Tiếng thét ấy đã im bặt
gánh trần gian quẫy bước dặm ngàn
âm thanh khốc liệt
vẫn bàng hoàng ngân vang
cuộc trở về hư vô
hoàn toàn trọn thể
Vậy là thi sĩ đã bốc thoát
niềm bốc thoát vô biên
những hạt bụt, hạt tro diễm ảo
đi hành hương rong chơi trên cao
“ngày hôm nay, và cả những ngày sắp đến, bắt đầu bằng niềm thanh bình vô hạn của tâm hồn”
(Bay đi những cơn mưa phùn)
Vâng, phải nói là từ ngày hôm kìa
(mồng 8 tháng 3) thì đúng hơn
niềm-thanh-bình-vô-hạn đã có mặt
và mang thi sĩ ra đi
xa thật xa
qua lòng vực thẳm
hội ngộ cùng đỉnh trời
thôi, cho mắc nợ thi sĩ
một lời
tán tỉnh (hay tán tụng)
Và ai mà chẳng mắc nợ ông chứ
thi sĩ của những thi sĩ
lời tán tỉnh / tán tụng trên mọi lời tán tỉnh / tán tụng
“dạ thưa thầy, sách của thầy con gối đầu giường”
(Đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất)
và yêu thầy và được thầy rủ áo cùng yêu
và rồi cũng xa thầy và được thầy khoác áo... cho xa
vậy thì nếu chẳng may được gặp thi sĩ
dại gì chúng ta không giữ lại cho riêng mình
những lời tán tụng / tán tỉnh
“tôi gặp anh rồi thi sĩ ơi
anh bay như gió thoảng qua đời
tưởng chừng anh lạc hành tinh tới
ngơ ngác như người chán cuộc chơi...
........
tôi gặp anh tiếng thét vang trời
triền đá dựng đâu niềm tương cảm
núi và rừng chỉ thấy chơi vơi
bi kịch ấy ai người đón đợi
........
tôi gặp anh dẫu thật xa xôi
bên kia hoa trắng phủ quanh đồi
thi sĩ vốn điên rồ vẻ đẹp
giẫy chết cho người được lên ngôi” (“Trốn vào giấc mơ em”, thơ N.T.T.B)
Ơ, sao đời vẫn buồn trôi... nhếch nhác... lôi thôi...
và thi sĩ của lòng tôi
cũng đã bay rồi phải không
nỗi ám ảnh thơ mộng dị kỳ của những tiếng nổ mặt trời
cũng đã thành địa chấn của bao thế hệ
tôi đang sống
mà cũng đang dở chết
ông cũng đã chết lên chết xuống
trong những lưu đày của một hành giả
đi qua đời
và dùng hết tàn hơi
thổi lên vầng mặt trời thứ ánh sáng nguy nga
tôi vẫn mường tượng
nơi cái đầu ấy luôn bốc khói
bùng vỡ (chữ của ông) trên những ngọn núi sương mù của trí tưởng
ông viết văn xuôi tiểu luận như thơ
làm thơ như chập chùng ngôn ngữ biến ảo
mênh mang lời
mênh mênh hơi
mang mang thở của gió tích tụ ngàn năm
ông có thể ngông ngạo
cười đái đủ kiểu trong văn chương
mà vẫn thơm lừng từng con chữ
tôi đoan chắc
chỉ những giọt nước đái, nước miếng tinh hoa phát tiết như ông
mới không làm khai lùm
những cái mũi bén nhậy
một điều nữa tôi muốn nói với ông
khi ông đang “thở thanh bình” (vẫn là chữ của ông)
đêm qua tôi bỗng thấy bốn con mắt của ông trở về mênh mông
mênh mông và mênh mông. như chưa bao giờ
không, vô số con mắt lấp lánh như những chùm sao năm chàng hiệp sĩ
khổ nỗi những con mắt ấy cứ thi nhau rớt tõm vào vũng trăng xanh vòm cây xao
quả tình đêm qua tôi không có ý định vớt chúng lên
may ra còn chụp bắt được những tinh anh và tinh ranh lần nữa
như đã bị thứ ánh ngươi ấy đâm suốt linh hồn từ xa xưa
tôi không biết
bây giờ ông đã thôi tìm kiếm điều gì chưa
cuối cùng
đâu còn cách chi khác nữa
cái xác phàm
lắm khi vượt quá sức chịu đựng của một con người và một nấm mồ
tôi thấy ông thật có lý
nơi đây là một cái nút bấm của nhà quàn Mỹ
và chỉ một lần nhấn nút của thân nhân rồi tro cốt phân ly
dấu chấm hết nhỏ nhoi tàn rụi cuối cùng của một đời người!
vậy thôi
Ô, tôi đoán ra rồi
ồ mà không, ông chẳng thèm tìm kiếm gì nữa đâu
ông chỉ muốn trở về Mỹ Tho chứ không phải Mỹ Hiệp Chủng Quốc
Mỹ Tho nơi ông sinh ra
và cuống rún cũng đã đoạn lìa mẹ cha
không nhiên tôi bỗng muốn mềm ra vì run rẩy
hãy đọc lại đi ơi những dòng thơ ấy
khi người thi sĩ của chúng ta
là một tay ngông dại bôn ba
khắp bốn phương viễn mộng trời xa
khi ông nhắc đến lòng-sâu-thẳm-của-Tính-Mệnh-Quê-Hương
chữ ông dùng trong bài viết cho một Tuệ Sỹ “phút vội vã bỗng thấy mình du thủ” (thơ Tuệ Sỹ)
ờ nhỉ, có làm tên “du thủ” thì cũng đành hết thuốc chữa!
chữ nghĩa miệt mài khủng bố
tìm cách thoát hiểm
nỗi toàn trị độc tài càng thanh trừng tự do
thứ rắn độc quanh co
Ông ơi, Tính-Mệnh-Quê-Hương là nỗi chi mà không thấy ai lo dứt điểm
người ta chỉ giỏi dựng lên những chấn song
cho những Tuệ Sỹ, Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Văn Lý...
Ông có là thiên tài sáng tạo
cũng chỉ biết ú ớ quanh quẩn trong những giấc mơ
của mình
vậy thì nghĩa lý gì mọi cách sáng tạo khác
tôi chợt muốn nói đến
một cách sáng tạo cứu vớt Con Người Việt Nam
dù sao tôi biết ông đã chẳng bảo:
“tôi đau trong tiếng gà xơ xác”
và cũng ở đoạn VIII trong tập Ngày Sanh của Rắn, ông đã chẳng viết:
“... gió thổi đồi tây hay đồi đông
hiu hắt quê hương bến cỏ hồng...”
Đúng rồi,
quê hương mình hiu hắt quá phải không ông
hiu hắt trời / hiu hắt đất / hiu hắt bóng / hiu hắt hình / hiu hắt gió mới / hiu hắt rừng khơi / hiu hắt lối thoát / hiu hắt thiên tài / hiu hắt chiến sĩ trí thức / hiu hắt lòng can đảm bứt rứt / hiu hắt cánh đồng xanh / hiu hắt bến cỏ hồng...
và như thế nên ông vẫn tiên tri những thân phận
“thanh-bình-đã-chết-trong-tôi”, không phải ông đã nguyền rủa bâng khâng
trong mặt trời không bao giờ có thực
mà mặt trời
ở đồi đông của ông thì có bao giờ
có thực.
Nguyễn Thị Thanh Bình
Gửi ý kiến của bạn