Sự ra đời của Thái tử Tất-đạt-đa là niềm hạnh phúc vô cùng lớn lao của hoàng tộc Sakya, của nhân dân thành Ca-tỳ-la-vệ lúc bấy giờ, và cũng là niềm diễm phúc vô hạn cho tất cả chúng ta, những người đệ tử của đức Phật, những người nguyện đi theo con đường chơn chánh mà Ngài đã chỉ dạy.
Thái tử Tất-đạt-đa được sinh ra và lớn lên như bao nhiêu người khác. Song, ngay từ nhỏ, Ngài đã tỏ ra là một con người hoà nhã, biết kính trọng và thương yêu tất cả mọi người, yêu quí mọi loài. Ngài là một hoàng thái tử, được sống trong cung vàng điện ngọc, nhung gấm cao sang, được sự thương yêu, chăm sóc của phụ thân và di mẫu, lại có cả kẻ hầu người hạ. Và sau này Thái tử còn có thêm vợ đẹp con thơ. Có thể nói rằng, cuộc sống của Ngài rất hạnh phúc, một cuộc sống mà bao nhiêu người hằng mơ ước nhưng không thể nào có được. Thế nhưng, khi nhận thấy được sự thật khổ đau của kiếp sống, Ngài đã lặng lẽ ra đi để tìm nguồn hạnh phúc chơn thường cho mình và cho tất cả chúng sanh. Ngài đã giũ bỏ tất cả những thú vui tầm thường, những danh lợi phù hoa của cuộc sống, quyết chí ra đi theo tiếng gọi của lòng từ bi, ra đi vì lý tưởng, vì hạnh nguyện độ sanh. Phải là một người có lý tưởng cao cả, có hạnh nguyện rộng sâu và có ý chí kiên cường mới có thể ra đi được như thế.
Bước đường tìm đạo vô cùng gian nan. Thời gian đầu Ngài đã đi từ nơi này sang nơi khác để học đạo với các vị danh sư thời bấy giờ. Nhưng rồi Ngài vẫn chưa tìm thấy được chân hạnh phúc từ các vị danh sư ấy. Thế là không còn cách nào khác, Ngài phải tự mình khám phá, tự mình tư duy, tự mình thử nghiệm các phương pháp tu tập để tìm ra ánh đạo. Thời gian này càng gian lao hơn nữa. Có lúc Ngài thực tập phương pháp khổ hạnh đến nỗi chỉ còn da bọc xương và một ngày kia Ngài đã ngã quỵ bên vệ đường nhưng vẫn chưa thấy ánh đạo. Sau đó Ngài quyết định thay đổi pháp tu, Ngày trở lại ăn uống bình thường và thực tập thiền định. Thực tập thiền định cũng không dễ, bao nhiêu nội ma ngoại chướng cứ quấy rối mãi. Ngài phải chiến đấu với các thứ ma ấy trong từng giây từng phút, hết ngày này qua ngày khác. Bằng ý chí kiên cường và sự sáng suốt của mình, vào lúc sao mai mọc, Ngài đã cảm nhận được niềm hỷ lạc vô biên, Ngài đã chứng được đạo quả, đã thấy được chân lý nhiệm mầu. Giây phút ấy quả là vô cùng thiêng liêng và hệ trọng đối với Ngài cũng như đối với hàng triệu người con Phật. Vậy là từ một vị hoàng tử, Ngài đã trở thành một đức Phật, một bậc thầy cao cả của muôn loài chúng sanh. Sự thành đạo của Ngài đã đánh dấu một mốc son vô cùng quan trọng trong lịch sử nhân loại.
Với lòng thương yêu vô hạn đối với muôn loài chúng sanh, với hạnh nguyện cứu khổ độ sanh, Ngài đã chuyển vận bánh xe chánh pháp. Ngài giảng dạy không biết mệt mỏi. Những lời được Ngài nói ra là vô cùng giá trị, làm cho người nghe cảm nhận đươc sự thay đổi trong từng huyết mạch, từng tế bào của cơ thể. Những lời dạy của đức Phật đã làm thay đổi nếp nghĩ, lối sống của người nghe theo chiều hướng tích cực và hướng thượng. Ngài không chỉ truyền dạy bằng ngôn từ, mà Ngài còn truyền dạy bằng cả tấm lòng và bằng sự chứng nghiệm, bằng sức mạnh tâm linh cũng như bằng cuộc sống hiện thực sinh động của Ngài, chính vì vậy mà đã tạo nên sức mạnh lớn lao, tác động vào sâu trong tâm thức của người nghe.
Nhờ những lời dạy của Ngài mà nhân loại nhìn nhận một cách sâu sắc hơn về sự thật đau khổ của cuộc sống, biết được nguyên nhân của sự đau khổ ấy và cũng đã biết được con đường để có thể đi ra khỏi khổ đau. Những lời đức Phật dạy đã giúp cho nhân loại nhận thấy được qui luật vận động và biến đổi của vũ trụ và nhân sinh, để rồi từ đó tạo dựng một cuộc sống phù hợp với những quy luật ấy, nhằm đem lại an lành và hạnh phúc cho cuộc sống hiện tại cũng như tương lai. Cũng chính Ngài đã đề cao tính bình đẳng trong xã hội, không phân biệt hay kỳ thị chủng tộc, giai cấp, địa vị xã hội. Để thể hiện tính bình đẳng ấy, Ngài đã thuyết pháp cho tất cả mọi người, đối xử bình đẳng với tất cả mọi người và thương yêu tất cả, một vị vua, quan hay là một người cùng đinh cũng được đức Phật đối xử như nhau. Trong Tăng đoàn của Ngài, Ngài đã thâu nhận tất cả mọi tầng lớp, mọi thành phần của xã hội, từ hoàng thân quốc thích đến những người tiện dân, từ người có uy tín đến những phạm nhân, cả nam lẫn nữ đều được nhận vào làm đệ tử của Ngài. Ngài đã khẳng định rằng: “Tất cả mọi loài chúng sinh đều bình đẳng với nhau, đều có Phật tánh và đều có thể thành Phật”. Và Ngài cũng đã nhấn mạnh: “Không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ, không có giai cấp trong dòng nước mắt cùng mặn”. Nhờ vậy mà xã hội Ấn Độ thời bấy giờ đã bớt đi sự kỳ thị giai cấp, kỳ thị chủng tộc, phân biệt địa vị xã hội. Và ngày nay, tư tưởng bình đẳng trong xã hội vẫn còn nguyên giá trị.
Không chỉ có thế, Ngài còn nhắc nhở mọi người phải biết hoàn thành tốt bổn phận và trách nhiệm của mình. Làm con thì phải hiếu thảo với cha mẹ, phải phụng dưỡng cha mẹ và hướng dẫn cha mẹ sống một cuộc sống hiền lương. Ngài luôn luôn đề cao hạnh hiếu của đạo làm con. Ngài khẳng định: “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật. Gặp thời không có Phật, khéo thờ cha mẹ chính là thờ Phật vậy”. Chính Ngài là người đã nêu gương hiếu hạnh cho chúng ta noi theo. Ngài đã thuyết pháp giáo hoá cho Hoàng hậu Ma-da trên cung trời Đao lợi để cho mẹ Ngài thêm phần phước lợi. Ngài đã trở lại hoàng cung để hoá độ vua cha. Trong những giờ phút cuối cùng trên cõi đời của vua cha, Ngài đã đem hết khả năng của mình để dẫn dắt vua cha nhập vào dòng thánh. Và khi vua cha mất thì chính Ngài đã phụ một vai trong việc tiễn đưa linh cửu của vua cha đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Bên cạnh những người đệ tử xuất gia, sống đời phạm hạnh, phần lớn những người đi theo đức Phật là những người tại gia, mang trên vai nhiều gánh nặng gia đình cùng với những mối quan hệ phức tạp trong xã hội. Chính vì vậy đức Phật đã chỉ dạy những phương pháp cụ thể về vấn đề hạch toán kinh tế, về vấn đề chi tiêu, về việc ứng xử trong các mối qua hệ xã hội,… nhờ những lời dạy này mà người Phật tử có thể tạo lập cho mình một mái ấm gia đình, một cuộc sống hạnh phúc.
Ngài đã chỉ dạy rất nhiều vấn đề, nhưng có một vấn đề hết sức đặc biệt mà các vị giáo chủ của các tôn giáo khác không thể có được, đó là Ngài không bao giờ tự đề cao chính mình. Ngài nói rằng, Ngài chỉ là vị lương y bốc thuốc cho người bệnh, muốn lành bệnh thì bệnh nhân phải tự uống thuốc; Ngài chỉ là một vị thầy chỉ đường, muốn đến được đích thì mọi người phải đi bằng chính đôi chân của mình. Ngài không phải là đấng toàn năng, không thể ban phước hay cứu rỗi cho mọi người. Ngài cũng là một người bình thường như mọi người, chỉ có điều là Ngài đã nhận thấy được chân lý của cuộc đời, vượt ra ngoài những hệ luỵ của cuộc sống. Nếu mọi người thực tập theo con đường Ngài đã chỉ dạy thì mọi người cũng đạt được những gì Ngài đã đạt được mà thôi. Tự thân mỗi người phải có trách nhiệm với chính mình, phải tự hoàn thiện mình, tự cứu lấy mình chứ không ai có thể làm thay được.
Những lời dạy của Ngài đã thổi vào nhân loại một luồng sinh khí mới, làm cho mọi người cảm thấy tự tin hơn, thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn, và đã tiếp thêm sức mạnh cho mọi người, làm khơi dậy tính thiện, đánh thức lương tâm nơi mỗi người, khiến cho mọi người biết bỏ ác làm lành, sống một cuộc sống hiền thiện, có ích cho mình, cho gia đình và cho xã hội.
Ngài là một con người vĩ đại, một con người tuyệt vời. Sự ra đời của ngài vô cùng có ý nghĩa đối với những người Phật tử nói riêng và đối với toàn thể nhân loại nói chung. Nếu Ngài không ra đời, nếu không có những lời dạy của Ngài thì có lẽ là chúng con còn đau khổ và lầm than hơn nhiều. Để thể hiện lòng biết ơn vô hạn, lòng qui kính vô biên đối với bậc Đạo sư, chúng con không biết làm gì hơn, chúng con nguyện một lòng quy kính Ngài và sống đúng theo những lời Ngài đã dạy cho chúng con. Đấy là tâm hương lòng của chúng con kính dâng lên đức Từ Phụ nhân dịp kỷ niệm ngày đản sanh của Ngài.