- Mục Lục Chi Tiết
- Lời Tựa - Phàm Lệ
- Chương 1 Cõi Nước Phật
- Chương 2 Phương Tiện
- Chương 3 Thanh Văn
- Chương 4 Bồ Tát
- Chương 5 - Văn Thù Bồ tát thăm bệnh
- Chương 6 - Bất tư nghì
- Chương 7 - Quán chúng sanh
- Chương 8 - Con đường Phật
- Chương 9 - Nhập pháp môn không hai
- Chương 10 - Phật Hương Tích
- Chương 11 - Việc làm của Bồ Tát
- Chương 12 - Thấy Vô Động Như Lai, thế giới Diệu Hỉ
- Chương 13 - Cúng dường pháp
- Chương 14 - Chúc lũy
DUY MA CẬT SỞ THUYẾT
KINH
TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG
GIÁO ÁN TRUNG CAO CẤP PHẬT HỌC
Tập I và II
Pháp Sư Thích Từ Thông dịch giải
CHƯƠNG THỨ MƯỜI
1.- Ông Xá Lợi Phất nghĩ rằng: giờ ngọ trai sắp đến, rồi đây chư Bồ tát sẽ thọ thực bằng gì?
Trưởng giả Duy Ma Cật biết được thâm ý của ông Xá Lợi Phất, bèn bảo rằng:
Thưa ngài Xá Lợi Phất! Đức Phật dạy tám môn giải thoát ngài lãnh thọ tu hành. Há để xen tạp ý nghĩ về ăn trong lúc nghe pháp vậy sao? Nếu muốn ăn thì hãy đợi giây lát. Ngài sẽ được thức ăn chưa từng có.
Ông Duy Ma Cật liền nhập định, vận dụng sức thần thông khiến cho đại chúng thấy rõ, ở thượng phương thế giới trải qua bốn mươi hai hằng hà sa cõi Phật có quốc độ tên gọi là Chúng Hương. Hiện tại đức Phật Hương tích là giáo chủ. Nước Chúng Hương có thứ hương thơm kỳ diệu, so với mùi thơm của các thế giới nhơn thiên. Các cõi nước chư Phật trong mười phương cũng không có thứ hương nào sánh được. Cõi nước đó, không có Thanh văn và Bích Chi Phật, chỉ có chúng đại Bồ tát thanh tịnh. Đức Phật Hương Tích thường truyền pháp giáo hóa cho hàng đại Bồ tát này. Thế giới Chúng Hương thường xử dụng toàn hương. Lầu các kiến tạo bằng hương. Đi kinh hành trên đất hương, vườn tược hoa cảnh cũng hương. Hơi hương là thức ăn của Phật, Bồ tát ở quốc độ này. Hương này lan tỏa ngát thơm khắp vô lượng thế giới mười phương.
Lúc ấy đức Phật và chư Bồ tát cùng ngồi thọ thực. Chư Thiên tử cùng có hiệu Hương Nghiêm, những Thiên tử này đều đã phát tâm vô thượng Bồ đề. Họ dâng thức ăn Hương để cúng dường Phật và Bồ tát.
Tất cả đại chúng trong hải hội đều trông thấy sự kiện này.
2.- Bấy giờTrưởng giả Duy Ma Cật hỏi các chúng Bồ tát trong hải hội rằng: Thưa chư nhơn giả! Trong này ai có thể qua đến cõi Phật Hương Tích để có thể thỉnh một ít cơm thơm?
Do thần lực của Bồ tát Đại Trí Văn Thù Sư Lợi, cả hải hội chư Bồ tát đều lặng im.
Ông Duy Ma Cật nói: Cả đại chúng trong hải hội đều im lặng cả! Không đáng xấu hổ lắm sao?
Văn Thù Sư Lợi nói: Theo lời Phật dạy "Không nên xem thường người chưa học".
Ông Duy Ma Cật, ngồi tại bản tòa ở trước đại chúng, hóa hiện một Bồ Tát tướng hảo quang minh, uy đức hơn hẳn mọi người và sai bảo:
Ông qua thượng phương vượt đây khoảng bốn mươi hai hằng hà sa cõi Phật, có một quốc độ tên gọi là Chúng Hương. Đức Phật cõi đó hiệu là Huơng Tích. Phật và Bồ tát đang cùng ngồi thọ thực. Ông hãy đến đó nói đúng như lời tôi rằng:
"Duy Ma Cật đê đầu đảnh lễ dưới chân đức Thế Tôn trọng kính vô vàn, gởi đến lời thăm hỏi đức Thế Tôn ít bệnh, ít não chăng? Sức khỏe bình an chăng? Mong Thế Tôn cho một ít cơm thừa đem về cõi Ta bà làm Phật sự khiến cho những người ham ưa pháp Tiểu thừa được mở mang trí tuệ phát chí Đại thừa, đi theo đại đạo và cũng khiến cho thanh danh của Như Lai được nhiều người nghe biết khắp cùng".
Lãnh hội lời dặn dò, ở trước đại chúng, vị hóa thân Bồ tát liền bay lên thượng phương, trước sự chứng kiến của đại chúng. Đến thế giới Chúng Hương, hóa thân Bồ tát lễ dưới chân Phật. Vào lúc này tất cả đại chúng ở cõi Ta bà đều nghe rõ lời tác bạch:
"Duy Ma Cật đê đầu đảnh lễ dưới chân đức Thế Tôn, trọng kính vô vàn, gởi đến lời thăm hỏi, đức Thế Tôn ít bệnh, ít não chăng? Sức khỏe bình an chăng? Mong Thế Tôn cho một ít cơm thừa đem về cõi Ta bà làm Phật sự, khiến cho những người ham ưa pháp Tiểu thừa được mở mang trí tuệ phát chí Đại thừa , đi theo đại đạo và cũng khiến cho thanh danh của Như Lai được nhiều người nghe biết khắp cùng".
Các đại sĩ ở nước Chúng Hương trông thấy đức hóa thân Bồ tát đều rất kính mộ và tán thán đây là việc chưa từng có. Bậc thượng nhân này từ đâu đến. Ta Bà thế giới cách đây bao xa. Sao gọi là những người ham ưa tiểu pháp. Bao nhiêu nghi vấn đặt ra và đem những việc đó thưa hỏi đức Phật.
Đức Hương Tích Phật nói với chư Bồ tát rằng ở hạ phương cách bốn mươi hai hằng hà sa cõi Phật, có thế giới tên Ta bà. Hiện nay đức Phật Thích Ca Mâu Ni là giáo chủ. Ta bà là cõi đời nhơ xấu năm trược hoành hành. Đức Phật Thích Ca vì những chúng sanh ham ưa pháp Tiểu thừa, mở mang chuyển hóa khiến cho họ phát chí Đại thừa. Đức Phật có một vị Bồ tát tên Duy Ma Cật hằng trụ trong cảnh giới giải thoát bất khả tư nghì, vì các Bồ tát nói pháp. Vì thế, sai vị hóa thân Bồ tát đến cõi này, nhằm xưng dương danh hiệu của ta và khen ngợi quốc độ Chúng Hương này, khiến cho Bồ tát ở cõi Ta bà được tăng phần công đức.
3.- Các Bồ tát Chúng Hương hỏi Phật: Duy Ma Cật người thế nào, mà có thể hóa ra một Bồ tát oai đức tròn đầy, thần thông quảng đại thế kia?
Phật nói: Rất lớn! Chẳng những hóa một Bồ tát mà còn có thể hóa vô số Bồ tát đi đến vô số cõi nước trong mười phương để thi tác Phật sự lợi ích chúng sanh.
4.- Đức Hương Tích Như Lai lấy bình bát Chúng Hương đựng đầy một bát cơm hương và ban cho hóa thân Bồ tát.
Lúc bấy giờcó chín trăm vạn Bồ tát, đồng thanh nói: Chúng tôi muốn đến thế giới Ta bà để cúng dường đức Phật Thích Ca Mâu Ni và muốn hội kiến với ông Duy Ma Cật và chúng Bồ tát ở cõi Ta Bà.
Đức Phật nói : Các Bồ tát có thể đi, nhưng phải thu nhiếp hương thơm từ thân các ông. Đừng để cho các chúng sanh cõi kia sanh tâm đam mê nhiễm ái. Lại còn phải đổi thân hình vốn có của các Bồ tát cõi này, đừng để cho chư Bồ Tát cõi Ta bà có mặc cảm tự ti. Lại nữa, khi diện kiến các ông không nên có trong lòng ý tưởng khinh thường mà dấy lên tư tưởng trở ngại không nên. Bởi vì sao? Vì mười phương quốc độ đều như hư không. Chẳng qua, chư Phật vì giáo hóa những chúng sanh ham ưa tiểu pháp mà không hiện trọn vẹn cõi nước thanh tịnh đấy thôi.
Bấy giờ hóa thân Bồ tát cung kính tiếp nhận bát cơm cùng chín trăm vạn Bồ tát, nương sức oai thần Phật, chư Bồ tát hốt nhiên không còn hiện diện ở thế giới Chúng Hương... trong khoảnh khắc sau, tất cả cùng có mặt ở tịnh thất của ngài Duy Ma Cật.
Ông Duy Ma Cật hóa ra chín trăm vạn chiếc tòa sư tử cao rộng đẹp đẽ. Chư Bồ tát trong hải hội đều ngồi lên bảo tòa...
5.- Hóa thân Bồ tát đem bát cơm đầy ngào ngạt hương thơm dâng lên Bồ tát Duy Ma Cật. Hơi thơm của cơm xông ngát thành Tỳ Da Ly, lan tỏa khắp cả ba ngàn đại thiên thế giới.
Các Bà la môn, cư sĩ v.v.. nghe mùi hương thân tâm thanh thoát nhẹ nhàng và đồng khen ngợi là sự kiện nhiệm mầu, xưa nay chưa từng có.
Có vị trưởng giả tên Nguyệt Cái cùng với đoàn tùy tùng 84.000 người đi đến tịnh thất Bồ tát Duy Ma Cật. Khi đến tịnh thất mọi người trông thấy số chúng đại Bồ tát rất đông. Các tòa sư tử cao rộng trang nghiêm lộng lẫy. Tất cả mọi người hoan hỉ lễ bái chư Bồ tát chúng và các hàng đệ tử Thanh Văn. Lễ xong, lui ra cùng đứng sang một phía. Các địa thần, hư không thần, chư Thiên cõi Dục, cõi Sắc nghe mùi hương cũng đến tịnh thất và xin được vào nghe pháp.
Bồ tát Duy Ma Cật nói với ông Xá Lợi Phất và các hàng đại Thanh văn rằng:
Khi ấy, có vị Thanh văn móng ý nghĩ rằng: Cơm ít mà đại chúng quá đông. Rồi đây mọi người sẽ ăn, rồi ai ăn ai nhịn?
Nhằm giải tỏa mối nghi trong lòng đại chúng, hóa thân Bồ tát tuyên bố: Thưa chư nhơn giả! Các ngài không nên dùng tiểu đức tiểu trí của Thanh văn mà cân lường phước đức trí tuệ của Như lai. Nước bốn biển còn có thể hết chứ cơm này không thể hết. Giả sử mỗi người ăn một khối to bằng núi Tu Di, ăn trọn kiếp cũng không hết được. Vì đây là thức ăn thừa của đấng đầy đủ công đức giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến vô tận, làm sao hết được. Một bát cơm này no lòng cho bao nhiêu đại chúng trong hội này hãy còn quá dư thừa! Vả lại Bồ tát, Thanh văn, nhơn thiên ăn cơm này rồi thân tâm thư thái, vui vẻ an nhiên giống như Bồ tát ở cõi nước Nhất Thiết Lạc Trang Nghiêm. Lại nữa sau khi ăn cơm này, từng lỗ chân lông sẽ tiết ra hương thơm kỳ diệu giống như mùi hương của các rừng cây thơm ở quốc độ Chúng Hương.
6.- Bồ Tát Duy Ma Cật hỏi các Bồ tát Chúng Hương rằng: Thưa chư đại sĩ! Đức Hương Tích Như Lai ở nước Chúng Hương giáo hóa chúng Bồ tát bằng cách nào?
- Hương Tích Như lai cõi nước chúng tôi không dùng ngôn ngữ văn tự thuyết mà chỉ lấy Hương, khiến cho nhơn thiên được đi vào luật hạnh. Các Bồ tát thì ngồi dưới cội cây Hương nghe mùi hương vi diệu mà được Tam muội Nhất thiết Đức Tàng. Bồ tát được tam muội ấy rồi tự có đầy đủ công đức.
Các Bồ Tát Chúng Hương hỏi lại:
Thưa! Đức Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn, thuyết pháp bằng cách nào?
Bồ tát Duy Ma Cật đáp: Cõi Ta bà chúng sanh cang cường khó giáo hóa, cho nên đức Phật của chúng tôi phải thuyết những ngôn ngữ cang cường để mà điều phục. Phải nói địa ngục, súc sanh và ngạ quỷ. Phải nói đấy là chỗ khổn nạn, đấy là chỗ những người ngu si thọ sanh. Phải nói đó là việc làm sai quấy của thân. Đó là quả báo của việc làm sai quấy của thân. Đó là lời sai trái của khẩu, đó là quả báo của lời sai trái của khẩu. Đó là ý nghĩ tội lỗi của ý, đó là quả báo của ý nghĩ tội lỗi của ý. Đấy là sát sanh, đấy là quả báo của sát sanh. Đấy là không cho mà lấy, đấy là quả báo của việc không cho mà lấy. Đó là tà dâm, đó là quả báo của tà dâm. Đó là vọng ngữ, đó là quả báo của vọng ngữ. Đó là lưỡi hai chiều, đó là quả báo của lưỡi hai chiều. Đó là ác khẩu, đó là quả báo của ác khẩu. Đó là lời vô nghĩa, đó là quả báo của lời vô nghĩa. Đó là tham lam, đó là quả báo của tham lam. Đó là sầu não, đó là quả báo của sầu não. Đó là tà kiến, đó là quả báo của tà kiến. Đó là xan lẩn, đó là quả báo của xan lẩn. Đó là hủy phạm giới, đó là quả báo của hủy phạm giới. Đó là giải đải, đó là quả báo của giải đải. Đó là loạn ý, đó là quả báo của loạn ý. Đó là ngu si, đó là quả báo của ngu si. Đó là trì giới. Đó là phạm giới. Đó là việc nên làm. Đó là việc không nên làm. Đó là chướng ngại. Đó là không chướng ngại. Đó là đắc tội. Đó là tiêu tội. Đó là tịnh. Đó là cấu. Đó là hữu lậu. Đó là vô lậu. Đó là tà đạo. Đó là chánh đạo. Đó là hữu vi. Đó là vô vi. Đó là thế gian. Đó là Niết bàn.
Vì những người khó giáo hóa, tâm như vượn, ý như ngựa cho nên đức Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn phải dùng nhiều ngôn từ phương tiện thuyết pháp để chế ngự tâm họ. Sau đó mới điều phục được. Ví như ngựa bất kham, voi cuồng bạo khó huấn luyện, phải xử dụng roi, dùi, đánh, chích thì mới điều phục được. Cũng như thế, chúng sanh cang cường nan hóa, phải dùng những lời khổ thiết như thế mới có thể đưa khép họ vào luật hạnh.
7.- Các Bồ tát Chúng Hương đồng tán thán rằng: Đức Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn, làm việc khó làm, dấu đi sức tự tại vô lượng của mình mà vui lấy pháp khó khăn độ thoát chúng sanh. Các Bồ tát cõi Ta bà đây cũng hết sức nhọc nhằn khiêm tốn, do lòng đại bi vô lượng mới nguyện sanh ở cõi Phật này.
Bồ tát Duy Ma Cật nói: Đúng như chư đại sĩ nói, Bồ tát cõi Ta bà, đối với chúng sanh lòng đại bi rất kiên cố. Nhưng được cái ưu việt là làm lợi ích chúng sanh trong một đời công đức nhiều hơn trăm ngàn đời làm lợi ích chúng sanh ở cõi nước của các ngài. Vì sao? Vì thế giới Ta bà có mười việc thiện pháp, mà các cõi Tịnh độ khác không có:
Một, lấy bố thí đem giúp đở kẻ nghèo.
Hai, lấy trì giới đem gương mẫu cho người phạm giới.
Ba, lấy nhẫn nhục đem dạy khuyên người hung bạo.
Bốn, lấy tinh tấn đem gương mẫu cho kẻ biếng lười.
Năm, lấy thiền định đem dạy người loạn ý.
Sáu, lấy trí tuệ đem giáo hóa người ngu si.
Bảy, nói pháp trừ nạn hóa độ người bát nạn.
Tám, lấy pháp đại thừa đem hóa độ người yêu thích tiểu thừa.
Chín, lấy pháp thiện căn khuyến hoá người vô đức.
Mười, thường lấy pháp tứ nhiếp dẫn dụ giáo hóa chúng sanh.
8.- Các Bồ tát Chúng Hương hỏi: Bồ tát ở thế giới Ta bà thực hành những pháp gì không bị thương tổn, không mắc mứu để có thể sanh sang ở tịnh độ.
Bồ tát Duy Ma Cật đáp: Bồ tát ở cõi này thành tựu được tám pháp thì không bị thương tổn, không bị mắc mứu có thể sanh vào tịnh độ:
Một, làm lợi ích chúng sanh mà không cầu đền ơn đáp nghĩa.
Hai, thay tất cả chúng sanh, gánh chịu những thiệt thòi khổ não.
Ba, làm tất cả công đức lành, nguyện cho chúng sanh hưởng hết.
Bốn, bình dị đơn giản đối với tất cả mọi người, nhún nhường tột thấp mà không mặc cảm tự ti.
Năm, đối với chư Bồ tát xem trọng như Phật.
Sáu, những kinh chưa được nghe, thì nghe không nghi ngờ.
Bảy, không khinh chê pháp tu của người Thanh văn, không ganh tị sự thọ hưởng cúng dường của họ, không có ý thu lợi về phần mình. Thường tâm niệm việc đó để điều phục tâm ý.
Tám, thường xét lỗi mình, không phê cái xấu của người khác, hằng giữ nhất tâm, ham cầu công đức. Đó là tám pháp làm cho Bồ tát thế giới Ta bà không mắc mứu để có thể sanh sang tịnh độ.
Bồ tát Duy Ma Cật và Bồ tát Đại Trí Văn Thù Sư Lợi ở giữa đại chúng nói thời pháp ấy rồi, trăm ngàn trời, người phát tâm vô thượng Bồ đề. Mười ngàn Bồ tát được vô sanh pháp nhẫn.
TRỰC CHỈ
1.- Kinh Duy Ma Cật ba lần hiện bày Tịnh độ trong Pháp giới nhất chân. Nói "nhất chân" người học Phật phải hiểu là pháp giới chỉ có một. Toàn thể chỉ có một. Một là tất cả. Không còn pháp nào khác ngoài ở ngoài pháp giới nhất chân đó. Pháp giới nhất chân là pháp giới "Thụ cùng tam tế, hoành biến thập phương". Về không gian, tột mé nghĩ bàn. Về thời gian hết nguồn khái niệm.
Trong pháp giới nhất chân không có vấn đề tịnh uế. Thấy tịnh thấy uế là do người. Vì vậy trong pháp giới không tịnh uế lại có ra tịnh uế.
Lần thứ nhất, ở chương một, trong cõi Ta bà uế độ này, đức Phật Thích Ca cho hàng đệ tử thấy và biết rằng: Cõi Ta bà cấu uế đó chính là do tội chướng của các ông, khiến cho cái thấy của các ông đối với cõi Ta bà không thanh tịnh. Ví như trước ánh nắng hòa dịu ấm áp của bầu trời xuân. với muôn vàn màu sắc của hoa lá thắm tươi rực rỡ. Vậy mà những người mù thì chẳng thưởng thức được gì. Không thấy đẹp, không phải vì không có cảnh đẹp. Không thấy tịnh, không phải quốc độ của Phật Thích Ca không tịnh.
Đó là lần Phật cho đại chúng trong hải hội biết: ngay nơi uế độ vốn đã có tịnh độ. Tịnh độ không cần phải xuất cảnh rời bỏ uế độ ra đi mới có.
Ở chương này, giới thiệu quốc độ Chúng Hương của Phật Hương Tích.
Phật Hương Tích giáo chủ của thế giới Chúng Hương ở thượng phương cách cõi Ta bà 42 hằng ha sa cõi nước. Ở đó có thế giới Tịnh độ. Tịnh độ Chúng Hương, Phật và Bồ Tát xử dụng toàn hương. Đất đai, lầu các, vườn rừng, hoa cảnh, cho đến thức ăn đều là hương tất cả. Đức Hương Tích giáo hóa cũng xử dụng hương.
Qua ý nghĩa của sự kiện trên, ta thấy:
a.- Nhằm giới thiệu cho đại chúng trong hải hội biết rằng: ngoài thế giới uế độ còn có thế giới thuần tịnh độ trong pháp giới nhất chân. Tuy nhiên, vẫn không ngoài chân lý tịnh uế do người. Thế giới Chúng Hương thuần tịnh, vì thế giới không có xen tạp cái nhìn của nhục nhãn vốn nhiều tội cấu của phàm phu. Thế giới đó được nhìn qua tuệ nhãn của thuần là Bồ tát.
b.- Nhằm giáo dục cho người đệ tử Phật biết: Lục trần, trần nào cũng có thể làm Phật sự. Lục căn, căn nào cũng cũng có thể khiến cho con người học đạo, hành đạo và chứng đạo được hết.
Đức Phật Thích Ca giáo chủ cõi Ta bà xử dụng thanh trần giáo hóa chúng sanh làm nên Phật sư.
Đức Phật Hương Tích giáo chủ thế giới Chúng Hương xử dụng Hương trần giáo hóa Bồ tát làm nên Phật sự.
Chúng sanh cõi Ta bà xử dụng nhĩ căn nghe đạo, học đạo, hành đạo và chứng thành đạo quả.
Chúng Bồ tát thế giới Chúng Hương xử dụng tỷ căn ngửi mùi đạo, học đạo, hành đạo và chứng thành đạo quả.
Kinh Thủ Lăng Nghiêm, 25 Thánh đệ tử dựa trên lục căn, lục trần, lục thức, thất đại làm dữ kiện chứng đắc viên thông.
Kinh Duy Ma Cật, 31 Bồ tát dựa trên 31 sự kiện khác nhau nhưng kết cuộc cùng đến một đích: chứng nhập pháp môn bất nhị và với Hương trần, đức Phật Hương Tích lại giáo hóa chúng sanh khiến cho hàng Bồ tát đạo hạnh ngày càng tăng tiến.
Quán triệt kinh đìển Đại thừa, người đệ tử Phật càng thấy nền giáo lý Phật thậm thâm vi diệu.
Với chân lý:
Hoa Nghiêm tông lấy con sư tử vàng làm ví dụ để khái niệm nhận thức về ý nghĩa chư pháp tương tức và nhất đa tương dung. Mảy lông bờm và mảy lông đuôi của con sư tử tên gọi khác nhau, nhưng lông bờm là lông đuôi, lông đuôi là lông bờm của con sư tử ấy. Vì hai mảy lông cùng một chất vàng. Chất vàng của lông bờm dung chứa toàn bộ chất vàng của lông đuôi. Chẳng những thế, nó còn dung chứ toàn bộ chất vàng của toàn bộ lông móng từ đầu chí đuôi của toàn thân con sư tử.
Qua ví dụ đó, thiền giả nhận thức về ý nghĩa nhất đa tương dung.
2.-Hành xử quán trí thâm ngộ sâu sắc ý nghĩa chư pháp tương tức, nhất đa tương dung, thiền giả sẽ lý giải không hoang đường. Về sự di chuyển qua lại của đức hóa thân Bồ tát, trên một khoảng không gian cách 42 hằng hà sa thế giới. Vừa đi, đến, vừa làm lễ tác bạch, xin cơm Hương, vừa trở về tịnh thất của ngài Duy Ma Cật mà chỉ mất trong vài khoảnh khắc!
Nhìn vạn pháp bằng tuệ nhãn, Huyền Giác thiền sư nói;
"Giác hậu không không vô đại thiên". Nghĩa là tâm thấy biết của những bậc Đại giác thì 42 hằng hà sa thế giới chẳng có ranh giới, cho nên xa gần không còn là vấn đề đặt ra để bình luận nữa. Mà: "Nhất tức nhất thiết. Nhất thiết tức nhất".
3.- Đức Phật Hương Tích dạy: là Bồ tát thì uy đức tôn nghiêm, thần thông quảng đại là lẽ thường. Các đặc trưng và thực nghĩa của Bồ tát là phải làm những việc khó mà tất cả chúng sanh không làm được. Chẳng những thế, vì sự nghiệp hóa độ chúng sanh, Bồ tát phục vụ chúng sanh từ quốc độ này sang vô lượng thế giới khác trong mười phương không kể thời gian, năm, tháng...
4.- Phật Hương Tích đồng ý cho chín trăm vạn Bồ tát ở quốc độ Chúng Hương đi tham quan cõi Ta bà ra mắt đức Phật Thích Ca với ba điều kiện:
Một, phải thu nhiếp thân hương. Không nên để chúng sanh cõi Ta bà sanh tâm ái nhiễm khiến cho họ khó tu hành.
Hai, thu thân tướng vĩ đại trang nghiêm. Không được để Bồ tát cõi Ta bà mặc cảm tự ti không tốt.
Ba, thấy Phật, thấy Bồ tát, thấy quốc độ Ta bà không thanh tịnh trang nghiêm, nhưng không được khởi tướng xem thường. Đức Phật dạy tiếp:
Bồ tát các ông phải biết: "Mười phương quốc độ đều như hư không. Chư Phật vì giáo hóa chúng sanh ham ưa pháp nhỏ mà không hiện trọn vẹn cõi nước thanh tịnh đấy thôi".
Qua lời dạy của đức Phật Hương Tích, một lần nữa, ta có thể xác định rằng: quốc độ tịnh uế là do chúng sanh, chứ không phải quốc độ của chư Như Lai trong mười phương có tịnh có uế.
5.- Cơm Hương, tượng trưng "phước đức trí tuệ hương". Của cải vật chất hữu vi, dù nhiều đến bao nhiêu, đem phân phát cho ra có ngày phải hết. Phước đức trí tuệ của bậc đầy đủ tột cùng, đem truyền đạt bao thời gian, năm, tháng, số người tiếp thu không cần hạn chế, phước đức trí tuệ vẫn không hao mòn giảm thiểu. Tu học theo con đường phước đức trí tuệ của Hương Tích Như lai tức là tu học pháp môn vô tận đăng của thế giới Chúng Hương truyền đạt cho Bồ tát cõi Ta bà.
6.- Như ta đã biết căn, trần, thức, thất đại đều có thể làm Phật sự được hết. Vì tất cả đều là dữ kiện chứng đắc Viên thông (Xin đọc thêm kinh Thủ Lăng Nghiêm Trực chỉ đề cương cùng một biên dịch giả).
Đức Phật Hương Tích thế giới Chúng Hương xử dụng Hương trần giáo hóa Bồ tát.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cõi Ta bà xử dụng Thanh trần giáo hóa chúng sanh.
Cõi tịnh độ, Phật Hương Tích giáo hóa chư Bồ tát chỉ dùng Hương mà luật hạnh của các ngài bất thối chuyển trên đường vô thượng Bồ đề.
Cõi uế độ, Phật Thích Ca giáo hóa chúng sanh phải tận dụng ngôn từ khổ thiết nặng nề, vì chúng sanh thâm nhiễm vô minh, ý chí cang cường nan điều nan phục.
Đối với bậc lợi căn thượng trí, đức Phật chỉ nói với họ về phước đức, trí tuệ, khinh an, giải thoát, Bồ đề Niết bàn là người trí đã phát tâm hâm mộ...
Với bậc hạ trí độn căn, Phật không muốn dùng lời khổ thiết nặng nề: ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục...nhưng vì muốn tránh cảnh khổ đó cho chúng sanh, đức Phật bất đắc dĩ phải đem ra xử dụng.
Thật ra, đó chỉ là một phương tiện được xem như những công cụ bạo lực để răn đe những ai không biết sợ tội lỗi là gì. Như giăng giúp cho họ một sợi thép gai làm hàng rào, hy vọng họ không sa ngã vào chỗ hầm hố, gai chông.
Vấn đề địa ngục trong giáo lý nhà Phật, địa ngục có cũng do con người. Không do đấng thiêng liêng nào kiến tạo sẵn để trừng trị một ai. (Đọc thêm Thủ Lăng Nghiêm Trực chỉ đề cương, tập 3 sẽ được hiểu rõ hơn).
7.- Phật và Bồ tát ở cõi Ta bà, lòng đại bi vô lượng, đức kiên cố vô cùng, ẩn dấu đi sức tự tại giải thoát của mình làm những việc khó làm nhằm độ thoát chúng sanh cang cường nan điều nan phục.
Đó là lời tán thán và kính phục tận đáy lòng của chư Bồ tát quốc độ Chúng Hương.
Bồ tát Duy Ma Cật cho biết dù vậy, nhưng Bồ tát ở cõi Ta bà trên phương diện vun bồi công đức phát huy trí huệ, rèn luyện ý chí lại có nhiều thuận lợi mà các Bồ tát ở các cõi Tịnh độ khác không có. Chẳng hạn:
Muốn giúp đở ban cho , có người tiếp nhận.
Hoàn cảnh nhiều cám dỗ để tự tôi luyện ý chí được kiên trì.
Nhiều kẻ thù bất như ý, để thí nghiệm tánh nhẫn nhục,
Nhiều nghịch cảnh đau thương, như cảnh tỉnh phải tinh tấn tu hành, không nên giải đải.
Nhiều chúng sanh tạp ý, ta dạy cho họ phương pháp định tâm.
Nhiều kẻ ngu si, Bồ tát dạy cho họ sống theo trí tuệ.
Nhờ vậy, Bồ tát hành đạo ở cõi Ta bà một đời bằng trăm ngàn đời hành đạo ở các cõi Tịnh độ khác.
8.- Tuy nhiên, nếu Bồ tát không muốn hành Phật sự, giáo hóa chúng sanh ở cõi Ta bà thì cũng vẫn có những điều kiện để Bồ Tát tiến thân sanh sang các Tịnh độ:
Một, thi ân không cần đền trả.
Hai, nếu có điều kiện, gánh vác thay cực khổ cho chúng sanh.
Ba, làm điều lợi lành ban tặng cho chúng sanh hết.
Bốn, bình dân giản dị trong cuộc sống. Nhún nhường tột thấp mà không tự ti.
Năm, trọng kính Bồ tát như kính Phật.
Sáu, kinh điển Đại thừa nghe không khiếp sợ.
Bảy, không khinh chê pháp Thanh văn, không tỵ hiềm quyền lợi đối với họ.
Tám, thường quán xét lỗi mình không nói thị phi của người.
Độ sanh, hành đạo Bồ tát, tùy ở thệ nguyện và phát tâm. Không ai có quyền ép uổng ai trong nhiệm vụ cao cả thiêng liêng đó. Thấy đủ khả năng, giàu nghị lực thi hành đạo ở cõi Ta bà. Muốn được nhẹ vơi gánh nặng thì cũng tùy nguyện mà sanh sang thế giới khác.
Tuy nhiên ở cõi này hay nguyện sang thế giới khác, muốn lập công bồi đức thành tựu vô thượng Bồ đề đều phải có điều kiện. Thành tựu tám điều kiện đó, thì ngay thân này, quốc độ này mà tâm hồn đã giải thoát rỗng rang, chính lúc đó là đã sanh sang cõi Tịnh độ khác rồi.