Tác giả: Nguyễn Duy Nhiên, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính
I. Đóa tường vi vẫn nở
Một chỗ ngồi trên góc chiếu
Đầu mùa đông năm nay có một trận bão tuyết lớn đi ngang qua nơi này. Tuyết đổ xuống mù trời trong mấy ngày qua. Lâu lắm rồi tôi mới lại có dịp được nhìn thấy tuyết rơi nhiều đến thế. Tuyết đổ khắp nơi, ngập kín thành phố. Tuyết trắng xóa phủ mênh mông như một cảnh đồng quê ở Nga, lần nào xem trong phim Doctor Zhivago.
Mấy hôm tuyết còn rơi, tôi và đứa con mặc đồ ấm, rủ nhau ra sân chơi. Không gian trong khi tuyết đang rơi im lặng kỳ lạ, chung quanh không một tiếng động. Trời và đất tuyền một màu trắng xám. Chúng tôi dẫn nhau leo lên một ngọn đồi nhỏ. Đứng đây có thể thấy được những nóc nhà xa xa tuyết phủ, có những làn khói xám bốc lên từ các lò sưởi. Tôi ngửi được mùi củi cháy ngây ngây trong không khí.
Sáng nay pha một tách trà ấm, ngồi nơi bàn viết cạnh cửa sổ, bên ngoài tuyết phủ cao ngập bậc thềm trước hiên và che kín con đường dẫn vào nhà. Hôm qua tôi có đọc bài thơ của một thiền sư, viết về một ông thầy tu và góc chiếu của ông:
Mỗi ông thầy tu
có một chỗ nơi góc chiếu để ngồi thiền
Hãy ngồi yên trên chỗ đó
Trái đất mang tất cả chúng ta đi
Và chỗ ngồi
cũng như một chỗ ngồi trên toa xe lửa hạng nhì
Đến ga rồi thì ông thầy tu cũng phải đi xuống
Và chỗ ngồi đó
sẽ được phủi bụi đi để cho người khác tới ngồi
Mỗi ông thầy tu
ngồi trên chỗ nơi góc chiếu của mình được bao lâu?
Tuy thế hãy ngồi yên trên đó
Như sẽ không bao giờ phải nhường chỗ cho ai khác
Như sẽ không bao giờ có ga để xuống
Chiếc xe lửa
chiếc xe đầy lửa trong lòng nó
Sẽ đưa ông thầy tu về đâu?
Mỗi ông thầy tu
ngồi kiết già trên chỗ nơi góc chiếu của mình
Bắt chước trái núi hùng vĩ
Trái núi sừng sững đứng đó
nhưng trái núi
cũng xoay tròn theo ông thầy tu
Chiếc xe lửa của chúng ta đang đi...
Bài thơ ấy có tựa là Nhập lưu, nghĩa là vào dòng giác ngộ. Tôi không hiểu hết thâm ý của thầy, nhưng tôi thích bài thơ vì nó có một hình ảnh đẹp, một ông thầy tu và một góc chiếu của ông. Ông thầy tu ngồi yên đó, hùng tráng như một ngọn núi, đẹp như một cảnh thiên nhiên, như hoàng hôn mặt trời đỏ, như một đóa hoa giữa rừng cỏ, như một ánh trăng trong rừng vắng...
Tôi hiểu rằng, chúng ta ai cũng cần có một góc chiếu cho riêng mình. Một chỗ để ta ngồi xuống trong yên lặng. Trong cuộc sống này, tìm được cho mình một không gian và thời gian để ngồi yên là một điều rất quý. Tôi nghĩ, chúng ta cần rất nhiều những thời gian để ngồi xuống, để dừng lại như thế. Đời vô thường. Đôi khi chúng ta cần ngồi xuống để thấy được cái đẹp của bốn mùa, của một đóa hoa, một hạt mưa, một chiếc lá, một bông tuyết, gương mặt của người thương... Như người bạn đời của tôi, mới hôm nào đây mà đã bên nhau từ thuở nào rồi. Không khéo lại tiếc rằng, mình đã chưa từng bao giờ thật sự nhìn rõ mặt nhau!
Dừng lại
Nhưng sự dừng lại ấy không có nghĩa là ta phải ngồi thật yên một chỗ, mặc dù đó cũng có thể là một phương cách hữu hiệu để dừng lại. Dừng lại là một trạng thái của tâm hơn là của thân. Ta có thể ngồi thật yên nhưng tâm ý trôi dạt về muôn ngàn nẻo, thì đó vẫn không phải là dừng lại. Các thiền sư vẫn có thể dừng thật yên trong khi các ngài bước những bước chân bình an trên con đường thiền hành, hay thưởng thức trên tay một tách trà thơm...Có những buổi lễ tụng giới mà tôi có dịp tham dự, tôi có cảm tưởng rằng mọi người trong tăng thân đều đã dừng lại thật yên. Biết ý thức được việc mình đang làm trong giờ phút hiện tại, đạo Phật gọi đó là chánh niệm. Nếu ta thật sự biết được những gì đang xảy ra trong giây phút này, thì làm gì cũng vậy thôi, mình có bao giờ xa rời giờ phút hiện tại này đâu! Ta đã dừng lại rồi phải không bạn!
Sự dừng lại ấy đòi hỏi một sự thực hành, một công phu tu tập. Tôi nghĩ chánh niệm không phải chỉ là những hành động, việc làm có ý thức của ta, mà chánh niệm còn là một lối sống nữa. Bạn biết không, chúng ta rất có thể đang bước đi và hít thở trên mặt đất này nhưng chưa từng bao giờ thật sự sống, vì ta chỉ có ý niệm về nó mà thôi! Vào một buổi sáng sớm, bước chân ra vườn khi trời vẫn còn tối, bạn ngước lên nhìn bầu trời lấp lánh ngàn sao như những mảnh vụn pha lê. Bạn có biết rằng, những tinh cầu mà ta thấy trên bầu trời ấy chỉ là bóng dáng của chúng thuộc về mấy ngàn năm trước không? Chung quanh ta những gì là thật sự hiện hữu?
Thẩm quyền và chánh niệm
Trong cuộc đời, mà trong đạo cũng thế, đa số chúng ta ai cũng cần có một nơi nương tựa, một cái gì vững vàng, một thẩm quyền nào đó, mà ta có thể quay trở về tìm sự giúp đỡ những khi khốn khó.Bạn biết không, nơi mà ta có thể nương tựa trước hết là ở chính ta. Mà nhiều khi đây lại có thể là một nơi an trú vững vàng nhất. Đức Phật trước khi nhập diệt đã khuyên ta hãy tự coi mình là một hải đảo, là chỗ nương tựa của chính mình, và phải biết tự thắp đuốc lên mà đi. Vì trong cuộc đời này, có ai hiểu được hạnh phúc, khổ đau của ta bằng ta hở bạn? Làm sao có một thẩm quyền nào có quyền năng hơn chính kinh nghiệm sống của ta và sự tu tập của ta?
Nhưng bạn đừng hiểu lầm việc ấy có nghĩa là ta không cần nương tựa vào một thẩm quyền nào khác. Cần lắm chứ! Ta cần những người có kinh nghiệm đi trước, chỉ dẫn ta, giúp đỡ ta trong sự tu tập, trong một lối sống sao cho hợp với đạo.
Trong đạo Phật, chúng ta có tăng thân, hay những người cùng tu tập với ta, là một nơi để ta nương tựa rất tốt. Một tăng thân tốt có thể che chở và giúp ta được an ổn nhiều lắm. Vì sự hiểu biết và kinh nghiệm của nhiều người bao giờ cũng phong phú và giàu có hơn là của một mình ta. Bạn nên giữ gìn và chăm sóc tăng thân của bạn. Nếu bạn lại có được một vị thầy hướng dẫn, chỉ đường thì bạn là một người may mắn lắm rồi. Chúng ta, ai lại không mong ước có một vị thầy, một thẩm quyền để nương tựa, để chỉ dạy ta những gì cần phải làm, nhất là khi đời mình gặp sóng gió, khổ đau.
Nhưng vị thầy thật sự của ta vẫn chính là sự sống này. Và nó có mặt ở khắp mọi nơi. Ta không cần phải đi tìm kiếm một nơi chốn tĩnh lặng, lý tưởng nào khác. Gia đình của bạn, sở làm của bạn, con đường thiền hành, phố chợ đông người, việc dạy dỗ con cái... Ở những hoàn cảnh đó đều có kinh nghiệm sống và kinh nghiệm tu tập của ta, và cũng chính nơi đó ta có thể tìm thấy được một thẩm quyền thật sự. Nếu ta biết dừng lại để tiếp nhận. Trong giây phút này bao giờ cũng có chỗ cho ta nương tựa, vì sự sống lúc nào cũng có mặt.
Nhưng cuộc đời này đôi lúc cũng có những bất an, sợ hãi, khổ đau... Đôi khi ta cảm thấy khó có thể dừng lại để tiếp nhận nó! Các thiền sư dạy rằng, nếu ta thật sự kinh nghiệm được chúng, một cách trọn vẹn và thành thật, thì chính chánh niệm và kinh nghiệm khổ đau ấy sẽ là chỗ cho ta nương tựa. Vì khi có chánh niệm về thực tại của mình, cho dù đó là khổ đau, ta sẽ biết được những gì mình cần phải làm và có thể làm trong giờ phút ấy.
Tâm bình thường là đạo
Chánh niệm của ta được phát huy qua những hành động nhỏ nhặt trong ngày. Niềm an lạc lớn được nuôi dưỡng bằng những hành động hết sức bình thường của ta. Chúng ta biết rằng sự an lạc phải được thực tập trong mỗi hơi thở, mỗi bước chân hằng ngày, trong những giây phút bình thường nhất, chứ không phải chờ đến lúc ta lao đao bị xô đẩy trên ngọn sóng của khổ đau.Tôi có nghe một thiền sinh viết về kinh nghiệm tu tập của cô vào mấy năm trước đây. Lúc ấy cô đang tham dự một khóa tu kéo dài một tháng, để thực tập từ bi quán. Đề mục thiền quán của cô là ban rải tình thương của mình đến cho chính mình, và tiếp đó ban phát cho những người thân yêu khác. Cô kể lại trong suốt một tháng trời thực tập, cô không thấy có một thay đổi, một tâm từ nào phát sinh trong cô hết. Suốt ngày cô thực tập quán niệm, “Tôi đầy đủ an vui hạnh phúc. Tôi không đau khổ, không bệnh hoạn, không phiền não, không lo âu, không sân hận.” Cô thú thật, thời gian tu tập đó là một thời gian buồn chán nhất. Khi khóa tu chấm dứt, cô cảm thấy thất vọng vì không thấy mình đạt được một kết quả nào rõ rệt. Cô không cảm thấy rằng mình thương mình hơn xưa chút nào hết. Trong khi trở về phòng thu dọn đồ đạc ra về, cô vô ý đánh rơi một bình trà mà cô yêu quý nhất. Cô kể lại, nhìn những mảnh vỡ trên sàn nhà, ý nghĩ đầu tiên thoáng qua trong đầu là “Ối, mình hư quá! Nhưng không sao đâu, không có gì để lo âu hay tức giận, mình vẫn thương mình như trước.” Lúc ấy cô mới giật mình nghĩ lại, sự thực tập từ bi quán có kết quả đấy chứ, tại cô chưa biết đó thôi!
Tôi nghĩ, nếu ta biết thực tập chánh niệm đều đặn, biết dừng lại trong cuộc sống bình thường hằng ngày, kết quả của chúng cũng sẽ vậy, từ tốn nhưng thật chắc chắn.
Chúng ta đừng chờ đến lúc có một biến cố lớn trong đời mới biết dừng lại. Và cũng không nên đợi cho đến khi nào cuộc đời mình được an ổn, công việc được hoàn tất, con cái lớn khôn, tài chánh vững vàng rồi mới thực tập. Tôi kinh nghiệm rằng, ngày mai cũng sẽ không khác gì với bây giờ và ở đây! Nếu lối sống của ta vẫn cứ y như thế.
Một lần này nữa thôi
Trong cuộc sống, tôi cũng tự sắp xếp cho mình có những góc chiếu để ngồi xuống, để dừng lại. Bạn nên nhớ rằng, dừng lại không có nghĩa là bất động. Các thiền sư dạy, mỗi khi ta ngồi xuống, ta phải ngồi với một uy nghi, nó phải biểu lộ được nhân phẩm của mình. Bạn đừng bao giờ chờ đến khi nào cuộc đời bắt buộc, ta mới chịu dừng lại. Bạn hãy dừng lại, thật bình thường, để nhìn một mặt trời hoàng hôn, để lắng nghe tiếng sóng vỗ đêm khuya, để nhìn ánh trăng trên tuyết... Có những tối, sau giờ thiền, mở mắt ra tôi thấy ánh trăng mười sáu lùa qua khung cửa sổ trống chiếu sáng căn phòng nhỏ. Một màu sáng xanh thật huyền diệu.Tôi nhớ đến hai câu thơ của thầy Huyền Không: “Đêm rằm ta hỏi ánh trăng, ngàn năm về trước đã từng chiếu ai?” Phải rồi, cách đây hơn hai ngàn năm trăm năm về trước, trong một khu rừng nhỏ nào đó, có một người ngồi thật yên dưới gốc cây pippala, cũng cùng một ánh trăng này thôi! Cuộc đời này có những điều thật mầu nhiệm phải không bạn?
Sáng nay ông thầy tu
ngồi vào chỗ của mình trên góc chiếu,
và mỉm cười.
Tôi không ngồi hoài đâu ông
Chiếc xe lửa khi tới ga sẽ không mang theo tôi
một góc chiếu, hay là một bó cỏ tươi
Tôi ngồi xuống
một lần này nữa thôi.
Bạn hãy nhớ tập ngồi xuống trên góc chiếu của mình cho thật vững vàng, cho thật yên, và thật bình thường. Biết đâu rằng chỉ là một lần này nữa thôi?