Cuộc tương phùng sau 40 năm của cha con cô gái không vận
Hàng chục năm thất lạc nhau, ông Phan Minh Triết ở quận 4, TP HCM, chưa bao giờ nguôi ý nghĩ rằng sẽ có ngày trùng phùng với cô con gái mà số phận đã đẩy đưa cô nằm trong số những đứa trẻ Babylift tháng 4 năm 1975 được người Mỹ di tản ra nước ngoài. Tricia Houston - tên cô ngày nay, 41 tuổi, đang sống ở Mỹ. Tên tiếng Việt của cô là Nguyễn Ngọc Như.
Những ngày tháng 4 của 40 năm trước, chiến dịch không vận của Mỹ đã mang đứa con đầu lòng, kết quả tình yêu của ông Triết và bà Nguyễn Thị An đi xa biền biệt cùng với khoảng 3.000 đứa trẻ mồ côi Việt Nam, đến nơi cách nửa vòng trái đất. Thời điểm chiến tranh ác liệt, dưới áp lực tổng động viên, ông Triết phải lánh đi làm ăn xa. Bà An ở lại Sài Gòn sinh con, gặp hoàn cảnh khốn cùng không thể lo cho con chu đáo nên đem gửi bé Như cho Hội Dục Anh. Đứa trẻ sau đó được người ta chuyển vào cô nhi viện trong nhà thờ Hàng Xanh - Gia Định, rồi bị di tản theo chiến dịch Babylift.
Chiến tranh chấm dứt, ông Triết trở lại Sài Gòn, tìm đến Hội Dục Anh mong xin lại đứa con thì đã không thể gặp. Suốt những năm dài bặt tin con, ông Triết luôn mong nhớ và nuôi hy vọng tìm kiếm đứa con gái đáng thương. Hành trang ông mang theo để tìm con chẳng có gì ngoài tấm hình họa lại chân dung bà Nguyễn Thị An theo trí nhớ.
Nguyễn Ngọc Như (Tricia Houston) được gia đình nuôi chụp lúc mới sang Mỹ.Ảnh gia đình cung cấp. |
Chưa một ngày thôi nhung nhớ, ôm đứa con trai nhỏ hiện tại mà ông Triết chạnh lòng vì suốt mấy chục năm chưa một lần ôm đứa con gái thất lạc vào lòng để bày tỏ tình cảm thương yêu. Ông bảo: “Ôm được nó chắc nước mắt sẽ giàn giụa”. Nhiều năm ròng, hễ có cơ hội gặp gỡ người nước ngoài hay các tổ chức nước ngoài, ông Triết đều gửi gắm câu chuyện của mình với hy vọng mong manh tìm được manh mối. Nhiều người hỏi, tìm con đã mấy chục năm có lúc nào ông muốn bỏ cuộc. Nhưng với ông Triết: “Tôi sẽ dành cả cuộc đời để tìm con”.
Một cơ duyên đến vào giữa năm 2011, ông Triết tham gia chương trình lấy mẫu thử ADN tìm thân nhân thất lạc. Đến cuối năm 2012, mẫu thử của ông đến được tổ chức Operation Reunite (Chiến dịch hội ngộ). Với sự giúp đỡ nhiệt tình của bà Trista Goldberg, Giám đốc Operation Reunite, gần 7 tháng sau, niềm hạnh phúc vỡ òa khi họ báo kết quả mẫu ADN của cô gái Tricia Houston hoàn toàn trùng khớp với ông Triết. Đó là khi cha con cách biệt 38 năm. Thật trùng hợp, lúc này Tricia đang đảm nhận chức thư ký của tổ chức thiện nguyện Operation Reunite nhằm giúp những đứa trẻ Babylift năm nào tìm lại nguồn cội bằng phương pháp thử ADN. Công việc của cô nhằm kết nối những đứa trẻ với quê hương và chính cô đã tìm lại được gốc gác, tình thân của mình.
Cô hiện là giáo viên tiểu học ở Mỹ, dạy cùng trường với người mẹ nuôi. Trong thư gửi cha lần đầu tiên hai người nhận ra nhau nhờ mẫu thử AND trùng khớp, Tricia viết: "38 năm qua con đã được nuôi dưỡng lớn lên trong đầy đủ tình thương. Tháng Giêng năm 1975, con đã được chuyển từ Hội Dục Anh sang nhà nuôi trẻ World Vision ở Gia Định. Ở đó con được chăm sóc kỹ lưỡng, khỏe mạnh hơn. Tháng 4/1975 con được gửi về Mỹ bằng máy bay trong chiến dịch di tản trẻ em Babylift”.
Mới đây lần đầu tiên Tricia trở về Việt Nam, cô giấu thời gian chuyến bay hạ cánh vì không muốn cha quá xúc động. Thế nhưng người cha vẫn lặng lẽ đến ngồi lặng ở một góc khuất của khu đón người thân trên sân bay Tân Sơn Nhất, mong được nhìn con từ xa xa. Từ lúc tìm được con, ông Triết tập tành học tiếng Anh để có thể giao tiếp với con gái. Đến lúc gặp con, niềm vui sướng trong ông nghẹn ngào, ông lúng túng không thể bày tỏ rõ ý nghĩ của mình. Tricia vẫn hiểu và cảm nhận tình cảm chân thành từ người cha mình qua những từ tiếng Anh chưa được chuẩn xác.
Chị Như về thăm cha và gia đình, mặc bộ đồ bà ba cha may cho. Ảnh gia đình cung cấp. |
2 bộ áo dài, 2 bộ bà ba kèm khăn rằn quấn cổ là món quà nhỏ của người cha già muốn chăm chút cho đứa con gái 40 năm trời chưa một lần gặp gỡ. "Nhìn con ướm chiếc áo bà ba màu xanh lá, quàng chiếc khăn rằn caro đen, lòng tôi vui rộn ràng như tuổi già của mình bỗng chốc mà viên mãn", ông bố chia sẻ. Còn Tricia mang về album ảnh của mình với những khoảnh khắc từ lúc lọt lòng, vào tiểu học hay tốt nghiệp cấp 3 với chú thích được dịch ra tiếng Việt để gia đình có thể hiểu. Cô mong với những bức ảnh về các dấu mốc quan trọng trong đời, cha hiểu và có sự kết nối với mình hơn trong lần đầu gặp gỡ.
Trong một tuần Ngọc Như ở Việt Nam, hai cha con đã có dịp về thăm quê tổ ở An Giang và tên cô được điền vào gia phả của dòng họ. Điều này khiến Ngọc Như cảm thấy thân thiết, có sự kết nối hơn với quê hương. Cô cũng đang mày mò học tiếng Việt qua từ điển.
Khánh Ly