Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

5. Chiếc lá phong mùa thu

15/03/201114:21(Xem: 2585)
5. Chiếc lá phong mùa thu

LỜI KINH XƯA BUỔI SÁNG NÀY
Tác giả: Nguyễn Duy Nhiên, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính

I. Đóa tường vi vẫn nở

Chiếc lá phong mùa thu

Tôi nghĩ trời bắt đầu vào thu khoảng tháng mười. Buổi chiều mặt trời hồng tô đỏ vàng chân mây bên khu rừng nhỏ cạnh nhà. Những chiếc lá cũng đã đổi màu vàng, đỏ, tím chen lẫn trong tàn lá. Trời bắt đầu trở lạnh, mỗi khi ra ngoài tôi phải khoác thêm một lớp áo ấm. Trên bàn viết của tôi có một chiếc lá phong màu đỏ, nhỏ xinh xắn. Tôi lượm được nó hôm qua khi đi dạo quanh bờ hồ. Lá đã bắt đầu rụng nhiều. Đầy sân cỏ. Trên đường đi, tôi thấy những hàng cây cao bên kia bờ hồ, mỗi khi có gió lên, rụng lá đủ màu bay lả tả trong không trung. Thật đẹp. Con đường thiền hành buổi chiều mùa thu tĩnh lặng. Trong mỗi bước chân tôi có cảm tưởng mình nghe rõ tiếng lá thu ru trong gió. Không gian lạnh nhẹ và yên.

Chiều nay ngồi xuống bàn viết, tôi bắt gặp lại chiếc lá phong màu đỏ của ngày hôm qua. Nó nhỏ, có thể nằm gọn trong lòng bàn tay tôi. Đặt chiếc lá phong lên kệ sách, tôi muốn mang mùa thu ngoài kia vào đây trong căn phòng nhỏ. Một chiếc lá bình thường nhưng biểu hiện một tiến trình của sự sống, của một mùa thu đang về tràn ngập màu sắc.

Hình như với mùa thu con người muốn trở về gần thiên nhiên hơn. Chừng vài tuần nữa, nơi tôi ở người ta sẽ rủ nhau lên núi xem lá đổi màu. Nếu bạn ở đây, tôi cũng sẽ mời bạn đến xem rừng thu đổi lá một lần cho biết. Có một lần, chúng tôi lên đỉnh núi cao nhìn mặt trời mọc. Buổi sáng mùa thu lạnh căm, khói sương mù quyện trên đồi núi đủ màu lá chín, chúng tôi leo lên đứng trên một tảng đá xám to, nhìn mặt trời mọc từ mây ở phía chân trời.

Trên kệ sách gần bàn viết của tôi, có một ngăn trên cao tôi dùng để chưng những món đồ quan trọng. Bây giờ có chiếc lá phong mùa thu nằm trên đó. Mấy tháng trước tôi có để ở đó những vỏ ốc đủ màu mà tôi và bé Duy rủ nhau đi nhặt trên bãi biển. Trẻ thơ vẫn còn giữ được một sơ tâm, nó chạy lại mừng rỡ tíu tít khoe tôi những vỏ sò nó vừa nhặt được, mà tôi mới quẳng đi vì cho rằng quá tầm thường. Nó thấy viên sỏi nào, chiếc vỏ nào cũng rất lạ và đẹp. Nếu được, chắc có lẽ nó đã bắt tôi đem hết biển về đây rồi. Trẻ thơ có thể yêu quí và tán thưởng sự sống hơn người lớn chúng ta.

Thế giới chung quanh ta chứa đựng nhiều cái hay lạ và đẹp hơn là ta nghĩ. Có lẽ vì chúng đơn giản quá nên nhiều khi ta đã bỏ mất cơ hội để nhận thấy. Đôi khi ta cần tập nhìn bằng ánh mắt của một đứa bé thơ. Giáo lý của đức Phật, tôi nghĩ cũng như vậy. Con đường dẫn đến tuệ giác và hạnh phúc mà ngài đưa ra, hấp dẫn được nhiều người vì nó rất đơn sơ. Ngày xưa, cách đây hơn hai ngàn năm trăm năm, khi đức Phật trình bày tư tưởng của ngài, rất nhiều người khi vừa nghe xong đã hiểu tức thì và được sống hạnh phúc. Còn những người chưa hiểu được ngay lời Phật dạy, họ thực tập thiền quán và rồi họ biết.

Đời sống có khổ đau. Đó là một sự thật. Nhưng đức Phật cũng dạy thêm rằng, mặc dù không tránh được những đau đớn trên cuộc đời này, nhưng ta không nhất thiết cần phải khổ đau. Thật ra đức Phật không nói những lời ấy, nhưng sự sống của ngài, những bước chân an lạc của ngài, tôi nghĩ, nói lên sự thực đó.

Sự sống và khổ đau

Mùa thu về, thành phố thấy như tĩnh lặng hơn. Khi thiên nhiên chuyển hóa muôn màu trong những rừng cây nhỏ bên đường, buổi chiều trong công viên gió thổi lá bay đầy trời. Những vội vã, ồn ào của không gian mùa hè đã lắng yên xuống. Tôi thấy những buổi giao mùa thường biểu lộ cho ta thấy một cái đẹp huyền diệu của sự sống. Khổ đau là một hiện thực. Ta không bao giờ có thể nhắm mắt làm ngơ như là chúng không thật được. Nhưng các thiền sư dạy rằng, chúng ta sở dĩ khổ đau là vì ta không biết chấp nhận những gì xảy ra cho mình trong chánh niệm, bằng một sự cởi mở trong tình thương và sự hiểu biết. Hiểu được như vậy thì đau không nhất thiết là khổ, phải không bạn? Là một con người sống trong cuộc đời thì ai tránh khỏi được những đau đớn của thân và tâm? Nhưng nếu bạn nhìn cho sâu thì sẽ thấy được rằng, mặc dù vậy, khổ lại là một sự kiện dư thừa, không cần thiết. Nó hoàn toàn tùy thuộc vào thái độ và phản ứng của ta mà thôi. Ta không bao giờ có thể kiểm soát được những gì sẽ xảy ra, nhưng sự an lạc là tùy ở nơi mình. Lẽ dĩ nhiên nó đòi hỏi một sự tu tập, nhưng điều quan trọng là ta có thật sự muốn hay không!

Nhưng ý niệm về khổ đau và an lạc thật ra cũng còn là tương đối quá. Vì sự sống này, chân như, nó tự nhiên là vậy. Muốn ý thức được, ta phải biết tiếp xúc với thực tại trong ngay giờ phút này. Tôi thường hay bị kẹt trong thói quen cứ lo chuẩn bị, sắp xếp trong giây phút hiện tại, để mong rằng rồi mình sẽ có được hạnh phúc trong một tương lai nào đó. Nhưng nếu không là bây giờ thì là bao giờ bạn nhỉ? Chiếc lá thu tôi nhặt hôm qua chỉ có thể đẹp trong giây phút này thôi, nếu tôi không biết thưởng thức thì còn biết chờ đến một mùa thu nào nữa!

Chánh niệm và từ bi

Trên kệ sách cạnh bàn viết của tôi bây giờ có một chiếc lá phong của mùa thu, mai mốt đây nó sẽ nhường chỗ cho một vật khác. Những vật tầm thường ấy có thể nhắc nhở ta rất nhiều về việc thực tập sống trong hiện tại. Có thể là một viên sỏi, một chiếc lá, một mái ngói, một cốc nước mưa... Đôi khi dừng lại và quán sát những vật tầm thường ấy sẽ đem lại cho ta một cái nhìn mới về sự sống. Chúng là những cánh cửa sổ nhỏ bé mà nếu biết nhìn với con mắt chánh niệm sẽ mở ra cho ta thấy cả thế giới nhiệm mầu của Hoa Nghiêm.

Sống trong đời chắc chắn chúng ta sẽ có nhiều lúc rất bận rộn, nhưng không cần phải vội vã. Tôi biết có những thiền sư công việc rất nhiêu khê, nhưng các ngài không có một chút gì là vội vàng hết. Có lần được ngồi với một thiền sư, tôi có cảm tưởng rằng tôi là người quan trọng nhất đối với ngài trong lúc đó. Ngài không có một chuyện gì khác quan trọng hơn là tiếp xúc với tôi. Tôi nghĩ công phu ấy không phải chỉ do chánh niệm mà còn được phát xuất từ một tâm từ nữa.

Tôi nhớ trong pháp Quán Tâm Từ (metta), thiền sinh được hướng dẫn đem tình thương mình ban rải đến khắp mọi người không phân biệt thân, sơ, bạn hay thù. Sau một thời gian thực tập, vị thiền sư sẽ hỏi học trò mình, giả sử như nếu người ấy đang đi trong rừng với một số người, trong đó có bạn mình, kẻ thù mình, cha mình, vợ con mình, và có cả những người mình không hề quen biết. Nếu như có một toán cướp nào đó chận đường, bắt người đó phải nộp cho chúng một người để chúng giết, thì họ sẽ chọn ai trong nhóm người của họ? Nếu như bạn chọn kẻ thù của mình, vị thiền sư sẽ khuyên bạn nên trở về thực tập ban rải tình thương đến kẻ thù của mình hơn. Nếu như bạn chọn đem chính mình ra để nhận lãnh cái chết, bạn sẽ phải trở về tập biết thương yêu mình hơn. Nếu bạn có thể chọn bất cứ một người nào hơn một người nào thì sự tu tập của bạn vẫn chưa được thành công.

Lẽ dĩ nhiên, trong thực tế mỗi hoàn cảnh đòi hỏi một đường lối xử sự khác nhau. Vấn đề không phải là bạn sẽ chọn ai, nhưng điều quan trọng là tình thương xuất phát từ chánh niệm không có sự phân biệt. Ngồi trước mặt một vị thiền sư tôi không bao giờ cảm thấy mình là tầm thường hoặc nhỏ bé.

Ở Tây phương tôi thấy ngày tháng qua thật mau, có lẽ vì lối sống nơi đây vội vã quá. Người ta vội vã để có thể có thêm thời giờ. Nhưng không biết họ sẽ làm gì với số thời giờ có dư được ấy, sẽ đem đầu tư vào sự an lạc hay là khổ đau của họ! Tôi để ý có một sự liên hệ giữa việc sống chậm lại và một đời sống giản dị hơn. Một đời sống giản dị sẽ giúp ta ít bị lệ thuộc hơn, tự do hơn và có thể tiếp xúc với cái hay, cái đẹp của sự sống hơn. Thế giới văn minh này đem lại cho ta thật nhiều phương tiện có thể giúp ta sống thoải mái, nhưng không chắc chúng sẽ mang lại được hạnh phúc cho ta hay không!

Có một thiền sinh sống ở Hoa Kỳ lâu năm. Một lần ông ta quyết định sang Thái Lan để tham dự một khóa thiền Vipassana kéo dài một tháng. Những ngày đầu, tâm ông rất bất an và khó chịu. Thức ăn, chỗ ngủ, thời tiết, mưa nắng, tiếng động... bất cứ việc gì cũng có thể làm ông bực mình được hết. Sau cùng chịu không nổi, ông xin vào gặp vị thiền sư hướng dẫn để giãi bày. Ông kể lể hết những sự khó khăn, bực dọc của mình, và xin phép được ra khỏi khóa tu. Vị thiền sư lắng nghe hồi lâu, rồi chỉ nhìn ông nói: “Hãy chậm rãi lại.” Câu ấy đã chuyển hóa được ông. Ông quyết định ở lại và sau cùng hoàn tất khoá tu. Ông kể lại, trong suốt khóa tu, mỗi khi gặp khó khăn, việc nhớ lại lời dặn dò của vị thiền sư đã giúp ông rất nhiều.

Biết tiếp xúc với hạnh phúc

Khổ đau là một hiện thực, cũng như hạnh phúc là một hiện thực. Chúng ta đừng bao giờ vì sợ hãi khổ đau mà không dám sờ chạm vào hạnh phúc đang có mặt. Tôi nghĩ, ta cần phải biết tập nuôi dưỡng mình bằng cách tiếp xúc với những hạnh phúc đang có mặt chung quanh ta trong giờ phút này, chứ không phải chỉ những nạn tai, chết chóc và đói khổ được truyền đạt qua tin tức.

Ngồi đây nhìn ra ngoài kia cửa sổ, tôi thấy ánh nắng buổi chiều nhuộm đỏ hồng những khối mây cuối chân trời, nắng mùa thu ủ chín những chiếc lá đủ màu trái cây. Nếu đó không phải là điều để cho ta cảm thấy hạnh phúc thì bạn đừng đi tìm kiếm xa xôi nữa làm gì, tôi không tin bạn sẽ bao giờ tìm thấy đâu.

Đức Phật dạy rằng chúng ta có khả năng giải thoát hoàn toàn ra khỏi mọi khổ đau. Sống giữa cuộc đời, va chạm với những khốn khó, có lẽ đa số chúng ta chưa thể tin vào sự thực ấy, nhưng tôi tin rằng khổ đau có thể chuyển hóa được. Khi ta biết tiếp xúc với hạnh phúc trong chánh niệm, điều đó có một năng lực chuyển hóa rất lớn.

Đời sống chung quanh ta có những khổ đau, ai cũng thấy được việc đó. Đối với tôi, bệnh hoạn của một người thân yêu là một khổ đau lớn. Tôi vẫn không bao giờ có thể cảm thấy bình an mỗi khi đứa con tôi bị đau. Nhưng không phải vì vậy mà cuộc sống thiếu thốn những cái đẹp và hạnh phúc. Ta hãy nhìn chung quanh mình bằng một ánh mắt có ý thức hơn. Hãy chậm rãi lại mà sống. Mấy ngàn năm trước trên con đường xưa, bóng mát của đức Phật đã làm tươi mát không gian chung quanh ngài và làm vơi bớt khổ đau của kẻ khác. Ngày hôm nay, bóng mát ấy chính là sự tu tập chánh niệm của chúng ta. Ta không bao giờ có thể làm chấm dứt được mọi đau đớn trong cuộc sống này, nhưng ta có thể làm cho đời bớt khổ hơn. Bạn nhớ không, hạnh phúc cũng là một hiện thực kia mà!

Trên bàn viết tôi có một quyển sách khổ nhỏ, khá dày, 612 trang, tựa là “14.000 việc để ta hạnh phúc”. Trong đó tác giả ghi lại những vật, những việc đã đem lại cho mình một niềm vui, như là: tờ giấy, hộp viết chì, cắm trại bên bờ hồ, cuốn tự điển, đi xe đạp ngắm hoa rừng, mây qua núi, mùi biển mặn, màu nho khô... Tôi nghĩ nếu bạn thử hỏi một đứa bé, có lẽ nó sẽ kể cho ta nghe còn nhiều hơn con số đó. Còn bạn và tôi thì sao?

Mùa thu trời trở lạnh theo những chiếc lá. Tôi thấy những con chim thong thả bay thành đàn. Chiều nay hoàng hôn thật đẹp. Ánh nắng vàng tô những vầng mây cuối chân trời một màu hồng đỏ thật hùng vĩ. Tôi biết rằng, những gì chúng ta đang tìm kiếm chỉ có thể hiện hữu trong giây phút này mà thôi.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567