- Mục Lục Chi Tiết
- Lời Tựa - Phàm Lệ
- Chương 1 Cõi Nước Phật
- Chương 2 Phương Tiện
- Chương 3 Thanh Văn
- Chương 4 Bồ Tát
- Chương 5 - Văn Thù Bồ tát thăm bệnh
- Chương 6 - Bất tư nghì
- Chương 7 - Quán chúng sanh
- Chương 8 - Con đường Phật
- Chương 9 - Nhập pháp môn không hai
- Chương 10 - Phật Hương Tích
- Chương 11 - Việc làm của Bồ Tát
- Chương 12 - Thấy Vô Động Như Lai, thế giới Diệu Hỉ
- Chương 13 - Cúng dường pháp
- Chương 14 - Chúc lũy
DUY MA CẬT SỞ THUYẾT
KINH
TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG
GIÁO ÁN TRUNG CAO CẤP PHẬT HỌC
Tập I và II
Pháp Sư Thích Từ Thông dịch giải
LỜI TỰA
Kinh Duy Ma
Cật là bộ kinh thuộc hệ tư tưởng Đại thừa Viên đốn, là thứ giáo lý mãn tự. Giáo
lý kinh Duy Ma Cật dạy cho mọi người về pháp môn giải thoát bất tư nghì. Hành
giả thực hiện được là thành Phật như đức Phật Thích Ca và thập phương chư Phật
đã thành. Ai có khả năng đoạn sạch vô minh, trừ hết phiền não thì tức thân
thành Phật và cõi nước Phật hiển hiện ngay cõi đời này. Giáo lý kinh Duy Ma Cật
dạy rằng: Quả vô thượng Bồ Đề không phải là cái hứa hẹn để cho mọi người mõi
mòn hy vọng ước mơ. Mà mọi người ai cũng có khả năng đạt đến bằng nghị lực và
trí tuệ của mình.
Trưởng giả Duy
Ma Cật là người bất tư nghì. Ngài thuyết bất tư nghì pháp, trình diễn bất tư
nghì cảnh, tập họp bất tư nghì chúng, khiến mọi người phát bất tư nghì tâm,
chung qui tán thán bất tư nghì công đức của Phật. Quả vô thượng Bồ Đề, Phật là
mục đích đến, mà Bồ tát Duy Ma Cật vận dụng vô số bất tư nghì sự để hướng dẫn
cho mọi người.
Giáo lý Tiểu
thừa có đề cập, phước báo nhơn thiên có nói đến, nhưng nói nhơn thiên để phủ
định phước báo nhơn thiên. Đề cập Tiểu thừa để khiển trách họ về Niết Bàn sở
đắc.
Ba lần hiện
Tịnh độ nhằm phổ cáo với đại chúng về thần lực bất tư nghì:
- Với sức thần
bất tư nghì của Phật nhãn, đại chúng trông thấy cõi Tịnh độ ở ngay nơi Ta bà uế
độ.
- Với sức thần bất tư nghì của tuệ nhãn, đại chúng trông thấy, ngoài Ta bà uế
độ, còn có Tịnh- độ của Phật Hương Tích rực rỡ trang nghiêm và xa thẳm.
- Với sức thần bất tư nghì của tuệ nhãn họp cùng Phật nhãn, đại chúng trông thấy Tịnh độ của đức Vô Động Như Lai sáp nhập với uế độ Ta bà mà không có tướng rộng hẹp, khiến cho đại chúng bừng tỉnh ngộ: Uế độ và tịnh độ không rời cảnh giới này.
Bộ kinh Duy Ma
Cật, từ Tây vức truyền sang Trung quốc, trước sau có sáu nhà dịch:
1.- Đời Hậu
Hán (25-220 TL) Ngài Nghiêm Phật Điều dịch, nhan đề: Cổ Duy Ma Kinh.
2.- Đời nhà
Ngô (221-280) cư sĩ Chí Khiêm dịch, nhan đề: Duy Ma Cật Sở Thuyết Bất Tư Nghì
Pháp Môn.
3.- Đời Tây
Tấn (265-317) Ngài Trúc Pháp Hộ dịch, nhan đề: Duy Ma Cật Sở Thuyết Pháp Môn
Kinh.
4.- Ngài Trúc
Pháp Lan dịch, nhan đề: Tỳ La Cật Kinh.
5.- Đời Diêu
Tần (344-413) Ngài Cưu Ma La Thập dịch, nhan đề: Phật Thuyết Vô Cấu Xưng Kinh.
6.- Nội dung
tư tưởng các bản dịch đại thể không khác nhau nhiều, nhưng ý nhị uyên thâm thì
có sâu có cạn. Do vậy, suốt quá trình dịch sử cho đến ngày nay, các tòng lâm
Phật học đều ái mộ bản dịch với nhan đề: “DUY MA CẬT SỞ THUYẾT KINH” của
Tam Tạng Pháp sư Cưu Ma La Thập.
Kinh Duy Ma
Cật Sở Thuyết, ở Trung Hoa xưa nay tiền bối sớ giải rất nhiều. Ở Việt
Phát xuất từ
quan điểm nhận thức đó, nhìn qua các bản dịch tại nước ta, tôi thấy cần tham dự
đóng góp kiến giải Phật học của mình. Trước là “Ôn cố tri tân” đồng thời cung
ứng cho hàng Phật tử hữu duyên cùng đi trên con đường đạo.
Kinh “Duy Ma
Cật Sở Thuyết” của Ngài Cưu Ma La Thập, sau khi dịch ra tiếng Việt, tôi viết
thêm phần “TRỰC CHỈ” ở sau mỗi chương hoặc sau mỗi đoạn, thay vì lời sớ
giải mà các tiền bối cổ kim thường làm.
TRỰC CHỈ có
nghĩa là chỉ thẳng, ý tứ tiềm ẩn, phân tích rõ ràng nghĩa lý sâu xa bàng bạc ở
kinh văn, nhằm hướng dẫn cho người đọc nắm được trọng tâm, biết rõ chủ đích
từng bài pháp của mỗi vấn đề.
Nhưng than ôi!
Ý Phật nhiệm
mầu trông như mây phủ ở đầu non, đến được đầu non mây xa tít.
Cơ thiền bảng
lảng tưởng chừng trăng trôi mặt nước, hớt tan mặt nước trăng sâu mù.
Do vậy, không thể nào TRỰC CHỈ hết mọi mặt của ý kinh. Cho nên tôi chọn nhan đề của công trình nho nhỏ này là: “DUY MA CẬT SỞ THUYẾT KINH TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG”.
Tôi hy vọng
giáo án này, - tôi gọi là giáo án, vì những kinh luận của tôi biên soạn nhằm để
triển khai hướng dẫn mọi người đệ tử Phật, học chánh pháp, hành chánh pháp,
sống theo chánh pháp và truyền bá chánh pháp chớ không chủ trương đem tụng
trước bàn thờ Phật. Giáo án này được đến tay Tăng, Ni sinh trung cao Phật học
các trường, tôi xem đó là một cơ hội đóng góp phần nho nhỏ của mình trong sự
nghiệp tục diệm truyền đăng.
Đối với hàng Phật tử tại gia tín tâm đã phát khởi với chủng tánh Đại thừa vốn có của mình, đọc học được kinh này thì đường tu tập vững bước tiến lên, không một thế lực ma quân tà đạo nào dám lấy mắt mà nhìn, đừng nói chi chuyện manh tâm mê hoặc.
Viết tại HUỲNH MAI TỊNH
THẤT
Ngày 16 tháng 12 năm 1991
Pháp Sư : Thích Từ Thông
Kính đề.
PHÀM LỆ
Bộ kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết gồm cả thảy mười bốn chương, được chia thành hai tập. Tập Một có năm chương và tập Hai có chín chương. Khi nghiên cứu bộ kinh này, kính mong quý đọc giả lưu ý:
1.- Phần
nguyên văn được in chữ đứng. Đó là phần dịch đúng nguyên bản của kinh văn.
2.- Phần Trực
chỉ in chữ nghiêng để cho đọc giả dễ phân biệt. Phần này do tôi đóng góp bằng
kiến giải của riêng mình. Hy vọng phần Trực chỉ sẽ giúp cho đọc giả manh mối để
tư duy, gợi trí nhận xét khi các Ngài thiền tọa.
3.- Đoạn kinh
văn dài, có nhiều ý, tôi đánh số 1, 2, 3 v.v... Đoạn có đánh số là có tiềm ẩn ý
nghĩa sâu xa. Tôi phân tích diễn giải phần ý nghĩa tiềm ẩn đó trong phần Trực
chỉ sau chương hoặc sau đoạn kinh văn đó.
Mấy lời kính cáo, mong chư đọc giả lưu tâm. Việc tác phẩm hoàn bị hay chưa, giúp ích cho đời được nhiều hay ít, thiết tưởng không có gì đáng nói.
Tôi cho
rằng tất cả chúng ta ngày nào còn sống trên cõi đời, thì còn phải: “Học, học
nữa và học mãi”
Pháp Sư : Thích Từ Thông
Cẩn chí.