Nghệ thuật điêu khắc Phật giáo ở Sơn Tây - Trung Quốc
Dọc con đường tơ lụa (Silk Road) miệt Tây Trung Quốc, có rất nhiều hang động Phật giáo. Nơi đây hội tụ nhiều nền văn hoá cổ hơn 1500 năm, tạo thành một phong cách nghệ thuật Phật giáo tráng lệ, độc đáo. Rảo bước trên con đường Lifo ngoạn mục, bạn sẽ bắt gặp 26 trụ đá hoa cương, chạm trổ cực kỳ tuyệt đẹp và chắc chắn bạn ngạc nhiên hơn khi thấy phong cách điêu khắc ở các hang động Vân Cương nơi đây.
Quần thể hang động Phật giáo Vân Cương là một trong Tứ đại thạch động Phật giáo nổi tiếng của Trung Hoa. Hang động Vân Cương nằm ở phía nam chân núi Vũ Châu, phía tây thành phố Đại Đồng, thuộc tỉnh Sơn Tây, thành phố lớn thứ hai của Trung Quốc. Quần thể hang động trải dài khoảng 1 km từ đông sang tây và được phân ra ba khu vực - đông, giữa và tây. Có tất cả 252 hang động và hơn 51.000 tượng Đức Phật, chư Bồ-tát, phù điêu biểu tượng Phật giáo. Đây là công trình nghệ thuật Phật giáo - một niềm tự hào của đất nước Trung Quốc được kiến tạo vào khoảng thời gian 460 - 525, thuộc triều đại Bắc Nguỵ (386 - 534).
Năm 2001, Vân Cương được đưa vào danh sách Di sản Văn hoá Thế giới. Các di tích Phật giáo tại Sơn Tây đang rất được ngành Du lịch của chính phủ Trung Quốc quan tâm, ưu tiên phục hồi, bảo vệ. Những hành lang sập đổ, những cổ điện rêu phong, rạn bể loang lỗ đang được đầu tư sửa chữa đúng mức. Không những thế, có nhiều phòng triển lãm lớn được trang bị các thiết bị hiện đại, và ngay cả họ còn cho xây dựng hội trường trong lòng đất với lối kiến trúc thành đài cổ kính tuyệt đẹp.
Cao Tông Văn Thành Đế (440 - 465) cho kiến lập quần thể hang động Phật giáo này như một việc làm bù đắp lại tội lỗi cho Thế Tổ của mình. Thế Tổ Thái Vũ Đế, đã làm cái việc bất khả dung từ - đày đoạ Phật giáo trên đất nước này vào năm 445, trong suốt thời gian đàn áp các cuộc nổi loạn của người Hán. Trong lúc rối loạn ấy, vô số chùa chiền tháp miếu và kinh sách Phật giáo bị đốt phá, vô số tôn tượng thiêng liêng bị giật sập và Tăng chúng bị giết chết, bắt hoàn tục không tính hết. Lúc bấy giờ, vị Tăng tên Đàm Diệu là một trong số ít Tăng sĩ được trốn thoát. Về sau, khi Phật giáo phục hồi, ngài đã khuyên vua Văn Thành kiến tạo các hang động này.
Mô tả hình ảnh Đức Phật với nhiều phong thái từ giai đoạn sơ khai buổi đầu cho đến đi sâu vào từng chi tiết vi tế và cách trang hoàng công phu của thời kỳ giữa và về sau này, những bức tượng uyển chuyển, sống động, hút hồn. Điều ấy đã tạo nên khuôn mẫu cho nghệ thuật hang động ở Bắc Trung Quốc thịnh hành cho đến đời Đường (618-907). Đây cũng là nơi thích hợp cho việc nghiên cứu lịch sử, nghệ thuật, kiến trúc cổ và ngay cả âm nhạc cổ nữa. Trong một số phù điêu, nhiều nhạc cụ được chạm khắc rất rõ nét, trong đó một số loại ngày nay không còn thấy nữa.
Thật quá ngạc nhiên, hang động Vân Cương xây trên vách sa thạch, rất dễ bị ảnh hưởng hư hoại do tác động của thời tiết nắng mưa..., vậy mà các phù điêu cũng như hang động vẫn còn được bảo tồn rất tốt so với nhiều hang động ở những nơi khác. Một vài lỗ nhỏ trên tượng cho thấy việc sửa chữa sau này. Phần lớn được sửa chữa vào thời nhà Liêu (907-1125). Sảnh đường nhiều tầng rộng lớn được xây dựng trên bề mặt vách đá, cả lối đi, lan can trước những hang động lớn đều có sửa chữa bảo vệ nghiêm túc. Những chỗ phục hồi rất dễ nhận ra và thêm vào đó, ánh mắt các bức tượng đều được chà nhẵn, đánh bóng màu đen.
Cũng giống như các hang động khác ở Trung Quốc, nhiều hang động có vết sẹo lỗ chỗ do lúc mới phát hiện di tích, những người đến đây thăm dò đã đục khoét cướp phá nhiều phần rồi chuyển đi nơi khác như Nhật Bản, Pháp và Mỹ. Mặc dù vậy, quần thể hang động Vân Cương tương đối vẫn còn khá nguyên vẹn, thật đúng là một viên ngọc quý cuốn hút hàng triệu khách hành hương hàng năm.
Nổi tiếng nhất là “Năm hang động của ngài Đàm Diệu”, dãy hang động từ 16 đến 20 là nhóm hang động do ngài Đàm Diệu kiến tạo trước nhất trên núi Vũ Châu này. Mỗi tượng Phật là tiêu biểu cho một vị vua của triều đại nhà Nguỵ (386-534), ngang qua thời vua Văn Thành.
Tượng Đức Phật trong tư thế ngồi ở hang động 20 chính là biểu tượng nghệ thuật tiêu biểu trong quần thể hang động Vân Cương, thường được đưa lên hình, bưu thiếp hay tặng phẩm lưu niệm. Trên trần hang phía trước của hang động đã bị hư hoại từ rất lâu, chỉ còn tượng Phật và hai Bồ-tát hai bên giữa trời. Đây là điểm được nhiều khách du lịch ngưỡng mộ, ưa thích chụp rất nhiều hình ảnh. Tượng Phật cao 13.75m và nhiều người cho rằng rất giống với chân dung của Thái Tổ Đạo Võ Đế, vị có công khai triều lập quốc, cốt cách đặc thù thể hiện sức mạnh, anh dũng, của dân du mục phương bắc, gương mặt đầy đặn, trán rộng, mũi cao, mắt nhỏ sâu, dái tai to, và đôi vai rộng. Nhân vật này thống trị Vân Cương rất sớm. Việc ảnh hưởng nghệ thuật điêu khắc của Ấn Độ cũng có thể nhận diện ngay qua y phục và nhiều đặc điểm liên quan khác trên tượng và phù điêu. Tượng Đức Phật thường có y che kín một vai như vẫn thường thấy các tượng Phật bên Ấn Độ. Tượng Đức Phật ngồi ở hướng đông trong hang động 18 đội vương miện hình mặt trời và mặt trăng, mẫu hình này bắt nguồn từ hoàng gia Sassanid Ba Tư. Một số bức phù điêu về hình ảnh Tăng sĩ Ấn Độ rất sống động cho thấy có sự ảnh hưởng nét đẹp ngoại lai của văn minh phương tây vào nghệ thuật điêu khắc hang động ở Vân Cương này.
Hang động số 19 sáng tạo bộ ba tượng Phật quá khứ, hiện tại và vị lai trong ba gian độc lập, khiến không gian xung quanh trang nghiêm kỳ lạ. Tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong tư thế ngồi, cao 16.8 m là bức tượng lớn thứ hai ở Vân Cương. Tượng Phật đứng ở hang động số 18 phỏng theo chân dung của Thế Vũ Đế. Chiếc y trên thân chạm khắc hàng ngàn hình Phật, hàm ý sự sám hối ăn năn đã hành hạ Phật giáo trước đây. Giống chân dung hoàng đế Văn Thành là tượng ở hang động số 16. Khác với các tượng của chư tiền bối, bức tượng này choàng y phủ kín cả hai vai với dải nơ dài buông phía trước, lối vấn y thật giống tượng ở Gandhara.
[B]Hang động 9 đến 13 - [/B]Dãy hang động này cũng còn gọi là “Ngũ Hoa động”. Thật là năm hang động tuyệt vời! Màu sơn tráng lệ của phù điêu, tôn tượng và hang động ở đây cho biết chúng được hình thành vào các triều đại sau này. Tượng Đức Phật ngồi kiết già trong hang động 13 thật thanh thản, sống động làm sao! Tay trái của Ngài để trước bụng, tay phải buông xuôi trên đầu gối, Đức Phật rất giống chân dung của vị vua thứ năm của triều đại, tức Hiến Tổ Hiến Văn Đế. Một tượng nhỏ được cho rằng con của ông sau này là Cao Tông Hiếu Văn Đế đứng trên đùi trái và ôm cánh tay trái của ông, cả hai bức tượng rất sống động và đẹp.
Hang động số 12 được xem là “hang động âm nhạc và vũ điệu”, vì nơi đây tập trung nhiều phù điêu các vũ công, nhạc công, màu sắc, đường nét tinh tế, sắc sảo. Trên đỉnh bức tường phía bắc chạm khắc 14 nhạc công đang bay rất ấn tượng, mỗi người mang một loại nhạc cụ truyền thống Trung Quốc. Trên các vách tường, vòm cửa sổ đều có chạm khắc hình tượng nhạc thần. Khi tia nắng rót vào không gian, tượng Phật sáng lên trong sắc màu huyền diệu, đẹp lạ.
Lối điêu khắc các chánh điện lại là điểm thu hút khác của năm hang động này. Với tượng Phật, nghệ nhân chạm khắc qua nhiều mô thức như trong tư thế ngồi, bắt kiết già, đứng, đủ dáng vẻ hiện thân, còn chánh điện bao gồm trần vòm, mái, vóc dáng toàn cảnh, phối hợp không gian. Phong cách kiến tạo nghệ thuật của chánh điện ở đây thật rất đặc biệt. Hang động 9 và 10, nếu nhìn từ bên ngoài, trước sau đều có phòng ốc. Hai hang động kiến tạo vào thời đại Bắc Triều này được phỏng theo cung điện của Phùng hoàng hậu. Người quả phụ bất hạnh ở tuổi còn quá trẻ (24 tuổi).
Trong 25 năm, Văn Thành Đế được hai vị hiền nhân bên cạnh trợ giúp, do đó hai hang động này được tạo lập đặc biệt cúng dường cho hai vị này. Trên bức tường phía bắc, phòng phía trước của hang động số 10 là bức phù điêu hình ngọn núi Tu di - ngọn núi trung tâm thế giới theo thần thoại Ấn Độ cổ. Nhiều bức phù điêu lớn nhỏ 5 m hoặc 2 m chạm khắc hình em bé, nai hươu, rồng, vị Tăng người Ấn - Cưu-ma-la-thập (Kumarajiva ), chư thiên, thần A-tu-la. Bên trên vòm cửa sổ chạm khắc hình ảnh thiên thần đang bay trên những cánh hoa sen.
[B]Hang động số 7 - 8 - [/B]Đây là hai hang động được hình thành khá sớm trong quần thể Vân Cương. Tại đây nền văn hoá phương Đông và Ấn Độ kết hợp một cách hài hoà đến diệu kỳ. Bên trong cửa hình vòm cung của hang số 8, trên bức tường phía đông là bức phù điêu thần Shiva Mahesvara của Ấn giáo, cưỡi trên bò thần, vị thần ba đầu, tám tay đang nâng mặt trời, cung và tên. Đối diện là thần Kumara, con của thần Shiva, với năm đầu sáu tay đang cưỡi trên lưng công. Các bức phù điêu này cho thấy các hang động Phật giáo ở Vân Cương đã pha trộn kết hợp nhiều yếu tố nghệ thuật từ các tôn giáo và vùng miền khác.
Trên vách phía Nam trong hang động số 7, phía trên vòm cửa là lối điêu khắc như tấm rèm cung điện với hình tượng sáu vị thiên thần xinh đẹp cúng dường, xiêm y đang nhẹ bay, đường nét sắc sảo uyển chuyển sống động. Nghệ nhân Liang Sicheng - Cha đẻ của ngành kiến trúc hiện đại Trung Quốc đã không ngớt lời tán thán nghệ thuật điêu khắc sáu vị thiên thần ở đây. Ông bảo: “Đây là sáu mỹ nhân của Vân Cương”, vì vóc dáng quá tao nhã thanh lịch và nụ cười đầy quyến rũ. Hai hang động này cũng là hai hang động đầu tiên có lối điêu khắc chư thiên đang bay, có hào quang lung linh trên đỉnh đầu, xiêm y mềm mại, tự nhiên. Tư thế này thật đặc biệt, sắc sảo và tuyệt đẹp.
Ngày nay, có 45 trong số 200 hang động ở Vân Cương đang mở cửa cho khách hành hương tham quan hàng ngày. Hầu hết các hang động được kiến tạo trước khi kinh đô dời từ Bình Thành (ngày nay là Đại Đồng) đến Lạc Dương thuộc tỉnh Hà Nam vào năm 494. Đặt chân đến ngưỡng cửa Tây Trung Quốc, dãy hang động trải dài trước mắt bạn, cho thấy rõ tâm hồn người Trung Hoa thổi vào trong nghệ thuật điêu khắc lộng lẫy trên quy mô lớn từ các đại sảnh, lăng mộ, chùa tháp. Ở đây, bạn không chỉ được chiêm ngưỡng lối kiến trúc đa dạng phỏng theo cuộc đời Đức Phật trong các câu chuyện tiền thân của Ngài, và hình tượng của chư thiên, nhạc thần, chư Tăng mà còn các kết hợp nghệ thuật điêu khắc truyền thống Trung Hoa với nghệ thuật Gandhara của Ấn Độ. Đứng trước cảnh vật hùng vĩ, trác tuyệt này, người đời nay vô cùng ngưỡng mộ, kính phục trí tuệ và tài năng của người xưa.
Có chuyến bay thẳng từ sân bay quốc tế Phố Đông Thượng Hải đến sân bay Vân Cương ở Đại Đồng. Cũng có nhiều tàu hoả ngang qua các tỉnh Sơn Đông và Sơn Tây, Bắc Kinh và Thiên Tân, hoặc vùng tự trị Mongolia đều dừng tại trạm Đại Đồng. Nếu bạn chọn du lịch bằng xe buýt, rất đơn giản, bạn đi các chuyến xe số 4, 26, 28 và 17 đến điểm [I]Xinkaili[/I] và đổi xe buýt số 3 sẽ đến thẳng Hang động Vân Cương dễ dàng.