Con đã từng hờn dỗi vì có những bữa mẹ đi bán rau về muộn, con phải ăn cơm trễ, không kịp giờ lên lớp buổi chiều. Con đã từng vô tâm trách mẹ sao có vài bó rau mà mẹ cố ngồi lại làm chi giữa trưa hè nắng gắt. Con đã hờn dỗi, đã trách móc như thế, cho đến một ngày…
Ảnh minh họa
Trưa hôm ấy, khoảng gần 12 giờ, con tình cờ qua chợ cùng mấy người bạn. Trời càng lúc càng nắng. Giờ này, người bán đã về, người mua cũng đã vãn. Vậy mà mẹ vẫn còn nấn ná thêm để mong kiếm thêm vài đồng thêm vào chút cơm chút mắm cho nhà mình. Mẹ ngồi mớm bên lề đường vào chợ, mồ hôi giọt giọt rơi trên khuôn mặt hao gầy đã trải qua bao gian truân vất vả. Hình như không còn sức để mời người ta mua mấy bó rau bầm giập trong rổ, mẹ đưa đôi mắt mệt mỏi nhìn dòng người mua bán lại qua. Trên tay mẹ, mấy đồng bạc lẻ nhàu nát run run, phất phơ, mong manh quá.Chợt tiếng còi huýt của mấy người bảo vệ chợ vang lên rất gần. Mẹ chỉ kịp đứng dậy, ôm rổ rau, mong một chút yên bình để bán nốt, kiếm mấy đồng lẻ về mua chút cá, chút canh. Người ta mở chợ chỉ cho những người buôn bán lớn vào bán và đánh thuế. Mẹ thì buôn gánh bán bưng bó rau bó cải, được mấy đồng đâu mà vào đấu giá từng lô ngồi bán.
Vậy là đành loanh quanh lúc đứng lúc ngồi trên lề đường vào chợ. Vậy mà người ta đâu có để cho mẹ được yên. Người thanh niên làm công tác bảo vệ chợ chỉ lớn hơn con vài tuổi đá văng rổ rau trên tay mẹ xuống cống nước gần đó. Kèm theo đó là một tràng chửi: “Bà ni ngó rứa mà ngoan cố nghe! Không ra khỏi chợ coi chừng lần sau tôi không khách sáo đâu!”.
Rồi họ bỏ đi trước khi đá văng thêm vài rổ rau của những cô, những bà cũng ngồi bán như mẹ. Những người bảo vệ chợ cười hô hố với nhau. Tiếng cười như những đợt kim châm thẳng vào tim con.
Mẹ ngồi xuống, từ từ nhặt nhạnh những bó rau văng ra, bỏ lại vào rổ, bưng đi tìm một chỗ khác ngồi bán. Gương mặt xanh xao của mẹ dưới trời trưa càng xanh xao hơn. Hình như mẹ muốn khóc nhưng nước mắt đâu còn nữa. Mà khóc để làm gì khi cái nắng của trời trưa và cái nắng của lòng nhẫn tâm con người cứ dội thẳng xuống đầu mẹ. Mẹ mím môi, đưa tay gạt những giọt mồ hôi bịn rịn chưa rơi khỏi đôi gò má gầy gò, nhăn nhúm.
Con vừa thấy thương, lại vừa thấy tủi cho thân phận mình, thân phận của một nông dân nghèo đi bán mấy bó rau mà còn bị xúc phạm, bị chà đạp. Chẳng lẽ phận mình hẩm hiu và rẻ rúng thế sao mẹ? Người ta ưng đạp đổ miếng cơm của mình hồi nào, ưng chửi mắng mình hồi nào mình cũng phải cúi đầu cam chịu ư!
Con lớn dần lên, sự vất vả của mẹ cũng tăng dần. Không biết có bao nhiêu buổi chợ trưa như thế đã đi qua đời mẹ. Không biết đã bao nhiêu uất ức, tủi hờn, xót xa; bao nhiêu mồ hôi và nước mắt đã đi qua đời mẹ. Vẫn bình dị sống, bình dị miệt mài với từng bó rau, bó cải, mẹ tiếp thêm cho con sức mạnh để học tập, để bước vào đời vốn đã nhiều ngang trái này.
Giờ, con lang bạt qua các miền quê với nghiệp bút nghiên mưu sinh đầy lận đận. Sương gió quê người mấy lớp dập dồn nhưng con vẫn thương, vẫn lo nhiều cho gia đình mình, nhất là mẹ. Có lớn mà chẳng có khôn, con như đứa trẻ tự quăng mình vào biển đời giông tố, mỏi mắt trông về tổ ấm nơi quê nhà ngút ngát sau làn khói bếp từ từ bay lên mỗi sáng mỗi chiều.
Nỗi buồn thân phận cứ day dứt trong con. Miệt mài đi, miệt mài với từng câu từng chữ mong chút mộng áo cơm có ngày nhẹ bớt, con vẫn chưa chút gì làm cho ba mẹ bớt khổ, bớt lo.
Hè đã dần đi sâu vào những ngày nắng oi nồng. Trưa miền Trung lại càng khắc nghiệt hơn. Chợ trưa bây giờ, mẹ vẫn còn ngồi đó. Bao giờ cho hết những ngày nhọc nhằn, xót xa trĩu nặng bên đời mẹ, hỡi mẹ của con?
Nguyễn Thành Giang
Gửi ý kiến của bạn