Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nhan Sắc

02/03/201111:22(Xem: 2993)
Nhan Sắc

CHÚ TIỂU NGẮM SEN
Ngô Khắc Tài

NHAN SẮC


Sophi nhìn xuống hồ sen, nhìn nước lung linh phản chiếu gương mặt mình. Nàng biết mình đẹp. Về hai chú cháu Sonadanda và Angaka, hai người hoàn toàn xứng đáng hưởng được ân sủng chúng Bà-la-môn dâng lên. Xứ Ấn Độ nhiều thành phần giai cấp phức tạp đâu phải ai cũng có được năm đức tánh để trở thành tôn giả Bà-la-môn được chúng tôn kính? Năm đức tánh ấy là: huyết thống thanh tịnh bảy đời, có nhan sắc tươi đẹp, thông hiểu 3 tập Vệ-đà và chú thuật, có giới hạnh đầy đủ và có trí tuệ sáng suốt. Vì vậy, các tôn giả Bà-la-môn người nào cũng đẹp trai, nhất là chàng thanh niên Angaka khôi ngô tuấn tú có khuôn mặt sáng như vầng trăng, nước da trắng ngần.

Sophi lại nhìn bóng mình dưới mặt nước lung linh. Bỗng dưng Sophi tự cảm thấy e thẹn về sự so sánh giữa mình với Angaka. Chắc là mọi người đều biết những tình cảm, sự chăm sóc của Sophi dành cho Angaka. Cha của Sophi chắc cũng biết. Sự giàu có của ông sẽ mang đến mọi thứ cho con. Khi Bà-la-môn không còn được hưởng sự lợi dưỡng từ dân chúng thì đã có Sophi. Khu vườn này sẽ là vườn địa đàng cho hai người.

Mặt trời từ từ chiếu xiên rồi ngả dài xuống đất, hắt hiu vài tia nắng cuối cùng. Sương mù, rồi bóng đêm từ từ dâng lên. Sophi sốt ruột, đi ra đi vô cho đến khi Sonadanda cùng các chúng Bà-la-môn xuất hiện ở cổng.

Sophi mừng rỡ chạy ra. Nhiều người hợp thành một đoàn đi yết kiến đức Thế Tôn trở về, nhưng Sophi chỉ hỏi Bà-la-môn Angaka. Nhưng Angaka đâu? Bà-la-môn Sonadanda và mọi người chẳng những nói không biết, mà sắc mặt họ còn có vẻ trầm tư khác với lúc ra đi. Linh tính báo cho Sophi biết việc này liên quan đến việc mọi người đến gặp Sa-môn Gotama. Người đã dạy điều gì khiến cho mọi cái quen thuộc hằng ngày bỗng dưng đổi khác?

II.

Khi đức Thế Tôn còn tại thế, để giáo hóa những người ngoại đạo, ngài thường có những cuộc đối thoại để chỉ rõ chân lý. Đức Thế Tôn thường không tranh luận theo cách bảo vệ luận điểm của mình, mà thường chỉ đưa ra những câu hỏi có tính cách gợi ý và dẫn dắt sự suy luận của đối phương, từ đó giúp họ tự nhận ra chân lý.

Câu chuyện mà chúng ta đang nhắc đến đã xảy ra ở xứ Anga, thành Camp, vào lúc đức Thế Tôn cùng đoàn tỳ-kheo khoảng 500 vị du hành qua đây. Những người ở đây chưa ai được nhìn thấy đức Thế Tôn, nhưng tiếng đồn về ngài đã lan truyền ra khắp nơi, rằng ngài là bậc Chánh đẳng, Chánh giác, là bậc có tri thức vượt trên tất cả, đã tự mình chứng ngộ và thuyết giảng cho mọi người khác đều được chứng ngộ. Ngài thuyết giảng đủ mọi điều lành và hoàn toàn xứng đáng được tất cả mọi người tìm đến chiêm ngưỡng, kính trọng.

Nghe tiếng đồn như thế, rất nhiều đồ chúng Bà-la-môn liền lũ lượt kéo nhau tìm đến chỗ đức Thế Tôn đang ngự để chiêm ngưỡng, kính lễ. Nhưng khi tôn giả Sonadanda và Angaka cũng chuẩn bị đi đến chỗ đức Thế Tôn thì có khoảng 500 đồ chúng Bà-la-môn cùng đến ngăn cản:

- Hai tôn giả không nên đi đến đó, hãy để chúng tôi đi.

- Vì sao?

- Vì hai tôn giả là bậc trưởng thượng đệ nhất, đệ nhị. Tôn giả Sonadanda lớn tuổi hơn Sa-môn Gotama. Bà-la-môn lớn mạnh đi đến đó danh tiếng sẽ hao tổn, ngược lại danh tiếng Sa-môn Gotama sẽ được lớn thêm. Đây là đất của Bà-la-môn không thể để việc như vậy xảy ra. Giữa hai bậc tôn sư với nhau thì chẳng có gì, nhưng với chúng đệ tử sẽ xảy ra nhiều chuyện không tốt.

Bà-la-môn Sonadanda hỏi đồ chúng:

- Một người tuy còn trẻ nhưng thông minh, có trí huệ, chẳng lẽ không xứng đáng cho một người lớn tuổi hơn đến thăm viếng, trò chuyện hay sao?

Chúng Bà-la-môn không đáp được, nhưng vẫn không bằng lòng nên Sonadanda tiếp tục hỏi:

- Có phải cha mẹ của Sa-môn Gotama là bậc đế vương, huyết thống trong sạch thanh tịnh bảy đời như chúng ta không? Có phải Sa-môn Gotama khi xuất gia đã từ bỏ hết cung vàng điện ngọc và tất cả mọi thứ trân bảo quý giá hay không? Có phải Sa-môn Gotama tuy còn trẻ nhưng nói năng thông suốt làm đẹp lòng người hay không? Có phải không ai giữ tròn giới hạnh và có đầy đủ thiện đức bằng Sa-môn Gotama hay không? Có phải Sa-môn Gotama đã diệt trừ được hết tham dục, diệt hết mọi phiền não trói buộc? Này các vị, Sa-môn Gotama dạy về hành vi và nghiệp báo, rất có thiện chí khi đối thoại với chúng Bà-la-môn của ta. Như vậy không đáng để chúng ta tìm đến viếng thăm và trò chuyện hay sao?

Đến lượt chàng trai trẻ Bà-la-môn Angaka tiếp lời thầy, cũng là người chú của mình:

– Hiện nay Sa-môn Gotama đang ở trên đất của chúng ta, nghĩa là khách của ta. Đã là khách thì phải được kính trọng. Tại sao ta không đến thăm để tìm sự thân thiện, để được nghe những lời tao nhã, chân thực, thẳng thắn?

Đồ chúng Bà-la-môn nghe hai người thuyết phục thì đồng ý, không ngăn cản nữa. Họ lặng lẽ theo sau Bà-la-môn Sonadanda và Angaka đi đến bên bờ hồ Gaggara ở thành Camp. Khi ấy, đức Thế Tôn đang ngồi giữa đại chúng tỳ-kheo. Ngài biết hết mọi chuyện vừa xảy ra giữa những người Bà-la-môn.

III.

Càng đi gần đến chỗ Phật, tâm trí của Bà-la-môn Sonadanda càng khởi lên sự lo lắng. Dù sao ông cũng là một bậc tôn sư, cần phải giữ gìn uy tín với đồ chúng. Phải đặt câu hỏi với Sa-môn Gotama như thế nào đây? Nếu sau khi hỏi mà Sa-môn Gotama lại nói rằng “Này, không nên hỏi như vậy”, thì đồ chúng sẽ nghĩ về ta như thế nào? Chắc rằng họ sẽ nghĩ “Vị Bà-la-môn này ngu si, bất tài, không thể đặt một câu hỏi cho chín chắn.” Danh tiếng ta sẽ bị giảm bớt. Mà danh tiếng giảm bớt thì dân chúng sẽ giảm bớt sự cúng dường. Tâm trí Bà-la-môn Sonadanda đè nặng bởi những suy tư lo lắng như thế.

Đến nơi, sau khi chào hỏi giới thiệu tên tuổi và dòng họ, Bà-la-môn Sonadanda lặng yên ngồi xuống, chưa biết mở đầu câu chuyện như thế nào. Đức Thế Tôn thấu hiểu sự lo lắng trong lòng ông, liền tùy thuận đặt vấn đề bằng cách hỏi một câu thuộc về ba cuốn Vệ-đà để ông có thể yên tâm trả lời:

- Này Bà-la-môn, cần có bao nhiêu đức tánh để trở thành một Bà-la-môn chân chánh mà không phải là lời nói dối?

Bà-la-môn Sonadanda nghe hỏi mừng rỡ, vì biết là mình có thể trả lời thỏa đáng. Ông lập tức ngồi thẳng lưng và đáp:

- Thưa Tôn giả Gotama, để trở thành một Bà-la-môn chân chánh cần phải có năm đức tánh. Đó là: huyết thống thanh tịnh bảy đời, có nhan sắc tươi đẹp, thông hiểu ba tập Vệ-đà và chú thuật, có giới hạnh đầy đủ và có trí tuệ sáng suốt.

- Này Bà-la-môn Sonadanda, trong số năm đức tánh ấy, có thể nào bỏ bớt đi một mà vẫn là Bà-la-môn chân chánh?

- Thưa Tôn giả Gotama, có thể được. Có thể bỏ nhan sắc tươi đẹp đi, vì nếu huyết thống trong sạch, thanh tịnh thì không cần đến nhan sắc. Nhan sắc cũng không cần khi người ấy thông hiểu 3 tập Vệ-đà và có đầy đủ giới hạnh.

- Này Bà-la-môn Sonadanda, trong bốn đức tánh ấy, có thể nào bỏ bớt đi một mà vẫn là Bà-la-môn chân chánh?

- Thưa Tôn giả Gotama, cũng có thể được. Có thể bỏ đi sự tinh thông chú thuật, vì chú thuật chẳng làm được gì khi vị Bà-la-môn có huyết thống thanh tịnh, có giới hạnh và trí tuệ.

- Này Bà-la-môn Sonadanda, trong ba đức tánh ấy có thể nào bỏ đi một, chỉ còn hai thôi?

Bà-la-môn Sonadanda như bị Sa-môn Gotama dồn tới chân tường. Nếu không trả lời được thì bị đồ chúng chê cười, còn nếu trả lời sẽ phải đi ngược với những gì thuộc về truyền thống Bà-la-môn.

Nhưng chân lý không có giới hạn cho những ai khao khát. Bà-la-môn Sonadanda suy nghĩ về câu hỏi của đức Phật và chợt tự mình nhận ra sự thật, cho dù sự thật đó xưa nay chưa có một vị Bà-la-môn nào dám nói lên với ông:

- Thưa Tôn giả Gotama, huyết thống trong sạch bảy đời cũng sẽ không có giá trị gì nếu không có giới hạnh đầy đủ và trí tuệ sáng suốt.

Đức Thế Tôn tán thán:

- Lành thay, tôn giả Sonadanda!

Khi ấy, đồ chúng Bà-la-môn nhao nhao lên phản đối:

- Này Tôn giả Sonadanda, xin đừng nói vậy. Cho dù ông có thể khinh bác nhan sắc, khinh bác chú thuật, nhưng nếu ông coi thường cả huyết thống nữa thì còn gì là Bà-la-môn? Phải chăng ông đã ngả theo quan niệm của Sa-môn Gotama rồi?

Đức Thế Tôn chậm rãi lên tiếng trước đám đông:

- Nếu như các ngươi nghĩ rằng Bà-la-môn Sonadanda không phải là bậc đa văn, không phải là nhà hùng biện giỏi, không thể biện luận với ta về vấn đề này, thì Bà-la-môn Sonadanda hãy đứng yên lặng và các ngươi hãy biện luận với ta. Còn nếu các ngươi nghĩ rằng Bà-la-môn Sonadanda là bậc đa văn, là nhà hùng biện giỏi, có thể biện luận với ta về vấn đề này, thì các ngươi hãy đứng yên lặng và để Bà-la-môn Sonadanda biện luận với ta.

Khi nghe nói vậy, Bà-la-môn Sonadanda vội vã đứng lên:

- Thưa Tôn giả Gotama, xin hãy đứng yên lặng, hãy để tôi trả lời với đồ chúng Bà-la-môn theo đúng chánh pháp.

Rồi ông quay sang đám đông các Bà-la-môn:

- Này các vị, xin đừng nói rằng tôi khinh bác nhan sắc, khinh bác chú thuật, coi thường cả huyết thống và ngả theo quan niệm của Sa-môn Gotama. Này các vị, tôi thật không có những điều ấy!

Bấy giờ, thanh niên Bà-la-môn Angaka cũng đang ngồi trong hội chúng. Bất ngờ, Sonadanda chỉ tay vào Angaka:

- Này các hiền giả, các vị có nhìn thấy cháu tôi, thanh niên Bà-la-môn Angaka này hay không?

- Tôn giả Sonadanda, chúng tôi có nhìn thấy. Nhưng điều đó có ý nghĩa gì?

- Này các vị, thanh niên Angaka này đẹp trai, khôi ngô tuấn tú, tinh thông Vệ-đà và chú thuật, có huyết thống thanh tịnh đến bảy đời. Này các vị, nếu như thanh niên Angaka với các đức tánh như thế nhưng lại phạm vào các việc như nói dối, uống rượu, trộm cắp, dan díu với vợ người khác; như vậy thì liệu các đức tánh kia có còn chút giá trị nào chăng?

Đồ chúng Bà-la-môn nghe nói đều quay đầu nhìn về phía Angaka khiến chàng thanh niên mắc cỡ nhìn xuống, mặt nóng bừng lên: “Vì sao chú mình lại đem mình ra làm một thí dụ khó nghe đến thế? Trong khi chú là người đứng đầu, là đệ nhất trong đồ chúng, thì mình cũng là người kế thừa, là đệ nhị. Chẳng lẽ vì sự chăm sóc có phần đặc biệt của cô Sophi dành cho mình mà mọi người nghĩ rằng mình không được thanh tịnh?” Thật ra, từ lâu nay chàng thanh niên Angaka vẫn thấu hiểu tình cảm của Sophi đối với mình, nhưng chàng thật bối rối, không biết phải tránh né bằng cách nào để Sophi không phải rơi vào tuyệt vọng.

- Này các vị, ta không khinh bác các đức tánh ấy, nhưng ta vừa nhận ra một sự thật là: nếu một người có đức độ cao dày nhờ giữ theo giới hạnh đầy đủ và có trí tuệ sáng suốt, người ấy vẫn có thể là một Bà-la-môn chân chánh mà không cần phải có đủ ba điều kia.

Đám đông các đồ chúng Bà-la-môn quay nhìn nhau, suy ngẫm về những lời vừa được nghe thấy từ chính miệng vị Bà-la-môn đáng kính của họ. Bầu không khí bỗng nhiên lắng dịu.

Đức Thế Tôn hoan hỉ khi thấy Sodadanda đã tự mình nhận thức đúng vấn đề. Ngài tiếp tục:

- Này Sodadanda, còn lại hai đức tánh, có thể nào bỏ bớt đi một mà vẫn được xem là Bà-la-môn chân chánh hay không?

- Thưa Tôn giả Gotama, lần này thì không thể được!

- Đúng vậy, Sodadanda. Không còn có thể bỏ được điều nào nữa cả, vì nơi nào có giới hạnh, nơi đó có trí tuệ; nơi nào có trí tuệ, nơi đó có giới hạnh. Nguồn gốc của vấn đề là ở đây. Trí tuệ được giới hạnh làm cho thanh tịnh, và giới hạnh được trí tuệ làm cho thanh tịnh. Giới hạnh và trí tuệ được xem là tối thắng ở trên đời.

Nhưng thế nào là giới hạnh và thế nào là trí tuệ? Đức Thế Tôn chưa kịp giảng giải điều ấy thì trời đã xế chiều, đã đến giờ cầu nguyện buổi tối. Đồ chúng Bà-la-môn cần phải trở về cho kịp. Vì chưa được nghe đến chỗ ý nghĩa rốt ráo, nên khi mọi người đi về được nửa đường, chàng thanh niên Bà-la-môn Angaka bỗng đi chậm dần lại, lùi về phía sau, và rồi một mình khuất dạng theo lối mòn rẽ vào trong rừng.

IV.

Suốt đêm, Sophi không ngủ. Cô nghiêng người lăn qua bên trái, bộ mặt khôi ngô tuấn tú của Bà-la-môn Angaka hiện lên. Sophi nghiêng sang bên phải, vẫn là gương mặt ấy. Ghét nhau mà sống chung một nhà, thương nhau mà phải xa nhau đều là khổ, thuộc về nhóm Sự thật thứ nhất. Sa-môn Gotama dạy như thế!

Qua ngày hôm sau, Bà-la-môn Angaka vẫn chưa về. Bây giờ, chỉ cần một con chim bay ngang qua vườn, con sóc chạy qua gây tiếng động sột soạt, Sophi cũng tưởng đó là bước chân Angaka, và lập tức đưa mắt nhìn ra cửa.

Qua hôm sau nữa, hồn vía Sophi như bị ai bắt mất. Nàng bỏ ăn, nằm liệt giường. Đồ chúng Bà-la-môn hoảng hốt nhận ra Sophi đã ngã bệnh.

Trong khi ấy, ở một ngôi đền hoang trong rừng, chàng thanh niên Bà-la-môn Angaka cũng đang sầu héo, rầu rĩ. Lũ khỉ chuyền trên cành ngơ ngác nghe kẻ lạ mặt xâm nhập vương quốc của mình than thở:

- Ta là Bà-la-môn có đủ năm đức tính, luôn hướng về cộng trú với Phạm thiên. Ta là bậc được đồ chúng cúng dường, tôn kính Đệ nhị. Tại sao chú Sonananda lại đem ta ra giễu cợt? Đã đành đó chỉ là thí dụ, nhưng tại sao mọi con mắt chúng Bà-la-môn đều quay lại nhìn ta chằm chằm? Hay là bấy lâu nay mọi người đều hiểu rõ ta mà ta lại không tự hiểu mình?

Điều hoàn toàn bất ngờ là Bà-la-môn Sonananda, một người học rộng nghe nhiều, được chúng Bà-la-môn tôn kính, vẫn không hay biết gì đến phản ứng tâm lý đang diễn ra với người cháu thân yêu của mình, nhưng ở ngoài thành Camp đức Thế Tôn lại thấy biết tất cả. Ngài biết rằng sự nhận hiểu sai lầm về chân lý đang xô đẩy chàng thanh niên Angaka sang một khúc rẽ mới trong cuộc đời.

Angaka vốn đã được học y thuật từ nhỏ, chàng biết rõ đặc tính của các loại cây cỏ, dược thảo dùng để chữa bệnh. Hôm ấy, Angaka tìm hái một loại nấm màu đỏ, phát sáng, bóp nát ra và đắp lên khuôn mặt. Chỉ đến trưa ngày hôm sau, gương mặt Angaka đã biến đổi một cách khủng khiếp, mọc ra những mụn cóc lớn và sần sùi. Lúc này, trông chàng Angaka thật xấu xí, không còn một chút dáng dấp nào của khuôn mặt khôi ngô tuấn tú ngày nào.

Kể từ hôm đó, Angaka lần lượt trải qua những nếp sống khác nhau giống như những người chủ trương lõa thể, hoặc những người ngồi trên bàn chông, đứng một chân, hoặc nhịn ăn cho đến khi kiệt sức... Vào thời ấy, những người kỳ dị như thế đầy dẫy khắp xứ Ấn Độ. Họ sử dụng hình thức khổ hạnh ép xác để tập trung tinh thần hướng về sự cộng trú với Phạm thiên.

Thoạt đầu, Angaka có cảm giác như trong lòng chàng hân hoan, phấn khởi hơn lên với những phương cách tu khổ hạnh. Nhưng trải qua một thời gian sau, chàng dần dần nhận ra đó không phải là những niềm vui chân thật. Tuy nhiên, chàng vẫn bám víu vào một niềm tin là nếu kiên trì theo những lối sống này, cuối cùng rồi chàng cũng sẽ đạt đến sự cộng trú với Phạm thiên.

Khi đồ chúng Bà-la-môn chia nhau lùng sục khắp nơi trong rừng, họ tìm gặp Angaka với khuôn mặt đáng sợ như vậy. Họ tin rằng người có khuôn mặt như thế không thể trở thành người đứng đầu đồ chúng Bà-la-môn, không thể đứng trước bàn thờ để làm vị chủ tế long trọng. Nhưng Angaka không quan tâm đến điều đó. Lúc này tâm trí chàng chỉ luôn hướng về Phạm thiên, không băn khoăn bất cứ một vấn đề nào khác.

Mọi người trở về kể cho nàng Sophi nghe mọi chuyện. Nàng cảm thấy thương cho chàng Angaka, nhưng biết làm sao được, chàng đã quyết định tự chọn cho mình hướng đi như vậy. Dần dần Sophi cũng qua cơn bệnh. Tuy nhiên, từ đó nàng trở nên buồn man mác, thường giấu mặt sau một tấm mạng che. Đã mấy lần gia đình dùng nhiều của hồi môn để tìm cho nàng một tấm chồng xứng đáng, nhưng tâm trí của Sophi giờ đây chẳng còn nhìn thấy ai khôi ngô như chàng Angaka năm xưa.

V.

Ba năm sau, đức Thế Tôn du hành trở lại thành Camp. Sau một đêm nghỉ ngơi, sáng ra đức Thế Tôn gọi tỳ-kheo A-nan đến và nói:

- Này A-nan, ta vẫn còn nợ xứ này một việc.

- Bạch Thế Tôn, đó là việc của Bà-la-môn.

Ngài A-nan ngại rằng đức Thế Tôn sẽ mệt mỏi vì phải thuyết giảng nhiều, nên lên tiếng khuyên can. Nhưng Phật dạy:

- Này A-nan, khi gặp một người té xuống giếng, có nên hỏi xem người ấy thuộc dòng tộc nào rồi mới cứu họ hay không? Lại nữa, này A-nan, một người dân có việc tìm đến nhà vua và trường hợp nhà vua tìm đến người dân, điều nào sẽ làm cho giềng mối cai trị bền vững hơn? Lại nữa, trước kia đồ chúng Bà-la-môn tự tìm đến ta, nay đã đủ nhân duyên để ta đáp lại việc ấy.

Bà-la-môn Sonadanda lúc này đã già nhưng vẫn chưa tìm ra người để giao vị trí Đệ nhất chúng Bà-la-môn. Chàng Angaka trở thành vị tu sĩ khổ hạnh nổi tiếng, nhưng không thể làm người dẫn dắt đồ chúng Bà-la-môn. Sau khi thăm hỏi, đức Thế Tôn một mình đi đến chỗ Angaka. Trước khi vào rừng, đức Thế Tôn nhờ một người thợ săn thổi lên tiếng tù và. Angaka nghe tiếng tù và liền chạy ra khỏi rừng và nhìn thấy đức Thế Tôn đang khoan thai đi tới.

- Này Angaka, ta đến thăm ngươi đây. Mấy năm qua, tu hành khổ hạnh như thế, ngươi đã gặp được Phạm thiên hay chưa?

- Thưa Tôn giả Gotama, tôi chưa gặp được Phạm thiên.

- Này Angaka, vậy các vị Bà-la-môn có huyết thống bảy đời thanh tịnh, tinh thông ba tập Vệ-đà có gặp được Phạm thiên hay chưa?

- Thưa Tôn giả Gotama, tôi nghĩ là họ cũng vẫn chưa gặp. Nhưng họ có nói rằng, những điều họ chỉ dạy là chánh đạo, nếu thực hành theo sẽ gặp được Phạm thiên.

- Này Angaka, hãy trả lời một cách thành thật. Ngươi nghĩ thế nào, một người chưa từng gặp được Phạm thiên mà chỉ dạy con đường đi đến với Phạm thiên, điều đó có hợp lý hay không?

- Thưa Tôn giả Gotama, điều đó thật không hợp lý.

Đức Thế Tôn nhìn Angaka. Khuôn mặt chàng thanh niên thoáng rung động, biểu lộ tâm thức bắt đầu tò mò. Ngài tiếp tục hỏi:

- Này Angaka, vậy theo ngươi thì Phạm thiên có đạt được sự tự tại và không có các tâm dục ái, sân hận, ô nhiễm hay chăng?

- Thưa Tôn giả Gotama, tôi nghĩ rằng Phạm thiên là người tự tại, không có các tâm dục ái, sân hận, ô nhiễm.

- Này Angaka, nếu Phạm thiên là như vậy thì bất cứ ai cũng có thể biết được Phạm thiên. Tỉ như tiếng tù và thổi lên, ai cũng có thể nghe. Như tiếng tù và được thổi lên khi nãy, chẳng phải một mình Angaka được nghe, mà nhiều người khác cũng nghe, không có sự phân biệt như kẻ giàu được nghe, người nghèo không được nghe, hoặc người có nhan sắc được nghe, người xấu xí, tật nguyền không được nghe...

Chàng thanh niên Bà-la-môn Angaka chợt bừng tỉnh nhận ra được điều đức Thế Tôn muốn nói. Đây chính là lúc Angaka chứng ngộ lần thứ nhất. Đức Thế Tôn lặng lẽ quán sát những gì đang diễn ra trong tâm thức Angaka. Hóa ra, năm xưa đức Thế Tôn khi trao đổi cùng Bà-la-môn Sonadanda nói đến việc loại bỏ yếu tố nhan sắc chỉ là muốn chỉ ra những yếu tố cốt lõi nhất của một người Bà-la-môn chân chánh, chứ không hề chê bỏ hay khuyến khích việc hủy hoại nhan sắc. Thật ra, có được nhan sắc tươi đẹp cũng chính là một trong các biểu hiện của giới hạnh thanh tịnh và thiện nghiệp.

Đức Phật tiếp tục giảng giải:

- Này Angaka, trong đời sống của người tu tập cần phải biết đến sự tai hại của năm món dục lạc. Đó là: mắt chạy theo hình sắc, tai chạy theo âm thanh, mũi chạy theo mùi ngửi, lưỡi chạy theo vị nếm, và thân chạy theo sự xúc chạm, khoái lạc. Khi người ta sống buông thả theo năm sự khoái lạc do các giác quan mang lại, thì lòng tham lam và dục lạc sẽ được nuôi dưỡng ngày càng tăng trưởng. Nếu ai không biết kiềm chế năm món dục lạc trong đời sống thì chỉ có thể bị mê đắm, trói buộc chứ không thể đạt đến sự giải thoát, tự tại. Và bởi vì Phạm thiên được mô tả là đấng tự tại và không có các tâm dục ái, sân hận, ô nhiễm, nên chỉ những ai đạt được sự tự tại và không còn các tâm dục ái, sân hận, ô nhiễm mới có thể cộng trú với Phạm thiên.

- Thưa Tôn giả Gotama, phải chăng đó chính là con đường dẫn đến sự cộng trú với Phạm thiên?

- Này Angaka, nếu quả có một Phạm thiên như thế thì đây chính là con đường dẫn đến sự cộng trú cùng vị ấy. Này Angaka, một người muốn đạt đến sự tự tại, được tâm định tĩnh không phiền não dục ái, không sân hận, ô nhiễm, người ấy phải khởi đầu từ việc thấy biết như thật “Đây là khổ”, thấy biết như thật “Đây là nguyên nhân của khổ”, thấy biết như thật “Đây là sự diệt mất của khổ”, và thấy biết như thật “Đây là những phương pháp để diệt khổ”.

- Thưa Tôn giả Gotama, rồi sau đó thì sao?

- Đừng nôn nóng, Angaka. Hãy như đứa trẻ tập bò, sau đó mới đứng dậy tập đi. Khi ngươi thực hành đến đâu, ngươi sẽ hiểu đến đó. Những điều được nghe trước chỉ là kinh nghiệm của người khác, không phải của chính ngươi. Nhưng ta có một thí dụ cuối cùng: Một thanh niên đi hỏi vợ, chọn lấy một cô gái rất xấu xí. Nhưng sau đó chẳng những hai vợ chồng đầm ấm hạnh phúc mà cô gái ấy còn biết cách làm cho những bà con, họ hàng nhà chồng trước đó sống không hoà thuận nay cũng trở nên hoà thuận. Người ta thật lòng ngưỡng mộ đức hạnh của cô, quên mất sự xấu xí của cô. Hãy suy gẫm về điều đó, Angaka!

Đức Thế Tôn vừa nói xong, Angaka chắp tay cung kính vái lạy:

- Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama. Lời của ngài như ngọn đèn soi vào bóng tối để những ai lạc đường quay về. Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử.

Đức Thế Tôn im lặng nhận lời. Angaka lại quỳ xuống đảnh lễ một lần nữa:

- Bạch Thế Tôn, mong đức Thế Tôn nhận cho con điều này. Sau này khi con dẫn dắt đồ chúng Bà-la-môn, con sẽ không thể tỏ lòng tôn kính đức Thế Tôn theo như ý mình. Vì vậy, khi con đang ngồi xe, nếu con hạ cán roi xuống, mong đức Thế Tôn nhận cho đó là con xuống xe; nếu trong khi đi xe con vẫy tay, xin đức Thế Tôn nhận cho đó là con vái chào; nếu ở giữa chúng hội mà con tháo khăn đầu, xin đức Thế Tôn nhận cho đó là con cúi đầu kính lễ.

Đức Thế Tôn mỉm cười, hoan hỷ chấp nhận.

Quả nhiên, một thời gian sau đó, với đức hạnh và trí tuệ của mình, chàng Angaka đã khiến cho tất cả đồ chúng Bà-la-môn phải kính phục và ngưỡng mộ. Chàng trở thành người thay thế cho chú Sonadanda lãnh đạo tất cả chúng Bà-la-môn, và sự kính ngưỡng đã khiến cho không còn ai chú ý đến gương mặt xấu xí của chàng.

Về sau, hội chúng Bà-la-môn do Angaka lãnh đạo cũng tu tập theo đúng lời dạy của Phật. Và phái này không còn xem nhan sắc là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá người tốt.
 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com