Đính, Bác Vũ vv.
- Năm 1968-1975.
Chiến tranh, không những cướp mất đi những người thân, mà còn tàn phá ruộng vườn, nhà cửa của ông bà tổ tông đã bao nhiêu đời gầy dựng, anh theo cùng gia đình lánh nạn , và định cư tại Đà Nẵng, và làm Giáo Chức tại Trường Trung Học Bồ Đề Tân Lập.;và tại đây, anh tiếp tục con đường Phụng Sự Màu Áo trong vai trò Liên Đoàn Trưởng GĐPT Kỳ Viên, và cũng trong thời gian này, vào năm 1969, anh Tham Dự Trại Huấn Luyện Huynh Trưởng Cấp II Huyền Trang được Tổ Chức tại Sơn Trà Đà Nẵng.
- Năm 1975-2006.
Sau biến cố lịch sử 1975, anh cùng gia đình trở về Cố Đô, giữa bối cảnh “vật đổi sao dời”, một số lớn các anh chị trưởng lâm vào hoàng cảnh lao lý, chật vật vì kinh tế, công ăn việc làm, với tâm than gầy yếu,tật nguyền, bất chấp mọi hoàn cảnh khó khăn, anh không ngần ngại nhận lời mời của Ban Huynh Trưởng để đứng mũi chịu sào, lèo lái con thuyền của Tổ Chức, hướng dẫn đàn em từ vai trò XLTV Liên Đoàn Trưởng Nam, đến Gia Trưởng trên ¼ thế kỷ qua , anh chính là cây Cổ Thụ đã che gió che mưa cho đàn em chính trong giai đoạn khó khăn nhất của Giáo Hội, của GĐPT Việt Nam . Với tinh thần và trách nhiệm ấy, anh đã tìm cách giữ lửa, hâm nóng đức tin ở các tầng lớp Huynh Trưởng trẻ , anh đã cấy tạo, vun trồng cho Vườn Lam Thiên Hương đứng vững trước cơn sóng gió ba đào của thời cuộc. Dù chỉ là một Huynh Trưởng ở cấp đơn vị, nhưng anh đã hướng dẫn , dắt dìu đàn em qua nhiều thế hệ, điều cần nhắc và ghi tạc Công Hạnh của anh ở giai đoạn này là một điều không thể thiếu trong cuộc đời Áo Lam của anh; Với tấm thân gầy gọp, thương tật suốt 50 năm qua, anh đã tận tụy với Đàn Em, với Tổ Chức không mệt mỏi, không ngừng nghỉ, sau 30 năm với Vai Trò Gia Trưởng,những thế hệ bước theo dấu chân anh , nhiều anh chị đã xuất gia nay đã trở thành những vị Ni Sư, những vị Đại Đức đang hành đạo từ trong nước đến hải ngoại, những Huynh Trưởng cốt cán đang nắm giữ đơn vị, và nhiều anh chị đang sinh hoạt, tham gia vào các Ban Hướng Dẫn ở Hải Ngoại.Dẫu thế, tâm hồn anh chẳng bao giờ mòn mỏi, nhưng thời gian đã bào mòn thể xác của anh ngày càng thêm rõ nét, đôi mắt vốn đã bị tật nguyền, nay lại hói sâu và mất dần ánh sáng, sức khỏe đã không cho phép anh tiếp tục sinh hoạt, nên anh đã xin nghỉ làm Gia Trưởng kể từ năm 2006.
- Năm 2010.
Sau gấn 60 năm khoác chiếc Áo Lam, 50 năm làm nghề Huynh Trưởng, 30 năm với vai trò Gia Trưởng , và sau nhiều lần được anh chị em khuyến tấn, quý Thầy nhắc nhở, anh Phát Nguyện Thọ Nhận Cấp Tấn của Tổ Chức GĐPT , cuộc đời của anh âm thầm, mà thênh thang, lặng lẻ mà Bi Hùng ….
III. NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG :
“… Ngày hôm qua Khuôn làm lễ Vu Lan cũng đông vui, trang nghiêm, anh chị em nhắc đến các ACE ở HN cũng nhiều, sau đó các ACE tổ chức đi thăm bác Bình, bệnh viện đã trả về, trông Bác rất ốm, bị phổi rất nặng không thở được, mới hôm nào H đang còn đi tụng kinh đám với Bác, mà bây chừ thấy tội thật, đúng là VÔ THƯỜNG…”trích lại những dòng điện thư của một em Cựu Thành Viên GĐPT Thiên Hương đã gởi cho ACE ở Hải Ngoại, như một lời báo hiệu điều chẳng lành sắp đến . Hơn 1 năm qua, căn bệnh trầm kha đã dai dẳng đeo đuổi anh suốt đoạn đường 50 năm kể từ khi những chất độc hóa học thấm sâu vào nội tạng, Anh không còn thường xuyên viếng thăm, nhắc nhở các em , hoặc cùng quý bác trong khuôn thương xuyên đi hộ niệm nữa . Con Đường Hoa Sen Trắng mà anh đã có cuộc hành trình cùng anh chi em đang đi vẫn còn dài, thế nhưng cuộc Vô Thường đã sớm đến với anh, anh đã dứt bỏ thế duyên để trở về “quê cũ” vào lúc 10 giờ 48 phút ngày Chũ Nhật 25 tháng 08.2013 nhằm ngày 19 tháng 07 năm Quý Tỵ , bên cạnh người bạn đời và cùng với 5 người con , dâu, rể cháu chắc , chị và em của mình sau những lời từ giả như đang đùa nghịch với vợ mình” Ba phải đi rồi đó mấy con ạ…”
72 năm giữa cuộc trần, anh ra đi, để lại muôn ngàn thương tiếc cho người ở lại, chung quanh anh, bầu không khí nặng trỉu và phẳng lặng giữa một sáng mùa Thu, những tiếng nấc không nên lời, có ai biết đâu bên kia bờ Đại Dương có một người thân đang âm thầm nuốt những dòng lệ trôi dài trong tâm tưởng .
Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật
California ngày 26/08/2013.
Tâm Thể
( nguyên Thư Ký, XLTV Ban Huynh Trưởng lược soạn)