Chân Hiền Tâm
Nhà xuất bản Thành Phố Hồ Chí Minh 2007
Này thiện nam tử! Ân quốc vương là, phúc đức tối thắng, dù sinh ở nhân gian mà được tự tại. Các thiên tử v.v… ở cõi trời Tam Thập Tam thường dùng lực của mình để hộ trì. Trong giới hạn của nước đó, tất cả sơn hà đại địa cho đến đại hải đều thuộc quốc vương. Phúc đức của một người hơn hẳn phúc đức của tất cả chúng sinh.
Đây là nói về phúc đức mà vua của một nước đã có. Nhờ cái phúc đó, mới làm vua làm chúa được. Thời đức Phật, chỉ có vua nên đức Phật chỉ nói đến vua. Đây là y vào cái duyên như tiền bạc, đất đai, quyền hành v.v… nhà vua có được so với toàn dân, mà nói lên phúc đức của các vị. Song, không phải chỉ có vua trong một nước, mà ngay cả trong một tập thể nhỏ hơn, từ vị trí của một vị trụ trì cho đến chủ của một gia đình, ai được như thế thì phúc đức của vị ấy so với những người còn lại trong tập thể đó cũng tương tự.
Đại thánh vương này dùng chánh pháp giáo hóa, khiến cho chúng sanh đều được an lạc. Thí như ở thế gian, tất cả cung điện nhà cửa đều lấy cột trụ làm nền tảng. Nhân dân thịnh vượng an lạc thì quốc vương là nền tảng, phải nương quốc vương mới có. Cũng như Phạm vương hay sinh vạn vật, quốc vương hay sinh pháp trị quốc làm lợi ích chúng sanh. Như thiên tử mặt trời hay chiếu thế gian, Thánh vương cũng hay quán xét người trong thiên hạ an lạc. Vua nếu không dùng chánh pháp trị nước thì nhân dân không có chỗ nương tựa.
Đây, Phật nói về vai trò quan trọng của một vị minh quân, không phải là một bạo chúa. CHÁNH PHÁP nói đây, vừa chỉ cho những pháp an dân trị quốc, vừa chỉ cho Phật pháp. Vì Phật pháp không phải chỉ có ở mặt xuất thế mà còn có mặt thế gian, là loại giáo pháp giúp con người có được đời sống hạnh phúc ở thế gian. Như dạy 5 giới cho người tại gia, dạy mở lòng bố thí, giúp đỡ mọi người v.v… chỉ cần người dân trong nước giữ đúng những điều mình đã qui y hay đọc học trong kinh luận, thì xã hội sẽ yên ổn, gia đình sẽ tốt đẹp. Một nghiệp nhân tốt sẽ có một hoàn cảnh y báo hoàn chỉnh.
PHẠM VƯƠNG HAY SINH VẠN VẬT, theo truyền thuyết cổ của Ấn Độ, vào thuở kiếp sơ, Phạm vương từ Quang Âm Thiên[10] hạ sinh, tạo tác ra vạn vật. Phật mượn điển tích này để người thời đó hình dung ra việc quốc vương đặt ra phép nước trị dân, không phải là Phạm vương thực sự là đấng tối thượng có quyền năng tạo tác ra muôn loài. Bởi Phạm vương còn từ Quang Âm Thiên sinh ra v.v… Tất cả không lìa nguồn tâm chân thật của chính mình.
Vua nếu dùng chánh pháp giáo hóa nhân dân thì trong nước không có 8 thứ khủng bố :
1. Nước khác xâm chiếm.
2. Nội loạn.
3. Ma quỉ tật bệnh.
4. Đói khát mất mùa.
5. Gió mưa không đúng thời.
6. Gió mưa quá thời.
7. Nguyệt thực, nhật thực.
8. Tinh tú biến quái.
Nếu quốc vương dùng chánh pháp trị dân thì đất nước không có 8 nạn đó ...
Đây là cái quả mà một vị Quốc vương biết dùng CHÁNH PHÁP cai trị đất nước. Trong nước nếu có 8 việc đó xảy ra, là do Quốc vương nước đó không biết dùng CHÁNH PHÁP trị nước. Đây là lý do vì sao, ngày xưa, mỗi lần có thiên tai hoạn nạn xảy ra, vua chúa phải ăn chay nằm đất giữ mình thanh tịnh, mở kho bố thí làm phúc v.v… để mưa thuận gió hòa, tai ương giảm bớt. Vì hoàn cảnh bên ngoài biểu hiện cho cái nhân bên trong. Vạn pháp không ngoài nhất tâm. Tam giới chỉ do thức biến. Làm phúc, làm thiện, tu nhân, tích đức chính là dùng cái duyên hiện đời, làm giảm bớt cái nhân không tốt đã gieo trong quá khứ. Như mầm lúa gieo xuống không được tốt, giờ phải dùng thêm phân bón, nước, công chăm sóc v.v… để nó đỡ xấu hơn.
Kinh Đại Tập nói “Trong một quốc gia nếu vua chúa biết kính phụng Tam bảo, thì trong nước đó có ba loại tinh khí tăng trưởng : Một, địa khí tăng trưởng, nên ngũ cốc được mùa. Hai, nhân khí tăng trưởng, nên dân trong nước đó ít có phiền não, dung mạo tươi nhuận. Ba, thiện căn khí tăng trưởng, nên trong nước thường hay chuyển bánh xe pháp, Tam bảo tăng thịnh”. Quốc vương biết cung phụng Tam bảo sẽ được ba quả phúc. Tam bảo nói đây không phải chỉ có chùa chiền, tượng Phật, Tăng Ni v.v… là đủ, mà phải là Tăng Ni tu theo chánh pháp. Trong phần Ân Tam bảo, Phật phân tích rõ về 4 loại tăng được gọi là Tăng bảo.
Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Đã có tâm kính phụng Tam bảo, tức tâm của quốc vương đã sẵn có mầm thiện trong quá khứ. Mầm thiện đó không phải chỉ xuất phát từ những điều thiện bình thường trong cuộc sống mà có liên quan đến Tam bảo, do sự cung kính trong hiện tại trợ duyên mà trổ quả tươi tốt.
1. Địa khí tăng trưởng : Cái phúc đầu tiên là được mùa. Không phải chỉ được mùa, mà với tất cả mọi công việc có liên quan đến thiên nhiên, thứ gì cũng dễ sung mãn thành tựu khi quốc vương là một bậc minh quân. Đây là cái lợi rất lớn đối với một quốc gia. Như hiện nay, mỗi lần thiên tai dịch bệnh xảy ra như cúm gà, lụt lội, thiên tai v.v… Ngân khố quốc gia hao hụt tổn thất không phải ít. Thay vì có thể thu thuế trên phần lợi nhuận đó, giờ lại phải mở kho cứu trợ v.v… Tức không chỉ mất đi cái lợi trong hiện tại mà còn phải chịu nhiều thiệt hại. Người dân nếu đồng lòng, tương thân tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, là quả phúc của quốc gia.
2. Nhân khí tăng trưởng : Vua phúc đức, tức biết dùng chánh pháp cai trị đất nước, lại thêm mùa màng được mùa, thành nhân dân trong nước an cư lạc nghiệp, no ấm, tinh thần thoải mái, đương nhiên dung mạo phải tươi tắn, phiền não giảm thiểu.
Tuy phúc đức của một vị vua lớn hơn cả toàn dân, nhưng mọi việc xảy ra trong đất nước đều có nhân duyên liên hệ. Vua có phúc đức của vua, dân cũng có phúc đức của dân. Nạn tai cũng vậy. Nếu trong một đất nước, mà người dân không gặp được minh quân, một phần là do chính phước nghiệp của người dân. Cái nhân mình gieo trong quá khứ không tốt, nên mới gặp phải sự cố như vậy. Thành có khi trong một nước, cùng một bộ máy chính quyền, mà người thì đụng đâu cũng gặp phiền não, người thì không sao. Đó là ngoài nghiệp báo chung còn có nghiệp riêng. Như việc qui hoạch đất đai trước đây, luật lệ khiến người dân bị thiệt thòi, đủ thứ tệ nạn xảy ra … người dân không khỏi bức xúc. Nhưng bây giờ mọi thứ đổi khác, luật lệ rõ ràng, mọi thứ phân xử công minh, dân tình yên lòng với chính sách mới. Những việc như thế không hẳn chỉ nằm ở bộ máy chính quyền, mà nó bị chi phối một phần do nghiệp báo của người dân.
3. Thiện căn khí tăng trưởng : Được biểu hiện qua việc Tam bảo tăng thịnh. Tam bảo tăng thịnh là một trong các điềm báo cho thấy thiện căn ở đất nước đó đang phát triển. Thiện căn là cái nhân cho ra một hoàn cảnh tốt. Đất nước không bị khủng bố, không có thiên tai v.v… Nói Tam bảo, thì hơi hạn cuộc cục bộ, nhưng thật là nói đến bất cứ những hình thức nào có khuynh hướng thiện. Vì nếu đúng là Phật Pháp Tăng bảo, thì mục đích của nó cũng là giúp mọi người phát triển thiện nhân của chính mình. CHUYỂN BÁNH XE PHÁP là muốn nói đến những hình thức giúp mọi người phát triển mầm thiện mình đang có, như thuyết pháp v.v…
Như vậy, đại vương khiến mọi người tu thập thiện gọi là ông vua phúc đức. Không khiến mọi người tu thập thiện gọi là vua không phúc đức. Vì sao? Vì trong nước của vua đó, một người tu thiện, thì việc phúc đó chia làm 7 phần. Người tạo thiện được 5 phần. Quốc vương được 2 phần. Nếu tạo ác nghiệp cũng lại như vậy. Tất cả điền địa vườn rừng cho đến các vật sinh sôi nẩy nở trong đó, đều chia thành 7 phần như thế.
Đây là nói lên mối liên hệ giữa vị quốc vương và thần dân. Trách nhiệm của vị lãnh đạo quốc gia rất lớn, vì ông nắm vận mạng của đất nước và thần dân trong nước ông. Mọi quyết định của ông đa phần người dân phải tuân theo, thành phước cũng như họa, trong 7 phần của người dân, ông có 2 phần trong đó.
THẬP THIỆN có 10 việc, trong đó có 5 giới của người tại gia. Giới KHÔNG NÓI DỐI được khai triển thành 4, thêm không THAM DỤC, không SÂN NHUẾ và không TÀ KIẾN. Không có giới uống rượu. Tuy giới uống rượu không được nhắc đến, nhưng nó là giới tối thiểu mà một Phật tử tại gia đã phải giữ. Rượu chính là cái nhân để có cái quả là tà kiến. Vì thế tuy không nói, nhưng vẫn phải giữ.
TÀ KIẾN là chỉ cho những cái thấy thiên lệch, không đúng với qui luật đang chi phối thế gian này. Không tin có nhân quả, gọi là tà kiến. Không biết về nhân duyên gọi là tà kiến. Thấy cuộc đời này hoàn toàn thật, là tà kiến. Thấy cuộc đời này hoàn toàn không, cũng tà kiến. Thấy cuộc đời này thứ gì cũng có thể thay đổi là tà kiến. Thấy cuộc đời này như một định mệnh đã được định sẵn không thể thay đổi, cũng là tà kiến v.v…
Tổ Trúc Lâm khi còn tại ngôi luôn được ca tụng là một vị vua anh minh, quyết đoán. “Tư tưởng triết học của ông là tinh thần thực tiễn chiến đấu và táo bạo… Thể hiện đầy đủ trí tuệ và bản lĩnh của người Việt Nam”.[11] Chẳng qua vì Tổ vận dụng được mặt tùy duyên của vạn pháp – là cốt lõi thâm sâu của Phật pháp – vào đời sống nhân sinh. Không có mặt xuất thế ấy, phần thế gian khó mà hoàn chỉnh.
Sau ngài nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, lên làm Thái Thượng Hoàng. Được 6 năm, ngài sắp đặt việc xuất gia, chuyên cần tu tập hạnh đầu đà, cất chùa độ tăng, dạo khắp dân gian khuyên dân dẹp bỏ những nơi thờ tự không chánh đáng và dạy họ tu Thập thiện.
Vua Anh Tông thường hay uống rượu. Một hôm, uống say đến nổi Nhân Tông từ Thiên Trường về mà không hay biết. Các quan đều ra đón, chỉ Anh Tông là còn xỉn. Thượng Hoàng liền truyền xa giá trở lại Thiên Trường và hạ chiếu cho bách quan phải về đó hội nghị. Anh Tông tỉnh rượu nghe tin, sợ quá, tức tốc lên ngựa chạy về. Ra khỏi cung thì gặp người học trò tên Đoàn Nhữ Hài, mượn thảo một bài biểu để tạ tội, rồi cùng xuống thuyền đi suốt đêm đến Thiên Trường, tạ tội cùng Nhân Tôn. Nhân Tôn xem biểu, quở mắng một hồi rồi tha thứ. Từ đó, Anh Tôn không bao giờ uống rượu.
Cha không những có trí mà còn có cái uy của cha. Con không những có hiếu mà còn biết cái lỗi của mình. Là cái gương để người đời kính phục, là cái nhân để nước vững, dân an. Chỉ một việc uống rượu, đã bị ngăn cấm triệt để, huống là những chuyện hại nước hại dân, làm sao có điều kiện phát triển? Chủ một đất nước như thế, chủ một gia đình cũng như thế, thì thế giới này vô sự bình an. Thành triều đại nhà Trần được xem là triều đại vàng son nhất trong các triều đại, từ việc giữ nước cho đến việc xây dựng đất nước.
Nếu có nhân vương thành tựu chánh kiến, như pháp mà giáo hóa thế gian, thì gọi là Thiên chủ, vì dùng thiện pháp của chư thiên giáo hóa thế gian... Chư Thiên, thiện thần và kẻ hộ niệm thế vương thường đến gia hộ để giữ vương cung. Dù ở nhân gian mà tu thiên nghiệp, tâm thưởng phạt không thiên lệch bè phái. Tất cả pháp của thánh vương đều như thế. Thánh chủ như thế gọi là chánh pháp vương. Đây là phần âm đức mà một vị minh quân có được. Tâm thiên lệch bè phái là cái họa rất lớn cho đất nước.
Do các nhân duyên đó, thành tựu 10 đức :
1. Dùng mắt trí tuệ soi chiếu thế gian.
2. Dùng đại phúc trí trang nghiêm đất nước.Có chánh kiến là TRÍ, thì nhìn pháp nào đúng pháp đó, tiến thoái đúng lúc, việc làm nhất định thành công. Có phúc đức thì họa hoạn tai ương giảm thiểu, may mắn thêm nhiều, là trợ duyên tốt cho việc điều hành đất nước thêm mỹ mãn.
3. Dùng đại an lạc ban cho nhân dân.
4. Tất cả oán địch tự nhiên hàng phục. Phúc đức có được là từ cái nhân không hại ai. Không gieo nhân thì không gặt quả. Tự dưng người gặp liền sinh tâm kính phục, người gặp liền sinh tâm giúp đỡ.
5. Lìa sợ hãi, vì không có khủng bố và 8 nạn.
6. Chiêu tập người hiền bình quốc sự.
7. Làm chỗ an tựa cho bá tánh
8. Dùng pháp thiên vương gìn giữ thế gian.
9. Chủ nghiệp thiện ác. Hình thức thưởng phát, luật lệ v.v… của Quốc vương ban hành, có liên quan đến hành động thiện ác của người dân, nên nói vua là chủ các nghiệp thiện ác. Như việc cúng kiến nhớ ơn những người đi trước. Nếu vua ban hành cấm, thì người dân muốn làm cũng chỉ vài người hay vài chục người lén lút, không thể thành một phong trào, ảnh hưởng lớn đến tinh thần của mọi người trong cả nước. Nhưng nếu việc đó được khuyến khích, trở thành nghi lễ hàng năm v.v… là tạo cho người dân gieo cái nhân báo ân, sẽ có cái quả tốt đẹp trong tương lai.
Nghiệp thiện như vậy, thì nghiệp ác cũng như vậy. Vấn đề mại dâm, dù là việc không thể hết sạch trong một quốc gia, nhưng nếu nhà nước cấm, thì nó không thể phát triển rộng rãi, người dân cũng không thể thoải mái xem nó như việc hiển nhiên mà gây ác nhân thoải mái...
Vấn đề tôn giáo cũng vậy, nếu quốc vương giúp phát triển chánh pháp, hạn chế tà pháp chính là hạn chế nghiệp ác, củng cố nghiệp thiện cho người dân. Quả báo tương lai sẽ tốt đẹp. Ngược lại, để cho tà pháp ngự trị thế gian thì hiện đời ngoài việc làm tổn hại sự tiến lên của đất nước, phần âm đức của quốc vương cũng bị tổn hại. Việc này đòi hỏi quốc vương phải có trí tuệ sáng suốt, nắm vững nhân quả, phân định rõ ràng thứ gì chánh thứ gì tà. Thành, những vị quốc vương có phần âm đức lớn, trong việc dựng nước và giữ nước thường được các vị thiền sư hộ trì, như Lý Công Uẩn có thiền sư Vạn Hạnh v.v…
10. Chủ của tất cả nhân dân.Quốc vương là kẻ đứng đầu, nắm vận mệnh đất nước, là chỗ y tựa của muôn dân, nên nói CHỦ.
Tất cả các quốc độ đều do phúc đời trước mà thành tựu 10 loại thắng đức như vậy. Đại Phạm Thiên Vương cùng với Đao Lợi Thiên thường trợ cho nhân vương hưởng được các thứ vui thú vi diệu. Các La sát vương cùng với các thần v.v… tuy không hiện thân, vẫn ngầm hộ vệ quốc vương và quyến thuộc. Vua thấy nhân dân tạo các ác nghiệp mà không chế chỉ thì chư thiên, thần v.v… thảy đều xa lìa. Nếu thấy vua làm phước tu thiện, các vị hoan hỉ tán thán, thảy đều xướng lên “Thánh vương của ta. Trời rồng vui thích. Rưới mưa cam lộ. Ngũ cốc được mùa. Nhân dân thịnh lạc”. Những việc Phật nêu trên là cái quả của một cái nhân đã có từ trước. Nhân quả tồn tại trong ba đời, không dứt khoát chính xác một thời điểm nào, nhưng hễ có NHÂN, đủ DUYÊN là có QUẢ. Có những việc trong hiện đời mình thấy như nhân quả sai lệch, nhưng chẳng qua vì nhân quả xảy ra đến ba thời, không phải sai lệch. Song cứ thấy quả xấu, là biết cái nhân mình gieo trong quá khứ không tốt. Quá khứ nói đây có thể là đời này cũng có thể là từ nhiều đời trước, không cố định. Nhưng đã có quả tức phải có nhân. Vì với nghiệp thức của chúng sanh hiện nay thì nhân không thể có sau quả.
Nếu không thân gần người ác, lợi ích khắp cả thế gian đều từ chánh hóa, thì bảo châu như ý nhất định sẽ hiện trong vương quốc. Các vua lận cận đều đến qui phục. Nhân cùng phi nhân thảy đều xưng tán. BẢO CHÂU NHƯ Ý nói đây là chỉ cho những thứ khiến đất nước thịnh vượng như tài nguyên thiên nhiên v.v… Đủ phúc đức thì mọi thứ sung mãn. Thiếu phúc đức thì mọi thứ cạn kiệt suy yếu. Đủ phúc đức thì các nước chung quanh qui phục. Thiếu phúc đức thì “bảo châu như ý” là cái mầm của họa hoạn. Cho nên, quả của cái phúc ở quá khứ, phải luôn được bảo tồn bằng cái nhân đức thiện trong hiện đời, thì đời sống mới luôn tốt đẹp.
Nếu có người ác, ở nơi vương quốc đó, mà sanh nghịch tâm, thì chỉ trong khoảng tích tắc, phúc tự hủy diệt. Mệnh chung thường đọa địa ngục, trải qua súc sanh thọ đủ các khổ. Vì sao? Do không biết ân đối với thánh vương, khởi các ác nghịch phải chịu quả báo như vậy. Nếu là người dân hay hành thiện tâm, cung kính ủng hộ nhân vương, tôn trọng như Phật, người ấy hiện đời sẽ được an ổn, thịnh vượng, vui vẻ, tất cả nguyện cầu đều được ưng ý.
Đây là cái quả của việc không biết ân đối với một vị minh quân.
Hoàn cảnh của con người là do nhân thiện ác mình đã gây ra trong quá khứ mà ra, nên có khi đúng là một vị minh quân, mà tới duyên của mình, mọi thứ lại thành xấu. Chẳng qua là do duyên nghiệp của mình, không hẳn vị quốc vương đó đã xấu. Nếu ông ta xấu thì không thể khiến đất nước phồn vinh. Thành dù với mình, có những thứ không được thuận chiều, nhưng nhìn chung, đất nước phát triển, người dân ấm no, xã hội yên bình, thì Phật khuyên nên biết báo ân, đừng sanh nghịch tâm. Nghịch tâm như thế là mình đang tự hủy diệt chính mình. Vì sao? Vì hiện tại, ngoài việc tự rước phiền não vào thân, có khi chỉ vì một chút không tỉnh, nghe chúng đốc vô đốc ra phù hợp với cái tâm bất mãn của mình, nhúng tay vào những việc không đâu, rồi sinh tù tội, tử hình. Chỉ thiệt cho bản thân chứ không ích gì.
Duyên hiện tại đã xấu mà tương lai, Phật nói còn phải thọ 3 đường khổ. Đó là do cái phúc của mình không đối đầu nổi cái phúc của người. Cái phúc của người là cái phúc lo cho toàn dân. Chịu đủ mọi thứ phiền não lo lắng mới khiến người dân được no ấm. Phải đối đầu với các nước chung quanh để nước nhà được yên ổn không bị khủng bố. Biết bao sự lao tâm khổ trí chỉ vì sự no ấm của muôn người. Mình không có được cái phúc đó, mà còn sinh tâm nghịch thuận thì quả khổ không thể tránh khỏi.
Cái phúc của người trong hiện đời đó, đủ để mình đọa địa ngục, chưa kể phần âm đức mà ông ta đã gieo trong quá khứ. Phật nói : Tất cả quốc vương, vào thời quá khứ, từng thọ cấm giới thanh tịnh của Như Lai, thường làm nhân vương an ổn khoái lạc. Do nhân duyên đó, quả báo nghịch thuận đều theo hưởng ứng. Ân đức thánh vương rộng lớn như thế. Cho nên, chỉ nên sinh tâm biết ân, không nên sinh tâm nghịch thuận. Nhà thiền dạy thiền sinh những câu rất hay “Phản quan tự kỷ bổn phận sự”. Chiếu soi lại mình là bổn phận chính. Nhờ đó không hướng ra ngoài phê phán nên không tổn âm đức. Chỉ là “Tùy duyên tiêu nghiệp cũ”. Có gì không vừa lòng thì phải biết một phần là do duyên nghiệp của mình. Thôi thì yên lòng với những gì không vừa lòng cho nghiệp cũ tiêu đi. Chú tâm tu tâm dưỡng tánh của mình, lo hành phúc thiện thì nghiệp cũ sẽ tiêu, quả tốt sẽ có.